lịch sử việt nam
Minh-Di | Những Ông Tiến Sĩ Thời Nay
Phần 1: Về một cuốn sách
Vài lời nói đầu.
Năm 2000, trong dịp bàn chuyện « viết lách và chữ nghĩa » với vài bạn bè ở Úc, tôi có than cái cảnh khổ sở của tôi khi đọc chữ Tàu trong sách tiếng Pháp. Bởi lẻ một số sách báo xuất bản tại ngoại quốc có liên quan đến văn học và lịch sử Việt nam, các tác giả đã ghi chú tên họ và địa hình địa vật Trung hoa mỗi người mỗi khác. Người Phương Tây thường ghi chú theo lối « phát âm », còn người Việt nam lại ghi chú theo lối « ý hay nghĩa » theo chữ Việt nôm. Vì vậy rất nhiều lần, bài viết đã xong mà đành cất lại trong góc tủ, vì tôi sợ bày cái dốt chữ Hán của mình ra, các ngài tiến sĩ thời nay sẻ cười thúi óc!
Cách đây 3 năm, trong kỳ trở lại nghỉ hè tại Úc, giữa bữa ăn tại nhà anh Phạm đình Kỳ, cựu thẩm phán toà thượng thẩm Huế, giới thiệu tôi gặp anh Triều lương Chính, một học giả, rất thông thạo chữ Hán, chữ Nôm và chữ Việt, đang sống âm thầm tại vùng Bankstown (gần Sydney-Úc châu). Anh Kỳ còn cho biết, vào những dịp Tết anh Triều lương Chính cũng có viết vài bài trên báo Xuân xuất bản tại Úc châu dưới bút hiệu Minh Di. Đây là một dịp may rất hiếm có, chẳng khác nào như « mèo gặp miếng mỡ », tôi xin được đến thăm anh vào cuối tuần nhật, với dự tính tìm cách học và đọc chữ Hán.
Qua hai ngày sau, anh Minh Di (tức là Triều minh Chính), đã dành thì giờ sẳn sàng đón tiếp tôi và anh Phạm đình Kỳ tại nhà. Ở Úc châu, đất rộng người thưa, nên nhà cữa của anh cũng nằm trên khu đất riêng biệt, bề ngoài xem như loại nhà gọi là biệt thự (villa) bên xứ Bruxelles của tôi. Nhà anh cũng có « ngõ trước vườn sau » đầy cây cảnh bông hoa, nhưng cuộc sống của anh rất đạm bạc. Vợ anh nguyên xuất thân bác sĩ tại Việt nam, nhưng vì qua Úc quá muộn màng, nên không may mắn được trau dồi hành nghề như cũ. Tại đây, chị phải đi làm nghề « tay trái » để nuôi con ăn học. Nay con trai anh chị đã ra ngành kỷ sư điện toán và đã đi làm việc. Sáng nay, trước khi đi đến sở làm, chị cũng không quên « hai ông bạn của chồng », nên đã chu toàn dọn sẳn trên bàn cho 3 chúng tôi một mâm xôi và thịt gà.
Khi anh Minh Di mời hai chúng tôi đi thăm các phòng sách, một ấn tượng so sánh xảy ra trong óc tôi. Vài kỷ niệm lu mờ còn sót lại trong đầu óc lúc tôi còn nhỏ toé ra. Tôi không biết nhà cữa các cụ văn gia trí thức tại đô thị và tỉnh lỵ ngày xưa đã bày biện sách vở ra sao, nên không dám nói. Tôi chỉ nhớ tại nhà ông nội tôi và ông bác tôi, đã hai đời cử nhân tú tài và đi dạy học, nhưng sách vở chưa đầy 100 cuốn xếp ngăn nắp trên chục cái đấu gỗ, sơn đen, treo lủng lẳng trên trần nhà. Hình như phần lớn là sách viết tay, chứ không có (hoặc rất ít) sách in như những tập sách trước mắt tôi hôm nay. Đã lâu, tôi cũng chẳng thấy bác tôi dòm ngó, mãi đến năm 1945, lần đầu tiên mới thấy bác tôi cho dọn xuống lau chùi bụi bặm. Vì bác tôi đang có ý định mở trường dạy chữ Hán cho mấy người trong vùng muốn đi làm thông ngôn cho quân đội Nhật.
Phải thành thật tự thú rằng khi anh Minh Di vừa dẫn hai chúng tôi đi qua 3 phòng sách, đầu óc tôi choáng váng ! Tôi không tin anh đã có một tủ sách chữ Hán quá nhiều như vậy. Tất cả đều là sách in, được bày biện theo niên hiệu và tên tuổi theo thứ tự các tác giả. Lối thiết trí các học sách và lối ghi chú rất khoa học. Dễ tìm. Tôi đoán chừng trên dưới 3000 quyển và quyển nào cũng có kèm theo hướng dẫn!
Trong bữa ăn, chúng tôi có bàn về chuyện tham khảo nghiên cứu các sách xưa. Tôi có nói rỏ với anh Minh Di là hiện tại ở nước ngoài rất nhiều sinh viên mong mỏi được tham khảo những tài liệu có liên quan giữa Việt và Tàu. Nhưng phần lớn đều rất dốt chữ Hán, nên không đọc được sách Tàu. Tôi có nói qua cái khổ sở của tôi trước những lần ngồi trong thư viện Đại học và Thư viện Quốc gia Bĩ. Trong lúc tham khảo thì vấp phải nạn mỗi sách chú thích mỗi cách. Mỗi tác giả chú thích mỗi khác. Điên cả đầu và rất mất thì giờ ! Hơn nữa, mình phải theo lối chú thích của các ông đại khoa bảng tiến sĩ kỷ sư đang có chân trong đại học thời nay thì may ra mới hợp với « cảm quan » trí thức thời đại.
Anh Minh Di hoàn toàn không đồng ý theo lối nghĩ của tôi và anh khuyên tôi nên lấy tri nghiệm một việc mà anh đã từng theo dõi suốt hơn 30 năm nay. Anh khẳng định rằng rất có nhiều tiến sĩ chưa đọc hết tác phẩm của một sử gia, nhưng lại viết thành sách và hiện tại các viện đại học trên thế giới, nhất là tại Mỹ, đang dùng để hướng dẫn sinh viên. Việc ghi học vị tiến sĩ và học hàm trước tên tác giả là bệnh nan y của thời đại. Với người sinh nhai về mảnh bằng trong hội hè đình đám là lối khoe khoang, tự đắc. Đối với các lãnh tụ hay giáo sư đại học là một « đe doạ khủng bố» tinh thần thuộc cấp và sinh viên. Để chứng minh lời nói đó, anh Minh Di đến tủ lấy tôi cuốn sách nhan đề « The Birth of Vietnam » mà tác giả là giáo sư tiến sĩ Weller Taylor tại đại học Michigan. Anh Minh Di đã tặng luôn tôi bài viết phê bình về quyển sách nầy, nhưng đã lâu tôi không có dịp cống hiến bạn đọc để rộng đường suy luận về « cái học chu tất và học lỏm bỏm » giữa các vị trí thức khoa bảng thời nay. Đây cũng là dịp để góp phần trả lời một bài đăng tải trên mạng lưới internet TinParis.net ngày 16/06/2006, khi tác giả đã công khai chỉ trích việc kê khai hai chữ « tiến sĩ» trong nhiều bài viết. Vậy xin độc giả cố gắng đọc hết cả hai bài sau đây, để trước hết là hiểu thêm về lịch sử Việt nam (một sử liệu liên quan đến Việt nam hiếm có) và sau, để biết một người trong trăm ngàn người Việt đang ẫn danh đã nghỉ thế nào về chữ « tiến sĩ » trí thức thời nay qua phần phê bình trực diện.
Tôi tự nhận là người không biết chữ Hán, và vấn đề lịch sử nước nhà cũng chẳng đi vào đâu. Nhưng vì muốn tìm hiểu nguồn cội quê hương, nên có ước mộng sau đây : « Nếu có độc giả nào (đặc biệt là vài vị tiến sĩ người Việt đang sinh nhai tại Mỹ có tên ghi trong bài nầy) nhận thấy bài phê bình và lối trích dẫn sử liệu mà anh Minh Di đã đưa ra có nhiều sơ hở và thiếu sót, xin lên tiếng chỉ giáo ». Tôi xin muôn vàn tri ân.
Chú thích. Vì bài phê bình của tác giả Minh Di quá dài, nên tôi xin chia làm 2 phần, với mục đích giống lên tiếng nói của một trong trăm ngàn học giả người Việt ẩn danh, đang đối diện với các vị « tiến sĩ thời nay » khi viết về Việt nam.
Lê Hùng Bruxelles
a
Vào khoảng cuối năm 1992, một người bạn trẻ vốn biết tôi có nghiên cứu đôi chút về Cổ Sử Việt Nam đưa tôi 1 cuốn sách và hỏi tôi đã đọc cuốn này chưa?
Đây là 1 cuốn sách viết về 1 khoảng khá dài trong giòng Cổ sử Việt Nam - trải từ thời lập quốc cho tới Đinh triều (968 - 980), tác giả là 1 người Hoa Kì, ông Keith Weller Taylor. Tên tác phẩm là 'THE BIRTH OF VIETNAM'
Trong phần 'Đề Tựa' cho cuốn sách nói trên, ông Keith Weller Taylor nói rõ cho người đọc biết đây là 'bản duyệt lại và khai triển' ('revised and expanded version') luận án Tiến sĩ sử học của ông đệ trình vào năm 1976 tại Đại học Michigan.
Riêng bản tôi hiện có trong tay là bản in của 'University of California Press', xuất bản năm 1983 - và Mã số ISBN là: 0 - 520 - 07417 - 3.
Lúc bấy giờ tôi đã định viết một bài phê bình cuốn sách này, nhưng rồi vì công việc đa đoan để ngày tháng cứ thế qua đi, cho tới bây giờ tôi mới thực hiện được í định lúc ban đầu.
Mặt ngoài bìa sau sách K.W. Taylor trích dẫn 1 số í kiến của 1 số người cả Việt lẫn Hoa Kì.Tôi nghĩ rằng có lẽ không người nào quan tâm đến Lịch Sử Việt Nam hơn người Việt Nam, do đó tôi xin dẫn ở đây 1 vài câu chính trong những đoạn phê bình in sau bìa sách đó của 2 vị trí thức Việt Nam thời nay.
'With this work of meticulous scholarship, Taylor put both Vietnamese and Chinese historians in his debt.' (Hue -Tam Ho Tai. Pacific Affairs Review).
'This is an outstanding work. For researchers, it is a mine of historical sources interpreted and analyzed.' ( Truong Buu Lam. American Historical Review).
2 vị trí thức Việt Nam kể trên dĩ nhiên là có những lí do ( ?) để cho rằng cuốn 'The Birth of Vietnam' của tác giả K.W. Taylor là 1 'tác phẩm của sự uyên bác tỉ mỉ', các Sử gia Việt Nam cũng như Trung Hoa đều thua kém, là '1 tác phẩm ngoại hạng', là '1 cái mỏ các nguồn Sử liệu' cho những người nghiên cứu, vân vân và vân vân.
Riêng phần tôi, tôi cũng có những lí do, dĩ nhiên, để cho rằng.. ' coi chừng trí thức lỏm bỏm'.
Theo dỏi thư Mục Tham Khảo của K.W. Taylor gồm có 2 nguồn:
(1). Các nguồn căn bản (Primary Sources).
Nguồn này gồm có một số tác phẩm cổ viết bằng Hán văn, tác giả là những người Việt Nam và Trung Hoa từ thế kỉ 19 Công nguyên trở về trước, tổng cộng 33 tác phẩm, phân ra Việt Nam có 5 tác phẩm, và Trung Hoa 28 tác phẩm.
(2). Các nguồn phụ (Secondary Sources).
Nguồn này gồm những tác phẩm và bài báo viết bằng Anh văn, Pháp văn, Hán văn, Nhật văn... và Việt văn, tác giả là những người từ đầu thế kỉ 20 Công nguyên trở lại đây - cộng tất cả được 174 tác phẩm và bài báo.
Ở đây tôi chỉ xét các nguồn tư liệu, Sử liệu căn bản.
Như danh xưng cho thấy, các nguồn tư liệu và Sử liệu này chính là cái nền, cái khung của cuốn 'The Birth of Vietnam'.
Để qua 1 bên 5 tác phẩm cổ của Việt Nam là 'Lĩnh Nam Chích Quái', 'Việt Điện U Linh Tập', 'Đại Việt Sử Kí Toàn Thư', 'Việt Sử Lược', 'An Nam Chí Lược' mà nếu tôi không lầm thì đều đã được chuyển dịch qua Việt ngữ.
Còn lại 28 tác phẩm cổ của Trung Hoa thì có 3 vấn đề, mà bất cứ một nhà khảo cứu nào cũng rỏ:
1/. Số lượng Sử liệu.
2/. Sử dụng Sử liệu.
3/. Tuyển trạch Sử liệu.
Sau đây tôi sẽ lần lượt phân tích từng vấn đề một.
1/. Số lượng Sử liệu.
Thư tịch cổ Trung Quốc liên quan Cổ sử Việt Nam - ở đây nói riêng giai đoạn Cổ sử Việt Nam đề cập trong cuốn 'The Birth of Vietnam' - tuy không nhiều lắm nhưng cũng không ít lắm như Thư Mục K.W. Taylor đã liệt kê.
Những 'Sử liệu' loại này tôi hiện có trong tay cũng ngoài trăm bộ. Và dĩ nhiên tất cả không chỉ chừng đó, vì có thể còn nhiều tác phẩm tôi chưa được biết, cũng như những tác phẩm tuy có biết nhưng tôi chưa có được trong tay.
Những Sử liệu như vừa nói chủ yếu gồm những Sử thư - bao gồm những bộ được liệt Chính Sử cũng như không được liệt Chính Sử, kế đến là những Loại thư, những tập Bút Kí và Trát Kí của nhiều danh nhân, học giả Trung Hoa.
Ở đây cũng cần nhấn mạnh 1 điểm là tư liệu liên quan Cổ sử Việt Nam ghi chép trong các tập Bút kí, Trát kí của danh nhân, học giả Trung Hoa... tuy thường là rải rác nhưng trong khá nhiều trường hợp đó lại là những tư liệu hết sức giá trị khả dĩ bổ túc, cải chính những thiếu sót, những lầm lẫn, nhất là những thiên kiến của Sử thư; đây là điều mà có lẽ rất ít người ngờ đến, và có lẽ cũng vì vậy mà rất hiếm người để í tìm kiếm trong phạm vi này.
Để cụ thể hơn, tôi xin dẫn ra đây 1 số Sử liệu quan trọng cho việc nghiên cứu Cổ Sử Việt Nam mà lẽ ra K.W. Taylor không thể không biết tới:
(1). 'Cửu Quốc Chí' của Lộ Chấn ( ? - ? ) thời Bắc Tống (960 - 1127).
(2). 'Thập Quốc Xuân Thu' của Ngô Nhiệm Thần (1631 - 1684), đời Thanh (1644 - 1911).
(3). 'Nam Hán Thư' của Lương Đình Nam (1796 - 1861), Thanh triều.
(4). 'Lãnh Ngoại Đại Đáp' của Chu Khứ Phi (1135 - 1189), thời Nam Tống (1127 - 1279).
(5). 'Đông Tây Dương Khảo' của Trương Tiệp (1574 - 1640) đời Minh (1368 - 1644).
(6). 'Quảng Đông Tân Ngữ' của Khuất Đại Quân (1630 - 1696), Thanh triều.
(7). 'Việt Tây Tùng Tái' của Uông Sâm ( ? - ? ), Thanh triều.
(8). 'Đường Hội Yếu' của Vương Phổ ( ? - ? ), thời Bắc Tống.
(9). 'Đường Đại Chiếu Lệnh Tập' của Tống Mẫn Cầu (1019 - 1079), đời Bắc Tống.
(10). 'Văn Hiến Thông Khảo' của Mã Đoan Lâm (~ 1254 - 1323), đời Nguyên (1279 - 1368).
Đây là tôi chỉ mới đề cập những tác phẩm mà giới nghiên cứu Sử học hầu hết đều biết; còn như chịu khó hơn thì người ta có thể tìm thấy 1 vài đìều về Việt Nam thời cổ chép rải rác trong 1 số tác phẩm có tính cách tư tưởng, như tập 'Luận Hành' của học giả Vuơng Xung (27 - ~ 96) triều Đông Hán (25 - 220), và các tập Tùy bút, Bút kí, chẳng hạn: 'Tây Kinh Tạp Kí', vẫn truyền do đạo sĩ Cát Hồng (284 - 363) vào đầu đời Đông Tấn (317 - 420) soạn, 'Triều Dã Thiêm Tái' của Trương Trạc ( ? - ? ) đời Đường (618 - 907) biên soạn, và, 'Khai Ngưyên Thiên Bảo Di Sự' của Vương Nhân Dụ (880 - 956) thời Ngũ Đại (907 - 960)...
Còn gần đây thì không thiếu những tác phẩm bổ túc những thiếu sót, đính chính những lầm lẫn trong Sử thư cổ, trong đó có 1 vài điều liên quan Cổ sử Việt Nam, chẳng hạn như các tác phẩm 'Thông Giám Tùy, Đường Kỉ Tỉ Sự Chất Nghi' của Sử học gia Sầm Trọng Miễn (1885 - 1961) và 'Tuyển Đường Tập Lâm' của Nhiêu Tông Di, cũng như 'Tuyền Tệ', một tạp chí nghiên cứu về tiền cổ Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, do 'Trung Quốc Tuyền Tệ Học Xã' chủ trương...
2/. Sử dụng Sử liệu.
Khi đọc một tác phẩm nghiên cứu, đọc phần 'Thư Mục Tham Khảo', người đọc luôn luôn nghĩ rằng tác giả hẳn đã thực sự tham khảo những thư tịch được liệt kê trong mục này. Nhưng ở đây, trường hợp của ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor, sự việc rồi đã chẳng như người ta tưởng. đây là vấn đề mà tôi sẽ chứng minh.
Trước hết, khi luận về danh xưng 'GIAO CHỈ', K.W. Taylor đã viết như sau:
'The name Giao-chi was plucked from the Li chi ( Records of Rituals ), an early Chinese text, where it appears as a term used to describe the communal sleeping habits of 'southern barbarians'. Giao-chi means 'intertwined feet' and refers to the custom of sleeping in groups with each person's head extending outward, while all feet came together in the center. 118
This does not mean that the ancient Vietnamese practiced such a custom, for the term appears under the Cheng family in the Li chi, and the Cheng ruled in Ho-nan from 774 to 500 B.C. In that time and place the 'southern barbarians' would have been the people in the Yangtze basin or, at furthest, the Hsi basin, but not in a place so remote as the Hong basin. Nevertheless, as the Li chi came to be included among the classics of Chinese literature, its phraseology gained a special authority that was indiscriminately applied by later generations to conditions in their day.'.(The Birth of Vietnam I. Lac Lords. Chao T'o. p. 26). Xin phỏng dịch :
'Danh xưng Giao-chỉ được trích từ sách Lễ Kí ( Tập ghi chép về Lễ nghi ), 1 bản văn cổ của Trung Hoa, trong đó danh xưng này được dùng để mô tả thói quen nằm ngủ trong làng xã của dân 'man di'. Giao-chỉ có nghĩa 'những bàn chân giao nhau' và nhằm chỉ tập tục ngủ tập thể theo đó đầu của mỗi người hướng ra ngoài còn các bàn chân thì đâu lại với nhau ở tâm điểm.
Điều này không có nghĩa rằng người Việt Nam thời cổ đã có 1 tập tục như vậy, vì lẽ từ ngữ này xuất hiện dướì thời giòng họ Trịnh ghi trong Lễ Kí, và giòng họ Trịnh đã cai trị đất Hà-nam từ năm 774 tới năm 500 trước Tây lịch. Vào khoảng thời gian và không gian đó dân 'man di' phải là dân cư ở lưu vực sông Dương Tử hay, xa nhất, là ở lưu vực sông Tích, chứ không phải ở một không gian quá xa như sông Hồng. Tuy nhiên, vì sách Lễ Kí đã là 1 trong những Kinh điển cổ của văn học Trung Hoa, văn từ của tác phẩm do đó đã có 1 uy thế đặc biệt để rồi những thế hệ sau đó đã dẫn dụng mà không phân biệt tùy bối cảnh của thời đại mình.'.
Câu kết luận của đoạn văn trên đây đã khẳng định rằng í nghĩa của danh xưng Giao Chỉ đã nêu ở phần đầu là giải thích của sách 'Lễ Kí'. Người đọc rồi không thể nào hiểu khác hơn!
Thực tội nghiệp cho ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor! Vì như vậy, cho phép tôi khẳng định rằng ông tiến sĩ chưa từng đọc qua cuốn 'Lễ Kí' bao giờ cả!
Tôi xin trích dẩn trong một đoạn tự thuật về các dân tộc 4 phương tiếp giáp Trung Quốc, thiên 'Vương chế' của sách 'Lễ Kí' có đoạn chép:
'Nam phương viết Man, điêu đề Giao Chỉ; hữu bất hỏa thực giả hĩ.'. Có nghĩa là : 'Các dân tộc ở phương Nam được gọi chung là Man, có dân Giao Chỉ xâm hình trên trán; về ăn uống dân Man có những món ăn sống không nấu nướng gì hết.'
Chính văn 'Lễ Kí' đề cập dân Giao Chỉ chỉ có chừng đó, ngoài ra không có đoạn nào giải thích về í nghĩa của danh xưng Giao Chỉ như K.W. Taylor đã viết. Vậy thì ti?n s? K.W. Taylor đã căn cứ vào đâu để mà khẳng định như trên?
Coi phần cước chú 118 của K.W. Taylor: '118. LC, 4, 10b; Asami Shozo, 'Koshi to iu Kosho', pp. 64 - 67'. (LC. là kí hiệu ngài tiến sĩ giáo sư K.W. Taylor dùng để chỉ sách 'Lễ Kí', viết tắt từ âm Quốc ngữ Trung Hoa). Như vậy là K.W. Taylor đã căn cứ 1 tác giả người Nhật viết về 'Lễ Kí'!
Tôi không biết tác giả và tác phẩm (hay Bài báo gì đó) mà tiến sĩ K.W. Taylor đã dẫn, hoặc nếu có đi nữa thì tôi cũng không đọc được tiếng Nhật, như bà vợ Nhật của K.W. Taylor, để có thể biết tác giả Nhật đó đã viết những gì cũng như K.W. Taylor đã trích dẫn chính xác hay không chính xác.Nhưng, nếu nói Bộ 'Lễ Kí' thì tôi có thể khẳng định là tôi biết rất rõ xuất xứ của giải thuyết về danh xưng Giao Chỉ K.W. Taylor đã đề cập.
Đây là giải thuyết của học giả Khổng Dĩnh Đạt (574 - 648) đời Đường (618 - 907) ghi trong bộ chú giải sách 'Lễ Kí' của ông, tựa đề 'Lễ Kí Chính Nghĩa'. Khi giải thích danh xưng Giao Chỉ trong đoạn văn của thiên 'Vương chế' sách 'Lễ Kí' đã trích dẫn ở 1 đoạn trên, Khổng Dĩnh Đạt đã viết như sau:
'Chỉ, túc dã ( ngôn Man ngọa thời đầu hướng ngoại nhi túc tại nội nhi tương giao, cố vân Giao Chỉ.'. (Lễ Kí Chính Nghĩa. Qu. XII). Nghĩa là :
'Chỉ là bàn chân ( í nói dân Man di lúc nằm ngủ thì đầu hướng ra ngoài, và bàn chân thì hướng vào trong, đâu lại với nhau, do đó mà gọi là Giao Chỉ.'.
Tóm lại, K.W. Taylor đã trích dẫn 1 tác giả Nhật, và rồi, chẳng rõ tác giả đó đã viết thế nào mà khi tới ngài tiến sĩ K.W. Taylor thì phần chú giải Kinh lại biến thành phần chính văn Kinh?!
Ngoài ra, trong đoạn văn của 'The Birth of Vietnam' tôi đã dẫn trước đây, ngài tiến sĩ K.W. Taylor còn sai 1 điểm về lịch sử Trung Hoa nữa, khi viết 'Cheng family' ('giòng họ Trịnh').
Thực ra Trịnh ở đây là Quốc danh chứ không phải tên Họ người, hay tên Triều đại, do đó chính xác hơn phải viết 'Cheng state'. Người khai sáng Trịnh quốc là Cơ Hữu (Họ Cơ, tên Hữu) mà trong Sử thư thường được gọi qua danh xưng Trịnh Hoàn công (? - 771 tr. Cn.; tại vị: 806 - 771). Cơ Hữu vốn giòng dõi tông thất Chu triều (1121 - 256 tr. Cn.), là con út của Chu Lệ vương (? - 828 tr. Cn.; tại vị: ? - 842), và là em của Chu Tuyên vương (? - 782 tr. Cn.; tại vị: 828 - 782).
Có thể nói những Sử liệu Trung Hoa trích dẫn trong 'The Birth of Vietnam' rồi đã được dẫn lại từ những tác giả hoặc Tây phương, hoặc Nhật Bản, do đó mà người đọc cũng chẳng ngạc nhiên chút nào hết khi thấy K.W. Taylor đã sai ngay ở những điều sơ đẳng nhất.
Trong 1 đoạn đề cập danh tướng Mã Viện (14 tr. Cn. - 49 Cn.), K.W. Taylor viết:
'At the beginning of A.D. 41, one of the empire's best generals, Ma Yüan, fresh from suppressing a rebellion in An-hui, was appointed, at the age of fifty-six, to march to the far south.'.(Op. cit. I. Lac Lords. The Trung Sisters. p. 39). Vào đầu năm 41 Tây lịch, 1 trong những đại tướng giỏi nhất của đế quốc, Mã Viện, vừa dẹp xong 1 cuộc nổi loạn ở An-huy, được bổ nhiệm, vào tuổi 56, để dẫn quân xuống phương Nam xa xôi.'.
Những ai ít nhiều đã từng coi qua Sử sách Trung Hoa hẳn đều biết 1 điều là lối tính tuổi những nhân vật lịch sử trong thư tịch cổ của họ rồi chính là lối tính tuổi mà chúng ta, người Việt Nam, gọi là 'Tuổi Ta', nghĩa là năm vừa sinh tính ngay 1 tuổi.
Và như vậy, nếu tính đi từ năm 14 trước Tây lịch (năm Mã Viện sinh) cho đến năm 41 Tây lịch (năm Mã Viện đưa quân xuống miền viễn Nam), Mã Viện chỉ mới 55 tuổi (Ta) mà thôi!
Còn tính theo tuổi gọi là 'Tuổi Tây', tức tính theo cách tính của người phương Tây, thì rồi phải trừ đi 1 năm, nghĩa là chỉ 54 tuổi mà thôi.
Tóm lại, tuổi của Mã Viện vào năm 41 Cn., nói 'Tuổi Ta' thì K.W. Taylor đã tính lố 1 Tuổi, và nói 'Tuổi Tây' thì K.W. Taylor đã tính quá đến 2 Tuổi - và ở đây tôi nghĩ K.W. Taylor đã tính theo 'Tuổi Tây'.
Chỉ 1 chuyện sơ đẳng như vậy mà còn sai lầm thì rõ ràng là ông tiến sĩ K.W. Taylor vốn không thông hiểu Hán văn, đọc không được bao nhiêu, cũng như chưa từng coi qua 'Hậu Hán Thư', là Bộ Sử có phần ghi chép tiểu sử Mã Viện, bao giờ hết! Nếu ngài tiến sĩ có đọc thì đâu đến nỗi tính kiểu nào cũng sai như vậy!
Tham khảo Sử liệu, nhất là những Sử liệu căn bản, một cách gián tiếp, qua người khác như vậy cho nên bao nhiêu lầm lẫn, bao nhiêu thiếu sót của người, ngài tiến sĩ K.W. Taylor đều gom đủ hết. Và ở đây, những sự việc chung quanh trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938, giữa triều đình Nam Hán (905 - 971) và Ngô Quyền (898 - 944; tại vị: 939 - 944), tường thuật trong cuốn sách 'The Birth of Vietnam' đã cho thấy rất rõ điều này.
Về những quyết định cũng như chuẩn bị của Lưu Cung (889 - 942; tại vị: 917 - 942) - là Cao tổ triều Nam Hán, trước khi tiến đánh đất Giao Châu, ngài tiến sĩ K.W. Taylor viết:
'He placed his own son, Liu Hung-ts'ao, in command of the expedition, naming him 'Peaceful Sea Military Governor' and 'King of Giao'. He hastily assembled an army at Sea Gate, where he personally took charge of the reserve force. One of his court ministers advised restraint, saying, 'Rain has been accumulating continuously for ten days now; the sea route is long and dangerous; Ngo Quyen is a treacherous adversary, he cannot be treated lightly.'. (Op. cit. 7. Independence. Ngo Quyen. p. 267). Phỏng định :
'Ông ta chỉ định con mình, Lưu Hoằng-tháo, chỉ huy cuộc hành quân, phong Hoằng Tháo tước hiệu 'Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ' và 'Giao Vương'. Ông ta vội vã tập hợp 1 đạo quân ở Hải Môn, tại đó ông ta đích thân chỉ huy lực lượng trừ bị. 1 trong những đình thần đã can ngăn ông ta, nói rằng, 'Trời mưa dầm dề đã 10 ngày nay rồi; đường biển thì xa xôi và nguy hiểm; Ngô Quyền là 1 đối thủ xảo quyệt, không thể coi thường được.'
Từ khoảng giữa trang 265 cho tới đầu trang 269 (luận về Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền), theo như những cước chú ghi số 47, 48, 49, 50, 51 chúng ta biết trong khoảng mấy trang vừa kể trên K.W. Taylor chủ yếu đã căn cứ 1 bộ Sử (?) tiêu đề 'Annan' ('An Nam') của 1 tác giả Nhật Bản tên Yamamoto. Khi chép về trận chiến trên sông Bạch Đằng, tôi nghĩ Yamamoto đã không thể không tham khảo bộ Sử thư nổi danh là 'Tư Trị Thông Giám' của Tư Mã Quang (1019 - 1086) thời Bắc Tống (960 - 1127).
Bây giờ hãy thử đối chiếu đoạn văn đã dẫn trên của K.W. Taylor và đoạn văn sau đây trong bộ 'Tư Trị Thông Giám':
'Dương Đình Nghệ cố tướng Ngô Quyền tự Ái châu cử binh công Kiểu công Tiễn ư Giao châu. Tiễn khiển sứ dĩ lộ cầu cứu ư Hán. Hán chủ dục thừa kì loạn nhi thủ chi, dĩ kì tử Vạn Vương Hoằng Tháo vi Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ, tỉ phong Giao vương, tương binh cứu Công Tiễn. Hán chủ tự tương đồn vu hải môn, vi chi thành viện.
Hán chủ vấn sách ư Sùng Văn Sứ Tiêu Ích, Ích viết: Kim lâm vũ tích tuần, hải đạo hiểm viễn, Ngô Quyền kiệt hiệt, vị khả khinh dã; đại quân đương trì trọng, đa dụng hướng đạo, nhiên hậu khả tiến.'. ( Qu. CCLXXXI. Hậu Tấn kỉ 2).
Cao Tổ Thánh Văn Chương Vũ Minh Đức Hiếu Hoàng Đế. Thiên Phúc tam niên . 'Tướng trước kia của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền đem quân từ Ái châu ra Giao châu đánh Kiểu Công Tiễn. Công Tiễn cho sứ giả mang của hối lộ qua cầu cứu (Nam) Hán. Muốn thừa cơ Giao châu loạn mà chiếm lấy xứ này vua Nam Hán phong con mình là Vạn vương Hoằng Tháo làm 'Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ', chuẩn bị tấn phong Giao Vương, đưa binh cứu Công Tiễn. Còn vua Nam Hán thì đích thân đóng quân tại cửa biển để tiếp ứng.
Vua Nam Hán hỏi kế sách quan Sùng Văn Sứ Tiêu Ích thì Tiêu Ích nói: Trời mưa dầm dề đã 10 ngày nay, đường biển thì xa xôi, nguy hiểm, còn Ngô Quyền lại là kẻ mưu mô quỉ quyệt, tình thế rồi không thể coi thường được; đại quân nên thận trọng, dùng nhiều người dẫn đường, có như vậy thì mới có thể tiến được.'.
Chúng ta thấy rất rõ, thiếu sót của tiến sĩ K.W. Taylor ở đây là danh tính của vị đình thần đã can ngăn vua Nam Hán, Lưu Cung. Thế nhưng K.W. Taylor đã không biết mà ngay đến câu kết luận quan trọng của lời can ngăn đó K.W. Taylor cũng không biết luôn. Đây là tôi chỉ mới nói có 'Tư Trị Thông Giám'.
Sự việc trên đây, 2 Sử gia Ngô Nhiệm Thần (1631 - 1684), rồi Lương Đình Nam (1796 - 1861) sau đó dưới Thanh triều (1644 - 1911) đã chép gần hệt như Tư Mã Quang, chỉ khác đôi chút về cách hành văn và 1 vài chữ mà thôi, không đáng kể.
Có điều, tiếp liền sau câu 'Nhiên hậu khả tiến', 2 Sử gia nói trên còn có thêm 1 câu nữa, đó là: 'phủ tắc binh vị trập dã', nghĩa là 'bằng không thì không thể điều động quân binh được'.
Xin coi:
'Thập Quốc Xuân Thu'. Qu. LXIII. Nam Hán 6. Liệt Truyện. Tiêu Ích.
'Nam Hán Thư'. Qu. XII. Liệt Truyện 6. Chư thần Truyện 4. Tiêu Ích.
Còn về lầm lẫn thì tác giả 'The Birth of Vietnam' đã lầm lẫn khi đặt bút viết rằng 'Ngô Quyền là 1 đối thủ xảo quyệt, không thể coi thường được'.
Căn cứ những gì Tiêu Ích nói chép lại trong 'Tư Trị Thông Giám' thì có thể thấy:
(1). 'Trời mưa dầm dề đã 10 ngày nay', trong khi (2). 'đường biển thì xa xôi, nguy hiểm', thêm vào đó (3). 'Ngô Qyền lại là 1 kẻ mưu mô quỉ quyệt'.
Tất cả 3 yếu tố này tạo thành 1 'tình thế không thể coi thường được', không phải chỉ con người của Ngô Quyền không mà thôi!
Luận Binh pháp thì có thể thấy ngay là Tiêu Ích đã phân tích tình thế theo 3 yếu tố 'Thiên/Địa' và 'Tri Kỉ' ('Biết Mình') / 'Tri Bỉ' ('Biết Người'). 2 yếu tố trên đã được phân tích cặn kẽ trong thiên 'Thủy Kế', thiên đầu tiên, đồng thời cũng là Cương lãnh của bộ Binh pháp 'Tôn Tử' - và yếu tố thứ 3 được luận trong thiên 'Mưu Công', thiên thứ 3 của bộ Binh pháp trứ danh vừa kể.
Nói Lịch Sử là nói thời gian. Về năm tháng xảy ra trận chiến Bạch Đằng, K.W. Taylor viết:
'The Battle of Bach-dang River took place in the autumn of 938.'. ( Op. cit. p. 269).
'Trận chiến sông Bạch-đằng xảy ra vào mùa thu năm 938.'.
Cả 3 Bộ Sử: 'Tư Trị Thông Giám' (Quyển thứ đã dẫn, Mục đã dẫn ở một đoạn trên), cũng như 'Thập Quốc Xuân Thu' (Qu. LVIII. Nam Hán 1. Bản kỉ: Cao tổ bản kỉ.) và Bộ 'Nam Hán Thư' (Qu. III. Bản kỉ 3: Cao tổ kỉ 2.) đều chép thật rõ rằng trận chiến trên sông Bạch Đằng đã xảy ra vào mùa Đông, tháng 10 (Âm lịch), năm Mậu Tuất (938).
Sử gia Tư Mã Quang vì không coi Nam Hán là 1 triều đại chính thống cho nên đã chép Sự việc theo niên biểu của thời Ngũ Đại (907 - 960) ( trận Bạch Đằng, vì vậy, đã được chép trong mục các sự việc xảy ra vào tháng 10, Mùa Đông, năm thứ 3 Niên hiệu Thiên Phúc (936 - 942), dưới thời Cao tổ (892 - 942; tại vị: 936 - 942) triều Hậu Tấn (936 - 947).
Còn 2 Bộ sử của Ngô Nhiệm Thần và Lương Đình Nam đều đã chép sự việc theo niên đại triều Nam Hán (905 - 971). 2 Sử gia này đều ghi rõ trận Bạch Đằng xảy ra vào tháng 10, Mùa Đông năm thứ 11 Niên hiệu Đại Hữu (928 - 942) đời Cao tổ triều Nam Hán.
Sử thư Trung Hoa, và là Sử thư trứ danh, đã ghi rành rành là 'Mùa Đông' như vậy, tôi chẳng rõ tác giả 'The Birth of Vietnam' rồi căn cứ sách vở nào mà nói là 'Mùa Thu' như vậy?
Sau cùng là 1 vấn đề địa lí.
'Tư Trị Thông Giám', 'Thập Quốc Xuân Thu' và 'Nam Hán Thư' đều chép rất rõ là khi ra lệnh Hoằng Tháo (Bộ 'Nam Hán Thư' ghi là Hồng Tháo) theo đường biển tiến chiếm đất Giao châu Nam Hán Cao tổ trú quân tại cửa biển để tiếp ứng.
'CỬA BIỂN', nguyên Hán văn chuyển qua âm Hán Việt là 'HẢI MÔN'. Nỗi khó khăn đáng kể khi đọc những tác phẩm cổ Trung Hoa nói chung, và Cổ Sử nói riêng, là trong 1 tác phẩm, có khi vài ba trăm trang, người đọc rồi chẳng hề thấy được 1 dấu phẩy - hoặc 1 dấu chấm - khả dĩ phân biệt câu này với câu kia, đoạn văn này với đoạn văn kia.........; lại nữa các tên riêng như Nhân danh, Địa danh... rồi cũng chẳng có 1 dấu hiệu nào để mà phân biệt với các chữ khác.
Chính vì lẽ đó mà ngày nay có những tác giả Trung Hoa đã bỏ công sức ra làm 1 công việc gọi là 'ĐIỂM HIỆU' (cũng còn gọi là 'HIỆU ĐIỂM') những tác phẩm của cổ nhân. Công việc này đại khái ngoài việc đính chánh những chữ, những câu in sai trong các Bản in cổ, cũng bao gồm các việc như chấm câu theo phương thức chấm câu ngày nay, phân biệt nhân danh, địa danh..... phân biệt bằng cách gạch 1 đường thẳng, hay 1 đường loăn quăn, tùy theo đó là nhân danh hay là địa danh, bên trái tên riêng đó.
Và, theo các Bản Điểm hiệu 'Tư Trị Thông Giám', 'Thập Quốc Xuân Thu' và 'Nam Hán Thư' của Trung Hoa Thư Cục 'Tiêu điểm Tiểu Tổ' ( của Từ Mẫn Hà, Chu Doanh và Lâm Tân Tông thì 'Hải Môn' là 1 'Địa danh'; có điều là Địa danh này ở đâu thì không 1 tác giả điểm hiệu nào trong số các tác giả kể trên chỉ rõ ra được.
Do đó cũng không lạ ngài tiến sĩ K.W. Taylor đã chuyển dịch 2 chữ 'Hải Môn' qua Anh ngữ là 'Sea Gate' và viết 'Hoa'. Nói K.W. Taylor đã trích dẫn 2 chữ này từ một người khác, hoặc có chuyển dịch thì cũng đã chuyển dịch từ Pháp văn hay Nhật văn thì đúng hơn - vì như đã thấy quá rõ, Taylor rồi có đọc 'Tư Trị Thông Giám' bao giờ đâu!
Tới đây có lẽ cũng cần sơ lược 1 vài giòng về cương vực Nam Hán.
Cương vực Nam Hán đã biến thiên qua nhiều thời kì. Cho tới năm 943, lãnh thổ Nam Hán gồm toàn cõi của tỉnh Quảng Đông + Trung bộ và Nam bộ tỉnh Quảng Tây + huyện Phú Ninh ở góc Đông Nam tỉnh Vân Nam hiện nay để sau đó, từ những cuộc chiến tranh với nước láng giềng là Sở (toàn tỉnh Hồ Nam + 2 mặt Bắc, và Đông Bắc tỉnh Quảng Tây hiện nay - lịch sử: 896 - 951)
Nam Hán đã mở rộng lãnh thổ về 2 mặt Bắc và Đông Bắc, để đến năm 954 cương vực quốc gia đã bao quát toàn tỉnh Quảng Đông + toàn tỉnh Quảng Tây (trừ huyện Thiên Nga ở một góc Bắc và huyện Toàn Châu ở 1 góc Đông Bắc) + 6 huyện ở mé cực Nam tỉnh Hồ Nam hiện nay, đó là các huyện Quế Đông, Vĩnh Hưng, Quế Dương, Lam Sơn, Nghi Chương, Nhữ Thành.
Tổng diện tích Quốc gia: trên 450,000 cây số vuông (csv.), trong đó Quảng Đông 210,000 csv. và Quảng Tây 230,000 csv.; đây là cương vực rộng nhất trong suốt 66 năm lịch Quốc gia này.
Kinh đô của Nam Hán đặt tại Phan Ngu, ngày nay là Thị xã Quảng Châu, tức Thủ phủ của tỉnh Quảng Đông.
Minh Di án:
Phan Ngu, hoặc Phan Ngung, nhưng vì không truy cứu, các sách Việt Nam đã theo âm đọc sai mà chép sai là Phiên Ngung.
Theo Tự điển 'Khang Hi' cũng như các bộ Từ điển 'Từ Hải', 'Từ Nguyên' thì chữ Phiên ở đây phải đọc âm Phan chứ không thể đọc âm Phiên.
Trở lại vấn đề 'Hải Môn'.
Căn cứ Địa Lí hành chánh thời Nam Hán thì không có địa danh nào là 'HẢI MÔN' hết - chỉ có 1 địa danh là 'Hải Môn Trấn' - 1 thị trấn nhỏ bên bờ sông Hợp Phố (tức Nam Lưu Giang) cách bờ biển hơn 20 cây số, thuộc Châu Thường Lạc (nay thuộc huyện Hợp Phố, tỉnh Quảng Tây).
Xác định Kinh tuyến/Vĩ tuyến 'Hải Môn Trấn': Kinh độ 109 0 12' / Vĩ độ 21 0 41' 25''.
Coi bản đồ 8, trang 197, trong 'The Birth of Vietnam', thì điểm ghi 'Sea Gate' coi có vẻ như là 'Hải Môn Trấn' trên bản đồ Nam Hán. Nói 'có vẻ' vì bản đồ rất sơ lược, không Kinh độ/Vĩ độ, do đó không thể xác định 'Sea Gate' của ông rồi có đúng là 'Hải Môn Trấn'hay không?
Có điều, trên Bản đồ Nam Hán, nếu như đối chiếu 'Hải Môn Trấn' với đảo Hải Nam ở mé dưới thì có thể thấy 'Hải Môn Trấn' nằm trên 1 đường thẳng cắt ngang góc trái đảo này trong khi đó trên bản đồ của Taylor điểm 'Sea Gate' lại lệch hẳn ra ngoài, về mé trái, đảo Hải Nam khá xa.
Và nếu đi thẳng vào vấn đề thì có thể nói 2 chữ 'Hải Môn' chép trong 'Tư Trị Thông Giám' và 'Thập Quốc Xuân Thu', cũng như 'Nam Hán Thư' rồi không phải là 'Hải Môn Trấn' nói trên.
2 chữ 'Hải Môn' ở đây chỉ là 1 danh từ chung, là 'Cửa Biển' nói chung mà thôi! Hoằng Tháo theo hải đạo tiến đánh Giao châu; và để tiếp ứng con mình theo ngã này Nam Hán Cao tổ đã chuẩn bị chiến thuyền sẵn sàng tại 'cửa biển', sẵn sàng.
Í của Tư Mã Quang, Ngô Nhiệm Thần, Lương Đình Nam cũng chỉ giản dị có vậy! 3 Sử gia này không 1 người nào có 1 ghi chú nào, dù sơ lược, minh thị 'hải môn' là 1 địa danh hết; thậm chí trong Bản Chú giải 'Tư Trị Thông Giám' uyên bác của Sử học gia Hồ Tam Tỉnh (1230 - 1302) Nguyên triều (1279 - 1368) người ta cũng không biết gì hơn về 2 tiếng 'Hải Môn'. Trong đoạn chép việc Ngô Quyền đem quân từ Ái châu ra Giao châu đã dẫn trước đây, về địa danh Ái châu Hồ Tam Tỉnh còn có vài giòng chú thích, trong khi 2 chữ 'hải môn' thì không 1 chữ nào.
Nam Hán là 1 quốc gia duyên hải, cửa biển rất nhiều, nhất là 1 dải Quảng Đông. Bây giờ chúng ta hãy nghe 1 người Quảng Đông nói về 'hải môn', về 'cửa biển', của cả 1 vùng đất nơi mình sinh trưởng:
'Nam Hải chi môn tối đa.Tòng Quảng châu nhi xuất giả viết Hổ Đầu Môn, tối đại; tiểu giả viết Hổ Điều, viết Kê Tháp, viết Kê Đề, viết Tam Môn, viết Đông Châu. Thử Trung lộ chi hải môn dã.
Tòng Đông Quan nhi xuất giả viết Nam Đình; tòng Tân An nhi xuất giả viết Tiểu Tam Môn, viết Đồn Môn, viết Cấp Thủy viết Trung Môn, viết Lí Ngư, viết Song Trợ, viết Nam Phật Đường, viết Bắc Phật Đường; tòng Tân Ninh nhi xuất giả viết Đại Kim, viết Tiểu Kim, viết Trại Môn, viết Quan Môn; tòng Huệ Lai nhi xuất giả viết Giáp Tí; tòng Triều Dương nhi xuất giả viết Hà Độ; tòng Trừng Hải nhi xuất giả viết Thủy Hú. Thử Đông lộ chi hải môn dã.
Tòng Tân Hội nhi xuất giả viết Nhai Môn, viết Tùng Bách; tòng Thuận Đức nhi xuất giả viết Hoàng Dương; tòng Hương Sơn nhi xuất giả viết Kim Tinh, viết Thượng Thập Tự, viết Hạ Thập Tự, viết Mã Lưu, viết Hoàng Kinh; tòng Ngô Xuyên nhi xuất giả viết Hạn Môn; tòng Hải Khang nhi xuất giả viết Bạch Cáp. Thử Tây lộ chi hải môn dã.
Phàm tam lộ, Đông khởi Triều châu, Tây tận Liêm, Nam tận Quỳnh, Nhai, giai hữu thủy trại dĩ thủ. Thủy trại tại Triều giả viết Giá Lâm, tại Huệ viết Kiệt Thạch, tại Quảng viết Nam Đầu, tại Cao, Triệu Khánh viết Ân Dương, tại Lôi viết Bạch Cáp, tại Quỳnh viết Bạch Sa; phàm 6 Trại.
Lục trại chi thân địa, kì cảng thâm giả tại Nam Đầu hữu Đồn Môn, Phật Đường; tại Giá Lâm hữu Đông Sơn, Hạ Hà Độ, tại Ân Dương hữu Thần Điện, Mã Lưu; tại Bạch Cáp hữu Bắc Ải Đầu, khả bạc đại thuyền; dư tắc cảng thiển, dương trung hữu ám sa, đại thuyền bất lợi. Tại Bạch Sa hữu Thanh Lan khả bạc đại thuyền; nhược Bạch Sa dữ Vạn Châu kì cảng dịch thiển; Quỉ Khiếu Môn dịch hữu ám sa; tại Kiệt Thạch hữu Bạch Sa Hồ khả bạc đại thuyền. Dư cảng đa ngoại thiển nội thâm, nan ư xuất nhập; Kiệt Thạch vệ hải thạch tha hà, thuyền dị xung cái; Giáp Tí Môn kì cảng dịch thiển.
Cái hải phòng thậm nan, nhất ngộ cụ phong, thuyền vô loan bạc, mỗi đa phúc nịch; thuyền thiểu hựu nan thủ. Cố tất lượng các Trại quảng, hiệp trí thuyền, chi vi chi bị.'( Quảng Đông Tân Ngữ. Qu. II. Địa Ngữ. Hải môn). Có nghiã:
Hải Môn . 'Cửa biển ở vùng Nam Hải rất nhiều.
Từ Quảng châu đổ ra là Hổ Đầu Môn, là cửa biển lớn hơn cả; còn các cửa nhỏ hơn có Hổ Điều, Kê Tháp, Kê Đề,Tam Môn, Đông Châu. Đây là những cửa biển ở ngã Trung lộ.
Từ huyện Đông Quan đổ ra là cửa Nam Đình; từ Tân An đổ ra thì có các cửa Tiểu Tam Môn, Đồn Môn, Cấp Thủy, Trung Môn, Lí Ngư, Song Trợ, Nam Phật Đường, Bắc Phật Đường; từ huyện Tân Ninh đổ ra có các cửa Đại Kim, Tiểu Kim, Trại Môn, Quan Môn; từ huyện Huệ Lai đổ ra có cửa Giáp Tí; từ huyện Triều Dương đổ ra có cửa Hà Độ; từ huyện Trừng Hải đổ ra có cửa Thủy Hú. Đây là những cửa biển ở ngả Đông lộ.
Từ huyện Tân Hội đổ ra có các cửa Nhai Môn, Tùng Bách; từ huyện Thuận Đức đổ ra có cửa Hoàng Dương; từ huyện Hương Sơn đổ ra là các cửa Kim Tinh, Thượng Thập Tự, Hạ Thập Tự, Mã Lưu, Hoàng Kinh; từ huyện Ngô Xuyên đổ ra là cửa Hạn Môn; từ huyện Hải Khang đổ ra là cửa Bạch Cáp. Đây là cửa biển ở ngã Tây lộ.
Tất cả 3 lộ, Đông khởi từ Triều châu, Tây tận ở Liêm châu, Nam tận ở Quỳnh châu, Nhai châu, lộ nào cũng có thủy trại để phòng thủ. Thủy trại ở Triều châu có trại Giá Lâm, tại Huệ châu có trại Kiệt Thạch, tại Quảng châu có trại Nam Đầu, tại Cao châu, thuộc Triệu Khánh phủ, có trại Ân Dương, tại Lôi châu có trại Bạch Cáp, tại Quỳnh châu có trại Bạch Sa; tất cả gồm 6 Trại.
Trong phạm vi 6 Trại mà có hải cảng sâu thì trại Nam Đầu có các cảng Đồn Môn, Phật Đường; trại Giá Lâm có các cảng Đông Sơn, Hạ Hà Độ; trại Ân Dương có cảng Thần Điện, Mã Lưu; trại Bạch Cáp có cảng Bắc Ải Đầu; thuyền lớn có thể đậu được trong các cảng vừa kể. Còn các chỗ khác thì hải cảng cạn, lòng biển có cồn cát ngầm, bất lợi cho thuyền lớn. Ở trại Bạch Sa có vịnh Thanh Lan, thuyền lớn có thể đậu được; cũng trại Bạch Sa mà ở khoảng gần Vạn châu thì hải cảng cũng cạn; cửa Quỉ Khiếu Môn cũng có cồn cát ngầm; trại Kiệt Thạch có Bạch Sa Hồ thuyền lớn đậu được. Còn những cảng khác thì đa số mé ngoài cạn, mé trong lại sâu, thuyền bè khó mà ra vào. Vùng biển chung quanh trại Kiệt Thạch đá ngầm lởm chởm, thuyền bè (ra vào) dễ đụng phải; cửa Giáp Tí hải cảng cũng cạn.
Nhìn chung, việc phòng giữ vùng biển rất khó; [thuyền mà nhiều] thì mỗi lần gặp cuồng phong gió lốc mà không có vịnh để đậu, phần lớn thuyền rồi bị lật, bị đắm; còn thuyền ít thì khó mà phòng thủ. Do đó, cần lượng định các thủy trại rộng, hẹp mà sắp đặt thuyền để phòng bị 1 cách thích đáng.'.
Tác giả bài văn có tựa đề 'Hải Môn' ('Cửa Biển') trên đây là Khuất Đại Quân (1630 - 1696), là 1 học giả đồng thời là 1 thi nhân nổi tiếng cuối triều Minh, đầu triều Thanh. Khuất Đại Quân sinh quán ngay tại huyện Phan Ngu, và nhà của ông cũng chẳng đâu xa, ngay bên bờ sông 'Ba La', 1 con sông nhỏ đổ ra Hổ Đầu Môn ( cửa biển lớn nhất Quảng Châu, như đã biết.
Như đã biết, cửa biển tỉnh Quảng Đông cửa nào cũng có 1 tên gọi, vậy mà tại sao những Sử gia uyên bác như Tư Mã Quang, Ngô Nhiệm Thần, Lương Đình Nam rồi đã không ghi chép lại tên cửa biển Nam Hán Cao tổ đã đóng quân, chờ tiếp ứng cho Hoằng Tháo? ( Điều này cũng rất là dễ hiểu: - vì Sử liệu khiếm khuyết cho nên cả 3 Sử gia nói trên đã chỉ chép 'cửa biển' một cách chung chung, 1 'cửa biển' nào đó trong những cửa biển Khuất Đại Quân đã kể.
Còn vấn đề Nam Hán Cao tổ đã đồn quân tại cửa biển nào, tôi không thảo luận ở đây, vì lẽ đây không phải là chủ đích của phần này.
Và như vậy, 1 số tác giả điểm hiệu Sử thư Trung Hoa, cũng như 1 số học giả Đông / Tây rồi đã tưởng tượng ra 1 địa danh không hề có - 'HẢI MÔN'. Và ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor, vốn chỉ theo đuôi, có sai cũng là chuyện rất dĩ nhiên!
1 điểm sau cùng, điểm này 'Tư Trị Thông Giám' và 'Thập Quốc Xuân Thu' không thấy chép. 'Nam
Hán Thư' căn cứ bộ 'Cửu Quốc Chí' (Qu. IX. Nam Hán.) đã chép là khi Kiểu Công Tiễn qua cầu cứu, Cao tổ Nam Hán liền sai đại tướng Lương Khắc Trinh (? - ?) chỉ huy quân tiền bộ qua Giao châu, còn Hồng Tháo chỉ huy quân chủ lực sẽ tiến liền theo sau. Kết quả: Hồng Tháo bị Ngô Quyền bắt sống và giết ngay sau đó; Lương Khắc Trinh sống sót trở về.
Sự kiện nói trên, xin coi 'Nam Hán Thư':
Quyển III. Bản kỉ 3. Cao tổ kỉ 2.
Quyển VIII. Liệt Truyện 2. Vạn Vương Hồng Tháo.
Quyển XI. Liệt Truyện 5. Chư thần Truyện 3. Lương Khắc Trinh.
Và cũng cần nói thêm là trước đó, vào năm thứ 3 Niên hiệu Đại Hữu (928 - 942) - tức năm 930 tháng 9, mùa Thu, Lương Khắc Trinh đã từng qua đánh Giao châu, thắng trận trở về; qua tháng sau đó, tháng 10, mùa Đông, Lương Khắc Trinh theo đường biển xâm nhập Chiêm Thành cướp vàng bạc, châu báu rồi trở về. ('Nam Hán Thư'. Qu. III. và Qu. XI., các Mục đã dẫn).
Ngoài ra, 'Nam Hán Thư' còn có 1 số chi tiết lí thú về Lưu Cung và Lưu Hồng Tháo mà 2 Bộ Sử 'Tư Trị Thông Giám' và 'Thập Quốc Xuân Thu' không có.
Và Lương Đình Nam còn soạn 1 tác phẩm nữa là 'Nam Hán Thư Khảo Dị' bổ túc Bộ 'Nam Hán Thư', tham khảo những Sử thư, những Dư Địa chí của những Sử gia đi trước viết về triều Nam Hán... đối chiếu, phân tích đồng, dị giữa này để rút ra những gì tường tận nhất và xác thực nhất về triều đại này.
Tới đây thì có lẽ chúng ta, nhất là 2 vị Hue-Tam Ho Tai và Truong Buu Lam, đã thấy rất rõ cái chân diện mục của cái gọi là 'work of meticulous scholarship', của cái rất ghê gớm được gọi là 'mine of historical sources', của 'The Birth of Vietnam'.
Nếu cuốn 'The Birth of Vietnam' mà là một 'work of meticulous scholarship' thì Phê bình của Hue-Tam Ho Tai đúng là 'RIDICULOUS', 'LUDICROUS', 'PREPOSTEROUS'........, hoặc là 1 thứ gì đó cũng '-OUS', '-OUS' như vậy, không thể nào nói khác hơn!
Và nếu cuốn Sách của ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor mà là 1 'mine of historical sources' thì e rằng chữ 'mine' của Truong Buu Lam ở đây rồi không thể được hiểu là 'hầm mỏ' mà phải hiểu là 'MÌN'.
Là 'Mìn', vì đọc cuốn 'The Birth of Vietnam' thì cũng như đi vào 1 bãi mìn, rồi phải hết sức thận trọng - những mớ kiến thức quơ quào, vá víu, trúng cũng không biết, mà trật cũng không hay, trong sách rồi là 1 đống mìn cho những ai cứ ngỡ rằng, cứ yên trí rằng đây là những kiến thức đã được kê khảo một cách đúng mức và tận nguồn. Quờ quạng như Truong Buu Lam thì chỉ có mà banh xác!
Có lẽ, Hue-Tam Ho Tai và Truong Buu Lam cũng nên suy nghĩ lại về những lời phê bình thiếu 'Học Vấn' của mình, nên suy nghĩ về câu 'Học dĩ Tụ chi, Vấn dĩ Biện chi' trong 'Dịch Kinh'.
Có lẽ, 2 vị thuộc giới khoa bảng, bằng cấp đầy mình, lại dạy Đại học nữa. Có điều tất cả những thứ này không có nghĩa 2 vị muốn nói gì thì nói, muốn phán gì thì phán; nói 'Học Vấn' thì 2 vị nên cho chúng tôi thấy cái thực tài, thực học của quí vị, bằng không cái Bằng của quí vị nên để treo chơi trong phòng khách cho vui, như là 1 mảnh giấy lộn, chỉ khác 1 điều là mảnh giấy này đôi lúc cũng giúp quí vị gói được 'nồi cơm' của mình!
Và dĩ nhiên, những thiếu sót, những sai lầm loại tôi đã trưng dẫn, của K.W. Taylor, không phải chỉ có chừng đó! Và, cũng dĩ nhiên, tôi không thể ngồi lâu hơn để chỉ làm 1 chuyện rất lu bu là viết thêm 5, 7 chục trang, hay cả trăm trang nữa. Chỉ vài dẫn chứng thôi cũng đã đủ để có được nhận định về giá trị của cuốn 'The Birth of Vietnam'. Chỉ cần coi lối tham khảo tư liệu, sử liệu căn bản của K.W. Taylor, người ta thấy ngay ông đã chơi Trò 'Bịt mắt bắt dê'; và, từ 1 căn bản như vậy, những lí giải, những suy diễn của ông nhiều lúc rồi không khỏi có tính cách lệch lạc.
3/. Tuyển trạch Sử liệu.
Như đã chứng minh, K.W. Taylor vốn không tham khảo trực tiếp các nguồn Tư liệu, Sử liệu cổ Trung Hoa, những nguồn mà rồi ông cũng biết là căn bản, không thể thiếu cho việc nghiên cứu Cổ sử Việt Nam; có thể nói trong rất nhiều trường hợp đây là những nguồn tài liệu duy nhất về Việt Nam cho tới thế kỉ thứ 10.
Nếu như K.W. Taylor đã không tham khảo trực tiếp các nguồn Tư liệu, Sử liệu đã đề cập ở trên thì làm gì có việc tuyển trạch Sử liệu, thì phần này hóa ra thừa?
Thừa mà rồi cũng không thừa, vì, tuy có thể không tham khảo trực tiếp 1 số Tư, Sử liệu nào đó nhưng ít nhất thì 1 người nghiên cứu thực sự cũng phải có một sự hiểu biết tương đối khả quan về 'Thư Mục Học' trong lãnh vực mình nghiên cứu.
Nhưng, coi phần 'Thư Mục Tham Khảo' - Mục những tác phẩm Hán Văn của Trung Hoa - của cuốn 'The Birth of Vietnam', coi số lượng Tư liệu, Sử liệu, coi Thư loại K.W. Taylor biết được cũng như coi cách ghi Thư mục, nhà xuất bản... thì tôi có thể khẳng định là K.W. Taylor rồi đã rất mù mờ về Thư Mục học cổ Trung Hoa. Coi 'Mục' này, tôi có cảm tưởng là K.W. Taylor đã liệt kê các tác phẩm cho có, 1 thái độ thiếu đứng đắn của 1 người nghiên cứu đúng nghĩa, khác hẳn cách ghi cẩn thận của ông ở Mục những 'Nguồn Tư liệu Phụ' ('Secondary Sources').
Một điều rất sơ đẳng khi ghi Thư mục là phải ghi tên tác giả.Thư tịch cổ Trung Hoa có những tác phẩm rất nổi tiếng, việc ghi danh tánh tác giả trong những trường hợp này, đôi lúc, cũng chẳng có gì bắt buộc lắm. Tuy nhiên, danh tánh tác giả thì có thể không ghi nhưng tên người chú giải tác phẩm thì không thể không ghi.
Kinh điển Trung Hoa nói chung rất khó đọc, do đó, nếu không có những Bản Chú giải thì cũng khó mà thấu đáo văn nghĩa, khó mà nắm được những gì ở 'tại ngôn ngoại', cũng vì lẽ đó mà có rất nhiều tác phẩm cổ rồi đã gắn liền với những tác giả chú giải những tác phẩm đó; chẳng hạn, khi nói 'Lễ Kí' thì phải nói đến 'Lễ Kí Tập Giải' - Bản chú giải tinh tường hơn hết của học giả Tôn Hi Đán (1736 - 1784); nói 'Sơn Hải Kinh', nói 'Nhĩ Nhã' thì người am tường thư mục cổ liền nghĩ ngay tới 'Sơn Hải Kinh Tiên Sớ', nghĩ ngay tới 'Nhĩ Nhã Nghĩa Sớ', là 2 bản chú giải tinh thâm, uyên bác của học giả Hách Í Hạnh (1755 - 1823); và nói 'Hậu Hán Thư' thì người ta nghĩ ngay đến Bản chú giải trứ danh của học giả Vương Tiên Khiêm (1842 - 1917) - đó là Bản 'Hậu Hán Thư Tập Giải'; và rồi, nói về bộ Địa Lí học trứ danh 'Thủy Kinh Chú' thì không thể không tìm cho được Bản chú giải 'Thủy Kinh Chú Sớ' của Dương Thủ Kính (1839 - 1915) và Hùng Hội Trinh ( - 1936) hợp chú.
Về 1 tác phẩm cổ nào đó, chỉ cần coi 1 người đã tham khảo Bản Chú giải nào thì người ta cũng có thể có được 1 nhận định tương đố chính xác về 'Học Vấn' của người đó. Ngoài ra, thời đại của tác giả cũng như của tác giả chú giải tác phẩm... cho tới tác phẩm do nhà xuất bản nào in, in năm nào..., trong 1 số trương hợp, cũng là những điểm cần được nêu rõ.
Đã mù mờ về Thư Mục học thì sao có thể biện biệt được Tư liệu và Sử liệu người khác sử dụng Bản nào hay, Bản nào kém để mà dẫn dụng cho thích đáng. Một môn học nhập môn của người nghiên cứu mà K.W. Taylor còn không rành thì còn nói được chuyện gì đây?
Người Việt Nam thường nói làm nhà thì phải đắp nền. 19 năm trước đây (năm 1976), K.W. Taylor đã đắp 1 cái nền cho 'The Birth of Vietnam'. Sau đó, trong 7 năm, K.W. Taylor lại dập thêm cho nó chắc để xây cho rộng hơn, cao hơn; tiếc là cái nền đầu tiên đã đắp bằng cát, bây giờ có dọng, có dập mấy đi nữa thì nó vẫn cứ phập phà phập phều,chuồi đầu này, lún đầu kia, để rồi những gì xây thêm trên đó vẫn ọp à, ọp ẹp, gục gà gục gặc, có người đụng tới là sập liền!
Ngoài phần khảo cổ học của ngài tiến sĩ K.W.Taylor.
Ngay câu đầu tiên của phần 'Đề Tựa' ('Preface') cuốn 'The Birth of Vietnam',K.W. Taylor còn gián tiếp cho biết thêm lập trường chính trị của cá nhân ông, nên ông đã nhân danh một cựu quân nhân trên bãi chiến trường Việt nam đã viết như sau:
'As an American soldier in Vietnam, I could not help being impressed by the intelligence and resolve of the Vietnamese who opposed us...'.
Ủa, thì ra chỉ có những người Việt Nam 'đối đầu' với người Mĩ của ngài tiến sĩ Keith Weller Taylor mới 'thông minh và quả cảm' vậy sao? Vậy thưa ông quân nhân K.W. Taylor còn những người Việt Nam bên nầy Vĩ tuyến 17, những người đã từng sát cánh chiến đấu với ông, chống lại cái đám người thông minh và quả cảm kia rồi là cái gì đây? Há lẽ chỉ là 1 đám ngu đần, tham lam, khiếp nhược?
Xin ông quân nhân Mỹ K.W. Taylor đừng nhìn chúng tôi, những người ở bên nầy vĩ tuyến 17, qua những Tên lãnh đạo quốc gia xôi thịt, cam tâm làm chó săn cho người Mĩ các ông để được phè phỡn, được quyền dung túng tay chân của mình buôn lậu ma túy, ăn hối lộ, đừng nhìn chúng tôi qua những tên tướng khiếp nhược. Xông pha chiến trận thì chẳng lúc nào sẵn sàng, chứ thị sát chiến trường với bộ quân phục thật thẳng, giầy trận thật bóng, gậy quơ quơ trong tay cứ chỉ chực gõ đầu lính thì buổi nào cũng sẵn sàng!
Chắc hẳn ông cũng đã thấy ngờ ngờ ngay trang giữa 1 số 'Paris Match' năm nào hình của 1 tên lãnh đạo quốc gia chúng tôi ngồi đọc báo, mé sau y là 1 cái Chuồng gà Chọi, với giòng ghi chú mỉa mai là 'Chuồng gà của ông ta đáng cả một gia tài'. Ôi, những người bạn của ông sao không biết nhục!
Những đám sâu dân mọt nước trên đây có thể đại diện cho mấy chục triệu con người ở bên đây vĩ tuyến 17 được chăng? Nếu như ông quân nhân tiến sĩ K.W. Taylor vơ hết nắm đủa thì tội quá!
20 năm sau chiến tranh súng đạn (1975 - 1995), rồi chẳng riêng gì K.W. Taylor, thế giới rồi đã quá rõ về sự 'thông minh và quả cảm' của cái đám người dám 'chống lại' người Mĩ, với những súng AK của Tiệp Khắc, với những xe Tăng T54 của Liên Sô, và với lương thực của Cộng Sản Trung Quốc kia!
Thông minh đến đỗi bây giờ đất nước Việt Nam là 1 trong những nước nghèo đói nhất thế giới!
Thời cổ đất nước chúng tôi đâu phải là không có những cuộc chiến tranh khốc liệt, nhưng chưa bao giờ - xin ông tiến sĩ Cổ sử học Việt Nam K.W. Taylor nhớ cho - chưa bao giờ sự hồi phục của đất nước sau chiến tranh lại quá trì trệ quá sức tưởng tượng như vậy!
Và, cũng xin nhắc ông K.W. Taylor, bây giờ là thời đại của 'Gia Tốc Tiến Hóa', do đó 20 năm của đám người 'thông minh' này nếu đưa ngược về thời cổ thì có lẽ tiền nhân chúng tôi đến phải mất khoảng 1 vài trăm năm mới kiến thiết lại được Đất nước. 'Cái miệng thông minh' của họ có nói gì đi nữa, ông có cố gắng biện hộ gì cho họ đi nữa, tôi cũng chỉ lấy Lịch Sử đất nước chúng tôi mà biện luận, tôi nghĩ đó là công bình nhất!
Còn cái quả cảm của họ là dám làm những điều mà tiền nhân chúng tôi chưa bao giờ, và không bao giờ dám làm. Họ nhất định nắm giữ quyền hành cho riêng họ, và con cháu họ một cách hết sức là 'quả cảm'. Và có lẽ rằng ông cũng đã thấy, họ đã dám vác bị gậy đi ăn mày các quốc gia giàu có, bất kể Âu, Á, cũng rất là quả cảm! Họ đã quả cảm như vậy, tôi còn biết nói gì hơn!
Theo í ngu của tôi thì ông nên viết 1 cuốn sách nữa nói riêng về cái thông minh và quả cảm mà tôi phải nói là 'tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giả' này của cái đám người mà mỗi khi nhắc tới là đất nước chúng tôi phải gục đầu, muôn đời, vì lẽ cái thông minh và quả cảm này rồi sẽ là 1 đoạn trong giòng Lịch Sử đất nước chúng tôi.
Kiến thức về Cổ sử Việt Nam của K.W. Taylor thì chẳng có gì đáng nói, đáng nói chăng là câu mở đầu nói trên của ông. Đáng nói hơn nữa là cũng chính vì cái thiên kiến về 1 đám người ông cho là thông minh, quả cảm, đã xui ông đi làm 1 chuyện ngoài tầm với, lí lẽ cuối cùng của ông do đó không nói cũng đủ rõ là sẽ đi theo chiều hướng nào.
Kết luận phần một.
K. W. Taylor muốn làm một Sử gia, nhưng rất tiếc lại thiếu Tài, thiếu Học, thiếu Thức - nhất là thiếu cái Tâm Thuật để thành 1 Lương sử. Tài + Học + Thức + Tâm Thuật là 4 yếu tố của điều mà Sử học lí luận gia trứ danh Chương Học Thành (1738 - 1801) gọi là 'Sử Đức'. Đáng tiếc!
Tuy nhiên, 'The Birth of Vietnam' không phải là không có những điều khả thủ, dù rất hiếm; có điều nếu phải đọc 1 cuốn Sách, nhất là 1 cuốn Sử, mà trong đó Đúng/Sai lẫn lộn, và phải nói là Sai nhiều hơn Đúng, như bộ Sử 'The Birth of Vietnam', thì đây là 1 bất lợi cho những người có 1 hiểu biết vừa phải về Cổ sử Việt Nam.
Minh Di.
Viết tại Bất Túc Trưng Thư Trai.
Ất Hợi (1995).
Cao nguyệt đại.
Thập Nhị nhật. Mang Chủng hậu tam nhật.
Nói Có Sách Hán Văn:
[1]. Hậu Hán Thư Tập Giải.
Lưu Tống. Phạm Việp.
Thanh. Vương Tiên Khiêm tập giải.
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 1984 / Sơ.
[2]. Tư Trị Thông Giám.
Triệu Tống. Tư Mã Quang.
Nguyên. Hồ Tam Tỉnh chú.
Trung hoa Thư Cục (TQ) 1987 / 7.
[3]. Cửu Quốc Chí.
Triệu Tống. Lộ Chấn.
Bút Kí Tiểu Thuyết Đại Quan Bản.
Giang Tô Quảng Lăng Cổ Tịch Khắc Ấn Xã 3/1984 / Sơ.
[4]. Thập Quốc Xuân Thu.
Thanh. Ngô Nhiệm Thần.
Từ Mẫn Hà & Chu Doanh điểm hiệu.
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 1983 / Sơ.
[5]. Nam Hán Thư.
[6]. Nam Hán Thư Khảo Dị.
Thanh. Lương Đình Nam.
Lâm Tân Tông hiệu điểm.
Quảng Đông Nhân Dân Xuầt Bản Xã 1981 / Sơ.
[7]. Quảng Đông Tân Ngữ.
Thanh. Khuất Đại Quân.
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 1985 / Sơ.
[8]. Văn Sử Thông Nghĩa.
Thanh. Chương Học Thành.
Chương Học Thành Di Thư Bản.
Văn Vật Xuất Bản Xã (TQ) 1985 / Sơ.
[9]. Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập.
(Ngũ Sách: Tùy. Đường. Ngũ Đại Thập Quốc thời kì).
Đàm Kì Tương chủ biên.
Địa Đồ Xuất Bản Xã (TQ) 1982 / Sơ.
[10]. Lễ Kí Tập Giải.
Thanh. Tôn Hi Đán tập giải.
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 1989 / Sơ.
[11]. Kinh Truyện Thích Từ.
Thanh. Vương Dẫn Chi.
Nhạc Lộc Thư Xã (TQ) 1984 / Sơ.
[12]. Cổ Đại Hán Ngữ Hư Từ Loại Giải.
Trần Hà Thôn.
Sơn Tây Giáo Dục Xuất Bản Xã 1992 / Sơ.
[13]. Khang Hi Tự Điển.
Thanh. Thánh Tổ (Khang Hi) sắc soạn.
Cao Thụ Phiên trùng tu.
Lăng Thiệu Văn đẳng toàn tu.
Trương Thư Ngọc đẳng tổng duyệt.
Linh Kí Xuất Bản Hữu Hạn Công Ti (HC) 1981 / Sơ.
[14]. Từ Hải (Hợp Đính Bản. 1947 Bản).
Dân Quốc. Thư Tân Thành, Từ Nguyên Cáo, Trương Tướng chủ biên.
Trung Hoa Thư Cục (HC) 1983 / Trùng ấn.
[15]. Từ Nguyên (Tu đính Súc ấn Hợp đính Bản).
Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Hà Nam Tu đính Tổ.
Thương Vụ Ấn Thư Quán (HC) 1987 / Sơ.
Phần 2: trò "bịt mắt bắt dế" của ông bà tiến sĩ thời nay
....Tôi tự nhận là người không biết chữ Hán, và vấn đề lịch sử nước nhà cũng chẳng đi vào đâu. Nhưng vì muốn tìm hiểu nguồn cội quê hương, nên có ước mộng sau đây : « Nếu có độc giả nào, đặc biệt là vài vị tiến sỉ người Việt đang sinh nhai tại Mỹ (hay tại đâu đó) có tên ghi trong bài nầy, nhận thấy bài phê bình và lối trích dẫn sử liệu mà anh Minh Di đã đưa ra có nhiều sơ hở và thiếu sót, xin lên tiếng chỉ giáo ». Tôi xin muôn vàn tri ân.
Lê Hùng Bruxelle
Năm cuối thế kỉ 20, có lần vào Thư viện Marrickville (gần Sydney, Úc châu), tôi lướt qua phần Mục Lục của 1 Tập san, in ngoài mặt bìa trước, thấy bài viết tựa đề 'Nghiên Cứu Việt Học Tại Hoa Kì' của 1 người viết tên Lê Thọ Giáo.
Trong bài viết này ông Lê Thọ Giáo có đoạn viết:
'Tại miền Đông Hoa kỳ, G.S. Huỳnh Sanh Thông chủ biên tạp chí The Viet Nam Forum, dưới sự bảo trợ của Council on Southeast Asia Studies, thu hút sự đóng góp đáng kể của nhiều học giả lỗi lạc về Việt Nam như Keith Taylor, David Haines, John Whitmores,...'.( VĂN LANG. Tập San Nghiên Cứu Việt Học. Số 4 Tháng 12. 1992. tr. 11, 12).
Ông Lê Thọ Giáo 'ca' ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor là 1 trong những 'học giả lỗi lạc về Việt Nam'.
Tôi không rõ là ông Lê Thọ Giáo đã đọc được bao nhiêu bài viết Việt nam thờ cổ, bao nhiêu cuốn sách của ông tiến sĩ K.W. Taylor viết về Việt Nam ? Nhưng có lẽ, có lẽ thôi, ông Lê Thọ Giáo cũng đã đọc qua cuốn 'The Birth of Vietnam'.
Giữa năm 1995, tôi viết bài 'Về Một Cuốn Sách' chỉ rõ 1 số sai lầm trầm trọng về phương diện kiến thức Sử học trong cuốn sách nói trên của ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor. Trong bài 'Về Một Cuốn Sách' tôi có 1 đoạn viết như sau:
'Và dĩ nhiên, những thiếu sót, những sai lầm tôi đã trưng dẫn của K.W. Taylor không phải chỉ có chừng đó! Và, cũng dĩ nhiên, tôi không thể ngồi lâu hơn để chỉ làm 1 chuyện rất lu bu là viết thêm 5, 7 chục trang, hay cả trăm trang nữa; 1 vài dẫn chứng thôi, cũng đã đủ để độc giả nhận định về giá trị của cuốn 'The Birth of Vietnam.'.
Nhưng đến nay khi nghe ông Lê Thọ Giáo 'ca' K.W. Taylor là một 'học giả lỗi lạc về Việt Nam' thì tôi không thể không làm thêm 1 'chuyện rất lu bu' như đã nghĩ, để viết thêm năm ba chục trang nữa về sự 'Lỗi, Lạc' (dấu phẩy, ở giữa) của ông tiến sĩ Sử học Keith Weller Taylor. Và, bây giờ thì tôi xin được luận thêm về sự 'Lỗi, Lạc' của ông tiến sĩ Sử học, với ước mong rằng những người thụ giáo nên suy nghĩ đúng đắn, bởi lẽ việc phê bình văn học lịch sử không phải là những chuyện a dua, nịnh hót và xu thời, như những người thiếu may mắn ít đến trường.
Nói một cách hết sức bao quát thì Lịch Sử là tổng thể những Biến Động xảy ra ở 1 Không Gian nhất định nào đó, tùy phạm vi nghiên cứu. Như vậy Không Gian đây tức Không Gian Địa Lí. Và nói Địa Lí tức nói Vị Trí, nói Khoảng Cách (Xa, Gần).
'Lieu Huu Phuong was from Giao Province. To go from Giao to Ch'ang-an in T'ang times, it was usual to embark and sail 250 miles downriver and along the coast to Sea Gate, the port in western Kuang-tung where the land route began. From there to the capital, a horse would have had to cover 1,200 miles.'.
'Liêu Hữu Phương vốn gốc ở Giao châu. Vào thời Đường, muốn đi từ Giao châu tới Trường-an thường là phải đi thuyền xuôi giòng sông và men theo bờ biển qua 1 đoạn thủy lộ dài 250 dặm tới Hải Môn, hải cảng ở mặt tây Quảng-đông, nơi mà đường bộ bắt đầu. Từ đó tới kinh đô, nếu đi ngựa thì cũng phải trải qua 1 đoạn đường là 1,200 dặm.'.
Và như vậy, theo như ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor, vào thời Đường (618 - 907), đoạn đường từ Giao châu tới thành Trường An, Kinh đô Đường triều, xa: 250 + 1,200 = 1,450 dặm. Nên hiểu rằng 'Dặm', nguyên văn Anh ngữ là 'MILE', người Việt chúng ta cũng thường gọi là 'Dặm Anh' để phân biệt với 'Dặm Tàu' ('Lí') của Trung Hoa.
Một Dặm Anh, qui ra Hệ thống Quốc tế (SI) về độ dài, bằng 1.609,34 cây số; tính tròn, 1.609 cs. Vậy, khoảng cách Giao châu - Trường An thời Đường, theo K.W. Taylor, xa: 1,450 x 1.609 cây số = 2.333,05 cây số; tính cho tròn là 2.333 cây số.
Tôi không rõ K.W. Taylor đã lấy số liệu trên đây từ đâu mà không thấy ông tiến sĩ ghi xuất xứ! Con đường đâu có gần vậy, hởi ông K.W. Taylor! Tôi không nghĩ con đường 'Giao châu - Trường An' thuở đó lại có thể gần đến như vậy!
Đoạn văn trên đây của K.W. Taylor nằm trong phần có tiêu đề: 'T'ang-Viet Society, ('Xã Hội Đường-Việt'), Economy and Culture'. ('Kinh Tế và Văn Hóa').
Và phần trên đây là 1 phần trong Chương thứ 5 cuốn 'The Birth of Vietnam' - đó là Chương có tựa đề 'The Protectorate of An-Nam' ('An-Nam Đô Hộ Phủ').
Chương 'An-Nam Đô Hộ Phủ' trải từ trang 166 tới trang 221. Trong suốt 56 trang của Chương này, ông tiến sĩ Sử học, và là Sử học cổ nữa, K.W. Taylor đã đề cập bộ 'Cựu Đường Thư' - mà ông đã ghi tắt theo Phiên âm Quốc ngữ Trung Quốc là CTS., đâu đó tôi đếm được tất cả 24 lần trong phần Cước chú cuối mỗi trang.
Với người không đọc được Hán văn thì ông Tiến sĩ K.W. Taylor viết sao người ta biết vậy, ông dẫn 'Cựu Đường Thư' thì người ta có ai mà dám nghĩ rằng ông lại đọc không nổi bộ Sử này, có ai mà dám đi thắc mắc 1 ông tiến sĩ?! Chẳng những chẳng dám thắc mắc mà còn thán phục nữa là khác! (chẳng hạn như Hue-Tam Ho Tai, Truong Buu Lam, và ở đây, Lê Thọ Giáo, và...)! Thế nhưng, có 1 điều hết sức là khó hiểu, nói khác đi, tôi khẳng định trí óc của tiến sĩ Taylor quá nghèo nàn:
Thật vậy, nếu như K.W. Taylor có đọc 'Cựu Đường Thư' vậy thì tại sao - tại sao - ông tiến sĩ Sử học lại không biết đoạn đường 'Giao châu - Trường An' vào thời Đường là bao xa? Nói rõ hơn, tại sao ông lại không biết là ngay trong 'Cựu Đường Thư' (Qu. XLI - Địa Lí chí 4) có 1 đoạn chép về An Nam Đô Đốc Phủ, và chép rất rõ như sau:
'An Nam Đô Đốc Phủ.............. chí Kinh Sư Thất thiên Nhị bách Ngũ thập Tam lí'. ('An Nam Đô Đốc Phủ.............. (từ đây) tới Kinh Sư là 7 ngàn 2 trăm 5 mươi 3 dặm'). 'Kinh Sư' (tức Kinh Đô) đây chỉ thành Trường An.
Để tôi nói luôn cho ông tiến sĩ Sử học và những người Việt Nam 'chỉ' có cái 'Bằng cấp lõm bõm' không thôi đã phục ông sát đất rõi !:
1 Dặm thời Đường (618 - 907) tính ra Hệ thống Quốc tế (SI) = 559.8 m., tức 0,5598 cây số.
Vậy, 7.253 Dặm (Lí) = 7.253 x 0,5598 cs = 4.060,2294 cây số; tính tròn là 4.060 cây số.
Và như vậy, so với khoảng cách ông tiến sĩ cổ sử học K.W. Taylor đã chỉ đưa ra 'khơi khơi' thì sự sai biệt cũng khá:
4.060 cây số trừ đi 2.333 cây số = 1.727 cây số. 'há lẽ là thước cao su chăng?)
Tục ngữ có câu: 'Sai một Li, đi một Dặm'. Ở đây ông tiến sĩ Sử học viết sai tới 1.727 cây số, tức 1.727 / 0,5598 = 3.085,030368 Dặm (Lí), mà 1 Dặm thời cổ bằng 1.800.000 Li.
Vậy, 3.085 Dặm = 3.085 x 1.800 000 = 5.553.000.000 Li.( 5 tỷ 5 trăm 53 triệu Lí)
Ông tiến sĩ đã tính sai tới 1 con số quá sức tưởng tượng là: 5 Tỉ, 5 trăm 5 mươi 3 Triệu Li. Tôi cũng chẳng hiểu là ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor rồi đi tới cõi nào nữa!
Nhưng không sao, 5,553,000,000 Dặm chỉ bằng 3.108.569.400 cây số, với tốc độ ánh sáng thì cũng chỉ mất gần 3 tiếng đồng hồ di chuyển mà thôi! Cũng chẳng sao!
Và như vậy, tôi chỉ có thể được giải thích cái học của 'tiến sĩ Taylor thời nay' như sau:
Ông tiến sĩ K.W. Taylor, thực ra chẳng hề biết mặt mũi bộ 'Cựu Đường Thư' ra sao hết!
Ông tiến sĩ chỉ trích dẫn gián tiếp qua người khác, hoặc chỉ nghe người khác nói mà thôi! Và thực cũng không may cho ông là ông lại không được người khác 'chỉ' cho đoạn văn cho biết khoảng cách giữa 'Giao châu - Trường An' trong bộ 'Cựu Đường Thư' mà tôi đã trích dẫn trực tiếp.Thực không may cho ông K.W. Taylor, mà cũng không may cho mấy ngài 'tiến sĩ giấy' khác nữa!
Cũng trong Tập san 'Văn Lang' đã đề cập ở phần mở đầu bài viết này, ông Phạm Cao Dương - lại thêm 1 ông tiến sĩ Sử học nữa - có 1 bài viết có cái tựa đề dài lê thê, đọc đến sốt ruột - đó là bài 'Góp Phần Nhận Định Về Sự Du Nhập Nho Giáo Vào VN Dưới Thời Bắc Thuộc', trong đó ông tiến sĩ Sử học Phạm Cao Dương đã dẫn lại đoạn đường 'Giao châu - Trường An' ghi trong cuốn 'The Birth of Vietnam' của K.W. Taylor - và nhiều điều khác nữa mà tôi dám khẳng định rằng ông không đủ khả năng để có thể kiểm chứng được K.W. Taylor đúng hay sai!
Cổ sử Việt Nam cũng như Trung Hoa đã không phải là sở trường của ông, ông dính vào làm chi để chuốc lấy phiền lụy. Vốn liếng về Cổ sử không có thì ông Phạm Cao Dương 'Góp phần' với cái gì đây?, 'Nhận định' theo cái ngả nào đây? Hỡi ông tiến sĩ Phạm cao Dương ?
Giả như ông Phạm Cao Dương còn giảng dạy tại Đại học Văn Khoa, Đại học Sư Phạm Sài-gòn như trước đây, vớ được Cuốn 'The Birh of Vietnam', phục lắm, cứ đó mà trích dẫn, soạn bài để giảng dạy sinh viên thì sự tai hại tới đâu không nói ông cũng rõ, tôi cũng rõ và tất cả mọi người cũng đều rõ!
Ở mặt ngoài bìa sau cuốn 'The Birth of Vietnam' có vài giòng ghi chú như sau: 'Keith Weller Taylor is Associate Professor of Vietnamese Studies, Cornell University'.
Tôi thấy mà tội nghiệp cho những sinh viên thụ nghiệp với ông tiến sĩ Giáo sư Phụ giảng tên là K.W. Taylor hết sức!Nhưng, có lẽ người đáng tội nghiệp trước nhất ở đây là ông tiến sĩ Phạm Cao Dương!
Và, dĩ nhiên, cũng đáng tội nghiệp luôn cho cái Đại học vốn rất nổi tiếng là Cornell nữa!
Cuốn 'The Birth of Vietnam' in năm 1983 (University of California Press xuất bản) - không rõ cho tới năm nay (2001) ông tiến sĩ K.W. Taylor có còn giảng dạy tại Đại học đó hay không? Ô hô, cũng tội nghiệp luôn cho nhà xuất bản 'University of California'!
Trong nửa phần sau của trang 218, tiếp qua 1/3 đầu trang 219, 'The Birth of Vietnam' thuật lại câu chuyện Liêu Hữu Phương (đã nhắc tới ở 1 đoạn trước đây) gặp 1 người học trò thi rớt trong 1 cái quán trọ, chép trong 'Toàn Đường Thi'. Câu chuyện được K.W. Taylor ghi lại như sau:
'In 815, I failed the examinations [at Ch'ang-an, the T'ang capital in northern China]. I traveled in the west and came to the Precious Chicken Inn. There I was surprise to hear the sound of someone groaning. I inquired about that person's distress. He replied: 'I have toiled through many examinations but have not yet found favor'. Then he knocked his head on the floor. I talked with him for a long time. His replies were prompt and bitter. Unable to say more, he suddenly leaned to one side and died. I immediately sold my horse to a village notable and bought a coffin for his burial. Alas, I did not even know his name! I took a path through the mountains and sadly laid him to rest. Later, I returned with an inscription:
'Alas, the gentleman died; reduced to extremities, he abandoned the world.
How many rules weary the heart; brush, ink, the examination yard.
But briefly acquainted, I offer a little sadness,
Without knowing where his family's village stands. 127 .
This poem is entitled: 'On a Stranger's Coffin: A Poem Engraved on the Occasion of Burying a Scholar at Precious Chicken Inn'......... In the following year, 816, he passed the exams, earning the chin shih degree, and received an appointment at court as a collator of books. He took the honorific style of 'Wandering Gentleman'.'. 128
127 . ChTS, 490, p. 5550.
128 . ChTS, 490, p. 5550.'.
Phỏng dịch như sau:
'Năm 815, tôi rớt khoa thi [mở tại Trường-an, kinh đô triều Đường ở bắc bộ Trung Hoa]. Tôi đi về phía tây và tới quán trọ Bảo Kê. Tại đó tôi đã ngạc nhiên khi nghe có tiếng người rên rỉ. Tôi (tìm tới) hỏi về nỗi đau khổ của người này. Ông ta trả lời: 'Tôi đã vất vả cực khổ trải qua nhiều khoa thi mà vẫn không đậu'. Và rồi ông ta dập đầu xuống sàn phòng. Tôi nói chuyện với ông ta 1 lúc lâu. Những lời đối đáp của ông ta mau mắn và cay đắng. Không nói được gì hơn nữa ông ta bỗng dưng ngã vật qua 1 bên và chết. Tôi lập tức bán con ngựa của tôi cho 1 người tiếng tăm trong làng và mua 1 cái quan tài để chôn ông ta. Than ôi, ngay cả tên ông ta rồi tôi cũng không biết nữa! Tôi đi lên núi, buôn rầu đưa ông ta tới nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đó tôi trở về với 1 bài thơ:
'Than ôi, con người đáng kinh chết đi; ông ta từ giã cõi đời trong nỗi cùng khốn.
Rồi biết bao là qui củ gò bó làm hao mòn con tim; bút, mực, trường thi.
Vì chỉ mới quen nhau, tôi cũng chẳng buôn bao nhiêu,
(Và) cũng chẳng biết nhà cửa của ông ta nơi đâu. 127
Bài thơ này tựa đề: 'Trên quan tài của 1 Lữ khách: Bài Thơ Khắc Lúc Chôn 1 Người Học Trò ở quán trọ Bảo Kê'...... Năm sau, năm 816, ông (Liêu Hữu Phương) đậu tiến sĩ và được bổ nhiệm vào chức Hiệu Thư Lang. (Và) ông đã lấy tên hiệu là 'Du Khanh.'. 128
127 . Toàn Đường Thi, Qu. 490, tr. 5550.
128 . Toàn Đường Thi, Qu. 490, tr. 5550.'.
Đối chiếu những gì viết về Liêu Hữu Phương ghi trong 'Toàn Đường Thi' và đoạn văn trên đây của K.W. Taylor, mà ông tiến sĩ cũng đã ghi ở phần Cước chú là trích từ 'Toàn Đường Thi', thì tôi thấy đúng như lời 'CA' của ông Lê Thọ Giáo: Ông tiến sĩ Sử học người Mĩ này quả đúng là 1 học giả 'Lỗi Lạc', có điều, đây là 1 sự 'Lỗi Lạc Lếu Láo 'của các vị 'tiến sĩ giấy'! Xin lỗi ông Lê Thọ Giáo!
Sau đây là toàn văn (Hán văn) chép về Liêu Hữu Phương trong 'Toàn Đường Thi':
'Liêu Hữu Phương.
Liêu Hữu Phương, Giao châu nhân, Nguyên Hòa thập nhất niên tiến sĩ đệ, cải danh Du Khanh', quan Hiệu Thư Lang. Thi nhất thủ.
'Đề Lữ Thấn'. tính Kí. Nhất bản đề tác: 'Táng Bảo Kê Nghịch Lữ Sĩ Nhân Minh Thi'.
Dư Nguyên Hòa Ất Vị tuế lạc đệ, Tây chinh thích thử, văn thân ngâm chi thanh; tiềm thính nhi vi uyển dã. Vấn kì tật khổ, trú chỉ; đối viết: - Tân cần sổ cử vị ngộ tri âm'; hệ lại khấu đầu cửu nhi phục ngữ: - Duy dĩ tàn cốt tương thác!'. Dư bất năng ngôn; nga nhi thệ.
Dư nãi dục sở thừa mã ư thôn hào, bị quan ế chi, hận bất tri kì tính thị. Lâm kì thê đoạn phục vi minh viết:
'Ta quân một thế ủy không nang!
Kỉ độ lao tâm hàn mặc trường.
Bán diện vị quân thân nhất động,
Bất tri hà xứ thị gia hương?'.
( Toàn Đường Thi. Qu. CDXC ).
Dịch như sau:
'Liêu Hữu Phương.
Liêu Hữu Phương, người đất Giao châu, đậu tiến sĩ năm thứ 11 Niên hiệu Nguyên Hòa; đổi tên là Du Khanh; làm quan chức Hiệu Thư Lang. Thơ có 1 bài.
'Đề Trên Quan Tài' - kèm theo phần Tiểu dẫn ( Kí ). Có bản ghi là 'Bài Thơ Lúc Chôn Người
Học Trò ở Quán Trọ 'Bảo Kê'.'.
Năm Ất Vị Niên hiệu Nguyên Hòa tôi rớt khoa thi, đi về miền Tây, tới đây nghe có tiếng người rên rỉ; lắng nghe thì chừng như có vẻ oán hận. Tôi (tìm đến) hỏi người đó rồi có đau bệnh, hoặc có nỗi khổ gì không, nhà cửa ở đâu; người đó trả lời: 'Tôi vất vả cực nhọc trải mấy khoa thi mà vẫn không gặp được người (khảo quan) biết đến tài học của tôi'; ánh mắt lộ vẻ oán giận, ông ta sụp xuống (trước mặt tôi), mọp đầu sát đất 1 lúc lâu rồi mới nói: - 'Chỉ còn nắm xương tàn này xin gởi ông!'. (Chỉ có vậy), ngoài ra, ông ta không nói được gì hơn nữa; 1 lúc không lâu sau đó thì ông ta chết.
Tôi bán ngay con ngựa đang cỡi cho 1 nhà giàu trong làng, sắm sửa quan tài chôn cất ông ta và giận một nỗi rằng mình vẫn chưa biết tên họ ông ta là gì. Lúc chia lìa đau buồn đó, tôi còn làm 1 bài thơ để ghi nhớ như sau:
'Than ôi ông chết có chi đâu!
Thi cử lao đao mấy độ sầu.
Mới biết ông thôi nhưng rất xót,
Quê ông nào biết ở nơi đâu?'.
Cứ đối chiếu đoạn văn tôi dẫn từ 'Toàn Đường Thi' trên đây và đoạn văn mà Ông K.W. Taylor cũng ghi chú là đã dẫn từ tác phẩm vừa kể thì ông Lê Thọ Giáo chắc hẳn không còn chi dị nghị nữa chứ! Tôi nói ông tiến sĩ mà ông nức nở ca tụng là 1 'học giả lỗi, lạc' là 'lếu láo' đâu có sai chút nào đâu! Ông tiến sĩ của ông đã 'lếu láo' mà chính ông cũng 'lếu láo' nữa - lếu láo vì ông chỉ biết 'ca' mà chẳng biết mình ca 'trúng hay trật nhịp' nữa! Thiệt là 1 'bài ca' lỗi điệu!
Bây giờ tôi xét tới cái 'lếu láo' của ông tiến sĩ 'lỗi lạc' - 'trên mắt của ông Lê Thọ Giáo'. Trước hết, bố cục của đoạn văn chép về Liêu Hữu Phương trong 'Toàn Đường Thi' đâu có như ông tiến sĩ K.W. Taylor đã chép lại: Ông đã điên đảo thứ tự của đoạn văn, đặt đầu xuống đít và đặt đít lên đầu, đoạn nói Liêu Hữu Phương đậu tiến sĩ... ở trên K.W. Taylor lôi nó xuống dưới. Kế đến, xét về nội dung đoạn văn thì 'Toàn Đường Thi' nói rất rõ ràng là sau khi thi đậu tiến sĩ Liêu Hữu Phương đã 'đổi tên' ('cải danh') là 'Du Khanh', chứ không phải là 'lấy tên hiệu' như K.W. Taylor đã viết.
Và nếu xét từng câu một thì sẽ chẳng thể nào ngờ là ông tiến sĩ Sử học lại viết lếu viết láo đến thế.
1/. Nguyên văn 'Toàn Đường Thi' viết: - 'lắng nghe thì chừng như có vẻ oán hận'.
Rồi chẳng thấy câu này đâu hết trong đoạn văn của K.W. Taylor.
2/. Nguyên văn: - 'Tôi (tìm tới) hỏi người đó rồi có đau bệnh hay có nỗi khổ gì không, nhà cửa ở đâu'.
K.W. Taylor: - 'Tôi (tìm tới) hỏi về nỗi đau khổ của người này.'.
Thiếu đi mất 2 í: - một í hỏi về 'đau bệnh', và í thứ hai hỏi về quê quán,'nhà cửa'.
3/. Nguyên văn: - 'Ánh mắt lộ vẻ oán giận, ông ta sụp xuống (trước mặt tôi), mọp đầu sát đất 1 lúc lâu rồi mới nói: - 'Chỉ còn nắm xương tàn này xin gởi ông'. (Chỉ có vậy), ngoài ra ông ta không nói được gì hơn nữa; một lúc không lâu sau đó thì ông ta chết'.
K.W. Taylor: - 'Và rồi ông ta dập đầu xuống sàn phòng. Tôi nói chuyện với ông ta 1 lúc lâu. Những lời đối đáp của ông ta mau mắn và cay đắng. Không nói được gì hơn nữa ông ta bỗng dưng ngã vật qua một bên và chết'.
Ở đoạn này thì có lẽ không cần tôi phải dài giòng, độc giả cũng có thể thấy ngay được mức độ 'lếu láo' của ông tiến sĩ K.W. Taylor: - Ở đây làm gì có chuyện Liêu Hữu Phương 'nói chuyện với ông ta 1 lúc lâu', làm gì có chuyện 'những lời đối đáp của ông ta mau mắn và cay đắng' và làm gì có chuyện 'ông ta bỗng dưng ngã vật qua một bên và chết', làm gì..., và làm gì..... và rồi câu 'Chỉ còn nắm xương tàn này xin gởi ông' rồi không thấy đâu cả! Thiệt hết sức là 'lếu láo'!
4/. K.W. Taylor: - 'Tôi đi lên núi...... Sau đó tôi trở về với 1 bài thơ'.
Ô hô, trong đoạn văn của 'Toàn Đường Thi' làm gì có những câu này!
Và câu thứ 3 của bài thơ: 'Bán diện vị quân thân nhất động', nếu dịch cho thật sát thì í nghĩa sẽ như sau: '(Tuy) mới biết nhau nhưng tôi (cũng) rất đau buồn cho cảnh ngộ của ông' - trong khi K.W. Taylor lại viết: 'Vì chỉ mới quen nhau tôi cũng chẳng buồn bao nhiêu.', í ngược hẳn với í của nguyên văn.
Và sau cùng, ở câu đầu, khi mở ngoặc giải thích, nói 'Trường-an,kinh đô triều Đường, ở bắc bộ Trung Hoa.' thì hỡi ơi, ông tiến sĩ Sử học còn ù ờ cả về phương diện phương vị Địa lí nữa!
Trường An thuộc tỉnh Thiểm Tây, 1 tỉnh Trung bộ Trung Quốc; và Trường An nằm ở mạn Bắc Nam bộ tỉnh Thiểm Tây. Chuyện này chẳng cần chi đến 1kiến thức uyên bác về Địa lí học, chỉ cần nhìn lên Bản đồ là thấy ngay, 1 chuyện mà 1 đứa con nít cũng làm được.
Và sau cùng nữa, trong bài thơ kể trên, Liêu Hữu Phương đã xưng hô 'Tôi / Ông' - tức đã dùng ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai - nói khác đi là theo lối 'đối thoại'; còn trong khi đó K.W. Taylor lại viết 'Tôi / Ông ta', nghĩa là theo lối 'tự sự'. Tác dụng văn chương, do đó, cũng chợt khác đi ít nhiều.
Tóm lại, có thể khẳng định K.W. Taylor đã dẫn lại đoạn văn trên đây của 'Toàn Đường Thi' từ 1 người nào đó, người này sai, K.W. Taylor không biết, cứ thế, nhắm mắt mà chép lại - và đây cũng chính là điều đáng tội nghiệp nhất của các ông các bà Tây học không thông hiểu Hán văn mà đi nghiên cứu Cổ học Trung Hoa và Việt Nam. Hỡi ơi! Thực là bất hạnh cho học giới!
Gần đây, đọc tập Bút kí 'Vân Khê Hữu Nghị' của Phạm Sư (? - ?.'Sư' còn đọc âm 'Thư'), sống vào khoảng cuối thời Đường, tôi ngẫu nhiên bắt gặp 1 đoạn viết về Liêu Hữu Phương. Và trong đoạn văn này cũng đã tự thuật lại chuyện Liêu Hữu Phương gặp người học trò thi rớt ở quán trọ 'Bảo Kê', chép trong 'Toàn Đường Thi' vừa dẫn trên đây.
Có điều là tự thuật về Liêu Hữu Phương trong tập 'Vân Khê Hữu Nghị' nói trên đây phong phú hơn những gì chép lại trong 'Toàn Đường Thi' nhiều.
Trước hết, trong 1 đoạn đầu kể lại câu chuyện Liêu Hữu Phương gặp người học trò thi rớt trong quán trọ 'Bảo Kê', Phạm Sư đã có thêm một vài chi tiết như sau:
(1). Mở đầu câu chuyện, Phạm Sư viết:
'Liêu Hữu Phương Hiệu thư Nguyên Hòa thập niên thất í hậu, du Thục, chí Bảo Kê tây giới'.
'Quan Hiệu thư Liêu Hữu Phương, năm thứ 10 Niên hiệu Nguyên Hòa, sau khi thi rớt, thì đi về qua đất Thục, tới quán trọ Bảo Kê ở ranh đất phía tây'.
(2). Liêu Hữu Phương gặp người học trò thi rớt ở quán trọ Bảo Kê trong tình cảnh như sau:
'Tiềm thính nhi vi xuyết dã. Nãi ư ám thất chi nội kiến nhất bần bệnh nhi lang'.
'Lắng nghe thì đó là tiếng khóc rấm rứt. Và rồi, trong 1 căn phòng tối tăm, ảm đạm, tôi thấy có 1 người đàn ông nghèo khổ, bệnh hoạn'.
(3). Lúc Liêu Hữu Phương hỏi thăm thì người đàn ông này:
'cưỡng nhi đối viết' ('miễn cưỡng trả lời').
(4). Và sau đó:
'Nghĩ cầu liệu cứu, thị nhân nga hốt nhi thệ. Dư toại tiện dục sở thừa yên mã ư thôn hào'.
'(Tôi còn đang) nghĩ cách cứu giúp, trị bệnh cho thì người này bỗng đâu qua đời 1 thoáng ngay sau đó. Tôi liền bán rẻ con ngựa đang cỡi, luôn cả bộ yên, cho 1 nhà giàu trong làng'.
(Những chữ in đậm trong các đoạn trên đây là những chi tiết không thấy trong phần tự thuật của bộ 'Toàn Đường Thi').
Nhưng, tự thuật của 'Vân Khê Hữu Nghị' về Liêu Hữu Phương đã không chấm dứt ở đó. Lí thú và bất ngờ nhất là những tự thuật tiếp theo đó.
Sau khi chôn cất người học trò thi rớt nghèo khổ, bệnh hoạn ngẫu nhiên mà gặp chỉ một thoáng trong quán trọ 'Bảo Kê', Liêu Hữu Phương rời đất Tây Thục. Về sự việc này Phạm Sư đã kể lại như sau:
'Liêu quân tự Tây Thục hồi, thủ Đông Xuyên lộ hoàn. Chí 'Linh Hợp dịch', dịch tương nghinh qui tư đệ.
Cập kiến kì thê tố i tái bái, minh yết, tình bất khả nhiệm, bồi hồi thiết từ, hữu đồng thân í. Yêm lưu bán nguyệt, bộc mã giai dụ; xuyết hùng lộc chi trân, cực tân chủ chi phận. Hữu Phương bất trắc hà duyên như thử, tủng thích vưu thậm.
Lâm biệt, kì thê hựu chí, tương biệt bi khấp. Hựu tặng tận tăng cẩm nhất đà, kì giá trị sổ thiên bách lượng. Dịch tương viết lang quân kim Xuân sở mai Hồ Quan tú tài tức kì thê thất chi quí huynh. Thủy tri vong giả Tính Tự. Phục tự bình sinh chi điếu. Sở di chi vật chung bất nạp yên. Thiếu phụ cập phu kiên í bái thượng.
Hữu Phương từ viết: - Bộc vi nam tử, thô sát cổ kim, ngẫu nhiên táng nhất đồng lưu, bất cảm đương tư hậu huệ.
Toại thúc bí nhi tiền. Dịch tương bôn kị nhi tống, phục du nhất dịch thượng vị phân li.
Liêu quân bất cố kì vật, dịch tương cánh bất khiết hoàn, chấp mị các hận đông tây. Vật nãi khí ư lâm dã.'.
( Vân Khê Hữu Nghị. Qu. IX. Liêu Hữu Phương ).
'Liêu Hữu Phương từ Tây Thục trở về, theo ngã Đông Xuyên mà về. Đi tới trạm 'Linh Hợp' thì người coi dịch trạm đón Hữu Phương về nhà riêng.
Về đến nhà, vợ người này mặc i phục trắng ra chào, nghẹn ngào, không dằn được nỗi xúc động trong lòng, nói năng ngập ngừng, dáng chừng thân thiết, như người trong nhà. Trong nửa tháng lưu lại ở đây kẻ theo hầu cũng như ngựa của Hữu Phương đều no đủ; những món ngon quí, như thịt gấu, thịt nai rồi chẳng thiếu món nào, tận hết tình chủ khách. Liêu Hữu Phương không hiểu vì duyên cớ nào mà mình lại được tiếp đãi như vậy, lòng cảm thấy vô cùng bứt rứt.
Lúc từ biệt, vợ người này lại khóc nức nở đưa tiễn. Lại còn tặng Hữu Phương gấm vóc, chở đầy một ngựa, trị giá cả trăm, cả ngàn lượng. Người coi dịch trạm nói vào Xuân năm nay, người mà Hữu Phương chôn cất là tú tài Hồ Quan chính là người anh út của vợ ông. Bấy giờ Hữu Phương mới biết Tính, Tự của người chết. Người này lại kể về nỗi đau buồn của người anh vợ. Vật tặng của 2 vợ chồng thiếu phụ Hữu Phương cuối cùng vẫn không chịu nhận. Thiếu phụ và chồng cứ khăng khăng giao tặng.
Hữu Phương từ chối, nói: - Tôi là 1 nam tử, biết đôi chút về chuyện xưa và nay, chỉ ngẫu nhiên mà chôn cất 1 người cùng giới, tôi không dám nhận những tặng vật quá hậu như vậy.
Nói xong thúc ngựa chạy đi. Người coi dịch trạm giục ngựa theo đưa tiễn. Lại đi hết 1 trạm nữa mà vẫn chưa nỡ chia tay.
Liêu Hữu Phương không nhận tặng vật, người này cũng không chịu đưa về, níu áo Hữu Phương mà buồn cho cảnh kẻ đông người tây. Gấm vóc tặng Hữu Phương rồi bỏ giữa đồng vắng.'.
Cuối đoạn văn dẫn trên Phạm Sư nói thêm là các bậc hương lão đem nghĩa cử của Hữu Phương nói cho quan sở tại biết. Quan sở tại trình việc này lên triều đình, và sau đó thì các quan văn võ người nào cũng muốn làm quen với Hữu Phương. Năm sau Liêu Hữu Phương thi đậu, đổi tên là Du Khanh, và thanh danh nghĩa sĩ của ông cũng vang khắp Trung Hoa và cõi ngoài (Hoa Di).
'Vân Khê Hữu Nghị' là 1 Tập Bút kí (gồm 12 Quyển) ghi chép lại những di văn, dật sự về 1 số nhân vật tiếng tăm Đường triều, trong giới quyền quí, văn nhân, học giả... mà Sử tịch cũng như các tập Bút kí đương thời, vì nguyên nhân tư liệu, sử liệu thu thập chưa được đầy đủ cho nên đã hoặc không ghi chép, hoặc ghi chép nhưng vẫn còn ít nhiều thiếu sót.... như những ghi chép về Nguyên Tái (? - 777), về các thi nhân Lưu Trường Khanh (709 - ~ 780), Vi Cao (745 - 805), và Trương Tịch (765 - ~ 830)... chẳng hạn. (Vân Khê là tên Hiệu của Phạm Sư. Khi tự thuật Phạm Sư thường tự xưng là Vân Khê Tử).
Qua 1 số tư liệu đã ít, lại chép chẳng bao nhiêu về nhân vật tên Liêu Hữu Phương này, người ta chỉ biết ông là 1 người học thức, có nghĩa khí, và nhân cách hơn người. Sinh tại Giao Châu, lúc trưởng thành qua Trung Quốc học và làm quan tại đây. Chỉ có bấy nhiêu, ngoài ra nữa người ta không còn biết gì hơn.
Liêu Hữu Phương nhân phẩm hơn người, nếu không văn hào Liễu Tông Nguyên (773 - 819) đã không viết những giòng như sau:
'Giao Châu đa Nam kim, đại mạo, tượng tê, kì sản giai kì quái, chí ư thảo mộc dịch thù dị. Ngô thường quái dương đức chi bính diệu, độc phát ư phân hoa khôi lệ nhi hãn chung hồ nhân.
Kim Liêu sinh cương kiện, trung hậu, hiếu đệ, tín nhượng, dĩ chất hồ trung nhi văn hồ ngoại, vi Đường thi hữu đại nhã chi đạo, chung ư dương đức giả gia? Thị thế chi sở hãn dã. Kim chi thế hằng nhân kì ư phân hoa khôi lệ tắc phàm tri quí hĩ ( kì dịch hữu quí Liêu sinh giả gia?
Quả năng thị, tắc ngô bất vị chi hằng nhân dã, thực dịch thế chi sở hãn dã!'
(Liễu Tông Nguyên Tập. Qu. XXV. Tự. Tống Thi Nhân Liêu Hữu Phương Tự).
'Xứ Giao Châu có nhiều vàng Nam, voi, tê giác, những vật sản đất này đều kì lạ, cho tới cây cỏ cũng rất lạ. Tôi thường lạ một điều là sự xum xuê tươi đẹp rồi chỉ nảy sinh nơi sự vật mà ít thấy nơi con người.
Như Liêu sinh là người cứng cỏi mạnh mẽ, trung hậu, hiếu để, thành thực, khiêm tốn, chất phác hàm bên trong mà văn vẻ lộ ra ngoài; về thơ Đường thì hiểu rõ nguyên tắc của Thơ, phải chăng đây rồi cũng như cái rực rỡ, tươi đẹp kia của sự vật? Đây là điều hiếm có trên đời. Thời bây giờ đối với vẻ rực rỡ, tươi đẹp của sự vật thì người bình thường rồi ai cũng biết quí trọng, và biết có người nào biết quí trọng Liêu sinh [như vậy] không đây? Nếu như có những con người như vậy thì tôi không gọi những người này là những người bình thường, họ thực cũng đáng gọi là những người hiếm có trên đời!'.
Ngoài ra, Liễu Tông Nguyên còn 1 lá thư gởi Liêu Hữu Phương, ghi là:
'Đáp Cống Sĩ Liêu Hữu Phương Luận Văn Thư' (Liễu Tông Nguyên Tập. Qu. XXXIV. Thư).
Liêu Hữu Phương gởi thư nhờ Liễu Tông Nguyên viết một vài lời đề Tựa cho tập thơ của mình, Liễu Tông Nguyên gởi thư này trả lời.
Trong cuốn 'An Nam Chí Lược', Lê Tắc (? - ?) đời Trần (1225 - 1400), Việt Nam, cũng đã coi Liêu Hữu Phương như là 1 danh nhân của đất Giao Châu. Có điều, Lê Tắc cũng không có 1 ghi chép nào về Liêu Hữu Phương, chỉ ghi lại toàn văn bài 'Tự' đã dẫn trên của Liễu Tông Nguyên mà thôi, ngoài ra không còn gì hết. (Tham khảo: 'An Nam Chí Lược', Quyển XV. Mục 'Nhân Vật', Phần 'Danh Nhân').
Cuốn 'The Birth of Vietnam' có tất cả là 15 phần 'Phụ Lục' ('Appendix') được ghi theo thứ tự Mẫu Tự, từ A đến O, mỗi 'Phụ Lục' có 1 Tiêu đề.
'Phụ Lục N' ('Appendix N') có Tiêu đề:
'P'i Jih-hsiu and the Nan-chao War' ('Bì Nhật-hưu và Cuộc Chiến tranh Nam-chiếu').
Phần 'Phụ Lục N' này, K.W. Taylor thảo luận về bài thơ thứ 2 trong 3 bài thơ có Tựa đề chung là 'Tam Tu thi' ('3 Bài thơ về 3 chuyện Sỉ Nhục') của Bì Nhật Hưu (834? - 883?), Văn học gia cuối đời Đường, làm để điếu 2000 quân thành Hứa Xương được điều động xuống phương Nam và tử trận ở Giao Chỉ trong cuộc chiến tranh với Nam Chiếu.
Khi soạn phần 'Phụ Lục N' này, ông K.W. Taylor chủ yếu đã căn cứ 1 cuốn biên khảo của ông giáo sư Đại học William H. Nienhauser Jr., tựa đề 'P'i Jih Hsiu' ('Bì Nhật Hưu').
(Boston, 1979 - ghi trong phần Thư Mục tham khảo, trang 380, của 'The Birth of Vietnam').
Những gì được chuyển dịch từ Tư, Sử liệu Hán văn qua Anh văn trong phần 'Phụ Lục N' tuy là K.W. Taylor không nói của ai, của W.H. Nienhauser, hay của 1 người nào khác, nhưng hầu hết những diễn giải về tư tưởng của Bì Nhật Hưu, luôn cả một số chi tiết về tiểu sử ông, ở đây, đều được trích dẫn từ cuốn biên khảo nói trên. Cứ đó thì có thể nói là phần chuyển dịch Hán - Anh ở đây là của W.H. Nienhauser.
Lại nữa, trong phần đề tựa cuốn 'The Birth of Vietnam', K.W. Taylor có đoạn viết:
'I am also indebted to......
Professor William H. Nienhauser, Jr., of the University of Wisconsin kindly offered valuable insights into the poem by P'i Jih-hsiu discussed in Appendix N'. (Preface. xvi.).
Và bây giờ tôi xin trích dẫn 1 đoạn, đoạn chủ yếu, của phần 'Phụ Lục N' nói trên đây của cuốn 'The Birth of Vietnam':
'In 865, after wandering about the Yangtze basin for two years, P'i Jih-hsiu traveled to Chang-an, the T'ang capital, to take the civil service examination (Nienhauser, pp. 26 - 27). On his way, he stopped in the city of Hsü (variously Hsü-ch'ang or Hsü-chuan), located on the Ying River in modern Ho-nan, about two hundred miles southeast of Lo-yang. In 862, two thousand men from Hsu had been drafted for the T'ang army sent to Vietnam against the Nan-chao offensive of that year. Here is how P'i Jih-hsiu's visit to Hsü is recorded in the Ch'uan T'ang shih:
Jih-hsiu was staying at an inn in Hsü-ch'uan. He suddenly heard the sound of wailing outside the city walls and inquired of people passing in the street. They said: 'Southern barbarians besieged our Giao-chi. An imperial order was received to levy two thousand Hsü soldiers to attack them. They attacked again and again, and they all died in battle. Those who weep are the families of those soldiers. Alas! There is no news from Yang-tzu because contact with Chu-yai has been broken. Our armies are advancing over the dead bodies of our own men, for otherwise the 'little fish' will scorn our Central kingdom; is not that how it is said?' [On 'little fish' as a term for 'barbarians', see Morohashi, I, 595]. Sir P'i, walking among them, said: 'There is nothing I can do to help this situation; I cannot even complete my degree. Furthermore, my hand will not lift stick to beat drums, and I hate weapons of war. I just quietly follow my own nature, quietly follow my own pleasure. But I am also guilty of the Hsü warrior's fate [not having done anything to prevent it] and will compose a poem to mourn for them (Ch TS, 608).
Yang-tzu was the main T'ang port at the mouth of the Yangtze River.'.
( pp. 344 - 345 ).
Dịch như sau:
'Vào năm 865, sau 2 năm quanh quẩn trong khoảng lưu vực sông Duơng tử, Bì Nhật Hưu lên đường đi Trường-an, kinh đô Đường triều, để ứng thí (Nienhauser, các tr. 26 ( 27). Trên đường đi ông dừng chân ở thành Hứa (có các tên gọi khác nhau là Hứa-xương hoặc Hứa-truyện), nằm bên bờ sông Dĩnh, tỉnh Hà-nam hiện nay, cách thành Lạc-dương khoảng 200 dặm về phía đông nam. Vào năm 862, 2000 người đất Hứa bị trưng tập vào đội quân Đường triều và bị điều động tới Việt Nam để đương đầu vớc cuộc tấn công của quân Nam-chiếu năm đó. Việc Bì Nhật Hưu ghé thành Hứa đã được ghi lại trong Toàn Đường Thi như sau:
Nhật Hưu đang ở trong quán trọ tại Hứa-truyện. Bỗng đâu ông nghe có tiếng than khóc mé ngoài tường thành và bước ra hỏi thăm những người qua lại bên đường. Những người này nói rằng: 'Rợ phương Nam vây đất Giao-chỉ của chúng ta. Triều đình ra chiếu chỉ trưng tập 2000 quân binh đất Hứa để tiến đánh bọn chúng. Họ đã tấn công hết đợt này tới đợt khác, và rồi tất cả đều tử trận. Những người đang than khóc kia là thân nhân của những quân binh đó. Than ôi! Không có tin tức gì từ Dương-tử vì sự liên lạc với Chu-nhai đã bị cắt đứt. Quân binh của chúng ta phải bước qua xác chết của chính đồng đội mình để mà tiến lên, bằng không thì loại 'cá nhỏ' rồi sẽ coi thường vương triều Trung Nguyên chúng ta; không phải rồi người ta đã chẳng từng nói như vậy sao? [ Về từ ngữ 'cá nhỏ' như là 1 từ ngữ dùng để chỉ dân 'man di', xin coi Morohashi, I, 595.]. Đi giữa những người qua đường đó, Bì tử nói: 'Tôi không làm được gì để cứu vãn tình thế này; ngay cả học vị của tôi, tôi còn chưa hoàn tất được. Hơn nữa, tay tôi rồi không cầm dùi để đánh trong [trận], và tôi ghét vũ khí chiến tranh. Tôi chỉ lặng lẽ xuôi theo cá tính của tôi, lặng lẽ xuôi theo vui thú của riêng tôi. Nhưng rồi tôi cũng có tội đối với cái chết của những chiến sĩ đất Hứa [vì đã không làm một cái gì để ngăn chặn điều đó] và tôi sẽ làm 1 bài thơ để phúng điếu họ'. (Toàn Đường Thi, 608).
Dương-tử là giang cảng chủ yếu của Đường triều ở cửa sông Dương-tử.'.
Vẫn như 'lệ thường', những cái sai của K.W. Taylor trong đoạn văn dẫn trên đây rất nhiều - và nhất là rất nặng . Trước hết, vẫn cứ sai về Địa Lí.
Khi viết tới câu 'dừng chân ở thành Hứa', K.W. Taylor đã mở luôn cái ngoặc đơn để giải thích rằng thành này còn được gọi dưới các tên khác nữa là 'Hứa-xương hoặc Hứa-truyện'.
Thưa ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor, và những ông, bà Việt Nam chỉ có cái Bằng cấp Tây học phục ông sát đất, như Hue-Tam Ho Tai, Truong Buu Lam, Phạm Cao Dương, Lê Thọ Giáo... :
Trong lịch sử Trung Hoa, cổ kim không có 1 địa danh nào gọi là 'Hứa-truyện' hết!
Trong 25 bộ Chính sử Trung Hoa chỉ có 13 Bộ là có Mục ghi chép về Địa lí, đó là các Bộ:
'Hán Thư', 'Hậu Hán Thư', 'Tấn Thư', 'Tống Thư', 'Nam Tề Thư', 'Tùy Thư',
'Cựu Đường Thư', 'Tân Đường Thư', 'Cựu Ngũ Đại Sử', 'Tống Sử, 'Nguyên Sử',
'Minh Sử', Thanh Sử Cảo'.
Trong 13 Bộ Sử nói trên tôi không thấy 1 địa danh nào gọi là Hứa-truyện hết!
Cho chắc hơn nữa, tôi lại đọc thêm 2 tác phẩm chuyên môn về Địa Lí học rất là trứ danh, đó là 2 Bộ 'Thủy Kinh Chú' của Lịch Đạo Nguyên (469 - 527) triều Bắc Ngụy (386 - 534), vào thời Nam Bắc triều (420 - 589) và 'Phương Dư Khảo Chứng' của Hứa Hồng Bàn (1757 - 1837) đời Thanh (1644 - 1911).
Lại thêm 1 Bộ nữa cũng rất nổi tiếng gần đây là Bộ 'Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập', do một nhóm biên soạn, chủ biên là Đàm Kì Tương - và hơn chục Bộ khác nữa cũng về Địa Lí, nhưng rồi vẫn không thấy cái địa danh 'quái đản' có tên gọi là 'Hứa-truyện' ở đâu hết!
Gọi là 'quái đản' vì cái địa danh này chỉ có từ sự kém cỏi, 'Học chưa tới - Vấn chưa thông' của 2 ông tiến sĩ dạy Đại học K.W. Taylor và W.H. Nienhauser. Không mà thành Có là sao vậy?
Trong phần tiếp theo đây, tôi lại nói chuyện 'Toàn Đường Thi' với ông K.W. Taylor, chừng đó người đọc sẽ thấy tại sao ngành Địa lí học Trung Quốc lại có thêm 1 địa danh 'Hứa-truyện', và đồng thời 1 lần nữa, trong số rất nhiều lần, thấy luôn được cái trình độ phải nói là hết sức tồi tệ về Hán học, về Cổ học của ông tiến sĩ Cổ Sử học K.W. Taylor - và cũng chính nhờ ông tiến sĩ Cổ Sử học này mà ở đây ông giáo sư của Đại học Wisconsin, William H. Nienhauser Jr. , cũng có phần.
Trước khi trích dẫn toàn văn tự thuật sự việc Bì Nhật Hưu dừng chân ở thành Hứa Xương, chép trong 'Toàn Đường Thi', cũng cần nói qua 1 vài điểm:
3 bài 'Tam Tu thi' của Bì Nhật Hưu mỗi bài có 1 phần gọi là 'Tự' (tức như lời 'Tiểu dẫn') - và đoạn văn đề cập ở đây chính là phần 'Tiểu dẫn' của bài 'Tu thi' thứ 2. Ông tiến sĩ K.W. Taylor đã không nói tới điều này (hay không biết thì tôi cũng không rõ).
Phần 'Tiểu dẫn' này cũng thấy trong bộ 'Bì Tử Văn Tẩu' ('Bì Nhật Hưu Văn Tập. Qu. X.), chỉ khác có 2 chữ, và sẽ được để trong ngoặc đơn.
'Nhật Hưu lữ thứ ư (vu) Hứa truyện xá, văn khiếu đào chi thanh động ư (vu) thành quách. Vấn ư (vu) đạo dân, dân viết 'Man vi ngã Giao chỉ, phụng chiếu trưng Hứa binh nhị thiên chinh chi. Kì chinh thả tái, hữu chiến giai một; kì khốc giả, Hứa binh chi thuộc'.
Ô hô! Dương tử bất vân phù: 'Chu Nhai chi tuyệt, Duyên Chi chi lực, phủ tắc giới lân dịch ngã i thường!', kì thị chi vị gia?
Bì tử vi chi nội quá viết: 'Ngô đạo bất túc dĩ tế thời, bất khả dĩ bị vị, hựu thủ bất đề phù cổ, thân bất bị binh giới, đìềm nhiên tự thuận, điềm (di) nhiên tự lạc, ngô dịch vi Hứa sư chi tội nhân nhĩ!'. Tác thi dĩ điếu chi.'.
( Toàn Đường Thi. Qu. DCVIII ).
'Nhật Hưu ở dịch trạm thành Hứa,nghe có tiếng khóc than vang động mé ngoài tường thành. Hỏi kẻ qua lại bên đường thì họ nói: 'Dân Man vây thành Giao chỉ của ta, theo chiếu triều đình (quan sở tại) trưng tập 2,000 quân binh thành Hứa đi đánh bọn chúng. Đánh rồi lại đánh, để rồi tất cả đều tử trận; những người đang than khóc đó là thân nhân của những quân binh thành Hứa tử trận đó'.
Hỡi ôi! Dương tử đã chẳng từng nói đó sao: - 'Việc bỏ quận Chu Nhai là công của Duyên Chi, bằng không chúng ta rồi đến đổi mạng với giống Man di!, câu nói này cũng chẳng là đúng cho trường hợp ở đây sao?
Bì tử tự trách mình: - 'Tài học của ta không đủ để cứu đời, không đảm đương nổi trách vụ được giao phó, tay lại không nâng (nổi) trống trận, thân không trang bị Binh khí, cứ điềm nhiên sống theo í thích của mình, cứ điềm nhiên vui với cái vui của mình, (và như vậy), ta cũng là tội nhân của những quân binh thành Hứa này!'. (Và Bì tử) làm thơ điếu những quân binh này.'.
Trước hết, tôi xin trở lại vấn đề địa danh 'Hứa-truyện' của ông tiến sĩ K.W. Taylor. Có dẫn lại nguyên văn phần 'Tiểu dẫn' bài 'Tu thi' thứ 2 của Bì Nhật Hưu thì mới rõ tại sao lại có địa danh 'Hứa-truyện' quái đản này.
Trong bài 'Về Một Cuốn Sách' trước đây tôi đã có nói:
'Nỗi khó khăn đáng kể khi đọc những tác phẩm cổ Trung Quốc là trong 1 tác phẩm, có khi vài trăm trang, người đọc không hề thấy được 1 dấu phẩy hay 1 dấu chấm khả dĩ phân biệt câu này với câu kia, đoạn văn này với đoạn văn kia; lại nữa, các tên riêng như Nhân danh, Địa danh...... rồi cũng chẳng có 1 dấu hiệu nào để mà phân biệt với các chữ khác'.
Địa danh 'Hứa-truyện' ở đây rồi đã do nỗi khó khăn nói trên mà ra, do ngắt đoạn sai mà ra:
'Nhật Hưu lữ thứ ư Hứa truyện xá...'.
Ông tiến sĩ W.H. Nienhauser đã nghĩ rằng chữ 'truyện' trong câu trên đi đôi với chữ 'Hứa' để thành 1 từ ghép: 'Hứa truyện', chỉ địa danh.
Và, ông tiến sĩ K.W. Taylor của chúng ta - đúng hơn là của các vị Hồ, Trương, Lê, Phạm và... - bất biết trúng trật, cứ thế mà theo, cứ thế mà nói là 'Hứa-truyện', và còn cho in cả chữ Hán nữa trong phần 'Từ Biểu' ('The Birth of Vietnam'. 'Glossary'. Places Names. Chinese, p. 363).
Ôi! Ông tiến sĩ ơi là ông tiến sĩ!
Cả hai ông tiến sĩ đã không biết rằng trong Hán văn, 'Truyện Xá' là một danh từ chung, đồng nghĩa với các tiếng 'dịch đình', 'dịch trạm', 'khách xá'....... là chỗ dể khách đường xa tạm dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống....
Tiếng 'Truyện Xá' thấy rất nhiều trong thư tịch cổ Trung Hoa, như:
+ 'Sử Kí' của Sử gia Tư Mẵ Thiên (145 - 86? tr. Cn.) thời Tây Hán (206 tr. Cn. - 08 Cn.).
+ 'Hán Thư' của Sử học gia Ban Cố (32 - 92) thời Đông Hán (25 - 220).
+ 'Chiến Quốc Sách' của Lưu Hướng (77 - 06 tr. Cn.) đời Tây Hán.
Chỉ nêu ra đây 1 vài bộ Sử thư trứ danh, như 3 bộ trên đây, cũng đã quá đũ. Và sau đây là 1 vài dẫn chứng trong các bộ Sử thư kể trên:
Sách 'Sử Kí' chép:
'Sơ Phùng Hoãn văn Mạnh Thường Quân hiếu khách, niệp cước nhi kiến chi.
Mạnh Thường Quânviết: - Tiên sinh viễn nhục, hà dĩ giáo Văn dã?
Phùng Hoãn viết: - Văn quân hiếu sĩ, dĩ bần thân qui ư quân.
Mạnh Thường Quân trí Truyện Xá.
Thập nhật Mạnh Thường Quân vấn Truyện Xá trưởng viết: - Khách hà sở vi?
Đáp viết: - Phùng tiên sinh thậm bần, do hữu nhất kiếm nhĩ!'.
(Sử Kí. Qu. LXXV. Mạnh Thường Quân truyện ).
'Trước đây, nghe tiếng Mạnh Thường Quân hiếu khách, Phùng Hoãn đi giầy cỏ tới gặp.
Mạnh Thường Quân hỏi: - Tiên sinh không ngại đường xa tới đây, có gì chỉ dạy Văn không?
Phùng Hoãn nói: - Nghe tiếng ông hiếu sĩ, tôi vì nghèo mà tới đây nương nhờ ông.
Mạnh Thường Quân cho ở Khách Xá..
Được 10 ngày, Mạnh Thường Quân hỏi người phụ trách trông coi Khách Xá:
- Có thấy khách làm gì không?
(Người này) trả lời: - Phùng tiên sinh nghèo lắm, nhưng vẫn có 1 thanh kiếm!'.
(Chữ 'Văn' trong câu 'có gì chỉ dạy Văn không?' tức Điền Văn, tên của Mạnh Thường Quân).
(Coi thêm Qu. XCVII. Lịch Sinh truyện).
Bộ 'Hán Thư' chép:
'Bái công chí Cao Dương Truyền Xá, sử nhân triệu Tự Cơ'.
( Hán Thư. Qu. XLIII. Lịch Tự Cơ truyện ).
'Bái công tới Khách Xá ở Cao Dương, rồi sai người gọi Tự Cơ tới'.
(Bái công tức Lưu Bang (256 - 195 tr. Cn.; tại vị: 206 - 195), Cao tổ triều Tây Hán).
Và ở một Quyển khác:
'Nhiên phú quí vô thường,hốt tắc dịch nhân; thử như Truyền Xá'.
( Sđd. Qu. LXXVII. Cái Khoan Nhiêu truyện ).
'Nhưng phú quí là chuyện vô thường, mới đó rồi đổi qua tay người khác; chuyện này cũng như người ở Quán Trọ'. Chữ 'Truyện', học giả Nhan Sư Cổ (581 - 645) đọc âm 'Truyền': 'Truyền Xá'.
Chú thích câu trước trong 2 câu dẫn trên của sách 'Hán Thư', ông viết:
'Truyền Xá giả, nhân chi sở tức; tiền nhân dĩ khứ, hậu nhân phục lai, chuyển tương truyền dã. Nhất âm Trương Luyến phiên, vị Truyện Trí chi xá dã, kì nghĩa lưỡng thông'.
Quán Trọ là nơi người ta nghỉ ngơi; người trước vừa đi, người sau lại tới, cứ thế mà luân lưu. (Chữ Truyền) còn âm đọc nữa là Truyện (phiên thiết: Trương Luyến), tức nhà Dịch trạm; nghĩa cũa 2 chữ tương thông'.
Cứ đó thì tiếng 'Truyện Xá' trong sách 'Hán Thư', Nhan Sư Cổ đọc là 'Truyền Xá'
Chú thích câu sau, ông viết:
'Ngôn như Khách Xá hành khách, triếp quá chi'.
'Í nói như khách đi đường ở Quán Trọ, ở một thoáng rồi đi'.
Tập 'Chiến Quốc Sách' viết:
'Lệnh Tị chi nhập Tần chi Truyện Xá, Xá bất túc dĩ xả chi.'.
( Chiến Quốc Sách. Ngụy Sách 4. Quản Tị chi lệnh Trạch Cường dữ Tần sự ).
'Sai (Quản) Tị tới Khách Xá của Tần (quốc), Khách Xá rồi không có chỗ cho Quản Tị.'.
Ông K.W. Taylor và những người ca tụng ông rồi còn gì để nói nữa không?
Chuyện tiếp theo đây vẫn là chuyện Địa Lí, vẫn là chuyện dính dáng tới thành Hứa Xương - và lại là chuyện vị trí Địa dư.
Trước đây, chúng ta đã thấy vị trí chính xác của thành Trường An nằm tại đâu trên bản đồ, ông tiến sĩ Sử học cũng lơ mơ lờ mờ; bây giờ vị trí của thành Hứa Xương ông lại cũng ù à ù ờ, cũng không biết đâu là đâu!
Như đã thấy, ở một đoạn trước đây ông tiến sĩ Cổ Sử học K.W. Taylor đã nói hết sức rõ ràng là thành Hứa Xương 'nằm bên sông Dĩnh, tỉnh Hà-nam hiện nay, cách thành Lạc-dương khoảng 200 dặm về phía đông nam'.
Tôi không hiểu ở đây rồi ông tiến sĩ Cổ Sử học nói đến thành Hứa Xương nào? Nếu ông nói tới một Hứa Xương 'bên sông Dĩnh,tỉnh Hà-nam hiện nay' thì chừng như đâu đó ông muốn nói tới Thị Xã Hứa Xương hiện nay.
Thưa ông tiến sĩ Cổ Sử học, nếu ông nói đến Thị Xã Hứa Xương (Hứa Xương Thị) hiện nay thì chỗ này dứt khoát không phải là 'chỗ xưa kia', hơn 1 ngàn năm trước đây, vào thời Đường, chỗ có cái 'Truyện Xá' Bì Nhật Hưu đã từng ghé qua! Vì sao vậy?
Vì, thưa ông tiến sĩ Cổ Sử học K.W. Taylor, Cổ thành Hứa Xương của thời Đường hiện nay rồi cách Hứa Xương Thị 21 Cây số (tính theo Bản đồ Tỉ lệ) về phía Đông Bắc. Nghiên cứu Sử học lẽ nào ông lại không biết lẽ 'Vật hoán tinh di', lại không biết vấn đề 'Địa Lí duyên cách' trong Sử học? Đây là chuyện thứ nhất.
Chuyện thứ hai,thưa ông tiến sĩ, cả 2 địa khu Hứa Xương cổ và kim tôi vừa đề cập trên đây đều không nằm bên bất cứ 1 con sông nào hết!
Cổ thành Hứa Xương nằm ở ven biên Tây bộ đồng bằng Hoàng Hoài, chung quanh thành là cả 1 vùng đồng bằng đất đai phì nhiêu. Bình nguyên Hoàng Hoài trải rộng trên 1 vùng phía Đông tỉnh Hà Nam, phía Tây tỉnh Sơn Đông và cả 1 dải đất phía Bắc sông Hoài thuộc 2 tỉnh An Huy và Giang Tô. Là dải đất miền Nam của đồng bằng Hoa Bắc đồng bằng Hoàng Hoài chủ yếu do phù sa của vùng hạ du sông Hoàng Hà và sông Hoài bồi đắp mà thành.
Những kiến thức về Địa lí như trên đây ở bậc tiểu học người ta đã dạy cho con nít rồi, thưa ông tiến sĩ Cổ Sử học K.W. Taylor!
Điều thứ ba, thành Hứa Xương 'cách thành Lạc-dương khoảng 200 dặm về phía đông nam'.
200 dặm (mile) ở đây tức: 200 x 1,609 cây số. = 321,8 cây số.
Tôi lại không hiểu ông tiến sĩ Sử học nói khoảng cách nào? khoảng cách trên thực tế đường xá, hay khoảng cách theo bản đồ tỉ lệ? Tôi nghĩ ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor cũng cần nói rõ ra điểm này.
Vị trí của Cổ thành Hứa Xương:
Kinh độ: 114 0 Vĩ độ: 34 0 10'.
Vị trí của Thị Xã Hứa Xương hiện nay:
Kinh độ: 113 0 50' Vĩ độ: 34 0 2' 19''.
Và nếu tính khoảng cách theo Bản đồ tỉ lệ:
Cổ thành Hứa Xương - Cổ thành Lạc Dương = 150. 5 cây số.
Bản đồ Lịch sử tôi căn cứ ở đây có Tỉ lệ 1 / 3 500 000.
1cm. Trên Bản đồ = 35 cây số; và khoảng cách trên đo được 4.3cm.
Những số liệu trên đây căn cứ:
'Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập', Tập V. Tùy. Đường. Ngũ Đại Thập Quốc thời kì.
Địa đồ 44 - 45. Đô Điện đạo. Hà Nam đạo.
Và bây giờ tôi sẽ đối chiếu phần chuyển dịch Anh văn và nguyên văn Hán văn đoạn 'Tiểu dẫn' của bài 'Tu thi' thứ 2 của Bì Nhật Hưu chép trong 'Toàn Đường Thi'.
Tôi phải nói ngay rằng tôi không ngờ trình độ Học Vấn của 2 ông tiến sĩ giảng dạy Đại học lại có thể tồi tệ - nếu không muốn nói là dốt vì lịch sự - đến độ 'bất khả tư nghì' như vậy!!!
Có đối chiếu mới rõ ra là K.W. Taylor và W.H. Nienhauser đã dịch lếu dịch láo!
Từ câu 'There is no news from Yang-tzu because contact with Chu-yai has been broken...' cho đến hết đoạn văn rồi 'không có' chỗ nào trúng với nguyên văn của Bì Nhật Hưu hết, người đọc có thể thấy rất rõ điều này - chỉ có các ông, các bà phục ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor sát đất là Hue-Tam Ho Tai, Truong Buu Lam, Phạm Cao Dương, Lê Thọ Giáo......., (và còn bao nhiêu ông, bà Việt Nam nữa có bằng cấp cao về Tây học, nhất là Sử học, nữa) là không thấy mà thôi!
Trước hết, cái sai lớn, nặng nhất của 2 ông tiến sĩ ở đây là Nhân danh (Tên người) ( mà vì rằng không thông Hán văn, cho nên 2 ông mới hiểu và dịch tầm bậy thành Địa danh (Tên đất).
Câu vừa dẫn trên nguyên văn là:
'Dương tử bất vân phù: - Chu Nhai chi tuyệt, Duyên Chi chi lực...'.
Câu văn hết sức rõ ràng, không thể nào lầm lộn được! Bây giờ cho dù không biết 'Dương tử' là tên người đi nữa thì 2 ông cũng phải biết rằng chữ 'Vân' trong câu có nghĩa là 'Nói'; và, lẽ nào 'Đất' lại biết nói?
Ngoài ra, về Hán tự, 2 chữ 'Duyên' và 'Tổn' từa tựa, do đó có sách ghi là Giả Tổn Chi'.
'Dương tử' đây là Dương Hùng (53 tr. Cn. - 18 Cn.), tư tưởng gia, ngữ ngôn học gia, từ phú gia rất trứ danh cuối triều Tây Hán, tác giả của những tác phẩm như 'Thái Huyền' (mô phỏng theo 'Dịch Kinh', học giả thời sau đã tôn xưng là Kinh), 'Pháp Ngôn' (mô phỏng Sách 'Luận Ngữ') và 'Phương Ngôn' (như danh xưng cho thấy, đây là tác phẩm khảo về ngôn ngữ địa phương, và là 1 trong tác phẩm trọng yếu trong lãnh vực nghiên cứu ngôn ngữ, văn tự cổ đại).
Và, để K.W. Taylor cũng như Hue-Tam Ho Tai, Truong Buu Lam, Phạm Cao Dương, và ở đây Lê Thọ Giáo phải 'khẩu phục', 'tâm phục', tôi xin nói luôn để các ông, các bà rõ 'câu nói' trên đây của Dương Hùng xuất xứ từ đâu.
Câu 'Chu Nhai chi tuyệt, Duyên Chi chi lực dã, phủ tắc Giới lân dịch ngã I thường' trên đây là 1 câu trong thiên 'Hiếu Chí', sách 'Pháp Ngôn' (Qu. XIII.) của Dương Hùng.
Sau đây là một đoạn về tiểu sử Giả Duyên Chi (? - 43 tr. Cn.), chép trong bộ sử 'Hán Thư' của Sử gia Ban Cố (32 - 92):
'Giả Duyên Chi, tự Quân Phòng, Giả Nghị chi tằng tôn dã.
Nguyên đế tức vị, thượng sớ ngôn đắc, thất, triệu đãi chiếu Kim Mã môn.
Sơ, Vũ đế chinh Nam Việt, Nguyên Phong nguyên niên lập Đam Nhĩ, Chu Nhai quận, giai tại Nam phương hải trung châu cư, quảng mậu khả thiên lí, hợp thập lục huyện, hộ nhị vạn tam thiên dư. Kì dân bạo ác, tự dĩ trở tuyệt, sổ phạm lại cấm, lại dịch khốc chi, suất sổ niên nhất phản, sát lại. Hán triếp phát binh kích định chi.
Tự sơ vi quận chí Chiêu đế Thủy Nguyên nguyên niên, nhị thập dư niên gian, phàm lục phản bạn. Chí kì ngũ niên, bãi Đam Nhĩ quận tính thuộc Chu Nhai. ChíTuyên đế Thần Tước tam niên, Chu Nhai tam huyện phục phản. Phản hậu thất niên, Cam Lộ nguyên niên, cửu huyện phản, triếp phát binh kích định chi.
Nguyên đế Sơ Nguyên nguyên niên, Chu Nhai hựu phản. Phát binh kích chi, chư huyện canh bạn, liên niên bất định. Thượng dữ hữu ti nghị phát đại quân, Duyên Chi kiến nghị dĩ vi bất đương kích. Thượng sử Thị Trung Phụ Mã Đô Úy Nhạc Xương Hầu cật vấn Duyên Chi viết:
- Chu Nhai nội thuộc vi quận cửu hĩ, kim bội bạn nghịch tiết, nhi vân bất đươmg kích, trưởng Man di chi loạn, khuy tiên đế công đức, Kinh nghĩa hà dĩ xử chi?
Duyên Chi đối viết:
- ...... Kim thiên hạ độc hữu Quan Đông; Quan Đông đại giả độc hữu Tề, Sở. Dân chúng cửu khốn, liên niên lưu li, li kì thành quách, tương chẩm tịch ư đạo lộ. Nhân tình mạc thân phụ mẫu, mạc lạc phu phụ, chí giá thê mại tử, pháp bất năng cấm, nghĩa bất năng chỉ, thử Xã Tắc chi ưu dã. Kim bệ hạ bất nhẫn uyên uyên chi phẫn, dục khu sĩ chúng tế chi đại hải chi trung, khoái tâm u minh chi địa, phi sở dĩ cứu trợ cơ cân, bảo toàn nguyên nguyên dã. 'Thi' vân: - Xuẩn nhĩ Man Kinh, đại bang vi thù.', ngôn Thánh nhân khởi tắc hậu phục, Trung Quốc suy tắc tiên bạn, động vi quốc gia nạn, tự cổ nhi hoạn chi cửu hĩ! Hà huống nãi phục kì Nam phương chi Man hồ!?
Lạc Việt chi nhân, phụ tử đồng Xuyên nhi dục, tương tập dĩ ẩm, dữ cầm thú vô dị, bản bất túc quận huyện trí dã. Chuyên chuyên độc cư nhất hải chi trung, vụ lộ khí thấp, đa độc thảo, trùng xà, thủy thổ chi hại, nhân vị kiến lỗ, chiến sĩ tự tử; hựu phi độc Chu Nhai hữu chu, tê, đại muội dã. Khí chi bất túc tích, bất kích bất tổn uy; kì dân tỉ do ngư tiết, hà túc tham dã!
....... Đối tấu, thượng dĩ vấn Thừa tướng, Ngự sử. Ngự sử Đại phu Trần Vạn Niên dĩ vi đương kích; Thừa tướng Vu Định Quốc dĩ vi 'tiền nhật dư binh kích chi liên niên, Hộ quân Đô Úy, Hiệu Úy cập Thừa phàm thập nhất nhân, hoàn giả nhị nhân, tốt sĩ cập chuyển thâu tử giả vạn nhân dĩ thượng, phí dụng tam vạn vạn dư thượng vị năng tận hàng. Kim Quan Đông khốn phạp, dân nạn dao động, Duyên Chi nghị thị'.
Thượng nãi tòng chi, toại hạ chiếu viết:
- ......Phù vạn dân chi cơ ngạ dữ viễn Man chi bất thảo, nguy thục đại yên?......Kim Quan Đông đại khốn, thương khố không hư, vô dĩ tương thiểm, hựu dĩ động binh, phi đặc lao dân, hung niên tùy chi. Kì bãi Chu Nhai quận, dân hữu mộ nghĩa dục nội thuộc, tiện xử chi, bất dục, vật cưỡng.
Chu Nhai do thị bãi.'.
( Hán Thư. Qu. LXIV Hạ. Giả Duyên Chi truyện ).
Dịch văn như sau:
'Giả Duyên Chi tên Tự là Quân Phòng, là cháu nội của Giả Nghị.
Lúc (Hán) Nguyên đế mới tức vị, Duyên Chi dáng sớ luận chính trị đắc, thất, Nguyên đế cho triệu tới Kim Mã môn chờ chiếu chỉ (bổ nhiệm).
Vào buổi đầu, (Hán) Vũ đế đánh chiếm đất Nam Việt để rồi năm đầu Niên hiệu Nguyên Phong thành lập 2 quận Đam Nhĩ, Chu Nhai, đều là những quận ở phương Nam, trên cù lao giữa biển, ngang dọc mỗi bề cũng cả ngàn dặm, gồm 16 huyện, cộng hơn 23 000 nóc gia. Dân 2 quận này độc ác, hung dữ, cứ dựa vào chỗ triều đình xa xôi, cách trở mà thường vi phạm những lệnh cấm của quan cai trị, mà quan lại cai trị thì cũng tàn ác, bạo ngược, vì vậy mà cứ vài năm thì lại làm phản, giết chết quan lại sở tại. Mỗi lần như vậy thì Hán triều lại đem quân dẹp yên.
Từ lúc mới thành lập quận cho tới năm đầu Niên hiệu Thủy Nguyên thời (Hán) Chiêu đế, trong khoảng hơn 20 năm, dân 2 quận này làm phản tất cả 6 lần. Tới năm thứ 5 Niên hiệu nói trên thì bãi bỏ quận Đam Nhĩ, nhập vào quận Chu Nhai.
Tới năm thứ 3 Niên hiệu Thần Tước thời Tuyên đế, 3 huyện trong quận Chu Nhai lại làm phản. 7 năm sau đó, vào năm đầu Niên hiệu Cam Lộ, có 9 huyện trong quận làm phản. Hán triều liền đem quân dẹp yên được.
Năm đầu Niên hiệu Sơ Nguyên đời (Hán) Nguyên đế, quận Chu Nhai lại phản. Triều đình đem quân đánh dẹp, các huyện trong quận (do đó) lại càng theo nhau mà nổi dậy, quân binh đi đánh dẹp mấy năm liền vẫn không dẹp được. Bấy giờ nhà vua mới thương nghị với đình thần về việc điều động đại quân. Duyên Chi đưa kiến nghị rằng không nên đánh; vua sai Thị Trung Phụ Mã Đô Úy là Nhạc Thương Hầu Vương Thương cật vấn Duyên Chi:
- Chu Nhai là quận nội thuộc đã lâu, bây giờ nổi loạn, làm phản, trái với lễ giáo mà ông lại nói là không nên đánh, như vậy có khác gì nuôi dưỡng cái loạn của dân Man di, đồng thời còn làm giảm đi công đức của tiên đế, trong Kinh nghĩa rồi có chỗ nào nói như vậy không?
Duyên Chi trả lời:
- ..... Hiện nay, trong nước, lâm cảnh nguy khốn hơn hết thì chỉ mỗi vùng Quan Đông; và rộng hơn hết trong vùng Quan Đông thì rồi chỉ có hai đất Tề, Sở. Tại 2 nơi này, dân chúng lâm cảnh khốn cùng đã lâu, lưu lạc đã nhiều năm liền, lìa bỏ thành quách,ngủ bờ ngủ bụi. Tình người thì có ai mà không thương yêu cha mẹ, có ai mà vui cảnh vợ chồng (đoàn tụ); vậy mà đến đỗi phải bán vợ đợ con, pháp luật không sao cấm được, đạo nghĩa chẳng sao ngăn nổi, đây là mối lo của quốc gia. Bây giờ bệ hạ vì không dằn được cơn nóng giận mà muốn xua quân sĩ ra giữabiển, để hả lòng trước cảnh chết chóc, thì đây không phải là hành vi cứu trợ nạn đói kém, giữ sự an lãnh cho dân chúng. Kinh 'Thi' nói: - 'Rợ Kinh xuẩn động, dám chống đại bang', í nói Thánh nhân hưng thịnh thì các dân Man di đềuphục tòng, (còn) Trung Quốc mà suy thì các dân này nổi dậy làm phản, gây biến động, tạo thành cái nạn cho quốc gia - đây là mối lo nghĩ lâu đời từ thời cổ của quốc gia! (Rợ gần mà còn vậy) huống chi là dân Man di ở phương Nam xa xôi ngàn dặm!?
Người Lạc Việt cha con tắm chung dưới suối, có tập tục uống rượu bằng mũi, cung cách chẳng khác chi loài cầm thú; xứ này (do đó) vốn chẳng đáng để thiết lập thành quận,thành huyện. Chỉ 1 dải đất cỏn con, chơ vơ giữa biển, sương mù, ẩm thấp, nhiều những cái hại của cỏ độc, rắn rít cũng như về thủy thổ, giặc kia chưa thấy đâu, chiến sĩ rồi đã bỏ mạng - và cũng chẳng phải chỉ Chu Nhai mới có ngọc trai, sừng tê, đồi mồi. (Do đó) có bỏ đi cũng chẳng đáng tiếc, mà không đánh thì cũng chẳng mất uy phong; dân đất này rồi như loài cá, loài rùa, có gì đáng để mà ham muốn!
....... Lời đối đáp của Duyên Chi đưa lên. Vua đem ra hỏi í kiến hai quan Thừa tướng và Ngự sử thì quan Ngự sử Trần Vạn Niên nói rằng nên đánh; còn Thừa tướng Vu Định Quốc thì nói rằng 'trước đây đã đem quân đi đánh mấy năm liền, các chức Hộ quân Đô Úy, Hiệu Úy, và các chức Thừa lại tất cả 11 người mà sống sót trở về chỉ có 2 người; quân binh chiến đấu, và chuyển vận lương thực rồi bỏ mạng hơn 10 ngàn người, quân phí hơn 300 triệu tiền mà vẫn chưa hoàn toàn hàng phục được giặc. Hiện nay vùng Quan Đông đang gặp nạn đói kém cùng khốn, và, cái nạn của dân vùng này đang gây dao động, Duyên Chi nghị luận đúng'.
Vua do đó mới theo kiến nghị của Duyên Chi, hạ ngay chiếu chỉ nói rằng:
- ..... Bây giờ, 1 bên là dân chúng đang chết đói và 1 bên là không đưa quân ra ngoài cõi xa xôi đánh dẹp đám Man di, 2 sự việc, việc nào nguy ngập hơn?...... Hiện nay vùng Quan Đông đang gặp nạn đói kém ngặt nghèo, kho lẫm sạch không, không có gì để mà trợ giúp cho dân, bây giờ lại động binh thì chẳng những là khiến dân phải lao đao, mà còn gây ra tình trạng mất mùa tiếp theo đó nữa. Còn như việc phế quận Chu Nhai, dân trong quận mà có người mến mộ nghĩa của triều đình, muốn theo về thì sắp xếp cho họ; còn nếu không muốn thì không được cưỡng ép.
Quận Chu Nhai do đó mà bãi bỏ.'.
Câu nói của Dương Hùng: - 'Chu Nhai chi tuyệt, Duyên Chi chi lực, phủ tắc Giới lân dịch ngã I thường' chính là nhắc lại sự việc bãi bỏ quận Chu Nhai dưới đời Hán Nguyên đế, một sự việc xảy ra lúc ông được 08 tuổi.
Theo tôi, Ông K.W. Taylor thì khả năng Hán văn hoặc dưới mức trung bình, hoặc chẳng biết chữ nào mà chỉ chép lại người khác, cho nên đã không thể tra cứu Kinh Sử Trung Hoa, hay kiểm chứng được những gì mình chép lại của người là đúng hay sai nữa! Có lẽ vì vậy mà khi gặp nhằm câu 'Chu Nhai chi tuyệt' ông mới dịch ba láp là 'contact with Chu-yai has been broken'.
Chính vì không thông hiểu Hán văn cho nên càng viết ông K.W. Taylor càng để lòi sự kém cỏi của mình trong lãnh vực Cổ học nói chung, cũng như Sử học và Địa lí học cổ nói riêng.
Chẳng hạn K.W. Taylor viết:
'There is no news from Yang-tzu because contact with Chu-yai has been broken.'.
Đây là 1 câu mà 'trong cái sai lại có cái sai'!
Trước hết, đây là 1 câu dịch sai hoàn toàn câu nói của Dương Hùng, như đã biết.
Và, tiếp đến, khi vận dụng kiến thức bản thân để dịch lại câu nói đó, K.W. Taylor (đúng hơn là W.H. Nienhauser, K.W. Taylor chỉ chép lại mà thôi!) lại sai thêm một lần nữa, và sai Nặng, về 2 điểm: 1) về Lịch sử, và 2) về Địa lí.
(1). Lịch sử.
Chiến tranh ở đây là chiến tranh với quân Nam Chiếu, và Không Gian là Giao Chỉ.
Viết như Taylor thì hóa ra quân Nam Chiếu còn bao vây cả Nhai Châu tận ngoài đảo Hải Nam, đồng thời chiến sự còn lan tới bến Dương Tử thuộc Đạo Hoài Nam nữa - một sự việc đã không bao giờ xảy ra trong Lịch sử Trung Quốc, có chăng là trong óc tưởng tượng, trong sự bất thông Lịch sử của ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor mà thôi!
Tôi thực sự không hiểu tại sao khi đặt viết viết như trên K.W. Taylor lại đã không thắc mắc về những nghịch lí như vậy, đã không chịu khó duyệt lại Lịch sử Trung Quốc giai đoạn vừa kể?
(2). Địa lí.
Đời Đường, Đường Thái tông (599 - 649; tại vị: 627 - 649), khoảng tháng 2 năm đầu Niên hiệu Trinh Quan (627 - 649), tức năm 627, phân toàn quốc thành những Khu vực Hành chánh gọi là Đạo (tức như Tỉnh hiện nay), cộng tất cả 10 Đạo.
106 năm sau đó, vào năm thứ 21 Niên hiệu Khai Nguyên (713 - 741), tức năm 733 - dưới triều Đường Huyền tông (685 - 762; tại vị: 712 - 756), toàn quốc lại được phân lại thành 15 Đạo.
Nhai Châu là 1 Châu ở vùng Bắc của đảo Hải Nam. Vào thời Đường, Nhai Châu thuộc Địa hạt Lãnh Nam Đông Đạo. Còn bến Dương Tử thuộc Đạo Hoài Nam, gồm các dải đất phía Bắc của Trường Giang, và ở phía Đông Hán thủy, tỉnh Hồ Bắc hiện nay, cũng như các dải đất phía Bắc Trường Giang và phía Nam Hoài thủy, thuộc 2 tỉnh An Huy và Giang Tô hiện nay.
Viết về thời Đường, đọc một bản văn thời Đường, như đoạn 'Tiểu dẫn' bài 'Tu thi' thứ Hai của Bì Nhật Hưu, mà khi gặp địa danh Chu Nhai K.W. Taylor lại chẳng thắc mắc, lại viết một cách hết sức tự nhiên thì cũng lạ.
Nói vậy nghĩa là sao? Nghĩa là dưới thời Đường, vào thời điểm chiến tranh với Nam Chiếu, tức vào khoảng tháng 2 năm thứ 3 Niên hiệu Hàm Thông (860 - 873) - năm 862, đời Đường Í tông (833 - 873; tại vị: 859 - 873), trong Danh mục Địa lí Hành chánh không có Địa danh nào gọi là Chu Nhai hết! Và, như vậy cũng có nghĩa là Bì Nhật Hưu đã đề cập 1 tên gọi của 1 thời nào đó khác với thời bấy giờ. Nếu chịu khó suy nghĩ theo chiều hướng đó, có thể K.W. Taylor rồi thấy dịch văn của mình có chỗ không ổn để từ đó tra cứu lại mà dịch cho chính xác.
Như đã biết, vào năm đầu Niên hiệu Nguyên Phong (110 - 105 tr. Cn.) - tức năm 110 trước Cn. Hán Vũ đế (156 - 87 tr. Cn.; tại vị: 141 - 87) thiết lập quận Chu Nhai.
Sau đó, tùy triều đại mà cấp độ hành chánh, do đó diện tích, của vùng đất gọi là Chu Nhai này có khác đi, có lúc vẫn là Quận, có lúc là Huyện, và có lúc là Châu,... cương vực của vùng cũng theo sự thay đổi đó mà có lúc rộng hơn, có lúc thu hẹp lại, mỗi thời mỗi khác. Trong những lần thay đổi đó, là Quận hay là Huyện, đất vẫn giữ tên Chu Nhai; nhưng nếu là Châu thì tên gọi lại khác đi: Nhai Châu.
Sách 'Cựu Đường Thư' chép:
'Nhai Châu - hạ. Tùy Chu Nhai quận. Vũ Đức tứ niên bình Tiêu Tiển, trí Nhai Châu - lãnh Xá Thành, Bình Xương, Trừng Mại, Nhan La, Lâm Cơ, ngũ huyện...... Thiên Bảo nguyên niên, cải vi Chu Nhai quận; Càn Nguyên nguyên niên phục vi Nhai Châu.'.
( Cựu Đường Thư. Qu. XLI. Địa Lí chí 4.).
'Nhai Châu - hạ. Thời Tùy là quận Chu Nhai. Năm thứ 4 Niên hiệu Vũ Đức dẹp yên Tiêu Tiển thì đặt Nhai Châu - gồm 5 huyện là Xá Thành, Bình Xương, Trừng Mại, Nhan La, Lâm Cơ......
Năm đầu Niên hiệu Thiên Bảo, đổi thành quận Chu Nhai; đến năm đầu Niên hiệu Càn Nguyên lại trở lại là Nhai Châu.'.
Vì không biết những thay đổi về Địa lí hành chánh dẫn trên đây cho nên K.W. Taylor đã chẳng thắc mắc là tại sao vào thời Chiến tranh với Nam Chiếu mà Bì Nhật Hưu lại viết Chu Nhai? Từ đó cứ nhắm mắt theoW.H. Nienhauser để rồi cả 2 cùng sai thảm hại như đã thấy.
Nhưng, chưa hết đâu ông K.W. Taylor.
2 chữ 'Giới lân' trong câu 'phủ tắc Giới lân dịch ngã I thường', ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor đã dịch là 'Little fish'.
Dịch 2 chữ 'Giới lân' là 'Little fish' thì phải nói là ông tiến sĩ chẳng biết gì cả!
'Giới lân' ở đây tức 'Giới trùng' và 'Lân trùng ' nói giản lược.
Giới trùng là danh xưng chỉ chung những động vật có vỏ cứng, như Ngao, Sò, -c, Cua, Rùa.....
Lân trùng là danh xưng chỉ chung những động vật có vảy - dù ít dù nhiều cũng vậy, chẳng hạn như Rắn Mối, Căc Ké, Kì Nhông, Kì Đà...... và dĩ nhiên loài Cá thì khỏi cần nói.
Ở đây Dương Hùng đưa ra 1 sự so sánh:
Giới Lân chỉ dân man di mọi rợ, nói chung theo quan điểm Trung Hoa thời cổ là những dân tộc không phải là dân tộc Trung Hoa.
I Thường chỉ dân Trung Quốc văn minh lễ giáo.
Thời cổ, người Trung Hoa vẫn nghĩ mình văn minh hơn các dân tộc tiếp giáp 4 phía, và 1 trong những biểu hiện cho sự văn minh đó là họ biết may I Phục (I Thường) để mặc từ 1 thuở hết sức xa xưa; và theo truyền thuyết, Hoàng Đế (trong khoảng thế kỉ XXVI tr. Cn. - tức cách đây hơn 4 000 ngàn năm) là người đã sáng chế ra I Thường.
Từ ngữ 'I Thường' trong Văn học cổ Trung Hoa, do đó, cũng dùng để chỉ sự văn minh lễ giáo.
Sách 'Cốc Lương Truyện' chép:
'I Thường chi hội thập hữu nhất, vị thường hữu sáp huyết chi minh dã, tín hậu dã!'.
( Cốc Lương Truyện. Qu. III. Trang công 27 niên ).
'Lễ hội I Thường tất cả 11 lần, không có lần nào có chuyện uống máu ăn thề, (vì đây) là những cuộc hội họp dựa trên căn bản thành thực, trung hậu (giữa các nước Chư hầu với nhau!)'.
Chú thích:
(11 lần 'Hội I Thường' đề cập trên đây tổ chức vào các năm thứ 13, 14, 15, 16, và 27 dưới triều
Lỗ Trang công (tại vị: 693 - 662 tr. Cn.), các năm 681, 680, 679, 678, và 667; và, 6 lần Hội kia là vào các năm đầu, năm thứ 2, 3, 5, 7, và thứ 9 ở thời Lỗ Hi công (tại vị: 659 - 627 tr. Cn.), tức các năm 659, 658, 657, 655, 653 và 651).
'I Thường chi hội' không phải là 1 sự hội họp để 'trình diễn I Phục', như danh xưng có thể gây ngộ nhận; đây là 1 sự hội họp mà trong đó không có 'Binh xa, Giáp trụ', những người tham dự, ở đây là đại diện của các quốc gia Chư hầu, chỉ I Phục bình thường, gặp nhau chỉ để mà bày tỏ lòng 'thành thực, trung hậu', để thắt chặt hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia mà thôi.
Đối lại với 'I Thường chi Hội' là 'Binh Xa chi Hội' - là 1 hội họp nhằm phát động chiến tranh, 1 hội họp có tính cách của 1 liên minh quân sự.
Càng muốn tỏ ra là mình biết nhiều, hiểu rộng bao nhiêu thì rồi cái không biết, không hiểu của K.W. Taylor càng nhiều, càng rộng bấy nhiêu!
Bây giờ chúng ta hãy nghe K.W. Taylor diễn giải tư tưởng của Mạnh Tử (390 - 305 tr. Cn.):
'Since the birth of mankind, no one has ever succeeded in leading children to attack their parents. Considering this, [he who is regarded as father and mother by the people] will have no enemy in all the realm......'.
( Op. cit. 5. The Protectorate of An Nam. Phung Hung. p. 205 ).
'Từ lúc có nhân loại (tới nay), chưa có người nào thành công trong việc cầm đầu con cái chống lại cha mẹ chúng. Như vậy, (ông ta, người được dân chúng coi như cha mẹ) rồi chẳng có kẻ thù trong toàn lãnh thổ......'.
Và sau đây là nguyên Hán văn của đoạn trên:
'Suất kì tử đệ, công kì phụ mẫu, tự sinh dân dĩ lai, vị hữu năng tế giả dã! Như thử tắc vô địch ư thiên hạ......'.
( Mạnh Tử. Công Tôn Sửu. Thượng. 05).
'Cầm đầu con em chống lại cha mẹ của chúng, chuyện này từ lúc có nhân dân tới nay, chưa có một người nào làm được hết! (1 người mà không ai chống lại được) như vậy là 1 người vô địch trong thiên hạ......'.
Và, những cái sai của ông K.W. Taylor trong doạn trên:
(1). Từ ngữ 'Sinh Dân' trong đoạn văn trên cũng có nghĩa 'Con người' nói chung, nhưng ở đây trong vòng văn mạch, thì chính xác phải hiểu, và dịch là 'nhân dân'. Ở đây Mạnh Tử muốn nói đến con người lúc đã có tổ chức quốc gia, xã hội, nói khác đi, lúc tương quan giữa người Cai trị và người Bị trị đã thành lập.
Và như vậy, dịch 'sinh dân' là 'mankind' ('nhân loại') là không chính xác.
(2). Hai chữ 'Vô địch' trong đoạn trên, K.W. Taylor dịch là 'have no enemy' thì phải nói là sai quá đi, kể về cả Í lẫn Nghĩa.
Vì, 1 người 'không có kẻ thù' nào hết chưa chắc đã là 'vô địch' - và 1 người 'vô địch' rồi chưa hẳn là không có kẻ thù!
Và ở 1 đoạn khác, liền trước đoạn vừa dẫn, K.W. Taylor viết:
'[When a ruler], being the father and mother of his people, causes the people to wear distress on their face by making them toil all year without being able to feed their parents and making them borrow for their livelihood ......'. ( Ibid. p. 205 ).
'[Khi người cai trị], như là cha và mẹ của dân, làm cho dân phải lộ vẻ ưu tư lo lắng khi khiến họ phải làm việc [quần quật] suốt năm mà vẫn không nuôi nổi cha mẹ họ và khiến họ phải đi vay mượn để đủ sống......'.
Nguyên văn đoạn trên của Mạnh Tử như sau:
'Vi dân phụ mẫu, sử dân nghễ nghễ nhiên, tương chung tuế cần động, bất đắc dĩ dưỡng kì phụ mẫu, hựu xưng thải nhi ích chi......'.
( Mạnh Tử. Đằng Văn công. Thượng. 03).
'Là cha mẹ của dân mà rồi khiến dân phải ưu tư lo lắng, làm việc quần quật quanh năm mà vẫn không nuôi nổi cha mẹ mình, lại còn phải đi vay mượn có lời để đủ sống......'.
Chu Hi (1130 - 1200) thời Nam Tống (1127 - 1279) giải nghĩa từ ngữ 'Xưng Thải' như sau:
'Thủ vật ư nhân nhi xuất Tức dĩ thường chi dã'
'Thu dụng vật gì của người mà trả lại với (một) Phân Lời'.
'Vật' ở đây có thể là Tiền, có thể là Thực Phẩm (Lúa, Gạo...).
Từ ngữ 'Xưng Thải' trong đoạn văn nói trên của Mạnh Tử, K.W. Taylor đã dịch là 'Borrow'.
Trong Anh ngữ, từ ngữ 'Borrow' có nghĩa rất chung chung là 'Mượn' - và, Mượn đây có thể là phải trả 'Phân Lời', có thể không, nghĩa bất định.
Trong khi ở đây, í của Mạnh Tử rất khẳng định: Mượn mà phải trả 1 Lãi Suất nào đó.
Tuy nhiên, những lỗi của K.W. Taylor ở đây không đến đỗi ngặt, vì vậy, ở đây tôi không nhắm vào những cái nhỏ nhặt đó, tôi nhắm vào 1 điểm khác hơn.
Ở trang trước đó, trang 204, K.W. Taylor viết:
'The idea of a good ruler's being 'the father and mother of his people' is found in the writings of Mencius, the ancient Chinese philosopher.'.
'Tư tưởng về 1 người cai trị tốt như là 'cha và mẹ của dân' được thấy trong những ghi chép của Mạnh Tử, triết gia Trung Quốc thời cổ.'.
Nếu nói về tư tưởng gọi là 'Dân chi Phụ Mẫu', nếu ông tiến sĩ K.W. Taylor có cái sâu của một học giả thì không thể nào không nhắc tới 'Thi Kinh', nhắc tới 'Lễ Kí'!
Viết khơi khơi nhu Taylor thì rồi 1 số người có thể lầm tưởng rằng Mạnh Tử là người khai sinh tư tưởng đó, trong khi thực sự ông chỉ diễn giải chì tiết hơn 1 tư tưởng đã có trước ông rất lâu.
'Kinh Thi' nói:
Nam sơn hữu kỉ,
Bắc sơn hữu lí;
Lạc chỉ quân tử,
Dân chi Phụ Mẫu.
( Thi Kinh. Tiểu Nhã. Nam Sơn hữu đề ).
Chú thích.
'Nam Sơn hữu đề'. Chữ 'Đề' hầu hết các Bản đã đọc âm 'Đài'. Ở đây tôi đã căn cứ khảo chứng của Trần Đệ (1541 - 1617), Thanh Vận học gia trứ danh mạt kì Minh triều (1368 - 1644), trong tác phẩm 'Mao Thi Cổ Âm Khảo' của ông, 1 tác phẩm khảo về Âm đọc cổ trong 'Kinh Thi'.
Sách 'Lễ Kí', thiên 'Đại học', chép:
'Thi vân: - 'Lạc chỉ quân tử, dân chi Phụ Mẫu', dân chi sở hiếu, hiếu chi, dân chi sở ố, ố chi - thử chi vị 'dân chi Phụ Mẫu'.'.
'Kinh Thi nói: 'Vui gặp quân tử, là Cha Mẹ dân', điều gì dân thích thì mình cũng thích, điều gì dân ghét thì mình cũng ghét - đây gọi là 'Cha Mẹ của dân'.'.
Vì không thông Hán văn cho nên K.W. Taylor có bất thông Cổ học cũng là chuyện rất dĩ nhiên và rất đương nhiên!
Từ Lịch sử, Địa lí, Văn học, Văn tự Ngữ ngôn học,... lãnh vực nào ông cũng để lộ không nhiều thì it, phần nhiều là nhiều, sự kém cỏi, sự sai lầm đến đỗi không thể nào chấp nhận được ( nếu xét theo cái học vị tiến sĩ cũng như cương vị giáo sư Đại học của ông!)
Ông K.W. Taylor viết:
'It is reasonable to assume that Chinese characters were used to render Vietnamese words as early as the eight century. The Chinese characters used to represent bo and cai are unrelated to the Vietnamese meaning, but are faithful phonetic transcriptions.'.
( Op. cit. 5. The Protectorate of An Nam. Phung Hung. p. 206 ).
'Hợp lí mà suy đoán rằng Hán tự đã được sử dụng để chuyển qua tiếng Việt từ sớm [cũng phải] vào thế kỉ thứ 8. Những chữ Hán được dùng để biểu thị 2 tiếng bố và cái rồi chẳng có liên hệ gì với í nghĩa [của 2 chữ này] trong Việt ngữ, nhưng là những chú âm trung thực của 2 chữ này.'.
Cứ như đoạn văn dẫn trên thì ông tiến sĩ K.W. Taylor nghĩ rằng 2 chữ 'Bố' và 'Cái' (Hán tự) là những 'Chú Âm' ('Phonetic Transcription') của 2 tiếng 'Bố' và 'Cái'(Việt ngữ).
Lẽ nào ông tiến sĩ K.W. Taylor lại không rõ một điều hết sức sơ đẳng trong lãnh vực Văn tự và Ngữ ngôn học là Hán tự không thuộc loại 'Văn tự Biểu Âm' ('Phonogram')?!
Đã không là Văn tự biểu âm thì sao có thể nói tới chuyện gọi là Chú âm được, hơn thế nữa, còn là 'Chú âm trung thực' cho 1 ngôn ngữ khác?
Thời cổ, về phương diện Ngữ ngôn học, để nhận biết âm đọc của 1 chữ, người Trung Hoa, hoặc nói 'Chữ này' đọc như 'Chữ kia', 'Chữ kia'..., hoặc dùng chữ đồng âm để xác định âm đọc, nói khác đi là dùng 1 chữ với âm đọc đã biết để xác định âm đọc của 1 chữ chưa biết.
2 trường hợp trên đây:
Trường hợp thứ nhất gọi là 'Độc nhược' ('Đọc như'), trường hợp thứ hai gọi là 'Trực âm'. 'Độc nhược' thì có tính cách tương đối, vì lẽ đây là trường hợp những tiếng có âm đọc tương cận mà thôi; trong khi đó, 'Trực âm' thì tuyệt đối chính xác, vì đây là trường hợp những tiếng 'đồng âm'.
Tiếng đồng âm trong ngôn ngữ Trung Hoa tuy nhiều thực, nhưng lại quá ít để có thể lấy đó mà xác định âm đọc của toàn thể Hán tự, cả 2 phương thức 'Độc nhược' và 'Trực âm', do đó, đã đi tới chỗ bế tắc.
Trong khoảng triều Đông Hán (25 - 220) một số học giả, Kinh học gia, Tiểu học gia, khởi đi từ Hứa Thận (~ 58 - ~ 147; có thuyết nói: 30 - 124), và sau đó không lâu, Phục Kiền (? - ?), và rồi Ứng Thiệu (? - ?), Trịnh Huyền (127 - 200),........ đã sử dụng 1 phương pháp mà các thời sau đó gọi là Phiên thiết, hay còn được gọi dưới 1 số danh xưng khác nữa, như: - Phiên âm, Phiên ngữ, Thiết âm, Thiết ngữ, Thiết tự, Thiết vận để ghi chú Tự âm.
Tiếp đó, dưới thời Ngụy triều (220 - 265), Tam Quốc (220 - 280), Tôn Viêm (? - ?), 1 đệ tử của Trịnh Huyền, đã tổng kết cũng như chỉnh lí thành quả của những người đi trước, đặc biệt là về mặt 'Âm Vận học', mà chính thức đặt cơ sở vững chắc cho phương pháp 'Phiên Thiết', qua tác phẩm 'Nhĩ Nhã Âm Nghĩa'.
Tác phẩm nói trên đã thất truyền, chỉ còn lại hơn 1 trăm điều được dẫn lại, rải rác, trong một số thư tịch các thời Đường (618 - 907), và Tống (960 - 1279) sau đó - nhất là thời Đường, như các Bộ 'Kinh Điển Thích Văn' của Kinh học gia Lục Đức Minh (~ 550 - 630), Bộ 'Sơ Học Kí' của Từ Kiên (~ 659 - 729), ' Thi Kinh Chính Nghĩa' của Khổng Dĩnh Đạt (574 - 648) và trong Bản chú giải 'Văn Tuyển' của Lí Thiện (~ 630 - 689), 'Tấn Thư Âm Nghĩa' của Hà Siêu (? - ?) - và sau cùng là 'Thái Bình Ngự Lãm' của Lí Phương (925 - 996).
Phiên Thiết là phương pháp liên hợp Âm đọc của 2 chữ ghép lại thành Âm đọc của 1 chữ khác.
Chẳng hạn, chữ Dịch (Thay đổi) được phiên thiết như sau:
Dịch: Di + Tịch.
1/. Lấy phụ âm đầu của Âm Di ('D').
2/. LấyVần và Dấu giọng (Vận và Thanh điệu) của Âm Tịch ('ich' và 'dấu nặng').
Cũng vậy, chữ Hải ( Biển ) được phiên thiết:
Hải: Hắc + Cải = H + ải = Hải.
Các Bộ 'Từ Nguyên', 'Từ Hải' xuất bản ở Đài Loan, Hương Cảng, kể cả Trung Quốc, hiện nay hầu hết đều có ghi chú 'Thiết âm' của mỗi Chữ - và cùng 1 Chữ, 2 chữ được dùng để Thiết âm trong các bộ Từ điển nói trên có thể khác, nhưng tất cả vẫn phải theo 1 số nguyên tắc nhất định về phương diện Âm Vận học (Phonology).
Và, căn cứ phương pháp Thiết Âm, tất cả những chữ Hán đều có thể đọc ra âm Việt. Đây chính là nhóm chữ gọi là 'Hán Việt' trong Việt ngữ. Tuy nhiên, cũng cần chú í một điểm là ngôn ngữ Trung Quốc chỉ có 4 Thanh điệu (Tones): Bình - Thượng - Khứ - Nhập, trong khi Việt ngữ có tới 6 Dấu giọng: - Ngang, Sắc, Huyền, Hỏi, Ngã, Nặng, do đó, khi chuyển từ Hán qua Việt qua phương thức Phiên Thiết thì cũng cần chú í về Âm Vận học của Việt ngữ.
Trước khi phương thức Phiên Thiết được phổ biến, muốn biết Âm đọc của chữ thì phải có thầy chỉ dạy, như Chu Tổ Mô, 1 học giả nghiên cứu về Ngữ ngôn học Trung Hoa gần đây, đã viết:
'Hán mạt Phiên Thiết vị hưng dĩ tiền kinh sư chi thẩm biện Tự âm.'.
( Vấn Học Tập. 'Nhan Thị Gia Huấn'. 'Âm Từ thiên' Chú bổ ).
'Vào cuối thời Hán, lúc Phiên Thìết chưa thịnh hành thì phải nhờ thầy mới nhận biết được Âm đọc của Chữ.'.
Về khởi nguyên của Phiên Thiết học giả thời trước có 2 Thuyết:
(1). Phiên Thiết do người Trung Hoa sáng tạo.
Chủ trương Thuyết này có những học giả như Thẩm Quát (1031 - 1095) vào cuối đời Bắc Tống và Cố Viêm Vũ (1613 - 1682), Vương Vân (1784 - 1854), Trần Lễ (1810 - 1882) - tất cả đều là người đời Thanh.
(2). Phiên Thiết căn cứ phương thức Ráp Vần của Phạn ngữ.
Chủ trương Thuyết này có những học giả như Trịnh Tiều (1103 - 1162) vào cuối đời Bắc Tống và đầu thời Nam Tống (960 - 1127 và 1127 - 1279), các học giả Thanh triều (1644 - 1911) như Kỉ Duân (1724 - 1805), Diêu Nại (1731 - 1815).
Các học giả chủ trương Thuyết thứ hai này cho rằng khi Kinh điển Phật giáo từ Ấn Độ du nhập Trung Quốc, qua ngã Tây vực, vào khoảng cuối thời Tây Hán (206 tr. Cn. - 08 Cn.) và đầu thời Đông Hán (25 - 220) thì sau đó các học giả mới dựa theo phương thức 'ghép' mẫu tự thành vần của Phạn ngữ mà hình thành phương thức Phiên Thiết của Trung Quốc.
Hai Thuyết tuy không Thuyết nào đúng hẳn, nhưng cũng không phải sai hẳn ( bên nào cũng có cái lí của mình.
Sau đây là lí lẽ của 2 Thuyết về khởi nguyên của Phiên Thiết.
Thẩm Quát viết:
'Thiết Vận chi học bản xuất vu Tây vực. Hán nhân huấn Tự chỉ viết 'Độc như mỗ tự', vị dụng Phiên Thiết. Nhiên cổ ngữ hữu nhị Thanh hợp vi nhất Tự giả, như Bất Khả vi Phả, Hà Bất vi Hạp, Như Thị vi Nhĩ, Chi Hồ vi Chư chi loại, tự Tây vực nhị hợp chi âm, cái Thiết Tự chi nguyên dã. Như Nhuyễn tự, văn tòng Nhi-Khuyển, dịch Thiết Âm dã.'.
( Mộng Khê Bút Đàm. Qu. XV. Nghệ Văn 2. Phiên Thiết chi học ).
'Khoa Phiên Thiết vốn bắt nguồn từ Tây vực. Người thời Hán, khi chú thích (Âm đọc của) Chữ thì chỉ nói 'đọc như Chữ đó' chứ chưa có lối Phiên thiết. Có điều là trong cổ ngữ có trường hợp 2 Âm hợp thành 1 Chữ, như Bất-Khả hợp thành Phả , Hà-Bất hợp thành Hạp, Như-Thị liên hợp thành Nhĩ, Chi-Hồ hợp thành Chư, tương tự như trường hợp 2 Âm liên hợp thành một Âm của Tây vực, đại khái đây chính là khởi nguyên của Thiết Tự. Rồi như chữ Nhuyễn, chữ gồm 2 chữ Nhi-Khuyển, thì đây cũng là trường hợp Thiết Âm.'.
Trịnh Tiều viết:
'Thiết Vận chi học khởi tự Tây vực. Cựu sở truyền thập tứ tự quán nhất thiết âm, văn tỉnh nhi âm bác, vị chi Bà La Môn thư. Nhiên do vị dã, kì hậu hựu đắc tam thập lục tự mẫu nhi Âm vận chi đạo thủy bị.'.
( Thông Chí. Qu. LXIV. Nghệ Văn Lược 2. Tiểu học loại 4. Kết ngữ ).
'Phương thức Ghép Vần bắt nguồn từ Tây vực. 14 chữ từ thời cổ của họ (ghép lại) mà bao gồm tất cả âm đọc, chữ viết thì ít mà âm đọc nhiều, gọi là chữ Bà La Môn. Vậy mà vẫn chưa đủ, sau lại thêm 36 chữ nữa, chừng đó Âm Vận học (của họ) mới hoàn bị.'.
Có thể nói 2 Thuyết về khởi nguyên của Phiên Thiết Trung Hoa mỗi Thuyết chỉ đúng một nửa. Thẩm Quát luận về hình thức của Phiên Thiết, trong khi Trịnh Tiều lại đề cập phương pháp của Phiên Thiết.
Một trong những đặc điểm về kết cấu của Hán ngữ tự âm là 'Nhị Hợp Âm' - nói khác đi, trong Hán tự đã có 1 số Chữ bao hàm kết cấu của Thiết Âm, như Thẩm Quát đã trưng dẫn. Có điều là trong quá trình tạo tự, kết cấu này rồi đã không khởi đi từ í thức về 1 hệ thống phát âm, nói cho chính xác là như vậy. Cho đến khi tiếp xúc với Văn hóa Ấn Độ, qua trung gian Phật giáo í thức kể trên mới thực sự thành hình.
Và như vậy, nói cho chính xác thì:
Một bên là Nội nhân (Thuyết 1), một bên là Ngoại tố (Thuyết 2) - Nội nhân đã qua xúc tác của Ngoại tố từ đó Phiên Thiết Trung Hoa mới thực sự khai sinh.
Trở lại với 2 chữ 'Bố Cái' K.W. Taylor đề cập trong đoạn văn đã dẫn trước đây.
Đây là 2 tiếng Hán Việt, nghĩa là chữ Hán đọc theo âm Việt.
2 chữ Bố Cái này trong Hán tự người Trung Hoa phát âm theo ngữ âm của họ, dĩ nhiên!
Người Hoa phát âm theo ngữ âm người Hoa, người Việt phát âm theo ngữ âm người Việt - qua phương thức Phiên Thiết.
Và như vậy, nếu nói 2 chữ 'Bố' và 'Cái' (Hán tự) là 'những chú âm trung thực' của 2 tiếng này trong Việt ngữ thì phải nói ông tiến sĩ K.W. Taylor đã nói tầm bậy tầm bạ, chẳng biết gì hết về Ngữ Ngôn học Trung Hoa!
Phát âm đã khác thì sự 'trung thực' rồi nằm ở chỗ nào đây, ông tiến sĩ?
Thiên 'Học Kí', sách 'Lễ Kí' có câu:
'Ấu giả thính nhi phất vấn, học bất liệp đẳng dã.'.
( Lễ Kí. Học kí 18 ).
'Trẻ nít [ngồi một bên] nghe không được hỏi, [vì] việc học thì có tuần tự, không vượt thứ bậc.'.
('Vượt thứ bậc' tức học nhảy).
Chu Hi (1130 - 1200) nói:
'Cận nhật học giả bệnh tại hiếu cao, 'Luận Ngữ' vị vấn 'học nhi thời tập tiện thuyết nhất quán; 'Mạnh Tử' vị ngôn Lương Huệ vương vấn lợi tiện thuyết Tận Tâm; Dịch vị khán Lục thập Tứ Quái tiện độc Hệ Từ.
Thử giai liệp đẳng chi bệnh.'.
Kẻ đi học gần đây mắc bệnh chuộng cao, đọc 'Luận Ngữ' chưa hỏi 'học thời phải tập luôn' thì đã nói đạo 'nhất quán', đọc 'Mạnh Tử' chưa nói việc 'Lương Huệ vương hỏi về cái lợi' đã nói về thuyết 'Tận Tâm', đọc 'Kinh Dịch' chưa coi 64 Quẻ đã đọc ngay phần 'Hệ Từ'.
Tất cả những điều này đều là bệnh học nhảy.'.
(Dẫn trong 'Khốn Học Kỉ Văn' (Qu. VIII. Kinh thuyết), do Vương Ứng Lân (1223 - 1296) thời Nam Tống soạn, Ông Nguyên Kì (1751 - 1825) đời Thanh chú giải).
Ông tiến sĩ K.W. Taylor rồi cũng mắc cái bệnh 'học nhảy' nói trên đây.
Hán văn chưa thông, ông tiến sĩ đã nhảy, vói tới những chuyện đòi hỏi 1 sự hiểu biết sâu xa về thứ văn tự 'hiểm hóc' này.
Ông muốn làm 1 học giả uyên, thâm trong lãnh vực Cổ Sử học. Và, bên cạnh ông là các vị như Hue-Tam Ho Tai, Truong Buu Lam, Phạm Cao Dương, Lê Thọ Giáo, Tạ Chí Đại Trường.... thì khua chiêng gióng trống, reo hò, muốn cho thiên hạ biết rằng các vị cũng có mắt lắm đấy chứ!
Các vị, và ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor của các vị, rồi đã chiêm bao - 1 giấc Chiêm bao của Nam Hoa Chân Nhân:
'Mộng chi trung hựu chiêm kì mộng'.
Và có tỉnh giấc chiêm bao thì các vị, và ông tiến sĩ của các vị, rồi vẫn trong chiêm bao! Hỡi ơi!
Tới đây thì tôi xin 'thọ giáo' ông Lê Thọ Giáo:
Xin ông chỉ giáo cho tôi biết ông tiến sĩ Sử học Keith Weller Taylor 'lỗi lạc' ở cái chỗ nào?
Nếu K.W. Taylor mà 'Lỗi Lạc' thì 'Lời Ca' của ông Lê Thọ Giáo đúng là 'Lỗi Lầm' cũng như 'Lạc Lõng' quá! 'Lỗi Lầm' vì là Thau mà ông Lê Thọ Giáo lại đi khoe là Vàng; 'Lạc Lõng' vì chỉ có những thiểu số không biết 'Dựa Cột', như các ông, bà Lê Thọ Giáo, Hue-Tam Ho Tai và Truong Buu Lam, Phạm Cao Dương, và thêm 1 ông nữa (sẽ nói ở 1 đoạn sau).... mới 'Bốc' ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor nhà ta lên tới trời như vậy!
Hỡi ơi, Tài, Học, Thức của ông tiến sĩ rồi chỉ cỡ 'Năm gian nhà cỏ' mà đến có những người lại ra rả ngâm nga 'Trời Thu xanh ngắt'! Hỡi ơi!
*
Trong Tập san 'Văn Lang', số 3/tháng 6/1992, có 1 bài viết của Tạ Chí Đại Trường tựa đề:'Những hoàng đế điền chủ đại việt (thế kỷ X - XIV)'.
Bài viết này chẳng có gì đáng nói hết! Chẳng đáng nói, vì nói chuyện 'muôn năm cũ' cũng như về 'những người muôn năm cũ' mà ông Tạ Chí Đại Trường lại đã chẳng thông được thứ Văn tự của 'muôn năm cũ' đó (là Hán văn, hẳn nhiên!), rặt tham khảo toàn những sách chuyển dịch từ Hán - Việt, những sách Pháp văn, những sách cũng như tạp chí Việt văn! chẳng có gì đáng nói là vậy! Rồi cũng chỉ thêm 1 người nữa nghiên cứu 'Đông' mà chỉ đọc sách 'Tây'!
Nhưng, điều đáng nói ở đây là tiếp liền dưới tên người viết, (Tạ Chí Đại Trường), ghi ngay bên dưới tựa đề bài viết có 2 hàng chữ như sau:
'Tặng ông Keith Weller Taylor (1) không được hân hạnh quen biết.'.
Và ở phần Cước chú, ghi số 1 trên đây, ông Tạ Chí Đại Trường cho biết:
'1 . 'Tham dự hội thảo 'Tìm hiểu lịch sử Việt nam' từ 7 đến 12 - 1 - 1991 tại thành phố Hồ Chí Minh ( Phỏng vấn của Tuổi trẻ chủ nhật số 3 / 91 ngày 20 - 1 - 1991 ).'.
Nếu ông Tạ Chí Đại Trường đọc 2 bài phê bình ông tiến sĩ K.W. Taylor của tôi, và nếu do 1 sự ngẫu nhiên nào đó gặp phải ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor, giả như sự việc xảy ra như vậy, thì không rõ là ông Tạ Chí Đại Trường có còn cảm thấy 'hân hạnh' được 'quen biết' ông tiến sĩ về Cổ Sử học Việt Nam 'lỗi lạc' phi thường này hay không?
Thời buổi bây giờ, ở chốn 'Vu Xứ' này, 'bỗng đâu trồi lên' 1 số các ông, bà Việt Nam rất sính nói chuyện, thậm chí giảng giải giông dài nữa, về 'Những Người Muôn Năm Cũ'.
Thế nhưng, thiệt là hết sức tội nghiệp cho các ông bà này, vì 'Những Người Muôn Năm Cũ' đó 'Hồn bây giờ ở đâu' thì ông nào, bà nào cũng mu mơ mù mờ, chẳng ông bà nào biết hết!
Trường hợp ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor rồi cũng hệt như các ông các bà Việt Nam trên đây là 'Hán tự chẳng biết Hán', nhưng 'Tây tự' cũng khá thông, lại 'ngơ ngẩn' đi nghiên cứu Cổ sử Việt Nam (và Trung Hoa) để rồi.... các ông, các bà, cứ hệt như đi vào Mê Cung (Labyrinth) mà không có Sợi Chỉ của nàng Ariane (Anh văn, Ariadne)!
Và rồi, ông K.W. Taylor cũng cứ như chơi trò 'Bịt Mắt Bắt Dê' - chỉ khác có một điều là trong trò chơi này sau khi lên tiếng đoán tên người bị mình chộp được, người bịt mắt mở miếng khăn bịt mắt ra để coi mình đoán trúng hay trật; trong khi ở đây, sau khi quờ quạng 'chộp' được một cái gì đó, bất cứ cái gì, ông K.W. Taylor vẫn cứ 'không chịu' mở miếng khăn bịt mắt ra, mà cứ tiếp tục lên tiếng 'suy đoán'......
Và rồi, có năm ba vị 'tiến sĩ giấy' đứng một bên, mỗi người cũng một miếng khăn bịt mắt, để cứ mỗi lần ông K.W. Taylor lên tiếng là các quí vị này lại reo hò tở mở.....
Đúng là 1 trò chơi 'Bịt Mắt Bắt Dê Tập Thể' của một lớp trí thức thời đại! Thiệt là vui!
Một bài viết trước đây của tôi đã đủ, bây giờ lại thêm bài này nữa thì phải nói là quá đủ ( đủ và quá đủ, để thấy mức độ 'khả tín' của ông tiến sĩ K.W. Taylor như là 1 người nghiên cứu, như là 1 học giả trong lãnh vực Cổ Sử học Việt Nam, cũng như Trung Hoa, rồi quá kém cỏi, quá tồi tệ chẳng tới đâu cả!
Đây là 1 khẳng định!
Tôi cảm thấy tội nghiệp hết sức cho các quí vị Hue-Tam Ho Tai, Truong Buu Lam, Phạm Cao Dương, Lê Thọ Giáo, Tạ Chí Đại Trường; các vị ca tụng, trích dẫn và lấy làm 'hân hạnh' được 'quen biết' ông tiến sĩ K.W. Taylor mà rồi chẳng biết những gì mình ca tụng, trích dẫn v.v... là đúng hay sai nữa!
Có nói đây là trò chơi 'Bịt Mắt Bắt Dê Tập Thể' thì cũng chẳng sai đâu! Và, có lẽ tôi cũng nên ghi ở đây 2 chữ (còn tiếp) để chờ coi có ông bà Việt Nam nào nữa tham gia 'trò chơi' hào hứng gọi là 'Bịt Mắt Bắt Dê Tập Thể' này hay không?
Trong phần 'Lời Nói Đầu', ông K.W. Taylor đã có mấy lời cảm tạ như sau:
'At the University of Michigan, it was my good fortune to study under Dr. John K. Whitmore, a pioneer in the field of premodern Vietnamese history in the United States. I also acknowledge my debt to the other member of my graduate and thesis committees at the University of Michigan: Professor Chun-shu Chang, Professor John V. A. Fine,Jr., Professor Charles O. Hucker, and Professor Thomas R. Trautmann, all of whom inspired my efforts to study history
I am especially grateful to Professor O.W, Wolters of Cornell University for his comments during the revision process, which not only held me back from error but also set me on the way toward serious reevaluations.
I am also indebted to Professor Chi-yun Chen of the University of California, Santa Barbara, Professor David G. Marr of the Australian National University, Professor Alexander B. Wood- side of the University of British Columbia, and Professor Ying-shih Yü of Yale University for their evaluations during the revision process; their comments played a large part in correcting confusion, developing my ideas, and giving the manuscript its present shape.
Professor William H. Nienhauser, Jr., of the University of Wisconsin, kindly offered valuable insights into the poem by P'i Jih-hsiu discussed in Appendix N.
John K. Musgrave of the University of Michigan Library and Ikuta Shigeru of the Toyo Bunko Library in Tokyo gave timely assistance in locating materials.
Sadako Ohki, my friend and spouse, translated Japanese books and articles and helped identify obscure characters.
A grant from the Social Science Research Council allowed me to put this manuscript into pub- lishable form.
I am grateful to Grant Barnes, Phyllis Killen, and their colleagues at the University of Califor- nia Press for their encouragement, guidance, and professional expertise.
This book has benefited from the editorial skill of Helen Tartar. I appreciate her thorough attention to detail and sure sense of correct grammar and good style.
All the mistakes are mine.'.
( Preface. pp. xv - xvi ).
Nhìn vào danh sách những người trợ giúp ông tiến sĩ Sử học K.W. Taylor duyệt lại, và hoàn tất cuốn 'The Birth of Vietnam', thiên hạ rồi không khỏi 'khiếp vía', vì rằng, hầu hết đây là những ông Giáo Sư thực thụ (Professor) tại Đại học, trong đó có 1 vài Đại học cực nổi tiếng tại Hoa Kì như Michigan (nơi K.W. Taylor xuất thân),Yale và như Cornell (nơi K.W. Taylor giảng dạy về Vietnamese studies),....và cũng thực vinh dự cho xứ sở tôi đang sống là trong danh sách này có cả ông tiến sĩ giáo sư David G. Marr của Đại học Quốc gia Úc (ANU) ở Canberra nữa!
Phần tôi, tôi cũng 'khiếp vía', có điều nỗi khiếp vía của tôi có khác thiên hạ:
Với sự trợ giúp hùng hậu của những người có Học Vị cao trong giới giảng dạy Đại học như vậy mà cuốn 'The Birth of Vietnam' lại có những cái sai tới không tưởng ra được như đã dẫn chứng thì phải nói đây là chuyện lạ lùng phi thường, là chuyện khó tin ( nhưng có thiệt!
Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ về chuyện này. Và rồi, cứ như 'Í Ngu' của tôi thì vấn đề chỉ có thể rơi vào 1 trong 2 trường hợp sau đây:
1/. Khi K.W. Taylor đưa bản thảo cuốn 'The Birth of Vietnam' cho các ông giáo sư Đại học đã nêu trên để xin hiệu đính những thiếu sót, những sai lầm... thì các ông này để nó qua 1 bên - và khi K.W. Taylor tới xin lại bản thảo thì các ông lôi nó ra, cứ thế mà khen tới, kèm theo một vài câu nói vô thưởng vô phạt, cho có chuyện!
Đây là điều mà người Việt chúng ta gọi là 'Mặc áo Thụng vái nhau'.
2/. Các ông Giáo Sư Đại học nói trên rồi cũng 'Ú A Ú Ớ' - nói thẳng thừng là cũng dốt đặc về Cổ Sử học Việt Nam và Trung Hoa nói riêng, và Cổ học nói chung.
Tôi có thể khẳng định rằng những cái sai loại tôi đã trưng dẫn của cuốn 'The Birth of Vietnam' chỉ cần lướt qua, 1 người chuyên môn thực sự trong ngành đã có thể thấy ngay, dễ dàng!
Phải chăng những ông tiến sĩ Giáo Sư trên đây đều là những nhà chuyên môn? Nếu phải mà quí vị không nhìn ra được những cái sai rất căn bản của K.W. Taylor thì có nói 'qúy vi' là dốt đặc cũng không có gì là quá đáng.
Có nhiều lúc bằng cấp rồi chỉ là bằng cấp, mà 'thực học' vẫn là thực học, nói khác đi, bằng cấp ở đây rồi chỉ là 1 'tấm giấy lộn' thôi! Bằng cấp không nhất thiết là 1 bảo đảm cho Cái thực học của 1 người, đây là 1 chuyện rất hiển nhiên mà thông thường người ta rất ít khi chịu để í. Không có thực học thì dầu là tiến sĩ rồi cũng chỉ là 'Tiến Sĩ Giấy' mà thôi!
Tới đây tôi cũng không biết nói gì hơn là mượn lời 1 ông Tiến sĩ, Tiến sĩ thực sự, để gởi tới các ông bà tiến sĩ, cũng như các ông bà tham gia trò 'Bịt Mắt Bắt Dê Tập Thể' trong bài viết này:
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè có kém ai!
Mảnh giấy làm nên khoa giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,
Cái giá khoa danh ấy mới hời!
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi!.
Khéo chú hoa man khéo vẽ trò,
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.
Mày râu vẻ mặt vang trong nước,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu!
Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ,
Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu!
Hỡi ai muốn ước cho con cháu,
Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu!
Minh Di.
Viết tại Bất Túc Trưng Thư Trai.
Tân Tị nhuận (2001).
Dư nguyệt, nguyệt tại Chấn.
Nhâm Ngọ (2002).
Cao nguyệt. Nhị thập bát ( Hối tiền nhất nhật.
8.32.
Thư Mục - Hán Văn:
[1]. Cốc Lương Truyện.
Chiến Quốc. Cốc Lương Xích.
Tấn. Phạm Ninh tập giải.
Thập Tam Kinh Bản.
Thượng Hải Thư Điếm (TQ) 1997 / Sơ.
[2]. Sử Kí.
Tây Hán. Tư Mã Thiên.
Lưu Tống. Bùi Nhân tập giải.
Đường. Tư Mã Trinh sách ẩn.
Trương Thủ Tiết chính nghĩa.
[3]. Hán Thư.
Đông Hán. Ban Cố.
Đường. Nhan Sư Cổ chú.
[4]. Tấn Thư.
Đường. Phòng Huyền Linh & Trữ Toại Lương.
[5]. Tống Thư.
Nam Bắc triều ( Lương. Thẩm Ước.
[6]. Nam Tề Thư.
Nam Bắc triều ( Lương. Tiêu Tử Hiển.
[7]. Tùy Thư.
Đường. Ngụy Trưng & Trưởng Tôn Vô Kị.
[8]. Cựu Đường Thư.
Ngũ Đại - Hậu Tấn. Lưu Hú.
[9]. Tân Đường Thư.
Triệu Tống. Âu Dương Tu.
[10]. Cựu Ngũ Đại Sử.
Triệu Tống. Tiết Cư Chính.
[11]. Tống Sử.
Nguyên. Đoạt Đoạt.
[12]. Nguyên Sử.
Minh. Tống Liêm.
[13]. Minh Sử.
Thanh. Trương Đình Ngọc.
[14]. Thanh Sử Cảo.
Dân Quốc. Triệu Nhĩ Tốn.
(13 Bộ Chính Sử ghi số hạng từ [2] đến [14]:
Nhị Thập Ngũ Sử Bản.
Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã 1991 / 8.
[15]. Hậu Hán Thư.
Lưu Tống. Phạm Việp.
Thanh. Vương Tiên Khiêm tập giải.
Trung Hoa Thư Cục 1984 / Sơ.
[16]. Tư Trị Thông Giám.
Triệu Tống. Tư Mã Quang.
Nguyên. Hồ Tam Tỉnh chú
Trung Hoa Thư Cục 1987 / 7.
[17]. Chiến Quốc Sách.
Tây Hán. Lưu Hướng tập.
Triệu Tống. Diêu Hoằng tục chú.
Bảo Bưu tân chú.
Nguyên. Ngô Sư Đạo bổ chính.
Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã 1995 / 4.
[18]. Thủy Kinh Chú Sớ.
Nam Bắc triều - Bắc Ngụy. Lịch Đạo Nguyên.
Dân Quốc. Dương Thủ Kính & Hùng Hội Trinh sớ.
Giang Tô Cổ Tịch Xuất Bản Xã 1999 / 2.
[19]. Phương Dư Khảo Chứng.
Thanh. Hứa Hồng Bàn.
Bắc Kinh Thị Trung Quốc Thư Điếm (Không ghi năm xuất bản).
[20]. Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập.
(Ngũ Sách:Tùy. Đường. Ngũ Đại Thập Quốc thời kì).
Đàm Kì Tương chủ biên.
Địa Đồ Xuất Bản Xã (TQ) 1982 / Sơ.
[21]. Trung Quốc Lịch Sử Đại Từ Điển (Sử học Sử quyển).
Sử học Sử quyển Biên Toản Ủy Viên Hội.
Chủ biên: Ngô Trạch & Dương Dực Tương.
Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã 1983 / Sơ.
[22]. Trung Quốc Lịch Sử Đại Từ Điển.
(Tùy. Đường. Ngũ Đại Sử).
Dương Chí Cửu & Ngô Phong chủ biên.
Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã 1995 / Sơ.
[23]. Trung Quốc Lịch Sử Danh Thành.
Trần Kiều Dịch chủ biên.
Trung Quốc Thanh Niên Xuất Bản Xã 1986 / Sơ.
[24]. Trung Quốc Địa Danh Từ Điển.
1 nhóm các Viện, Sở nghiên cứu và Đại học biên soạn.
Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã 1994 / 3.
[25]. Tiên Tần Chư Tử Hệ Niên (Tăng định Bản).
Tiền Mục.
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 1985 / Sơ.
[26]. Trung Quốc Lịch Đại Danh Nhân Từ Điển.
Nam Kinh Đại học Lịch Sử hệ Biên tả Tổ.
Giang Tây Nhân Dân Xuất Bản Xã 1982 / Sơ.
[27]. Trung Quốc Mĩ Thuật Gia Nhân Danh Từ Điển.
Du Kiếm Hoa.
Thượng Hải Nhân Dân Mĩ Thuật Xuất Bản Xã 1996 / 7.
[28]. Thông Chí.
Triệu Tống. Trịnh Tiều.
Chiết Giang Cổ Tịch Xuất Bản Xã 2000 / Sơ.
[29]. An Nam Chí Lược.
Việt Nam - Trần triều. Lê Tắc.
Trung Quốc. Vũ Thượng Thanh hiệu chú.
( Tác phẩm này in chung 1 cuốn với tập 'Hải Ngoại Kỉ Sự' - 1 tập Bút kí ghi chép về tình hình chính trị, kinh tế, giao thông, cũng như phong tục tập quán..... Việt Nam cuối thế kỉ XVII, dưới thời chúa Nguyễn Phước Chu ở Thuận Hóa. Đầu đà Đại Sán đời Thanh soạn ).
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 2000 / Sơ.
[30]. Vân Khê Hữu Nghị.
Đường. Phạm Sư.
Bút Kí Tiểu Thuyết Đại Quan Bản.
Giang Tô Quảng Lăng Cổ Tịch Khắc Ấn Xã 10/1983 / Sơ.
[31]. Mộng Khê Bút Đàm (Toàn dịch).
Lí Văn Trạch & Ngô Hồng Trạch dịch.
Ba thục Thư Xã (TQ) 1996 / Sơ.
[32]. Thi Tập Truyện.
Triệu Tống. Chu Hi chú.
Trung Hoa Thư Cục (HC) 1983 / Trùng ấn.
[33]. Mao Thi Cổ Âm Khảo.
Minh. Trần Đệ.
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 1988 / Sơ.
[34]. Toàn Đường Thi.
Thanh. Khang Hi sắc soạn.
Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã 1986 / Sơ.
[35]. Lễ Kí Tập Giải.
Thanh. Tôn Hi Đán tập giải.
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 1989 / Sơ.
[36]. Tứ Thư Tập Chú.
Triệu Tống. Chu Hi tập chú.
Thái Bình Thư Cục (HC) 1986 / 7.
[37]. Trang Tử Giải.
Chiến Quốc. Trang Chu.
Thanh. Vương Phu Chi giải.
Trung Hoa Thư Cục (HC) 1985 / Trùng ấn.
[38]. Pháp Ngôn Nghĩa Sớ.
Tây Hán. Dương Hùng.
Uông Vinh Bảo chú
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 1997 / 3.
[39]. Liễu Tông Nguyên Tập.
Đường. Liễu Tông Nguyên.
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 1979 / Sơ.
[40]. Bì Tử Văn Tẩu.
Đường. Bì Nhật Hưu.
Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã 1981 / Sơ.
[41]. Khốn Học Kỉ Văn.
Triệu Tống. Vương Ứng Lân.
Thanh. Ông Nguyên Kì chú.
Thương Vụ Ấn Thư Quán (ĐL) 1968 / Sơ.
[42]. Trung Quốc Độ Lượng Hành Sử.
Dân Quốc. Ngô Thừa Lạc.
Thượng Hải Thư Điếm 1984 / Sơ.
[43]. Thuyết Văn Giải Tự Nghĩa Chứng.
Đông Hán. Hứa Thận.
Thanh. Quế Phức nghĩa chứng.
Tề Lỗ Thư Xã (TQ) 1987 / Sơ.
[44]. Kinh Điển Thích Văn.
Đường. Lục Đức Minh.
Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã 1985 / Sơ
[45]. Kinh Truyện Thích Từ.
Thanh. Vương Dẫn Chi.
Nhạc Lộc Thư Xã (TQ) 1984 / Sơ.
[46]. Cổ Đại Hán Ngữ Hư Từ Loại Giải.
Trần Hà Thôn.
Sơn Tây Giáo Dục Xuất Bản Xã 1992 / Sơ.
[47]. Vấn Học Tập.
Chu Tổ Mô.
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 1981 / Sơ.
[48]. Tiểu Học Khảo.
Thanh. Tạ Khải Côn.
Hán Ngữ Đại Từ Điển Xuất Bản Xã 1997 / Sơ.
[49]. Trung Quốc Tiểu Học Sử.
Hồ Kì Quang.
Thượng Hải Nhân Dân Xuất Bản Xã 1987 / Sơ.
[50]. Ngữ Ngôn Học Từ Điển.
Trần Tân Hùng đẳng.
Tam Dân Thư Cục (ĐL) 1989 / Sơ.
[51]. Thực Dụng Trung Quốc Ngữ Ngôn Học Từ Điển.
Cát Bản Nghi chủ biên.
Ân Hoán Tiên thẩm đính.
Thanh Đảo Xuất Bản Xã (TQ) 1993 / Sơ.
[52]. Khang Hi Tự Điển.
Thanh. Khang Hi sắc soạn.
Cao Thụ Phiên trùng tu.
Lăng Thiệu Văn đẳng toàn tu.
Trương Thư Ngọc đẳng tổng duyệt.
Linh Kí Xuất Bản Hữu Hạn Công Ti (HC) 1981 / Sơ.
[53]. Từ Hải (Hợp đính Bản. 1947 Bản).
Dân Quốc. Thư Tân Thành, Từ Nguyên Cáo, Trương Tướng chủ biên.
Trung Hoa Thư Cục (HC) 1983 / Trùng ấn.
[54]. Từ Nguyên (Tu đính Súc ấn Hợp đính Bản).
Quảng Đông. Quảng Tây. Hồ Nam. Hà Nam Tu đính Tổ.
Thương Vụ Ấn Thư Quán (HC) 1987 / Sơ.
Phần 3
Một bài phê bình, bất cứ nằm trong đề tài nào, chỉ có giá trị trung thực nếu được so sánh với bản gốc. Đưa ra một số sai lầm trầm trọng cuả một số tiến sĩ thời nay chỉ là cách giúp cho các vị đó nên tìm cách sửa chữa lề lối khảo cứu sao cho xứng đáng với học vị cuả mình ....Tôi tự nhận là người không biết chữ Hán, nhất là phần cỗ ngữ thì dốt đặc cán mai, và vấn đề lịch sử nước nhà cũng chẳng đi vào đâu. Nhưng vì muốn tìm hiểu sữ liệu có liên quan đến nguồn cội quê hương và dân tộc, nên có ước mộng sau đây : « Nếu có độc giả nào, đặc biệt là vài vị tiến sỉ người Việt đang sinh nhai tại Mỹ (hay tại đâu đó trên đất nước Việt nam) có tên ghi trong những bài nầy, nhận thấy lời phê bình và lối trích dẫn sử liệu mà học giả Minh Di đã đưa ra có nhiều sơ hở và thiếu sót, xin lên tiếng chỉg iáo ».Tôi xin muôn vàn tri ân.
Vài lời báo trước cuả chính tác giả Minh Di.
Cũng như ‘Học Vấn Tập’, tập Vấn Cỗ Tập gồm những thiên phê bình một vài người về lãnh vực Cổ học Việt Nam và Trung Hoa.
Hán văn ngày nay rất ít người theo học, vì đây là thứ chữ không phải chỉ học năm, mười năm là có thể khá, hay giỏi như học Anh văn, Pháp văn. Về lãnh vực Cổ văn thì 20 năm, 30 năm đôi lúc còn gặp lúng túng. Ngay cả người Hoa đây khi nghe nói Cổ văn là họ cảm thấy nhức đầu. Chính vì khó như vậy cho nên ngày nay vẫn còn những học giả cặm cụi ngồi dịch những Tác phẩm của cổ nhân họ qua Ngữ thể văn (tức Bạch thoại) để thế hệ trẻ có thể hiểu được dễ dàng hơn.
Trong giới khoa bảng Tây học Việt Nam ở chốn Vu xứ này bỗng đâu có một vài kẻ muốn đi gặp những ‘người muôn năm cũ’ nhưng không đi đường thẳng mà quẹo vào đường tắt. Nói rõ hơn họ tìm đọc những sách Anh, sách Pháp.... viết về Việt Nam và Trung Hoa thời cổ, để rồi sau đó dựa vào cái bằng cấp để mà « múa may » trong một lãnh vực mà họ không chuyên môn!
Nếu như sự tình dễ như vậy có ai học Hán văn làm chi cho lao đao, lại lâu lắc nữạ. Nếu sự tình dễ như vậy thì đã không có Tập ‘Vấn Cổ’ này, cũng như không có Tập ‘Học Vấn’ trước đâỵ
Nói thẳng với ông tiến sĩ trong nước : Lê Mạnh Thát.
Ngày 27 tháng 2, 2006, anh Lê Hòa có gởi cho tôi một Bài viết (một phần đầu thì đúng hơn) của ông Lê Mạnh Thát tựa đề là « Về Mấy Bài Đường Thi Liên Quan Đến Phật Giáo Việt Nam ».
Qua 14 trang của phần bài viết nói trên tôi thấy có một số điều quá « ngớ ngẫn » cần phải đặt ra sau đâỵ : Mấy bài Đường thi ông Lê Mạnh Thát đề cập ở đây là 2 bài thơ của thi sĩ Thẩm Thuyên Kì, sống vào khoảng đầu thời Đường.
Bài thứ nhất là bài ‘Thiệu Long tự’.
Bài thứ 2 là bài ‘Cửu Chân sơn Tịnh Cư tự yết Vô Ngại Thượng nhân’.
*
Về bài ‘Thiệu Long tự’.
Cuối trang 3, nguyên trang 4, và đầu trang 5 ông Lê mạnh Thát dẫn lại nguyên văn toàn bài thơ và phần dịch Việt ngữ cũng như chú thích của ông về bài thơ. Câu 12, nguyên văn là ‘Diễn dạng Song trung lan’ thì ông Lê Mạnh Thát đã sửa chữ thứ 3 - tức chữ Song ra chữ Đàm: ‘Diễn dạng Đàm trung lan’, và ông đã dịch: ‘Nhẹ vỗ sóng hồ lan’.
Ông Lê Mạnh Thát chú giải và lí luận về việc sửa thơ này như sau:
- ‘Chúng tôi sửa chữ ‘song’ của Toàn Đường thi thành chữ ‘đạm’, bởi vì những chữ khác trong câu đó đều nói đến sóng vỗ, mà sóng vỗ thì hà tất phải vỗ vào cửa sổ, trừ khi lụt lớn. Tự dạng của chữ ‘song’ và chữ ‘đạm’ hầu như giống nhau, và ‘đạm’ có nghĩa là cái hồ, do đó thích hợp với những chữ ‘diễn dạng đàm trung lan’ của toàn câu’. (tr. 04).
Qua đoạn văn lý giải trên đây, có 2 vấn đề đặt ra với ông Lê Mạnh Thát. Trước hết là vấn đề chữ nghĩa, và kế đến là vấn đề cung cách làm việc của ông Lê mạnh Thát.
Ông Lê Mạnh Thát giải chữ Đàm ‘có nghĩa là cái hồ’ thì.... quả thực tôi không rõ ông đã căn cứ Bộ Tự điển hay Từ điển nào - Những bộ Tự điển như ‘Thuyết Văn Giải Tự’ của văn tự học gia Hứa Thận (30 - 124) thời Đông Hán (25 - 220), ‘Khang Hi Tự Điển’, do 1 nhóm đình thần soạn theo lệnh của vua Khang Hi (1654 - 1722; tại vị: 1661 - 1722), không Bộ nào giảng chữ Đàm là cái hồ hết! Còn những bộ Từ điển Từ Nguyên, Từ Hải (dầu in ở Hương Cảng hay Lục địa) cũng không Bộ nào giảng chữ Đàm là cái Hồ. Theo những bộ Từ điển này thì Đàm có ba nghĩa:
1/. Cái vực; chỗ nước sâu gọi là Đàm (Uyên dã; thủy thâm vi Đàm). Từ Hải (Hương Cảng).
2/. Vụng nước sâu (Thâm thủy khanh). Từ Hải (Lục địa).
3/. Chỗ nước sâu (Thủy thâm chi xứ). Từ Nguyên (Hương Cảng).
Không một bộ Tự điển cũng như Từ điển Trung Hoa nào lại giảng chữ Đàm là cái Hồ hết!
Đến đây, tôi cần phân tích nữa thêm chút nữa:
Chữ Đàm, bên trái là Bộ Thủy, bên phải là chữ Đàm.
Chữ Đàm bên phải này có các nghĩa: Dài (trường), Trải dài (diên), và nghĩa nữa là Sâu (thâm) - như trong từ ngữ Đàm tư, nghĩa là ‘Suy nghĩ sâu xa’.
Từ chữ Đàm có nghĩa là Sâu trên đây người ta thêm Bộ Thủy để diễn tả một Sự vật khác - đó là cái ‘Vụng nước Sâu’, ‘Chỗ nước Sâu’ mà 2 bộ Từ điển Từ Hải, Từ Nguyên đã giải nghĩạ Đây là nguyên tắc gọi là ‘Hội ý’ trong Lục Thư (6 nguyên tắc chế
tạo Tự).
Bộ Thủy bên trái chỉ Nước + chữ Đàm bên phải là Sâu, ở đây hình thức của văn tự rồi đã diễn tả cái hàm í hết sức rõ ràng. 1 điều căn bản về Văn tự học như vậy mà ông Lê Mạnh Thát còn chưa giải được thì thử hỏi tôi không (nghi) ngờ sao được?
Tiếp đến, Lê Mạnh Thát lại nói ‘Tự dạng của chữ ‘song’ và chữ ‘đạm’ hầu như giống nhau’.
Tôi không tưởng nổi là có một chuyện như vậy đối với một nhà đại trí thức!
Chữ Song (cửa sổ) trên là Bộ ‘Huyệt’ (cái hang, cái lỗ), dưới là chữ Song (cái lỗ thông).
Chữ Đàm bên trái là Bộ ‘Thủy’, bên phải là chữ Đàm (nghĩa là Sâu như đã nói) - chữ Đàm này trên là Bộ ‘Á’, dưới là chữ Tảo (gồm trên là chữ Nhật, dưới là chữ Thập). 2 chữ Song và Đàm khác nhau rất xa như thế mà Lê Mạnh Thát lại nói ‘hầu như giống nhau’ thí tôi thực không tưởng tượng nổi sự thông thái cuả nhà đại trí thức trong nước ra thế nào! Chỉ cần bên có Bộ Thủy, bên không, người ta cũng đã thấy ngay khác hẳn rồi, hà huống phần dưới bên phải của chữ Đàm là chữ Thập - trong khi đó ở mặt dưới của chữ Song lại là 1 đường bằng ngang, sự khác biệt do đó mà càng xa hơn!
Trong câu dịch, Lê Mạnh Thát ghi là ‘đàm’, nhưng trong đoạn chú thích trên lại ghi là ‘đạm’? Quả thật là vô duyên !
Tiếp đến nữa, khi bỏ chữ Song trong bài thơ để thay vào đó chữ Đàm và giảng là cái Hồ thì ông Lê Mạnh Thát đã không thấy một chuyện trái ngược. Giả sử cứ theo ông Lê Mạnh Thát, cho Đàm là cái Hồ đi thì xin hỏi ông giải chữ Lan ở cuối câu ra làm sao ?
Này nhé, nói chung, Hồ thì không thể có sóng lớn, trừ trường hợp Hồ lớn như Động Đình Hồ vốn thông với 1 con Sông lớn cỡ Đại giang (tức Trường giang), trường hợp không thể xảy ra ở đây - trong khi đó chữ Lan có nghĩa là Sóng lớn. Lê Mạnh Thát
không cảm thấy trái ngược sao ? Để chỉ Sóng, Hán tự có các chữ Ba, Lãng, Đào, Lan. Hai chữ Ba, Lãng chỉ sóng nói chung, thường là chỉ sóng nhỏ, trong khi Đào, Lan chỉ sóng lớn.
Ông Lê Mạnh Thát rồi có thể không không đồng í không phải chỉ với Thẩm Thuyên Kì ở đây, mà có thể với bất cứ thi nhân nào về 1 chữ, 1 câu hay nhiều câu nào đó trong thơ của họ. Có điều là ông chỉ có thể nêu sự bất đồng đó trong phần luận giải của
mình bên dưới bài thơ chứ không thể tự ý thay đổi 1 hay nhiều chữ ngay trong bài thơ của tác giả. Phải nói là cung cách làm việc này tôi chưa hề thấy ở một người nghiên cứu đúng đắn nào! Ông Lê Mạnh Thát cho rằng chữ Song của Thẩm Thuyên Kì không hay, không ý vị như chữ Đàm, hay bất cứ Chữ nào đó ông có thể nghĩ ra - không sao, ông cứ việc đưa ra, nhưng xin đừng nhúc nhích một Chữ nào hết của tác giả. Tối thiểu đây là một 1 sự khiêm tốn tối thiểu, và tiếp đến là sự tôn trọng người đọc.
Khi nói í kiến của mình trội hơn của người thì dĩ nhiên là phải lập luận, và rồi, lập luận của ông Lê Mạnh Thát ở đây phải nói là chẳng những vớ vẩn mà còn quàng xiên nữa!
Sao gọi là vớ vẩn? Vớ vẩn là ở chỗ Lê Mạnh Thát chỉ dựa vào 3 chữ Diễn dạng... Lan trong câu đều là những chữ chỉ sóng cho nên đã bỏ chữ Song của tác giả đi để nhét vào đó 1 chữ có í sóng là chữ Đàm. Nếu đưa Chữ này vào mà câu thơ trở nên hay vượt bậc thì không nói, đằng này ông chỉ nói vu vơ là chỉ vì nó ‘thích hợp với những chữ ‘diễn dạng đàm trung lan’ của toàn câu’.
Chữ có bộ Thủy chỉ hồ, ao cũng khá nhiều, như giang, hồ, trì, đường, đàm, trạch..... lấy chữ nào cũng được! Có điều, cái khó cho ông Lê Mạnh Thát ở đây là rồi kiếm đâu ra một lí do thực vững để thay thế chữ Song? Vì nếu chỉ đựa vào lẽ 1 câu thơ 5 chữ đã 3 chữ có bộ Thủy, thêm chữ nữa có lẽ thích hợp hơn, lí do này không vững. Từ đó Lê Mạnh Thát đã nói quàng nói xiên là tự dạng của chữ Đàm và chữ Song ‘hầu như giống nhau’. Sự quàng xiên này có thể khiến 1 số người đọc nghĩ là chữ Song vốn là chữ Đàm đấy nhưng vì tự dạng 2 Chữ ‘hầu như giống nhau’ cho nên đã có sự lầm lẫn khi sao chép. Tiếp đó, Lê Mạnh Thát lại nêu ra sự kiện đa số chữ trong câu 12 này có bộ Thủy nhằm gợi í cho người đọc là sự lầm lẫn ở đây rất có thể là đúng, nói rõ hơn, câu này vốn nói về sóng, mà vì sao chép lầm cho nên chữ Đàm đã thành chữ Song. Nếu tôi không lầm thì í của Lê Mạnh Thát là vậy!
Sau cùng, phê bình là đối chiếu, phân tích sự thể để đưa ra nhận định chính xác. Như ở đây, ông Lê Mạnh Thát bỏ đi chữ Song của Thẩm Thuyên Kì để thay vào đó chữ Đàm mà ông khẳng định là thích hợp hơn, và nói thích hợp hơn tức nói hay hơn, trội
hơn, hiển nhiên. Khi nói như thế ông cũng phải chứng minh cho người đọc thấy câu ‘Diễn dạng song trung lan’ của tác giả kém, dở ở chỗ nào ? Đây là điều tối thiểu, một điều tối thiểu ông Lê Mạnh Thát đã không làm.
Phải nói là Lê Mạnh Thát đã không rõ hoàn cảnh sáng tác câu thơ trên. - Hoàn cảnh này là gì?
Lúc viết ra Câu này Thẩm Thuyên Kì đang đứng bên 1 cánh cửa sổ nào đó của chùa Thiệu Long đưa mắt nhìn ra bến bãi xa xa....., thấy những lượn Sóng lớn (Lan) nhấp nhô (diễn dạng) mờ mờ phía Bắc. Đây chính là điều Thẩm Thuyên Kì đã nói trước đó 3 câu ‘Hương giới oanh Bắc chử’. Cứ như mấy lời tiểu dẫn Thẩm Thuyên Kì ghi trước bài thơ chúng ta biết ông đi thuyền đến thăm cảnh chùa để sau đó sau khi trở về thuyền thì sáng tác bài thơ nàỵ (Coi phần sau).
Cũng cần nói để ông Lê Mạnh Thát rõ là 2 chữ ‘diễn dạng’ trong câu thơ thứ 12 này có nghĩa là nhấp nhô (lưu động khởi phục mạọ Từ Nguyên), ông hiểu 2 chữ này là ‘sóng vỗ’ là không đúng với nghĩa chữ. - Ở đây tác giả chỉ nhằm tả cảm nhận Thị
giác, không nói Thính giác, làm gì có tiếng sóng vỗ ở đây, thưa ông tiến sĩ Lê Mạnh Thát.
Bài ‘Thiệu Long Tự’ của Thẩm Thuyên Kì có mấy lời tiểu dẫn, tức như 1 đoạn đề Tựa ngắn, ông Lê Mạnh Thát dịch và phiên âm như sau:
- ‘Chùa Thiệu Long, ngôi chùa kỳ tích nhất trong vùng Giang Lĩnh, cách thành Hoan châu khoảng 25 dặm, người miền Bắc hễ hết ngày thì đến nghỉ, theo lễ mà cúng hương, tôi làm bài thơ này sau khi trở về thuyền...’. (Thiệu Long tự Giang Lĩnh tối kì, khứ Hoan châu nhị thập ngũ lý tượng, bắc khách tất nhật, du khể, tùy lệ thí hương, hồi ư chu trung tác). [tr. 04, 05].
Trong đoạn dẫn trên, nguyên văn Hán Việt của lời đề Tựa Lê Mạnh Thát đã ngắt câu sai, do đó dịch sai, đó là chưa kể 1 vài lỗi về phiên âm và địa danh.
Đúng thì ngắt câu như sau:
- ‘Thiệu Long tự giang lãnh tối kì, khứ Hoan Châu nhị thập ngũ lí tương Bắc. Khách tất nhật du khế, tùy lệ thí hương. Hồi ư chu trung tác’.
- ‘Sông, núi ở vùng chùa Thiệu Long rất kì lạ, hiếm có, (chùa) ở cách thành Hoan Châu 25 dặm về hướng Bắc. Khách (tới chơi vùng này) cứ đến hết ngày, sau buổi đi chơi về, thì có lệ vào chùa dâng hương. Bài này tôi làm lúc trở về thuyền’.
Lê Mạnh Thát đã không biết là chữ ‘Bắc’ trong đoạn tiểu dẫn rồi chỉ vị trí của chùa Thiệu Long đối với thành Hoan Châu, do đó thuộc về câu trước, chứ không phải câu sau đó. Ông ngắt câu ở chữ ‘tương’ (mà ông phiên âm sai là tượng) thì ‘lý tượng’ nghĩa là gì? - Chữ Tương ở trong câu có nghĩa là ‘gần’, là ‘ở bên cạnh’, suy ra là ‘ở về phía’, ‘ở về mé’.
Từ câu ‘khứ Hoan Châu nhị thập ngũ lí’ thì cố nhiên ông Lê Mạnh Thát hiểu rất dễ dàng, nhưng sau chữ ‘lí’ lại có chữ ‘tương’ thì ông không sao hiểu nổị Vì thế, ông đã đoán chữ ‘tương’ ở đây là ước chừng, và ‘nhị thập ngũ lí tương’ Lê Mạnh Thát đã dịch là ‘khoảng 25 dặm’. Nhưng, ông Lê Mạnh Thát không biết là chữ ‘Tương’ nếu có nghĩa là ‘gần’, lại được dùng với những từ ngữ chỉ khoảng cách, hay thời gian, thì nó phải đứng trước những tiếng đó. Như ở đây, nếu muốn nói khoảng 25 dặm thì câu sẽ là: - ‘khứ Hoan Châu tương nhị thập ngũ lí’.
Và đây chỉ là Hán văn căn bản. Lê Mạnh Thát nói chuyện Hán văn nghe mà tức cười quá!
Nói tóm lại, ‘25 dặm’ xác định khoảng cách - trong khi chữ ‘Bắc’ cho biết vị trí không gian của chùa Thiệu Long. Người Trung Quốc khi mô tả vị trí địa lí thì luôn luôn cho biết khoảng cách và phương hướng. Thẩm Thuyên Kì cũng không ra ngoài
thông lệ vừa kể.
Ngoài ra, Lê Mạnh Thát còn sai:
1/. Sai về địa danh.
Hai chữ ‘giang lãnh’ nói trong đoạn tiểu dẫn chỉ có nghĩa là ‘sông và núi’, nói khác đi, đây chỉ là những danh từ chung, không phải địa danh như Lê Mạnh Thát đã viết Hoa.
Đọc phần ghi chép về Địa lí Hành chánh trong các bộ ‘Cựu Đường Thư’ (Qụ XLỊ Địa lí 4.) và ‘Tân Đường Thư’ (Qụ XLIII Thượng. Địa lí) về đất Hoan Châu - đồng thời giở Bản đồ Lịch sử đời Đường, thì không thấy địa danh nào tên là ‘Giang Lĩnh’ hết! Đến Bộ ‘Thông Điển’ trứ danh của học giả Đỗ Hựu (735 - 812) đời Đường cũng không thấy ghi địa danh nào tên là Giang Lĩnh như Lê Mạnh Thát ghị (Tham khảo ‘Thông Điển. Qụ CXXCIV. Châu quận 14. Hoan Châu).
Lê Mạnh Thát thấy chữ ‘Lãnh’ (cũng đọc âm Lĩnh) thì nghĩ rằng đây là đất Lãnh Nam.
Nếu vậy xin hỏi ông Lê Mạnh Thát, chữ ‘giang’ đứng trước chữ ‘lãnh’ đây nghĩa là gì? - Đây là chưa kể ông Lê Mạnh Thát đã không rõ một điều là vào thời Đường ‘Lãnh Nam đạo’ chỉ gồm toàn 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay mà thôi, đất ‘Lãnh Nam’ nào mà trải tới tận Hoan Châu đây thưa ông Lê Mạnh Thát? Đường triều phân thiên hạ thành các Đạo - như Lộ dưới triều Tống và Tỉnh đời Thanh sau nàỵ
2/. Sai về Tự âm (Âm đọc của chữ).
Chữ ‘Tương’ Lê Mạnh Thát đã đọc là ‘Tượng’. Chữ ‘Khế’ (nghỉ ngơi) với dấu Sắc thì Lê Mạnh Thát dọc là ‘Khể’ với dấu Hỏị
Chữ Khế, Từ Nguyên phiên thiết là: ‘Khứ lệ thiết, khứ’. Chữ khứ sau tức ‘Khứ thanh’, tức dấu Sắc.
Ngoài ra, chữ ‘tối’ trong 2 chữ ‘tối kì’ có nghĩa là ‘rất’, không có nghĩa là ‘nhất’ như đoạn dịch của Lê Mạnh Thát viết.
Sau cùng, người ta thấy ông Lê Mạnh Thát nói ‘sông dài, biển lớn’, thôi thì..... đủ mọi chuyện về vị trí địa lí, suy đoán thế này, nhận định thế kia....., nhưng rồi, có 1 điều căn bản nhất người đọc muốn biết thì ông lại chẳng nói gì tớị
Chùa Thiệu Long ở cách thành Hoan Châu 25 dặm - vậy xin ông Lê Mạnh Thát cho biết tính ra đơn vị cây số là bao xa ?
Tôi đã từng thấy có những người, trong bài viết của mình, nói nào là xích, nào là trượng, nào là lí (dặm), nào là lượng, là đấu mà không thấy họ nói những đơn vị cân, đong, đo đếm này tính ra hệ thống quốc tế (SI) là bao nhiêu ? Nói về những đơn vị đo lường thời cổ mà không chú thích thì những chữ này đối với người đọc nói chung chỉ là những tiếng oang oang. Rồi ra không còn gì hết! Nhưng, chắc Lê Mạnh Thát cũng chẳng hơn gì người đọc, với những người viết kể trên Lượng, Đấu, Xích, Lí..... cũng chỉ là những tiếng vang!
Cũng vậy, ở đây chữ ‘Dặm’ (Lí) đối với ông Lê Mạnh Thát cũng chỉ là 1 tiếng vang....., ngoài ra không còn gì hết! Viết về những vấn đề liên quan Cổ sử, nhất là về Địa lí như ở bài này, mà ông Lê Mạnh Thát lại mù mờ về hệ thống đo lường thời mình nghiên cứu thì đây là chuyện khó tưởng cũng như khó tin cho nổị
Tôi xin nói để ông Lê Mạnh Thát rõ:
- 1 Dặm đời Đường qui ra hệ thống SI là 559.8 m, tức 0.5598 cây số. Vậy, 25 dặm từ chùa Thiệu Long đến thành Hoan Châu là: 25 x 0.5598 m = 13.995 cây số.
Sự hiểu biết về hệ thống đo lường cổ đại này rất cần thiết, cần thiết ở chỗ nó gạt ra ngoài những suy đoán lung tung dư thừa, chỉ để lại những suy đoán gần sự thực nhất - nói rõ hơn, nhờ nó mà suy đoán của người nghiên cứu trở nên chính xác hơn.
Cứ đọc những gì Lê Mạnh Thát suy đoán về vị trí chùa Thiệu Long đối với thành Hoan Châu rồi độc giả sẽ thấy sự cần thiết tôi vừa nói ở trên.
Về vị trí của chùa Thiệu Long, Lê Mạnh Thát viết:
- ‘Maspéro đã cho biết là ông tìm những viên gạch có tiểu tượng đức Phật tại di tích của một cổ thành cách đình làng Nhạn Tháp không xa mà ông giả thiết đó chính là di tích của 1 sở thành Hoan Châu. Về những viên gạch này, ông bảo là những tồn tích của những vật liệu trong việc dựng một ngôi chùa tại xung quanh đó vào năm 636. Niên đại 636 này chúng tôi không biết Maspéro rút từ đâu ra, phải chăng từ những ghi chú trên viên gạch? Vì chưa thấy những viên gạch này, chúng tôi không thể trả lời được.
Ngôi chùa dựng năm 636 có tên gì Maspéro cũng không cho biết. Đương nhiên nếu thành Hoan Châu quả cách đình làng Nhạn Tháp ngày nay không xa và nếu câu ‘bắc khách tất nhật du khế’ trong lời giới thiệu của Trầm Thuyên Kỳ ghi trên, có thể cắt nghĩa như ngôi chùa Thiệu Long, vì tuy cách thành Hoan Châu 25 dặm nhưng tất phải gần thành này để cho bắc khách hễ hết ngày thì đến nghỉ, tùy lệ mà cúng hương, thì ngôi chùa Thiệu Long phải nằm xung quanh đình làng Nhạn Tháp không xa’. (tr. 06).
Ở đây người ta thấy rất rõ Lê Mạnh Thát đã đi từ mò mẫm này đến mò mẫm khác. Vì không biết 25 dặm đường từ chùa Thiệu Long tới trị sở thành Hoan Châu là bao nhiêu cây số cho nên Lê Mạnh Thát đã không biết giới hạn suy đoán của mình ở khoảng nào! Nói rõ hơn, nếu biết 25 dặm là 13.995 cây số Lê Mạnh Thát sẽ giới hạn suy đoán về những vị trí có thể của chùa Thiệu Long trong khoảng 14 cây số trở lại mà thôi, và như vậy, công việc tìm kiếm sẽ thu hẹp lại đồng thời ít nhiều cũng trở nên dễ dàng hơn.
Nói rõ hơn, gặp trường hợp những di vật (như những viên gạch Henri Maspéro thấy được ở đây) có thể là bộ phận của 1 di tích nào đó (và ở đây là chùa Thiệu Long) nếu những di vật này nằm ở 1 khoảng cách xa hơn khoảng cách đã biết (ở đây là 13.995 cây số) của di tích muốn xác định tới 1 địa điểm nào đó (ở đây là trị sở thành Hoan Châu) khá nhiều, 20, 30 ..... cây số chẳng hạn thì những di vật này dứt khoát phải được đặt ngoài vòng tìm kiếm! Điều này hiển nhiên, một đứa con nít cũng biết nữa là. Vậy mà Lê Mạnh Thát lại không biết thì kể cũng lạ!
Nhưng, qua đoạn văn dẫn trên của Lê Mạnh Thát người ta có thể thấy là bây giờ nếu như có đến 5, 7 cái làng Nhạn Tháp đi nữa, bất kể xa / gần, Lê Mạnh Thát rồi cũng gom hết lại để suy đoán loạn lên! Chính vì ù ờ không rõ hệ thống đo lường thời cổ cho nên ông tiến sĩ Lê Mạnh Thát của chúng ta đã diễn đạt ý tưởng một cách hết sức tức cười, chẳng ra làm sao cả! Thử đọc lại 1 đoạn trong đoạn trên đây của ông tiến sĩ họ Lê, tên Mạnh Thát:
- ‘........ chùa Thiệu Long, vì tuy cách thành Hoan Châu 25 dặm nhưng tất phải gần thành này để cho bắc khách hễ hết ngày thì đến nghỉ, tùy lệ mà cúng hương......’.
Nói ‘tuy cách thành Hoan Châu 25 dặm’ là có í nói khoảng cách giữa chùa và thành Hoan Châu chẳng phải là gần, người đọc không thể nào hiểu khác hơn; thế nhưng, liền đó ông tiến sĩ nhà ta lại viết ‘nhưng tất phải gần thành này’.
Thế là thế nào ? Vừa mới nói là không gần để liền sau đó lại nói là không xa, thế là thế nào ? Quả đúng là loại văn chương nát óc!
Khi Lê Mạnh Thát nêu ra cái đình làng Nhạn Tháp mà ông ta ngờ rằng Cổ tự Thiệu Long cũng gần đâu đó người đọc những mong ông ta nêu luôn vị trí của ngôi làng này để có 1 khái niệm về vị trí có thể của chùa, ở hướng Đông, ở phía Tây, hay mé Nam, hoặc mạn Bắc thành Hoan Châu chẳng hạn. Thế nhưng, ông tiến sĩ Lê Mạnh Thát, nhà Sử học viết về Lịch sử Phật giáo Việt Nam nêu chỉ để mà nêu, nói rõ hơn, ông tiến sĩ rồi không cho người đọc biết thêm gì hơn, tất cả chỉ là 1 mớ chữ xếp lại với nhau, ngoài ra không có gì hết, trống rỗng!
Ở những trang tiếp sau đó ông Lê Mạnh Thát tìm hiểu về vị trí Hoan Châu qua 1 vài Thư tịch cổ của Trung Hoa để từ đây thử xác định vị trí của chùa Thiệu Long.
- ‘Nguyên Hòa quận huyện đồ chí quyển 38 tờ 16a4-5 của Lý Cát Phủ, viết khoảng năm 815, cho biết, ‘Hoan Châu ở về phía Đông, cách biển 100 dặm, phía nam cách biên giới Lâm Ấp khoảng 190 dặm, bắc cách Diễn Châu 150 dặm’. Thái bình hoàn vũ ký quyển 171 tờ 6a10-14 ghi khác đi một chút, theo đấy ‘Hoan Châu đông dọc theo biển đến châu Phúc Lộc 102 dặm, nam đến biển lớn 150 dặm, đến châu Ky My Tu 240 dặm, bắc đến Diễn Châu 150 dặm và Ái Châu 603 dặm, tây nam đến nước Hoàn Vương 10 ngày đường, ước chừng 750 dặm, bắc đến Hóa Châu 520 dặm, tây bắc đến sông Linh Bạt 470 dặm, tây nam đến châu Ky My Thường 300 dặm’. Tân Đường thư quyển 43 tờ 45b6-46a1 phối hiệp những sai khác trên, rồi thêm ‘Hoan Châu đến biển lối 150 dặm, nam đến Lâm Châu 150 dặm, tây đến biên giới nước Hoàn Vương 800 dặm, tây bắc đến sông Linh Bạt 470 dặm, đông bắc đến Biên Châu 502 dặm’. (tr. 05 và 06).
Sự nghi ngờ của tôi về trình độ Hán văn cũng như Cổ học của Lê Mạnh Thát tới đây thì mỗi lúc mỗi lớn hơn.... Cứ coi những cái sai trong đoạn dẫn trên đây thì rõ.
Trước hết, Lê Mạnh Thát nói là bộ ‘Nguyên Hòa Quận Huyện Chí’ viết vào ‘khoảng năm 815’.
- Thưa ông Lê Mạnh Thát, có thể nào người chết lại viết sách được không?
Lí Cát Phủ sinh năm 758, và mất năm 814 (758 - 814) thì làm sao có thể viết cuốn ‘Nguyên Hòa Quận Huyện Chí’ vào ‘khoảng năm 815’ như ông nói trong đoạn trên?Sách hoàn tất năm 813.
Tôi nghĩ là ông đã chép điều này ở đâu đó, người viết sai, ông không biết, cứ thế mà chép lại, và tôi nghĩ luôn là người mà ông chép lại đó hẳn có tiếng tăm lắm cho nên ông tin tưởng hoàn toàn mà không tra lại niên đại của 1 nhân vật lịch sử, vốn là 1 chuyện quá dễ. Nhưng đây cũng là cái bệnh di truyền cuả các ông tiến sỉ thời nay !
Tiếp đến là bộ ‘Tân Đường Thư’ ‘của ông Lê Mạnh Thát’ trong đoạn trên.
Ở đây, Tôi không rõ ông Lê Mạnh Thát đã đánh máy lộn, hay là cũng chỉ chép lại đoạn trên đây từ 1 tài liệu (hoặc là 1 cuốn sách, 1 bài viết) của người nào đó hay không? - Vì rằng những điều ông dẫn lại trong đoạn trên không phải của ‘Tân Đường Thư’, mà là của ‘Cựu Đường Thư’!
Tôi có lí do để ngờ, vì nếu ông Lê Mạnh Thát có vì 1 thoáng lơ đãng nào đó mà đã lầm lẫn đánh chữ ‘Cựu’ thành chữ ‘Tân’, nói cho rõ ra là, đầu ông nghĩ ‘Cựu Đường Thư’ nhưng tay ông lại đánh ‘Tân Đường Thư’, điều này có thể xảy ra lắm! Cứ cho là như vậy đi! Nhưng về Quyển thứ thì sao đây ? về tác giả thì sao đây ?
Như tôi đã nói, đoạn văn ông Lê Mạnh Thát dẫn trên là ghi chép trong ‘Cựu Đường Thư’ - nếu ông Lê Mạnh Thát thực sự có đọc bộ Sử này, và như đã giả thiết là ông đã lơ đãng đánh máy lộn tên Sách, thì ít nhất ông cũng phải ghi chính xác Quyển thứ chứ! Nói rõ ra là, đoạn văn dẫn trên nằm ở Quyển XLI (Qụ 41) của bộ ‘Cựu Đường Thư’, không phải Quyển XLIII (Qụ 43). Nếu là Quyển 43 thì đúng là 1 trong 7 Quyển ghi chép về Địa lí của Bộ ‘Tân Đường Thư’(từ Quyển 37 đến Quyển 43). Quyển 43 phân 2 phần Thượng, Hạ, Hoan Châu được chép ở cuối phần Hạ.
Và, có đánh máy lộn nữa thì ít nhất ông phải ghi đúng tên tác giả (Cựu Đường Thư) chứ, nói rõ hơn, ông phải ghi là Lưu Hú (888 - 947), có đâu lại ghi là Âu Dương Tu (1007 - 1072)!
Do đó, kết luận ở đây chỉ có thể là Lê Mạnh Thát đã đọc đoạn trên từ 1 người nào đó, người này chép sai, ông không biết, cứ thế mà chép lạị Nhận định này của tôi càng chính xác hơn nữa qua 1 số sai lầm trong đoạn trích dẫn nói trên của ông Lê Mạnh Thát, những sai lầm mà nếu thực sự có đọc nguyên tác bộ ‘Cựu Đường Thư’ thì ông không thể nào sai được:
1/. Ghi là sông Linh Bạt là sai, tên đúng là Linh Kì.
Chữ Kì ở đây: Bên trái là bộ Túc (cái chân), bên phải là chữ Chi (giữ, như nói bảo trì; phân chia, cành cây...).
2/. Ghi là Biên Châu là sai, đúng là Biện Châu (Biện với dấu Nặng).
Sau cùng, nhận định về ghi chép của 2 bộ Địa lí, 1 bộ Sử kể trên về thành Hoan Châu, ông nghè Lê Mạnh Thát viết: ‘Trước những ghi chú sai khác này, báo cáo của Nguyên Hòa quận huyện đồ chí đáng được chấp thuận hơn cả, bởi vì tính cổ sơ cũng như giá trị văn điệu của nó’. (tr.06).
Có thể có một lối phê bình dễ dàng đến thế sao ? Lối phê bình này làm người đọc chưng hửng, nếu không nghĩ rằng nhà trí thức tiến sĩ thời nay còn quá dốt!
Ở đây là vấn đề Địa lí cho nên Số liệu là vấn đề chủ yếụ Trong những ghi chép của 3 Tác phẩm kể trên về vị trí Địa lí của các địa khu, cũng như những con Số cho biết khoảng cách giữa những địa khu này, muốn biết Số liệu của tác phẩm nào xác đáng thì điều này đòi hỏi một sự đối chứng với một số Sử liệu khác nữa liên quan vấn đề, từ đó mới có thể đưa ra một kết luận chính xác, và đây là điều người ta muốn biết, điều Lê Mạnh Thát phải làm, nhưng đã không làm!
Lê Mạnh Thát nói là ‘Nguyên Hòa Quận Huyện Chí’ giá trị hơn bộ ‘Thái Bình Hoàn Vũ Kí’ và ‘Tân Đường Thư’ (đúng hơn là ‘Cựu Đường Thư’ như đã nói) ‘bởi vì tính cổ sơ cũng như giá trị văn điệu của nó’.
Lê Mạnh Thát dẫn ra những con Số, để nhận định con Số nào chính xác, chính xác nhất thì ông phải chứng minh bằng con Số. Thế nhưng, cuối cùng ông đã chỉ đưa ra 1 nhận định có tính cách văn chương và khảo cổ. Sự kiện bộ ‘Nguyên Hòa Quận Huyện Chí’ được soạn trước 2 cuốn kia (tức ‘tính cổ sơ’, nói theo Lê Mạnh Thát) vốn không chứng minh được là nó giá trị, và chính xác hơn 2 cuốn đó - và sự kiện văn chương của ‘Nguyên Hòa Quận Huyện Chí’ dầu có hay ho hơn 2 Bộ đã kể (tức ‘giá trị văn điệu’, nói theo Lê Mạnh Thát) rồi cũng không chứng minh được rằng nó đúng và ‘đáng được chấp thuận’ (theo Lê Mạnh Thát) hơn 2 bộ sách kia! Hiển nhiên!
Một học sinh Trung học cũng không có lối phê bình tào lao, tầm phào đến thế - vậy mà một ông tiến sĩ như Lê Mạnh Thát lại có thể đặt bút viết 1 câu vớ vẩn như vậy cho được, lẽ nào ở Đại học người ta không dạy cho Lê Mạnh Thát phương pháp làm việc? (Bộ ‘Nguyên Hòa Quận Huyện Đồ Chí’ vốn có phần Địa đồ nhưng sau này đã thất lạc, chỉ còn phần Văn, cho nên tác phẩm còn được gọi là ‘Nguyên Hòa Quận Huyện Chí’. Minh Di).
Hơn nữa, ở đây tôi chẳng thấy có sự ‘ghi chú sai khác’ giữa 3 tác phẩm kể trên hết. Nói sai khác là khi cùng 2 địa điểm mà khoảng cách giữa 2 địa điểm này mỗi sách ghi lại số liệu mỗi khác đó mới gọi là ‘sai khác’, trong khi ở đây, nếu đọc lại đoạn ghi chép của 3 tác phẩm trên thì ai cũng có thể thấy ngay là khoảng cách từ Hoan Châu đi ra các điểm ở 4 phía đều phù hợp, trường hợp tới các điểm khác nhau thì không kể.
Riêng ở phía Đông thì ‘Nguyên Hòa Quận Huyện Chí’ nói Hoan Châu cách biển 100 dặm, còn Sách ‘Thái Bình Hoàn Vũ Kí’ lại nói 102 dặm. Phải chăng Lê Mạnh Thát nói ‘sai khác’ là có ý nói điểm nàỷ Nếu vậy thì càng chết lớn nữa! Nhạc Sử (930 - 1007), tác giả Bộ ‘Hoàn Vũ Kí’ là người đời Triệu Tống, do đó đã ghi theo đơn vị đo thời Tống. 1 dặm đời Tống = 552.96 m. Cứ đó mà tính thì 102 dặm = 102 x 0.55296 cs = 56.40192 cây số, tính gọn là 56.401 cây số.
Dặm đời Đường, như đã biết, là 559.80 m, vậy 100 dặm = 0.55980 cs x 100 = 55.980 cây số.
Sai số giữa 2 khoảng cách không đáng kể, chỉ là 421 m; đây là do sự sai lệch giữa 2 hệ thống đo cộng với đường đo có thể hơi lệch đị Tóm lại, 102 dặm đời Tống = 100 dặm đời Đường, chỗ nào sai khác đây ông Lê Mạnh Thát?
Con người qui ước Đông, Tây, Nam, Bắc là để xác định vị trí của vật, xác định địa điểm, vậy mà khi đi tìm lại vị trí của ngôi Chùa cổ Thiệu Long ông tiến sĩ Lê Mạnh Thát rồi đã chẳng biết đâu là Đông, là Nam, là Tây, là Bắc.... để người đọc rồi cứ như bị ông đặt giữa biển lớn bao la, thêm vào đó là một ngày đầy sương mù.......... Và rồi, trong khoảng mênh mang, mờ mịt sương khói đó Lê Mạnh Thát đang chơ vơ tự bao giờ, trước hơn ai hết!
*
Tôi có thể khẳng định là những ghi chép của Kinh, Sử cổ Trung Hoa Lê Mạnh Thát trích dẫn lại trong bài viết của ông ta rồi chỉ là chép lại của người khác, cộng với một sự thiếu thành thực là không nói là mình chép của người khác, mà cứ làm như chính mình đã đọc những sách đó!
Khẳng định nói trên của tôi đã được chứng minh cụ thể ở một số đoạn trước đây, bây giờ tôi đưa thêm một vài chứng cứ nữa.
Về tiểu sử Thẩm Thuyên Kì, Lê Mạnh Thát viết:
- ‘Thẩm Thuyên Kỳ ‘‘là người Nội hoàng Tượng châu, đỗ Tiến sĩ, làm thông sự xá nhân, giỏi văn chương, sở trường về thơ thất ngôn, nổi tiếng ngang với Tống Chi Vấn, nên người đương thời gọi là thể Thẩm Tống. Sau Kỳ đổi làm khảo công lang viên ngoại, mắc tội giao thiệp với giặc, bị đày ra ngoài Ngũ Lĩnh..... Trong khoảng niên đại Thần Long, ông được gọi về giữ chức Khởi cư lang, rồi lên Tụ văn quán trực học sĩ...... Văn tập gồm 7 quyển’’.’ (tr. 03).
Lê Mạnh Thát nghĩ rằng trên đời không còn ai đọc được Hán văn chắc? Đọc mấy giòng sơ lược về tiểu sử Thẩm Thuyên Kỳ mà Lê Mạnh Thát tự nhận là ‘đã lập’ ‘từ Cựu Đường thư’ ở trang 03 dẫn trên mà tôi tức cười quá! Lê Mạnh Thát có đọc ‘Cựu Đường Thư’ hay không thì cứ việc giở bộ Sử thư này ra là biết ngaỵ 1/. Thẩm Thuyên Kì bị đày ra Hoan Châu, Lê Mạnh Thát nói là ‘vì mắc tội giao thiệp với giặc’.
Về việc bị đày này ‘Cựu Đường Thư’ ghi là Thẩm Thuyên Kì vì:
- ‘Tọa tang phối lưu Lãnh Biểu’. / Cựu Đường Thư. Qụ CXC Trung.Văn uyển trung /.
- ‘Phạm tội tham nhũng hối lộ, bị đày ngoài cõi Lãnh Nam’.
Trong 107 chữ chép về tiểu sử Thẩm Thuyên Kì trong bộ ‘Cựu Đường Thư’ không có 1 chữ nào nói Thẩm Thuyên Kì liên hệ với bất cứ 1 đám giặc nàọ (Bộ ‘Tân Đường Thư’ của văn học gia Âu Dương Tu (1007 - 1072) đời Triệu Tống (960 - 1279) và cuốn ‘Đường Tài Tử Truyện’ của Tân Văn Phòng (? - ?) đời Nguyên (1279 - 1368) cũng đều ghi rằng Thẩm Thuyên Kì phạm tội hối lộ mà bị đày ra Hoan Châụ
Tham khảo: ‘Tân Đường Thư’. Qụ CCIỊ Văn nghệ, phần Trung. ‘Đường Tài Tử Truyện. Qụ Ị Thẩm Thuyên Kì ).
2/. Cứ tiểu sử Thẩm Thuyên Kì Lê Mạnh Thát nói là ông ta ‘lập.... từ Cựu Đường thư’ (coi ở sau) thì Thẩm Thuyên Kì có ‘Văn tập gồm 7 quyển’. Bộ ‘Cựu Đường Thư’ chép về việc này như sau:
- ‘Hữu văn tập thập quyển’. / Sđd. Quyển thứ như đã dẫn trên /.
- ‘Có văn tập gồm 10 quyển’.
Và đây là tôi chưa kể Lê Mạnh Thát còn sai 3 điểm khác nữa là:
1/. Quê của Thẩm Thuyên Kì ở Tướng châu mà Lê Mạnh Thát lại ghi sai là ‘Tượng châu’.
2/. Khảo công Viên ngoại lang, Lê mạnh Thát ghi sai là ‘khảo công lang viên ngoại’.
3/. Thẩm Thuyên Kì từng giữ hàm ‘Tu Văn Quán Trực học sĩ’ mà Lê Mạnh Thát rồi đã ghi chép sai thành ‘Tụ văn quán trực học sĩ’.
Cứ những đối chứng tôi đưa ra trên đây thì ông Lê Mạnh Thát có đọc Bộ ‘Cựu Đường Thư’ như ông ta đã nói hay không, độc giả có thể thấy ngay!
Nếu Lê Mạnh Thát thành thực nói đã chép lại những điều trên từ ông A, ông B... nào đó thì cũng chỉ tội ở chỗ quá tin người mà làm sai theo người! Nhưng ở đây ông tiến sĩ Lê Mạnh Thát lại tự nhận là mình đã ‘lập bản tiểu sử Kỳ từ Cựu Đường thư’ thì tội
ở đây là tội nói láo, thiếu tự trọng - mà đã từ thiếu tự trọng thì đến việc không tôn trọng người, ở đây là người đọc, cũng chẳng xạ
Cách mấy trang sau đó Lê Mạnh Thát viết:
- ‘Ở trên, chúng tôi đã lập bản tiểu sử Kỳ từ Cựu Đường thư, đây là bản tiểu sử tương đối đầy đủ nhất, trừ chi tiết Kỳ đỗ Tiến sĩ năm Thượng Nguyên thứ 2, tức năm 675, theo Đường tài tứ truyện quyển 1. Những tác phẩm khác đa số đều sao chép lại bản này, như Toàn Đường thi quyển 95 tờ 1020 chẳng hạn. Đường thi ký sự quyển 11 tờ 160 của Kế Hữu Công không cho biết gì mới, còn Tân Đường thư quyển 200 tờ 1a-b11 thì ghi lại một cách lộn xộn khó hiểu và khó nhận’. (tr. 09).
Đọc mấy giòng trên đây tôi có một số nhận định sau:
1/. Lê Mạnh Thát nói rằng bản tiểu sử của Thẩm Thuyên Kì chép trong Bộ ‘Cựu Đường
Thư’ là ‘bản tiểu sử tương đối đầy đủ nhất’.
Bây giờ hãy thử xét qua một số tác phẩm chép về tiểu sử Thẩm Thuyên Kỳ mà Lê Mạnh Thát nêu trong đoạn văn trên của ông tạ
Trừ Bộ ‘Đường Thi Kỉ Sự’ (mà đoạn dẫn trên Lê Mạnh Thát ghi 1 chữ sai là Ký, thay vì Kỉ) của Kế Hữu Công (? - ?) đời Nam Tống (1127 - 1279) hiện tôi chưa có trong tay, còn 3 tác phẩm kia nếu đối chiếu với ‘Cựu Đường Thư’ thì như sau:
(!). Tân Đường Thư gồm 117 chữ.
(Qua đoạn văn dẫn trên thì càng lòi thêm là Lê Mạnh Thát rồi chỉ chép lại những điều kể trên từ đâu đó chứ không thực sự đọc những tác phẩm ông ta đã nêu ra - vì lẽ phần ‘Truyện’ (Tiểu sử) của Thẩm Thuyên Kì được ghi chép trong Quyển CCIỊ (Liệt truyện 127. Văn nghệ - Trung) của bộ ‘Tân Đường Thư’, tức Quyển 202 chứ không là ‘quyển 200’ như Lê Mạnh Thát đã ghi sai.
Ngoài ra, Lê Mạnh Thát nói là ghi chép của ‘Tân Đường Thư’ về phần tiểu sử Thẩm Thuyên Kì thì ‘lộn xộn khó hiểu và khó nhận’.
Tôi thì chẳng thấy phần tiểu sử này có gì là ‘lộn xộn khó hiểu’ hết, Lê Mạnh Thát rồi chẳng qua cũng chỉ sao chép lại của người, người nói sao Lê Mạnh Thát nói lại i vậy, có đọc chính văn đâu mà biết lộn xộn hay không lộn xộn! Riêng về 2 chữ ‘khó nhận’ thì tôi không rõ ông Tiến sĩ muốn nói cái gì? chữ viết khó nhận vì viết chữ Thảo hay Bản in trải in đi đi in lại mà nét chữ mờ?).
(2). Đường Tài Tử Truyện 203 chữ. (Xin coi Quyển I).
(3). Toàn Đường Thi 166 chữ. (Xin coi Quyển XCV).
Và ở đây tôi thêm 1 tác phẩm trọng yếu nữa về Đường thi là Bộ ‘Đường Âm Thống Thiêm’, của Hồ Chấn Hanh (1569 - 1645), cuối Minh triều (1368 - 1644).
(4). Đường Âm Thống Thiêm 155 chữ.
Đây là chưa kể phần Hồ Chấn Hanh dẫn lời Trương Duyệt, Giảo Nhiên triều Đường phê bình về thơ của Thẩm Thuyên Kì, phụ liền sau phần tiểu sử của thi nhân, gồm 53 chữ, in chữ nhỏ. Do đó tổng cộng là 208 chữ. (Tác phẩm trên đây, coi Quyển LỊ Ất Thiêm 69).
Phần tiểu sử Thẩm Thuyên Kì ghi trong Bộ ‘Cựu Đường Thư’, như tôi đã nói ở 1 đoạn trước, có tất cả 107 chữ. Đối chiếu với những tác phẩm trên đây thì ghi chép của ‘Cựu Đường Thư’ ngắn hơn cả! Nhìn chung, chi tiết về tiểu sử Thẩm Thuyên Kì trong những tác phẩm này đại khái cũng chẳng khác nhau bao nhiêu, có chi tiết này thì thiếu chi tiết kia..., bổ túc cho nhau!
- Có đối chiếu, nêu ra những con số cụ thể như trên mới thấy Lê Mạnh Thát chẳng biết gì cả mà chỉ nhắm mắt theo người nói càn.
Trong bài viết này, khi nêu ra 1 tác phẩm cổ Lê Mạnh Thát ghi khá đầy đủ, nào là tên tác giả và Quyển thứ rồi tờ bao nhiêu.... khiến người đọc nghĩ ông là 1 học giả uyên bác, thâm hiểu Cổ học nói chung, và Hán học nói riêng. Trường hợp này cũng hệt như trường hợp ông tiến sĩ Cổ sử học K.W. Taylor trong cuốn ‘The Birth of Vietnam’ đã khiến 1 số các ông các bà khoa bảng Tây học như Trương Bửu Lâm, Hồ Tại Huệ Tâm, Lê Thọ Giáo, Tạ Chí Đại Trường, Phạm Cao Dương..... ồn ào, tở mở ca tụng, ca tụng mà không biết người ta đúng hay sai, cứ thấy K.W. Taylor dẫn các sách Hán văn là các ông, các bà nhà ta mặt mũi cứ xanh lè, rõ là tội! Sau 2 bài phê bình Taylor của tôi có lẽ các ông các bà hết còn ồn ào khen bậy!
Lê Mạnh Thát có rơi vào trường hợp như K.W. Taylor hay không thì có lẽ phải đọc thêm một số bài viết khác của ông về loại này mới có thể kết luận dứt khoát. Tuy nhiên, qua một số khía cạnh về Hán văn, như chữ nghĩa, ngắt câu..., cũng như vấn đề trích dẫn tôi nêu ra trên đây thì... có vẻ Lê Mạnh Thát cũng cùng một hạng như K.W. Taylor.
Minh Di
6 tháng 3 năm 2006.
Bổ túc. 5 tháng 5 năm 2006.
Phụ chú :
Chữ đàm: chụp trong Từ Điển Từ Hải trang 1792. Bản in năm THDQ thứ 58 tại Đài Loan.
Chữ SONG: chụp trong Từ Điển Từ Hải trang 2158-như trên.
Thư Mục.
[1]. Thông Điển.
Đường. Đỗ Hựụ
Chiết Giang Nhân Dân Xuất Bản Xã 2000 / Sơ.
[2]. Đường Hội Yếụ
Triệu Tống. Vương Phổ.
Thượng Hải Cổ Tịch Xuất bản Xã (TQ) 1991 / Sơ.
[3]. Cựu Đường Thư.
Ngũ Đạị Lưu Hú.
[4]. Tân Đường Thư.
Triệu Tống. Âu Dương Tụ
2 bộ Sử thư ghi số hạng [3] và [4] trên đây tập trong
Nhị Thập Ngũ Sử Bản.
Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã 1991 / 8.
[5]. Trung Quốc Lịch Sử Đại Từ Điển.
(Tùỵ Đường. Ngũ Đại Sử).
Tùỵ Đường. Ngũ Đại Biên Toản Ủy Viên Hội biên.
Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã 1995 / Sơ.
[6]. Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập.
(Tùỵ Đường. Ngũ Đạị Thập Quốc thời kì).
Đàm Kì Tương chủ biên.
Địa Đồ Xuất Bản Xã (TQ) 1982 / Sơ.
[7]. Trung Quốc Độ Lượng Hành Sử.
Dân Quốc. Ngô Thừa Lạc.
Thượng Hải Thư Điếm (TQ) 1984 / Sơ.
[8]. Giản Minh Trung Quốc Lịch Đại Quan Chế Từ Điển.
An Tác Chương chủ biên.
Tề Lỗ Thư Xã (TQ) 1990 / Sơ.
[9]. Đường Âm Thống Thiêm.
Minh. Hồ Chấn Hanh.
Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã 2003 / Sơ.
[10]. Toàn Đường Thị
Thanh. Thánh tổ (Khang Hi) sắc soạn.
(Phụ: Toàn Đường Thi Dật.
Nhật Bản. Thượng Mao Hà Thế Ninh tập).
Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã 1986 / Sơ.
[11]. Đường Tài Tử Truyện.
Nguyên. Tân Văn Phòng.
(Tác phẩm này in chung Tập với cuốn Đường Âm Quí Thiêm của Hồ Chấn Hanh đời Minh).
Thế Giới Thư Cục (ĐL) 1977 / 4.
[12]. Kinh Truyện Thích Từ.
Thanh. Vương Dẫn Chị
Nhạc Lộc Thư Xã (TQ) 1984 / Sơ.
[13]. Cổ Đại Hán Ngữ Hư Từ Loại Giảị
Trần Hà Thôn.
Sơn Tây Giáo Dục Xuất Bản Xã (TQ) 1992 / Sơ.
[14]. Thuyết Văn Giải Tự Nghĩa Chứng.
Đông Hán. Hứa Thận.
Thanh. Quế Phức nghĩa chứng.
Tề Lỗ Thư Xã (TQ) 1987 / Sơ.
[15]. Thuyết Văn Thích Lệ.
Thanh. Vương Vân.
Trung Hoa Thư Cục (TQ) 1998 / 2.
[16]. Khang Hi Tự Điển.
Thanh. Thánh tổ (Khang Hi) sắc soạn.
Lăng Thiệu Văn đẳng toàn tụ
Cao Thụ Phiên trùng tụ
Linh Kí Xuất Bản Hữu Hạn Công Ty (HC) 1981 / Sơ.
[17]. Từ Nguyên (Súc ấn Hợp đính Bản).
Quảng Đông. Quảng Tây, Hồ Nam. Hà Nam Tu đính tổ.
Thương Vụ Ấn Thư Quán (HC) 1987 / Sơ.
[18]. Từ Hải (Hợp đính Bản. 1947 Bản).
Thư Tân Thành. Thẩm Dị Từ Nguyên Cáọ Trương Tướng.
Trung Hoa Thư Cục (HC) 1983 / Trùng ấn.
[19]. Từ Hải (Súc ấn Bản. 1979 Bản)
Từ Hải Biên Tập Ủy Viên Hộị
Thượng Hải Từ Thư Xuất bản Xã 1987 / 8.
Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử
Trúc-Lâm Yên-Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử