lịch sử việt nam
Giáo Sư Bút Xuân Trần-đình-Ngọc | Truyện Ký Tháng Ba Đói
Lời Dẫn: Ðúng 68 năm trước đây, 3-1945 – 3-2013, nạn đói kinh hoàng năm Ất Dậu làm gần 2 triệu đồng bào miền Bắc và Bắc Trung Việt tức tưởi ngã xuống như ngả rạ. Nhiều sử sách qui trách nhiệm làm chết gần 2 triệu người dân Bắc Việt cho Pháp thực dân và Nhật quân phiệt đã thu mua, tích trữ, thậm chí dùng thóc lúa đốt thành than chạy đầu máy xe hỏa, cũng như bắt dân ta bỏ lúa trồng đay.
Những điều đó đều đúng nhưng tác giả chuyện ký này thêm rằng, trách nhiệm còn thuộc về vua Bảo Ðại, lúc đó đang là hoàng đế Việt Nam, cai trị và đại diện người Việt Nam trước Chính Phủ Pháp thực dân và quân phiệt Nhật và đảng Việt Minh tức Việt Nam Độc lập Đồng Minh hội.
Hoàng đế Bảo Ðại không hề lên tiếng để ngăn chận âm mưu độc ác này của Pháp và Nhật cũng như tìm cách cứu đói khi hàng trăm cái kho chứa đầy gạo ở Hải phòng, Hà nội bị khóa kín, gạo thối rữa thành những đống phân...mà chính tác giả bài này nhìn tận mắt. Cả sau trận đói, hoàng đế Bảo đại cũng không hề có một lời thương cảm thần dân bị chết oan của ông!
Còn đảng Việt Minh tức Việt cộng, vì nhu cầu nuôi quân, đảng này đã cướp thóc lúa của dân dưới dạng kết tội rồi tịch thu khiến dân chúng không còn gì để ăn, lăn ra chết hàng loạt như ngả rạ. Thật vô cùng thảm thương.
Quê người viết bài này ở vùng Xuân Trường, Nam định, nơi nạn đói không từ một mạng người nào nhưng may thay lúc đó, thân phụ của người viết đang là một Đông Y sĩ hành nghề tại Hải Phòng, thành phố dưới sự kiểm soát của Pháp, Pháp cấp thẻ mua gạo cho từng gia đình ít nhiều tùy theo số nhân khẩu nên nhờ vậy, những cư dân trong các thành phố 100% qua được nạn đói mà còn có thể dùng gạo dư cung cấp cho thân nhân ở vùng quê, cầm cự cho qua nạn đói.
Tưởng cũng nên thêm chút tư liệu về đói để bạn đọc tường lãm. Nguyệt San Readers’ Digest trong năm 2003 có đăng:”Trên thế giới đã có 57 triệu người chết đói, trong có 10.5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Chỉ trong năm 2003, Nigeria (Châu Phi) mất mùa, nạn đói giết 150,000 trẻ em (không thấy nói người lớn). Cứ 1 phút, trên thế giới có 23 đứa trẻ chết vì đói và mỗi ngày, hàng trăm triệu trẻ em đi ngủ với bụng đói.
Nạn đói ở Bắc Việt năm 1945 là do hậu quả chính sách dã man của thực dân Pháp, lệnh bỏ lúa trồng đay của quân phiệt Nhật, chính phủ bù nhìn, vô trách nhiệm của vua Bảo Đại và Việt Minh cướp thóc gạo được tiếp tế cho nông dân để nuôi quân đội của họ, theo Sử gia Trần gia Phụng và nhiều Sử gia khác.
TRƯỚC KHI VÀO TRUYỆN
Ba nước Ðức, Ý, Nhật đã thành lập Phe Trục từ 1939 vì họ muốn bá chủ thế giới.
Ðức, Ý với hai ông trùm Hitler và Mussolini xâm chiếm Âu châu. Nhật bản được giao vùng Ðông Nam Á châu, Nhật muốn bành trướng chủ trương Ðại Ðông Á do Nhật lãnh đạo.
Từ năm 1940, quân đội Nhật đã chiếm Ðông Dương. Lẽ ra, động đến lãnh địa của Pháp, Pháp phải quyết liệt bảo vệ vì danh dự, vì quyền lợi “mẫu quốc” trên mảnh đất thuộc địa Pháp đã làm chủ gần 80 năm. Nhưng vừa đụng độ, Pháp đã bị thiệt hại trước quân đội Nhật kiêu dũng. Sau đó Pháp đầu hàng sớm vì khiếp nhược không dám chống chõi với quân đội Nhật. Nếu quyết chống cự, có thể Pháp vẫn thất bại nhưng là thua trong danh dự, không bị Nhật khi dể, coi thường như một thằng con nít.
Các thành phố lớn đầy dẫy quân đội Nhật. Nhật muốn ở tòa nhà nào, muốn đóng trại nơi đâu tùy ý, Pháp trong lòng đau khổ nhưng bên ngoài một mực tuân theo vì sợ chết, không dám hó hé.
Tôi còn nhớ đã mấy lần ở Hà nội, ngay bờ hồ Hoàn Kiếm và có lúc ở ga Hàng Cỏ, tôi đứng chứng kiến vài sĩ quan Nhật đánh sĩ quan Pháp đổ máu mồm máu mũi vì có chuyện gây lộn với nhau sao đó. Có lần tôi thấy một sĩ quan Nhật rút trường kiếm đeo bên hông chém sả vai một sĩ quan Pháp ngay ở hông nhà hát lớn Hải phòng. Phía Pháp có năm, bảy người; phía Nhật ít hơn, chỉ có hai, ba nhưng bọn Pháp chịu nhục, bảo nhau kéo nhau đi sau khi đã băng bó cho đồng đội trước sự chứng kiến của dân chúng trong phố.
Những sự đụng chạm như vậy, trong vài năm đầu Nhật tới, xẩy ra thường xuyên và hầu như lần nào Pháp cũng thảm bại. Ðau khổ nhất là Pháp chịu sự nhục nhã với dân bị trị, dân Việt, trước đây Pháp vẫn bắt nạt, trên chân, hống hách. Khi nào có những chuyện lớn xẩy ra, sĩ quan Nhật thường dùng vô tuyến gọi cho đồng đội đến trợ lực. Vô tuyến điện thoại lúc đó ở Hải phòng, Hà nội là những máy móc tuyệt hảo, người dân chỉ đứng mà trầm trồ đâu có như ngày nay, chỉ sau hơn nửa thế kỉ, hầu như ở mọi vùng, ai cũng có cell phone.
Ở ngay nước “đại” Pháp, Ðức xua quân tới chiếm đóng. Ðức chiếm Paris ngày 14-6-1940 cũng không khó khăn hơn Nhật chiếm Quảng đông thuộc Trung hoa thời gian đó.
Hồi đó phi cơ Mỹ đến các thành phố Việt Nam có quân Nhật trú đóng dội bom hàng ngày, có khi máy bay Mỹ cả trăm chiếc bay rợp trời và oanh tạc khủng khiếp lắm. Phòng không Nhật bắn lên bằng súng cao xạ - lúc đó gọi thế - thỉnh thoảng phi cơ Mỹ cũng rớt.
Hà nội, Hải phòng, Nam định, Thái bình, Hà nam, Phủ lý... khu phố nào cũng phải đào hầm hố tránh bom. Khi nghe còi hụ của thành phố là phải chạy ra “tranché” tức hầm trú ẩn có ngày năm, bảy lần, hết cả làm ăn, buôn bán. Ðó là những hầm trú ẩn công cộng.Có nhiều nhà, ngay trong những căn phố diện tích ở rất hẹp nhưng cũng hi sinh đào hầm tránh bom, vừa đỡ thời gian di chuyển, vừa bớt nguy hiểm. Cái hầm chỉ 1m2, sâu hơn đầu người, có lối thoải thoải đi xuống, trên đặt những thân cây lớn nắm ngang, lấp đất hoặc gạch lên trên là có thể đủ cho 10 người xuống trú ẩn. Khi còi hụ lâu quá, có nghĩa nguy hiểm vẫn rình rập, người ta mang cả cơm, bánh xuống hầm ăn cho được việc.
Ðược cái phi cơ Mỹ ít bỏ bom vào khu dân cư mà chỉ tìm đánh những trại binh, đoàn quân xa hoặc phi trường có máy bay Nhật. Sau này, Mỹ cũng đánh phá những chuyến xe lửa chở than Hòn gai về Hà nội, Hải phòng tiếp tế cho Nhật. Nhật dùng than để chạy máy tầu xe lửa, kéo các toa chở quân nhu, quân cụ, binh lương. Mỹ biết thế nên oanh tạc mỏ than Hòn gai và các chuyến xe lửa chở than ra. Từ đó, Nhật phạm vào một tội ác không thể tha thứ: lấy thóc đã tích trữ được của dân quê Việt đem đốt thành than để chạy đầu máy xe lửa! Ðó là một trong những nguyên nhân chính đưa đến nạn đói tháng Ba năm Ất Dậu (khoảng tháng 4-1945).
Trở lại vụ máy bay Mỹ đến bắn phá, cũng có khi khu trục cơ Nhật lên nghinh chiến, hai bên quần thảo, bắn nhau trên bầu trời, tiếng rú của máy bay nghe xé màng tai. Những loạt đại liên từ máy bay bắn xuống thường gây tử vong cho những người đi đường chưa kịp núp tránh.
Sau mỗi trận oanh tạc, thế nào cũng có thiệt hại nhân mạng và vật chất. Những cơ sở lớn và những trại binh luôn luôn là mục tiêu của phi cơ Mỹ.
Tham vọng của Nhật rất lớn nên Nhật tìm mọi cách khống chế Ðông Dương, lúc đó đang trong tay người Pháp. Kỹ nghệ phục vụ chiến tranh của Nhật không đủ sức cung cấp nếu chỉ dùng những phương tiện tại chính quốc. Quân đội Nhật, ở cao điểm lên tới cả trăm ngàn, đi tới đâu là lợi dụng lương thực, phẩm vật, ngay cả lao công Nhật cần để phong phú hoá nguồn tiếp liệu. Nhật chủ trương “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” nghĩa là Nhật khoán trắng cho người dân Ðông Dương phải nuôi quân Nhật, phải cung cấp mọi thứ cần dùng. Nhật cũng đưa tiền Nhật vào tiêu, bắt người dân phải nhận đồng bạc Nhật. Người dân thế cô đành phải chịu vì lúc đó nhà băng còn rất hiếm, với một số tiền nhỏ nhoi, làm sao mang đi đổi?
Vả lại, ngân hàng trong tay người Pháp, Pháp không chịu đổi ra tiền Ðông dương cho thì cũng huề. Ðã có một số thương gia làm ăn với quân đội Nhật bị thất bát như thế nhưng biết di đâu mà thưa kiện. Cái binh đoàn mình làm ăn, buôn bán với thì nó đã di chuyển đi mất tăm mất tích, ngôn ngữ bất đồng, đành phải chịu mất tiền toi, ôm mớ bạc Nhật ngồi khóc dù khi làm giao kèo cung cấp thì ấn định bằng tiền Ðông Dương đang lưu hành. Tôi đã nghe người ta kể chuyện một thương gia ở Hà nội nhận cung cấp hạt tiêu nguyên hạt và hạt tiêu đã xay, ớt khô, đường cũng như vài thứ hương liệu khác cho quân đội Nhật. Số tiền khoảng vài chục ngàn Ðông Dương nhưng khi giao hàng và cả tuần lễ sau mới nhận được tiền thì lại là tiền Nhật. Người bán không chịu nhưng sĩ quan Nhật cứ bỏ tiền lại ra về.
Bà thương gia Việt bèn đến trại binh nơi bà đã kí giấy tờ cung cấp xin gặp ông Tướng Tư Lệnh nhưng bà ngồi ở căn phòng tiếp khách ở cổng vào từ sáng tới tối, mấy ngày liền như thế mà không gặp được ông tướng để khiếu nại, cũng không ai giải quyết cho bà. Cuối cùng bà phải chịu thua ra về. Có một sĩ quan Nhật nhờ thông dịch viên cho bà hay rằng, tiền đó cứ ra Ngân hàng Ðông Pháp là đổi ra tiền Ðông Dương được. Nhưng khi bà tới nhà băng, người ta bảo chưa có lệnh cho đổi tiền Nhật lấy tiền Ðông Dương.
Có lẽ không ít người bị cái nạn đó vì tưởng làm ăn với Nhật thì sẽ kiếm đưọc chút lời cũng như một số người mình thường nghĩ làm ăn với người ngoại quốc kiếm tiền dễ hơn.
Lúc đó quân đội Nhật dùng rất nhiều vỏ đay, vỏ gai trong việc chế biến các túi, võng, lưới để chuyển vận các chiến cụ nên Nhật đã ra lệnh nông dân Bắc Việt bỏ lúa trồng đay.
Khi thu được vỏ đay, đại diện của Chính phủ Nhật về nông thôn cân đay, trả tiền nhưng trả giá rất thấp, không đủ cơm công. Chính bởi kế sách bỏ lúa trồng đay của Nhật, nơi nào còn trồng lúa thì bị mất mùa, miền Bắc đã thiếu gạo trầm trọng cho đến đầu năm 1945, năm Ất Dậu, cả miền Bắc nhao lên vì đói.
Có những nhà còn tiền, còn vàng nhưng không tìm đâu ra thóc, ra gạo mà mua. Ngay khoai lang, khoai môn, sắn nùng nai (khoai mì) cũng không còn. Nhà nào còn năm, ba thùng thóc thì canh như canh mả tổ, ăn cầm hơi bằng những bữa cháo, chờ một phép lạ xẩy đến.
Ngày 7-12-1941, không quân Nhật tàn sát căn cứ quân sự Hoa kỳ tại Trân châu cảng (Pearl Harbor) làm hơn ngàn binh sĩ Mỹ tử thương, cả chục khu trục và hộ tống hạm, rất nhiều máy bay bị thiêu hủy, một thảm bại nặng nề khiến Mỹ phải tuyên chiến với Nhật. Nhưng trước đó, Nhật đã ép Chính phủ Pétain, Pháp phải kí một Hiệp ước cho Nhật được quyền đóng quân từ ải Nam quan đến mũi Cà mau. Năm 1940, khi Nhật mới đặt chân vào Việt Nam, Nhật chỉ có 6,000 quân. Hiệp ước này tăng cho Nhật thành 35,000 quân (đó chỉ là con số trên giấy tờ, thực sự có thể nhiều hơn).
Ngoài ra, để kềm chế Pháp, Nhật cũng đặt một vị Ðại sứ Nhật bên cạnh Toàn Quyền Ðông Dương, ông Yoshizawa, mà từ trước chưa bao giờ có. Mặc nhiên, dân Việt có hai kẻ đô hộ cùng lúc: Pháp và Nhật, khác nào một cổ đôi tròng.
Nhật cũng ép Pháp phải kí một thỏa ước thương mại với Nhật, ngoài những ưu tiên Nhật được khai thác như mỏ than, thủy điện v.v...Pháp còn phải cung cấp cho Nhật:
Năm 1941 700,000 Tấn gạo Pháp chỉ giao được 585,000T
1942 1,050,000T “ 973,908T
1943 1,125,000T “ 1,023,470T
1944 900,000 T “ 500,000T
Cộng chung, số gạo Pháp giao cho Nhật là 3,081,378T
Ðể có hơn 3 triệu tấn gạo này, nông dân Việt phải sản xuất hơn 6 triệu tấn thóc, chưa kể thóc ăn để làm mùa và làm giống, tức phải có trên 10 triệu tấn thóc trong 4 năm. Với một số dân nhỏ nhoi lúc đó, nông cụ thô sơ, làm thế nào để có được số thóc như Nhật và Pháp qui định cho khỏi tù tội, tịch biên gia sản? Nông dân miền Bắc chết đói là lẽ đương nhiên. Gia đình nào có 40 tạ thóc chẳng hạn, phải bán cho Pháp 30 tạ tức ¾ số thu hoạch, nếu không đủ phải mua ngoài để bù vào, với giá 200 đồng/tạ trong khi Pháp chỉ trả 25đ/tạ.
Về giá cả, do áp lực của Nhật và cũng do Pháp thiếu tiền để mua vì Nhật bắt cung cấp “chùa” mà không trả tiền, Pháp đã ép giá nông dân Việt cả về gạo, thóc và đay gai.
Giá thị trường lúc đó khoảng 200 đồng Ðông Dương một tạ (100kg) thóc; như trên đã nói, Pháp chỉ trả nông dân ta 25 đồng trong khi giá vốn đã 80 đồng.
Sưu cao thuế nặng, dân Việt è cổ ra đóng cho Pháp, Pháp lấy tiền đó mua gạo hối lộ cho Nhật để được yên thân. Khi Nhật chưa đến Ðông Dương (1939), Việt Nam chỉ đóng 44,308,000 đồng tiền các thứ thuế; đến năm 1944 thuế tăng hơn gấp đôi: 98,072,000 đồng.
Dù vậy, Pháp vẫn phải in thêm tiền Ðông Dương để cung ứng cho các nhu cầu của quân đội Nhật. In thêm tiền có nghĩa lạm phát. Năm 1943, số tiền lưu hành là 723 triệu, gấp 7 lần Ngân sách Ðông dương 4 năm trước đó và đến 1944 lên đến 1 tỉ 52 triệu đồng. Vì vậy vật giá tăng cao, người dân Việt sống trong thời kì gạo châu, củi quế. Người dân quê lúc đó có câu đồng dao:
Ba đồng, gạo tẻ một thưng
Mẹ con chết đói vì chưng không tiền.
Lạm phát, tiền nhiều trong tay thực dân và quân phiệt, đâu có đến tay nông dân nghèo khó Việt nên chỉ 3 đồng một thưng, một đấu gạo mà mẹ con vẫn chết đói.
Ngoài gạo, Nhật cũng đòi Pháp phải cung cấp ngô (bắp) để nuôi ngựa, lừa Nhật dùng để thồ chiến cụ.
Năm 1942: Pháp giao 124,923 tấn ngô; 1943: 98,700 tấn; 1944: 18,263 tấn; đầu năm 1945: 12,134 tấn.
Theo tài liệu của Toàn quyền Decoux, làng Thượng Cẩm, huyện Thái Ninh, Thái Bình có 4000 người chết còn 2,000, trong đó có 900 suất đinh (trai tráng) chết còn 400. Sau tết Ất Dậu, có ngày 20,000 người chết trong lúc đó, lừa ngựa Nhật vẫn được no đủ.
Cũng theo tài liệu của Toàn quyền Decoux:
tỉnh Thái Bình dân số 700,200 chết 260,000
Vựa thóc Nam Ðịnh 680,000 “ 229,650
tỉnh Ninh Bình 200,000 “ 37,936
tỉnh Hà Nam 400,000 “ 50,383
Văn phòng Toàn quyền Decoux tổng kết 1 triệu người Bắc Việt chết đói nhưng con số thực phải cao hơn nhiều.
Cũng nói thêm, vừa phần trong Nam không có chương trình cứu đói ngoài Bắc vì Pháp, Nhật lơ là đã đành, Chính phủ Nam triều do vua Bảo Ðại cầm đầu cũng để mặc dân chết đói. Hai triệu người chết, không lẽ hoàng đế đang nắm quyền cai trị không biết. Cho dù ông ở Huế, quan Khâm sai đại thần, quan Tổng trấn Bắc kỳ lại không báo cáo hằng ngày cho ông thảm cảnh người chết đói la liệt ở Hà nội, Hải phòng, Nam định, Thái bình, Hà Nam, Phủ lý và ở mọi vùng thôn quê trên đất Bắc và Bắc Trung Việt như Thanh hóa, Nghệ an, Hà tĩnh vv... Nếu ông không biết, ông đắc tội với Dân tộc, nếu ông biết mà ngồi nhìn cho thần dân của ông chết đói, ông vừa là một ông vua bù nhìn vừa đắc tội với thần dân của ông.
Tiếng mõ khua lên giữa đêm khuya thanh vắng vào lúc mọi người chưa ngủ làm ai cũng phải lắng nghe. Ðó là tiếng mõ của chú Rong, một người mõ làng vào tuổi gần lục tuần.
“Cốc cốc cốc. Cả làng cả nước dỏng tai mà nghe đây. Theo lệnh từ tỉnh sức về, thì làng ta phải trồng cho được ít nhất là 100 mẫu đay lấy vỏ, các gò đống phải trồng gai lấy vỏ. Mỗi nhà chỉ để lại năm sào trồng lúa, còn phải trồng đay hết, bắt đầu ngay mùa này. Ðến lúc thu mua, Chính phủ sẽ cho người về cân trả tiền. Cốc cốc cốc. Ai không tuân lệnh này sẽ bị phạt tiền và tù. Cốc cốc cốc.”
Chú mõ Rong đi hết giong này đến giong khác, xóm này đến xóm kia để rao lệnh của phủ Xuân trường, tỉnh Nam Ðịnh, sức xuống chánh tổng, chánh tổng đưa xuống lý trưởng các xã.
Sau khi nghe được lời rao, dân làng đều nhốn nháo cả lên.
Hai vợ chồng anh Thường đang ngồi tại phản, giữa để một ngọn đèn Hoa kỳ bằng thủy tinh cho một ngọn lửa yếu ớt. Trên cái đĩa sành cạnh đó còn vài miếng trầu đã têm, vỏ và cau. Cái điếu bát với mấy thanh đóm nứa cháy dở và tàn thuốc, chiếc xe điếu gác lên bát gỗ.
Ngồi phía trong là ông bà Thung, bố mẹ anh Thường đều đã ở tuổi sáu mươi nhưng còn khoẻ mạnh. Những đứa trẻ con anh chị Thường đã đi ngủ sớm, nhưng người lớn còn ngồi chuyện trò một lúc để trao đổi những công việc đồng áng sẽ làm cho ngày mai.
Vừa nghe xong tiếng mõ rao, ông Thung bảo Thường:
“Thường, vợ chồng mày có nghe gì không? Hay là tai tao điếc? Chú mõ Rong vừa rao là phải bỏ lúa trồng đay, trồng gai. Mày chạy theo mõ Rong nghe thêm một lần nữa xem có phải như vậy không?”
Hai vợ chồng Thường và cả bà Thung đều nói:
“Bố nghe đúng đấy. Mõ rao phải bỏ lúa trồng đay. Ðể con chạy theo nghe thêm cho chắc ăn.”
Nói xong, anh Thường đứng lên mở cửa ra ngõ. Nhân dịp, chị Thường đứng lên đi coi hai cái giường các đứa trẻ đã ngủ yên chưa và màn (mùng) đã buông tử tế chưa kẻo muỗi nhiều lắm. Bây giờ đang bắt đầu mùa hè - năm 1942 - mùa cho muỗi sinh sôi nảy nở đến nỗi nhiều nơi phải buông màn hay mành mành dầy cho trâu, cho lợn nếu không muốn bị muỗi làm thịt súc vật.
Lí do là ao hồ nhiều; những vũng nước trâu đầm, những vũng nước trong vườn, ngay cả những bể nước mưa, lu, khạp đựng nước, bốn bát nước kê bốn chân trạn thức ăn để ngừa kiến, tất cả những chỗ đó muỗi đã vào đẻ trứng, trứng nở ra lăng quăng rồi thành muỗi. Thuốc xịt trừ muỗi chưa có, nông dân thiếu học không được chính quyền phái nhân viên về hướng dẫn nên càng ngày muỗi càng sinh sôi nảy nở ra rất nhiều. Những loại muỗi độc (anophèle) chích cho người các thứ bệnh sốt rét ngã nước hay sốt xuất huyết, người và cả thú vật chết quay ra mà nông dân ta chẳng biết vì đâu. Thật là khổ sở khi còn tăm tối, dốt nát!
Chỉ khoảng ba tuần nữa là lúa được gặt. Chị Thường nghĩ đến mà lòng thấy vui vui.
Dập lại xong hai cái màn, chị trở lại cái phản gia đình thường ngồi để ăn cơm, cầm cái quạt đuổi muỗi vo ve xung quanh. Anh Thường cũng vừa về tới.
“Thưa bố mẹ, bố nghe đúng đấy. Mõ rao rằng, mỗi gia đình chỉ để lại 5 sào cấy lúa đủ ăn, còn bao nhiêu phải trồng đay, trồng gai lấy vỏ. Người của Chính phủ Nhật sẽ về thu mua, trả tiền theo thời giá một cân đay, một cân gai lúc đó. Bắt đầu ngay vụ tháng mười này. Ai không tuân lệnh, lí trưởng bắt giải lên huyện, bị tù và phạt tiền rất nặng.”
Cả ba người nghe xong đều sửng sốt. Ông Thung bảo:
“Thế mày có nghe ai nói Chính phủ Nhật mua đay như vậy để làm gì không?”
“Hồi chiều ở ngoài ruộng, con gặp anh Tuyến con bác Khắc, mới đi tỉnh về. Anh Tuyến cho con biết tin trồng đay nhưng con chưa dám chắc nên chưa nói cho bố mẹ nghe.
Anh Tuyến nói, quân đội Nhật đã xâm chiếm toàn vùng Ðông Dương, lật người Pháp xuống. Pháp hiện nay sợ Nhật lắm. Còn Nhật thì tuyên chiến với Ðồng minh Hoa kỳ, Anh, Nga, Pháp và nhiều nước khác ở Âu châu. Nhật cùng một phe với Ðức và Ý, gọi là phe Trục. Phe Trục muốn bá chủ thế giới. Lãnh tụ Hitler của Ðức rất độc ác, đi tới đâu giết chóc tới đó. Lãnh tụ Ý là Mussolini, còn Nhật thì Minh Trị thiên hoàng, theo Hitler. Ba nước đó là mối lo chung cho toàn thế giới.
Riêng Nhật xâm chiếm Ðông dương do sự phân chia vùng trách nhiệm và chiếm lĩnh của phe Trục. Nhật dùng vỏ đay, vỏ gai đan lưới, đan bao để di chuyển quân dụng của họ nên cần nhiều đay lắm mà trong xứ họ không có, cũng không trồng được vì đất hẹp.”
Ông Thung cau mày nghĩ ngợi, những nếp nhăn càng nhiều hơn trên mắt, trên trán, trên má:
“Thế bố hỏi mày, gia đình mình cả thảy mười người mà chỉ cấy năm sào thì sao đủ ăn?”
Bà Thung vẫn ngồi nghe, giờ chêm vào:
“Một mẫu cũng chỉ mới tạm đủ ăn, chưa có lúa giống. Năm sào thì cứ gọi là đói xanh mắt.”
“Con cũng đã nghĩ đến điều đó, bố mẹ. Con bối rối quá chửa biết phải làm sao đây. Cưỡng lệnh Chính phủ, dù là chính phủ từ đâu tới đây đô hộ mình, là ở tù, lại còn bị phạt tiền nữa. Người Pháp kia, dữ dằn như thế, súng ống máy bay tầu bò như thế mà còn phải chịu nước lép với Nhật, anh Tuyến nói Pháp gặp Nhật là cứ một phép như rắn mồng năm. Thế thì mình là người dân chỉ có tay không, làm sao chống chõi được với họ, hả bố?”
Ông Thung thở dài sườn sượt:
“Tao chắc là đói đến nơi rồi mày ạ.”
Anh Thường lại nói:
“Hay con bàn với bố thế này. Vườn nhà ta phía trước phía sau, ta không trồng rau nhiều nữa mà trồng khoai, trồng ngô. Thu hoạch được, ta trữ trong cót để ăn dần lúc đói kém. Bố nghĩ sao?”
“Liệu mình trồng cái đó chúng có cho mình trồng không?”
“Con nghĩ là được vì hai mẫu ruộng cấy lúa, mình đã trồng đay một mẫu rưỡi, chỉ có năm sào lúa. Trồng khoai ngay trong thổ nhà mình phải là được chứ?”
“Thôi khuya rồi. Hai vợ chồng mày đi ngủ đi sáng mai còn dậy sớm ra đồng.”
Từ hôm lệnh trồng đay ra, cả huyện, cả tỉnh nhốn nháo cả lên. Nhưng không phải chỉ riêng tỉnh Nam Ðịnh, các tỉnh ở vùng trung châu này như Thái Bình, Hải phòng, Quảng Yên, Bắc Ninh, Hà Ðông, Hà nội, Hải phòng, Kiến An, Hải dương, Vĩnh Phúc Yên, Sơn tây, Hưng Yên v.v... đều được lệnh bỏ lúa trồng đay và gai. Phải là một kế hoạch chiến lược rộng lớn lắm thì người ta mới huy động đến toàn cõi Bắc Việt bỏ lúa, một thứ ngũ cốc tối quan trọng để nuôi sống toàn vùng mà trồng một thứ khác.
Kể từ đời thượng cổ khi mới có dân Lạc Việt, từ du mục biến cải sang nông nghiệp, lúa nước, tộc Lạc Việt đã bám lấy mảnh đất cha ông để lại, cầy cấy, vun bón trên đó để đổi lấy một đời sống khiêm nhường: tay làm hàm nhai, không dư dả là bao. Chung qui bởi kĩ thuật trồng cấy và nông cụ còn quá thô sơ.
Nhà nông chỉ có cái cày, cái bừa, cái cuốc, cái xẻng và con trâu. Tất cả chỉ có chừng đó, con người phải vật lộn với đất đai, mưa nắng dãi dầu, sao cho đất sản sinh ra thực phẩm nuôi người để con người sống còn. Nông dân Việt lúc đó không có tham vọng gì hơn là được đủ ăn, đủ mặc, có cái nhà che nắng che mưa, có mảnh vườn trồng rau, trồng khoai tiếp tế cho cái bếp mỗi ngày nổi lửa hai lần, đem thức ăn cho mọi người trong gia đình no đủ. Thế là họ vui rồi, không còn ước nguyện gì hơn.
Nông cụ như nói trên, làm bằng kim khí thì chỉ có cái lưỡi cày, những cái răng bừa, lưỡi cuốc, lưỡi xẻng, con dao, còn thảy đều bằng gỗ, dùng tay đẽo từ một khúc cây lớn mà thành, thí dụ như cái cày. Một chút xíu đồ kim khí đó cũng không được sản xuất qui mô. Những thợ rèn trong làng, từ đời cha đời ông, lượm sắt vụn cho vào lò than, dùng bễ thổi cho than cháy mạnh nướng sắt chảy ra, để lên đe, uốn nắn thành cái lưỡi cày, răng bừa, con dao, cái kìm, cái búa. Tất cả chỉ có thế nên con người phải đánh vật với đất đai và thiên nhiên khắc nghiệt mới kiếm được miếng ăn. Trải cả nghìn năm, cũng như người Tàu, kĩ thuật nhà nông không tiến lên đưọc một phân nên sản xuất vẫn kém mà nông phu vẫn cứ vất vả đầu tắt mặt tối.
Cho đến cuối thế kỉ 20, nhiều nhà nghiên cứu Âu - Mỹ khi khảo sát về Việt Nam họ còn viết rằng, trong căn nhà của nông dân Việt, khí cụ toàn bằng gỗ, tre, nứa, kim khí rất ít. Nó chứng tỏ trình độ phát triển kĩ thuật quá thô sơ. Ngay như giờ đây (2004), Việt Nam vẫn chưa làm được cái kim máy may hay kim khâu. Làm sao dân có thể sung sướng được trong khi giữa năm 1969, Hoa Kỳ đã đưa người lên cắm cờ trên mặt Trăng?
Ngoài nông cụ thô sơ, nông dân Việt còn phải lo đối phó với thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên.
Cấy lúa từ thượng cổ, người Việt đã từng có kinh nghiệm với những trận bão mùa hè, phá hoại dữ dội mùa màng, dù bông lúa mới đông sữa hay đã chín vàng thảy đều thiệt hại không gì có thể bù lấp. Và viễn ảnh là những ngày tăm tối, đói khát, đau khổ cho đến vụ mùa năm tới, nếu trời thương lúa mạ được gặt.
Bởi đã kinh nghiệm nhiều vụ đói, dăm bảy năm một lần do bão táp, lụt lội, hạn hán, gió trái mùa hoặc sâu rầy, chuột bọ tàn phá mùa màng, người dân Bắc Việt rất sợ thiếu cái ăn mà chẳng trông vào một nguồn tiếp tế nào khác ngoài nguồn của chính mình, do chính mình làm ra.
Nay lệnh trên sức xuống bắt bỏ lúa trồng đay, gai, ấy là những đêm mất ngủ của các chủ gia đình.
Hồi chuông chùa và chuông nhà thờ sớm mai vừa đánh lên rổn rảng, anh Thường đã vạch màn chui ra. Theo dự trù, ngày hôm nay, trước khi ra đồng, anh phải xúc thóc ngâm cho nẩy mầm rồi gieo mạ để làm mùa tới. Như mọi khi, anh phải dùng tới vài, ba gánh thóc lúa giống, nhưng tin bỏ lúa trồng đay hôm qua làm anh sững sờ. Anh chỉ phải ngâm chừng vài thúng là đủ.
Anh Thường đi xuống bếp kiếm cái bùi nhùi rơm lấy lửa. Anh định hút một điếu thuốc lào cho tỉnh ngủ trước khi bắt tay vào việc. Anh vừa khom người thổi cho lửa bắt vào cái đóm thì nghe vợ anh nói ở sau lưng, như một lời chào thông lệ mỗi buổi sáng dù lúc anh ra khỏi mùng chị đã biết:
“Mình đã dậy? Hôm nay mình có định ngâm thóc làm mạ không?”
Anh Thường ngưng thổi:
“Mình đấy hả? Tôi còn đang phân vân đây. Chắc chỉ ngâm đủ mạ năm sào thôi. Có được cấy đâu mà ngâm lắm. Ngâm lắm rồi đổ đi à. Chắc chắn người ta không cho mình cấy quá 5 sào rồi.”
“Tôi thấy mình thức gần suốt đêm mà tôi cũng không ngủ được. Cơ đềm này lấy gì mà nuôi con, hả mình?”
Anh Thường nín lặng. Giọng êm ả của vợ mà như những con dao lóc vào trái tim anh vì anh là chồng, là cha, là chủ gia đình, là người lái thuyền trên đó có bố mẹ, và vợ con anh. Trách nhiệm của anh thực nặng nề.
Bi thuốc lào đã bỏ vào nõ, cái đóm cháy hết anh đã lấy cái khác mà anh còn suy tư quên cả điếu thuốc như mọi khi đã sang điếu thứ hai. Nhưng rồi theo thói quen, anh cũng hút và đứng lên, bảo vợ:
“Mình đi xúc cho tôi hai thúng thóc để tôi đem ngâm không sáng bạch rồi, còn phải ra đồng phát bờ để còn kịp gặt.”
“Có năm sào mà sao mình ngâm lắm thế?”
Anh Thường ngần ngừ:
“Tôi hi vọng nhà nước bỏ lệnh này vì họ nghĩ lại. May ra... Chứ mình nghĩ ai không biết cấy năm sào thì gia đình đông đâu đủ ăn?”
“Tôi chỉ sợ ngâm nhiều rồi không được cấy phải vứt mạ, uổng thóc đi thôi!”
“Ừ, thôi. Mình xúc cho tôi hơn thúng thôi.”
Một thúng là đủ cho 5 sào. Mọi mùa, chị phải xúc năm, sáu thúng đầy có khi vẫn thiếu phải đi vay mạ nhà anh Tảng, rồi ngâm thóc, gieo, trả sau vì anh Tảng thường cấy trễ.
Chị Thường vào cót xúc thóc cho chồng mà trong lòng buồn bã. Sáu đứa con của anh chị, từ lên ba cho đến 15 là thằng lớn nhất, thằng Thương đã có thể giúp bố mẹ chăn trâu, cắt cỏ hoặc những việc nhẹ. Kế là con Yêu, 13, con Chiều, 11, thằng Sáng, 9, thằng Hôm 6 và con nhỏ nhất, Tí, 3 tuổi. Trời đất ôn hòa như vài năm nay, anh chị nhờ trời cũng lo đủ cơm ăn áo mặc cho lũ trẻ dù chẳng đứa nào được đến trường học. Nhưng nếu rút việc cấy hái lại thì khác nào mất mùa, lấy gạo đâu cho con ăn?
Trước kia, hồi chị mới về làm dâu ông bà Thung, gia đình còn túng bấn hơn nữa. Cả nhà vẫn thường phải ăn cơm độn thêm ngô, khoai, có khi cả khoai ngứa, khoai môn, củ giong, củ chóc, củ ráy cho no bởi vì gạo không thì không có đủ. Khi nào khá giả thì ba phần gạo một phần ngô, khoai. Khi tệ nữa thì nửa nọ nửa kia. Ðã vậy lại còn phải luộc hay xào nhiều rau hoặc nấu nhiều canh ăn với cơm cho no. Rau luộc chấm nước mắm cáy, rau xào thì chạy qua hàng mỡ nghĩa là chỉ có chút mỡ lợn dính đáy cho khỏi cháy xanh (xoong), muối, nước mắm, mắm tôm thêm vào cho vừa miệng. Còn canh thì chỉ canh khoai ngứa là thường hay ăn vì nó rất được việc trong nhiệm vụ làm đầy cái dạ dày mặc dù nó có tiếng là ngứa rách mép. Hình thù, cây củ của nó trông tương tự như khoai môn nhưng lớn củ hơn, thích sống gần sông hồ và cái đức ngứa thì trời can. Nhưng được cái nó chỉ ngứa lúc gọt, lúc cắt, lúc rửa và ngứa ở mép lúc ăn chứ trong dạ dày không cảm thấy ngứa bao giờ. Ngược lại, nó làm đầy những cái bao tử lớn, mạnh mà không có đủ cơm hoặc các thức ăn khác.
Một loại củ khác gọi là củ giong và củ chóc. Củ giong, lá của nó dùng gói bánh chưng ngày Tết rất thơm, rất xanh bánh; củ dài khoảng hai ngón tay, to gần bằng ngón chân cái, suông đuột, có nhiều đốt như đốt tre, luộc lên mầu vàng nhạt, ăn dòn dòn, nhạt nhạt, hơi ngọt, lúc no thì để ăn chơi cũng như củ chóc nhưng lúc đói thì dùng nó để làm đầy cái dạ dầy đang sôi réo biểu tình cấp thiết.
Củ chóc mà sau này người ta dùng bột của nó làm miến, nấu canh cũng dai như miến làm bằng đậu xanh. Chóc ngọt hơn giong, củ chóc trông hình thù như nhiều củ khoai môn để liền với nhau. Nhiều củ chóc ngọt, dẻo, ăn rất ngon, nhưng chỉ ăn chơi, nếu phải dùng nó ăn trừ cơm, bữa này qua bữa khác thì hơi ớn. Củ ráy, cũng thuộc họ khoai môn, ngoài Bắc gọi là rọc mùng nhưng trong Nam lại gọi là bạc hà. Củ của nó ăn rất ngứa, nhưng khi không có gì thì cũng phải ăn hơn là để bụng trống rỗng, còn rọc r áy nấu canh chua cá.
Ngoài canh rau, món ăn mặn tập chú vào mấy cái giậm, cái vó, cần câu, rổ xúc kiếm được con tôm, con tép gì thì rang mặn lên, ăn cho trôi miếng cơm; hoặc giả không đi đánh, đi bắt được, phải ra chợ mua thì cũng phải dè sẻn như thế, hơn thế.
Cái ăn đã vậy, cái mặc cũng rất ấn tượng. Mấy đứa con anh chị Thường đâu có lành lặn gì. Mỗi đứa vài cái quần, vài manh áo nâu nắng mưa đã bạc mà chị chưa có tiền để đi chợ mua xấp vải về nhuộm nâu, nhuộm đen may cho mỗi đứa một bộ mới để có cái thay đổi.
Ðang mải suy nghĩ, chị chợt nghe tiếng chồng gọi:
“Nhà ngủ ở trong ấy à?”
Chị Thường giật mình vội đáp:
“Tôi mang ra đây, mình.”
Anh Thường đi kiếm vài cái nồi chân, anh đổ thóc vào ngâm trong đó, sáng mai anh sẽ đổ ra ủ, hột thóc sẽ nẩy mầm, rồi sau đó anh đi gieo mạ. Từ nay cho đến ngày mốt, anh phải làm cho xong hai công việc: phát bờ phát bụi vài thửa ruộng sắp gặt và bừa mảnh đất đã cày vỡ để gieo mạ. Anh phải huy động vợ con đi tát nước vào ruộng vì cày khô được nhưng bừa phải có nước, nước trong ruộng càng nhiều bừa càng dễ.
Anh chị Thường vừa ra tới cổng ngõ là cái cổng tre sơ sài thì thấy bố mẹ ở ngoài bến sông đi vào. Anh chị chào bố mẹ, anh Thường hỏi:
“Con nghĩ bố mẹ còn ngủ.”
Ông Thung đáp nhanh:
“Ai mà ngủ được, hả mày? Mẹ mày với tao đêm rồi không ai chợp mắt được một phút vì cái tin ghê gớm loan tối hôm qua bỏ lúa trồng đay. Khoảng ba giờ sáng, tao bèn ra thăm ruộng lúa xem sao, có bị kẻ gặt trộm hoặc chuột mát hay không. Mẹ mày không ngủ được nên cũng theo đi.”
“Thôi bố mẹ về nghỉ đi kẻo cả đêm không ngủ, bây giờ mệt. Vợ chồng con đi phát bờ để chuẩn bị gặt tuần sau.”
Người trong các ngõ đã thấy ra thấp thoáng. Những lời chào buổi sáng và những câu hỏi về lúa mạ, cám bã, lợn gà được trao đổi với nhau nghe thân ái như người cùng gia đình. Những con gà trống thi nhau gáy đợt chót vì trời đã sáng rõ. Những con gà mái dẫn con đi kiếm ăn, cục cục gọi con khi chúng kiếm được con giun hay bông thóc bị lấp dưới cỏ từ ngày mùa. Anh Thường bảo vợ:
“Đi săn chân lên mẹ Thương kẻo hôm nay trễ rồi!”
Ấy là anh chị đã dậy từ 4 giờ sáng.
Đó là bức tranh buổi sớm mai nơi thôn quê Bắc Việt vào giữa thập niên 40, lúc người Pháp còn đô hộ nước Việt Nam, trước tháng Ba đói n ăm 1945.
&&&&
Khi mấy đứa trẻ thức dậy thì bố mẹ chúng đã đi cả rồi. Thằng Thương ra chuồng dắt con nghé ra đồng cho ăn cỏ.
Con nghé này không phải của anh chị Thường. Nó là của ông Bá Vung cho anh Thường nuôi rẽ. Nuôi rẽ nghĩa là khi nó lớn, khoảng một năm chẳng hạn, lúc ấy nếu bán cho lái trâu được bao nhiêu thì chia hai, anh Thường một phần, ông Bá có con nghé lúc đầu cũng được một phần. Nếu anh Thường muốn giữ luôn con nghé thì trả phần của ông Bá cho ông ấy là xong. Con trâu cái nhà ông Bá cứ thế đẻ năm một con như thông lệ thì ông Bá lại có con nghé khác. Tuy nhiên, con nghé này không ở với gia đình thằng Thương được lâu dù thằng Thương cưng con nghé lắm. Chỉ tháng sau là ông Bá bắt con nghé về, sau khi trả công cho thằng Thương chục thùng thóc. Giả sử anh Thường có muốn giữ lại cũng không dám vì khi thức ăn bắt đầu hiếm, con nghé sẽ dễ dàng bị kẻ gian ăn trộm, hoặc đem đi xa bán, đổi thóc, hoặc giết thịt chia nhau.
Con bé Yêu mới 13 tuổi nhưng đã giúp bố mẹ được nhiều việc.
Nó cõng con Tí xuống bếp, coi nồi cám lợn. Nếu hết, nó phải nấu nồi khác, rồi xắt hoặc đâm bèo cho nhỏ ra, trộn với cám, đổ vào máng cho lợn ăn. Bố mẹ nó nuôi một con lợn nái và hai con lợn thịt. Lợn nái đã cấn thai, còn lợn thịt mới được sáu tháng, phải vỗ bạo cho nó lên cân rồi mới bán được.
Con Tí mới lên 3, đói khóc nhè, ra rả trên lưng chị. Con Yêu dỗ em, vừa làm vừa nói huyên thiên chuyện trên trời dưới đất cho con Tí nghe mà quên đói.
Thực ra nồi cơm nguội ghế khoai lang khô sáng nào cũng còn vài lưng nhưng Yêu có kinh nghiệm là cho con Tí ăn sớm quá, trưa nó lại đói, đòi nữa, lấy gì mà cho. Yêu muốn cho nó ăn vào khoảng gần trưa, như vậy nó mới nhịn được cho đến bữa cơm tối thường là vào khoảng 5 giờ.
Nhưng không phải chỉ mình con Tí, nếu ba đứa kia ở nhà thì chúng cũng đòi cơm. Ðược cái con Chiều đi tập khâu nón ở nhà chú thím Thùng, bữa trưa chú thím có ăn gì chắc cũng cho nó ăn một chút đỡ lòng. Củ khoai lang cũng xong. Thằng Hôm và thằng Sáng có lẽ đã ra ruộng với bố mẹ bắt cá, bắt lươn, bu Yêu chắc đã bới thêm cơm cho chúng.
Vừa cõng em trên lưng vừa làm, Yêu đi xúc cám đổ vào cái thùng sắt tây rồi đổ nước gạo vào cho thành một thứ bột sền sệt. Cũng có những con lợn quen ăn cám sống trộn với bèo nhưng mấy con lợn nhà này, vì chị Thường chiều chúng quá, cứ nấu cám ngay từ khi chúng còn bé tí tẹo, chúng quen họng, cứ là phải cám nấu mới ăn.
Chị Thường dành dụm mãi mới mua được cái nồi hai mươi, nấu cám rất khéo nhưng chị không dám bỏ ra cho con Yêu nấu. Ngớp đi một cái, mất liền, của một đống tiền, đâu có dễ sắm nên chị bảo chồng ra chợ mua một cái thùng sắt tây, thứ dùng đựng dầu lửa, khi người ta đã bán hết dầu, đem về cắt miệng thành ra cái nồi nấu cám.
Hồi đó dầu hỏa của Hoa Kỳ bắt đầu vào Việt Nam với những thùng dầu bằng sắt tây; ở trên mặt và ngang hông có hình con sò nhận nổi lên. Vài hãng thổi bóng đèn của Pháp bèn chế ra cái đèn Hoa kì bằng thủy tinh...rồi có cả xà-phòng Trương văn Bền 72 phần dầu, từ trong Nam theo thương lái ra Bắc.
Với cái thùng sắt tây, anh Thường chế thêm ra bằng cách đóng bốn bên miệng bốn thanh gỗ ép lấy miệng thùng, đã dễ nhắc lên nhắc xuống mà còn làm cho cái miệng cứng thêm.
Hơn nửa thùng cám và nước, với con bé Yêu mới 13 tuổi thì thật nặng. Nó không thể rinh nguyên thùng như người lớn mà phải đặt thùng lên bếp rồi lấy cái bát múc từng bát từ một cái chậu khác vào. Lát nữa khi cám đã chín, nó cũng làm như thế, múc từng muôi lớn ra chậu đã có sẵn bèo rồi dùng hai thanh tre như hai chiếc đũa cả thật lớn ngào cám với bèo cho khá nhuyễn.
Ba con lợn hau háu mắt đứng trong chuồng nghển cổ nhìn Yêu, ủn a ủn ỉn. Chúng đòi ăn. Ðã đến bữa của chúng rồi. Yêu nói với chúng làm như chúng hiểu tiếng người:
“Từ từ để tao làm chứ! Làm gì mà giục rối lên vậy? Sắp được ăn rồi!”
Con bé Yêu làm nhiều quá đến quắt cả người đi. Nó đã 13 tuổi mà nhiều người nhìn nó cứ ngỡ nó mới lên 10. Nhưng biết sao, con gái lớn trong nhà, năm đứa vừa anh vừa em, nó không hết sức vậy thì bố với bu nó tha hồ là mệt.
Nằm mãi trên lưng chị, khóc mãi, con Tí lại ngủ thiếp đi lúc nào. Khi Yêu múc xong cám cho ba con lợn và mấy con gà, nó nghĩ ngay đến bữa ăn của con Tí. Nó lại phản, ngồi xuống, tháo vuông vải dùng làm cái địu cho con Tí tuột ra. Con Tí bị động, mặt nhăn lại, cái miệng ngoác ra tính khóc thì Yêu quay lại lay vào vai nó:
“Tí dậy, dậy. Cơm cơm. Yêu xong rồi. Yêu cho Tí ăn cơm!”
Làm như đã thành thói quen, con Tí mở choàng mắt, ngoác cái mồm ra:
“Cơm, cơm. Yêu!”
Nó chưa nói được nhiều mà chỉ dăm, bảy từ:”Bố, bu, cơm, cá, và Yêu” vì hầu như cả ngày nó có chị Yêu bên cạnh nó.
Vì ruộng hơi xa nhà nên mỗi buổi sáng anh chị Thường đều có bới cơm theo, trưa ăn cho tiện. Nhiều nông dân khác bắt con đưa cơm nóng ra ăn lúc 12 giờ trưa nhưng anh chị Thường chỉ có mình con Yêu, bắt nó làm quá, nó bệnh ra đấy thì khốn. Hơn nữa còn một cái đìu là con Tí đó, nó làm gì hơn được.
Vừa coi em vừa lo cho mấy con lợn, con gà, vừa coi nhà coi cửa, đứa con gái 13 tuổi như nó đã được việc lắm.
Yêu vừa ăn vừa đút cho em. Nó lựa những hột cơm không cho em; còn nó, nó nhai những miếng khoai, hột bắp, thỉnh thoảng cõng dăm hột cơm như phần thưởng cho cái miệng của nó. Con Tí háu đói thường nhai trệu trạo mấy cái rồi nuốt trửng, phần vì răng nó chưa có bao nhiêu. Nhưng Yêu không chịu, Yêu nhẹ nhàng bảo em:
“Coi chị đây này. Chị nhai thật kĩ cho cơm với cá nát nhuyễn ra rồi mới nuốt. Ăn thong thả vậy, cơm ngon lắm!”
Nhưng con Tí đâu có hiểu thế nào, bụng đang đói cồn cào thì nó cứ ngốn, cứ nuốt trửng cho lẹ, cho mau đầy. Chẳng phải nó mà mấy đứa kia cũng vậy. Chỉ có Yêu là ăn thong thả mà thôi.
Ở tuổi đó mà Yêu đã nghiệm ra, thong thả nhai, cơm ngon hơn lên, dù là miếng khoai, hột bắp. Có những bữa chỉ còn vài con tép nhỏ xíu kho mặn, nó phải nhường cho em; nó trộn chút nước mắm cáy vào bát cơm, cũng có khi chỉ mấy hột muối, ấy vậy mà bát cơm vẫn ngon vẫn bổ, vẫn hấp dẫn như cơm gà cá gỏi ở những nhà giầu.
Lại nói đến thịt gà. Họa hiếm lắm bố Yêu mới giết một con gà vì nó què chẳng hạn, lê lết cẳng chân đi không được, hoặc đau, hoặc rù, xù lông bỏ ăn, mình rạc đi thì bố Yêu bắt làm thịt.
Hôm ấy giống như đại tiệc, mỗi người được dăm miếng thịt luộc, chấm với muối chanh, ai chứ Yêu là nó phải ăn rất từ từ để cảm thấy hết cái vị ngon, vị ngọt của miếng thịt gà. Thịt gà cơ mà, dể dầu gì có mà ăn! Bộ lòng xào đu đủ hoặc nấu chút miến (trong Nam gọi là bún tàu) coi sang lạ.
Miến là thứ xa xỉ nên bố Yêu bảo chỉ nấu một bát chiết yêu mời ông bà. Còn chúng mày chưa đến tuổi ăn miến. Cũng có khi không dám luộc vì sợ hoang quá nên bu Yêu kho mặn lên, đổ nước và muối khá khá vào. Cái nước thịt gà kho gừng này nó mới thơm ngon làm sao! Cơm trắng mà rưới nó vào, thêm một miếng thịt nữa thì nhất, ngày hôm đó chẳng khác đã lên thiên đường!
Có một lần con gà trống to nhất chuồng, mã rất đẹp, sáng gáy đánh thức cả nhà, rồi đạp mái để lấy trứng cho ấp, không hiểu dẫn đám gà mái tơ đi lăng quăng sang nhà hàng xóm kiếm ăn sao đó bị con chó hàng xóm táp một cái.
Vì không đề phòng, con gà xiểng liểng vì cú đánh bất ngờ.
Con gà trống sang hàng xóm theo mái hay kiếm ăn sao đó bị con chó hàng xóm táp chết ngoẻo đầu ở bụi tre, bố con anh Thường cả buổi tối đốt đuốc đi tìm mãi mới thấy sau khi kiểm điểm gà lên chuồng thì thấy thiếu cu cậu.
Bị con chó cắn rách da cổ nhưng nó không ăn, con gà khốn khổ lết về đến bờ giậu nhà thì nằm chết ở đó. Ðám gà mái nhanh chân chạy được về chuồng. Thế là bố con anh Thường phải giết gà làm thịt ngay buổi tối. Con gà được việc và yêu quí vậy, nghĩ ra nó hơn cả những con thú cưng (pet) ở Hoa Kỳ ngày nay nhưng anh chị Thường không bắt đền chủ con chó dữ tợn cũng không phàn nàn một tiếng mà nhẫn nhục, cam chịu cái không may của mình. Chẳng bù cho cái văn hóa “văn minh” ngày nay, ngay như ở Hoa Kỳ, đụng vào con “pet” của người ta, rất dễ bị ra tòa. Còn ở cái nước mà ngày xưa anh chị Thường đã ở, ngay hiện nay (2013), bị phật lòng chút xíu cũng rút dao ra đâm. Đây là một trong hàng trăm truyện giết người vô cớ: đôi bạn yêu nhau đã lâu, bữa đó thanh niên đến bảo thiếu nữ: sửa soạn làm đám cưới. Thiếu nữ nhăn mặt: phải trình cha mẹ đồng ý đã, phải sửa soạn cả dăm sáu tháng, in thiệp mời, sắm quần áo, nhẫn v.v…chứ có phải thứ bảy sau làm đám cưới được đâu? Thanh niên không chịu, nói muốn cưới ngay, đôi bên to tiếng cãi vã. Rồi anh thanh niên rút dao con chó ra đâm người yêu nằm chết trên vũng máu. Y lột nữ trang, iphone, tiền bạc rồi bỏ trốn!
Chuyện khác: Năm anh đang nhậu có vẻ đã hơi say. Đột nhiên anh P vợ gọi bằng cell phone, bảo về. P cũng nghe lời vợ đứng lên cáo từ nhưng mấy anh kia không chịu, bảo sao mầy sợ vợ quá thế. P cãi lại thế là đâm đôi co. Một tên nóng mắt rút dao ra đâm P chết ngay tại chỗ. Cả bọn bỏ trốn.
Ngày nay, ở cái xứ có 4000 năm văn hiến, con Rồng cháu Tiên, hé môi ra nói yêu nước là đi tù không có ngày về, đám thanh niên giết người rất dễ có khi chỉ vì một lý do tầm thường như hai chuyện vừa kể.
Con gà trống thật lớn, thật nhiều thịt, chỉ tội cái thịt nó hơi thâm vì máu chạy vào. Khi cắt tiết, lợn cũng thế, máu chảy ra ngoài nên thịt trắng, trông ngon hơn. Thịt gà thâm làm người nhìn cứ ngỡ thịt gà toi, ăn kém ngon.
Chị Thường vừa xào nấu vừa thương con gà. Những đứa trẻ cũng thế; nếu như không bị chó hàng xóm cắn, con gà sẽ được nuôi cho đến khi nó chết già. Dù sao nó cũng đã hơi cứng tuổi. Con và cháu nó mà còn nuôi thì bây giờ chúng cũng đã to như nó. Bộ mã trên lưng không còn bóng nhẫy, mượt mà như trước mà đã có vẻ hơi xơ xác. Cái mồng khi còn “thanh niên” thì đỏ tươi, giờ này đã hơi ngả mầu thâm, chảy rũ xuống mắt. Chỉ có đôi chân thì to ra, vững chãi hơn và cựa dài hơn nhưng mầu da chân cũng bạc hơn chứ không vàng tươi đẹp đẽ như trước. Ðược đôi mắt vẫn sáng long lanh và sinh lực còn dồi dào: nó vẫn quản trị sáu con gà mái tơ một cách chu đáo. Trứng mấy con gà mái của chị Thường không bị thiếu đực bao giờ, cho ấp bao nhiêu, có bấy nhiêu gà con. Người ta thường hay nói” đực già, mái tơ” để chỉ những ổ gà cần có thêm gà con.
Chiều hôm sau, anh Thường trao tiền và cái cút (chai nhỏ khoảng 1/5 lít) cho thằng Thương bảo nó đi mua cút rượu trắng về ông uống.
Ông Thung và anh Thường mỗi người một chén rượu nhỏ, mỗi người một cái cẳng gà, chấm muối chanh, ăn với củ hành sống và lá chanh non xắt nhỏ.
“Chân gà mọi khi nhắm rượu ngon lắm mà sao hôm nay nó dai, nó cứng quá vậy, bố Thương?” Ông Thung hỏi con.
(Tục lệ Việt Nam khi xưa không gọi tên người đó mà gọi tên đứa con trai cả, “bố Thương”, bố thằng Thương tức là anh Thường)
Anh Thường ngừng nhai:
“Con gà trống này hơi già, bố à!”
“Thôi, cho tao bát cơm. Bố mày cứ uống rượu đi.”
Ông Thung gắp thử vài miếng thịt nhưng nó cũng dai. Gà trống mới biết gáy ăn mới ngon chứ đã để nó đạp mái mùa này qua mùa kia, thịt đâu còn gì là thơm, ngon. Cũng như lợn, chỉ lợn thịt là ngon chứ lợn nái (sề) hay heo nọc, thịt đã dai nhách mà còn hôi khó nuốt như lợn toi. Những bà nội trợ sành ăn khi mua thịt bao giờ cũng mà cả với chị bán thịt:
“Thịt này thịt lợn gì đây chị?”
“Thịt lợn thịt đấy chứ lợn gì!”
“Ờ, tôi tin chị. Nếu phải thịt lợn sề (lợn nái) hay lợn rẽo (lợn nọc) tôi mang ra trả chị đấy nhé! Tôi giao hẹn trước!”
Nếu thành thực, chị bán thịt để khách cầm miếng thịt về; nếu dối trá, biết bà khách này khó bịp được nên chị kiếm đường thoái:
“Thôi, bà lấy miếng kia đi (còn trên phản thịt) kẻo miếng này lỡ có làm sao đổi qua đổi lại mất công.”
Chị “tuế toái” cho xong vì chị biết chắc thịt này là thịt lợn sề rồi. Các cụ nói ăn thịt lợn sề hay lợn rẽo thì thà ăn miếng rau mà còn ngon còn ích lợi hơn. Đã dai như giẻ rách mà nó còn hôi can không nổi.
Với mấy đứa trẻ thiếu thịt lâu ngày, tuy thâm và dai vậy nhưng được ăn cơm không với thịt gà cũng là sang lắm rồi. Thịt luộc mỗi đứa chỉ được vài miếng, còn lại chị Thường kho mặn hết để ăn dần với cơm. Cứ cái nước thịt gà kho gừng này mà chấm với rau dền luộc vừa hái từ vườn vào ăn mãi cũng được. Nào có mà ăn!
Mấy đứa trẻ không quên cho con Mực mấy cái xương và con Mướp vài miếng thịt. Ngày hôm nay cũng là đại tiệc của chúng!
&&&&
Lại nói đến con Mực và con Mướp của anh Thường.
Con Mực, con chó anh Thường nuôi đã được 5 tháng. Lông nó đen tuyền nhưng ở dưới cổ và ức cũng như bốn chân có mấy vệt lông trắng. Người ta gọi nó là “tứ túc mai hoa, thạch sùng bám cổ”, quí tướng lắm đấy, chủ nó sẽ giầu có cho mà coi (mà nào anh Thường có giầu!). Anh Thường mua được nó từ một nhà có con chó cái đẻ 4 con, nhà bác Chưng ở làng bên cạnh, làng Vạn.
Những buổi trưa, ngày nào cũng thế, trong lúc Yêu và Tí ăn cơm (anh chị Thường ra đồng) thì con Mực đứng bên dưới hóng mắt lên cô chủ nhỏ xem cô có cho nó miếng nào không.
Yêu đang đút cơm cho em. Ngày thường làm gì có thịt hay cá. Chỉ mấy con tép riu đỏ quạch rang mặn và mấy miếng rau xào chút mỡ nước, thơm mùi hành, nó cũng không dám ăn, dành cho em. Nó vừa nhai vừa nhìn con Tí sáng mắt lên sau mỗi muỗng cơm có vài con tép riu mà thấy lòng vui vô tả.
Con Mực vẫn kiên nhẫn ngồi dưới đất nhìn lên. Yêu đâu có quên nó. Mỗi khi mở vung nồi cơm nóng ra, phần trên mặt nồi thường thỉnh thoảng có tro than lách vào vì phải vùi trong tro nóng, cơm mới chín, thì phần mặt nồi cơm có lẫn chút tro than ấy bao giờ cũng là phần của con Mực. Cho gì ăn nấy, không bao giờ Mực chê thức ăn chủ cho dù ngon dù không.
Vì bữa trưa không nấu cơm nên Yêu phải để dành cho con Mực nửa bát vừa cơm vừa ngô khoai. Cũng chẳng có đồ đựng, cứ đổ ngay trên nền đất, loáng cái là Mực ăn nhẵn. (Từ ngày qua Mỹ nhìn thấy người Mỹ nuôi chó và săn sóc chó mà người viết lại cảm thấy tủi hổ cho cái kiếp chó và người Việt Nam.)
Người ta thường bảo, chủ nghèo nên đầy tớ rất dễ tính. Con Mực từ khi về nhà anh Thường ăn mọi thứ chủ cho. Thường nhất là bát cơm mặt nồi, cơm ghế khoai ghế sắn đã đành mà chủ vứt cho một củ khoai hay vài khúc sắn, Mực cũng làm tuốt luốt. Chỉ thịt sống, cá sống Mực không ăn thôi. Mực rất hay chuột; chuột ban đêm bò loạng quạng ở sân là bị Mực đớp liền. Chuột lăn quay ra đó hết cựa quậy, Mực bỏ đi cho đến sáng chủ dậy thấy chuột mới đào lỗ chôn. Trái với mèo, mèo chộp được chuột là mèo nhai cả xương.
Bởi vậy không những bốn người lớn mà cả đám trẻ đều yêu Mực. Hôm nào có sẵn tiền, mua được mớ cá vụn rẻ, chị Thường kho nhạt lên cho Mực, trộn với bát cơm , đó chính là một bữa đại yến. Lâu lắm mới có một bữa tiệc như vậy.
Ngoài con Mực, anh chị Thường còn nuôi con Mướp. Mướp thuộc giống mèo ta, nhỏ nhỏ con nhưng rất hay chuột. Khi chưa có Mướp, chuột phá chịu không nổi mà con Mực rất tức giận nhưng không leo trèo được, chỉ chống hai chân trước gầm gừ ngồi nhìn lũ thử tặc làm dơi làm quái.
Vài năm trước, nhân một hôm đi chợ phiên làng Cát, anh Thường nhìn thấy con Mướp này, chủ bán bỏ trong một cái lờ bắt cá.
Con Mướp là một trong bốn con một ổ, người bán nói thế với anh Thường khi anh cầm cái lờ lên ngắm nghía con Mướp xem “tướng tá” nó có khá, có hay chuột không. Ổ bốn con mà ba con kia bán rồi, có nghĩa những người mua trước đã chọn hết những con to, con đẹp, con hay chuột. Còn cái con “đèo, con đuột”này chắc gì đã khá.
Anh Thường đặt cái lờ xuống toan bỏ đi thì chị Sên, người bán, niềm nở:
“Này anh! Giống mèo nhà tôi hay chuột lắm đó anh! Không mua uổng. Con bố con mẹ nó là cứ bắt chuột cả ngày, không con chuột nào mà còn với nó.”
“Chị mới nói người ta mua ba con rồi, phải không?” Anh Thường nhìn người bán.
“Phải, người ta mua ba con rồi.”
“Thế thì có con đẹp, con tốt người ta chọn hết rồi. Còn lại con này là bét nhất ổ đây.”
“Phải, con này bé hơn ba con kia nhưng coi bộ nó nhanh hơn. Bắt chuột nhắt cần gì mèo to hả anh? To lắm tốn cơm. Cứ xoăn xoẳn mà hay chuột là được rồi. Còn con chót, tôi bán rẻ cho anh tôi về, tôi không muốn ngồi thêm nữa.”
“Thế chị lấy tôi bao nhiêu? Con này cái, tôi không thích mấy.”
“Ba con kia mỗi con 15 đồng đấy, thôi con này tôi bán rẻ cho anh 12 đồng.”
Anh Thường thật thà, thấy đã rẻ được ba đồng, không kì kèo nữa, móc tiền ra trả rồi xách cái lờ nhốt con Mướp đưa về. Anh nghĩ thầm, cái thì cái mà hay chuột là được.(Ngày nay, đệ tam thiên niên kỉ, chính trị gia bảo:”Mèo trắng, mèo đen, mèo nào bắt chuột là được, ý nói chủ nghĩa nào phục vụ dân tốt là tốt. Có những chủ nghĩa, lí thuyết rất hay như XHCN nhưng phục vụ quá tồi! Loại mèo này các cụ gọi là “bắt chuột không hay chỉ hay ị bếp”, nên cho hoặc bán đi!)
Anh Thường về đến nhà, trước tiên là đám trẻ reo hò vì từ nay đã có con mèo bắt chuột bởi ai cũng tức cành hông vì chuột lộng hành. Chị Thường cũng vui, chị đặt Mướp lên bàn tay, vuốt ve. Con Mực thấy có con thú lạ trong nhà, nó cứ nhìn con Mướp sủa rộn lên, có vẻ không đồng ý sự có mặt của con Mướp. Nhưng anh Thường bảo Mực ngồi xuống đó, anh cầm con mèo vuốt ve trong bàn tay anh, đưa đến trước mặt con Mực, bảo nó:
“Ðây là Mướp, nó là em mày. Mày có nhiệm vụ canh kẻ trộm và người lạ vào nhà. Còn Mướp phải săn lùng đám chuột mất dạy. Mày phải bảo vệ Mướp. Không được rượt, được cắn nó. Mày làm sai thì tao trị tội mày, nghe không?”
Anh lấy tay vỗ vỗ vào đầu con Mực. Con Mực làm như hiểu. Nó sủa lên mấy tiếng đáp lời chủ và từ lúc đó, dù con Mướp có lăng xăng bên cạnh nó, nó cũng không tỏ vẻ gì khó chịu chứ nó chỉ đớp một miếng là con Mướp toi đời.
Con Mướp cũng không lạ Mực, thỉnh thoảng vẫn lởn vởn bên cạnh Mực kêu “meo, meo” nhặng xị lên nhưng Mực vẫn ra vẻ đàn anh, không đếm xỉa gì đến cái đứa con nít con nôi hay vòi hay nhè. Chỉ lúc cho hai con ăn là phải cẩn thận. Mực ăn ở đưới đất, cơm đổ ngay trên nền nhà; còn Mướp thì ở trên nóc trạn hay trên chõng tre, riêng biệt hẳn chứ không có đụng chạm. Mực tuy lúc thường thì hiền vậy nhưng lúc ăn thì chỉ sợ có kẻ khác ăn mất của mình (thói xấu chung của động vật) nên Mực thủ thế kĩ lắm. Chớ con vật nào cà rà đến bên Mực kẻo Mực nhe nanh ra gầm gừ chỉ chực đớp. Cái bản tính ghen ăn Mực chưa thể bỏ được. Hơn nữa, một bát cơm mặt nồi với Mực không thấm tháp vào đâu. Cho đúng ra, Mực phải ăn bốn bát mới no nên Mực giữ miếng ăn như giữ “mả tổ” cũng là đúng vậy thôi.
Còn Mướp vốn ăn ít nên bữa nào cũng dư, lát nữa đói, Mướp đến ăn tiếp.
Mướp vẫn nhỏ con, lớn chậm vì Mướp ăn ít mặc dù mẹ con chị Thường vẫn lưu tâm cho bát cơm của Mướp luôn luôn có chút mỡ màng, tôm cá. Tuy mới bằng hai cái nắm tay nhưng Mướp tỏ ra hay chuột đáo để từ khi Mướp mới được bốn, năm tháng.
Mướp đã “làm bàn” đầu tiên khi Mướp chộp được một con nhắt lởn vởn đến gần cái trạn đựng thức ăn. Mướp cắn cổ con nhắt cho chết rồi tha ra để trên bậc hè, chứ không ăn. Yêu đã nhìn thấy con chuột nhắt nằm quay lơ ở đó, gọi cả nhà coi, đám trẻ con hò reo ầm ĩ hoan nghênh Mướp hết mình. Từ hôm đó, chúng thay nhau săn sóc Mướp, cho ăn khá, tắm rửa mỗi tuần, mong cho Mướp mau lớn để trị tội lũ chuột hỗn hào, không coi ai ra gì. Sau đó anh Thường bảo thằng Hôm đem con chuột chết ra vườn chôn thật sâu.
&&&&
Con Tí coi như đã no với vài lưng cơm. Con Yêu thì thế nào cũng xong, có khi nó còn đói mà vẫn phải dành phần cho con Mực vì nó biết con Mực cũng cần ăn như nó. Yêu xuống bếp rót một bát nước chè khô - thứ lá trà tươi phơi khô rồi ủ, đưa từ Phú thọ về, rất phổ thông lúc đó - uống một bát và đưa một bát lên cho con Tí. Nó nghiệm ra rằng dù còn đói, còn thèm cơm, cứ uống một bát nước chè vào là bụng lửng ngay.
Sau trưa, khi con Chiều khoảng hai giờ về thì nó coi con Tí để Yêu lo cơm nước buổi tối. Ðôi khi bà nội Yêu cũng giúp nó một tay nhưng cái chủ trương của người lớn là Yêu phải làm được mọi việc trước khi đi lấy chồng kẻo mai sau lọng ngọng là bà mẹ chồng lại cứ réo người lớn mà mắng vốn. Thành ra nó phải làm quá sức của nó.
Yêu ra vườn hái ít rau mồng tơi đem vào nấu canh với chút mắm tôm, mắm cáy. Lúc bu Yêu về, thường có mẻ tôm cá vụn bu mua ở chợ chiều, Yêu đem kho mặn lên là xong. Vại cà, vại giưa lúc nào cũng đã có, đã làm sẵn. Khi chưa hết vại này, chị Thường đã mua cà và cải bẹ về làm thêm vại khác thành thử trên mâm cơm, không lúc nào thiếu hai thứ đó. Không có tôm tép thì cà, mắm tôm, giưa chính là những món mặn ăn chung với canh. Mùa hè có thêm dưa leo (dưa chuột) hay dưa gang, dưa hồng trồng từ vườn nhà, trẻ con người lớn rất thích.
Năm thì mười họa và có hừng chí lắm vì có mấy củ đậu phọng rang hay đồng bánh đa nướng, anh Thường mới bảo thằng Thương đi lại bà phó Xuyến mua cút rượu trắng về mời ông Thung. Hai bố con mỗi người nửa cút vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả trong khi bà Thung, chị Thường và các đứa trẻ xin phép ăn cơm trước.
Chỉ có vậy chứ chẳng sơn hào hải vị gì nhưng tình gia đình vui vẻ, đầm ấm và gạo thóc đủ nuôi mọi người làm ai nấy sống trong hạnh phúc, một thứ hạnh phúc đơn điệu, chất phác không hoa hoè hoa sói nhưng thâm sâu, tình nghĩa vô cùng.
Ông Thung đã quá tuổi đóng góp với làng với xóm. Từ 55 tuổi trở lên là người đàn ông đuợc miễn mọi thứ đi phu phen, đi xâu, bắt lính (cho Pháp). Tuổi ấy, thêm dăm năm nữa tức 60 tuổi, người có tiền bạc đã nghĩ đến ăn mừng thọ và ra đường, mọi người đã gọi “cụ”.
Còn anh Thường, hồi 18, 20 thì có đi phu phen nhưng lâu lâu mới phải đi. Nay anh đã xấp xỉ bốn chục, phu phen, làm xâu nhường cho lớp đàn em, lớp mới lớn lên trong làng đảm nhiệm. Anh chỉ còn phải canh gác với thôn xóm đề phòng trộm cướp mỗi cuối năm vài ba tuần vào tháng củ mật, ai cũng phải làm, như một nghĩa vụ mình canh gác cho gia đình mình chứ không cho ai khác phòng ngừa những kẻ cắt lúa, đào khoai hoặc liều lĩnh hơn, sinh ra trộm cướp. Canh gác cuối năm nhiều khi lại là những buổi hội họp lối xóm, có ăn uống trước khi canh gác và chuyện trò thật vui.
Tuy là thời Pháp thuộc nhưng viên chức Pháp không dòm chừng hành động dân bản xứ, ngoại trừ họ được báo cáo có toán “hội kín” (hội bí mật phản đối sự cai trị của Pháp tại VN) đang hội họp hoặc tuyên truyền trong làng. Hoặc làng có nấu rượu lậu. Trường hợp đó Pháp mới phái một đội lính với vũ khí về bao vây và bắt những người này, như ở Vân Am, Nam Am thuộc Hải dương v.v… Còn những chuyện về hành chánh xã thôn, họ giao phó cho các tri phủ, tri huyện hoặc Tổng đốc tỉnh giải quyết.
Thời Pháp thuộc nhưng tha hồ đi đêm đi hôm, không ai hỏi han, xét giấy, không ai làm phiền. Đi một hai người, dăm ba người như đi kiếm bà mụ đỡ đẻ, kiếm thầy thuốc, rước Linh mục xức dầu cho bệnh nhân hấp hối v.v… cho đến cả chục cả trăm người cùng đi đền, đi lễ canh khuya, hay rất sớm, không ai hỏi han chi. Chỉ cần một cái đèn chai cầm theo để soi đường gồ ghề khúc khuỷu và tránh va chạm vào kẻ đi ngược chiều vì ban đêm rất tối, là xong. Nhiều ông già bà cả, đến nay, vẫn còn thích cái xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc vì tuy bị đô hộ, quyền con người vẫn còn được nhiều so với xã hội chủ nghĩa.
&&&&
Ba bốn năm trước vụ đói, trời cho được mùa, thóc gạo cũng khá nên đỡ phải ăn độn, nhưng ông Thung lúc nào cũng lo đói vì nhiều trận đói nhỏ đã đi qua trong đời ông nên dù lúa gạo có dư dả đấy, ông bắt con dâu và cháu thỉnh thoảng cứ phải hấp thêm ngô, khoai vào và thổi bớt gạo đi. “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” ông Thung luôn luôn thực hành điều dạy bảo đó của tiền nhân.
Anh Thường đã cấy 5 sào lúa vụ Ðông - Xuân 1943. Phần còn lại là mẫu rưỡi, anh đã làm đất để trồng đay theo chỉ thị của Nhà nước Pháp bảo hộ.
Những người bạn nông dân của anh như anh Khuông, anh Thiều, anh Bảng, chú Ruyên, chú Thập... đều đã bỏ lúa trồng đay.
Mà không trồng sao được. Như ông Quỵ ở làng Vạn không chịu tuân theo lệnh bị lý trưởng còng tay giải lên huyện, bị đánh, bị ngồi tù cả tháng, lúa đã cấy bị phá huỷ và bắt phải gieo hạt trồng đay không thì bị tịch thu gia sản.
Có hai nông dân nữa ở làng Hoài và làng Bia cũng thuộc tổng này đã trái lệnh và bị tù. Ðó là anh Ngưng và anh Hành. Anh Ngưng bị giải lên huyện còn cãi lí và nói lời hỗn láo với quan huyện bị cùm chân, trói tay, bị đánh, bị giam không cho ăn, rũ người ra tưởng chết. Quan huyện sợ anh chết trong nhà giam nên kêu vợ con lên cho khiêng về. Anh bị nặng quá, ốm rụng cả tóc đầu, người chỉ còn như cái xương đay.
Trước đây, gia đình anh Ngưng cũng có bát ăn, bát để, dù chẳng giầu có gì, nhưng dù sao với nông dân miền Bắc lúc đó, gia đình anh cũng được liệt vào loại trung bình, mát mặt. Khi vụ bắt bớ xẩy ra vì anh bất tuân lệnh Nhà nước, chị Ngưng đã phải bán thóc lúa lấy tiền đút lót cho lý trưởng, chánh tổng để nói với quan huyện tha cho anh về làm ăn, xin sẽ theo đúng lệnh Nhà nước, không dám ngang ngạnh nữa.
Nhưng án đã ra, anh đã là kẻ có tội, chống lại Nhà nước nên anh phải ngồi tù. Trong tù anh chửi cả lính gác, chửi cả quan huyện nên càng bị tra tấn, hành hạ khổ sở chết lên chết xuống. Vợ anh xót chồng kiếm chỗ chạy chữa đút lót cho nha lại để họ nói với quan huyện cho. Nhưng có những kẻ chỉ lừa chị lấy tiền mà không được việc gì, của cải nhà chị đi gần hết mà anh Ngưng tù vẫn hoàn tù.
Chúng ta cần phân biệt hai loại đay: đay để lấy ngọn và lá nấu canh, ta vẫn thường goi là canh rau đay, có chất nhớt như trái đậu bắp (okra). Thứ rau đay này thấp, chỉ cao khoảng 50cm, có nhiều cành chi chít. Có hai loại: một loại lá xanh, cành xanh; một loại lá và cành đỏ tía. Thứ nào nấu canh cua cũng đều ngon và làm nhuận trường. Ông già bà cả miền quê chỉ bát canh rau đay (hay rau mồng tơi) với vài quả cà ghém là xong bữa cơm, không cần thịt thà, cá mú.
Ðay lấy vỏ cao đến 2m, không có cành, hoặc chỉ chút ít. Cây thẳng, đường kính dưới gốc lớn nhất khoảng 2 inch, vỏ da xanh nhợt, bên trong vỏ gọi là xương đay, sốp, mềm, không làm được việc gì ngoài chụm củi. Ngọn và lá đay này ăn cũng có chất nhớt nhưng đắng hơn khổ qua, ít ai dùng ngọn đay này nấu canh.
Ðến mùa thu hoạch, khi cây đay đã lớn hết mức và đủ tháng để vỏ của nó đủ dai, nông dân nhổ cả cây, dũa rễ dưới sông cho bùn đất đi hết, đem về sân lột lấy vỏ, phơi khô, đánh từng bành để đó lái về cân trả tiền.
Vỏ gai trắng, dai và đẹp hơn vỏ đay, vì hiếm hơn nên chỉ để làm những vật dụng giá trị. Chiếc võng gai bán đắt gấp ba lần võng đay nhưng đẹp, mịn và rất bền. Tuy nhiên, đay phổ thông hơn gai nhiều.
Hạt đay vỏ và hạt đay rau tương tự như nhau, nhỏ như hạt cải, đen, khi gieo xuống đất đã cày bừa đầy đủ, cây đay con mọc lên như mạ và lớn như thổi. Một năm chỉ được hai mùa lúa vào thời kì đó nhưng với đay, có thể được ba vụ. Tuy nhiên, cây đay yếu chịu lạnh, mùa Ðông chúng không lớn được như mùa Xuân và mùa Hạ.
Sau này tìm hiểu được biết, sở dĩ quân đội Nhật cần nhiều vỏ đay đến thế là vì lúc đó phương tiện di chuyển bằng xe quân sự còn ít ỏi, không đủ nhu cầu. Quân đội Nhật thường chọn những nơi đồi núi cao đóng trại quân, xe vận tải không thể lên tới. Nhật bèn dùng dân công những nước bị chiếm đóng, bắt phải chuyển những khẩu đại bác, cao xạ và nhiều thiết bị quân sự nặng nề khác lên trại quân. (Sau này, năm 1954, trong trận Điện Biên phủ, dân công Việt cũng phải khiêng nhiều khẩu đại pháo của Trung cộng lên các ngọn núi cao xung quanh Điện Biên để quân VM nã xuống lòng chảo Điện Biên. Pháp thua trận này từ tháng 5-1954, phải ký kết Hiệp Định Genève chia đôi nước Việt Nam từ ngày 20-7-1954 mở ra một giai đoạn khác cho dân tộc Việt Nam).
Nhật cho đan võng đay, đặt những cơ phận vào đó, dùng một đòn tre cho hai người hai đầu khiêng võng đi. Lên đến nơi, chuyên viên ráp lại cho thành những ổ đại bác, cao xạ phòng không, đã không tốn phí xăng nhớt mà thời gian cũng không lâu hơn xe vận tải leo núi bao nhiêu. Chẳng những súng ống mà cả lương thực cũng dùng cách này để chuyển vận. Ta thấy thời Quang Trung đại đế, Ngài cũng dùng võng, hai người khiêng một người đi một đoạn đường. Sau đó theo thứ tự đổi vai, ai cũng được nằm nghỉ ngơi, ai cũng phải khiêng. Cứ thế mà Hoàng đế Quang Trung đã ra tới Thăng Long trong một thời gian kỉ lục, hứa với quân, dân mồng 7 tháng Giêng Ất Dậu (1789) sẽ vào thành Thăng Long ăn mừng chiến thắng thì trưa mồng 3 Tết, Ngài đã có mặt trong hoàng cung vua Lê.
Dùng võng tải người và chiến cụ khi xưa rất độc đáo và lợi hại.
&&&&
Gia đình tôi (Bút Xuân) và gia đình anh chị Thường cách nhau một khoảng không xa lắm, đi luồn qua mấy cái giong là tới. Giong, tiếng gọi những con đường nhỏ đi xuyên trong xóm. Anh Thường chơi với anh tôi và mỗi khi có giấy tờ gì bằng chữ Hán không hiểu, ông Thung hoặc anh Thường đem ra hỏi thầy tôi; khi thầy tôi đi vắng mà chỉ là chữ quốc ngữ thì hỏi anh tôi hoặc tôi.
Làng tôi nói riêng, toàn Bắc Việt nói chung, thời Pháp thuộc trẻ em chỉ một thiểu số được đi học. Lí (1) do dân ta nghèo quá, tay làm hàm nhai, khi không dư dả, cha mẹ đâu dám nghĩ đến việc cho con cắp sách đến trường.
Thầy mẹ tôi chỉ làm đủ ăn, gọi là mát mặt với tay nghề Ðông y của ông và đôi bồ hàng xén của bà. Nhưng thầy tôi, vốn được theo Nho học nhiều năm và năm 19 tuổi đã đi thi Hương (1911) nhưng không may, người Pháp bắt đầu bỏ thi để chuyển sang Tân học. Vì thế mà thầy tôi lỡ dở. Thầy tôi rất quí sự học, lại chỉ có hai con trai, nên dù cách nào ông cũng cố cho các con đi học để biết đạo lí Thánh hiền.
Ông đã từng làm thầy đồ dạy học trò :”chi, hồ, giả, dã”, những cuốn như Tam tự kinh, Minh tâm bảo giám chính văn, Ðại học, Trung Dung, Luận ngữ, Mạnh tử... có cuốn ông thuộc lòng từ đầu tới cuối, dạy học trò không cần mở sách vì ông có trí nhớ rất tốt. Nhưng nghề thầy đồ ở thôn quê - nghề dạy miễn phí - không nuôi sống gia đình được nên thầy tôi phải đổi qua Ðông y, một trong 4 nghề (Nho, Y, Lí, Số) dễ dàng hơn cả cho những Nhà Nho lỡ vận.
Không kể những gia đình ở thành phố vì ở thành phố người ta dễ nhận ra ích lợi của việc đi học, nhất là từ khi người Pháp vào nước ta. Thầy thông, thầy kí, thầy phán, thày giáo lúc đó, bỏ ngoài những chuyện khác, khi đậu đạt đi làm cho người Pháp vẫn có đồng lương dễ chịu và công việc nhàn hạ hơn dân lao động chân tay.
Những người này, hoặc dạy học ở các trường tiểu, trung học cho Nha Học chánh Ðông Pháp; hoặc làm công chức cho các toà Thống Sứ, Toàn Quyền, Công sứ, Ðốc lí, các cơ sở hành chánh địa phương của người Pháp, như thuế vụ, bưu điện, giao thông hay ngay như những mỏ than, những văn phòng hỏa xa, tầu thủy, những nhà máy nước, máy điện, chợ búa... mà người Pháp khai thác cũng cần người bản xứ biết tiếng Pháp để thông dịch, truyền lệnh xuống cho dân chúng, cho dân lao động người Việt làm cùng sở.
Khi có chút chữ nghĩa, thông hiểu được người ngoại quốc nói gì, tất nhiên được trọng dụng và lương tiền cao hơn dân lao động. Cũng như ngày nay, chúng ta đang ở Hoa kỳ, ở Pháp, ở Anh, ở Tây ban Nha v.v...chúng ta phải sinh sống mà nếu có chút vốn liếng ngoại ngữ, tất nhiên mọi sự dễ dàng hơn nhiều so với những người không có ngoại ngữ. Ngay như ở những nước trước đây có tinh thần bài ngoại, bỏ hết những chương trình học ngoại ngữ, coi như vong bản, mất gốc (Việt Minh chủ trương sau Tổng Khởi Nghĩa 19-8-1945) thì sau đó phải trở về với ngoại ngữ vì ngoại ngữ cần thiết để giao dịch trong mọi khía cạnh của đời sống chính trị, thương mại, văn hóa, xã hội, ngoại giao, y khoa, khoa học v.v...
Cũng có một số nhà giầu hoặc mát mặt ở thôn quê thời đó nhưng phần nhiều không biết những ích lợi của sự học. Dư tiền để mướn một thằng bé chăn trâu, chăn bò nhưng không mướn mà bắt thằng con trai 12, 15 tuổi đi chăn trâu, cắt cỏ và phụ việc đồng áng để đỡ phải chi ra mấy chục thùng thóc nuôi ăn và trả công đứa mục đồng.
Mặt khác, vì từ nhiều thế hệ không đến trường, có nhiều đứa trẻ cho đi chăn trâu, chăn bò thì làm hết mình mà bảo cắp sách đến trưòng thì chúng không thích, chúng sợ học, chúng trốn học vì thế chữ nghĩa ông thày có ra rả giảng bỏng họng, chúng không thâu thái được một phần mười.
Rốt cuộc, cha mẹ chúng cũng phải cho chúng trở lại nghề chăn trâu cắt cỏ, làm đồng làm áng, đánh giậm đánh cá, câu ếch tát ao mà thôi. Có thiếu gì những đứa trẻ ở trong làng cùng tuổi với tôi, gia đình khá giả, giầu có hơn gia đình tôi nhiều mà không đi học. Tự cha mẹ chúng cũng có, tự chúng thích thế cũng có và khi có cơ hội gặp nhau ở dưới sông như đi bơi, hoặc đá bóng v.v...chúng vẫn nhìn tôi với cái nhìn khác, như không phải đồng bọn, dù ở cùng xóm, cùng thôn, cùng làng với nhau.
Anh Thường chính là một trong hàng trăm ngàn những đứa trẻ chuyên nghề nông tang ở Bắc Việt lúc đó. Anh ở vào lớp tuổi người anh lớn nhất của tôi, khi nạn đói xẩy ra, anh đã có một đàn con sáu đứa. Nếu không có nạn đói, có thể chị Thường sẽ còn sinh nữa, sinh đến khi không sinh được nữa thì thôi vì lúc đó đâu đã có những phương pháp ngừa thai, đâu đã được học để bớt thụ thai. Vả lại, như nhiều dân tộc Á châu, người Việt quan niệm:”một con một của bằng nhau” có nghĩa dù nghèo tiền bạc, của cải mà đông con thì cũng kể như giầu có. Thời đó người ta chưa nhìn thấy khi nuôi một đứa con cho thành người thì tốn phí như thế nào, nhất là về chi phí học vấn. Người ta chỉ nghĩ có đủ gạo cho đứa trẻ ăn, vài bộ quần áo một năm, có mái nhà che nắng che mưa là xong rồi. Thật sự, nhiều cuộc đời cũng chỉ có thế!
Nói gì thời đó, ngay mới 50 năm nay, quan niệm đó vẫn còn ở với xã hội Việt Nam. Chỉ hiện tại, khi nếp sống Âu - Mỹ ùa vào xã hội Việt Nam, nuôi một đứa trẻ rất tốn phí tiền bạc và thì giờ, công sức nên nhiều người đã sợ sinh đẻ, nhất là những thế hệ Việt trẻ trung đang ở Hoa Kỳ và các nước Âu châu.
“Cái khó nó bó cái khôn” nhiều cha mẹ biết sự học là ích lợi cho con nhưng vì đông con, nhà nghèo, đành để con thất học hoặc chỉ được học qua mấy lớp tiểu học. Những đứa con ít học đó ra đời tất nhiên lại cũng chỉ làm nghề lao động chân tay, khó kiếm được những việc tốt, khá tiền, thế là lại tiếp tục nghèo, con những người này cũng không được đi học, cứ thế cái chu kì nghèo khó quanh đi quẩn lại mãi không có cách thoát ra.
Nhiều nước giầu có như Hoa kỳ, Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Hà lan ... có chương trình cưỡng bách giáo dục cho đến hết bậc Trung học. Ðiều này rất có lợi cho những gia đình nghèo. Học sinh tốt nghiệp Trung học đã có căn bản về nhiều vấn đề xã hội và kiến thức tổng quát, ngôn ngữ. Họ có thể đi làm kiếm sống không cần nhờ vào cha mẹ hoặc chính phủ trợ cấp. Họ cũng có thể vừa đi làm vừa dự các lớp tối tại Ðại học, thường có học bổng giúp đỡ những sinh viên học giỏi, chăm chỉ, không đủ tiền đóng học phí. Tự đó, nhiều người đã tốt nghiệp Ðại học một cách vinh dự nhờ vào ý chí và sức làm việc bền bỉ.
Năm 1978, từ Tennessee di chuyển về California, tôi đã đến ghi danh học tại trường Ðại học Orange Coast College tại quận Cam. Ông thày Sử Hoa kỳ (American History) của tôi trước đó đã là một tài xế xe truck cho Ðại học này. Sau ít năm vừa làm vừa học, ông lấy xong Tiến Sĩ (Ph.D.) và trở thành giáo sư thực thụ tại trường xưa kia ông đã phục vụ với nghề lái xe và khuân vác. Những cái gương như thế còn rất nhiều. Có những cụ già 70, 80 và cả 90 tuổi người Hoa Kỳ, xưa kia thất học, bây giờ về hưu lại trở về đời sống đèn sách, người đậu xong Trung học Phổ thông (High School Diploma), kẻ lấy Cử nhân (Bachelor of Art/Science), ngay cả Master degree, năm nào cũng có. Thật đáng khâm phục.
Một quốc gia, cũng như một con người, khi kiến thức đã cao, sự hiểu biết rộng rãi, tất nhiên những suy nghĩ và hành động của công dân hay tập thể công dân ngày càng khôn ngoan, hợp lí, hợp pháp, tiến bộ, văn minh và nhất là đưa đến trình độ kĩ thuật cao vì đã học hỏi được nhiều điều hay trong sách vở của thiên hạ.. Trái lại, thiếu học vấn căn bản, con người và xã hội trì trệ trong lạc hậu, u tối, mê tín, dị đoan, tư duy sẽ càng ngày càng đi xuống, lệch đường tiến bộ của toàn thế giới đang tiến như vũ bão để thoát ra khỏi cái nghèo đói, dốt nát, khổ sở, bất công và muôn thứ tồi tệ khác.
Người lớn có giỏi mới có “vốn liếng” chỉ lại cho đám con em. Thế hệ này dốt, kém học thì không phải chỉ họ thiệt thòi mà những thế hệ sau đó cũng thiệt thòi vì không được chỉ dạy đúng đắn hay bị chỉ sai đường.
Cái khốn nạn nhất là chỉ sai đường y như giải bài toán bằng một định lý sai lạc, định lý không thể áp dụng cho bài toán đó. Nền giáo dục thanh thiếu niên để mở mang trí đức thể dục trong một quốc gia hệ trọng vô cùng. Nó chính là tương lai của quốc gia đó.
Muốn biết tương lai một quốc gia dân tộc, chỉ cần nhìn vào lớp trẻ tiểu học và trung học. Lớp trẻ dốt nát, kém cỏi, được (hay bị) hấp thụ những lý thuyết tào lao, hoang tưởng, vô bổ mất thì giờ, thi cử gian lận, phao đề, con ông cháu cha không cần học cũng có bằng cấp lớn, mới nứt mắt đã văng tục, ăn gian, nói dối, mưu kế, lừa đảo, quay quắt, lưu manh thì chắc chắn quốc gia dân tộc đó chỉ có lùi chứ không có tiến. Nếu cứ lùi mãi thì sẽ trở về thời kỳ đồ đá hồi nào không hay!
Thời nay không ai tự nhận mình có những suy nghĩ thời đồ đá nhưng nhìn vào những kết quả, những thành tựu, kẻ bàng quan biết rằng những kẻ lên mặt dạy đời kia đã dùng những suy nghĩ thời đồ đá huấn luyện lớp trẻ. Khi biết ra thì đã quá muộn!
1) Theo nguyên tắc của Ngữ học (Linguistics) từ nào có thể viết i thì không cần y. TD: tâm lí, lí trưởng, thủ vĩ, trung sĩ, sĩ quan, mĩ miều v.v…Viết tâm lý, lý trưởng, kỹ càng, lý tưởng v.v…là vì đã quen viết thế thành quen mắt chứ không phải viết thế là đúng.
Người chết đói rải rác đã nhiều tháng. Một số nông dân sống sót sau này còn nói lại, khoảng giữa năm Quí Mùi (1943) đã có những làng bắt đầu chết đói tuy chỉ là thiểu số. Bà chị họ tôi, chị Uông, kể cho tôi nghe:
“Cậu ơi, thảm lắm cậu ạ. Không cứ là đến năm 45 mà ngay từ 43 đã có người chết đói. Gia đình bà cô tôi, cô Vấn - vẫn lời chị - ở một vùng thật xa chợ búa, làng xóm trong tỉnh Thái bình.
Gia đình cả thảy gồm tám người, trước giờ vẫn có được dăm sào ruộng tư và cấy rẽ vài mẫu ruộng của chủ điền lấy thóc ăn. Vuờn tược, gò đống cũng sản xuất thêm ngô, khoai, rau cỏ. Những năm được mùa cũng đủ ăn một cách tằn tiện vì gia đình rất nghèo, không còn mối lợi nào khác. Cả gia đình chỉ có một chiếc tam bản mỗi tháng bơi ra phiên chợ Ninh mua vài thứ cần dùng rồi lại bơi về.
Khoảng mùa thu năm 43, đến gần hai tháng không thấy người trong gia đình cô Vấn ra chợ, một người thân bơi thuyền vào coi thì nhà cửa - chỉ là nhà tranh vách đất - vẫn y nguyên nhưng cả tám người đã chết thối trong nhà. Khi đi kiểm soát thì thấy gạo thóc, khoai ngô hết nhẵn, người ta nghĩ là cả gia đình đã chết đói.”
Chị Uông chấm dứt câu chuyện bằng những tiếng thở dài não nuột. Thực ra, không phải chỉ một gia đình người cô chị Uông mà hàng ngàn gia đình khác lâm vào cảnh huống thảm thương đó do những kẻ cầm quyền vô nhân đạo gây ra.
Qua năm 1944, rất nhiều gia đình cả nhà chết đói không còn làm ai ngạc nhiên. Những con người da bọc xương, những ngôi nhà bỏ hoang xuất hiện ngày càng nhiều. Phương tiện giao thông chỉ là đi bộ nên đi đâu cũng coi là xa, nông dân chết đói ở thôn quê không dám “mạo hiểm” lên thành phố sợ chết giữa đường thì còn cơ cực hơn nữa.
Vì hạn hán, vì sâu rầy cắn phá, chuột bọ tung hoành, vụ chiêm và vụ mùa năm 1944 đều mất gần như trắng tay. Nông dân Bắc Việt lâm vào tình thế cực kì nguy cấp.
Giả sử hai vụ này được mùa cũng vẫn đói vì diện tích cấy lúa đã bị thu hẹp hết 75%, nhường chỗ cho đay, gai. Nông dân chỉ còn trông vào việc bán đay, bán gai để mua gạo sống qua ngày.
Nhưng đay bị dìm giá vì Pháp và Nhật biết, nếu họ không mua, nông dân Việt chỉ có cách vứt đi.
Từ thượng cổ, đay gai ở nước ta vẫn được dùng để đan võng, dệt chiếu, bện chão, bện thừng cho thuyền bè, làm rọ đựng các đồ để treo, đan thành dép đi trong nhà, lưới cá, vó bè vv... nhưng chỉ với số lượng nhỏ. Nay đay tràn ngập vì bị bắt buộc sản xuất, nhà nào cũng chỉ vỏ đay là vỏ đay, vỏ gai là vỏ gai, chất cả gian nhà, nếu Nhật, Pháp không mua thì chắc chắn chỉ có đổ đi. Chi bằng bán rẻ, bán tháo cho chúng lấy tiền đong gạo, đó chính là ước muốn của nông dân Bắc Việt lúc đó, ngàn người như một. Nhưng vấn đề là, dù có tiền, có vàng, không có thóc gạo, ngay cả ngô khoai. Có sản xuất đâu mà bảo là có. Cả một vùng đồng bằng sông Nhị hà khi xưa cấy lúa đủ ăn, mùa màng tốt đẹp thì dư dả, đem đổi thóc lấy muối, lấy vải, lấy nông cụ, lấy thuốc thang và những thứ cần dùng cho đời sống. Nay nhìn khắp nơi không thấy một hạt thóc, một hạt gạo, một củ khoai, cái bắp. Làm thế nào để sống khi gạo, khoai, ngô là thực phẩm chính duy nhất của dân ta từ thời thượng cổ đã cạn kiệt đến bữa cuối cùng? Hiểu được điều đó sẽ thấy cái mối lo vắt ruột, vắt gan, phát sốt, phát rét, đâm khùng, đâm điên nhất là nhà đông người!
Cũng có một số người học thức hiểu biết tình hình, trong đó có vài tờ báo Việt ngữ ở Hà nội, Sàigòn nêu lên viễn ảnh đen tối, người dân Bắc Việt sẽ chết hết nếu Chính phủ Nam triều không can thiệp với người Nhật và người Pháp đem lúa gạo từ miền Nam, vốn khi nào cũng dư dả, ra tiếp tế cho dân miền Bắc.
Nhưng có lẽ chính phủ Nam triều đã quá chậm chạp hoặc thờ ơ, hoặc Pháp và Nhật lấy cớ phi cơ Mỹ oanh kích hàng ngày, các chuyến xe lửa từ Nam ra Bắc sẽ là mục tiêu tốt cho phi cơ Mỹ (đánh phá đường tiếp tế của quân đội Nhật) nên họ từ chối. Ðây chỉ là những giả thiết vì người viết bài này không nắm được hay đọc được một văn bản nào hoặc một bài báo nào nói đến sự can thiệp của triều đình vua Bảo Đại cho thần dân Bắc kỳ của ông.
Ngay cả sau khi gần 2 triệu dân Bắc Việt đã nằm xuống và những thời gian sau này, vua Bảo Ðại không hề có một lời ân hận, chia buồn (dù chỉ đãi bôi) với những gia đình có người chết đói mà chính ông và chính phủ Nam triều của ông lúc đó trách nhiệm.
Cùng là con dân nước Việt, tình nghĩa anh em, miền Bắc chết đói kinh hoàng như thế nhưng hầu như đồng bào miền Nam chẳng biết gì chỉ vì thông tin còn quá lạc hậu, giao thông khó khăn diệu vợi chứ cả như bây giờ, làm sao lại không có được những tấm lòng vàng nhường cơm sẻ áo nhất là lúc đó đồng bào miền Nam khá sung túc, thóc gạo dư thừa, Pháp và Nhật phải đốt thóc làm than chạy đầu máy xe hoả thay cho than đá không đưa từ Hòngay vào Nam được vì phi cơ Mỹ oanh tạc đường tiếp tế của Nhật để buộc Nhật đầu hàng. Một lí do nữa gây nạn chết đói mà Sử gia Trần gia Phụng và nhiều tác giả khác nại ra là Việt Minh Cộng sản đã chận đường tiếp tế lúa gạo cho nông dân Bắc Việt. Họ tịch thu rất nhiều lúa gạo, tồn trữ lại để nuôi bộ đội của họ, đang cần rất nhiều, một mặt gây lòng căm thù của nhân dân ta đối với Pháp và Nhật tàn ác, mặt khác, theo đúng sách vở của Tôn Vũ, bên nào dự trữ được đầy đủ binh lương (làm cho binh hùng tướng mạnh), bên ấy nắm phần thắng. Điều đó cũng dễ hiểu.
&&&&
Mùa Ðông năm Giáp Thân (1944), tai họa ghê gớm lên đến cao điểm.
Mặc nhiên nó kéo sang mùa Xuân Ất Dậu (1945), càng ngày càng tệ, cho đến quá giữa năm 1945 khi có được những hạt thóc đầu tiên.
Một buổi sáng, từ trong nhà bước ra đường, tôi tính tới nhà chị gái và anh rể tôi ở làng bên để thăm chị vì nghe tin chị bị bệnh.
Ðường xá vắng hoe. Người ta đi đâu hết thế này? Tôi thấy một người đàn ông khật khưỡng đi xiêu vẹo trong một cái ngõ, cách tôi chừng vài chục bước. Tôi không nhận ra người quen hay lạ vì trước mắt tôi là một bộ xương cách trí biết đi. Vâng, đúng là một bộ xương cách trí!
Da sạm đen toàn thể, hai hố mắt sâu hoắm, đen sì như hai lỗ đáo, đầu trơ sọ, tóc tai làm như đã rụng hết, hai má tóp vào đến tận xương, nhăn nheo, dúm dó như cái mặt của con khỉ, manh áo rách để lộ rõ từng cái xương sườn, bụng bé tí chỉ một chẹn tay và đôi tay, đôi chân chỉ vừa bằng bốn cái xương đay, nhỏ đến nỗi tôi không thể ngờ được đó là chân, tay của một con người. Tôi cố nghĩ nhưng không nhận ra ai dù tôi biết từng người trong xóm. Thực sự lúc đó tôi cũng sợ. Bộ xương như con ma kia túm lấy tôi thì sao? Tôi vội đi khuất vào một bụi tre rồi cắm đầu đi thẳng.
Từ nhà tôi đến nhà chị gái tôi khoảng hơn cây số, tôi gặp bốn đám đem người chết ra đồng chôn.
Một cái chiếu cuộn lại, giây cột hai đầu cho khỏi tuột, người chết được nằm trên một cái võng, cây tre xỏ vào, hai người khiêng đi. Người đi sau cầm theo cái mai hay cái cuốc để bới đất. Không kèn không trống. Không xóm giềng họ hàng. Không nén hương, bát cơm, quả trứng là những thứ xưa kia không thể thiếu. Chẳng những thế, người đi chôn chẳng còn hình tượng người; họ làm việc ấy vì thương người thân và vì sợ để thối rữa trong nhà, họ hết nơi trú ngụ. Còn chút sức lực, họ phải đem xác chết ra đồng kẻo nữa ngày mai, biết đâu họ không thể làm.
Người chết vì teo tóp hết thịt nên chỉ còn bộ xương khô bọc da, rất nhẹ, như người đàn ông tôi nói ở trên, gió thổi đổ và sẽ đột quị bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, chết ngay tại chỗ. Nếu không còn người thân ra kịp đem về nhà, chỉ một loáng là chó, mèo hoang hoặc chuột bọ, kiến bã đến banh xác kiếm những thứ chúng cần cho sự sống của chúng.
Ra đến chỗ không nhà, không cửa, thường chẳng xa là bao vì còn ai kiểm soát, hỏi han, người cầm cuốc bới cái lỗ sâu khoảng cánh tay, bỏ bó chiếu xuống, vùi lại rồi về. Có những người đã kiệt lực vì đói, dù thương người thân nhưng không còn sức để đào lỗ cho sâu nên chỉ vùi khơi khơi, khi họ vừa ra về là chó mèo, chuột bọ đến bươi ra.
Ra đường rất ngại vì nguy hiểm nhưng giá có đi khắp làng, khắp tổng, đường xá cũng vắng hoe như tha ma mộ địa, chỉ loáng thoáng thấy đôi, ba người đói khát, rách rưới, khật khưỡng đi chẳng biết đi đâu và sẽ té xuống một lúc nào đó. Súc vật như trâu bò, lợn gà, chó mèo hoàn toàn vắng bóng.
Tôi nhớ hồi thanh bình, no ấm cứ mỗi sáng sớm, gà trống gáy te te, gà mái đẻ trứng cục te cục tác trong chuồng, lợn ủn a ủn ỉn đòi ăn rồi là tiếng bịch bịch chân trâu, chân bò dẵm trên con đường đổ xi-măng băng qua trước nhà, tiếng hót líu lo những con chim chích choè, những con sáo, tiếng kêu thanh tao của những con vành khuyên và tiếng chiếp chiếp những con gà con theo mẹ. Nghe mà vui. Nghe mà thấy lòng mình cũng rộn ràng cùng với thiên nhiên, đất trời, chim muông, thú vật.
Người ơi ới gọi nhau đi chợ, ra đồng, tiếng chó sủa khi thấy người lạ đi trước ngõ; tiếng chuông rổn rảng giục giã của ngôi thánh đường xứ đạo, tiếng chuông êm đềm, thanh tịnh của ngôi chùa Trung gần nhà; tất cả đã cho tôi những ấn tượng êm đềm, ấm cúng và thanh bình, no ấm của một miền quê tôi được sinh ra và lớn lên trong cái nôi hạnh phúc của tuổi niên thiếu không bao giờ có thể quên được.
Nhưng nay miền quê ấy đã khác xa khi xưa, khác rất xa dù trong thời khoảng chỉ hai năm. Có thể ví hai cảnh đời ấy với hai cảnh thiên đàng và địa ngục hai bên. Thiên đàng cho thiên thần và địa ngục cho ác quỉ, nhưng địa ngục ở đây không phải cho ác quỉ mà cho những dân quê Bắc Việt hiền lành, chất phác suốt đời cặm cụi làm việc, đổ mồ hôi trên những thửa ruộng khô cằn mong đổi lấy một đời sống khiêm nhường, thanh đạm, nhưng vẫn không có! Và cuối cùng là nằm chết đói, chết lả trên những mảnh đất thân thương ấy! Vợ chồng, con cái. Cha mẹ, anh em. Gia tộc, xóm làng. Tất cả. Tất tất cả. Có còn gì thảm thương hơn!
Sau này, người sống sót còn kể có những thôn xóm giết thịt trẻ con thui ăn. Tôi không biết là giết thịt trẻ lúc chúng còn sống hay đã chết nhưng những người ăn thịt trẻ tin rằng thịt trẻ mềm và ngon hơn thịt người lớn. Thịt những kẻ đói lâu ngày đã teo tóp lại chỉ còn da bọc xương, dù trẻ dù già, chắc chắn chẳng còn gì để ăn.
Chợ không còn họp nữa vì có người đâu mà họp vả lại họp thì ai bán, ai mua đây? Còn cái gì để bán? Có ai có tiền mà mua? Có một thứ cần mua nhất là gạo, thóc thì chẳng ai bán. Có đem bán nhà, bán đồ đạc không ai mua vì mua để làm gì trong khi cái mạng sống không biết có giữ cho được đến lúc có tiếp tế, có gạo thóc?
Người dân nói bâng quơ với nhau mong tiếp tế từ Chính phủ tải lúa gạo trong Nam ra nhưng không một ai đặt niềm tin vào Chính phủ Nam triều dưới quyền lãnh đạo của vua Bảo Ðại mà người dân nghĩ ông đang còn mải săn bắn và liên hoan với những cô đầm Pháp xinh đẹp. Tôi quí nhà Nguyễn khai phá mở mang bờ cõi ở trong Nam nhưng mỗi lần nhớ đến chuyện này, tôi không khỏi căm giận vua Bảo Đại!
Đến đây, tôi xin phép mở một dấu ngoặc để nói sơ qua về bối cảnh lịch sử nước nhà lúc đó trong và sau trận đói để những nhà nghiên cứu Sử nước ta sau này phần nào hiểu được tâm lí quần chúng kể từ ngày toàn dân tộc khởi nghĩa là ngày 19-8-1945.
Cũng chính bởi chính phủ Nam triều làm lơ con dân Bắc Việt đang chết đói như ngả rạ hàng ngày mà người dân Bắc Việt thù ghét triều đình Bảo Ðại. Khi ông Hồ chí Minh, tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, ngày 19-8-1945 và những ngày kế tiếp, hô hào dân Việt đấu tranh giành quyền Ðộc lập cho nước nhà, đánh đuổi Pháp thực dân đô hộ và truất phế Bảo Đại quân chủ bù nhìn tay sai thực dân Pháp, người dân Bắc Việt đã không thắc mắc nhưng hưởng ứng đi theo ông Hồ và đảng Việt Minh của ông làm thành một cao trào vì Dân tộc, vì Ðất nước phá tan gông xiềng nô lệ mà vua Bảo Ðại là một hình tượng đại biểu xấu xa. Ông Hồ cũng long trọng đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2-9-1945 qui định mỗi con người có Tự Do và được mưu cầu hạnh phúc; quyền này do Thượng Đế ban cho mỗi người từ khi sinh ra mà không một ai có quyền lấy đi. Khẩu hiệu mà cả nước phải viết trên đầu mỗi đơn, thư, văn bản là:
Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
Những danh từ tôn quí này ông Hồ chí Minh và đảng Việt Minh của ông lấy từ bản Tuyên Ngôn Độc Lập (Declaration of Independence) của Hoa Kỳ do Tổng Thống Thomas Jefferson và các quốc phụ soạn thảo. Vì vậy khi Việt Minh đưa ra Bản Tuyên Ngôn Độc Lập cho nước Việt Nam, nó đã có ma lực làm nức lòng toàn dân, làm ai nấy thảy đều vui mừng, tin tưởng, hăng say và nóng lòng hi sinh cho Đại Nghĩa Dân Tộc dù có da ngựa bọc thây, dù có nhảy vào biển lửa. Cái chết với thanh, thiếu niên Việt Nam lúc đó chính là chết cho Tổ quốc, cho Dân tộc được trường tồn, chết để rửa cái nhục vong quốc đã 80 năm nô lệ giặc Pháp, 1000 năm nô lệ giặc Tàu. Chết là một vinh dự cho mỗi người vì người người khát khao Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc như nắng hạn mong mưa rào. Chẳng phải ông Hồ mà bất cứ lãnh tụ nào lúc đó có chút uy tín hứa mang lại độc lập, tự do, cơm no áo ấm cho toàn dân Việt thì cũng được ủng hộ hết mình như thế.
Nông, Công nhân là những thành phần nghèo, vô sản, ít học theo ông Hồ đã đành mà ngay trí thức, giầu có, quyền thế cũng theo ông, cũng hết lòng vì đại nghĩa dân tộc dù có phải hi sinh hết tất cả tài sản sẵn có của mình. Bà Nguyễn thị Năm (tức Cát hanh Long mà tôi có đến nhà chơi với cháu bà ở Hải Phòng), triệu triệu phú, là một bằng chứng. Và sau này, nhiều nhà giầu miền Nam trong khoảng 1954-1975, trong cuộc chiến tranh cưỡng chiếm miền Nam của ông Hồ và đồng bọn, cũng lại là một bằng chứng lòng yêu nước nồng nàn của những người này qua lời tuyên truyền xảo quyệt và lừa dối của Việt Minh CS và Mặt Trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam... Ở đây, ta khoan xét những hệ quả (mà sẽ được trình bày ở một bài khác).
Lòng căm thù chế độ Pháp thực dân và quân phiệt Nhật dày xéo nước Việt, gây nạn đói kinh hoàng cho toàn miền Bắc đã là động cơ khiến Việt Minh không cần phải tuyên truyền nhiều (dù họ có tuyên truyền ra rả và coi tuyên truyền là cái xương sống của chế độ) và vì thế trong công cuộc chiến đấu chống Pháp 1946-1954 hàng vạn thanh niên đã lao vào cái chết, ôm bom nhảy vào xe tăng Pháp, dùng người chận đại pháo tuột dốc, xung phong biển người... ở Điện Biên Phủ và khắp nơi với mong ước dân tộc được sống, được phục sinh, được no ấm. được hãnh diện là người Việt Nam chứ không phải họ chiến đấu cho ông Hồ cũng như đảng Việt Minh. Họ cũng không liều chết để được danh, được lợi. Động cơ chính là lòng yêu nước, là sức mạnh vũ bão, mạnh hơn hết thảy, thiêu hủy hết thảy chướng ngại trên đường tiến của nó mà không một lời hứa hẹn hay tuyên truyền nào có thể sánh. Quả rằng có được cái “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đó, bất biết có được bằng cách nào, ông Hồ chí Minh và đảng Việt Minh đã có cái cơ hội ngàn vàng để làm cho dân tộc được no ấm, vẻ vang, văn minh, tiến bộ không thể thua bất cứ nước Á-Phi nào trên bản đồ thế giới mới là đúng!
Nhưng than ơi! Kết quả hoàn toàn trái ngược!
Sau ngày 19-8-1945, tôi đã đi coi nhiều phòng triển lãm tại Hà Nội và cảng Hải Phòng của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa do ông Hồ chí Minh (Việt Nam Độc lập đồng minh gọi tắt là VM) làm Chủ tịch, ông Nguyễn hải Thần (Việt Nam cách mệnh đồng minh hội) Phó chủ tịch và các Bộ trưởng người của Việt Minh, của Việt Nam Quốc Dân Đảng và các đảng phái khác. Các phòng triển lãm này chủ yếu trưng ra tội ác do thực dân Pháp và quân phiệt Nhật gây ra cho đồng bào ta.
Nạn đói Ất Dậu là số 1 với 2 triệu người chết đói, những bộ xương người thật, đầu lâu trơ sọ, cảnh chụp các thây người chết đói phu hốt rác thảy lên các xe rác thành phố đem đi chôn tập thể. Kế đến là sưu cao thuế nặng, thuế thân, thuế ruộng, làm xâu, bắt lính. Rồi chính sách ngu dân làm dân tộc ta lạc hậu, thụt lùi, con cái nông dân không được đi học, đành chịu dốt nát kéo dài kiếp nô lệ hết thế hệ này sang thế hệ khác. Căm giận thay! Rồi nạn cường hào ác bá đục khoét dân lành, xách nhiễu người dân đến từng lon gạo, mớ khoai, điếu thuốc mỗi khi phải đi xin chúng chứng nhận giấy tờ, sổ gia đình v.v....
Ác nhất là bọn Mật thám, Sen đầm Pháp rình rập, theo dõi ngày đêm, bắt bớ những nhà hoạt động cách mạng như đảng trưởng Nguyễn Thái học và 12 liệt sĩ Yên Bái, như ông Phan bội Châu, Phan chu Trinh, Hồ chí Minh, ông Nguyễn hải Thần v.v...rồi chúng tra tấn dã man, treo ngược lên xà nhà, thủ tiêu, tù đầy Sơn La, Lai châu, Lao Bảo, Hỏa lò Hà Nội... Guồng máy cai trị của Pháp thì tham nhũng thối nát, xách nhiễu dân lành, bất công xã hội đầy dẫy khắp mọi nơi khiến dân chúng nghèo nàn cơ cực mà chỉ làm giầu cho một bọn tham quan ô lại làm việc cho Pháp và đi sát hoặc buôn bán với Pháp.
Những phòng triển lãm này có mặt ở khắp các thành phố lớn như Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên v.v... Đã sẵn căm thù
Pháp thực dân bóc lột tận xương tuỷ, nay lại được nhìn chính những hình ảnh dã man của chúng vì thế lòng dân oán giận, thề phải phanh thây uống máu giặc Pháp mới hả... và vì thế Tổng Khởi Nghĩa bùng lên, Cách Mạng ra đời dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ chí Minh và đảng Việt Minh để mang lại cho toàn dân Việt một cuộc sống no ấm, yên vui, công bằng xã hội, xoá đi cảnh giầu nghèo quá cách biệt người ăn không hết người lần không ra, xoá đi cảnh người trù dập, hà hiếp, bắt nạt người, xoá đi những tàn tích xấu xa của thực dân phong kiến để nâng cao dân trí, thực thi Dân chủ, sống đời Tự do vì Hồ Chủ Tịch tuyên bố: “Không gì quí bằng Độc lập và Tự Do”.
Nhiều biểu ngữ bằng vải, bằng cót viết bằng sơn, viết lời đó của Hồ chủ tịch và một vĩ nhân Hoa Kỳ, Patrick Henry: ”Give me Liberty or give me death!” nghĩa là “Hãy cho tôi tự do hay là giết tôi đi!” cùng rất nhiều khẩu hiệu ý nghĩa khác như “Independence or Death” Độc Lập hay là Chết, “Vietnam to the Vietnamese” Nước Việt Nam của người Việt Nam, “Independence, Freedom and Happiness” Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc....
Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố nhỏ, tất cả đều sôi lên, đều điên cuồng mừng vui vì quá sung sướng, quá hạnh phúc như chưa từng bao giờ trong đời có những giây phút đáng sống đến thế!...
Đồng bào đi coi, nghe, tham dự cứ mê đi. Cờ đỏ sao vàng (cờ của đảng Việt Minh, cờ đỏ sao vàng, nay đảng này lấy làm quốc kì mà cờ này khi đó là cờ của tỉnh Phúc Kiến - Tàu!) tràn ngập khắp mọi phố xá, hang cùng ngõ hẻm, y như Trần Dần sau này viết: Tôi đi không thấy phố không thấy nhà, Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ. Những đoàn người diễn hành dài dằng dặc, cờ xí, biểu ngữ nhìn rối mắt, bao giờ đi đầu cũng là dàn trống ếch của thiếu nhi đánh rất khoẻ, rất bài bản (mà hầu như ai cũng thuộc) để đoàn biểu tình rập bước quân hành. Đôi khi có mấy anh bộ đội mũ sắt nguỵ trang lá cây vác súng đi sau dàn trống làm ai cũng nức lòng (bộ đội VM lúc đó còn rất ít, vũ khí thô sơ). “Bao chiến sĩ anh hùng, Lạnh lùng vung gươm ra sa trường. Quân xung phong, nước Nam đang chờ mong tay ngươi hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời...” Bài hát này và nhiều bài hát khác như “Người người đều mong du kích quân, du kích quân...” “Một mùa Thu năm xưa cách mạng tiến ra nước Việt...” được mọi người nhất là thanh thiếu niên say mê hát không biết mỏi miệng, hát bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Hễ một người bắt đầu câu đầu lấy giọng là các người khác đồng ca ngay. Không khí sôi động như ngày hội dân tộc, như ngày phục sinh của đất nước toàn dân đã mong mỏi hàng ngàn năm.
Là một thiếu niên, tôi cũng mê đi, đêm ngủ vẫn nghe giọng đồng ca, trong mơ vẫn nhìn thấy cờ, biểu ngữ và cả tương lai sáng lạn của dân tộc. Lập tức tôi xin thầy mẹ tôi cho tôi thoát li gia đình để đi cứu nước, mặc dù thầy tôi trước sau không bằng lòng. Cụ có lí do vững chắc đầy thuyết phục của cụ mà mấy năm sau, tôi mới thấy. Một người đã sang Tàu, sang Nhật hồi phong trào Đông kinh Nghĩa thục, đã bị Mật Thám Pháp bắt mấy lần bỏ tù, sau 19-8-45 cũng bị Việt Minh bắt giam mấy tháng, chắc chắn phải kinh nghiệm hơn thằng bé mới lớn như tôi.
Hôm đó, bố tôi bảo tôi rằng chớ đi theo ông Hồ vì ông ta là một kẻ gian hùng, nham hiểm, một cán bộ Cộng sản quốc tế không thể tin được. Bây giờ hoan hô ông ta cho lắm sau này sẽ đả đảo nhiều và ông ta sau này có thể bán nước cho ngoại bang.
Bố tôi nói câu này với tôi ngày ông Hồ từ Hà Nội xuống Cảng (Hải Phòng) một hoặc hai ngày sau ngày 19-8-1945, sau khi hai bố con tôi đi coi cuộc mít tinh đón ông Hồ của dân Hải Phòng tại Nhà hát lớn Hải Phòng mà tôi vẫn còn nhớ như in trong trí não.
...Nhưng lúc đó, tôi chẳng nhìn thấy gì ngoài sự say mê của tuổi trẻ và tương lai dân tộc mà tôi muốn góp phần. Vả lại, có biết bao nhà trí thức đi theo và ủng hộ ông Hồ và đảng Việt Minh. Họ là những người lớn, tôi chỉ là đứa con nít, họ bằng cấp đầy mình, tôi chỉ là một học sinh tiểu học, họ có địa vị và giầu có, tôi chẳng có cái gì. Thế thì tại sao tôi phải e dè. Tôi chỉ còn e dè có bố tôi vì bố tôi không cho phép nhưng sau đó tôi trốn nhà lần mò đến xin đầu quân vào bộ đội chủ lực thì viên Trung đội trưởng nhìn tôi, hỏi tuổi rồi nói, “em chỉ có thể xung phong vào đoàn Văn Công đi biểu diễn văn nghệ mà thôi.” Thế là tôi, với cây đàn banjo, cái harmonica và cái ba-lô đựng hai bộ quần áo, đã theo đoàn Văn Nghệ ( Lãng Bạc II) đi giang hồ từ đó. Tôi cũng đã được huấn luyện quân sự cấp tốc 3 tháng tại địa phương mặc dù tuổi còn nhỏ. Huấn luyện viên là những anh bộ đội tập cho tôi ngắm bắn (chứ chưa bắn thiệt vì đạn còn rất hiếm), ném lựu đạn (tập mở chốt cho nhanh và ném lựu đạn không ngòi nổ), bò dưới hỏa lực, đánh xáp lá cà, lội ruộng băng đồng, tấn công đồn bót giả. Học lí thuyết và tư tưởng Mác-Lênin và các giáo điều khác. Nhưng quan trọng là học lí luận và căm thù giai cấp, căm thù đế quốc Mỹ và thực dân Pháp. Mỗi tối chúng tôi học tập thảo luận và tự phê tự kiểm đến nửa đêm mới đi ngủ. Năm giờ sáng, nghe tiếng kẻng, phải thức dậy sinh hoạt theo thời biểu đã được ấn định. Lương thực phải tự túc, cứ 10 người một tổ hùn nhau thổi cơm rồi ăn chung. Kỉ luật khóa vô cùng cứng rắn nên ai nấy phải hết sức giữ mình.
Cũng có thi mãn khóa. Tôi là một trong 10 học viên đậu đầu khoá trên 700 người của Phủ Xuân Trường, Nam Định. Tôi được tuyên dương thành tích và được thưởng hai cuốn sách viết về chủ nghĩa Mác-Lê, 1 cái mũ cói, 1 áo trấn thủ mới, 2 cuốn vở để ghi chép và vài thứ khác tôi không còn nhớ. Giữa năm 1950, mẹ tôi cho người đi tìm tôi, nói thác rằng bà ốm nặng, bảo tôi phải về. Lúc đó tôi đang theo đoàn trình diễn Văn Nghệ ở Đống Năm, Thái Bình.
Sau đó tôi lên Hà Nội học tiếp. Tháng 9 năm 1954, sau Hiệp Định Genève 20-7-1954, nhớ lời bố, tôi theo đoàn người di cư vào Nam. Tại Sàigòn, tôi có công ăn việc làm, chỉ đi học ban tối từ cuối năm 1956 và trở thành Giáo sư dạy Toán Lý Hoá Trung học đệ nhất cấp (với bằng Tú Tài II Toán) từ mùa hè 1959. Tôi cũng bắt đầu viết cho các nhật báo, nguyệt san từ năm 1958 với bút hiệu Xuân Vũ (Có một người dùng trùng bút hiệu Xuân Vũ của tôi là Nhà văn Xuân Vũ tên thiệt là Bùi quang Triết, sinh ở miền Nam, tác giả “Đường đi không đến” đã dùng bút hiệu này sau tôi 10 năm khi ông từ Bắc vào Nam năm 1968 (hay 69). Ông tập kết ra Bắc năm 1954, thấy VGCS Bắc Việt quá tệ, nên lợi dụng lúc được điều vào Nam, ông trình diện Bộ Chiêu Hồi và được trọng dụng. Trước khi mất, ông viết cho Nguyệt San Đoàn Kết ở Austin, TX mấy năm, tờ Nguyệt San tôi cũng cộng tác từ năm 1992). Từ 1959, tôi cũng là Chủ Bút Bán Nguyệt San Tinh Thần của Nha Tuyên Uý Công giáo (có lương), đồng thời là Giám Học Trung tiểu học Đồng Tiến. Năm 1965, lúc đang ở trong Quân đội Cộng hoà, tôi đậu Cử Nhân Văn Chương Đại học Văn Khoa Sàigòn và từ đó chỉ chuyên dạy Triết học (Tú Tài II), Việt ngữ (Tú tài I) và Anh ngữ cho nhiều tư thục ở Sàigòn. Sau đó hai năm, vì nhu cầu giáo chức, tôi được giải ngũ, về dạy học và làm báo Tinh Thần cho đến 8-1971 thì vào Quốc Hội qua một cuộc bầu cử Dân biểu toàn quốc.
Trong những năm đó, tôi đã soạn mấy cuốn sách Giáo Khoa Triết học cho các lớp đi thi Tú Tài II và Luận đề Việt văn cho các lớp đi thi bằng Tú Tài 1. Ngoài ra, tôi cũng xuất bản một cuốn Tuyển tập truyện ngắn (Hoàng hôn miền núi) và một cuốn Thơ (Như áng Mây trôi I) trong thời kì này. Tất cả những sách này và những bài báo đã viết trong 17 năm và một “thư viện” nhỏ hàng mấy trăm cuốn sách tôi đã mua và sưu tập tại gia trở thành đống giấy vụn cân kí cho ve chai sau ngày 30-4-75. Năm 1971, tôi đắc cử Dân Biểu Hạ Nghị Viện VNCH, làm việc cho đến 30-4-1975 rồi sang Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ tôi cũng tốt nghiệp Đại Học Cộng đồng Orange Coast College, rồi Sinh viên năm cuối Kỹ sư Điện tử Đại học Long Beach nhưng sau đó vì phải đi làm kiếm tiền yểm trợ gia đình đang từ đảo Galăng sang, tôi thôi học để đi làm việc cho Sở Xã Hội quận Orange, CA với chức vụ Chuyên viên Tìm Việc làm (Job Specialist). Tôi đã làm được hơn 20 năm và nghỉ hưu năm 2000. Ở Hoa Kỳ, tôi đã liên tục viết cho các báo, “net” và xuất bản Thơ và Truyện dài, Truyện ngắn.
Riêng nền học vấn của tôi, Sàigòn chính là nơi “cứu rỗi và phục sinh” cuộc đời tôi từ một đứa bé thất học và gia đình nghèo vì chiến tranh ở Bắc Việt thành một người có theo đòi nghiên bút. Tôi mãi mãi biết ơn Sàigòn.
&&&&
Trở lại với nạn đói. Trẻ nít chết hầu hết vì nhịn đói không nổi. Có những gia đình sau vụ đói, chỉ còn lại hai bố mẹ. Có gia đình người anh họ tôi, đàn con cả chục đứa đã lặng lẽ ra đi sau khi không kiếm được cái gì bỏ bụng. Rau ngoài vườn, ngay đến gốc cải bắp, gốc mồng tơi, lá má, giây khoai lang, sắn dây, quả sung, quả khế cũng không còn. Tôi thấy nhiều người đi hái lá lưỡi rắn, cỏ gấu - những thứ xưa nay trâu bò cũng không ăn - và cỏ gà, lá râm bụt luộc lên ăn đỡ. Củ chuối được chiếu cố tận tình, sau đến thân chuối cũng hết sạch. Và người ta nhai cả lá chuối và tầu chuối. Miễn sao đầy bụng. Có những người nhai cả gốc sắn hoặc củ sắn (khoai mì) bị mủ độc của sắn giết chết sau khi ăn. Có những người xuống sông, xuống ao mò tôm cá chẳng những đã không được con nào mà còn chết lạnh nổi lên ở mặt ao, hồ.
Chuột quá nhanh khó bắt dù người muốn bắt mấy con ăn thịt. Chúng cũng quá đói vì không kiếm đâu ra đồ ăn nên kiếm hang kiếm ổ trú thân. Người chết không kịp chôn hay không có thân nhân, bỏ thí, bị chuột, chó mèo làm thịt, có khi người vẫn còn sống nhưng lực đã tàn. Súc vật và con người, bên nào khoẻ thì thắng. Bên thua bị làm đồ ăn cho bên thắng sống đỡ.
Chó mèo chủ không cho ăn nên bỏ nhà đi hoang kiếm ăn. Chủ tóm được cũng thịt luôn giải quyết cấp thời cái bao tử đã. Nhiều con chó, con mèo mọi khi ngoan ngoãn dễ thương, chủ bảo sao cũng nghe, nay chúng thấy chủ không mừng như mọi khi mà chủ gọi chúng không đến với chủ. Nhìn đôi mắt chủ, chúng có linh cảm chủ muốn bắt giết thịt. Chúng nhìn chủ một hồi rồi cúp đuôi bỏ đi.
Ngưòi đói quá đi lang thang một mình bị cả đàn chó đuổi cắn, chúng đã thành những con sói chỉ biết một qui luật của rừng xanh:”mạnh được yếu thua”. Chúng ăn lẫn nhau không được vì bị đánh trả thì chúng kiếm những con mồi yếu thế chúng có thể thắng được. Chim chóc thưa vắng, không biết chúng bay đi đâu cả. Có lẽ chúng cũng không kiếm được cái gì để ăn. Mọi khi buổi sáng, chích choè, chào mào, sáo hót líu lo; sẻ sà xuống sân từng đàn kiếm những hạt thóc rơi rụng, vành khuyên nhảy nhót trên cành kêu nho nhỏ. Cảnh đồng quê vui vẻ, sầm uất, thanh bình. Giờ này tất cả vắng hoe, vắng ngắt như trong một cái địa ngục trần gian bắt mọi sinh vật câm tiếng, chết dần. Những năm được mùa khi xưa đâu có cảnh này, cảnh lặng lẽ bi thương tang tóc này?
Các chị lớn tôi đều đã đi lấy chồng. Lúc đó chỉ còn anh trai, một chị kế tôi và tôi ở nhà với mẹ. Tuy nhiên, đến lúc “khẩn trương”, mẹ tôi phải gọi hai anh rể và hai chị gái tôi tới để nhà có đông người mà phòng thủ, sợ những kẻ quá đói làm bậy sẽ đến cướp gạo thóc, chỉ còn đủ cầm hơi cho đến mùa tới.
Chớm đói, học sinh các trường đã lác đác bỏ học. Chính tôi chứng kiến một học sinh trong trường đang giờ ra chơi ngã lăn ra gốc bàng, mê mệt đi vì đói quá. Rồi đến lúc các thầy giáo cũng bỏ trường. Lương không phát về mà gạo không có cho vợ con ăn, lòng dạ nào đến lớp?
Giả sử có lương cũng không đào đâu ra gạo mà mua dù đắt như vàng. Bạn ra đường giơ ra cho một người đang đói, một tay là mấy lạng vàng đỏ choé, tay kia một nắm cơm chỉ bằng cái trứng gà, người này xin bạn nắm cơm. Vàng, tiền và cả đồ đạc đã trở nên vô dụng.
Khi người Nhật chiếm đóng Ðông Dương, người Pháp oải tay ra ngay, nhất là bên Pháp đang bị Ðức xâm chiếm, Pháp không còn lòng dạ nào săn sóc vấn đề Học chính ở nông thôn. Chẳng phải chỉ Học chính mà nhiều vấn đề khác, Pháp coi như bỏ thí, chỉ còn lo cho mấy thành phố, vừa dễ kiểm soát, vừa có đông kiều dân Pháp lưu ngụ, họ có nhiệm vụ phải bảo vệ. Chính bởi vậy, nông thôn chết như rạ mà thành phố vẫn tạm thời có gạo “bông” cấp phát mỗi tháng, còn cầm cự được cho đến mùa tới.
Thầy tôi đã tiên liệu đưọc nạn đói sẽ xẩy ra khi người dân Bắc Việt được lệnh bỏ lúa trồng đay, lệnh đã ban ra từ năm 1942 nhưng đến 1943 nông dân ta mới thi hành.
Tuy còn nhỏ nhưng tôi đã nghe và hiểu được những nỗi lo âu của thầy mẹ tôi khi hai ông bà nói chuyện với nhau mỗi buổi tối về nạn đói sắp sửa xẩy ra nhưng không biết rõ là vào lúc nào. Tôi biết thầy mẹ tôi lo lắm, lo đến mất ăn mất ngủ.
Một mặt thầy tôi gửi tiền về cho mẹ tôi đong trữ một ít thóc lúa, mặt khác ông cho đong một ít gạo dự trữ ở trong nhà ở thành phố Hải phòng.
Thầy mẹ tôi trong mấy năm đó không dám chi tiêu chút gì ngoài những thứ thật cần thiết cho đời sống. Xưa thầy tôi thích sửa nhà cửa, xây tường, xây cổng ngõ, đào ao thả cá, chơi hòn non bộ, cây cảnh, trồng hoa, nuôi khướu, nuôi nhồng, nuôi hoàng yến v.v...nhưng từ năm 1942, ý thức trận đói sắp đến sẽ vô cùng bi đát, thầy tôi rút hết lại không chiều theo sở thích nữa.
Tôi nhớ ông thả chim đi, cho cá vàng và hòn non bộ những người bạn muốn nuôi, ông bảo mẹ tôi không để đất không trong mấy sào vườn mà trồng khoai, trồng sắn, trồng rau trong khi mấy mẫu ruộng mẹ tôi cho cấy rẽ cũng đã phải tuân lệnh bảo tá điền trồng đay.
Dù có tạm đủ lúa gạo cho gia đình tôi cho đến vụ mùa sang năm, người trong nhà cũng phải ăn tiết kiệm bữa cháo, bữa cơm, độn khoai, độn ngô vì chẳng biết sẽ đói đến bao giờ. Từ thuở bé tôi chưa từng phải ăn độn ngô khoai, ăn cháo cám nhưng lúc đó phải ăn tất mà lạ lùng là năm đói, ăn thứ gì cũng ngon, cũng mau tiêu hóa dù chỉ cơm với muối hay nước mắm. Nay chúng ta mới nghiệm ra ăn không có thịt, cá (protein) như thế, mau đói là phải.
Xóm giềng chết quang lơ ra. Mọi khi đàng trước nhà tôi là nhà của gia đình chú Am, gia đình cô Bồng, gia đình anh Chắt; đàng sau, bên trái, bên phải cũng là những mái nhà, đông đảo, vui vẻ sầm uất là thế mà giờ đây, trước mặt, sau lưng, bên đông bên tây nhà tôi đều đã chết sạch cả, nhiều căn nhà bỏ hoang, nhìn vào thấy rờn rợn như những oan hồn uổng tử chết đói không thể siêu thoát vẫn còn lẩn quẩn với mái nhà thân yêu khi xưa gia đình xum họp.
Mỗi buổi tối khi mặt trời sắp tắt là cổng ngõ, cửa nẻo đã phải đóng lại, gài then cho chắc. Người người đều ở trong nhà, tắt đèn nằm trong ổ rơm... chờ sáng; khi nào buồn ngủ thì ngủ. Anh trai tôi và hai người anh rể đã võ trang bằng gậy gộc, dao rừng; hễ ăn cướp đến là phải liều chết đánh chứ biết sao. Nhưng rất may, cả vụ đói, nhà tôi không bị cướp tấn công mặc dù chúng biết nhà tôi còn một chút gạo cầm hơi. Mẹ tôi đã chia sẻ cho những người nghèo những gì bà có thể cho đến khi trong nhà đã kiệt quệ chỉ còn lại chút ít cho chính mình. Có lẽ vì vậy mà nhiều nhà trong tổng có máu mặt bị dân nghèo xông vào hôi của nhưng nhà thầy mẹ tôi thì không.
Tám mẹ con tôi nằm chung trong một cái ổ rơm, vừa bớt lạnh, vừa bớt sợ. Dù nhà đã có cổng ngõ xây và tường xây cắm mảnh sành chai bên trên - thầy tôi kĩ lắm - nhưng vì thổ đất quá rộng, có những chỗ hàng rào vẫn là bụi tre, kẻ gian có thể chặt tre chui vào.
Hệ thống hành chánh an ninh xã, thôn tê liệt vì đói. Mạnh ai nấy lo, dù cướp trộm có đến viếng cũng chẳng còn ai chạy đến giúp mình. Trước kia đêm nào cũng có tuần đinh đi tuần rỏn, canh gác, nhờ vậy kẻ gian không dám xuất đầu lộ diện. Giờ này, làng xóm như một bãi tha ma, đêm tối mịt mùng không thấy một đốm lửa, không một tiếng tù và, một tiếng chó sủa, mèo kêu mà thỉnh thoảng chỉ nghe mấy con cú mèo đến rúc nghe rợn tóc gáy
Một đêm, mẹ con tôi vừa ngủ được một giấc ngắn thì bỗng nghe mẹ gọi:
“Các con ơi ! Nghe như có đứa nào đang chặt bắp cải ngoài vườn.”
Chúng tôi nghe mẹ gọi đều thức giấc. Tôi nghe tiếng chặt rõ ràng ở vườn trước. Anh tôi nói:
“Ðể con với anh Giáo cầm gậy ra coi. Phải đánh cho nó chạy chứ !”
Mẹ tôi bảo:
“Thôi, các con ! Mẹ đoán kẻ ăn trộm là chú Giồng đó. Hồi chiều mẹ gọi chú cho chú vài bơ gạo, lại dẫn chú ra vườn chỉ hai cây cải bắp lớn bảo chú chặt đưa về cho con chú ăn
Chú ta nhìn xoi mói mấy cây cải bắp còn lại có ý thèm thuồng. Mẹ đoán chú chứ không ai đâu. Thôi kệ cho chú ta chặt, nhà ăn ít đi vậy. Vả lại, ra ngoài ban đêm rất nguy hiểm. Kẻ trộm có thể chém mình thoát thân, các con chưa đủ sức đương đầu.”
Sáng sớm hôm sau, ra coi thì hơn chục cây cải bắp hôm qua chỉ còn lại vài cây nhỏ. Như mọi khi còn con Vàng, con chó đực mẹ tôi nuôi đã vài năm, đâu ăn trộm có thể tự tung tự tác như thế. Ðói đã lâu nhưng mẹ tôi vẫn cố nuôi con Vàng vì thương nó. Chẳng riêng mẹ mà cả chúng tôi đều thương con Vàng.
Mùa hè, tôi thường dẫn nó ra bến sông, lấy xà phòng tắm cho nó, nó để yên cho tắm. Xong tôi bơi ra giữa dòng nước và gọi nó, nó bơi ra. Khi tôi ném khúc gỗ dài hai gang tay sơn đỏ sang tuốt bờ sông bên kia là nó bơi sang ngoạm lấy đem về. Có khi tôi sải phía trước, nó lõm bõm bơi phía sau, dù xuôi hay ngược dòng. Một lần vào bữa trưa, mấy mẹ con ăn cơm, như thông lệ, tôi xúc một bát cơm trên mặt nồi, gọi nó cho nó ăn, sau đó tôi mới ngồi vào mâm. Nhưng gọi hoài không thấy nó xuất hiện, tôi ngó các gầm giường nơi nó hay nằm, không thấy, tôi ra vườn sau, ra vườn trước, chẳng tăm hơi.
Tôi ra đường xem nó có tha thẩn ngoài đó không, tôi gọi:”Vàng, Vàng”. Vẫn biệt dạng. Tôi linh cảm có sự không hay xẩy ra cho nó, liền cấp báo cho mẹ tôi và cả nhà. Mẹ và chúng tôi mỗi người một hướng, bổ đi tìm con Vàng, bỏ cả bữa cơm chưa ăn nhưng biệt vô âm tín. Hỏi mấy người cùng xóm họ nói sáng nay có một bọn đàn ông lạ từ đâu đến không biết, tay cầm thòng lọng, thứ để bắt chó, tay cầm những cái cũi bằng tre đan thật dầy để nhốt chó. Không biết có phải đám người này bắt chó của nhà tôi hay không ?
“Thôi, tội nghiệp,” mẹ tôi nói, “có lẽ con Vàng đã bị bắt rồi.”
Mẹ con tôi trở về nhà mà lòng buồn vô hạn, gần như vừa mất một người thân yêu trong gia đình.
Cũng vì mất con Vàng mà đàn gà cũng mất theo cũng trong thời kỳ tháng ba đói, đàn gà gần hai chục con mẹ tôi gầy từ một con gà trống và một con gà mái mà ra.
Khi đói kém, mẹ tôi bảo chúng tôi, các con muốn ăn thịt con nào cứ bắt mà ăn, thóc để người ăn không đủ sao có thể nuôi gà. Thế là trong tuần đó, ngày nào anh tôi cũng vặt lông một con gà. Hình như kẻ trộm sợ chúng tôi ăn hết, một đêm, khoảng quá nửa đêm, mẹ tôi giật mình thức giắc vì tiếng gà kêu “quác quác “ ngoài chuồng. Mẹ tôi đoán ra ngay có kẻ ăn trộm gà, nhưng cũng như vụ trộm rau, mẹ bảo chúng tôi kệ cho chúng lấy. Ra nguy hiểm!
Dù sao kẻ gian cũng sợ người ngay, nhất là kẻ gian toàn những người xóm ngõ, quen biết, gia chủ nhìn mặt được thì quá xấu hổ nên chúng chỉ bắt bốn, năm con, còn để lại dăm, bảy con. Mẹ tôi cũng đoán ra được ai là kẻ ăn trộm gà, bà bảo chúng tôi nếu bây giờ vào nhà họ là thấy lông gà ở trong bếp ngay, lông gà nhà nuôi lâu ngày rất dễ nhận ra.
Có một gia đình mẹ góa con côi, mẹ tôi hết sức giúp đỡ nhưng cũng không qua khỏi lưỡi hái thần Ðói.
Bác Nâu, tên ông chồng, xưa kia là chân sào đi bè cho ông nội tôi.
Chuyến bè đó từ Việt trì về, nước lũ chảy xiết, bè dài cả cây số và nặng vậy mà nước cuốn đi băng băng, không nhanh mắt lái tránh các cù lao, các chỗ đường vòng là bè đập vào bờ hoặc tầu bè khác cũng đang đi trên sông, bè sẽ tan ra ngay và tan cả tầu bè của người ta.
Bác Nâu đang đứng trên bè nhìn dòng sông chảy xiết, chợt cái khăn trên đầu bác bị gió thổi bay, bác với tay ra chụp lấy nó nhưng mất đà, bác lao xuống sông. Với một tay đi sông nước nhiều năm như bác Nâu, chỉ sải mấy cái là lại ôm được bè trèo lên, rất dễ dàng. Nhưng không hiểu sao, bác Nâu không nổi lên mà bị nước cuốn đi mất tăm mất dạng. (Sau này người ta đoán có lẽ bác bị nước lạnh, vọp bẻ)
Cả bè được báo động.
Ông nội tôi đang ngồi ở trong lều nghe tiếng gọi:
“Cụ trùm, cụ trùm! Cụ ra coi anh Nâu rớt xuống sông rồi!”
Ông tôi vội chui ra khỏi lều. Ông hối ba thanh niên nhảy xuống sông đi tìm bác Nâu ngay, biết đâu bác tấp vào một cù lao hay bến bờ nào đó. Bè vẫn xuôi, như thông lệ khi có chuyện không may xẩy ra, ba người này sau khi tìm ra tung tích bác Nâu, sẽ dùng đường bộ đuổi theo bè và lên bè. Nhưng hoàn toàn vô vọng. Những người làm nghề đi bè và đánh cá nói khúc sông đó có “rớp”, năm nào Hà bá cũng bắt đi ít nhất một người mới xong.
Xác bác trôi đi đâu hay ra biển không ai biết. Ông tôi cho hai người nằm lại những vùng loanh quanh đó, sát bờ sông để xem xác bác có nổi lên thì báo về gia đình nhưng hoàn toàn không thấy sau mười ngày hai người này đi hỏi dò ở vùng đó.
Chẳng nói ai cũng biết sự đau đớn của gia đình bác Nâu gái và các con bác.
Ông bà nội tôi cũng rất thương, giúp bác Nâu gái một số tiền khá khá, lại hứa sẽ cho anh con cả đi bè thế bố nếu anh ta muốn.
Khi ông bà nội tôi mất, chính mẹ tôi thường giúp đỡ gia đình này (bố tôi ít khi ở làng). Trận đói chụp xuống, bác Nâu vay vỏ, nhờ vả mẹ tôi đã nhiều nên ngại ngùng.
Một bữa bác mang tới nhà cho mẹ tôi giấy tờ nhà đất để cầm cố lấy tiền về nuôi con. Mẹ tôi nói:
“Chị đừng nghĩ vậy. Em có dư thóc gạo thì em giúp chị nuôi các cháu chứ cầm nhà, cầm đất của chị làm gì ? Gia dình em rồi đây cũng không biết có thóc gạo đủ cầm hơi đến mùa sang năm không. Nhà đất, ngay đến tiền bạc giờ này đều vô nghĩa hết chị à. Em còn nửa thúng thóc đây, chị đội về xay cho các cháu nấu cháo. Em dư dả em không tiếc chị đâu.”
Bác Nâu gái khóc với mẹ tôi:
“Mợ đã quá tốt với chị và các cháu. Mợ cũng giúp mọi người như xưa hai cụ Trùm (ý nói ông bà nội tôi) còn sống. Nhưng mợ ạ, ăn hết chỗ này rồi lấy gì ăn tiếp mà sống đây ? Mợ có lại nhà chị mợ thấy các cháu mợ mới rõ sự tình. Ðứa nào đứa ấy gầy như cái xương đay, hai mắt lỗ đáo. Mợ nhìn tôi là thấy.”
Nói xong bác lại ngồi khóc. Mẹ tôi phải yên ủi:
“Thôi chị ạ. Tai trời ách nước, mọi người đều chịu chẳng phải riêng ai. Người ta chết nhiều lắm rồi. Em nghe người ta kéo nhau lên các thành phố ăn xin đông lắm vì ở thành phố Chính phủ còn bán gạo bông mỗi tháng mỗi người cũng mua được mấy kí-lô. Hay chị và các cháu thử nghĩ xem con đường đó may có sống không ?”
“Tiền chỉ còn chút đỉnh, mợ nghĩ 5 mẹ con tôi có lên được tới tỉnh không hay chết ở giữa đường?”
“Chị ơi, em cũng rối ruột quá, chính gia đình em cũng không biết có ngày mai không. Nếu nhà em không tiếp tế từ Hải phòng về thì có lẽ mẹ con em cũng chết rồi.”
Vài ngày sau đó, bác Nâu cùng 5 đứa con theo một gia đình khác lên tỉnh Nam Định làm hành khất và mẹ tôi không còn gặp bác nữa. Sau vụ đói, có người ở tỉnh về kể chuyện cho mẹ tôi nghe là họ có gặp bác Nâu và hai đứa con, ba đứa đã chết, vài tuần sau bà ta trở lại khu đó hỏi thì người ta nói chị Nâu và hai đứa con còn lại cũng đã chết mấy ngày rồi.
Với những biến cố khác, người ta bán nhà cửa, đồ đạc lấy tiền sống tạm. Năm đói Ất Dậu, nhà cửa, ruộng đất bán không ai mua. Khi cái bao tử trống rỗng, người ta chỉ nghĩ đến cáí gì có thể bỏ vào đó cho tạm yên sự đòi hỏi. Người đói có thể làm bất cứ hành động nào để giải quyết cho cái bức bách của bao tử kể cả giết người!
Trời rét cằn rét lụn. Những người sống sót vụ đói năm Ất Dậu đều đồng ý sao năm đó rét quá. Có lẽ lạnh một phần vì thân thể đã hết chất thịt, chất mỡ, những chất sinh ra năng lượng để chống lạnh. Cả thân thể chỉ còn da bọc xương nên càng cảm thấy lạnh. Đói và lạnh, hai cái a tòng với nhau, giết dần con người. Những người canh điền làm việc ruộng nương ở quê tôi - cũng như hầu hết những vùng nông thôn khác - khi no cơm ấm áo, các anh ấy khoẻ mạnh lắm. Nước da nâu dạn dày sương gió, các bắp thịt cuồn cuộn nở nang, nguyên cái bắp vế đã bự sự, gân guốc, cặp đùi to như hai con lợn nhỏ, hai cánh tay cũng to, khoẻ; ngực nở, vạm vỡ có thể vật ngửa một con bê, một con dê lớn hay một con nghé trộng trộng như chơi. Vậy mà bây giờ ? Cái đói đã làm tiêu hao hết, rút cạn kiệt hết. Hai cẳng chân và hai cánh tay như hai ống sậy - người miền Bắc gọi là hai cái xương đay - cần cổ cũng rút lại như cái xương đay thì sao mà sống được. Canh điền làm ruộng cho mẹ tôi, anh Rói, có bữa anh ăn một hơi mười bát cơm dễ dàng. Chẳng phải cơm không mà còn thêm một tô canh lớn, thêm cà mắm, dưa chua, tôm cá vv... Ăn nhiều như thế đến khi không có mà ăn là quị trước.
Ðây cũng là những kinh nghiệm đau thương của những người tù cải tạo, nguyên là quân, cán, chính VNCH ở miền Nam, với Cộng Sản sau 30-4-75. To con lớn mã thường bụng to và ăn nhiều. Nay rút lại chỉ còn bằng một phần hai mươi khi trước, lại phải “lao động vinh quang đẵn tre, đẵn gỗ trên ngàn; hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai”; ốm đau không có viên thuốc aspirine, mạng vong là lẽ dĩ nhiên!
Xóm tôi, xóm cây Bàng, lấy tên từ hai cây bàng trồng hai bên bến đá mà một trong hai cây ấy, chính tay tôi trồng khi tôi ở tuổi thiếu niên. Nó lớn như thổi vì tôi mướn chú Ðiều trong xóm móc bùn sông lên bỏ cho nó. Xóm cây Bàng trước trận đói có khoảng trên ba mươi nóc nhà. Có nhà anh em ở chung nên số gia đình khoảng trên bốn mươi. Vậy mà sau trận đói, số gia đình còn lại chỉ khoảng bảy, tám. Trong bảy, tám gia đình đó, chỉ khoảng năm gia đình là toàn vẹn. Ba gia đình kia đều có người chết đói.
Vườn tược không còn thứ rau gì có thể ăn mà bỏ sót. Những cây mồng tơi già chỉ còn trơ mấy cái gốc sần sùi vẫn được cắt về bếp luộc lên nhai. Những cụm rau sam đã hết sạch. Những cụm khoai môn, khoai ngứa, khoai ráy, những củ giong, củ chóc, ngay cả những củ nghệ, củ gừng, củ địa liền, nói tóm lại tất cả mọi thứ có thể nhai nuốt vào bụng được mà không độc, không chết, chỉ trừ lá tre vì chỉ trâu bò mới ăn lá tre, là được chiếu cố tận tình. Ngay như lá lưỡi rắn, chưa biết hay dở thế nào vẫn có người cắt đem luộc ăn, cho con ăn.
Trời cao đất dày ơi! Tôi biết phải tả làm sao để bạn đọc hình dung được, cảm nhận được, thấu hiểu được cái đói vắt ruột vắt gan kết liễu đời con người chỉ trong dăm, ba ngày mà là dăm ba ngày vô cùng đau khổ, thê thiết, tuyệt vọng?
Những ai đã phải nhịn đói lúc đi tầu vượt biển hoặc ở trong tù cải tạo biết được cái đói nó hung ác dã man thế nào! Nó quật người ta như quật một con ngoé. Nó dữ tợn đến nỗi một anh khổng lồ bình thường có thể nhấc bổng cả tạ gạo, lúc bắt nhịn đói mềm người thì yếu ớt như thằng bé mười tuổi. Anh khổng lồ chỉ khoẻ khi bụng no, khi cái bao tử đã được thoả mãn.
Lúc còn lúa gạo nghĩa là chưa quá đói, tức khoảng đầu năm 1944, có những người nấu cơm, nắm từng nắm bằng nắm tay đem ra chợ bán kiếm lời cho con ăn. Thúng cơm vừa đặt xuống, lập tức có cả vài chục người nhào tới cướp, bỏ vào miệng, nuốt vội nuốt vàng. Người đàn bà bán thúng cơm đành đứng nhìn cho chúng cướp sạch sành sanh, ngơ ngẩn ra về tay không. Ngày mai, bà ta lại ra chợ với thúng cơm nắm như hôm nay nhưng có thêm hai người đàn ông cầm hai cây gậy tre đực già, đứng gác hai bên cho bà ta bán. Nhưng chỉ được mấy phút, cả vài, ba chục con ma đói nhào vào cướp cơm. Những cây gậy phang xuống thân người không nương tay. Những cú đá, cú đạp quyết liệt để đuổi lũ ma đói. Nhưng những người đang đói không còn nhìn thấy gì ngoài những nắm cơm. Họ chịu đòn để cố cướp những nắm cơm thồn vào miệng, nuốt (không kịp nhai), nghẹn trợn trắng con mắt. Hai cây gậy liên tục giáng xuống người họ như mưa bấc nhưng họ vẫn xông vào vồ những nắm cơm. Năm, bảy người chết lăn ra cạnh đó vì trúng những đòn quá đau hoặc phải chỗ nhược. Thúng cơm chưa thu về được đồng bạc nào nhưng trước mặt những người bán là những xác chết, đôi mắt trợn trừng, miệng còn miếng cơm nhai dở lẫn với máu làm đỏ nhoè miếng cơm, có xác vẫn chưa hoàn toàn chết hẳn.
Chính mắt tôi cũng thấy người đàn bà nằm chết bên vệ đường, đứa con dăm, bảy tháng vẫn còn rúc vào vú mẹ, nút lấy chút sự sống. Và cảnh khác, xác người nằm chết bị chó đói, mèo, chuột đói làm thịt. Chúng nhai những mảnh da và cả những khúc xương. Cảnh địa ngục trần gian diễn ra khắp mọi nơi trên toàn lãnh thổ Bắc Việt vào đến Thanh Nghệ Tĩnh, con người ở vào đường cùng tìm mọi cách xâu xé nhau, cướp giật, trộm cắp để kiếm lấy cho mình một chút sự sống cho chính mình mà không là ai khác như người ta thường nói:”Cha bỏ con, anh bỏ em, đầy tớ bỏ thầy”. Có còn cảnh nào thảm hơn không?
Biết miền quê khó lòng chịu đựng nổi, thầy tôi cho người về tiếp tế cho mẹ tôi và đón hai anh em tôi ra Hải phòng.
Nào Hải phòng có hơn gì thôn quê. Và cả Hà Nội nữa. Mỗi buổi sáng, xe vệ sinh (xe hốt rác) của thành phố đi gom nhặt các xác chết nằm rải rác trên đường, trong công viên, nhà ga xe lửa, chợ, sân trường, sân nhà thờ, ngay cả trước các cánh cổng tư nhân vv...chất đống trên xe như đống rác đem ra ngoại ô đào lỗ, thẩy tử thi xuống, rắc vôi bột lên xong lấp lại.
Vì xung phong gia nhập “Đoàn Thanh Niên Cứu Đói”, hằng ngày đã có gặp, chúng tôi dễ làm quen với ông tài xế và hai người phu trên một cái xe hốt xác. Ðược hỏi, ông tài xế trả lời:
“Ngoài xe chúng tôi còn hai xe nữa cũng đi hốt xác cả ngày. Mỗi chuyến xe chở được từ 30-40 người, có khi hơn vì người nào người nấy chỉ còn bộ xương khô. Ngày đi đổ xuống hố dăm, sáu chuyến là thường.
Những hố chôn tập thể, có hố dăm, bảy trăm, có hố cả ngàn hoặc vài ngàn. Không thể nào đếm được. Thảm thương lắm các cậu ạ. Có người còn ngắc ngoải, chưa chết hẳn nhưng chúng tôi làm gì được đây? Phải là cơ quan y tế săn sóc cho ăn uống, thuốc men, họ mới sống được vì đã yếu quá rồi!”
Một người khác:
“Phải có công việc gì thì chúng tôi cũng bỏ cái nghề đi lượm xác này vì vừa làm vừa thấy thương lắm dù họ không phải ruột thịt bà con dòng họ, làng nước gì với mình nhưng là cái nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn với nhau. Hồi đầu tôi không làm được vì cứ nhìn họ là chảy nước mắt. Qua cả tuần, người chết qua tay nhiều quá nó mới quen đi.”
Người phu này nói đúng. Các Thanh niên chúng tôi cũng không hơn gì ông ta. Ðến những khu người chết, người sống lẫn lộn, người nào trông cũng như con ma đói, chẳng còn một tí gì gọi là con người, chúng tôi mủi lòng nước mắt lã chã tuôn rơi. Nhưng rồi anh đội trưởng ra lệnh bắt tay vào việc phát cơm, chúng tôi vui vẻ làm phận sự vì đang mang đến niềm vui và sự sống cho họ.
Mỗi ngày một người chỉ được phát hai nắm cơm nhỏ, người lớn, trẻ con như nhau. Những đứa trẻ chưa biết nhai thì mẹ nó nhai cơm mớm cho nó chứ làm gì có sữa. Trưa phát một lần, khoảng 5 giờ chiều phát lần nữa vì nếu phát cả hai nắm buổi sáng, hầu hết ăn luôn cả hai, tối lại đói meo. Bịch muối để ở giữa nhà, ai cần thì tự động đến lấy cái muỗng để sẵn múc vào bàn tay. Chúng tôi cũng dặn họ đừng ăn mặn kẻo khát nước, uống nưóc nhiều vào, bụng đang yếu, nước chỉ là nước máy chưa đun sôi e sinh tiêu chảy. Cơ thể của họ trục trặc nặng nên rất dễ sinh ra đủ chứng thổ tả, tiêu chảy, kiết lị, những bệnh về đường ruột.
Cũng có thể vì chúng tôi cho họ ăn từ từ, đói đói mà hầu hết những người đó sống qua trận đói chứ không như ở vùng quê, không được chỉ dẫn, nhiều người đã chết no (xin đọc ở dưới).
Pháp nhìn thấy nạn đói, biết rõ dân Bắc Việt sẽ chết cả triệu nhưng Pháp nhẫn tâm làm ngơ không mở kho gạo ra bán hoặc phát cho dân nghèo thành phố mà chỉ nhỏ giọt để giúp cư dân thành phố - Pháp cai trị trực tiếp - khỏi chết đói, nghĩa là căn cứ vào Sổ Gia đình do Khu phố thiết lập, mỗi người mỗi tháng được mua 10-15kg gạo chẳng hạn (tôi đã quên con số chính xác). Người không có địa chỉ tức không có Sổ Gia đình không được mua. Từ sự hà tiện gạo đó, Ðoàn Thanh Niên Cứu Ðói cũng phải “thắt lưng buộc bụng” chỉ giúp những người đói qua được cơn ngặt nghèo mà thôi.
Như đã trình bày, hầu hết những người chết đói ở thành phố là dân miền quê lên tỉnh xin ăn, mặc dù ở Hà nội, Hải phòng có những đoàn Thanh niên, Sinh viên Cứu đói đem cơm nắm đi phát nhưng không xuể vì người đói quá đông. Vả lại, đã quá đói lại thêm cái lạnh thấu xương, ngủ bờ ngủ bụi, dơ bẩn, mất vệ sinh tháng này qua tháng kia, người đã quá yếu, vi trùng xâm nhập dễ dàng và đột quị cũng dễ dàng. Cũng có những người nếu gặp được Ðoàn Cứu Đói sớm một đêm thì sống, để qua trưa hôm sau đoàn Cứu đói đến thì đã ngoẻo đầu ngồi chết cạnh bờ tường một ngôi chợ.
Tôi để ý và lấy làm lạ, hầu như 80% những người chết người nào cũng chỉ phong phanh một cái áo cánh, một cái quần. Họ không có lấy một cái áo ấm để chống lạnh làm sao chịu nổi với cái rét “chết cá dưới ao” của Bắc Việt? Người miền quê không có tiền sắm áo len, áo dạ mà chỉ áo bông, áo mền, áo đụp. Có thể đi dọc đường, họ đã đánh mất hoặc đổi lấy cơm ăn cho những kẻ còn cơm gạo trên các nẻo đường. Thường bụng đói bao giờ cũng lạnh hơn bụng no và người béo bao giờ chịu lạnh cũng khá hơn người gầy còm mà tháng Ba đói năm Ất Dậu, ai đã sống qua cũng đều nói sao cái năm ấy nó rét “tản thần” vậy!
Không nghĩ gì đến chuyện học - đồng bào chết lăn cả ra nhan nhản khắp góc phố ai có thể bình tâm ngồi học? Mà học để làm vua làm quan gì?
Tới Hải phòng ngày hôm trước, hôm sau hai anh em tôi xung ngay vào “Đoàn Thanh Niên Cứu Ðói” do thầy tôi khuyến khích mà thầy tôi cũng đang là một thành viên trong Ủy Ban Cứu đói của thành phố. Ủy Ban này thường chia từng Nhóm dăm người đi gõ cửa các nhà giầu, nhà hảo tâm xin gạo để cứu đói. Thầy tôi nói những bệnh nhân có máu mặt của thầy tôi đều được Ủy Ban, do sự hướng dẫn của thầy tôi, đến tận nhà xin giúp đỡ. Người ít kẻ nhiều, ai cũng muốn góp phần vào công cuộc cứu đói đang hết sức khẩn thiết.
Hôm đến xin gia nhập, anh Trưởng đoàn Cứu Đói tên Tựu phát tạm cho mỗi người một bộ quần áo đồng phục, áo sơ-mi dài tay bằng vải kaki Nam định mầu vàng, dầy, có thêm cầu vai như quân đội, quần kaki xanh lá cây già, một cái mũ như mũ Hướng Ðạo mầu xanh già có quai rịt xuống cằm, một huy hiệu tròn đeo trên ngực có chữ “Thanh Niên Cứu Ðói” và cái nơ vàng hai giải dài khoảng gang tay đeo ở vai trái. Tuy nhiên, vì thời tiết quá lạnh, chúng tôi thường phải mặc thêm áo ấm bên ngoài.
Chi đoàn chúng tôi lấy tên Quang Trung, đoàn viên khoảng 42 thanh niên nam nữ, mỗi sáng đúng 8 giờ tập họp tại nhà anh Ðoàn trưởng ở phố Cầu Đất, điểm danh, ghi công đàng hoàng. Cơm đã được các nhà nhận thổi và nắm lại từng nắm bằng nắm tay nhỏ nhỏ to khoảng ba cái trứng gà. Cơm vừa nắm xong còn nóng hổi, chúng tôi nhận mỗi người 40-50 nắm chất đầy vào ba-lô xong lên đường.
Bốn mươi hai người chia ra làm 8 đội từ 1-8, mỗi đội được phát một miếng giấy ghi rõ lộ trình và chỉ được hoạt động trong các khu phố thuộc lộ trình đó mà thôi để tránh sự trùng hợp vì người đói quá nhiều mà cơm gạo chỉ có hạn. Khẩu hiệu của chúng tôi là:
“Miếng khi đói bằng gói khi no”
”Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Hoặc:”Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Ngày nào không đi phát cơm, chúng tôi đến những thương gia, những nhà giầu có quyên gạo, quyên tiền, để anh Trưởng Ðoàn điều động người đi đong gạo rồi giao cho những nhà lãnh nấu.
Chúng tôi luân phiên công tác, mỗi người đều được tham dự cả hai phần vụ nếu muốn và trong đoàn thì nam nữ làm việc chung, tinh thần yêu nước, yêu đồng bào rất cao. Tuy chúng tôi không giúp hết được những người đói nhưng chúng tôi cũng đã cứu sống được cả chục, cả trăm ngàn người. Sau này trên báo chí còn đọc những lời đăng cám ơn rất cảm động. Nhiều người nói nếu không có Ðoàn Thanh Niên Cứu Ðói, số người chết còn nhiều nữa. Ở Hải Phòng lúc đó có khoảng 12 Đoàn như Đoàn Quang Trung của chúng tôi phân phối đi phát khắp hang cùng ngõ hẻm và cả ngoại ô.
Tôi không làm việc ở thành phố Nam định (tỉnh nhà) nên không biết đoàn Thanh Niên Cứu Ðói tỉnh này hữu hiệu đến đâu và cũng không biết những người làng, người tổng tôi có lên tới Nam Ðịnh mà xin ăn không.
Năm 1947, khi tôi trở lại làng mới biết được rất nhiều gia đình đã chết đói.
Dù sao, gần hai triệu đồng bào ruột thịt miền Bắc đã làm mồi cho thần Ðói bởi chính sách tàn ác của quân phiệt Nhật và thực dân Pháp. Chính những yếu tố này làm sục sôi thêm lòng căm thù ngoại bang khi cuộc Tổng khởi nghĩa 19-8 nổ ra như một quả bom dội vào đầu quân thù.
Ông Hồ chí Minh thành lập Chính Phủ Liên hiệp mà ông là Chủ tịch, ông Nguyễn hải Thần là Phó chủ tịch, Nhà Văn Nhất Linh Nguyễn tường Tam Bộ trưởng Ngoại giao, có cả ông Vũ hồng Khanh. Quốc hội khóa I, nếu tôi không lầm có cả Nhà văn Nguyễn mạnh Côn (tác giả Ba người lính nhảy dù lâm nạn, Mối tình mầu hoa đào...). Những Bộ, Sở quan trọng như Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin Tuyên truyền - những bức tường thành để củng cố chế độ - Việt Minh nắm giữ cả. Tôi còn nhớ ông Trần huy Liệu, một đảng viên Cộng sản, lúc đó nắm giữ Bộ trưởng Thông tin Tuyên truyền. Mọi chính sách của Chính phủ, mọi công việc chung nhân dân phải thực hiện đều do các loa phát thanh ra rả tuyên truyền đêm ngày ở khắp mọi nơi.
Việc đầu tiên của Chính Phủ ông Hồ - hay do chính ông Hồ - là tịch thu tất cả sách báo Pháp ngữ cũng như Việt ngữ xuất bản từ 1945 trở về trước đem đốt hết, nói rằng đó là tàn dư chế độ thực dân phong kiến bóc lột. Bao nhiêu công trình Văn hóa, nghiên cứu tâm huyết nhiều đời nay chịu thiêu rụi như đời Tần thỉ Hoàng với những thậm từ phỉ nhổ từ những kẻ chưa từng biết Văn hóa là gì. Nhà Văn Khái Hưng (Nửa chừng xuân, Hồ bướm mơ tiên...) bị bỏ vào bao bố thả trôi sông Ninh Cơ, (nghe nói ở khoảng Lạc quần). Học giả Phạm Quỳnh bị giết; cha con ông Ngô đình Khôi, anh ông Ngô đình Diệm sau là Tổng Thống VNCH cũng bị giết. Nhiều nhà cách mạng thuộc VNQDĐ, Đại Việt v.v...bị giết hoặc phải trốn chui trốn nhủi. Xã trưởng, Ấp trưởng làm việc cho Quốc gia cũng bị thủ tiêu nếu trốn không khéo. Xả trưởng xã Trà Bắc ngay kế làng tôi cũng bị nửa đêm dẫn đi, hai viên đạn vào ngực với tấm bìa “Việt gian phản động” ghim trên ngực áo. Nạn đói mới xong thì lại đến nạn “huynh đệ tương tàn”. Ai cũng thấy, cũng kinh hoàng.
Chương trình Pháp ở các thành phố dĩ nhiên bị bỏ. Sách Giáo khoa trước đây toàn là sách Pháp, dùng để giảng dạy học sinh, sinh viên. Nay bỏ hết nên nếu còn nhà giáo nào theo đuổi và được chấp thuận cho dạy thì cũng lúng túng vì thiếu sách giáo khoa Việt ngữ. Nếu muốn chuyển ngữ cũng mất một thời gian dịch thuật, in ấn, phát hành mà cơ quan đảm trách việc này là Bộ Giáo dục thì không hữu hiệu để lo. Tiền, gạo nếu có, Chính phủ Việt Minh còn lo mua vũ khí, nuôi bộ đội để thực hiện những mưu đồ lớn lao theo tiêu chí Cộng sản quốc tế, đâu có dùng để in sách, mướn thầy dạy học cho dân? Phong trào bài Pháp còn đi đến chỗ cực đoan, tiếng Pháp bị coi là ngôn ngữ của đế quôc thực dân, ai có chút vốn liếng tiếng Pháp đã học khi xưa cũng phải giấu đi, quên đi, lờ đi nếu không muốn bị kỳ thị, bị khinh khi như phản động Việt gian hoặc nhẹ hơn, có đầu óc nô lệ ngoại bang. Người đàn bà ở làng tôi cắp rổ đi chợ bị du kích xã bắt, cùm chân, trói tay vì trong rổ bà ta mua có một ít rau xanh, mấy củ cải trắng và một quả gấc chín đỏ thẫm để theo thứ tự đó. Du kích bảo đó là cờ tam tài xanh trắng đỏ của Pháp, tên nữ Việt gian này làm dấu hiệu cho phi cơ Pháp đến đánh phá!
&&&&
Lúc còn Pháp thuộc, thầy tôi hoạt động Cách mạng với các đồng chí của ông tích cực hơn, dễ dãi hơn là sau ngày 19-8-45, khi Việt Minh công khai xuất đầu lộ diện mặc dù lúc đó ông phải trốn tránh Mật Thám Pháp. Vì còn quá nhỏ, tôi thực không rõ thầy tôi ở trong đảng phái nào. Chỉ biết ông đã sang Tàu và Nhật hồi phong trào Đông Du rầm rộ. Mẹ tôi có lẽ biết ít nhiều nhưng sợ con trẻ lắp bắp làm hại thầy tôi nên chỉ ừ ào cho qua khi chúng tôi hỏi. Khi tôi đã trưởng thành, trên 20 tuổi và mẹ có thể tin tôi được thì lúc đó tôi ở Hà Nội, rồi theo đoàn người di cư vào Nam; còn mẹ tôi vẫn cứ phải gắn bó với ngôi nhà (vì thầy tôi là con trai duy nhất của ông bà nội), thửa vườn và vài mẫu ruộng tư lo cho các anh chị tôi còn ở thôn quê cũng như thực hiện lời phó thác của thầy tôi khi ông xa nhà là cố giữ gìn sản nghiệp ông bà tôi để lại cho. Ít năm sau, thầy tôi mất nên những gì về cuộc đời hoạt động bí mật kháng Pháp của ông cũng theo ông ra đi vĩnh viễn.
Có một điều tôi biết chắc chắn vì ông có nói với tôi về ông Hồ chí Minh, ngày đầu tiên ông Hồ từ Hà Nội xuống Cảng, xuất hiện trước đồng bào Cảng sau ngày Tổng Khởi Nghĩa của toàn dân 19-8-45. Khi hai bố con tôi cùng rất đông cư dân thành phố Hải Phòng đi nghênh đón và đến Nhà Hát Lớn nghe ông Hồ nói chuyện, thầy tôi bảo tôi một câu mà tôi còn nhớ đời:
“Rồi con coi đi! Bây giờ hoan hô ông Hồ cho lắm sẽ có ngày chính đồng bào mình chửi ông ấy nhiều. Vả lại thầy coi “tướng” thì thấy ông ta là người gian hùng, hiếu sát, quỉ quyệt, quá nhiều tham vọng. Có thể sau này ông ta sẽ bán nước nữa.”
Tôi nghe bố nói mà hoang mang vì trong lòng, tôi cũng kính yêu bác Hồ lắm. Không lẽ một nhà cách mạng được báo chí và mọi người ca tụng là suốt đời hi sinh cho đại nghĩa dân tộc, chịu cực chịu khổ trong chiến khu, ăn mặc rất bình dân tầm thường (quần áo kaki vàng, hình như đội nón cối?) không bao giờ có vợ con vì nguyện suốt đời hi sinh cho dân tộc, đứng lên kêu gọi toàn dân đuổi Pháp giành Độc Lập, hứa hẹn mang lại Tự Do, No ấm và Hạnh Phúc cho toàn dân, lại có thể là con người như thầy tôi nói với tôi? Tôi vốn kính trọng thầy tôi, rất để ý những lời thầy nói nên dù lén thầy mẹ xung phong vào đoàn thể này, đoàn thể kia cho thỏa chí trai, nhưng vẫn để tâm xem xét sự việc. Chẳng bao lâu tôi đã tìm ra cái cốt lõi của cụ Hồ là đệ tam Cộng sản quốc tế (từ 2 cuốn sách tôi được tặng) và từ đó, lòng quí trọng cụ nơi tôi giảm dần khi tôi thấy dân tộc Việt Nam không thích hợp với chủ nghĩa Cộng sản vì còn rất đông đồng bào không theo đạo này thì theo đạo khác, nghĩa là hữu thần chứ không vô thần như ông Hồ và đảng của ông. Dân tộc Việt Nam cũng gắn bó với gia đình, thờ cha kính mẹ, tôn trọng lễ giáo tiết nghĩa mà người Cộng sản, theo cuốn sách họ phát cho tôi, bỏ hẳn gia đình, bỏ cả tổ quốc để chỉ còn thế giới đại đồng. Chính vì hai cuốn sách Mác-Lê được tặng, tôi đã bỏ giờ đọc và nhận ra rằng những lời thầy tôi nói về ông Hồ quá đúng và tự nghĩ, nếu tôi không sáng suốt thì những gì tôi sẽ hi sinh, đất nước sẽ chẳng được hưởng mà chỉ ông Hồ và đảng của ông được lợi. Ngày nay, khi đã lớn tuổi, đã kinh qua nhiều chế độ và rút được khá nhiều kinh nghiệm, tôi nghiệm ra rằng, tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều triệu đồng bào của tôi, khi “bừng con mắt dậy thấy mình tay không!” lại còn đắc tội với Tổ quốc, trong đó đau đớn nhất là những thành viên trong Mặt Trần Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam như Lâm văn Tết, Dương Quỳnh Hoa, Nguyễn hữu Thọ, Nguyễn bửu Kiếm(?), Trịnh đình Thảo... và cả những đồng viện của tôi ở Hạ Nghị viện Việt Nam Cộng Hòa (khóa 1971-1975) như Phan Xuân Huy, Kiều mộng Thu, Hồ ngọc Cứ, Lý quý Chung, Hồ ngọc Nhuận, Vũ văn Mẫu, Hồ văn Minh, Trần văn Tuyên và Nhóm Đối lập của ông, Nguyễn văn Binh và Nhóm DB Quốc Gia Hạ Viện, ông sư giả dạng Trí Quang và cả nhạc sĩ tài danh Trịnh công Sơn v.v... Tôi nghĩ không danh sách nào có thể liệt kê hết những người bị lừa.
“Thế hệ chúng tôi đả bị lừa” bị lừa một cách đau đớn như lời nhà văn Dương Thu Hương nói khi bà ngồi khóc bên vệ đường Sàigòn ngày 30-4-1975 lúc quân đội người anh em Bắc Việt vào cưỡng chiếm Sàigòn, biến cả nước thành một trại tập trung khổng lồ đói khổ chưa từng có trong lịch sử Dân tộc Việt. Khi hỏi vì sao bà khóc, bà nói:”Tôi khóc vì cái ác thắng cái thiện, cái mọi rợ thắng cái văn minh!”.
&&&&
Trở lại với trận đói, sau khi gần hai triệu đồng bào Bắc Việt bị thần Ðói mang đi, mùa lúa năm đó lại thu hoạch khá, người nào sống sót không bị đói nữa. Nhưng hết chết đói, đến bây giờ lại chết no.
Thực vậy, có nhiều người, vì đói quá lâu ngày, nay được ăn cơm, dù thức ăn đạm bạc, họ ăn không biết no. Tôi đã chứng kiến tận mắt một thanh niên cũng khoảng 17 hay 18 tuổi, đến nhà một người quen làm việc vặt trong nhà và ngoài vườn cho chủ nhà. Người chủ nói, bữa ăn dọn lên, anh ta ngồi ăn hết nguyên một nồi cơm lớn cộng thêm mấy bát canh mồng tơi nấu cua và cà ghém, tép kho.
Ăn xong, mặt mũi anh ta tự nhiên đỏ ké, hai mắt trợn trừng, cái bụng phình chướng như người đàn bà sắp sinh, nằm vật vã ít phút rồi chết Khi tôi đến gặp người chủ nhà thì anh ta mới chết, còn đặt nằm ngay trên phản. Người ta giải thích, sở dĩ chết vì cái bao tử trống rỗng đã lâu, nay phải cho vào từ từ. Ðúng ra phải nấu cháo cho ăn vài bữa cho quen, sau đó ăn cơm ít ít một, sau vài ba ngày mới được ăn no. No đây là vừa đủ, ba bát chẳng hạn. Ðàng này nồi cơm cả mười mấy bát ăn vào một hơi, bao tử còn đang yếu, nó bị nứt ra, đâu có chịu nổi ?
Nhờ mẹ tôi biết tần tiện “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” và sự tiếp tế khéo léo và đều đặn từ thầy tôi như tiền bạc và gạo, gia đình tôi năm đói không mất một ai. Cũng phải thêm một điều, thường ngày chúng tôi không ăn nhiều nên khi thiếu thực phẩm, chúng tôi nhịn được. Những gia đình nông dân xưa nay quen ăn no, vác nặng, họ ăn gấp hai, gấp ba chúng tôi, nay bị đói, không chịu được, rất dễ mệt lả. Cũng có người vì đói quá lấy rau, lá, cỏ nhai bị thứ cỏ độc là vong mạng. Vỏ củ khoai mì rất độc, có những anh em tù nhân chính trị đi tù cải tạo chết vì vỏ khoai mì.
Anh em H.O kể chuyện dùng chảo gang lớn luộc khoai mì. Khoai chín, vớt ra. Ðội khác lại bỏ khoai mì vào luộc, dùng ngay nước đã luộc cho nhanh vì anh em đi làm về, ai cũng đói, cũng muốn ăn ngay. Mẻ khoai mì trước, chất độc thải từ vỏ ra ngấm vào mẻ khoai sau, anh em sống sót kể lại, sau khi ăn, buổi tối đó, 16 anh đau bụng, dữ dội, ói mửa rồi lăn đùng ra chết vì chất độc quá đậm. Bụng trống, chất độc hoành hành mạnh hơn. Thuốc tây, thuốc ta đều khuyên người bệnh nên ăn uống chút gì rồi hãy uống thuốc, bớt “say” thuốc hơn là khi để bụng đói mà uống.
Thầy tôi đã rất dụng công khi chuyển gạo từ Nam định về làng cho mẹ tôi để nuôi chúng tôi. Mẹ tôi kể thầy tôi có vài người đồng chí đi kháng Pháp cùng nhau đã lâu. Hai bác này có gia đình buôn bán ở chợ Rồng thành phố Nam định. Như tôi đã trình bày, dân thành phố được tiếp tế đều đặn khi có sổ gia đình, nghĩa là đã cư ngụ sáu tháng trở lên ở một địa chỉ được khu, phố chứng nhận. Mỗi tháng mỗi đầu người trong gia đình được mua mươi lăm kí gạo, mấy gram muối đủ ăn trong một tháng. Cầm sổ gia đình đến những tiệm buôn gạo, nơi đã lãnh gạo của nhà nước, trả tiền là người ta phát gạo. Tuy vậy, những tiệm buôn gạo vẫn có dư gạo bán chợ đen cho người có tiền. Thầy tôi nhờ hai bác “đồng chí” mua giùm gạo, do thầy tôi đã gửi tiền bằng “mandat” về, lại mướn người mỗi lần đưa mươi lăm, vài chục kí, khéo léo ngụy trang dưới những bộ quần áo rách... đem về cho mẹ tôi. Những người này được trả công tử tế nên họ sẵn lòng đi. Vả lại, từ chợ Rồng Nam định về làng tôi chỉ chừng 30 cây số, vừa đi vừa về một ngày, người đàn bà đội 15-20 kí gạo trên đầu đối với họ rất nhẹ nhõm. Tới nơi, mẹ tôi lại đãi ăn uống và cho thêm chút tiền hay quà bánh mang về.
Lúc đó Việt Minh chưa xuất hiện, Pháp bị Nhật đảo chính ngày 9-3-45, hệ thống hành chánh xã thôn do Pháp thiết lập như rắn mất đầu không còn canh gác hữu hiệu như trước. Dân buôn bán tha hồ đi lại, không ai khám xét. Và vì vậy, mẹ, các anh chị và tôi mới thoát nạn đói.
Qua nạn đói, (khoảng mùa Thu năm 1945), khi thầy tôi sai tôi hướng dẫn mấy nông dân đi mua phân về bón lúa, tôi mới thấy rõ tâm địa ác độc của thực dân Pháp và quân phiệt Nhật.
Như tôi đã mô tả trong truyện ngắn:”Năm Mùi nhớ chuyện tiết canh dê” (2003), mấy nông dân nguyên là bệnh nhân của thầy tôi ở ngoại ô Hải phòng như Cầu Rào, Trại Cau, bên kia bến đò Bính v.v...muốn mua phân về bón ruộng. Tôi nghĩ thầy tôi đọc báo nên biết mà sai tôi dẫn mấy người này ra bến Sáu Kho Hải phòng chỉ cho họ mua. Nhờ có bảng chỉ dẫn bằng tiếng Pháp, tôi đưa ba người này vào những cái kho lớn (có lính Tây đứng gác) như cái siêu thị Mỹ ngày nay, trong đó những đống đen đen, xám xám cao tới nóc nhà do gạo để quá lâu ẩm mốc, thối rữa mà thành. Cũng có chỗ gạo còn nguyên hột dù đã đổi mầu. Mùi ẩm mốc xông lên nồng nặc. Pháp nghĩ sao không hiểu bèn bố cáo lên bán cho nông dân đem về bón lúa mà chúng nói rất tốt. Cả mấy chục cái kho lớn như thế tại Sáu Kho, kho nào cũng đầy ắp “phân”, thảo nào dân ta không chết đói? Nhìn những kho phân đó mà căm giận bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật đến xương tủy. Nông dân bảo nhau nên ngày hôm sau, một đám khác gần chục người tới; tôi lại dẫn họ đi mua.
Giả sử vua Bảo Ðại, lấy tư cách là Hoàng đế Việt Nam, đích thân can thiệp với Pháp và Nhật phải để ông mở kho phát gạo cho dân chúng thì có lẽ Pháp và Nhật không từ chối được vì là lí do chính đáng. Nếu chúng không ưng, ông chỉ doạ cho dân nổi loạn đến cướp là chúng sẽ co vòi. Nhưng ông không làm gì, ngay cả đi quan sát dân tình lúc dầu sôi lửa bỏng. Tôi chưa từng thấy một ông vua nào bù nhìn đến thế, một cái nhục lớn cho triều Nguyễn.
Nếu những kho gạo này được mở ra, thiếu gì cách để phân phối gạo một cách công bình. Thí dụ những người có tiền có thể mua theo Sổ gia đình. Dân nghèo quá thì phát không. Các tỉnh thị, các vùng nông thôn như phủ huyện, gạo đều được vận chuyển tới.
Với hàng trăm cái kho lớn như thế do sự thu mua, tồn trữ lâu ngày từ người Pháp (có lẽ để tiếp tế cho quân đội Nhật, theo lệnh Bộ chỉ huy Nhật nhưng ngay sau đó Nhật phải đầu hàng Đồng Minh, bị tước khí giới và đi làm tù binh nên số gạo này chưa kịp dùng), nếu được mở kho bán, phát, dân ta sao có thể chết đói được? Giả sử có thì cũng chỉ ở những nơi xa xôi khó vận chuyển và số người chết cũng chỉ sơ sài mà thôi, đâu có lên cả hai triệu người?
Vì chiến tranh lan tràn khắp nơi, tôi phải theo gia đình di tản đến những miền thôn quê bớt bom đạn nên không biết sau đó số phận những kho “phân” này ra sao vì nông dân không có tiền và không cần mua nhiều thứ “phân” này để bón ruộng. Tôi cũng để ý theo dõi nhưng không thấy báo chí nhắc đến những cái kho này mà ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình đều có, theo lời thầy tôi.
Xóm cây Bàng - nơi tôi ra đời - sau năm đói trông vắng tanh vắng ngắt như chùa bà Ðanh. Bộ mặt xóm cũng thảm não như vừa qua một trận bão lớn hay một trận hỏa tai, khác hẳn với trước kia thật đông vui, người đi kẻ lại, trẻ con chơi đùa trên sân điếm canh, dưới bóng mát cây bàng, trên con đường tráng xi-măng xuyên từ đầu xóm đến cuối xóm. Tiếng ru con êm đềm, truyền cảm của các bà mẹ quê. Tiếng xay thóc ù ù, giã gạo bịch bịch. Tiếng sáo diều vi vu trên không những đêm hè, tiếng hò hát của trai gái đối đáp và tiếng lạch bạch bì bõm những mái chèo khua tan ánh trăng thu trên con sông phía trước. Còn ngày Tết? Tiếng thớt băm rổn rảng, người gọi nhau ơi ới đi đánh đụng lợn, đi gói bánh, luộc bánh chưng đi lễ Phật, đi nhà thờ v.v...
Những hình ảnh, âm thanh thân thương, tha thiết đó nay đã chìm vào dĩ vãng và chẳng biết bao lâu nữa mới trở lại được như xưa. Những thằng bạn cùng trang lứa với tôi cũng biến mất, Có lẽ chúng đã chết đói mà nếu còn sống thì đang tha phương cầu thực ở một phương trời lạ hoắc lạ huơ nào!
Tôi không được gặp anh chị Thường và các cháu trước khi đi Hải phòng vì đi quá vội và đi như đi trốn nên từ ngày đó tôi không hiểu tình trạng gia đình anh chị ấy ra sao.
Tôi nhớ lần cuối cùng tôi đến nhà anh chị Thường chơi là vào mùa hè năm 1944.
Bữa đó mẹ tôi thổi cơm nếp đậu xanh và làm bánh trôi nước. Ðám con anh chị Thường hiện ra trong trí mẹ tôi - bà vẫn có tật như vậy - nên mẹ tôi xúc nhiều gạo và đậu lên, còn một ít bột nếp cho cả vào cái thố trộn nước và ngào. Hôm ấy mẹ tôi không còn đường thẻ để làm bánh mà chỉ còn một ít mật mía để trong vại đã khá lâu. Mẹ và hai chị tôi, người lo nồi cơm nếp, người làm bánh.
Cũng chẳng phải sang gì trong khi ngàn vạn người đói nhưng cái năm đói đó lạ lắm. Ăn lúc nào cũng được, ăn xong một lát lại thấy đói bởi mỗi bữa đâu có được ăn no. Không thịt, không tôm cá, chỉ rau, dưa, cà mắm lại càng tiêu hóa dễ. Chẳng phải gia đình tôi mà nhà nào cũng vậy, bới móc trong kẹt trong tủ, trong góc buồng, góc chạn có cái gì ăn được là lôi ra. Thành thử có nhiều gia đình, khi mọi người đã chết hết nếu có ai vào mà bới, mà tìm khắp không còn một hột gạo, một mẩu khoai. Những thứ gì nuôi sống được con người đã vào bụng hết để cuối cùng chỉ còn cây cỏ, đất cát, tre gỗ, gạch ngói...xung quanh, những thứ không nhai được. Còn nồi niêu thì vứt lung tung vì không dùng đến đã lâu, coi như những đồ vô dụng. Ngay mâm đồng, nồi đồng, xanh đồng trước kia quí giá là thế bâygiờ vứt đó chẳng ai ngó ngàng bởi nó không đổi ra cơm gạo được. Những nhà giầu có dư thóc lúa không muốn mua vì họ cũng sợ còn đói lâu, thóc gạo của họ đem đổi lấy đồ đồng, đất cát, nhà cửa v.v... rốt cuộc ngồi mà nhìn đống vật không nhai được đó, chết đói. Ðó là trường hợp vài gia đình ở hai làng Xuân bảng và Kiên Lao. Tôi sẽ kể truyện này ở một chương dưới.
Ở trên đã nói nồi niêu trở thành vô dụng. Quả là chúng vô dụng thật vì gạo thóc, cá mú, rau dưa không có thì nồi xoong dùng vào việc gì? Cũng ví như có thuyền mà không có sông hồ, có kim mà không có chỉ, có cần câu mà không có cá bơi lội dưới sông, hồ.
Mẹ tôi lục trong góc buồng ra được mấy bơ đậu xanh (bơ bằng cái cóng sữa bò). Gạo nếp cũng còn mấy bơ. Ðường hết nhưng còn vài bát mật (mía). Tôi còn nhớ bữa đó mẹ tôi bảo tôi ra bể nước mưa múc nước vào cho bà ngào bột, nấu đậu xanh. Bà bảo hai chị tôi nấu cơm nếp thay vì thổi xôi vì muốn thổi xôi, phải ngâm gạo và đậu một đêm. Không ai dám bày vẽ ra lúc này. No ấm, vui vẻ, sung sướng gì mà bày vẽ. Cốt sao ăn cho chắc cái bụng, sống qua ngày là được.
Lúc làm xong, trước khi gia đình ăn, mẹ bảo tôi:
“Mấy đứa con anh chị Thường tuần trước mẹ gặp, chúng gầy quá. Bỏ lúa trồng đay cái kiểu này chết đói cả làng, cả huyện, cả tỉnh đến nơi. Gia đình mình không có thầy tiếp tế về thì cũng đói nhăn ra rồi. Con mang thố cơm nếp và ít bánh trôi lại cho các cháu nhé!”
Rồi bà chép miệng:” Tội nghiệp ông bà Thung và vợ chồng Thường rõ hiền lành tử tế, chịu lam chịu làm. Mấy đứa con ngoan ngoãn, dễ bảo, nhất là cái con Yêu, con gái lớn, một tay nó hết. Nó đã xinh gái mà lại tốt nết, chỉ tội làm cho bố mẹ cực quá, gầy người đi. Thằng con trai nào sau lấy được nó cũng được nhờ. Nọ nay mẹ thấy mặt nó xõm đi vì thiếu ăn. Ông Trời làm cơ cực đến thế này!”
Chị Hai tiếp lời mẹ:
“Mẹ nghĩ nhà ta còn gì giúp anh chị ấy không?”
Mẹ tôi bùi ngùi:
“Cách dây hai tháng, chị ấy đến vay thóc. Mẹ dẫn chị ấy vào trong buồng cho chị ấy coi. Nào có còn bao nhiêu. Sau đó mẹ cho chị ấy chứ không phải cho vay hẳn một gánh. Anh ấy đem quang thúng đến gánh về. Chị ấy khóc, nói mợ đâu có còn bao nhiêu mà mợ cho con? Mợ cho con rồi lấy gì cho các em ăn cho đến lúc có lúa mới? Mẹ không dám nói đã có cậu gửi từ từ về sợ chị ấy trống miệng nói lung tung ra. Mẹ chỉ bảo:” Dù sao mợ xoay xở cũng dễ hơn con, cứ đem về xay cho các cháu ăn!” Chị ấy vẫn khóc, nói:“Mợ ơi, gánh thóc này gia đình con có ăn cháo qua ngày thì cũng chỉ được tháng rưỡi, hai tháng. Sau đó lấy gì cầm hơi hả mợ? Nhà con còn chút tiền bán đay nhưng không có ai bán gạo, thóc cho mà mua. Làm thế nào hả mợ?”
Mẹ phải an ủi chị ấy:
“Trời đày đọa cả bàn dân thiên hạ chứ có phải riêng một gia đình nào. Ðành cứ phải đến đâu hay đó, con ạ! Thôi về bảo anh ấy đến mợ xúc thóc cho.”
“Ðể lặn mặt trời anh Thường mới đến mợ kẻo gánh thóc ban ngày nhiều người nhòm ngó, họ lại nghĩ mình có nhiều, họ đến vay vỏ. Khó lắm mợ ạ.”
Mẹ tôi nghĩ ra:
“Phải đó. Thôi để mợ bảo Hai xúc sẵn vào thúng để đó. Anh ấy đến là cứ việc gánh về.”
(còn tiếp)
Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử
Trúc-Lâm Yên-Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử