lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Chúng tôi, Việt Kiều vẫn còn rất... lấn cấn
NGUYÊN DUNG
Mấy hôm trước tình cờ đọc qua lời phát biểu của ông Dương Trung Quốc: "Tôi không nghĩ kiều bào còn lấn cấn nhiều về chế độ chính trị...", trong bối cảnh nhà nước đang ra rả kêu gọi “hòa hợp dân tộc”.
Đọc xong câu phát biểu quả quyết ấy, lòng tôi vẫn có gì rất lấn cấn…
Tôi không thuộc "tàn dư chế độ cũ", trái lại gia đình thuộc tầng lớp trí thức được hưởng nhiều ưu đãi của nhà nước. Bản thân tôi lớn lên dưới mái trường XHCN, đã được nhồi nhét kỹ lưỡng đạo đức XHCN, đạo đức người CS, lịch sử chói lòa của dân tộc, cuộc chiến hào hùng chống Pháp, chống Mỹ cứu nước… Tôi cũng bị học thuộc nằm lòng những nhân vật anh hùng có thật và cả không có thật trong lịch sử VN.
Chỉ có điều khi trí não của tôi bắt đầu biết tư duy độc lập thì cũng là lúc tôi bắt đầu tự hỏi mình: Sao một đất nước tươi đẹp với lịch sử hào hùng, những nhà lãnh đạo tuyệt vời gần như thần thánh lại có hàng vạn, hàng trăm ngàn người dân ào ạt sống chết bỏ quê hương mà đi như vậy? Thế rồi tôi bắt đầu ngờ ngợ nhìn lại chung quanh mình… Thật khủng hoảng khi mỗi ngày vào lớp, những chiếc bàn, ghế trống rỗng, bạn bè cứ thưa thớt dần, thầy cô giáo cũng từ từ biến mất!… Chúng tôi thì thầm với nhau, chúng tôi buồn ngơ ngẩn vì không được nói lời chia tay. Làm sao cắt nghĩa được những đứa bạn học hàng ngày túm tụm chơi đùa, học hành cùng nhau, rồi bỗng dưng biến mất không một lời báo trước? Những cuộc chạy trốn thầm lặng mà quyết liệt những năm tháng đó vẫn ám ảnh tôi tới tận bây giờ.
Trí óc non nớt của tôi không ngừng đặt những dấu hỏi. Có đôi lúc về nhà hỏi bố mẹ thì chỉ nhận được những cái lắc đầu chán ngán của mẹ, tiếng thở dài và lời đáp bâng quơ của bố: - Đất nước thế này thì không bỏ đi mới là lạ!
Chẳng hiểu gì hơn, tôi bèn mở báo chí ra đọc thì chỉ thấy toàn những tin tức đại loại như: Toàn dân toàn quân quyết tâm thi đua lập chiến công mừng đại hội Đảng, mừng sinh nhật Bác, mừng kỷ niệm chiến thắng v…v…
Hoặc Bộ A, bộ B đã đạt chỉ tiêu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…
Toàn những tin tức tốt đẹp, rặt một luận điệu như nhau!
Không một tờ báo nào, không một ai giải thích cho tôi tại sao người VN từ Sài Gòn, Hà Nội tới tận những vùng đèo heo hút gió bấy giờ đều rùng rùng bỏ cha bỏ mẹ, bỏ nhà bỏ cửa, bỏ ruộng vườn để chạy trốn đất nước của mình. Có lần tò mò không chịu nổi, tôi bèn hỏi cô giáo chủ nhiệm lớp. Cô dạy văn, tôi nhớ mãi giọng cô đều đều khi giảng cho chúng tôi những bài thơ của Tố Hữu, và những bài thơ sặc mùi máu lửa cách mạng khác. Khi tôi hỏi cô tại sao ai cũng đi vượt biên hoặc tìm cách đi bảo lãnh, có phải người ta sợ CS phải không cô? Thì cô tái mặt lấm lét nhìn quanh, rồi bảo nhỏ với tôi: "Em không được hỏi thế nữa nghe chưa? Hỏi như vậy là vi phạm kỷ luật.”
Sau đó chừng vài tháng, cô cũng biến mất, chúng tôi tới tìm thì hàng xóm bảo cô đi vượt biên rồi, nhà đã bị tịch thu. Một lần nữa chúng tôi lại ngơ ngác!
Chúng tôi, những đứa còn lại tiếp tục đi học với hàng ngàn hàng vạn câu hỏi trong đầu, với nỗi thắc thỏm không biết bao giờ đứa bạn ngồi bên cạnh lại biến mất. Rồi tôi cũng hiểu ra rằng học sinh chúng tôi không có quyền hỏi, không có quyền thắc mắc. Chúng tôi chỉ được quyền học những gì ghi trong chương trình giáo khoa. Dù là những điều vô lý nhất, những điều không có thật…. Các thầy cô giáo vẫn lên lớp, giờ Pháp văn cô bắt chúng tôi dịch ra tiếng Việt những bài văn ca tụng mái trường XHCN, sự độc ác, đời sống nghèo khổ, bất công ở XH tư bản, nơi đó trẻ em nghèo không được đi học. Cô giáo dạy Pháp văn (một nữ tu, và cũng đã từng du học ở Châu Âu) lúc giảng tới đoạn này, đã cau mày, và im lặng vài giây, có lẽ cô áy náy biết mình đang bắt học sinh học những điều bịa đặt!
Thế rồi cũng đến lúc tôi bỏ xứ mà đi, vì thuộc vào diện được ưu đãi nên tôi dễ dàng xin qua Châu Âu du học.
Nhà sử học Dương Trung Quốc : "Tôi không nghĩ kiều bào còn lấn cấn nhiều về chế độ chính trị, có lẽ chỉ còn ở một thế hệ nào đó do hoàn cảnh lịch sử. Nói đến Việt kiều luôn có hai mặt, nhưng mặt tích cực là cơ bản, ta cần có chính sách ứng xử thích hợp, khai thác mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực"
Năm đầu bên trời Âu, tôi vẫn mang trong người một tấm lòng đầy nhiệt huyết, một niềm kiêu hãnh vời vợi của dòng máu VN, dân tộc đã từng đánh thắng Tàu, Nhật, Pháp, Mỹ. Nhưng rồi ngoài cái niềm kiêu hãnh suông ấy, tôi nhận ra rằng mình chẳng có một tí vốn tri thức nào. Tất cả chỉ là những giáo điều học vẹt. Ngay cả lịch sử VN, tôi cũng rất mù mờ. Thế hệ chúng tôi chỉ được học một thứ lịch sử đã bị bóp méo, bẻ cong nhằm ca tụng và thần thánh hóa Đảng và những lãnh đạo Đảng. Qua sách vở, báo chí nước ngoài tôi mới biết tới vết nhơ lịch sử như Cải Cách ruộng đất, Mậu Thân, những góc nhìn đa khía cạnh của cuộc chiến hai miền Nam Bắc, ai thật sự vi phạm hiệp định Paris v..v….
Câu hỏi cay đắng nhất của tôi là tại sao tôi phải học lịch sử của nước mình qua những thông tin lượm lặt ở nước ngoài? Tại sao và tại sao?
Tại sao những chính sách sai lầm như: Cải Cách ruộng đất, đày đi cải tạo hàng trăm ngàn người lính chế độ cũ, đánh tư sản, đuổi dân đi kinh tế mới, đổi tiền, lại không bao giờ được chính quyền CS công khai đem ra mổ xẻ rút kinh nghiệm? Tại sao lại ỉm đi và thay vào đó là những khẩu hiệu được gào lên từ năm này qua tháng nọ: Đảng CSVN vinh quang dẫn dắt toàn dân đi từ thằng lợi này tới thắng lợi khác? Tại sao và tại sao?
Tôi đi tìm gặp lại những người bạn, những thầy cô năm xưa. Từ khắp các nơi chúng tôi tìm về họp mặt. Giờ đây chúng tôi không phải e dè sợ sệt, nghi kỵ nhau nữa. Chúng tôi có thể nói với nhau tất cả những điều muốn nói.
Cô lớp trưởng năm xưa bây giờ đã thành một doanh nhân thành đạt cười bảo chúng tôi: Nếu năm xưa, không đi vượt biên thì giờ chắc đang quét rác!
Họ lần lượt kể cho tôi nghe lí do chạy trốn CS của họ. Thời gian đã làm mờ nhạt những ký ức đau đớn. Nhưng phải sống trong hoàn cảnh lúc ấy mới biết cái chết cận kề như thế nào, nguy hiểm rình rập từng người thế nào, nỗi đau kẻ ở người đi to lớn thế nào. Tất cả đều có một câu kết luận chung: Họ bỏ đi ngày ấy chỉ vì không còn sự lựa chọn nào khác! Qua những câu chuyện kể, lúc ấy tôi mới hiểu ra người ta bỏ chạy, sẵn sàng liều mạng, một sống hai chết, tự do hay là tù tội, kẻ liều mình đi trước phó mặc cho biển cả, cho sự run rủi của trời đất, để có cơ hội bảo lãnh kẻ đi sau. Những gia đình tan tác, những cuộc chia lìa bi thảm, chỉ vì chế độ CS quá hà khắc, quá nghèo đói. Vâng người ta sợ! Phải nói là sợ CS còn hơn sợ cái chết mất xác ngoài khơi. Tôi cũng gặp lại rất nhiều thầy cô, hơn hai mươi năm sau tôi lại hỏi cô giáo cũ của mình câu hỏi đã từng nung nấu tôi những ngày niên thiếu: Cô ơi ngày ấy cô dạy chúng em về cuộc sống tươi đẹp trong đất nước XHCN, thế cô có tin không ? Cô trả lời rằng cô không tin, cô chưa bao giờ tin vào những điều cô dạy chúng tôi dưới mái trường XHCN.
Đau lòng thay cho thế hệ chúng tôi đã buộc phải học những điều mà cả thầy lẫn trò đều biết là dối trá!
Ông Dương Trung Quốc lập luận rằng kiều bào không còn lấn cấn nữa về chính trị!
Thưa ông chúng tôi vẫn còn lấn cấn, rất lấn cấn là khác. Ở hải ngoại hiện giờ có hai nhóm: một nhóm chống cộng cực đoan, dị ứng tất cả cái gì liên quan tới hai chữ CS và HCM. Tôi không muốn bàn nhiều về họ, tuy hiểu và thông cảm cho mối hận thù sâu sắc dẫn tới sự quá khích của họ. Phần lớn đó là những người bị lừa mang quần áo đi học tập một tuần, sau đó bị bắt đi đày hàng năm dài trong những vùng rừng thiêng nước độc, sinh hoạt ăn uống còn kham khổ hơn cả một con chó, ngay cả chữ tù đày cũng bị bẻ cong để gọi là Học Tập. Đó là những gia đình bị chính quyền một ngày nọ tới xúc đi kinh tế mới, tịch biên nhà cửa của họ để chia chác cho cán bộ. Đó là hàng vạn con người miền Nam, một sáng đẹp trời bị liệt vào thành phần tư sản và công an ngang nhiên đến tận nhà vơ vét tất cả của cải, vàng bạc. Họ căm thù Chính Quyền Cộng Sản vô cùng! Họ càng phẫn hận hơn khi thấy những kẻ khi xưa không ngừng rêu rao chửi bới họ là ăn bơ thừa sữa cặn đế quốc Mỹ nay lại tìm mọi cách lũng đoạn, ăn bớt ăn xén công quỹ quốc gia, để có tiền cho con cái, dòng họ qua Mỹ, cái xứ tư bản xấu xa mà sách giáo khoa VN năm nào đã nói là trẻ em nghèo không được đi học. Những kẻ khi xưa liệt họ vào thành phần tư sản để có cớ cướp bóc tài sản của họ, nay lại giàu có hơn họ hàng ngàn lần, mà sự giàu có lại tới từ tham nhũng, đám người năm xưa đánh tư sản nay nghiễm nhiên trở thành tư sản đỏ mà không sợ ai trừng trị.
Nếu nhà nước thật lòng muốn xóa bỏ hận thù, muốn hàn gắn những vết thương sâu hoắm thì hãy ngừng ngay việc kêu gào hòa hợp bằng miệng. Việc giảm bớt thủ tục nhiêu khê cho Việt Kiều về thăm nhà, những cởi mở cỏn con làm sao hàn gắn được hết những vết thương lỡ loét, những tội lỗi tày đình của quá khứ. Muốn xóa bỏ hận thù với tầng lớp Việt Kiều chống cộng này, chính quyền còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Hãy nói thẳng và nhìn lại lịch sử. Hãy thẳng thắn nhận lỗi đã giam tù không xét xử hàng trăm ngàn người chế độ cũ, phân biệt đối xử con cái họ. Hãy cho du nhập báo chí, sách vở nói về cuộc chiến Nam Bắc với những cái nhìn đa chiều, những quan điểm của anh lính Bộ Đội và cả anh lính Cộng Hòa. Chính quyền Cộng Sản không thể chỉ kêu gào hòa hợp trong khi chỉ áp đạt lý luận của mình lên quá khứ, vẫn bóp méo lịch sử. Tất cả những ý kiến trái chiều đều bị chụp mũ là phản cách mạng. Hòa hợp không có nghĩa là kẻ chiến bại phải im mồm, kẻ chiến thắng mới được quyền độc diễn và độc thoại.
Hãy cùng nhau nhìn nhận những sai sót hôm qua để chữa lành những vết thương thù hận hôm nay.
Ở đây tôi chỉ muốn đề cập một cách sơ xài về những Việt Kiều chống cộng cực đoan, những con người còn mang nặng nỗi hận thù rất là chính đáng. Tầng lớp mà tôi muốn nói tới là những người Việt Kiều lúc nào cũng hướng về quê hương, yêu nước và muốn cống hiến rất nhiều cho quê mẹ. Họ rất đông đảo, ở khắp năm châu, bốn bể, có tri thức cao, có tấm lòng, rất nhiều trong số ấy đã được đào tạo tại những môi trường tốt nhất. Thử nghĩ nếu thu hút được sự đóng góp của họ thì cơ hội cho VN vươn ra thế giới sẽ nằm trong tầm tay. Nhưng... cũng nên tự hỏi tại sao hòa bình hơn 35 năm rồi, mà lực lượng bà con về giúp đỡ quê nhà lại èo uột thế? Lèo tèo vài ba tổ chức giúp VN về khoa học kỹ thuật, có thấm tháp gì so với hàng triệu kiều bào tại nước ngoài?
Tại sao tới giờ đóng góp của họ chỉ giới hạn trong việc gởi tiền cho thân nhân, thành lập các hội nhóm đoàn thể riêng lẽ làm từ thiện?
Ông Dương Trung Quốc và các ông lãnh đạo có hiểu vì sao không? Tôi nghĩ các ông hiểu, cũng như mọi người đều hiểu tại sao, chỉ có điều phía các ông không ai nhìn thẳng vào vấn đề, mà thay vào đó chỉ biết kêu gào và kêu gào.
Thưa là vì nhóm Kiệt Kiều này tuy họ không mang lòng hận thù sâu sắc với chính quyền cộng sản, nhưng họ chán và khinh bỉ (xin lỗi vì dùng từ xác đáng) chế độ chính trị tham nhũng, quan liêu, và ngu dốt đang thống trị tại VN.
Xin thưa họ hoàn toàn không có lòng tin vào bộ máy chính quyền hiện nay tại VN.
Đối với họ, chính quyền cộng sản đồng nghĩa với tráo trở, khôn vặt, độc tài và tham lam vô tận.
Khi nói về VN, hiện tình đất nước, họ thường thở dài và lắc đầu nguây nguẩy, buông những câu đại loại: Ai mà tin nổi tụi nó?
Hay: Dại gì mà đầu tư ở VN! Tụi nó muốn cướp là cướp! Toàn là luật rừng!
Hoặc: Thôi, làm ăn ở VN nhức đầu lắm, không đút lót không làm gì được đâu !
Đó là những gì chúng tôi vẫn nói với nhau khi bàn về chế độ chính trị và môi trường làm việc tại VN.
Ông chú tôi, Việt Kiều Pháp, từng được huân chương kháng chiến, đã từng đưa đón các ông lớn CSVN qua Paris ký kết các hiệp định tại Pháp, lúc về hưu ky ca ky cóp được ít tiền tiết kiệm, cộng thêm đám sinh viên Pháp cũng hùn lại trao cho ông một món tiền. Ông hồ hởi, phấn khởi đem về VN, tính thực hiện giấc mơ cuối đời của mình: xây một ngôi trường tình nghĩa tại cái làng nơi ông sinh ra. Ba tháng sau ông trở qua, mặt mày tiu nghỉu, tôi hỏi và được ông trả lời rằng CQ địa phương đòi ông xùy tiền thì mới cho xây. Cuối cùng ông quyết định mang tiền về trả lại cho sinh viên Pháp, vì thật lòng không biết cắt nghĩa làm sao với họ về khoản tiền bôi trơn ấy! Tôi vừa thương hại lại vừa buồn cười ông là CS lão thành mà còn ngây thơ: Ở VN không bôi trơn thì làm gì cỗ máy chạy?
Chúng tôi luôn nhìn về nước nhà để rồi càng nhìn càng… chán ngán, càng bàng hoàng!
Sống và được giáo dục tại những nước mà luật pháp nghiêm minh, bình đẳng, tự do ngôn luận, tự do phản biện, đại đa số VK không chấp nhận và bất mãn về thể chế chính trị trong nước. Những ý kiến đóng góp của chúng tôi về sự cải tổ xã hội, giáo dục đều như nước đổ đầu vịt. Ngay cả các lãnh tụ thế giới qua VN hội họp, thì những phần phát biểu nhạy cảm đều bị báo Đảng cắt xén thảm thương huống chi những góp ý của chúng tôi?
Các Việt Kiều về nước đầu tư, thử hỏi có ai không bị thuế má hoạch họe để phải xì tiền ra? Thử hỏi có ai không chung chi mà yển ổn làm việc? Thử hỏi ai không bị guồng máy hành chính vật cho tơi tả?
Nền giáo dục băng hoại, trộm cướp tràn lan, nạn tham nhũng hoành hành từ làng quê heo hút tới bản doanh trung ương. Nạn bằng cấp giả, nạn chạy chức chạy quyền. Càng làm chức cao càng vô liêm sĩ, không biết từ chức. Không tự do báo chí, văn học. Tiền cứu trợ dân nghèo cũng bị xà xẻo, hệ thống giao thông bát nháo, dự án công cộng nào cũng bị cắt xén, các quan lớn nhỏ thi nhau ăn vô tội vạ trên quê hương kiệt quệ, nợ nần ngập đầu. Những trí thức phản biện đều bị nhốt giam, quy chụp cái mũ phản động. Vài năm gần đây để đánh lừa dư luận lại dùng quái chiêu: “Quần chúng tự phát ức chế” để thẳng tay đàn áp, đánh đập nhân dân bất mãn. Những vấn nạn đó làm Việt Kiều yêu nước đau xót và làm kiệt quệ lòng tin của họ, dẫn tới việc bất hơp tác, thờ ơ với lời kêu gọi của chính quyền. Thử hỏi nếu Việt kiều ồ ạt kéo về nước làm việc, rồi lập hội lập nhóm, biểu tình họ có bị khép vào tội phản động không? Trong khi điều đó lại hết sức bình thường tại nước ngoài? Hay chính quyền chỉ muốn Việt Kiều cũng ngoan ngoan và dễ dạy như người dân trong nước, lâu lâu cho ăn cái bánh vẽ là hài lòng trùm chăn, bịt tai bịt mắt trước mọi bất công của xã hội?
Ngay bản thân tôi, nhớ lại hơn hai mươi năm trước, tôi đau đớn khi khám phá ra mình chỉ học những điều dối trá ở nhà trường. Hai mươi năm sau quay lại vẫn không có gì thay đổi! Cả một xã hội nói dối để sống, để làm việc, để được yên thân, để kiếm chác!
Ngoài đường vẫn giăng đầy những khẩu hiệu sáo rỗng. Càng nhiều khẩu hiệu đạo đức càng suy đồi, người ta càng chán ghét.
Tóm lại qua kinh nghiệm bản thân tôi nghĩ con đường hòa hợp dân tộc là con đường rất nhiều chướng ngại vật. Việc ra sức kêu gọi bằng mồm các Việt Kiều đóng góp xây dựng cho nước nhà là một điều khó thành hiện thực lúc này.
Chừng nào cơ chế chính trị trong nước thay đổi thì họa may. Chừng nào hai chữ hòa hợp không mang tính áp chế của phe chiến thắng thì mới nói tới chuyện cởi bỏ hận thù, hàn gắn dân tộc. Chừng nào những sai lầm chết người trong lịch sử không còn bị ém nhẹm, bóp méo, mà được công khai đem ra mổ xẻ trước bàn dân thiên hạ thì mọi người mới sẵn lòng ngồi lại với nhau, hàn gắn trên những đổ nát. Chừng nào?
30/01/2012
Weblinks :
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks