lịch sử việt nam
Kính Mừng Khánh-Đản 745 Năm Của Đức Điều-Ngự Giác-Hoàng
(Kính dâng khánh đản 745 năm của Đức Điều Ngự Giác Hoàng. Một bậc Thánh Quân, một biểu tượng của sự hài hòa tôn giáo và dân tộc, 1258-2003)
Trúc-Lâm Nguyễn-Việt Phúc-Lộc biên khảo
Đức Điều Ngự Giác Hoàng tức Hoàng đế Trần Nhân Tông (*) là người con lớn của Thượng hoàng Trần Thánh Tông. Ngài húy là Khâm, đản sanh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258), niên hiệu Nguyên Phong thứ 8 (1258). Năm Mậu Dần (1278) ngày 12 tháng 2 được truyền ngôi vua, đổi niên hiệu là Thiệu Bảo. Khi đản sanh ngài có được tinh anh của bậc thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai vị hoàng phi đều cho là lạ, gọi là «Kim Tiền Đồng Tử» (sách Tam Tổ Thực Lực ghi Kim Phật).
Ngài đã hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt và cùng với các danh tướng như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, Bảo Nghĩa Hầu Trần Bình Trọng, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Tướng quân Nguyễn Khoái v.v…xóa tan mộng xâm lăng nước ta của quân Mông-cổ do Hốt-Tất-Liệt cầm đầu.
Sau khi tạo nên những chiến thắng lẫy lừng lịch sử cổ kim, cũng như giữ gìn được toàn vẹn lãnh thổ và độc lập quốc gia, đức ngài đã nhẹ nhàng thoái vị nhường ngôi vua cho thế tử Trần Anh Tông thay cha trị nước(*). Sau đó, dũ sạch hồng trần xuất gia tu tập và trở thành thiền sư Điều Ngự Giác Hoàng, đồng thời là sơ tổ của phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Một phái thiền hoàn toàn do người nước Đại Việt chủ xướng và hành trì. Ngài biểu hiện sự thẩm thấu tâm linh của bản thân trong tuyệt phẩm Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, quyển này có đoạn viết như sau:
Niệm lòng vằng vặc
Giác tính quang quang ;
Chẳng còn bỉ thử
Tranh nhân chấp ngã
Trần duyên rũ hết
Thị phi chẳng hề
Chúng ta hãy thử nhìn ra bờ biển sẽ thấy từng đợt sóng từng đợt sóng lớn có nhỏ có liên tục liên tục theo gió thổi mà bềnh bồng trôi tắp vào bờ không ngưng nghĩ. Đó là một thí dụ cho thấy bên ngoài sự vật lưu chuyển như thế nào thì trong tâm của chúng ta nó chuyển động như thế ấy. Hết dòng tư tưởng này đến ngọn sóng vọng tưởng khác cuồn cuộn tràn lên lớp sau dồn lớp trước mãi mãi không ngừng. Do đó ngay từ khi còn hơi thở, mỗi người không ít nhiều cảm nhận mình đang ở trong vòng luân hồi sanh tử trong từng giây phút một, chứ không đợi tới khi nhắm mắt lìa trần, tùy theo nghiệp duyên mà đi vay mượn một hình hài khác. Cứ thế, xoay vần hết kiếp này đến kiếp khác. Vì vậy để cảnh giác chúng sanh về nguy cơ này, ngài Điều Ngự Giác Hoàng đã nói: «…chớ cho sống chết là chuyện chơi».
Ý thức được điều đó nên mọi người Phật tử đều gắng sức thực hành pháp môn nào mà cảm thấy thích hợp với căn cơ của mình. Dù là thiền tông, tịnh độ hay duy thức hoặc hành trì thần chú, nhưng trăm sông vẫn tuôn về biển. Biển đó là biển giác. Trên đường tu học, điều đầu tiên mà người Phật tử cần thực hiện đó là giữ gìn giới luật cho vẹn toàn. Nền tảng giới luật được thực hiện để kềm chế các niệm lòng cho chúng bớt phát khởi, dần dần khi nó đã thuần thục ta đi đến chỗ kiểm soát không cho nó phát khởi ngoài sự kiểm soát của ta. Niệm lòng (hay tâm niệm) muốn nói ở đây là buồn, vui, sung sướng, đau khổ, giận hờn v.v…Có người sẽ thắc mắc, như thế tu theo Phật giáo con người trở thành gỗ đá hết hay sao ? Người tu học theo PG là nhằm để kiểm soát tư tưởng, hành động cũng như lời nói của mình không cho chúng phóng túng, từ đó ta sẽ tạo được khung cảnh hạnh phúc thật sự ở chung quanh. Chỉ có những người sống và thực hành một cách đúng nghĩa mới cảm nhận được điều chúng tôi vừa trình bày. Cũng ví như muốn no bụng thì phải ăn bánh ăn cơm thật, còn ăn bánh vẽ làm thế nào no cho được?
Niệm lòng (tham, sân, si) thực sự lắng đọng cũng ví như ly nước đã hoàn toàn lắng xuống tất cả cát bụi sau khi đã để yên một thời gian. Ngắn hay dài còn tùy theo ly nước đục nhiều hay ít. Khi bụi lắng xuống ta sẽ được một ly nước trong. Không phải là trong bình thường mà là rất trong. Cũng vậy, ngài Điều Ngự cho ta thấy một người sau khi tiêu diệt hết phần phiền não thì cái tâm (hay lòng) của họ sáng vô cùng. Cũng như đêm trăng tròn ngày 15 âm lịch nếu trời không có mây, ta sẽ thấy được cái sáng vằng vặc mà tác giả muốn ẩn dụ cái tâm sáng không còn bị phiền não quấy rầy.
Khởi đi từ cái tâm sáng vằng vặc do không bị phiền não câu thúc, nên tánh giác hiển lộ. Tánh giác mà ngài đề cập tới nó hàm chứa rất nhiều nghị lực biên trong. Chữ quang quang xin được hiểu là nghị lực, sự quả quyết. Sự quả quyết và nghị lực là chất xúc tác khiến cho người tu tập đi đến tận cùng của sự giác ngộ, do đó sẽ không còn thấy sự khác biệt giữa ta và người. Ta xem mọi người cùng giống như nhau, tôn trọng nhau và không gây đau khổ cho nhau. Vì ta tôn trọng người tức là tự mình tôn trọng mình, không gây đau khổ cho người tức là không làm cho ta khổ đau. Tác động này nó sẽ ảnh hưởng đầu tiên là tập hợp nhỏ như gia đình, sau đó ra đến địa phương cư ngụ, lớn hơn một chút là thành phố, tiếp thêm là kết nối giữa những thành phố với nhau không phân biệt lớn nhỏ. Đi xa hơn là ở phạm vi quốc gia cũng như giữa các nước với nhau trên hành tinh. Đó là người Phật tử đã kiến lập được nhân gian Tịnh độ. Do Tịnh độ nhân gian được kiến lập nên sự phân biệt ta hay người, hay tranh chấp đúng sai giữa người và ta sẽ không còn chỗ đứng. Sở dĩ có sự tranh chấp ta người vì ta cho ta là đúng rồi bảo là người sai. Đúng hay sai cũng nằm trong vọng tường, khi vọng tưởng đã không còn thì đúng sai cũng theo đó mà tan. Thế rồi sự ràng buộc trong trần thế (trần duyên) do đó mà buông xuôi hết, ngay cả chuyện chê khen được thua xem nhẹ tợ sợi tơ. Nói đến đây sẽ có người thắc mắc, thế thì PG chủ trương buông bỏ tất cả mọi chuyện trên đời này hay sao, như thế có mâu thuẩn hay khi đạo Phật thường đề cập tới Tứ Ân cần phải báo đền? Như thế có tiêu cực hay không?
Thực ra PG không tiêu cực như vậy, qua trích đoạn trên, ngài Điều Ngự giác Hoàng khuyên mọi người chúng ta nên buông bỏ tức là không buông bỏ mà là buông bỏ. Buông bỏ là nên buông bỏ phiền não vọng tưởng; không buông bỏ là theo đuổi đến cùng để đạt tới mục tiêu giác tính quang quang; mà là buông bỏ tức buông bỏ chấp nhân chấp ngã.
Do quan niệm mở rộng như thế, ngài Điều Ngự Giác Hoàng đã không còn là một vị thiền sư của Phật Giáo, cuộc đời và hành trạng của ngài là biểu tượng chung cho sự hài hòa tôn giáo và dân tộc của một thời thịnh trị cách đây 745 năm.
Với sự Tĩnh Lặng Tuyệt Đối, Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông (sau này là thiền sư Điều Ngự Giác Hoàng) đã lãnh đạo thành công quân dân Đại Việt đánh bại cuộc xâm lăng của quân tàu Mông-cổ (1285-1288). Trong Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, ngài Điều Ngự Giác Hoàng nói: «Niệm lòng vằng vặc, giác tánh quang quang» nó biểu lộ cả một quá trình tập trung tâm lực, và tập trung tâm lực tới mức tối cao. Sự Tĩnh Lặng Tuyệt Đối cũng nằm trong ý nghĩa đó.
Nam Mô Lịch Đại Tổ Sư Bồ Tát
Nam Mô Trúc Lâm Yên Tử Điều Ngự Giác Hoàng Tổ Sư tác đại chứng minh
Trúc-Lâm Nguyễn-Việt Phúc-Lộc biên khảo
(Quốc lịch 4882 Phật lịch 2546 ngày 11 tháng 11 năm Quý Mùi, tức 4/12/ dương lịch 2003)
Vua Trần-nhân-Tông @ Thư Viện Bồ Đề Trúc-Lâm Yên-Tử
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử