lịch sử việt nam
Ý-Thức-Hệ Dân-Tộc Trong Ngày Tết Việt-Nam
Nguyễn-đăng-Thục
" Trăm năm tính cuộc vuông tròn ."
( Kiều )
Những kẻ mắc bệnh suy-luận hoài-nghi thường miệt-thị những truyện Cổ-tích, gọi là Huyền-thoại mà họ cho là hoang-đường. Sự thật, không một dân-tộc nào có một truyền-thống văn-hóa cổ-kính lại không có Thần-thoại hay Cổ-tích, như Ấn-Độ có bộ truyện Cổ-tích Thần-thoại vĩ-đại như Mahabarata hay Ramayana mà quốc-dân tôn-kính như một pho giáo-lý về giá-trị đạo-đức lý-tưởng, cũng như Hy-Lạp có Thần-thoại của dân-tộc Hy-Lạp làm đề-tài khởi-hứng cho các nghệ-sĩ Âu-Tây cận-đại .
Vì truyện Cổ-tích hay Huyền-thoại không phải là sản-phẩm riêng của cá-nhân tưởng-tưởng để tiêu-khiển " lúc trà dư tiểu hậu ", mà là những tấm gương phản-chiếu cả một trạng-thái tâm-lý quần-chúng, cho nên thường được lưu-truyền đời nọ qua đời kia, lọc đi lọc lại qua ý-thức quần-chúng để biến thành những bài học lịch-sử vậy. Thần-thoại có liên-hệ đến sự hiểu-biết thông-cảm đầu tiên của người ta về chính mình và hoàn-cảnh trong đó người ta sinh sống. Đối với nhân-loại thời cổ sơ còn hồn-nhiên chất-phác, sống gần với cảnh vật thiên-nhiên như lớp người nông-dân ngày nay còn sống, thì không phải họ sống bằng suy-luận mà là sống bằng cảm-tình thân-mật với sự vật thiên-nhiên hầu như tham-gia vào với hoàn-cảnh. Người cổ xưa cũng như nông-dân ngày nay không có hai hình-ảnh về thế-giới sự vật, một thế-giới khách-quan duy-vật và một thế-giới chủ-quan duy-tâm. Người xưa qua Huyền-thoại chỉ có một thế-giới hồn-nhiên duy-nhất. Nó cần phải định vị-trí của nó đối với sự vật chung quanh, và để tìm định-hướng cho hành-vi có hiệu-nghiệm nó bắt đầu tạo ra các truyện Thần-thoại hay Huyền-thoại. Những Huyền-thoại ấy phần nhiều phản-chiếu tín-ngưỡng của nhân-dân như Huyền-thoại về " Tứ bất tử " phổ-thông ở Việt-Nam chẳng hạn :
1._ Huyền-thoại Sơn-tinh _ Thủy-tinh.
2._ Huyền-thoại Đổng-Thiên-Vương.
3._ Huyền-thoại Chử-Đồng-Tử.
4._ Huyền-thoại Liễu-Hạnh.
Nhưng trong tất cả một số truyện Cổ-tích Thần-thoại Việt-Nam, có liên-quan đến thời Tiền-sử tối cổ Hồng-Bàng của triều-đại Hùng-Vương coi như Thủy-tổ dân-tộc, chúng tôi thấy có truyện " Bánh Chưng " không những đã được truyền-tụng rất phổ-biến trong dân-gian, mà còn được nhân-dân các tầng lớp, nông, công, thương, binh, từ thành-thị tới thôn-quê đã đem biểu-diễn ý-nghĩa ra đời sống thành tục-lệ nghi-lễ trang-nghiêm kính-cẩn của một tôn-giáo là tôn-giáo Tổ-tiên trong ba ngày Tết đầu năm Âm-lịch .
Truyện Bánh Chưng Bánh Giầy .
Sau khi Hùng-Vương đã phá được giặc Ân ( nhờ tay anh-hùng dân-tộc Phủ-Đổng Thiên-Vương ), trong nước thái-bình, Vua lo việc truyền ngôi cho con, mới hội-họp hai mươi vị Công-tử lại mà bảo rằng :
" Ta muốn truyền ngôi cho con nào làm được vừa ý ta, đến kỳ hết năm đem trân cam mỹ vị đến dâng cúng Tiên-Vương để trọn đạo hiếu của con cháu đối với Tổ-tiên, thì ta sẽ truyền cho nối nghiệp !
" Các Công-tử, ai nấy lo đi tìm các vị trân kỳ, hoặc săn bắn, hoặc chài lưới, hoặc mua sắp ở chợ, cốt sao được nhiều vị ngon vật lạ, không biết bao nhiêu mà kể. Chỉ riêng Công-tử thứ chín là Lang-Liêu, bà mẹ hàn-vi đã lâm bệnh mà quá-cố rồi, bên cạnh chẳng còn ai giúp đỡ nên khó bề tính-toán, ngày đêm thao-thức mất ngủ .
" Chợt một hôm nằm thiếp đi, mộng thấy Thần-nhân hiện đến bảo rằng :
( Trong trời đất không có gì quý bằng thóc gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không còn vật gì hơn nó mà đứng trên được. Nếu nay con lấy gạo nếp nấu chín, giã cho nhuyễn, nặn thành hình tròn để bắt-chước tượng-trưng cho Trời tròn. Lại gói làm bánh vuông để tượng-trưng cho Đất vuông, ở trong làm nhân đậu, thịt cho thật ngon, bắt chước hình trạng Trời Đất bao-hàm chứa đựng muôn vật, ấy là ngụ ý-nghĩa Trời Đất như Cha Mẹ sinh nuôi muôn vật, thế thì lòng Vua Cha sẽ vui mà tôn-vị chắc về con .)
" Lang-Liêu giật mình tỉnh dậy, trong lòng mừng thầm rằng : Thần-minh giúp ta, ta khá bắt-chước theo mà làm ngay .
" Lang-Liêu bèn lựa hạt gạo nếp thứ trắng-tinh, hoàn-toàn không sứt mẻ, vo cho trong sạch, để ráo, lấy lá chuối xanh gói bên ngoài thành hình vuông đặt nhân ngon vị thơm vào giữa, đem chưng nấu cho thật chín mục gọi là Bánh-Chưng. Lại lấy gạo nếp đồ sôi giã cho thật nhuyễn, nặn thành hình tròn để tượng-trưng cho Trời tròn là Bánh Giầy .
" Đến kỳ hẹn, Vua hội họp các con lại, ai nấy trưng bày phẩm-vật của mình ; các Công-tử đem dâng không thiếu thức gì, duy chỉ có Lang-Liêu đem chiếc Bánh Giầy tròn, Bánh-Chưng vuông dâng lên. Hùng-Vương lấy làm lạ hỏi Lang-Liêu. Lang-Liêu cứ thành thật trình tâu như lời Thần-nhân đã bảo trong mộng. Vua bèn tự thân nếm thử bánh, thấy vị ngon thơm vừa miệng, ăn mãi không chán. Phẩm-vật của các Công-tử khác không sao hơn được thật. Vua khen ngợi hồi lâu, rồi cho Lang-Liêu được giải nhất.
" Năm hết, Vua dùng bánh ấy dâng lên Tiên-miếu và cung-phụng cha mẹ. Thiên-hạ đua nhau bắt-chước truyền mãi đến ngày nay, lấy tên của Lang-Liêu để gọi là Tiết-Liêu-Vương .
" Hùng-Vương truyền ngôi cho Lang-Liêu, hai mươi mốt anh em đều giữ các Phiên Trấn lập làm Bộ-đảng, đóng giữ núi ngòi để thủ-hiểm cho bền vững. Về sau các anh em thường tranh nhau làm trưởng, mổi người dựng thành mọc sách để che giữ cho kín, bởi vậy mới có tên các Bộ-lạc sau này lập thành Sách, thành Trại, thành Trang, thành Phường là bắt đầu từ đấy " . _ ( Theo " Lĩnh-Nam Chích Quái " của Trần-Thế-Pháp thời Trần và " Việt-sử Đại-toàn " của Mai-Đăng-Đệ ) .
Câu truyện Cổ-tích trên đây có thật chính-xác lịch-sử hay không, không quan-trọng. Tất cả sự quan-trọng của nó cũng như tất cả các Thần-thoại hay Huyền-thoại Cổ-tích nằm tại ý-nghĩa ngụ bên trong. Ý-nghĩa trọng-đại ấy là nó đã phản-chiếu cả một trạng-thái sống-động trong tinh-thần cũng như ngoài thực-tế của cả một dân-tộc hàng bao nhiêu triệu người trải qua hàng ngàn năm lịch-sử. Ý-nghĩa trọng-đại của nó là ngụ cả một ý-thức-hệ văn-hóa của một mô-thức xã-hội nhất-định, là xã-hội nông-nghiệp, của cả một tầng lớp nhân-dân gồm ( 90% ) chín mươi phần trăm của một nước .
Chúng ta hãy tuần-tự trình-bày những điểm chính-yếu sau đây của cái ý-thức-hệ Lạc-Việt cổ-kính và truyền-thống ấy, nó vẫn còn đang chi-phối tư-tưởng và hành-vi chúng ta, là dân Việt ngày nay, vì là một người dân Việt-Nam, từ Nam chí Bắc, chắc hẳn hiện nay chưa một ai đã dám bỏ hẳn ý-nghĩa thiêng-liêng của " Ba ngày Tết " đúng như câu nói trứ-danh của một nhà lập-thuyết cách-mệnh thế-giới hiện-đại : " Les traditions des morts pèsent d'un poinds lourd sur le cerveau des vivants " nghĩa là : ( Những truyền-thống của người chết còn đề nặng trên đầu những người đang sống ) .
I._ Điểm thứ nhất.
Vua Hùng-Vương triệu-tập con cháu dạy bảo " Năm hết Tết đến " phải nhớ sắm sửa lễ-vật để cúng Tổ-tiên. Lời dạy ấy rất tự-nhiên vì đấy là một thái-độ biết ơn của chúng ta đối với linh-hồn người quá-cố, đã từng dầm sương dãi nắng, đổ máu phơi xương, dầy công vun xới, xây-dựng khai-thác nên cái mảnh đất trên đó chúng ta sinh sống hàng ngày. Tục-ngữ phương-ngôn chẳng đã nói :
" Non kia ai đắp mà cao.
Sông kia ai bới ai đào mà sâu ?"
Đây là một ý-nghĩa rất là tự-nhiên, làm người ai mà chẳng có cái nhất điểm lương-tâm ấy, là lòng nhớ ơn. Ơn đây là ơn đối với tiền-nhân, trước hết đối với Tổ-tiên Ông Bà, Ông vải là những người chúng ta thân yêu, đã có công sinh đẻ ra ta, nuôi nấng ta .
Công cha như núi thái-sơn.
Công mẹ như nước trong nguồn chảy ra ."
Các người mất đi. Chúng ta tin như còn phảng-phất trên đầu ta, vì không có lẽ đời sống của người ta chỉ giới-hạn vào đời sống thân-thể vật-chất, dài lắm được trăm năm, thế rồi hết. Chúng ta tin những người thân-yêu của chúng ta không chết. Chết chẳng qua là thể-xác những vẫn còn là tinh-anh, đấy là tín-ngưỡng linh-hồn bất-diệt trong sự thờ-phụng sùng-bái Ông-Bà Ông-Vải vậy .
" Vẫn biết tinh-thần di tạo-hóa.
Sống là còn mà chết cũng như còn ."
_ ( Phan-Bội-Châu tế Phan-Chu-Trinh )
Và nông-dân đại-chúng Việt-Nam cũng vẫn có cái tín-ngưỡng, người ta :
" Sống về mồ về mả.
Không ai sống về cả bát cơm ."
Bởi thế họ mới có lúc vươn lên những ý-tưởng cao cả của sự sống, mà coi thường của-cải kinh-tế riêng-tư, tư-hữu :
" Ở đời muôn sự của chung.
Hơn nhau một tiếng anh-hùng mà thôi ."
Do đấy mới nẩy ra cái tinh-thần đoàn-kết mạnh mẽ của dân-tộc cùng nhau sinh-tử cộng-tồn trên dải đất Tổ-tiên để lại, đâu phải người ta đoàn-kết vì quyền-lợi kinh-tế .
Vậy tôn-giáo Tổ-tiên chính là tôn-giáo dân-tộc phổ-thông nhất ở Việt-Nam, khiến chúng ta ngày nay còn nhớ đến ngày giỗ Tổ Hùng-Vương vậy. Một nhà tôn-giáo-học ngoại-quốc, Linh-mục L. Cardière chẳng đã ghi-nhận :
" Tín-ngưỡng Tổ-tiên chi-phối toàn-thể gia-đình cũng như tín-ngưỡng Thần-linh chi-phối đời sống hàng ngày của người dân Việt ." _ ( Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens ).
II._ Điểm thứ hai.
Và ngày lễ Tổ-tiên quan-trọng nhất ở xã-hội nông-nghiệp Việt-Nam là ngày Tết đấu năm, khi năm cũ qua, năm mới tới. " Năm hết Tết đến ! " Và ngày Tết ấy đối với nông-dân không phải chỉ để nhớ ơn Tổ-tiên, nghĩ đến Ông-Bà Ông-Vải mà thôi đâu. "
Năm hết Tết đến " còn là cụ-thể-hóa cả một tín-ngưỡng vào cái vòng tạo-hóa sinh-thành tuần-hoàn của thời-tiết và đất-đai. Đấy là điểm thứ hai của cái ý-thức-hệ Lạc-Việt .
Nếu các tôn-giáo lớn trên thế-giới tin Thượng-Đế, sự thật tối cao là Ánh-sáng, thì dân nông-nghiệp Lạc-Việt tin-tưởng vào thực-tại tối-cao là Nguồn-sống bất-tuyệt vĩnh-cửu tràn ngập Vũ-trụ Thời Không : " Trời Đất vốn có đức lớn là sự Sống " vì thế nên cần Ánh-sáng vậy. Và Nguồn Sống ấy đã đem lại cho nông-dân cái tư-tưởng yêu đời, lạc-quan, vì Nguồn Sống theo với nhịp điệu tuần-hoàn của bốn mùa thời-tiết mà lên xuống đi về, như Nho-gia Ngô-Thời-Sĩ thường ngâm :
" Cứ một mùa đông lại một mùa xuân,
Khuất nào mà chẳng ruỗi.
Một hồi hanh lại một hồi truân,
Đi đâu mà chẳng lại ."
Và gần đây thi-sĩ Tản-Đà :
" Xuân bất tận Trời cho có mãi.
Mảnh gương trong đứng lại với tình.
Trăm năm ta lánh cõi trần.
Nghìn năm mình giữ tinh-thần chớ phai ."
Đấy là tín-ngưỡng lạc-quan về Nguồn-Sống vô-hạn trong Vũ-trụ Thời Không, được nông-dân Lạc-Việt tưởng-trưng bằng cái hình tròn ở trên hình vuông của cái bánh Giầy bánh Chưng, hết sức cụ-thể và giản-dị, khác với ở Trung-Hoa người ta diễn-tả bằng những con số trừu-tượng xếp thành hình Hà-đồ Lạc-thư rất là khó hiểu, không phổ-thông bình-dân chút nào cả .
Vậy về hình dáng, cặp bánh Giầy bánh Chưng là mô tả cả Vũ-trụ Thời Không liền nhau liên-tục của Nguồn Sống trong trời đất, trời tròn đất vuông. Trời tròn là vòng thời-tiết có nhịp-điệu thứ-tự : Xuân sinh ; Hạ trưởng ; Thu liễm ; Đông tàng. Đất vuông là ruộng vườn phân-chia để cầy cấy trồng trọt của nhân-dân nông-nghiệp. Nhà nhân-loại-học René de Hétrelon đã phân-biệt nguyên lai sự khác nhau giữa tính-tình Tây-phương và Đông-phương như sau :
" Người trồng cây lúa hành-động với cách-thức tương-tự những cách-thức ma-thuật hay tôn-giáo. Những hành-động của nó không thấy ngay hiệu-quả .
" Gặp thời-tiết nhất-định trong một năm, tùy theo vị-trí của ngôi sao đã định ra, nó bắt đấu làm đất, một công việc lạ kỳ không có kết-quả tức thì. Trong đống đất đã vun xới ấy, nó vùi những củ hay hạt giống ăn được mà cần để nuôi thân. Sau đấy, một khi làm xong những công-tác tập-truyền, thì nó đợi. Nó bảo-vệ các khoảnh đất đã cấy trồng hay đã gieo hạt bằng hàng rào và ngăn ngừa các giống-vật khác không cho quấy nhiễu sự nẩy nở. Nó tự bảo-vệ một cách thụ-động tiêu-cực. Một vài tháng sau nó thu-hoạch gấp bội kết-quả của những vật nó đã đặt xuống dưới đất ." _ ( Essai sur l'Origine des Différences de Mentalité Entre l'Occident et l'Extrême Orient ).
Đây là nguyên-lai tín-ngưỡng của Lạc-Việt vào Nguồn Sống bất-tuyệt với vận-điệu tuần-hoàn của thời-tiết ở Á-đông. Và trong cái khuôn-thiêng Trời tròn Đất vuông của Vũ-trụ Thời Không ấy, như Nguyễn-Du ở Việt-Nam đã gọi lên :
" Khuôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng ?" thì nhân-loại ở giữa phải ý-thức để điều-hòa làm sao thích-ứng với cuộc sống chung của đoàn-thể Lạc-Việt cũng như cuộc sống riêng của cá-nhân, như nhà cách-mệnh Việt-Nam cận-đại Phan-Bội-Châu, khi vừa bước chân khỏi nhà giam Hà-Nội, đã nhắn-nhủ toàn-quốc :
" Trăm năm tính cuộc vuông tròn.
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông ."
Ở trường-hợp của Vua Hùng-Vương, nhà Vua đang lo lắng, đang " dò ngọn nguồn lạch sông" để tìm người nối nghiệp xứng đáng, ngõ hầu tính cuộc " vuông tròn " cho giống nòi Lạc-Việt. Và nhà Vua đã không để ý đến tư lợi " trân-cam mỹ-vị " " của quý vật lạ " mà trao ngôi cho Lang-Liêu là người đã hiểu biết điều-kiện sinh-tồn của đại-chúng nông-thôn, đã biết dâng lên cho nhà Vua cái phạm-trù Vuông Tròn của thời-tiết và ruộng đất, làm bằng sản-vật của mồ-hôi nước mắt nông-dân : gạo, thịt, đỗ, lá xanh, điều-hòa thành có vị ngon lành. Như thế là Lang-Liêu đã thông-hiểu khoa điều-khiển chỉ-huy quốc-gia xã-hội nông-nghiệp, nhờ có được cái hệ-thống ý-thức xã-hội nông-nghiệp để mà xếp đặt trật-tự, biết người và khéo dùng : " Tri nhân thiện nhiệm ", ra lệnh bảo ban hợp thời : " Sử dân dĩ thời ". Như thế mới được lòng người, mới trinh-phục được nhân-dân để hành-động nhất-trí, trăm người như một. Chính vì thiếu cái ý-thức-hệ chính-trị nông-nghiệp ấy trong giới sĩ-phu thời Tự-Đức mà Phan-Thanh-Giản, trông thấy cảnh mất nước nên đã phải thở dài để lại tiếng kêu trước khi tuẫn-tiết :
" Trời thời Đất lợi lại người hòa."
Nhờ cái ý-thức-hệ quốc-gia dân-tộc ấy mà Lang-Liêu đã được giao cho vai-trò lãnh-đạo chăn dân, nối-nghiệp Hùng-Vương để bảo-vệ giống nòi Lạc-Việt còn đến ngày nay, và Hùng-Vương cũng có sáng-suốt trong việc truyền ngôi, không chấp nê vào tục-lệ thành-kiến, phân-biệt con trưởng con thứ, chỉ cốt chọn được người có đức, có tài hiểu-biết, thông-cảm nguyện-vọng của nông-dân, không phải là để phỉnh dân mà là để hướng-dẫn trong công cuộc sinh-tồn và phát-triển của đoàn-thể .
III._ Điều thứ ba.
Điều thứ ba của cái ý-thức-hệ Lạc-Việt Vuông Tròn, ngụ ở cặp bánh Giầy bánh Chưng trong truyện, là cái sự hiểu-biết ý-thức-hệ chính-trị nông-nghiệp kia không do sách vở mà có được. Lang-Liêu trong lúc bơ vơ, tứ cố vô thân, không còn biết nương-dựa vào ai, trong lòng lo lắng, chỉ còn biết cầu-khẩn Thần-linh và Tổ-tiên ngầm giúp cho phép lạ. Phép lạ ấy đã đến với Y qua giấc mộng. Qua giấc mộng mà biết, là biết bằng tâm-linh trực-giác chứ không phải bằng lý-trí suy-luận, hay thực-nghiệm giác-quan. Lang-Liêu chắc hẳn đã nhờ có đức tin mạnh mẽ nên mới có được cái trực-giác của giấc mộng Thần-linh ấy. Vì trong mộng Y đã quên cái Y suy-tính, quên cả thề-xác và tri-thức về sự vật bên ngoài mà nhập vào cõi Thần-tiên siêu-nhiên để cảm-thông hòa mình với đoàn-thể, với đại-chúng, với thế-giời vô-hình. Do đấy mà Y được báo mộng về nguyện-vọng thầm kín của dân-tộc và Vua cha. Vì cô-liêu, mất mẹ từ sớm, Lang-Liêu trong cảnh bơ vơ một mình càng phải trở vào trong lòng mà tin-tưởng cả vào Thần-linh Tổ-tiên phù-hộ cho kẻ cùng khốn như số-phận của đại-chúng nông-dân bị thống-trị qua bao nhiêu tầng lớp quí-tộc quan-liêu làm trung-gian ngăn cách. Lang-Liêu chính là đại-diện tượng-trưng cho các lớp người đại-chúng nông-dân, không biết trông-cậy vào đâu giúp đỡ, không dám tự cậy vào sức mình nên đã cầu-khẩn tin-tưởng vào sức phù-hộ của Thần-linh và Tổ-tiên, cũng như sau này khi có sự du-nhập của Phật-giáo vào đất Giao-Chỉ, nó đã lại tin-tưởng vào sức mầu-nhiệm thần-thông cứu khổ cứu nạn của Quan-Âm Bồ-Tát .
Lang-Liêu trong truyện bánh Chưng tượng-trưng cho tầng lớp nông-dân xấu số, chính là hạng người Việt có tâm-hồn chất phác, khao-khát công-lý và hiền-lành nhường nhịn, còn sống gần với thiên-nhiên nên vẫn giữ được tâm-tình hồn-nhiên trong sạch. Bởi thế mà Thần-linh đã báo mộng lành cho Lang-Liêu, ban cho cái sứ-mạng nối ngôi Thiên-Tử trị-vì nhân-dân Lạc-Việt với cái ý-thức-hệ Vuông Tròn tượng hình cụ-thể linh-động, phong-phú ý-nghĩa bằng cặp bánh Chưng bánh Giầy trên bàn thờ Tổ-tiên trong ba ngày Tết .
Và nghĩ đến ngày Tết, trong lòng Lang-Liêu lại phấn-khởi đầy hy-vọng tái tạo cuộc đời, trút hết sự không may về quá-khứ để sẵn sàng đớn mới với tất cả sự tốt lành trong ý-nghĩ, trong lời nói cũng như trong hành-động. Ngày Tết đem lại cho toàn-thể dân Việt một tin-tưởng mạnh mẽ và một tương-lai huy-hoàng, một sức sống mới trước bàn thờ Tổ-tiên của mỗi gia-đình, với hình ảnh bánh Chưng bánh Giầy để phối hưởng với " Thiên Địa Phụ Mẫu " và nhắc nhở con cháu Lạc-Hồng cái sứ-mệnh của Việt-tộc :
" Trăm năm tính cuộc vuông tròn.
Phải dò cho tới ngọn nguồn lạch sông " .
Kết-Luận ._
Trở lên chúng tôi đã ôn lại nhân ngày Tết Nguyên-Đán Kỷ-Dậu cái ý-thức-hệ còn chất-phác, đơn giản của xã-hội nông-nghiệp Lạc-Việt ngụ trong sự-tích bánh Chưng bánh Giầy : Một ý-thức-hệ xây-dựng trên nền-tảng tín-ngưỡng Thần-linh Tổ-tiên, đời sống dưới đất còn nối với đời sống trên trời, có Thần-linh đi về ngày Tết nhất thiêng-liêng hàng năm. Người với Trời Đất hòa vào nhịp-điệu của Nguồn Sống tuần-hoàn vĩnh-cửu " Sông có khúc, người có lúc ". Tuy đon-giản sơ sài nhưng cũng có đầy đủ những yếu-tố cơ-bản sâu rộng của một thế-giới-quan trong đó chúng ta thấy rõ được địa-vị quan-hệ giữa người với Vũ-trụ thiên-nhiên, giữa người với người trong xã-hội nông-nghiệp, và giữa người với chính mình hay là quan-hệ giữa tinh-thần với vật-chất, linh-hồn và thân-thể. Đấy là một sự hiểu-biết có hệ-thống nhất-quán gọi là một ý-thức-hệ cơ-bản thiết-yếu cho giới lãnh-đạo chỉ-huy của một đoàn-thể bất cứ lớn hay nhỏ rộng hay hẹp.
Nhà triết-gia Pháp cận-đại có tinh-thần dân-tộc là E. Renan từng tuyên-bố: " Sống không có một hệ-thống ý-thức về sự vật thì không phải là sống một đời sống người ", " Vivre sans un system sur les choses ce n'est pas vivre une vie d'homme ". Các Hiền-Nho đời Tống cũng viết về cái học Nho-sĩ là giới trí-thức lãnh-đạo trong xã-hội Trung-Hoa và Việt-Nam xưa rằng : " Học-thức mà không thông-suốt đến Trời và Người thì không phải là học-thức !", " Học bất tế Thiên Nhân bất khả dĩ vị chi học ! " .
Đại-khái tư-tưởng Đông - Tây đều biểu-đồng-tình rằng trí-thức lãnh-đạo phải là trí-thức toàn-diện, ngoài cái học chuyên-môn còn cần phải có một thế-giới-quan nhất-quán, có hệ-thống như cái học của kẻ-sĩ Việt-Nam xưa, thì mới đảm-đương được vai-trò lãnh-đạo chỉ-huy trong một nước, một địa-phương, không để cho một " cây che lấp mất cả rừng " như Phương-ngôn Tây-phương nói, hay là " Chăn dê gặp nhiều đường ngoẹo bỏ lạc mất dê " như Phương-ngôn Đông-phương nói. Các vai-trò chỉ-huy lớn nhỏ trong một tổ-chức, ngoài vấn-đề nhân-cách còn cần phải có một ý-thức-hệ, một thế-giới-quan toàn-diện để định-hướng. Chính cái ý-thức-hệ ấy mà chúng ta đang thiếu để tạo nên phong-trào cách-mệnh dân-tộc hiện nay. Cái ý-thức-hệ ấy phải là ý-thức-hệ dân-tộc Việt-Nam, có gốc rễ ăn sâu trong tâm-hồn dân-tộc, chứ không phải đi mượn sẵn của dân-tộc nào khác không thích-hợp cho xã-hội nông-nghiệp Á-đông. Chính vì thế mà chúng tôi, nhân ngày lễ Tết đầu năm Kỷ-Dậu đã nhắc lại cái ý-thức-hệ Lạc-Việt cổ xưa trên đây để góp phần vào công cuộc xây-dựng một ý-thức-hệ cách-mệnh dân-tộc. Cái ý-thức-hệ Lạc-Việt ấy tuy cũ lắm, nhưng ảnh-hưởng thâm sâu cho đến ngày nay, hàng năm còn thấy đúng như lời nói : " Tập truyền của người chết còn đè nặng trên đầu người sống " vậy .
Nguyễn-đăng-Thục
Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử
Trúc-Lâm Yên-Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử