lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Lời bàn:
Sự liên hệ phức tạp giữa hai đảng cộng sản Việt và Tàu được trình bày một phần nào qua tài liệu bên dưới. Những gì được đưa ra chỉ là một phần nào sự thống thuộc của Việt cộng trong tiến trình nô lệ hóa dân tộc Việt Nam vào tay Trung cộng.
Do đó, văn kiện này chỉ có giá trị nhất định. Lưu ý, khi phổ biến nên hiệu đính trước (tức là phản biện những thông tin sai lạc trong nội dung).
(18) Vào đầu thập niên 80, hãng thông tấn Nhật Kyodo cho biết đã có 300 ngàn quân Trung cộng hiện diện ở miền Bắc.
(19) Thực chất là sự sắp xếp của các cường quốc, nên đảng Cộng sản Việt Nam mới có cơ hội chiếm được Việt Nam Cộng Hòa.
(20) Bịp. Nhà văn Phan Nhật Nam đã tố giác các sự lường bịp của Cộng sản Việt Nam trong quyển Tù Binh và Hòa Bình. Ngoài ra cần phải nhắc thêm đến cuộc chiến bao vây căn cứ Tống Lê Chân.
Căn cứ Tống Lê Chân bị quân Việt cộng tấn công ngay ngày hiệp định Paris có hiệu lực (28/01/1973), người anh hùng tử thủ là Trung tá Lê Văn Ngôn cùng Tiểu đoàn 92 Biệt Động Quân Biên Phòng. Để dứt điểm căn cứ này, quân Việt cộng phải huy động Công trường 9, cùng trung đoàn 271, một Trung đoàn pháo, một Trung đoàn phòng không cũng như một Lữ đoàn xe tăng. Chưa kể quân trừ bị và chận viện. Cuộc chiến dứt điểm bắt đầu từ 05/04/1974 đến 1 giờ sáng ngày 13/04/1974 mới chiếm được đồn.
Tiểu đoàn 92 Biệt Động Quân Biên Phòng và Trung tá Lê Văn Ngôn chỉ còn 259 binh sĩ đã chiến đấu đến cùng và phải mở đường máu rút lui.
(21) Cho dù không được tiếp viện, Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu đến cùng chống quân xâm lược Trung Cộng. Chứ không cúi đầu khuất phục kẻ thù truyền kiếp như quân đội Cộng sản Việt Nam.
(22) Mỹ không thất bại ở Việt Nam. Mà ngược lại, họ đã thành công trong việc chinh phục thị trường Trung cộng bằng xương máu của người Việt Nam, và của hơn 50 ngàn binh sĩ Hoa Kỳ tử trận. Thất bại chính là người dân Việt Nam ở hai miền Nam Bắc. Sự u mê, ám chướng, ích kỷ và tự phụ thái quá của đảng cộng sản Việt Nam đã gieo tai họa khôn lường cho đất nước và dân tộc từ mấy mươi năm qua.
Hội Nghiên Cứu Sử Học Việt Nam tại Âu Châu hiệu đính tháng 04/2012
***
Sự Thật Quan Hệ Việt Nam Trung Quốc Trong 30 Năm Qua
Nhà xuất bản Sự Thật
24 Quang Trung Hà Nội, Dây nói 52008
Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh: 103 Hàm Nghi, Dây nói: 98800 và 20476
Phụ trách bản thảo đưa in: PHẠM XUYÊN, ĐÌNH LAI
Trình bày bìa: NGHIÊM THÀNH
Giá 0 đ 50
...
2 -Nắm trọn vấn đề Campuchia
Trong khuôn khổ đường lối hoà hoãn và câu kết với đế quốc Mỹ, dọn con đường bành trướng xuống Đông nam châu Á sau này, đồng thời phá hoại Mặt trận đoàn kết nhân dân các nước ở Đông Dương, gây thêm sức ép đối với Việt Nam, từ năm 1970 Bắc Kinh tìm cách nắm các lực lượng Campuchia, thi hành một chính sách rất phức tạp đối với Campuchia, nhưng trước sau chỉ nhằm một mục tiêu: lợi ích ích kỷ của họ.
Dư luận còn nhớ bọn đế quốc và phản động đã gây ra cuộc đảo chính ngày 18 tháng 3 năm 1970, lật đổ chính phủ của ông hoàng Nôrôđôm Xihanúc, đưa lon Non lên cầm quyền. Lon Non vốn là người Campuchia gốc Hoa, lại là người của Mỹ, cho nên những người lãnh đạo Trung Quốc muốn dùng y và bỏ rơi ông Xihanúc. Tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung quốc nói với đại sứ Việt Nam:
“ Xihanúc không có lực lượng. Việt Nam cần ủng hộ Lon Non; Trung Quốc đón Xihanúc nhưng vẫn quan hệ tốt với đại sứ quán của PhnômPênh “
Tại PhnômPênh, đại sứ Trung Quốc cũng nói những điều tương tự với đại sứ Việt Nam. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nói với đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh là Trung Quốc không đồng ý để sinh viên Việt Nam ở Trung Quốc biểu tình chống Lon Non.
Ngay sau khi nổ ra cuộc đảo chính ở PhnômPênh và ông Xihanúc tới Bắc Kinh, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã sang Trung Quốc thuyết phục những người lãnh đạo Trung Quốc nên ủng hộ ông Xihanúc, đồng thời trực tiếp biểu thị với ông Xihanúc sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với ông ta và lực lượng kháng chiến Khơme.
Ngày 23 tháng 3 năm 1970, ông Xihanúc công bố bản tuyên cáo 5 điểm lên án cuộc đảo chính của Lon Non và kêu gọi nhân dân Campuchia đoàn kết chống đế quốc Mỹ và bè lũ Lon Non.
Ngày 25 tháng 3 năm 1970, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà tuyên bố hoàn toàn ủng hộ bản Tuyên cáo đó.
Ngày 7 tháng 4 năm 1970, Chính phủ Trung Quốc mới ra tuyên bố ủng hộ Tuyên cáo của ông Xihanúc. Tuy vậy, họ tiếp tục có những cuộc tiếp xúc bí mật với chính quyền Lon Non. Trong khi đó, với sự giúp đỡ của các lực lượng vũ trang Việt Nam, lực lượng kháng chiến Khơme giành thêm nhiều chiến thắng mới, giải phóng một phần tư đất nước. Chỉ sau khi Níchxơn đưa quân Mỹ xâm lược Campuchia, gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ trên thế giới và ngay cả ở Mỹ, Chính phủ Trung Quốc mới cắt đứt quan hệ với chính quyền Lon Non ngày 5 tháng 5 năm 1970.
Rõ ràng là do Việt Nam kiên quyết ủng hộ Chính phủ kháng chiến Campuchia và do tình hình thực tế trên chiến trường phát triển có lợi cho các lực lượng kháng chiến, những người cầm quyền Bắc Kinh mới chuyển sang ủng hộ ông Xihanúc, Chủ tịch Mặt trận thống nhất dân tộc Campuchia chống Mỹ xâm lược. Từ đó họ tìm cách nắm chặt ông Xihanúc làm con bài độc quyền của họ để chuẩn bị cho những cuộc mặc cả với Mỹ. Tuy ủng hộ ông Xihanúc và Chính phủ kháng chiến Campuchia, họ vẫn ngấm ngầm duy trì những quan hệ bí mật với bè lũ Lon Non-Xirích Matắc, mặt khác tích cực dùng bọn Pôn Pốt-IêngXary, dần dần biến Đảng Khơme thành một đảng phụ thuộc vào Đảng cộng sản Trung Quốc như kiểu các đảng, các nhóm theo Mao ở Đông nam châu Á và ở một số nước khác trên thế giới.
Những người lãnh đạo Trung Quốc đã lợi dụng Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương lần thứ nhất tháng 4 năm 1970 và cố tình làm cho dư luận thấy rằng họ đã “đóng góp” nhiều vào hội nghị đó. Họ muốn chứng tỏ cho Mỹ hiểu rằng họ có thể giúp Mỹ tìm một giải pháp cho cả vấn đề Đông Dương và chính họ là người “thay mặt” cho Việt Nam và các nước khác ở Đông Dương để đàm phán với Mỹ.
Trong bối cảnh nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Campuchia liên tiếp giáng những đòn mạnh mẽ vào các kế hoạch phiêu lưu quân sự của Níchxơn, ông Xihanúc đề nghị triệu tập Hội nghị cấp cao lần thứ hai của nhân dân các nước Đông Dương vào cuối năm 1971, nhằm phát huy thắng lợi, đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân các nước ở Đông Dương. Bề ngoài những người lãnh đạo Trung Quốc tán thành đề nghị đó, nhưng bên trong họ giật dây bọn Pôn Pốt-Iêng Xary phản đối. Mặt khác, nhân chuyến đi thăm Việt Nam tháng 3 năm 1971, họ gợi ý triệu tập hội nghị 5 nước 6 bên (hai miền Nam, Bắc Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc và Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên) trên đất Trung Quốc nhằm mục tiêu chống Nhật. Ý đồ của họ là phá hoại khối đoàn kết, lái chệch mục tiêu đấu tranh của nhân dân các nước ở Đông Dương, đồng thời tập hợp lực lượng dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh để họ có thêm thế đi vào đàm phán với Mỹ. Phía Việt Nam ủng hộ đề nghị của ông Xihanúc, không tán thành họp hội nghị 5 nước 6 bên như Trung Quốc gợi ý, cũng không tán thành quan điểm cho rằng nguy cơ bấy giờ là Nhật vì kẻ thù chính của nhân dân ba nước Đông Dương vẫn là đế quốc Mỹ xâm lược. Do đó, kế hoạch hội nghị 5 nước 6 bên của Bắc Kinh đã hoàn toàn thất bại.
Trong lúc tìm cách nắm trọn vấn đề Campuchia, những người lãnh đạo Trung Quốc còn mưu toan nắm con đường vận chuyển quân sự qua ba nước Đông Dương. Trong mấy năm liền cho đến năm 1972, họ đề nghị giúp làm đường và vận chuyển hàng phục vụ chiến trường từ miền bắc đến miền nam Việt Nam, Lào và Campuchia trên con đường mòn Hồ Chí Minh và hứa cung cấp cho Việt Nam đủ xe, người lái và khoảng 20 vạn quân nhân Trung Quốc để bảo đảm công việc này. Ý đồ của họ là qua đó nắm toàn bộ vấn đề Đông Dương để buôn bán với Mỹ và chuẩn bị bàn đạp đi xuống Đông nam châu Á. Tất nhiên phía Việt Nam không chấp nhận đề nghị đó (18).
Nếu trước đây những người lãnh đạo Trung Quốc ngấm ngầm làm yếu cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam thì trong thời kỳ 1969-1973, nhất là từ năm 1971, họ công khai câu kết với đế quốc Mỹ xâm lược, cứu nguy cho chúng trước cuộc tiến công chiến lược mới của nhân dân Việt Nam, lấy con bài Việt Nam để buôn bán với Mỹ. Nếu trước đây họ ngấm ngầm chia rẽ nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia nhằm cô lập Việt Nam thì trong thời kỳ này họ bắt đầu dùng bè lũ Pôn Pốt-Iêng Xary để phá hoại cách mạng ba nước Đông Dương, tích cực chuẩn bị biến Campuchia thành bàn đạp để tiến công Việt Nam, khống chế bán đảo Đông Dương, từ đó bành trướng xuống Đông nam châu Á sau này.
Họ đã phơi trần bộ mặt ghê tởm của kẻ phản bội: phản bội nhân dân Việt Nam cũng như phản bội nhân dân Lào và nhân dân Campuchia.
IV- THỜI KỲ 1973-1975: CẢN TRỞ NHÂN DÂN VIỆT NAM GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM.
Theo hiệp định Pari về Việt Nam, Mỹ phải rút hết đội quân viễn chinh của Mỹ ra khỏi miền nam Việt Nam, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, thừa nhận ở miền nam Việt Nam có hai vùng, hai chính quyền, hai quân đội và ba lực lượng chính trị, và các bên Việt Nam cùng thành lập một Chính phủ liên hiệp ba thành phần ở miền nam Việt Nam. Đó là thắng lợi của đường lối độc lập, tự chủ và cuộc chiến đấu ngoan cường của nhân dân Việt Nam, là thắng lợi của phong trào nhân dân thế giới đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Đó là thất bại của sự mua bán bẩn thỉu trên lưng nhân dân Việt Nam giữa chính quyền Níchxơn và những người lãnh đạo Trung Quốc thể hiện trong Thông cáo Thượng Hải (19).
Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền nam Việt Nam luôn luôn chủ trương thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari (20) và đòi Mỹ Thiệu cũng phải có thái độ như vậy.
Nhưng Mỹ Thiệu mưu toan phá hoại việc thi hành Hiệp định đó, chỉ muốn thi hành những điều khoản có lợi cho Mỹ. Đối với các điều khoản khác họ vi phạm ngay từ phút đầu. Lúc Hiệp định Pari bắt đầu có hiệu lực cũng là lúc Mỹ Thiệu đưa hàng vạn quân có máy bay, trọng pháo và xe tăng yểm trợ đổ bộ lên Cửa Việt hòng chiếm lấy vùng giải phóng phía bắc tỉnh Quảng Trị. Sau đó quân nguỵ liên tiếp tấn công trên khắp miền nam Việt Nam, lấn chiếm nhiều vùng giải phóng do Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền nam Việt Nam quản lý. Âm mưu của Mỹ nguỵ là xoá bỏ tình hình thực tế có hai vùng, hai chính quyền, đặt lại toàn bộ miền nam Việt Nam dưới ách thống trị thực dân kiểu mới, kéo dài chia cắt nước Việt Nam.
Những người lãnh đạo Trung Quốc tỏ vẻ hoan nghênh Hiệp định Pari về Việt Nam. Trên thực tế để thực hiện sự thoả thuận với Mỹ và tăng cường câu kết với Mỹ, đồng thời tiếp tục làm suy yếu hòng khuất phục Việt Nam, họ tìm mọi cách cản trở cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhằm đánh bại âm mưu của Mỹ Thiệu phá hoại Hiệp định Pari, giải phóng hoàn toàn miền nam và thống nhất nước nhà.
1- Kiềm chế cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống Mỹ Thiệu phá hoại Hiệp định Pari.
Trong cuộc hội đàm ở Bắc Kinh tháng 6 năm 1973, chủ tịch Mao Trạch Đông nói với Tổng bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng:
“Ở miền nam Việt Nam cần ngừng (chiến đấu) nửa năm, một năm, một năm rưỡi, hai năm càng tốt”. Cách mạng miền nam nên “chia làm hai bước . Gộp lại làm một, người Mỹ không chịu đâu. Vấn đề là trong tay chính quyền Nguyễn Văn Thiệu còn có mấy chục vạn quân”.
Và ông ta nhắc lại đến luận điểm “cái chổi” đã nói với phía Việt Nam trước đây.
Thủ tướng Chu Ân Lai thì nói:
“Trong một thời gian chưa có thể nói dứt khoát là 5 năm hay 10 năm, Việt Nam và Đông Dương nghỉ ngơi được thì càng tốt; tranh thủ thời gian đó mà nhân dân miền nam Việt Nam, Lào, Campuchia thực hiện hoà bình, trung lập một thời gian”.
Để tỏ thiện chí với nhân dân Việt Nam, những người lãnh đạo Trung Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tục viện trợ trong 5 năm với mức kim ngạch như năm 1973. Sự thật là khi đó họ đã ngừng hoàn toàn viện trợ về quân sự, còn về viện trợ kinh tế họ nhận chủ yếu phục hồi các cơ sở do Trung Quốc giúp trước đây và đã bị Mỹ đánh phá nhưng họ kéo dài việc thực hiện, có nơi không thực hiện.
Những người cầm quyền Trung Quốc thực chất muốn Việt Nam không làm gì cả, kể cả khi chính quyền Sài Gòn đưa quân lấn chiếm vùng giải phóng.
Đứng trước những hành động của quân nguỵ Sài Gòn lấn chiếm vùng giải phóng ngày càng tăng cường, tháng 10 năm 1973, Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang miền nam Việt Nam buộc phải ra lệnh kiên quyết đánh trả. Gần một tháng sau đó, trong chuyến Kítxinhgiơ đi thăm Bắc Kinh, hai bên ra thông cáo thoả thuận là trong tình hình “đặc biệt nghiêm trọng hiện nay”, hai bên cần tiến hành liên hệ thường xuyên ở các cấp có thẩm quyền để trao đổi ý kiến về những vấn đề cùng quan tâm. Thực tế đó là sự phối hợp giữa những người cầm quyền Trung Quốc và Mỹ nhằm ngăn cản cuộc đấu tranh của các lực lượng vũ trang miền nam Việt Nam.
Những người cầm quyền Bắc Kinh còn khuyên Mỹ “đừng thua ở Việt Nam, đừng rút lui khỏi Đông nam châu Á”.
Thâm độc hơn nữa, họ tìm cách lôi kéo nhiều tướng tá và quan chức nguỵ quyền Sài Gòn hợp tác với họ, thậm chí cho người thuyết phục tướng Dương Văn Minh, “tổng thống” vào những ngày cuối của chế độ Sài Gòn để tiếp tục chống lại cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và đan miền nam Việt Nam.
2 -Xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam, gây căng thẳng ở biên giới
Từ năm 1973, những người cầm quyền Trung Quốc tăng cường những hành động khiêu khích và lấn chiếm đất đai ở những tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam, nhằm làm yếu những cố gắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu trang giải phóng hoàn toàn miền nam.
Đồng thời họ ngăn cản Việt Nam thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình để nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế. Ngày 26 tháng 12 năm 1973, phía Việt Nam đề nghị mở cuộc đàm phán để xác định chính thức đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ, nhằm sử dụng phần biển thuộc Việt Nam phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. Ngày 18 tháng 1 năm 1974 phía Trung Quốc trả lời chấp thuận đề nghị trên, nhưng họ đòi không được tiến hành việc thăm dò trong một khu vực rộng 20.000 km2 trong vịnh Bắc Bộ do họ tự ý định ra. Họ còn đòi “không để một nước thứ ba vào thăm dò vịnh Bắc Bộ”, vì việc đưa nước thứ ba vào thăm dò “không có lợi cho sự phát triển kinh tế chung của hai nước và an ninh quân sự của hai nước”. Đó chỉ là một lý do để che đậy ý đồ đen tối của họ. Cũng vì vậy cuộc đàm phán về đường biên giói giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1974 đã không đi đến kết quả tích cực nào. Cũng với thái độ trịch thượng nước lớn như vậy, họ làm bế tắc cuộc đàm phán về vấn đề biên giới trên bộ và trong vịnh Bắc Bộ bắt đầu từ tháng 10 năm 1977 nhằm mục đích tiếp tục xâm phạm biên giới, lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam để duy trì tình hình căng thẳng ở biên giới Việt Trung.
Hơn nữa, ngày 19 tháng 1 năm 1974, tức là một ngày sau khi phía Trung Quốc nhận đàm phán với phía Việt Nam về vấn đề vịnh Bắc Bộ, họ sử dụng lực lượng hải quân và không quân tiến đánh quân nguỵ Sài Gòn và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ lâu vốn là bộ phận lãnh thổ Việt Nam. Họ nói là để tự vệ, nhưng thực chất đó là một hành động xâm lược, một sự xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam để khống chế Việt Nam từ mặt biển và từng bước thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông. Hành động xâm lược của họ có tính toán từ trước và được sự đồng tình của Mỹ. Vì vậy, khi đó đại sứ Mỹ G. Matin ở Sài Gòn đã bác bỏ yêu cầu cứu viện của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương đã được lệnh tránh xa quần đảo Hoàng Sa (21).
Trong cuộc hội đàm với những người lãnh đạo Việt Nam năm 1975, phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận rằng hai bên đều nói các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của mình, cho nên cần gặp gỡ để bàn bạc giải quyết. Điều đó càng chứng tỏ hành động của phía Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa là ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, gây ra một tình trạng việc đã rồi.
3- Biến Campuchia thành bàn đạp chuẩn bị tiến công Việt Nam
Sau Hiệp định Pari về Việt Nam, theo lệnh của Bắc Kinh, bè lũ Pôn Pốt-Iêng Xary thi hành một chính sách hai mặt đối với Việt Nam: vừa dựa vào Việt Nam vừa chống Việt Nam.
Chúng tỏ ra “hữu nghị” và “đoàn kết” với Việt Nam để tranh thủ sự giúp đỡ của Việt Nam, đặc biệt là khi chuẩn bị tấn công vào thủ đô Phnôm Pênh. Trong khuôn khổ sự thoả hiệp Trung Mỹ, những người cầm quyền Trung Quốc thực hiện sự thoả thuận không viện trợ quân sự cho cách mạng ba nước Đông Dương. Họ đã từ chối đề nghị của bè lũ Pôn Pốt Iêng Xary về tăng viện vũ khí tiến công bằng cách nhờ Việt Nam cho Pôn Pốt Iêng Xary vay rồi Trung Quốc sẽ thanh toán sau. Đây là một thủ đoạn của Bắc Kinh vừa lấy lòng bọn tay sai ở Campuchia, tránh va chạm với Mỹ, vừa gây thêm khó khăn cho Việt Nam trong lúc Việt Nam đang tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Mặt khác, bè lũ Pôn Pốt Iêng Xary tìm mọi cách chống Việt Nam. Chúng vu cáo Việt Nam ký kết Hiệp định Pari là “phản bội Campuchia một lần nữa” để kích động hận thù dân tộc, gây tâm lý chống Việt Nam và kiếm cớ thanh trừng những người Campuchia không tán thành đường lối của chúng. Nhiều lần chúng tổ chức những vụ đánh phá, cướp bóc kho tàng, vũ khí, tiến công bệnh viện và nơi trú quân của Quân giải phóng miền nam Việt Nam đặt trên đất Campuchia.
Bè lũ Pôn Pốt Iêng Xary, bằng những thủ đoạn rất thâm độc, kể cả việc thủ tiêu bí mật những cán bộ cách mạng chân chính, ra sức củng cố vị trí trong Đảng, nắm toàn bộ quyền lực để biến Đảng cộng sản Campuchia thành một đảng phụ thuộc Bắc Kinh.
bước trong âm mưu nắm trọn Campuchia dưới chế độ của bọn Pôn Pốt Iêng Xary, chuẩn bị bàn đạp tiến công Việt Nam từ phía tây nam sau khi miền nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng.
Mặc dù những người lãnh đạo Trung Quốc ra sức cản trở nhân dân Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền nam Việt Nam, nhân dân Việt Nam vẫn kiên quyết đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao chống Mỹ Thiệu phá hoại Hiệp định Pari, tiến lên giành toàn thắng. Với cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, nhân dân Việt Nam đã đánh sụp hoàn toàn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, giải phóng hoàn toàn miền nam Việt Nam, thống nhất nước nhà.
*
**
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trước đây, những người cầm quyền Bắc Kinh chỉ can thiệp vào giai đoạn chót nhằm áp đặt giải pháp của họ đối với nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Lào và nhân dân Campuchia.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lần này của nhân dân Việt Nam, họ can thiệp ngay từ đầu, tạo điều kiện cho đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh trên cả nước Việt Nam, ném bom cực kỳ man rợ miền bắc, lấy vấn đề Việt Nam để buôn bán với Mỹ, nhưng luôn luôn làm ra vẻ “triệt để cách mạng”, “tích cực” ủng hộ Việt Nam.
Đây là sự phản bội thứ hai của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam.
PHẦN THỨ TƯ
TRUNG QUỐC VỚI NƯỚC VIỆT NAM HOÀN TOÀN GIẢI PHÓNG VÀ THỐNG NHẤT
(từ tháng 5 năm 1975 đến nay)
1- TRUNG QUỐC SAU THẤT BẠI CỦA MỸ Ở VIỆT NAM (22)
Dư luận chung trên thế giới đều thấy rằng thất bại của Mỹ ở Việt Nam đã có tác động rõ rệt đến tình hình quốc tế.
Nếu thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, thì thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam chứng minh trước toàn thế giới sự phá sản hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân mới là không tránh khỏi. Ngày nay các lực lượng cách mạng đã lớn mạnh và có lợi thế hơn bao giờ hết. Đế quốc Mỹ không thể đóng vai sen đầm quốc tế bất cứ đâu mà không bị trừng phạt, không thể xâm chiếm bất cứ một tấc đất nào của bất kỳ nước xã hội chủ nghĩa nào, không thể đẩy lùi phong trào giải phóng dân tộc và ngăn chặn con đường phát triển của các nước lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa đế quốc ngày càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng toàn diện không phương cứu chữa. Chúng đang đứng trước những khó khăn chồng chất về nhiều mặt, đang phải đương đầu với cuộc tiến công rộng lớn và mạnh mẽ của ba dòng thác cách mạng trên thế giới, ở ngay cả những dinh luỹ tưởng chừng như rất kiên cố của chúng ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ la tinh.
Mặc dù đã tung vào Việt Nam một đội quân viễn chinh gồm 60 vạn tên làm nòng cốt cho hơn 1 triệu quân nguỵ, đã ném xuống Việt Nam 7 triệu 85 vạn tấn bom và chi tiêu 352 tỉ đô la, đế quốc Mỹ xâm lược vẫn không khuất phục được nhân dân Việt Nam. Đây là thất bại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, ảnh hưởng sâu sắc về nhiều mặt đến tình hình nước Mỹ. Vì thế sau thất bại ở Việt Nam, đế quốc Mỹ phải điều chỉnh chiến lược trên thế giới, ở châu Á, nhất là ở Đông nam châu Á cho phù hợp với tình hình mới. Chúng đẩy mạnh câu kết với các thế lực phản động, đặc biệt là với các thế lực phản bội trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chủ yếu là với tập đoàn phản động Bắc Kinh, hòng chia rẽ, phá hoại hệ thống xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng thế giới.
Về phần những người cầm quyền Trung Quốc, xuất phát từ lợi ích dân tộc, họ có giúp Việt Nam khi nhân dân Việt Nam chiến đấu chống Mỹ, nhưng cũng xuất phát từ lợi ích dân tộc, họ không muốn Việt Nam thắng Mỹ và trở nên mạnh, mà chỉ muốn Việt Nam yếu, lệ thuộc Trung Quốc.
Họ muốn Việt Nam bị chia cắt lâu dài, nhưng nhân dân Việt Nam đã đánh cho “Mỹ cút, nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền nam và thống nhất nước nhà.
Họ lợi dụng xương máu của nhân dân Việt Nam để buôn bán với Mỹ, nhưng sự câu kết của họ với Mỹ không ngăn cản được nhân dân Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn và dựng lên nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Họ muốn chia rẽ Việt Nam với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, nhưng nhân dân Việt Nam đã giữ vững đường lối độc lập tự chủ của mình, tăng cường đoàn kết với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác.
Không những các thoả thuận giữa họ với chính quyền Níchxơn, những mưu đồ chiến lược của họ đã bị thất bại, mà một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, có đường lối cách mạng Mác Lênin chân chính, độc lập tự chủ và có uy tín chính trị trên thế giới sẽ là cản trở nghiêm trọng cho mưu đồ bành trướng và bá quyền của họ ở Đông Dương và Đông nam châu Á. Thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam không chỉ là thất bại lớn của đế quốc Mỹ xâm lược, mà cũng là thất bại lớn của bọn bành trướng Bắc Kinh.
Vào những năm cuối đời và sau cái chết của chủ tịch Mao Trạch Đông, cuộc khủng hoảng nội bộ của Trung Quốc tiếp tục diễn ra gay gắt với những cuộc thanh trừng tàn bạo để tảnh giành quyền bính. Trong 20 năm liền, nền kinh tế và tình hình chính trị, xã hội Trung Quốc đã bị thụt lùi và hỗn loạn vì cuộc “đại nhảy vọt” và cuộc “đại cách mạng văn hoá” đòi hỏi phải được cấp bách ổn định và cải thiện. Mặt khác, sự yếu kém về kinh tế và quân sự của Trung Quốc không cho phép những người cầm quyền Bắc Kinh thực hiện mưu đồ như họ mong muốn. Cho nên về đối nội họ lấy tư tưởng đại dân tộc để tập hợp các phe phái và động viên nhân dân Trung Quốc nhằm thực hiện kế hoạch “bốn hiện đại hoá”. Về đối ngoại họ dấn sâu vào con đường phản động, lợi dụng lúc chủ nghĩa đế quốc bị khủng hoảng về kinh tế và chính trị nghiêm trọng và lúc Mỹ phải điều chỉnh chiến lược toàn cầu, để câu kết với chủ nghĩa đế quốc, chống Liên Xô, chống phong trào cách mạng thế giới, kiếm nhiều vốn và kỹ thuật của các nước phương Tây cho kế hoạch “bốn hiện đại hoá”. Khẩu hiệu “chống bá quyền” của họ chỉ là chiêu bài để che đậy chiến lược phản cách mạng và chính sách bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của họ.
Họ hằn học nhìn thắng lợi của nhân dân Việt Nam, cho nên từ khi nhân dân Việt Nam giành được toàn thắng, họ ngày càng công khai và điên cuồng thực hành một chính sách thù địch toàn diện và có hệ thống chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
II -ĐIÊN CUỒNG CHỐNG VIỆT NAM NHƯNG CÒN CỐ GIẤU MẶT
1 -Thông qua bè lũ Pôn Pốt Iêng Xary tiến hành cuộc chiến tranh biên giới chống Việt Nam ở phía tây nam Việt Nam.
Ngay từ giữa những năm 1960, những người lãnh đạo Trung Quốc đã mưu tính nắm trọn vấn đề Campuchia, trước mắt nhằm phá hoại Mặt trận đoàn kết nhân dân các nước ở Đông Dương, làm yếu cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, có thế đàm phán với Mỹ và lâu dài nhằm bắt Campuchia lệ thuộc và trở thành một bàn đạp của Trung Quốc để bành trướng xuống Đông Dương và Đông Nam châu Á. Sau ngày 17 tháng 4 năm 1975, nước Campuchia hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của bè lũ Lon Non tay sai của Mỹ, họ dùng bọn tay sai Pôn Pốt Iêng Xary chiếm quyền lãnh đạo Đảng cộng sản Campuchia, gạt quốc trưởng Xihanúc và những người thân cận của ông ta để xây dựng lên một chế độ phát xít diệt chủng có một không hai trong lịch sử loài người và thông qua chế độ đó hoàn toàn kiểm soát nước Campuchia, biến Campuchia thành một nước chư hầu kiểu mới và căn cứ quân sự của họ để tiến đánh Việt Nam từ phía tây nam.
Họ đã đổ tiền, vũ khí và dụng cụ chiến tranh các loại và đưa hàng vạn cố vấn Trung Quốc vào Campuchia để thành lập hàng chục sư đoàn mới gồm đủ bộ binh, thiết giáp, pháo binh, xây dựng thêm hoặc mở rộng nhiều căn cứ hải quân, không quân, hệ thống kho hậu cần.
Dưới sự đạo diễn của Bắc Kinh, tập đoàn cầm quyền phản động Phnôm Pênh tiến hành liên tục một chiến dịch tuyên truyền rộng khắp vu khống Việt Nam “xâm lược Campuchia”, “âm mưu ép Campuchia vào Liên bang Đông Dương do Việt Nam khống chế”, ráo riết hô hào chiến tranh chống Việt Nam. Chúng đã phá hoại cuộc đàm phán giữa hai nước nhằm giải quyết vấn đề biên giới để có cớ duy trì một tình hình ngày càng căng thẳng ở vùng biên giới Việt Nam-Campuchia. Ngay từ tháng 4 năm 1975, chúng đã đưa quân lấn chiếm, bắn phá nhiều điểm trên lãnh thổ Việt Nam và từ đó ngày càng gây thêm nhiều vụ xung đột ở biên giới, đột kích nhiều đồn biên phòng, làng xóm Việt Nam, làm cho tình hình ở vùng biên giới không ổn định, ngăn cản nhân dân Việt Nam khôi phục và xây dựng kinh tế. Từ những cuộc khiêu khích vũ trang, chúng tiến đến gây ra một cuộc chiến tranh biên giới chống nước Việt Nam từ tháng 4 năm 1977 suốt dọc hơn 1.000 km với những cuộc tiến công quy mô, huy động hàng vạn bộ binh có xe tăng, trọng pháo yểm trợ, có khi vào sâu lãnh thổ Việt Nam hơn 30 km, giết hại dã man dân thường, tàn phá nhà cửa, hoa màu, gây nên biết bao tội ác không thể dung thứ được.
2- Dùng vấn đề người Hoa để chống Việt Nam từ bên trong
Ở Việt Nam có khoảng 1 triệu 20 vạn người Hoa sinh sống; gần 1 triệu người ở miền nam, trên 20 vạn người ở miền bắc. Năm 1955, Đảng Lao động Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc đã thoả thuận là người Hoa ở miền bắc Việt Nam do Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo và dần dần chuyển thành công dân Việt Nam. Trong hơn 20 năm qua, người Hoa ở miền bắc được hưởng quyền lợi và làm nghĩa vụ như công dân Việt Nam. Còn người Hoa ở miền nam, từ năm 1956 dưới chính quyền Ngô Đình Diệm đã vào quốc tịch Việt Nam để được hưởng nhiều điều kiện dễ dàng trong việc làm ăn sinh sống.
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền nam, Chính phủ và nhân dân Việt Nam tiếp tục nghiêm chỉnh thực hiện sự thoả thuận năm 1955 giữa hai đảng về người Hoa ở miền bắc, đồng thời tôn trọng thực tế lịch sử về người Việt gốc Hoa ở miền nam Việt Nam, coi người Hoa ở cả hai miền là một bộ phận trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Số ít người mang căn cước Đài Loan, Hồng Kông hoặc quốc tịch nước khác và số Hoa kiều bị bọn Pôn Pốt Iêng Xary xua đuổi và tỵ nạn sang miền nam Việt Nam thì được coi là ngoại kiều.
Weblinks :
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...