lịch sử việt nam
Yên-Tử. Nẻo về Tâm.
Núi Yên-Tử - Hồn Thiêng Sông Núi
Ninh-Hạ
Ngàn vạn dặm tìm về Yên tử
Từ Hà nội theo hướng đông bắc. Qua Hòn Gay, Uông Bí. Phố quán bụi đen than mỏ. Lần theo đường Mỏ Vàng Danh. Qua chín suối mười đèo. Chín khúc quanh của suối Giải oan chảy băng qua đường đi. Mười dốc đường đi qua khe núi hẹp. Mùa hạ suối nước không sâu, chảy róc rách theo lối đi. Tiếng suối, tiếng chim, tiếng xào xạc của cây rừng dẫn đường đến chùa Lân không xa chân núi Yên tử.
Từ nền cũ của ngôi chùa xưa, nay là Thiền viện Trúc Lâm quy mô hoành tráng, trên lưng núi cao lồng lộng, nhìn về hướng đông nam, Hà nội cách xa 115 cây số. Với tôi, nhìn về bên kia Thái Bình Dương thì đã ngàn vạn dậm. Sau khi lễ Phật, bái Tăng Tổ, lần theo bực cấp dốc dài xuống núi, khởi đầu hành trình chiêm bái vùng địa linh đất tổ.
Nơi, hơn bảy trăm năm trước, nhà vua lỗi lạc Trần Nhân Tông (1279-1293), sau 14 năm tại vị và 5 năm làm Thái Thượng Hoàng, truyền ngôi cho con, Trần Anh Tông (1293-1314), đến tu hành 8 năm, đắc đạo, hoàng pháp và thị tịch. Nơi cội nguồn của thiền phái hồn tộcViệt. Nơi ba nhánh thiền tông Việt nam, Tì ni đa Lưu chi (Vinitaruci), Vô Ngôn Thông, Thảo Ðường hợp chung thành một dòng: Thiền Trúc Lâm Yên Tử mà Sơ Tổ là Trúc Lâm Ðầu Ðà, Ðiều Ngự Giác Hoàng. Từ đó, Yên Tử Việt Nam với Trần Nhân Tông, núi Linh Thứu Ấn Ðộ với Ðại Ca Diếp và núi Tung Sơn Trung Quốc với Tổ Bồ đề Ðạt Ma, là ba núi thiêng mạch nguồn Thiền tông Phật Giáo.
Từ chân núi cho đến đỉnh cao, khách hành hương vất vả theo bước thiền hành của chư tổ. Thăm chùa cũ am xưa. Nhớ về những thánh nhân, tăng tổ, vua quan, dân dã đã ở đây, ghé qua đây hay đang yên nghỉ trong lòng những mộ tháp bao năm hưng phế. Lại nghĩ về hai triều Lý, Trần. Ðặc biệt hai nhà vua lừng lẫy. Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông. Một người từ bỏ chốn thiền môn thanh đạm, bước vào triều đình xây nghiệp lớn và tại vị cho đến cuối đời. Một người từ ngôi cao hiển hách, quyền uy bậc nhất. Ðánh bại xâm lược Nguyên, Mông, giữ nước oai dũng lạ thường, rũ bỏ quyền lực và phú quý cung đình, bước vào chốn thiền môn, sơn cao núi thẫm, quyết chí tu trì độ chúng sinh.
Chùa cũ. Am xưa.
Lên Yên Tử, khách hành hương hay vãn cảnh ngày nay có thể lựa chọn lộ trình tùy theo sức khỏe, lòng tin Phật và vọng Tổ. Nói như vậy, vì tôi vốn có sức khỏe, cũng đã đi nhiều nơi thăm nhiều chỗ. Thế nhưng trên ngọn Yên tử này, trèo chưa tới đỉnh cũng đã đuối mệt muốn bỏ cuộc. Nằm sãi trên tảng đá lớn cheo leo. Chợt nghe tiếng xôn xao nói cười từ trên dốc đỉnh. Nghe tưởng rất gần mà xa. Không gian rất gần mà lối đi thì xa. Một lúc khá lâu, qua khúc quanh một tốp người đi xuống, trẻ già có đủ. Một cụ bà gầy nhom, cười toe, miệng móm chẳng còn mấy cái răng. “Gắng lên em. Niệm Phật là tới liền hà!” Chắc cụ đã thấy nét mặt và đoán ra tâm trạng của tôi. “Qua (tôi) đây 74 tuổi rồi mà còn leo tới được. Qua từ Châu đốc theo bà con ra đây lạy Tổ, lạy Phật. Tháng trước qua lên lễ chùa Bà Ðen ở Tây ninh. Còn sức đi được ngày nào thì đi”. Móm mém cười. Thở mệt. Bà chống gậy, lần mò xuống núi. Nhìn cụ bà tôi như được tiếp hơi. Ðường dốc núi thẳng dựng chắn ngang trước mặt chẳng còn đáng ngại.
Từ năm 2002, khách thăm Yên Tử có thể đi cáp treo. Rút ngắn một phần đoạn đường dốc để đến chùa Hoa Yên, rồi từ đây leo bộ lên cao. Cáp treo có hai Ga. Ga Dưới và Ga Trên. Kiến trúc lớn và đẹp. Ga dưới có quán ăn chay, mặn và nơi bán quà lưu niệm, phòng hướng dẫn du khách. Tổ chức khá chu đáo, trật tự. Không có cảnh níu kéo nài nỉ bán mua, chụp hình lưu niệm, như hầu hết các nơi du lịch trên đất Bắc. Ở ngoài nhìn vào nhà Ga cứ tưởng là một ngôi chùa mới. Mái cong. Ngói đỏ. Hoành phi. Câu đối. Cờ phướn màu mè.
Nhưng hãy men theo lối đi dọc sườn núi. Vất vả nhọc nhằn. Có đoạn khá hiểm nguy. Nhưng thú vị biết bao. Xúc động biết bao. Chiêm ngưỡng chùa am, lăng mộ . Ngắm nhìn phong cảnh. Rừng tiên, núi Phật. Núi cao ngất lẫn mây. Rừng trùng điệp xanh. Trúc tre, tùng bách, sứ đại cổ niên. Dốc núi đá cuội tròn trơn. Cheo leo. Quanh co. Thẳng dựng.
Nơi nơi như còn vương dấu tích và huyền thoại của các Tổ sư Trúc Lâm.
Hàng trăm Chùa am bảo tháp của Yên Tử, qua chiến tranh và phá hoại trộm của, chỉ còn lại mươi chùa rải dọc sườn núi. Chùa Lân, Chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Thiền Ðịnh, chùa Một Mái, chùa Bảo Ðài, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu. Tận cùng trên đỉnh non cao là chùa Ðồng. Chùa Vân Tiêu cũ nay cũng không còn, chỉ còn lại mấy mộ tháp. Trên lộ trình chính thức cho du lịch không có tên Chùa Thiền Ðịnh, chùa Bảo Ðài, nhưng lại có khu Huệ Quang Kim Tháp.
Chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm
Chùa nằm trên đường dẫn tới núi Yên tử.
Chùa Lân , còn có tên Long Ðộng Tự. nơi vua Nhân Tông dừng bước trước khi lên núi. Qua ngưỡng cổng chùa này, Ngài lên núi tu hành suốt tám năm. Thiền định tu hành. Năm năm đầu, không rời khỏi núi.
Xưa, đây là ngôi chùa lớn. Năm 1299, vua cho xây cất rộng thêm cho đủ chỗ làm nơi giảng kinh, truyền đạo. Trong chiến tranh kháng Pháp, chùa bị cháy rụi, trở thành hoang phế. Khoảng 1976, sau chiến tranh sư cô Thích Nữ Ðàm Châu dựng lại ngôi chùa tạm đơn sơ để có nơi hương khói cúng vọng Phật, Tổ.
Cũng sau 1975, trong Nam, Hòa Thượng Thích Thanh Từ xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm tại Ðà Lạt. Ðây là một ngôi chùa lớn đẹp, quy mô, đầy đủ tiện nghi nhất Việt nam. Nơi đào tạo các tăng ni theo thiền phái Trúc Lâm. Một thắng cảnh nổi tiếng hiện nay của Ðà Lạt. Thu hút du khách và Phật tử mọi quốc tịch đến viếng thăm, nghe kinh hay tu học.
Từ miền Bắc, nghe tiếng, Ban Bảo Vệ Di Tích Yên tử ở Quảng Ninh đã cho người vào tiếp xúc và mời Thầy Thanh Từ ra Yên Tử hợp tác để xây dựng lại các ngôi chùa tổ lâu năm mục đổ. Quan điểm hai bên có khác biệt lúc đầu. Phía chính quyền chỉ cho phép xây dựng lại chùa Lân cũng như tu bổ chùa cũ. Họ nghĩ đến nguồn thu nhập khai thác du lịch. Thầy Thanh Từ thì tâm nguyện muốn xây một thiền viện quy mô tại đó. Theo thầy, chùa chỉ là hình thức, thiền viện mới là nơi cần có để tăng ni tu theo đường lối Sơ Tổ Trúc Lâm. Nơi lưu trữ kinh tạng được dịch, giảng và giải, để quảng bá cho người tìm hiểu hay tu học. “Nếu ngày nay chúng ta có chùa có tháp, mà không có đường lối tu, thì cái trông đợi của Phật tử không thể nào thỏa mãn. Cho nên chúng tôi mới xin lập thiền viện Trúc Lâm Yên Tử dưới chân núi”. Qua mấy năm ra vào thương lượng, tâm nguyện và điều mong mỏi của thầy Thanh Từ và Phật tử trong Nam đã thành. Chính quyền chấp nhận đề nghị. Ngày 15 tháng 8, 2002 khởi công xây dựng lại “Chùa Lân-Thiền Viện Trúc Lâm”. Chùa được khánh thành ngày 14-12-02.
Ðứng trước cơ ngơi to lớn, khó ai có thể tưởng ra chùa được hoàn tất trong vòng bốn tháng. Từ dưới dốc núi, qua cổng chùa tên đề “ Danh Sơn Yên Tử, Thiền Phái Trúc Lâm”, cuối đường dốc cao, sừng sững một tu viện uy nghi. Hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Nghệ thuật kiến trúc, đường nét điêu khắc và hoa văn theo phong cách cổ truyền. Qua cổng tam quan, hai lầu chuông trống hai bên. Phật đường đơn giản, thoáng đãng, trang nghiêm. Theo gương sơ Tổ xưa dùng chữ nôm thay Hán, nay ở đây các hoành phi và câu đối đều bằng chữ quốc ngữ. Nhà khách với dãy bình nước lọc lớn đặt theo lối đi cho thập phương. Nội viện sau Phật đường, cách biệt, tĩnh lặng cho tăng ni tu học. Vườn hoa, cây kiểng, mộ tháp hài hòa. Chùa tựa lưng núi. Chung quanh núi rừng trùng điệp. Ðẹp! Thanh thoát! Ðặc biệt, dưới chân chùa có cả bãi đậu xe rộng mênh mông, bao quanh bởi những cây bằng lăng hoa tím. Nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ văn minh. Trong thiết kế, kiến trúc sư Phạm Hùng Sơn và các thầy đã có cái nhìn trước cho cả tương lai. Có thể nói, đây là ngôi chùa lớn và hiện đại nhất của miền Bắc do tâm đạo và công của, nhất là trình độ mỹ thuật và kỹ thuật của Phật tử trong và ngoài nước dưới sự chỉ đạo của thiền sư Thích Thanh Từ.
Giã từ Trúc Lâm Thiền Viện với lòng ngưỡng mộ việc làm vô cùng công đức và đầy ý nghĩa của một công trình.
Chùa Giải Oan
Hãy ghé thăm chùa Giải Oan trước khi lần theo dòng suối cạn, trên con đường im mát giữa hai hàng cỗ Tùng và Thanh Trúc mà tuổi đã quá bảy trăm năm, để đến Kim Tháp và Hoa Yên cổ tự.
Cũng như các chùa khác, các chùa ở đây không lớn. Chùa Giải Oan ở ngay chân núi. Tàng cổ thụ xanh mát. Đây là nơi có mộ tháp của vua Trần Anh Tông (1293-1314) người kế vị vua cha Trần Nhân Tông. Hai bên là bảo tháp của Tổ thứ hai Pháp Loa, và Tổ thứ ba Huyền Quang. Ðây có lẽ là tháp thờ. Theo sử sách, Tổ Pháp Loa lúc chết để lại phó chúc, nhục thể nhập tháp tại Thanh Mai Sơn, Côn Sơn. Tổ Huyền Quang cuối đời cũng qua tu tại Côn Sơn và viên tịch ở đó.
Nhân gian cho rằng chùa có tên Giải Oan để thờ các cung phi trầm mình xuống suối tuẫn tiết khi vua Trân Nhân Tông dứt khoát thoát tục lụy từ bỏ hoàng cung. Chuyện cũng khó tin. Vì suối thì cạn, khó mà làm chết người. Sử chép, có nhiều cung phi đi theo khóc than khẩn cầu Thượng Hoàng thay đổi ý định, trở về hoàng cung. Ðến chân núi, ngài cho lệnh họ quay về, sống đời tự do. Ai muốn, thì được cấp phát đất để trồng trọt sinh nhai quanh miền lân cận. Nếu có thì giờ chắc cũng dễ kiểm chứng điều này tại địa phương.
Có một điều có thể lý giải được. Là một vi vua bao lần xông pha trận mạc, mấy lần đánh đuổi Nguyên, Mông, Chiêm, Mán... chiến tranh dù là giữ nước hay chiếm nước, cũng làm cho vô số người mạng vong. Chết vì chiến tranh hẳn là những cái chết oan khiên chẳng ai chờ, chẳng ai muốn. Trước khi vào núi để tìm đường giác ngộ những người sống, có chăng vua Trần đã giải oan khiên cho nhũng linh hồn vong mạng, triệu thỉnh những oan hồn vất vưởng bụi bờ về chùa để nghe kinh, siêu sinh hóa kiếp.
Khu Tháp Tổ và chùa Hoa Yên
Thật xúc động khi rạp mình đảnh lễ trước bảo tháp của Ðiều Ngự Giác Hoàng. “Trực chỉ nhân tâm. Kiến tánh thành Phật”. Chỉ thẳng tâm người. Thấy tánh thành Phật. Từ Bồ Ðề Ðạt Ma cho đến Trúc Lâm Ðầu Ðà, chỉ một điểm tới, một nẻo về. Dưới chân núi kia, ngập lặn trong tham sân si, cũng chỉ vì tâm mờ bụi phủ. Ðược mất. Hơn Thua. Tị hiềm. Thù hận!
Lắng nghe. “Tuần này mà ngẫm. Ta lại xá ta. Ðắc ý trong lòng. Cười riêng ha hả! Công danh chẳng trọng, phú quý chẳng màng; Tần Hán xưa kia. Xem đà hèn hạ. Yên bề phận khó, kiếm chốn nương thân; Khuất tịch non cao, Náu mình sơn dã...” (Ðắc Thú Lâm Tuyền Thành Ðạo Ca-Trần Nhân Tông). Tiếng cười Thiền Tổ vang vọng núi rừng, dội vào lòng người. Bỗng nhiên phiền muộn cũng cuốn bay theo gió núi mây ngàn.
Ngôi tháp thiền tổ sáu tầng cao. Ðơn sơ. Tường gạch bao quanh. Khói hương nghi ngút. Quanh tường những cây sứ lâu năm. Cành vươn qua bờ tường gạch mái ngói. Bông trắng thơm nhẹ. Quanh quẩn bên ngoài Lăng Quy Ðức này, rất nhiều tháp mộ, to nhỏ khác nhau, được giữ gìn sạch sẽ. Mộ tháp của chư tăng và hoàng tộc. Ðây là công đức xây dựng của Tổ Huệ Quang, người kế thừa Tổ Huyền Quang.
Trước kia muốn lên đây phải vượt qua đoạn đường vách núi cao. Từ ngày có cáp treo, Ga Trên nằm ngay dưới chân khu Kim tháp, đoạn đường này không dốc lắm được xây bậc xi măng nên khách thăm cũng đỡ nhọc nhằn. Giữ sức để đi đến nơi về đến chốn. Ðỉnh không xa mà đường còn vời vợi.
Ðường đi mỗi lúc mỗi khó. Bám theo hàng chục bậc cấp cao thì đến chùa Hoa Yên ở lưng chừng núi. Một ngôi chùa nổi tiếng của Việt nam. Chùa to nhất Yên Tử và một là thắng cảnh được ca tụng trong thi văn. Trước đây chùa có tên Vân Yên, vua Lê Thánh Tôn đổi là Hoa Yên. Tên đó giữ cho đến bây giờ. Ðây cũng là nơi, theo ý chỉ của Ðiều Ngự, Tổ thứ ba Huyền Quang trụ trì nhiều năm, rồi giao cho sư đệ An Tâm, về Côn Sơn tiếp tục đường tu. Ngài là một nhà sư đa văn bác học, một văn nhân thi sĩ biệt tài.
Trước khi vào chùa, khách vãn cảnh hãy ngồi thư giãn bên cạnh gốc sứ (đại) già trên bảy trăm năm. Thân cây to lớn sần sùi, cành sứ lâu năm quấn lấy nhau rất lạ. Gốc cây quằn ngang vì không chịu nổi gánh nặng của ngọn cành được chống đỡ bằng khối xi măng hình non bộ. Không biết cây còn trụ được bao lâu. Ðứng trên sân chùa nhìn núi rừng bát ngát. Những đêm trăng rằm hay những sáng rạng đông mùa hạ hoặc lúc mặt trời sắp lặn mỗi chiều hoàng hôn... cảnh trí khó mà tả được.
Nguyễn Trãi đã đến đây và làm thơ.
Yên Sơn sơn thượng tối cao phong,
Tài ngũ canh sơ nhật chính hồng.
Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại...
Ngọn núi cao nhất ở trên núi Yên tử
Vừa đầu trống canh năm mặt trời đã đỏ rực
Trong vũ trụ, phóng mắt trông suốt ngoài biển xanh...
Nguyễn Quảng Tuân dịch
Thiền sư Huyền Quang đã có bài phú nôm nổi tiếng vịnh chùa. Ðọc mấy đoạn ngắn để thấy được thi vị và thiền vị danh lam.
Buông miền trần tục
Náu tới Hoa Yên
Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy
Gió tiên đưa đòi bước thần tiên
Bầu đủng đỉnh giang hòa thế giới
Giày thong thả dạo khắp sơn xuyên....
.... Ðất tựa vàng lên
Cảnh bằng ngọc đúc
Mây năm thức che phủ đền Nghiêu
Non nghìn tầng quanh co đường thục...
... Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng
Vượn bồng con kề cửa nghe kinh
Nương am vắng Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu, mây nhè nhẹ
Kề song thưa thầy ngồi thiền định, trăng vằng vặc, núi xanh xanh...
(PGVNSL Nguyễn Lang)
Ðiện Phật cổ kính. Tượng Phật chạm trổ công phu. Bàn thờ, hoành phi và các tượng sơn son thiếp vàng. So với những chùa đã đi qua trên miền Bắc, bố trí thờ phượng ở đây tương đối sạch, thoáng rộng. Không luộm thuộm, bụi tro. Sau điện Phật là nhà thờ Tổ. Khách hành hương lại có dịp bái lạy tượng tam tổ trên bệ thờ bằng gạch cao chạm mái.
Theo sách sử truyền lại, sư Huyền Quang tinh thông đạo lý nên học đồ bốn phương nghe danh tụ hội về tham vấn thường xuyên không dưới ngàn người. Ðứng trên sân chùa giữa trưa hè nóng bỏng, thầm nghĩ. Đường núi gian nan lại thêm chùa tuy khá lớn nhưng với số lượng người như vậy làm sao chứa đủ?
Tạm biệt Hoa Yên tiếp tục lộ trình đến chùa Một Mái và Chùa Bảo Sái. Ðoạn đường chỉ gần một cây số mà quá đỗi cheo leo.
Chùa Một Mái
Một ngôi chùa? Trong hơi thở dập dồn, tôi ngẩn người. Chùa chỉ là một hốc núi nhỏ hẹp. Một mái ngói đủ che. Ba bề vách núi . Rễ cây, thân cây và rêu xanh phủ tràn mái ngói. Phía trước được che chắn bởi vách gỗ sơn đỏ phai màu, ọp ẹp. Chùa nằm ngay trên vực núi, lối vào cửa nhỏ có rào chắn rệu rạo để ngăn cách với vực sâu. Không gian chùa chỉ khoảng hơn một thước rộng và sáu thước dài. Trần núi chạm đầu, vừa đủ chỗ cho bàn thờ có hàng chữ Việt “ Thường Trú Tam Bảo”. Bên phải thờ tượng Tam tổ, theo lời sư cô, đây là những tượng xưa nhất còn lại. Tôi đếm được năm tượng nhỏ chưa đầy nửa thước. Ngoài ba Tổ, không biết các tượng kia là ai. Một tượng mặc phẫm phục triều đình. Ở đây tượng bằng đá, tróc sơn, trắng vàng loang lổ. Nhưng nét mặt lại rất tự nhiên gần gũi. Bát hương, chân đèn để lộn xộn trên bệ thờ thấp. Tất cả đều bằng đá. Bụi và tàn hương phủ bám đầy. Cạnh bàn thờ Tổ là một vũng nước trong veo từ vách núi rỉ ra. Theo lời sư cô, đây chính là động thất mà vua thiền định. Sư cô chỉ lên trần núi thấp chạm đầu, một lỗ tròn nhỏ bằng đồng xu, nói rằng, hàng ngày từ đây gạo từ trời rơi ra đủ cho ngài dùng một ngày. Âu cũng chỉ là truyền thuyết nhân gian. Vua, dù có đi tu thì chắc cũng không phải lo âu về ẩm thực. Ðây cũng là nơi trên suốt lộ trình Yên Tử tôi gặp ni sư. Ðược chuyện trò và trao đổi. Những nơi khác đều là các nhân viên trai trẻ mặc thường phục, ngồi nhâm nhi trà nước, thuốc lá phì phèo, nhìn du khách và người thăm viếng như kẻ qua đường.
Có phải chính tại đây, trong hốc núi lạnh, bảy trăm năm trước Ðiều Ngự Giác Hoàng từ bỏ cung vàng điện ngọc, thiền định khổ hạnh tu hành. Trong thoáng chốc, một niềm xúc động thiêng liêng tràn ngập.
Chùa Bảo Sái
Ni sư tiễn tôi trên bực thang cấp. Chỉ hơn nửa cây số trên dốc đứng đến Bảo Sái, mà khách hành hương nhiều người bỏ cuộc quay về, trong đó suýt có tôi, đã lên núi giữa trưa hè nóng rát. Nếu khởi hành từ sáng sớm và có nhiều bạn đồng hành mà lại đồng điệu, vào những ngày xuân, thu, khí trời mát mẻ thì đường đi sẽ tới... nhẹ nhàng hơn.
Bảo Sái là ngôi chùa xưa nhất của Yên Tử cũng là nơi tôi khá thất vọng trong chuyến hành hương này. Vị trí chùa rất đẹp, dựa lưng vào vách đá. Chùa là một sự kết hợp vô duyên tân cổ. Ðiện thờ tối tăm. Câu đối, cửa chùa chạm trổ công phu lâu ngày không sơn quét bạc phếch. Ghế bàn lộn xộn. Dọc mái chùa một dãy đèn lồng đỏ choét như ở các tửu lầu bên Tàu, treo lẫn với cờ Phật giáo. Bên hông chùa, một động núi lớn. Nhìn xuống xa, cây rừng và thung lũng. Cảnh trí tuyệt vời. Ngồi ở đây dăm ba phút thì mệt nhọc và ưu phiền cũng sẽ tan nhanh. Thật đáng tiếc và rất chướng mắt, trong khung cảnh thiên nhiên núi rừng đó, người ta đã cho đặt một tượng Phật nằm có rào chắn bao quanh. Trên vách núi rêu phong, treo hai chim phượng và bức hoành phi lạc điệu. Tất cả bằng đá xám, như loại đá chùa Non Nước Quảng Nam. Gần đó, tại địa điểm đẹp nhất trên mõm núi, một tượng Phật Bà Quan Âm cũng bằng đá xám, trên vai khoác chiếc áo choàng có kim tuyến màu mè như thường thấy trong tuồng cải lương hay phim chưởng. Màu sắc và hình tượng của những “sáng kiến” này làm hỏng cả một vùng di sản. Tất cả phản ảnh trình độ và ý thức rất hạn chế của người có trách nhiệm bảo tồn hay muốn tân tạo. Thiền Viện Trúc Lâm dưới núi, cũng như chùa Ðồng trên đỉnh non là những mô thức để theo.
Cổng trời. An Kỳ Sinh, tượng đá
Theo sơ đồ chỉ dẫn, nếu từ Bảo Sái rẻ về tây trên đường ngang khoảng 184 thước sẽ đến chùa Vân Tiêu. Tôi không đến đó. Tiếp tục đi thẳng trên đường dốc, trèo qua những tảng đá cao. Những chướng ngại cho người không đủ sức và lớn tuổi. Gần tới đỉnh, gió càng lúc càng mạnh. Ðây là Cổng Trời. Trước mặt bỗng hiện ra một tảng đá thiên tạo rất cao, đứng sừng sững in hình trên sườn núi. Ðá có hình như một đạo sĩ đang nhìn xuống quần sinh, vũ trụ. Ðó là tượng An Kỳ Sinh, (còn gọi là Yên Kỳ Sinh) một nhân vật lịch sử và huyền thoại của Trung hoa trên linh sơn đất Việt. Trời còn sớm, đường tuy gian nan nhưng không còn xa. Tạm dừng chân bên tượng và nghĩ về nhân vật kỳ thú này.
Theo tương truyền Yên Kỳ Sinh đến tu tiên trên ngọn Tử Tiêu. Tên núi ghép với tên ông, núi có tên gọi là Yên Tử. Chắc chắn ông không phải là một nhà sư như nhiều sách nhắc tới mà là một đạo sĩ luyện thuốc trường sinh. Gần tượng có động Dược am và Thung am. Am thuốc và am luyện thuốc. Ông đến đây lúc nào? Ngoài tượng đá rêu phong trước mặt và hai am, dấu tích huyền thoại tưởng tượng của nhân gian, có di tích hay sử sách nào ghi chép về ông? Tương truyền Yên Kỳ Sinh đắc đạo ở đây. Vậy thì ông đã thành Chân Nhân hay Tiên Ông bất tử, còn dạo quanh đâu đó trên núi chăng? Có điều, Trung Quốc nổi tiếng với vô số núi thiêng như Hoằng Sơn, Thiên Thai, Nga Mi, Vũ Ðang, Ngũ Nhạc... ông không ở đó mà đến Yên Tử. Thì quả thật Yên Tử của đất Việt phải là chốn linh sơn. Bởi thế đối với chúng ta, An Kỳ Sinh là một nhân vật huyền thoại, thần thánh nhân gian. Nhưng với Trung Quốc thì đó lại là một nhân vật có thật.
Sử chép, đời Tần Thủy Hoàng (201-206 BC) đạo sĩ An Kỳ Sinh đã tu tiên luyện thuốc trường sinh tại Phổ Ðà Sơn (Thuộc tỉnh Triết Giang. Nơi đây bây giờ là trung tâm du lịch và hành hương nỗi tiếng. Đạo trường Quan Thế Âm Bồ Tác. Hàng triệu người đến để chiêm bái tượng Quan Âm linh ứng cao 33 thước, lồng lộng vượt trên rừng tử trúc đỏ rực. Ở đây còn có tảng đá để lại dấu chân của Phật Bà “Quan Âm khiêu”). Ông đã được Tần Thủy Hoàng triệu về cung và chuyện trò ba ngày, ba đêm. Từ chối quan phẩm và ở lại triều đình, ông ra đi và hẹn Tần Thủy Hoàng ngàn năm sau tìm gặp trên một đảo xa. Tần Thủy Hoàng thu giang sơn về một cõi, đặt mình ngang hàng với Tam Hoàng Ngũ Ðế, những thánh vương Trung Hoa thời lập nước. Xưng là Hoàng Ðế, hiệu là Thủy Hoàng, là Hoàng Ðế đầu tiên. Ông muốn cho con cháu sẽ thay nhau kế nghiệp đến muôn đời, lấy danh hiệu Nhị Thế, Tam Thế... cho đến Vạn thế. Riêng ông thì muốn trở thành Chân Nhân, tiên bất tử, nên ra sức cho người lặn lội tìm thuốc trường sinh, hay cây “chi” là thứ thuốc lạ. Nhà vua cho Từ Sinh và Lư Sinh đi tìm An Kỳ Sinh.
Biển rộng sóng lớn không gặp được đạo sĩ, họ trốn đi luôn không về. Thủy Hoàng trút giận trên đầu Đạo sĩ và Nho sĩ. Chôn sống 460 người ở Hàm Dương. (Nếu lúc đó biết An Kỳ Sinh đang ở Yên Tử thì Tần Thuy Hoàng đã tìm được và có thuốc sống cho tới bây giờ. Nếu vậy thì Mao Trạch Ðông đâu có!- NH).
Không cải được số trời, Tần Thủy Hoàng chết bệnh, chết yểu trên đường kinh lý. Xác phải lén che dấu đem về Hàm Dương. Hai con lên thay tàn ác như cha. Cuối cùng nhà Tần chỉ tồn tại 14 năm. Vua, đại thần đều hại nhau chết thãm thiết. Gieo ác gặp ác. Luật Nhân Qủa rành rành.
Ðường đi đã tới: Chùa Ðồng.
Tượng An Kỳ Sinh trơ gan cùng tuế nguyệt, ở lại sau lưng.
Lại leo lại trèo. Có khi gần như bò trên đá núi. Qua bảy trăm thước, khách hành hương khoan khoái dừng chân trên trên đỉnh Yên Tử. Hít thở không khí trong lành, phóng mắt nhìn trời đất bao la. Tỉnh Quảng Ninh rộng lớn nhìn thấy xa xa. Gặp ngày nắng trong, vịnh Hạ long thấp thoáng cuối chân trời.
Khách vào Thiên Trúc Tự.
Chùa nằm trên đỉnh cao nhất của Yên Tử. 1068 thước trên mực nước biển. Ðể đến đây người đi đã vất vả, kỳ thú vượt đường núi dài ba cây số rưởi. Ba lần chiều cao của núi. Chùa Thiên Trúc, chỉ là một chùa rất nhỏ được đúc bằng đồng nên gọi là chùa Ðồng. Chùa dựng dưới triều Lê (1428-1527). Bảo tố đã tàn phá chùa vào năm 1740. Năm 1930 chùa được xây lại bằng xi măng trên nền chùa cũ. Năm 1993, một chùa bằng đồng mới nhỏ lại được dựng cạnh chùa xi măng. Khách hành hương lên đây lễ bái hai chùa trên cùng một đỉnh núi.
Chỉ mới đây, khách lên từ xa, đã thấy lấp lánh, chói lòa mái chùa mới như đóa sen trong nắng. Ðây là ngôi chùa mới tái tạo thay thế hai ngôi chùa hiện có do sự đóng góp của Phật tử trong và ngoài nước. Thầy Thích Thành Quyết là người chịu trách nhiệm công trình xây dựng. Công ty Xây Dựng Mỹ Thuật Hà nội được ký hợp đồng thi công. Cô Phạm Thị Mai Hoa, Giám đốc công ty cho biết, khó khăn nhất của công trình là vận chuyển các khối vật liệu nặng hàng tấn lên đỉnh trên đường núi gần bốn cây số, để rồi lắp ráp. Chùa chiếm diện tích 20 thước vuông với sức nặng của 70 tấn đồng. Kiến trúc của chùa, kể cả bề cao và chiều dài cũng như thiết trí trong ngoài đều theo đúng mô thức thời Trần. Ngày 19 tháng 2, 2007 vừa qua, trên ba mươi ngàn Phật tử từ khắp miền đất nước và hải ngoại, tụ hội đêm trước, không màng gió lạnh căm của núi rừng, để cầu nguyện và chờ hôm sau dự lễ khánh thành Hộ thần nhập tượng và Khai quang yên vị.
“Hễ lên tới chùa Ðồng, tôi luôn cảm thấy an bình, giải hết mọi khổ đau và phiền muộn”. Một Phật tử hành hương đã nói thay cho những ai có dịp về Yên Tử, đứng tĩnh lặng trước chùa Ðồng, tưởng nhớ, tri ân Trúc Lâm Ðầu đà, ngộ đạo ở đây hơn bảy thế kỷ trước. Người đã chỉ cho chúng sinh con đường giải thoát phiền đau khổ lụy. Chỉ cho chúng sinh một nẻo về: Nẻo về Tâm.
Ðường đi đã tới. Thắc mắc vẫn còn!
Rời Yên tử. Ngủ đêm tại Hạ long với những thắc mắc còn vướng bận và theo tôi về tận miền Trung tây Hoa Kỳ.
“ Ngọa Vân Am ở đâu???”
Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên-Quyển thứ 10) có ghi rõ: “Thượng Hoàng (Trần Nhân Tông-NH) sau khi xuất gia, lên ở trong am Ngọa Vân trên ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ. Lúc Thiên Thụy Công chúa (Chị ruột của Thượng Hoàng-NH) bị bệnh nặng, Thượng Hoàng xuống núi để thăm, khi trở về núi, đem công việc sau khi mất dặn lại người thị giả (Vị tăng ở gần để sai phái-NH) là Pháp Loa (sau kế vị là Tổ thứ hai-NH), dặn xong thì mất. Pháp Loa dùng phép hỏa hóa...”. Ở đây không nói rõ nhưng chỗ khác có ghi, ngài cũng chết tại Ngọa Vân Am, nơi ngài tu, vào tháng 11, mùa đông năm Mậu Thân 1308. Hưởng thọ 51 tuổi. Lạ lùng nhất, ngài viên tịch cùng ngày giờ như đã hẹn với chị. Ngọa Vân Am như thế tất phải là nơi linh thiêng nhất, nơi phải đến của bất cứ ai muốn về Yên Sơn cúng lạy Sơ Tổ. Thế nhưng, trên bản đồ du lịch và trên nhiều sách vở lục tìm, Ngọa Vân Am... tuyệt tích.
Lòng thảnh thơi
Không ngờ! Chỉ sau một thời gian ngắn, kể từ ngày rời Yên Tử. Ngày thứ hai 9 tháng 7, 2007, qua Vietimes tôi mừng vui nhận được tài liệu hình ảnh rất quí giá loan báo về việc khám phá kho báu bị bỏ quên của danh sơn Yên Tử. Trong đó có hình ảnh của Ngọa Vân Am và có bia ghi rõ tháp Phật Hoàng, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch. Một tấm hình quí giá khác khẳng định mộ tháp này là nơi lưu giữ một phần xá lợi của Ðiều Ngự Giác Hoàng. Việc này giải tỏa cho tôi những thắc mắc tồn đọng. Và đúng như sách sử đã ghi. Sau khi hỏa hóa nhục thân Thượng Hoàng, thu được 1000 xá lợi (xương không cháy còn lại-NH) . Một phần đưa về Yên Tử. Chính là ở đây. Một phần thờ ở Ðức Lăng. Những thông tin sau đây đều trích từ nguồn tin đã dẫn.
Từ nguồn tin của lâm tặc, thợ săn người địa phương, một nhóm cán bộ có khả năng leo rừng như... khỉ của Bảo tàng Bắc Giang đã khám phá ra hệ thống chùa, am, tháp, mộ, tượng, bia đá và cây cổ thụ được trồng trong di tích... vô cùng quý giá trên dãy Yên Tử hùng vĩ và bí ẩn. Nằm giữa mây mù và rừng nguyên sinh hoang rậm, cả hệ thống thiền viện, am, chùa cổ hiện ra với tòa ngang dãy dọc, với ngôi tháp đá xanh bảy tầng nguyên vẹn, với di tích am Ngọa Vân. Cả rừng mộ tháp bị nhồi bộc phá, bị khoét hang, khoét hầm hòng tìm bới cổ vật; cả hệ thống các cây vải, quýt, bưởi, nhãn, đại, thông được trồng từ bảy trăm năm trước bị đánh gốc xẻ thịt. Những phát hiện trên đây đã gây sửng sốt trong giới khoa học (và xúc động cho tăng ni, Phật tử-NH). Sau hàng thế kỷ bị lãng quên, giữa rừng già, con đường của các bậc chân tu đắc đạo đã được chính thức ghi nhận. Ðể có được khám phá kỳ diệu thiêng liêng-vẻ đẹp quyến rũ độc nhất vô nhị và cả nỗi đau bị tàn phá của hệ thống di sản này, nhóm phóng viên đã vất vả 4 ngày đi bộ ròng rã và 3 đêm ngủ giữa rừng.
Những người khám phá đã chọn đúng con đường chinh phục. Sườn Tây Yên tử. Ði từ tỉnh Bắc Giang. Khác hẳn con đường bao nhiêu chục năm nay thường đi từ Quảng Ninh. Như vậy, trong tương lai nếu Bắc giang khai thác du lịch thì danh sơn Yên Tử có thể thuộc về cả hai tỉnh. Bắc Giang hay Quảng Ninh. Tùy thuộc đường lên núi. Theo sườn núi phía tây hay phía đông bắc.
Hẹn một ngày về
Tôi đang bị rừng nguyên sinh và các bãi đá kỳ dị, những di tích tăng tổ lâu ngày lãng quên của sườn Tây quyến rũ. Hẹn với lòng, lần này, sẽ đốt nén hương trầm nơi ngài mất: Ngọa Vân Am. Một nén trên mộ bia Phật Hoàng, nơi xá lợi của ngài, phần xương cốt của ngài, hơn bảy thế kỷ trôi qua, nằm gắn bó trong lòng đất Việt.
Những nhà khảo cổ, Phật học và bảo tồn di sản dân tộc trong ngoài nước: Yên Tử đang chờ!
Chicago, đầu thu 2007
Tham khảo
-Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục
Viện Sử Học dịch. Hà nội 1998
-Ðại Việt Sử Lược. Khuyết danh
Nguyễn Gia Tường dịch. TPHCM 1993
-Việt Sử Tiêu Án. Ngô Thời Sĩ
Văn Hóa Á Châu dịch. Saigon 1960
-Sử Trung Quốc. Nguyễn Hiến Lê
TPHCM 2006
-Sử Ký Tư Mã Thiên
Nguyễn Hiến Lê và Giản Chi dịch
Saigon 1968
-Những Ngôi Chùa Danh Tiếng. Nguyễn Quảng Tuân.
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam. 1990
-Mùi Trầm Hương. Nguyễn Tường Bách. TPHCM 2002
-Tạp Chí Hoa Sen. Số 59. California 2007
-Trang Mạng: Thiền Tông Việt Nam. Thư Viện Hoa Sen.
ACSN.online. Footprintsvietnam.com
@ Tác giả gởi trực tiếp đến trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử (ver. cũ) năm 2007. Chân thành cám ơn tác giả Ninh Hạ
Vua Trần-nhân-Tông @ Thư Viện Bồ Đề Trúc-Lâm Yên-Tử
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử