lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Trưa Ngày 21 Tháng 4 Năm 1975
To: QUANDANCANCHINH <Daploisongnui@yahoogroups.com>
Trưa ngày thứ Hai, 21 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Thiệu mời Phó Tổng thống Trần Văn Hương và Đại tướng Trần Thiện Khiêm - cựu thủ tướng - đến Dinh Độc Lập và thông báo với họ rằng ông đã quyết định từ chức. Tổng thống Thiệu kể lại cho hai nhân vật này cuộc hội kiến với đại sứ Pháp và Hoa Kỳ ngày hôm trước và nhấn mạnh rằng cả hai ông đại sứ đều không chính thức khuyến cáo ông từ chức, tuy nhiên vì tình hình quân sự đã trở nên vô vọng và ông cảm thấy rằng ông không còn có thể phục vụ đất nước hữu hiệu được nữa cho nên ông phải từ chức. Tổng Thống Thiệu nói với Cụ Trần Văn Hương và Đại tướng Trần Thiện Khiêm rằng ông muốn bảo tồn tính cách hợp hiến hợp pháp của chế độ Việt Nam Cộng Hoà và do đó ông yêu cầu Phó Tổng thống Trần Văn Hương nhận lãnh chức vụ Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa để cứu vãn tình thế.
(Tuy nhiên, trong một cuộc tiếp xúc qua điện thoại tại San Jose, cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn đã cho người viết biết rằng trong phiên họp tại Dinh Độc Lập sáng ngày 21/04/75, chỉ có ba người đó là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương và ông Nguyễn Bá Cẩn - Thủ Tướng Chính Phủ )
Ông Thiệu ngồi giữa, Phó Tổng Thống Hương ngồi bên phải và ông Cẩn ngồi bên trong không hề có cựu thủ tướng Trần Thiện Khiêm như trong các tài liệu khác đã nói. Theo ông Cẩn thì trong phiên họp này, Tổng Thống Thiệu loan báo cho Cụ Hương và ông biết rằng ông đã quyết định từ chức tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và yêu cầu Phó Tổng Thống Trần Văn Hương lên thay thế ông theo đúng tinh thần của Hiến Pháp 1967.
(Cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn tiết lộ với người viết là có nhiều người viết về giai đoạn này nhưng có nhiều chỗ không đúng với sự thật, do đó ông đang viết một cuốn hồi ký nói rõ về những ngày tháng 4 năm 1975 để cho các thế hệ mai sau có thêm tài liệu. Người viết xin cảm ơn ôngNguyễn Bá Cẩn đã dành cho người viết cuộc tiếp xúc ngày 05/06/02 và hy vọng rằng chúng ta sẽ được biết thêm nhiều điều mới lạ khi ông xuất bản cuốn hồi ký này )
Frank Snepp - nhân viên CIA - và cũng là tác giả cuốn Decent Interval tiết lộ rằng khi ông Thiệu nói chuyện với Phó Tổng thống Trần Văn Hương và Đại tướng Trần Thiện Khiêm tại Dinh Độc Lập thì bộ phận nghe lén của CIA ở tòa đại sứ Mỹ nghe hết không sót một lời nào. Trùm CIA tại Sài gòn là Thomas Polgar sau đó đã ra lệnh cho phụ tá của y là Thiếu tướng Charles Timmes đến gặp Đại tướng Dương Văn Minh ngay chiều hôm đó và hỏi thẳng ông Minh rằng nếu người Mỹ có cách loại ông Hương ra khỏi ghế tổng thống thì ông Minh có sẳn lòng đảm nhận chức vụ này để điều đình với Việt Cộng hay không ?. Đại tướng Minh gật đầu nhận lời, ông bày tỏ sự tin tưởng rằng ông có thể thuyết phục được "phe bên kia" và ông nói với Tướng Timmes rằng ông cần gởi ngay một đại diện của ông sang Paris để thương thuyết ngay với phe Cộng sản. Nghe ông Minh nói như vậy, tướng Timmes liền mở cặp lấy ngay một ngàn đô la tiền mặt trao cho ông Minh để mua vé máy bay cho người này. Frank Snepp chú thích thêm là ông Minh không hề gởi người nào sang Paris, không dùng đến số tiền này và cũng không có trả lại cho người Mỹ. Frank Snepp cũng cho biết thêm là Đại sứ Martin không hề hay biết gì về việc CIA cho người tiếp xúc với Dương Văn Minh trước khi ông Thiệu từ chức.
Chiều hôm đó, Tổng thống Thiệu triệu tập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia gồm có Phó Tổng thống Trần Văn Hương ; Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn ; Đại tướng Cao Văn Viên - Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ; Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình - Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia và Trung Tướng Đặng Văn Quang - Phụ tá An Ninh, ngoài ra còn có thêm sự hiện diện của Trung tướng Nguyễn Văn Toàn - Tư Lệnh Quân Đoàn 3 và Trung Tướng Nguyễn Văn Minh - Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô (hai nhân vật này không phải là hội viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia). Trong phiên họp này, Tổng thống Thiệu tuyên bố rằng ông sẽ từ chức và ông sẽ loan báo việc này với quốc dân đồng bào vào tối hôm đó. Theo cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn, lúc đó đang giữ chức Tổng Trưởng Quốc Phòng trong chính phủ Nguyễn Bá Cẩn và không được mời dự phiên họp này, Đại Tướng Cao Văn Viên đã kể lại với ông rằng ông Thiệu nói : "Lý do thứ nhất ông từ chức là vì Quân đội đã đưa ông lên ghế tổng thống năm 1967 thì bây giờ ông sẽ làm vừa lòng quân đội vì quân đội định đảo chánh. Lý do thứ hai là ông ta ra đi để Hoa Kỳ viện trợ lại cho Việt Nam Cộng Hòa". Ông Thiệu không nói rõ tên người nào dự định đảo chánh nhưng theo lời tướng Trần Văn Đôn thì lúc đó ai cũng nghi đó là ông ta, tuy nhiên ông minh xác rằng "sự thật không đúng như vậy". Ông Thiệu cũng cho mọi người biết rằng ông sẽ trao quyền lại cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương như hiến pháp đã quy định và Phó Tổng thống Trần Văn Hương đã nhận lời.
Chiều ngày 21 tháng 4 năm 1975, đài phát thanh Sài gòn liên tiếp đọc thông cáo khẩn cấp của Phủ Tổng thống mời tất cả các vị nghị sĩ và dân biểu, các thẩm phán trong Tối Cao Pháp viện và các vị giám sát trong Giám sát Viện đến Dinh Độc lập dự phiên họp đặc biệt vào tối hôm đó, tuy nhiên thông cáo không nói rõ lý do của phiên họp này. Đúng 7 giờ rưỡi tối hôm đó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói chuyện với đại diện cả ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp cùng với toàn thể quốc dân đồng bào trong gần hai tiếng đồng hồ và được trực tiếp truyền thanh và truyền hình trên toàn quốc. Tổng thống Thiệu trình bày các diễn tiến từ Hiệp định Paris 1973 đến việc Cộng Sản leo thang chiến tranh năm 1974, việc Cộng Sản chiếm tỉnh Phước Long mà không gặp phản ứng nào từ phía Hoa Kỳ để rồi từ đó tấn chiếm Ban Mê Thuột mở đầu cho sự thất thủ miền Cao nguyên, miền Trung và miền Duyên hải. Ông Thiệu lên án đồng minh Hoa Kỳ không giữ lời hứa tiếp tục viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa và ông nói rằng : "Từ chối giúp đỡ cho một nước đồng minh, bỏ rơi một nước đồng minh như vậy là một điều vô nhân đạo ". Ông Thiệu nói thêm rằng : " Người Mỹ thường hãnh diện họ là những kẻ vô địch bảo vệ cho chính nghĩa và lý tưởng tự do trên thế giới và sang năm tới ( 1976 ) họ sẽ ăn mừng lễ kỷ niệm 200 năm lập quốc, liệu người ta còn có thể tin tưởng vào những lời tuyên bố của người Mỹ hay không ? " .
Quay sang tình hình quốc nội, ông Thiệu nói rằng : " Tại một vài nơi, quân đội chúng ta đã chiến đấu rất dũng cảm nhưng tôi cũng phải nhìn nhận rằng có một vài cấp lãnh đạo quân đội - không phải tất cả - đã tỏ ra hèn nhát. Tôi có thể tiếp tục nhiệm vụ tổng thống để lãnh đạo công cuộc kháng chiến tuy nhiên tôi không còn có thể cung cấp vũ khí đạn dược (vì người Mỹ đã cúp viện trợ) để cho quân đội tiếp tục công cuộc chiến đấu. Nhân dân có thể ghét tôi và họ cho rằng tôi sẽ là một chướng ngại vật cho hòa bình và do đó tôi chỉ còn một giải pháp duy nhất, đó là từ chức".
Ông Thiệu nói rằng ông từ chức không phải vì áp lực của đồng minh, cũng không phải vì những khó khăn về quân sự do Cộng Sản gây nên. Ông nói rằng các nhà lãnh đạo một số cường quốc trên thế giới thường tự hào là họ đã vượt qua được sáu, bảy hay mười cơn khủng hoảng và sau này đã viết hồi ký tự đề cao mình như những bậc anh hùng , như những chính khách vô cùng lỗi lạc, nhưng trong 10 năm lãnh đạo miền Nam Việt Nam, từng năm, từng tháng , từng giờ ông Thiệu đã phải đương đầu với mọi khó khăn như lá số tử vi của ông đã nói rõ. Ông Thiệu kết luận rằng: " Tôi sẵn sàng nhận lãnh sự phán xét và buộc tội của đồng bào nhưng sự sống còn của cả một dân tộc không có thể được mang ra mặc cả như con cá ở ngoài chợ. Tôi từ chức nhưng tôi không đào ngũ". Sau đó ngừng vài giây đồng hồ, ông Thiệu nói tiếp: " Theo hiến pháp, người thay thế tôi là Phó Tổng thống Trần Văn Hương " .
Sau khi dứt lời, ông Nguyễn Văn Thiệu bước xuống mời Phó Tổng Thống Trần Văn Hương lên làm lễ tuyên thệ nhậm chức. Trong bài diễn văn ngắn ngủi, tân Tổng thống Trần Văn Hương nhắn nhủ với quân đội : "Tôi xin hứa với anh em ... tất cả ở trong trong quân đội là ... ngày nào anh em còn chiến đấu, tôi luôn luôn đứng bên cạnh anh em và ngày nào - chẳng may - mà đất nước không còn ... thì cái nắm xương khô của tôi sẽ nằm bên cạnh đống xương của tất cả anh em chiến sĩ. Đó là cái nguyện vọng tha thiết của tôi, suốt cả đời tôi. Đất nước chúng ta đang rơi vào cơn thảm họa nhưng ước vọng quý giá nhất đời của tôi là sẽ được đóng góp xương máu và chia xẻ mọi gian nguy của các anh em ở chiến trường. Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết ". Sau đó cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngồi vào ghế của Phó Tổng thống và tân tổng thống ngồi vào ghế của tổng thống Thiệu trước đó để nghe Đại tướng Cao Văn Viên đọc nhật lệnh cho quân đội tiếp tục nhiệm vụ chiến đấu và Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình kêu gọi các lực lượng Cảnh sát tiếp tục nhiệm vụ duy trì an ninh trật tự trên toàn quốc.
Trong khi lễ bàn giao đang diễn ra tại Dinh Độc lập, các đơn vị cuối cùng còn lại của Sư đoàn 18 bắt đầu di tản ra khỏi thị trấn Xuân Lộc sau khi đã chiến đấu vô cùng anh dũng chống lại một lực lượng quân chính quy Bắc Việt đông gấp năm lần trong hơn hai tuần lễ. Khi Cụ Trần Văn Hương nhậm chức tổng thống thì quân Cộng Sản đã tiến về tới Biên Hòa và bộ máy của cơ quan tình báo Mỹ CIA cùng tình báo của Pháp cũng như Đại sứ Pháp là Jean-Marie Mérillon đã bắt đầu hoạt động ráo riết để đưa cựu Đại tướng Dương Văn Minh lên thay thế ông Hương.
Weblinks :
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...