lịch sử việt nam
Hội Sử-Học Việt-Nam
Vietnamese historical Association
Websites : http://truclamyentu.info; http://quansuvn.info
Email: truclamyentu1@truclamyentu.info
Suy Tôn Trúc-Lâm Đệ Tứ Tổ Và Trúc-Lâm Đệ Ngủ Tổ
Duyên Khởi:
Sau khi đức Đệ Tam Tổ Huyền-Quang viên tịch vào ngày 23 tháng giêng năm Giáp tuất (1334) tại Côn Sơn, đồng thời cũng là lúc tư-tưởng tam giáo đồng nguyên bắt đầu suy thoái, cho đến khi Hồ-Quý-Ly cướp ngôi nhà Trần, rồi đến Minh thuộc vào năm 1407, có thể nói dòng thiền Trúc-Lâm Yên-Tử hoàn toàn ở vào thế bị động, hiếm thấy những bậc tài danh làm nổi bật môn phái.
Phải đợi đến khi đức Lê-Thái-Tổ hoàn thành cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, lúc đó mới xuất hiện một nhân vật kiệt xuất về mặt tư tưởng văn-hoá dân tộc, cũng như khả năng vượt trội trên mặt quân sự, đó chính là Ức-Trai Nguyễn-Trải.
Xuyên suốt qua sự nghiệp văn học, chính trị, quân sự của ngài, mới phát hiện ra, đây chính là một vị tổ thứ tư của phái thiền Trúc-Lâm Yên-Tử.
Tiếc thay, một nhân vật kiệt xuất như thế lại bị hàm oan và gia đình cả ba họ đều bị giết chết vào ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất tức ngày 19 tháng 9 năm 1442.
Đến thế kỷ thứ 18, khi Quang-Trung Hoàng-Đế phất cờ khởi nghĩa và đại phá 20 vạn quân nhà Thanh, một nhân vật kiệt xuất khác xuất hiện trên văn trường và chính trường của Đại Việt, tài năng, tư tưởng, cũng như nhân cách được người đời xưng tụng là Trúc-Lâm đệ tứ tổ, theo Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh do Cao Xuân Huy, Lâm Giang dịch.
Tuy nhiên, theo sự khảo sát của Hội Sử-Học, sự sắp xếp này không hoàn toàn hợp lý.
Ngài Ức-Trai Nguyễn-Trải tiên sinh xuất hiện trước Ngô-Thời-Nhậm tiên sinh đến ba thế kỷ; hơn nữa ngài Nguyễn-Trải đã từng áp dụng tư tưởng Trúc-Lâm Yên-Tử vào việc khôi phục sơn hà đánh đuổi quân xâm-lược nhà Minh, tương tự như ngài Ngô-Thời-Nhậm hỗ trợ cho Quang-Trung hoàng-đế đánh đuổi quân nhà Thanh.
Do đó, về tình và lý, cần phải có sự sắp xếp lại thứ bậc.
Nhân dịp ngày Giỗ Tổ Hùng Vương lần thứ 4892, và Đại lễ Phật Đản 2557, Hội Sử-Học Việt-Nam quyết định suy tôn ngài Ức-Trai Nguyễn-Trải tiên sinh là Trúc-Lâm Đệ Tứ Tổ, ngài Ngô-Thời-Nhậm tiên sinh là Trúc-Lâm Đệ Ngủ Tổ.
Liên Âu ngày 01-04-2013, Phật lịch 2557, Việt lịch 4892
Trúc-Lâm Nguyễn Việt Phúc Lộc, Tổng thư ký Hội Sử-Học Việt-Nam
Sau đây là tiểu sử và hành trạng của Trúc-Lâm Đệ Tứ Tổ Nguyễn-Trải
Trúc-Lâm Đệ Tứ Tổ Nguyễn-Trải
Tiểu sử :
Ngài sinh năm 1380 và mất ngày 19-09-1442, quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương). Là con trai của Học sĩ Nguyễn-Phi-Khanh và bà Trần-Thị-Thái, cháu ngoại của Chương Túc quốc thượng hầu Trần-Nguyên-Đán (hiệu Băng Hồ, là tôn thất nhà Trần, dòng dõi Chiêu Minh vương Trần Quang Khải)
Hành Trạng :
Tư tưởng tam giáo đồng nguyên bắt đầu suy thoái từ cuối thời vua Trần Hiển Tông (1329-1341) rồi kéo dài cho tới thời vua Trần Thiếu Đế (1398-1400).
Sau đó bị Hồ Quý Ly lợi dụng quyền bính trong tay cướp ngôi nhà Trần và cai trị đất nước khoảng bảy năm (1400-1407). Khi lên ngôi vua, Hồ Quý Ly đã áp dụng tư tưởng pháp trị để cai quản quốc gia. Thực tế có thể nói là tư tưởng tâm linh khai phóng của tam giáo đồng nguyên đã xung đột với tư tưởng thực tiễn bế quan. Hay nói một cách khác quan niệm Nhân Trị (tam giáo đồng nguyên) và Pháp Trị (nho gia) xung đột với nhau đã đưa đến việc Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần.
Ông cho tiến hành cải cách quân đội, với mục đích làm sao có được trăm vạn hùng binh để chống với giặc Tầu; về giáo dục, cố gắng cởi bỏ tâm lý tự ti mặc cảm của nho gia đối với Tầu, đồng thời ông đề cao chữ Quốc Âm và ông dịch Kinh Thư ra chữ Quốc Âm rồi hiệu đính cho các nữ quan học hỏi. Đại để là Hồ Quý Ly đã phát động một cuộc cách mạng tư tưởng, đề cao lối học khoa học thực dụng, bác bỏ lối học từ chương trích cú. Hơn nữa ông còn đề cao Chu Công lên trên Khổng Tử.
Thế nhưng sự cải cách của ông đã không được dân tộc ủng hộ, vì các giới cho rằng Hồ Quý Ly là kẻ phản nghịch cướp ngôi nhà Trần đưa đến việc quân nhà Minh sang tấn chiếm và nước ta bị đô hộ trong 20 năm (1408-1428).
Khi quân Minh đánh bại quân của Hồ Quý Ly năm 1407, họ đã tịch thu tất cả tài liệu, thư khố của Đại Việt và đem về Kim Lăng cũng như bắt đi những nhân tài nước ta đem về Tầu phục vụ cho chúng. Đây là lần diệt chủng văn hóa lần thứ hai trong lịch sử dân tộc.
Trong số những nhân vật thuộc triều đình nhà Hồ bị quân Minh bắt được, có Hàn Lâm Viện Học Sĩ Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Phi Khanh là cha của Nguyễn Trải. Cả hai đều là nhân tài của thời Trần Hồ đào tạo nên.
Kịch thơ Hận Nam Quan của Hoàng cầm có đoạn:
Đây biên giới hai nước thù đẫm máu;
Đây Nam Quan ... con mắt khép tình thâm
Lối qua lại của một loài cuồng khấu
Là Nam Quan ... chua xót bóng nghìn năm.
Đây Nam Quan, bốn bề sương lạnh lẽo,
Hồn thuở xưa lay động bóng tinh kỳ
Ai đi sứ nơi quê người lẽo đẽo
Cỏ hoa rừng dâng lệ khóc phân ly ?!
Đây Nam Quan, những u hồn thấp thoáng
Đứng đầu non, trông rõi bóng quê hương
Đây Nam Quan, anh hùng xưa lảng vảng
Trỏ sang Tàu, vẽ máu trên đường gươm.
Đây Nam Quan, nơi tướng quân họ Lý
Đuổi quân thù để cứu lấy dân sinh
Lại phóng xá cho giống người tiểu kỷ
Rút binh về, múa tít lưỡi gươm linh
Đây Nam Quan, quân Nguyên rời biển máu
Thoát rừng xương, tơi tả kéo nhau về
Say chiến công, tướng nhà Trần lảo đảo
Nắng chiều hôm rung động ánh gươm thề.
Màu thời gian phất phơ làn khói biếc
Bóng người xưa lồng lộng tít trời xanh
Đến bây giờ Thăng Long nằm đợi chết
Đau lòng ta tiếng gọi dưới trăng thanh
Nước phá, nhà tan, muôn dân u uất !
Biết bao giờ lau sạch máu trên đầu ?
Mấy cha con như thần vụt tắt,
Đường xa xôi, huyết lệ chảy về đâu ?
...
Ý chí kiên cường bất khuất của Nguyễn Phi Khanh đã nung nấu bầu nhiệt huyết của Nguyễn Trải. Sau này, Nguyễn Trải đã phò Lê Lợi kháng quân Minh và trở thành người có công mở đầu triều đại nhà Lê.
Ngày 29 tháng 4 năm 1428, khởi nghĩa của Lê Lợi thành công, đánh đuổi toàn bộ quân Minh ra khỏi bờ cõi nước Nam. Nguyễn Trải đã thảo và công bố bài Bình Ngô Đại Cáo. Nội dung là báo tin mừng chiến thắng cho cả dân tộc, đồng thời nêu cao chính nghĩa, nhân nghĩa của mười năm kháng chiến chống quân Minh.
Đầu bản văn khẳng định
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Ông đã tố cáo sự tàn bạo độc ác của quân xâm lược nhà Minh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
..
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!
Không thể nào chấp nhận cảnh nô lệ đen tối, và theo hiệu lịnh của Đồng Cổ Đông Sơn, tộc Việt đã vùng lên khởi nghĩa
Núi Lam Sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống
Trong cuộc khởi nghĩa tộc Việt đã đề cao nền văn hiến
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Và nhờ đó đã đoàn kết dân tộc chiến thắng quân xâm lược nhà Minh
Âu cũng nhờ trời đất tổ tông
Linh thiêng đã lặng thầm phù trợ;
Than ôi! Một cỗ nhung y chiến thắng,
Nên công oanh liệt ngàn năm
Bốn phương biển cả thanh bình,
Ban chiếu duy tân khắp chốn.
Xa gần bá cáo,
Ai nấy đều hay.
Tư tưởng căn bản của Nguyễn Trải cũng như vào thời này là đề cao NHÂN NGHĨA. Ở đầu bài Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trải đã hùng hồn công bố :"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Mặc dù ông là một nho gia, nhưng tư tưởng Nhân Nghĩa đã được ông chủ xướng trong việc tham gia nghĩa quân Lam Sơn chống quân xâm lược nhà Minh. Nhân Nghĩa của Nguyễn Trải là tư tưởng Nhân Nghĩa đã tồn tại từ thời Hai Bà Trưng cho đến lúc đó, là một tư tưởng Nhân Nghĩa cứu dân cứu nước, chứ không phải của tống nho từ chương trích cú, chỉ lo công danh lợi lộc như những nho gia cuối thời Trần, vì thù ghét Hồ Quý Ly cướp ngôi nên đã chỉ đường vẽ lối cho quân Minh dễ dàng xâm chiếm Đại Việt.
Như khi ông đáp lại thư của tướng quân Minh là Phương Chính: "Phù đồ đại sự giả dĩ Nhân Nghĩa vi tiên. Duy Nhân Nghĩa chi kiêm toàn, cố sự công chi tất tể" nghĩa "Phàm người làm việc lớn cần phải lấy tình thương và tư cách làm đầu. Chỉ có tình thương và tư cách hoàn toàn mới hoàn thành mọi việc".
Tình thương (Nhân) ở đây theo ý ông là tình thương đến muôn loài, là tình thương bao hàm cả trời đất của Lục Độ Tập Kinh truyền lại; Còn tư cách (Nghĩa), danh từ khác là Hạnh, là giữ gìn tư cách, lý tưởng cho đến hơi thở cuối cùng.
Với Nhân và Nghĩa trên ông đã cùng với nghĩa quân Lam Sơn đánh bại đoàn quân xâm lăng của nhà Minh. Điểm đặc biệt là ông đã áp dụng chiến thuật công tâm đi đầu rồi mới tới công thành đã khiến nhiều tướng giặc phải ra hàng. Đông Quan có Vương Thông, Mã Anh, Lý An, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ, Phương Chính. Tại Tây Đô có Hà Trung. Tại Chí Linh có Cao Tường. Khi quân tướng giặc ra hàng, đa số dân chúng Đại Việt mong muốn chém đầu tất cả người này để trả mối thù đã giết chóc gia đình của họ và dày xéo đất nước Đại Việt trong hơn mười năm qua. Nhưng Nguyễn Trải và Lê Thái Tổ đã dĩ đức báo oán, cốt để tiêu diệt tận gốc mầm mống hận thù và giữ được tiếng thơm sau này. Những quân lính nhà Minh này đều được trao trả về xứ sở cũng như cấp phát lương thực quần áo đem theo trên đường.
Nguyễn Trải còn chủ trương Nhân Nghĩa trong đạo làm tướng khi ông viết thư trả lời Phương Chính : "Vi tướng chi đạo dĩ Nhân Nghĩa vi bản, Trí Dũng vi tư" nghĩa "Một vị tướng phải lấy Nhân Nghĩa làm đầu, còn Trí và Dũng chỉ là phương tiện tiếp theo". Đây là một định nghĩa cho bậc Thiên Tài Quân Sự.
Cũng cùng chữ Nhân nhưng người Tầu và người Việt có những suy tư và hành xử khác nhau.
Chữ Nhân của người Tầu được trình bày đầu tiên trong Ngũ Thường của Khổng Tử. Vốn để đào tạo một chính nhân quân tử Trung Hoa. Ngũ Thường gồm Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Thầy Mạnh Tử định nghĩa người đại trượng phu quân tử như sau: Phú quý bất năng dâm. Khi người quân tử được giàu sang thì không nên say mê danh vọng, địa vị, sắc đẹp, bài bạc, hút sách ở cuộc đời; Bần cùng bất năng di. Người quân tử cho dù gặp nhiều khó khăn trở ngại hay bần cùng trong lý tưởng hay trên cuộc đời cũng không nên nản chí mà bỏ đi lý tưởng mình đã và đang theo đuổi; Uy vũ bất năng khuất. Người quân tử không bao giờ bị khuất phục bởi sức mạnh, cường quyền.
Phải công nhận một điều chữ Nhân nói trên còn bị khá nhiều giới hạn. Giới hạn của nó ở chổ chỉ nhằm tu chỉnh con người bên ngoài nhưng thiếu chú trọng về mặt tâm hồn. Nghĩa là tu dưỡng nội tâm để trở nên một con người có thể tự thắng mình. Con người tự thắng mình tức là con người đã vượt qua được những sự phiền não, tựu chung ở tham lam, giận dữ và mê muội. Hơn nữa chữ Nhân của người Tầu không mở rộng thành tình thương giống nòi đồng loại.
Chữ Nhân của người Việt là trường hợp khá đặc biệt, chính Nguyễn Trải đã cụ thể hóa chữ Nhân này trong cuộc kháng chiến chống quân Minh.
Bình Ngô Đại Cáo là một áng văn trác tuyệt của thế kỷ thứ 15, có thể nói đây là văn bản tượng trưng cho sự chuyển tiếp từ tam giáo đồng nguyên khai phóng, hài hòa sang nền Nho giáo độc tôn thống trị.
Tư tưởng Nhân Nghĩa của Nguyễn Trải là một tổng hợp giữa hai nền văn hóa lớn ở Á Châu vào lúc đó và cho đến bây giờ. Đó là nền văn hóa Việt Nam và Trung Hoa. Cung cách hành xử nơi ông cho thấy tổng hợp cả hai lý tưởng bồ tát và quân tử đều được thực hiện cùng một lúc trong việc cứu nước giúp dân.
Dù vậy, hai nhân vật lớn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã có hai tư tưởng rất khác biệt.
Nguyễn Trải đại diện cho tư tưởng Nhân Nghĩa phóng khoáng bao dung, ảnh hưởng của nền tam giáo đồng nguyên thời Lý Trần, cũng như tư tưởng thời Vua Hùng và Phật giáo được kết tinh trong Lục Độ Tập Kinh.
Lê Thái Tổ đại diện cho khuynh hướng Nho giáo độc tôn pháp trị. Ở đây cách hành xử của ngài khác với Hồ Quý Ly, cho dù lập nên triều đại mới, nhưng vẫn giữ nền tảng của của triều đại cũ bằng cách đặt lại quốc hiệu là Đại Việt, chứ không thay đổi là Đại Ngu như họ Hồ.
Quả vậy, khi vua Lê Lợi lên ngôi, ông đã xây dựng triều đại của mình bằng các chủ trương của Nho giáo. Nhưng loại Nho giáo mà ông hướng theo lại quá triệt để bằng cách thủ tiêu hầu hết các người có công đánh giặc Minh như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, ngay cả Nguyễn Trải cũng bị nghi ngờ, rồi bị bắt, được thả ra sau đó hai tháng.
Thế nhưng số phận nghiệt ngã đã đến với ông. Nguyễn Trãi và toàn gia tộc rụng đầu ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất tức ngày 19 tháng 9 năm 1442 dưới lưỡi dao oan nghiệt của cái triều đình ươn hèn và tăm tối mà chính ông đã chiến đấu gian khổ để dựng nên.
Điều đặc biệt là những năm cuối đời trước khi chết, Nguyễn Trải từ thuở thiếu niên đã hướng về Nho giáo, lúc lớn tuổi lại thay đổi quan niệm hướng về đạo Phật, đặc biệt là tinh thần Trúc Lâm Yên Tử của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ông cho rằng Nho giáo không thể nào giải quyết rốt ráo vấn đề của nhân sanh cũng như giấc mộng giúp nước giúp đời của ông.
Thanh niên phương dự ái Nho lâm
Lão khứ hư danh phó mộng tầm.
Trượng sách hà tòng quy Hán thất;
Bảo cầm không tự tháo Nam âm.
Nghĩa
Lúc tuổi xanh tiếng thơm sực nức rừng nho
Đến khi già bỏ mặc mộng tìm danh hư.
Chống roi ngựa làm gậy biết đâu tìm nhà Hán
Ôm đàn cuống gãy điệu phương Nam
...
Ông đau khổ thốt lên rằng
Ta dư cửu bị nho quan ngộ
( Thân ta bị cái mũ nhà nho đánh lừa đã lâu )
Sự kiện Nguyễn Trải và ba họ bị chém đầu đã chấm dứt mối liên hệ với tam giáo đồng nguyên thời Lý Trần mà Nguyễn Trải là người đại diện sau cùng. Từ đó về sau, ý thức hệ Nho giáo hoàn toàn chủ đạo đất nước, và chế độ tập quyền của triều đình trung ương đi đến cực thịnh dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), tiêu biểu của hệ thống tư tưởng trong giai đoạn này là vua anh minh thì xã tắc, dân chúng được nhờ cậy. Còn vua u mê ám chướng thì xã tắc lung lay, nhân dân điêu đứng. Sự suy thoái bắt đầu từ thời vua Lê Uy Mục (1505-1509) làm loạn, giết anh em, chú bác ruột thịt đến 26 mạng người.
Tư tưởng Nho giáo độc tôn đến nỗi trong thời vua Lê Thái Tông vào tháng 12 năm 1437 đã giết quan nhập nội đại Đô đốc Lê Ngân vì có người điềm chỉ cho triều đình là nhà của Lê Ngân có thờ Phật Quan Âm.
Và cuộc khủng hoảng ý thức hệ đã xảy ra một cách trầm trọng. Cuộc khủng hoảng này kéo dài khoảng 100 năm. Song song với cuộc khủng hoảng ý thức hệ này là sự kiện bờ cõi Đại Việt được mở rộng về phía Tây và Nam; cũng như nhiều nhà buôn ngoại quốc và buôn bán trên đất nước chúng ta ở Hội An, hoặc các nhà truyền giáo Tây phương đến giảng đạo Công giáo như các giáo sĩ người Tây phương vào các năm 1533 - 1596. Trước tình hình này, triều đình Đại Việt đã có sự thích ứng ra sao?
Bởi vì do chính sách độc tôn thống trị của Nho giáo, đã đào tạo nên một tầng lớp Nho gia chỉ lo công danh lợi lộc, sẵn sàng bán nước cầu vinh, chẳng màng đến đời sống nhân dân cơ cực đã khiến đất nước xảy ra các cuộc nội chiến lâu dài như Trịnh Nguyễn Mạc phân tranh, nhuệ khí, hùng tâm, thực lực của dân tộc bị tiêu hao trầm trọng trong các thế kỷ 15, 16, 17, 18.
Trích Chương IX - Thiên Niên Sử Thăng-Long Thành - Trúc-Lâm Nguyễn-Việt Phúc-Lộc biên khảo (tháng 04-2012)
***
Trúc-Lâm Đệ Ngủ Tổ Ngô-Thời-Nhậm
Trúc-Lâm Đệ Ngủ Tổ Ngô-Thời-Nhậm (nguồn ảnh: http://dantraonha.com)
Tiểu sử :
Ngài Ngô-Thời-Nhậm sinh ngày 11/9 năm Bính Dần (25/10/1746) tại làng Tả Thanh Oai (tục gọi làng Tó) Trấn Sơn Nam (nay là xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình). Thuở nhỏ, ông tên là Phó, sau đổi là Nhậm, tên tự là Hi Doãn, hiệu là Đạt Hiên. Xuất thân từ một gia đình quí tộc, có truyền thống văn học, lên 7 tuổi, ông bắt đầu theo cụ nội là Đan Nhạc Công Ngô Trân, 11 tuổi thì đã đọc được kinh, truyện, sử…15 tuổi học với bố là Ngô Thời Sĩ (1726-1750). Ông vốn rất thông minh, lại cần cù học tập; 16 tuổi soạn được quyển Nhị Thập Thất Sử Toát Yếu, có lẽ là một thứ tóm tắt "Bắc sử" dùng vào việc thi cử, 17 tuổi sát hạch ở trường huyện, hai lần đều chiếm hạng ưu; 21 tuổi soạn xong Tứ Gia Thuyết Giả (không rõ sách gì). Vài năm sau thi đỗ khoa sĩ vọng và được hiến sát phó sử Hải Dương.
Hành Trạng :
Cuối 1771, gặp lúc cha bị cách chức, ông xin về phụng dưỡng, cũng trong lúc này biên soạn quyển Hải-Đông Chí Lược, ghi chép núi sông, nhân vật, số dân, thuế lệ của trấn Hải-Dương.
Năm 30 tuổi, Cảnh Hưng năm Ất Mùi (1775) thi đỗ tiến sĩ. Khoa này có 18 người đỗ, không có đệ nhất, đệ nhị giáp, chỉ toàn là tam giáp tiến sĩ, ông đỗ thứ năm và được bổ cập sự trung bộ hộ, giữ nhiệm vụ xem xét công việc sai trái của bộ. Năm Bính Thân (1776), ông được thăng Giám Sát Ngự Sử đại Sơn-Nam, một chức vụ kiểm tra các việc ngục tụng, quân nhung, thuế khóa…của địa phương. Sau đó, có lần ông được làm giám khảo khoa thi hương ở Hải-Dương rồi thăng lên đốc đồng Kinh Bắc. Năm 1778, lại kiêm cả đốc đồng Thái-Nguyên. Năm Kỷ Hợi 1779 thăng hiện thư tòa Đông Các, có nhiệm vụ hiệu đính các văn từ sách vở. Thời gian này ông có tham gia đàn áp cuộc nổi dậy của Thổ Ty Hoàng Văn Đồng ở mỏ đồng Tụ Long (xưa thuộc Tuyên Quang). Sau đó ít lâu, ông lại đi kinh lược xưởng đúc bạc ở mỏ Tông Tinh (Thái-Nguyên).
Năm 1780, xảy ra vụ án Trịnh Khải, ông có dính líu đến vụ án này nên dư luận cho là "Sát tứ phụ như thị lang" (Giết bốn người cha được chức thị lang). Và cũng chính vì lý do đó năm 1782, sau khi Trịnh Khải nắm quyền, ông phải trốn ra vùng mà ngày nay thuộc Thái-Bình Hà-Nam-Ninh. Trong thời gian này ông vẫn sáng tác đó là tập thơ Thủy Vân nhàn vịnh và bộ Xuân Thu Quân Kiến ra đời.
Năm Bính Ngọ 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất chấm dứt quyền thống trị của họ Trịnh. Ngô Thời Nhậm từ am Lệ-Trạch (Thái-Bình) trở về Thăng Long nhận chức đô cấp sự trung bộ hộ, kiêm toàn tru Quốc sử của triều Lê Chiêu Thống.
Tháng 6 năm Mậu Thân 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, Lê Chiêu Thống bỏ trốn. Ngô Thời Nhậm về ở ẩn tại thôn Kim Quan, huyện Thạch-Thất, Sơn-Tây, kết thúc cuộc đời làm quan cho triều đình Lê Trịnh. Trong những năm này ông viết nhiều sách như Kim Mã Hành Dư, Hào Mân Ai Lục và tập thơ Bát Hải Tùng Đàm.
Ít lâu sau, do Trần Văn Kỷ giới thiệu với Nguyễn Huệ, ông được làm Thị Lang Bộ Công, tước Trình phái hầu. Đây cũng là bước ngoặt của cuộc đời Ngô Thời Nhậm. Ngày Lê Chiêu Thống rước hơn 20 vạn quân Thanh sang dày xéo đất nước, Ngô Thời Nhậm đã thay Quang Trung viết bài chiếu lên ngôi, ông còn hiến kế rút quân về Tam-Điệp để tạo cơ hội cho Nguyễn Huệ mở cuộc hành quân thần tốc, lập nên chiến thắng Kỷ Dậu (1789) lịch sử.
Sau chiến thắng, Ngô Thời Nhậm cùng Phan Huy Ích được giao trách nhiệm tùy tiện ứng phó với nhà Thanh để yên việc chiến tranh. Các văn kiện ngoại giao do ông thảo trong thời kỳ này được tập hợp thành quyển Bang Giao Hải Thoại và cả trong Bang Giao tập.
Năm Canh Tuất 1790, ông được thăng Thượng Thư Bộ Binh; hai năm sau, kiêm chức Tổng Tài Quốc Sử Quán. Vua Quang Trung mất 1792, đầu năm sau, ông được triều đình cử làm chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong cho Quang Toản. Ông đã được Thanh Càn Long tiếp và được gặp các sĩ phu Tàu, những sáng tác của ông lúc này được tập hợp trong Hoàng Hoa Đồ Phả còn gọi là Sứ Trình Thi Họa hay Hoa Trình thi Vấn Gia.
Năm 1797, ông trông coi việc san tu quốc sử, nhân dịp này ông đã đem bộ sử của cha mình là Đại Việt Sử Ký Tiền Biên ra khắc in (gồm 17 quyển, chính là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhưng đã được Ngô Thời Sĩ bổ sung tài liệu và xen vào những lời án của họ Ngô (Việt Sử Tiêu Án) và lời án của Nguyễn Nghiễm). Năm 1798, nhân được giữ chức Giám Từ Văn Miếu Bắc thành, ông cho sửa sang các nơi và xin mở các kỳ thi. Nhưng cũng trong thời gian này, nội bộ triều đình Quang Toản lục đục, do đó quân Tây Sơn đã bất lực trước sức tấn công của Nguyễn Ánh. Ngô Thời Nhậm buồn bã trở về mở thiền viện ở nhà riêng tại phường Bích Câu, viết tập Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh.
Sau khi Nguyễn Ánh kéo quân ra Bắc, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Gia Phan…đều bị đưa ra Văn Miếu đánh đòn. Vì có hiềm ức với Đặng Trần Thường, nên tuy là bạn cũ, ông đã bị y sai đánh một cách cố ý. Ông mất ngày 16/2 năm Quý Hợi (7/3/1803). Trong thời kỳ phục vụ nhà Tây-Sơn, ngoài những tác phẩm kể trên, ông còn viết được tập Hàn Các Anh Hoa và những tập thơ: Cẩm đường nhân thoại, Cúc Thu Thi Trận, Thu Cận Đương Ngôn, Liên Hạ Thi Minh…
Tác phẩm đã thực hiện:
1/ Nhị Thập Thất Sử Toát Yếu, 1761, thất truyền, có ghi trong Ngô gia thế phả.
2/ Tứ Gia Thuyết Phả, 1766, thất truyền.
3/ Hải Đông Chí Lược, 1771, thất truyền.
4/ Tự Học Toản Yến, ?, bài tựa trong Kim Mã Hành Dư. Có lẽ là sách tam Thiên Tự giảng nghĩa.
5/ Công Vụ Thành thư, 1778.
6/ Thánh Triều Hội Giám, 1781, đề cương có nói đến trong Kim Mã Hành Dư.
7/ Bút Hải Tùng Đàm, 1769-1782, có mặt trong Ngô gia thế phả, 3 quyển.
8/ Thủy Vân Nhàn Vịnh, 1782-1786, 3 quyển.
9/ Xuân Thu Quân Kiến, 1782-1786, 2 quyển.
10/ Kim Mã Hành Dư, 1775-1788, 13 quyển.
11/ Hoàng Hoa Đồ Phả, 1793, 7 quyển.
12/ Cúc Thu Thi Trận, 1796, 7 quyển.
13/ Ngọc Đường Xuân Khiến, 1786-1792, 7 quyển.
14/ Cẩm Đường Nhàn Thoại, 1795-1797, 4 quyển.
15/ Thu Cận Dương Ngôn, 1797-1798, 4 quyển.
16/ Hào Mán Ai Lục, 1780, 1800, 5 quyển.
17/ Bang Giao Hảo Thoại, 1789-1800, 11 quyển.
18/ Hàn Các Anh Hoa, 1789, 1801, 8 quyển.
19/ Liên Hạ Thi Minh, 1800, thất truyền, chỉ có bài "Thuyết" chép trong Ngô gia văn phái.
20/ Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh, 1798-1802, 2 quyển, không thấy trong Ngô gia thế phả mà có sách in riêng.
Có một vài người nhận định rằng chính ông là tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Tuy nhiên trong Ngô gia thế phả và trong tùng thư của Ngô gia văn phái đều không hề thấy chỗ nào nói như vậy.
Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là tiếng nói của Ngô Thời Nhậm vào lúc cuối đời. Với tác phẩm này ông xuất hiện như một nhà tư tưởng. Tuy xuất thân là Nho học, nhưng tư tưởng thiền tông đã len vào tâm tư ông vào năm 1798 khi nhà Tây Sơn đi vào cơn khủng hoảng. Ông trở về nhà cũ mở Trúc Lâm thiền viện tại phường Bích Câu (gần Văn Miếu, Hà Nội. Ông đã thuật lại cuộc đời của mình và tư tưởng ba vị Tổ Trúc Lâm thành Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh chính là có ý muốn kế tục tinh thần thiền của phái Trúc Lâm đời nhà Trần.
Ông đặt tên kinh này là Đại Châu Viên Giác Thanh Kinh chia làm 24 chương một tên gọi khác là Nhị Thập Tứ Thanh (tức 24 tiếng). Nó đặc biệt ở chỗ kết hợp tư tưởng Nho và Phật. Trong thời kỳ mà thực tiễn cuộc sống xã hội đã làm cho những tín điều Nho giáo bị lung lay đến tận gốc, thì quan niệm tam giáo đồng nguyên đã được biết từ thời xưa, nay được dịp nhắc lại ở đây. Kiến giải của ông về lý và dục, tính và tâm, thể và dụng, sinh và diệt không phải không có những nét độc đáo và mới mẻ. Như Phan Huy Ích đã cho biết trong lời tựa kinh Đại Chân Viên Giác Thanh (Bính thìn 1796), Ngô Thời Nhậm "là một người kinh nghiệm rất giàu, sở đắc rất tinh, tam giáo cửu lưu, bách gia chu tử, không gì là không nghiền ngẫm đến nơi đến chốn". Nghiên cứu cái giá trị tinh thần phá chấp của ông trong "Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh" sẽ giúp ta tìm hiểu phần nào tư tưởng của một thời kỳ sôi động cuối thế kỷ 18. Người đương thời gọi ông là Tổ thứ tư Trúc Lâm. Hai nhà sư Hải Hòa và Hải Âu thường giao du với ông vẫn gọi ông là Hải Lượng Đại Thiền Sư.
Cao Xuân Huy, Lâm Giang dịch
(*) Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh. Sách tham khảo Hán Nôm. Nhà xbkhxh 1978 Hà Nội.
Đọc thêm: Từ Nguyễn Trãi đến Ngô Thì Nhậm và con đường đi lên đỉnh núi Yên Tử - Thích-Phước-An
Vua Trần-nhân-Tông @ Thư Viện Bồ Đề Trúc-Lâm Yên-Tử
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử