lịch sử việt nam
Tư-Tưởng Nhân-Quyền Của Tộc Việt
Trúc-Lâm Lê-An-Bình biên khảo; Trúc-Lâm Nguyễn-Việt Phúc-Lộc hiệu đính
I/ Dẫn Nhập:
Một phần tư thế kỷ trôi qua dân ta sống trong tình trạng mà quyền làm con người đã không hề có được trên thực tế. Cái quyền làm con người, từ ngàn xưa đã được tổ tiên ta vun bồi quén đắp một cách thận trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Nó đã góp phần gầy dựng nên bản sắc đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Bản sắc này có lúc gọi là Tâm Thức Việt, đôi khi là truyền thống Văn Hiến Chi Bang. Ngày hôm nay khi cộng sản Việt Nam chiếm trọn quyền cai trị đất nước, họ đã phủ nhận tất cả rồi lý luận «nhân quyền Việt Nam (hay Á châu) khác với nhân quyền Tây phương» để viện cớ cho sự đàn áp các đòi hỏi nhân quyền của dân tộc Việt Nam. Đây là một điều nghịch lý khó chấp nhận được! Nói như vậy chẳng khác nào phủ nhận cả nền văn hiến đã hiện diện 4883 năm lịch sử của dân tộc. Tiểu luận này được soạn thảo hầu làm sáng ngời chính nghĩa của công cuộc đòi hỏi Quyền Làm Người của dân tộc Việt Nam ở trong và ngoài nước.
II/ Cách Nhìn Và Cung Cách Hành Xử Của Người Xưa:
Từ những lúc dân tộc Bách Việt còn sinh sống rải rác ở vùng núi Ngũ Lĩnh – hồ Động Đình cho đến khi xây dựng nên những triều đại hiển hách như dưới các thời Lý Trần và cho đến ngày hôm nay, dân Bách Việt của hơn 4500 năm lịch sử vẫn tồn tại để trở thành dân Việt Nam, dù trải qua muôn ngàn khó khăn, thử thách, đặc biệt vào những năm cuối cùng của thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20 mà vẫn duy trì được Tâm Thức Việt, nét đặc thù truyền thống của giống nòi. Nét đặc thù này đã thể hiện một cách rõ nét vào những lúc cần phải kiên cường chống ngoại xâm cũng như đã làm hưng thịnh cho xứ sở.
Như lịch sử ghi chép vào năm 40 sau Tây lịch, Hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị khởi nghĩa ở quận Mê Linh chống lại sự cai trị tàn ác của thái thú Tô Định. Hai Bà đã thành công đánh đuổi giặc Tàu và thu về 65 thành trì các nơi, sau đó xưng vua đóng đô ở Mê Linh.
Mấy thế kỷ sau, vị Tổ thứ sáu của Thiền tông Đông độ là ngài Huệ Năng sinh ở Tân Châu thuộc Lĩnh Nam vào khoảng thế kỷ thứ 6. Khi đến cầu học đạo với vị Tổ thứ năm là Ngài Hoằng Nhẫn, Tổ nói: «ông là người Lĩnh Nam, là người mọi làm sao có thể làm Phật». Ngài Huệ Năng liền đáp: «Người tuy có Bắc, có Nam, nhưng Phật tánh vốn không có Nam, Bắc, thân quê mùa này cùng hòa thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh đâu có sai khác». Sau khi đắc pháp, ngài Huệ Năng được ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền trao áo cà sa và bình bát trở thành vị Tổ thứ 6 của Thiền tông, theo lời khuyên của ngũ Tổ, Ngài Huệ Năng về lại Lĩnh Nam để truyền bá Thiền tông, và thị tịch khoảng năm 713.
Đầu thế kỷ thứ 10, năm 1010 Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Lý Thái Tổ và niên hiệu là Thuận Thiên, việc làm đầu tiên của ngài là phóng thích các loài chim muông thú vật và còn công bố trong dân nếu ai có sự gì oan ức muốn kiện tụng thì đến thẳng hoàng cung đưa đơn và đích thân nhà vua sẽ giải quyết.
Khi dời đô từ thành Hoa Lư về thành Đại La thấy điềm rồng bay lên, ngài đổi tên là Thăng Long tức Hà Nội ngày nay. Trong chiếu dời đô, Lý Thái Tổ đã nói các triều trước (triều Đinh và tiền Lê) đã không thuận theo lẽ tự nhiên của đất trời cùng lợi ích của toàn dân mà đóng đô ở trung tâm trời đất để cho vận nước được lâu dài, nhân dân luôn no ấm. Cho nên ngài rất xót xa và không thể không dời đô về thành Đại La là kinh đô cũ của Cao Vương xây dựng lúc ông làm Đô hộ sứ Giao Châu từ năm 884 đến năm 875. Đây là một địa điểm thuận lợi muôn bề có thể duy trì quốc vận lâu dài cũng như khiến cho xứ sở hưng thịnh.
Một năm sau, 1011 vua Lý Thái Tổ ban lịnh đại xá trong toàn quốc, đồng thời cấp phát quần áo thuốc men và cho về quê cũ làm ăn sinh sống những người đã bị Lê Ngọa Triều bắt giữ. Song song ông đã xóa nợ thuế trong 3 năm cho cả nước. Và 3 năm sau, vua lại xuống chiếu miễn thuế ruộng cho người dân. Năm 1014 trong lúc mở hội La Hán ở Long Trì, vua Thái Tổ đã xuống chiếu tha tội cho những người bị đày và bị tội đồng thời tha phân nữa thuế cho cả nước. Năm 1017 tha thuế ruộng cho nông dân, năm 1018 tha phân nữa thuế ruộng cho cả nước. Nhất là những năm mất mùa, hạn hán, đói kém đều được triều đình chú ý giúp đỡ hoặc mở kho phân phát tiền gạo cho dân v.v…
Năm 1042 vua Lý Thái Tông ban hành bộ Hình luật. Đây là một sự cải cách quan trọng trong luật pháp thời nhà Lý. Trong bộ Hình luật này cách hỏi cung người có tội cũng được điều chỉnh, minh định các trường hợp gia giảm cùng khoan hồng cho những người già yếu tuổi từ 70 trở lên và thanh thiếu niên tuổi từ 15 trở xuống. Cũng như những người bịnh tật đau yếu hay trong người có tang từ 1 năm trở lại và hơn nữa còn cho phép lấy tiền chuộc tội. Trong triều đại của Lý Thái Tông năm 1054 nước ta đổi quốc hiệu là Đại Việt để khẳng định nền độc lập và tự chủ của xứ sở với triều đình nhà Tống phương Bắc. Lúc đó nhà Tống xưng là Đại Tống.
Ruộng đất vốn là của vua, nếp suy tư này đã in sâu vào tâm trí của nông dân thời đó. Tuy nhiên bên cạnh điều này vẫn có những ruộng đất tư do nông dân tự canh tự quản và do các làng xã phân phối lại cho họ. Mức thuế được triều đình quy định là 100 thăng (hay thưng) thóc cho mỗi mẫu. Vua Lý Thái Tông còn hạ lệnh cấm giết trâu bò vào năm 1042 để cho nông dân bớt phần cực nhọc và tăng gia số lượng thóc lúa hơn nữa. Có một chi tiết không thể nào bỏ qua đó là việc đắp đê để ngăn ngừa lụt lội, trong đó có đê Cơ Xá được đắp vào năm 1168. Mục đích đắp đê là để giữ cho ruộng đất được màu mỡ, nông dân không bị mất mùa, đói kém, đồng thời đảm bảo sự sinh hoạt ổn định của người dân.
Vua Lý Thánh Tông vào năm 1065 lúc ngồi xử kiện ở điện Thiên Khánh đã nói rằng ta rất thương yêu con ta (chỉ vào công chúa Động Thiên đang đứng hầu bên cạnh) như thế nào thì các bậc cha mẹ khác cũng thương yêu con của họ như vậy. Ta thương xót cho dân chúng vì không hiểu rõ luật pháp nên đã phạm tội, nên đối với những người dù có tội nặng hay nhẹ nên xử án cho có chừng mực.
Thời nhà Lý công nghiệp tay chân đã được phát triễn tốt đẹp, xưởng Bách Tác được thành lập để chế tạo binh khí, đồ trang sức, đóng thuyền, đúc chuông, tạo tượng, xây cất đền đài v.v…Những người làm trong đó đều là những thợ giỏi được tuyển chọn từ dân gian. Các cung điện, chùa chiền, tượng chuông được thực hiện rất nhiều trong các triều nhà Lý là một minh chứng cụ thể cho tay nghề của những người làm trong xưởng Bách Tác.
Để tiện việc buôn bán triều đình nhà Lý đã cho đúc tiền để trao đổi trong dân gian, song song còn cho vét kinh, đắp đường, làm cầu, các hệ thống trạm dịch mở tận lên phía Bắc đến biên giới Trung Hoa, về phía Nam tận đến nước Chiêm Thành. Năm 1035 triều đình mở chợ cửa Tây, sau đó mở chợ cửa Nam của thành Thăng Long khiến cho sự giao thương của dân chúng rất tiện lợi và phồn thịnh.
Về mặt giáo dục và thi cử triều đình đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người có tài ra giúp nước, cũng như các hệ tư tưởng khác nhau có dịp thi thố phát triễn đồng đều, như vào năm 1070 vua Lý Thánh Tông cho xây Văn Miếu thờ Khổng Tử ở mặt Nam thành Thăng Long; vua Lý Nhân Tông còn mở các khoa thi giúp đỡ các sĩ tử Nho giáo có cơ hội thi thố tài năng giúp nước; năm 1075 mở khoa thi Tam Trường, đây là mở đầu cho nền đại học vào thời đó.
Trong thời nhà Trần, vì bất mãn sự lộng quyền của Trần Thủ Độ nên vua Trần Thái Tông đã bỏ ngôi vua lên núi Yên Tử cầu học đạo với quốc sư Trúc Lâm. Trần Thủ Độ và triều đình lặn lội lên núi cung thỉnh nhà vua về kinh lo việc nước, trước tình thế nan giải vua Thái Tông mới hỏi ý kiến của quốc sư và được ngài trả lời như sau: «Phàm là đấng nhân chủ, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm tâm của mình».
Một bóng dáng khác thời nhà Trần mà ta không thể không nhắc tới đó là Hưng Đạo Vương. Nhờ văn tài võ lược, ngài đã cùng với vua Trần Nhân Tông khéo léo lãnh đạo công cuộc chiến đấu của dân ta chống lại quân Mông-cổ xâm lược đi đến thắng lợi sau cùng. Binh sĩ thời Trần đã khắc vào tay hai chữ Sát Thát, cũng như Trần Lai đã chia xẻ miếng cơm hẩm với vua Trần Nhân Tông khi vua chạy giặc ra Hải Đông. Trong lúc chiến đấu chống quân Mông Cổ, tuy rất cần lương thảo cho quân đội, nhưng nhà Trần vẫn được xem là có chính sách thuế khóa rất cởi mở. Ngoài ra thái độ đối với người phụ nữ cũng rất là cởi mở không giống những triều đại phong kiến khác.
III/ Cách Nhìn Và Hành Xử Cho Nhân Quyền Vào Thời Nay:
Ngày 4/7/1939, Đức Huỳnh Phú Sổ khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo khuyên dân chúng tu hành theo đạo Phật và lấy Tứ Ân (gồm Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Ân Đất Nước, Ân Tam Bảo, Ân Đồng Bào Nhân Loại) làm bài học nhập môn cụ thể cho mọi tín đồ. Để rao truyền giáo lý, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã không quản công sức lặn lội khắp vùng đồng bằng Cửu Long để trị bịnh cho người dân nghèo không có phương tiện và sau khi họ hết bịnh thì Ngài mới giảng đạo cho họ nghe. Trước ngôi nhà nơi Ngài hạ sinh có đề 4 chữ Quý Tiện Đồng Nghinh.
Nhân dịp đánh dấu 25 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, Hòa thượng Thích Huyền Quang, Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã viết một bức thư dài 6 trang và gởi thẳng đến những người cầm đầu csvn đòi hỏi lấy ngày 30/04 làm Ngày Sám Hối và Chúc Sinh Toàn Quốc.
Ngày 3/12/2000 từ làng Nguyệt Biều, Thừa Thiên Huế, Linh mục Nguyễn văn Lý đã ra «LỜI KÊU GỌI CUỐI NĂM 2000 : CHÚNG TÔI CẦN CÓ TỰ DO TÔN GIÁO THẬT SỰ TẠI VIỆT NAM”, linh mục và giáo dân địa phương đã cương quyết tranh đấu đến cùng cho mục đích nêu trên. Ngày 4/12, Linh mục Lý đã viết tấm bảng «Chúng Tôi Cần Tự Do Tôn Giáo Thật Sự» và cắm xuống giữa 1500m² ruộng của đồng bào giáo dân. Việt cộng đã cử 20 công an tới tìm cách tháo gỡ tấm bảng đó xuống; chiều tối 4/12, công an vc lại đến để thương thuyết và thăm dò. Linh mục Lý đã tuyên bố: Chúng tôi không dừng lại cuộc chiến, cho đến khi hoàn toàn thắng lợi.
Ngày 28/12/2000, một Bản Tuyên Bố Chung về Chính Sách Tôn Giáo Của Cộng Sản Tại Việt Nam đã được phổ biến trong và ngoài nước. Đứng tên chung trong Bản Tuyên Bố trên gồm có các vị như sau: 1/ Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Trưởng Tăng đoàn Thừa Thiên, Huế, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất; 2/ Ông Lê Quang Liêm, Hội trưởng Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo; 3/ Linh mục Chân Tín; 4/ Linh mục Tadéo Nguyễn văn Lý.
Ngày 21/02/2001, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã phổ biến Lời Kêu Gọi Cho Dân Chủ Việt Nam. Hòa thượng Quảng Độ nhấn mạnh : «GHPGVNTN kế thừa truyền thống giáo lý và phương pháp hành động của đạo Phật Việt Nam, một truyền thống trải dài hơn 20 thế kỷ dựng nước và giữ nước, không thể tự thủ bàng quan trước thời cuộc nhiễu nhương, khủng hoảng trầm trọng, nhân dân lầm than, mất tự do, mất quyền làm người. Nên tâm thành cất lời kêu gọi chư vị thức giả, đồng bào các giới, không phân biệt chính kiến hay tôn giáo, các cấp giáo hội và nam nữ cư sĩ Phật tử vận dụng mọi khả năng hiện có của mình kết đoàn lại để thay đổi hiện trạng tồi tăm và nguy kịch của đất nước».
Từ làng An Truyền, Huế, ngày 13/02/2001, Linh mục Nguyễn Văn Lý đã phổ biến Lời Kêu Gọi Giải Thể Đảng Cộng Sản Để Cứu Nguy Tổ Quốc Việt Nam. Và Linh mục kêu gọi Hãy đoàn kết vì chúng ta sắp toàn thắng trong Lời Kêu Gọi số 9 ngày 20/02/2001.
IV/ Tư Tưởng Nhân Quyền Của Tộc Việt:
Như trên đã trình bày, nước Việt chúng ta từ hơn 2000 năm trước Tây lịch đã có khoảng không gian địa lý bắt nguồn từ hồ Động Đình – núi Lĩnh Nam kéo dài cho đến đồng bằng sông Hồng Bắc Việt. Trải qua nhiều sự thay đổi của lịch sử, nước ta đã mang các Quốc hiệu như Văn Lang, Âu Lạc, Đại Cồ Việt, Việt Nam, và cũng tại nơi này đã là trung tâm giao tiếp của 2 nền văn minh cổ nhất Á châu. Đó là Trung Hoa và Ấn Độ. Trung Hoa từ phía Bắc xuống, Ấn Độ từ phương Nam lên. Vì vậy có lúc nước ta đã có quốc hiệu là Giao Châu.
Văn hóa Trung hoa có học thuyết Khổng Tử và Lão Tử. Khổng Tử chú trọng các hình thức, khuôn khổ thế gian tức chủ trương CÓ; Lão Tử thiên về xa lánh cỏi đời tìm sự tĩnh mịch, cho rằng thế gian này chẳng có gì đáng luyến tiếc nên bảo là KHÔNG. Văn hóa của Ấn Độ thì có Phật giáo. Phật giáo chủ trương vượt ngoài CÓ và KHÔNG, tìm sự giải thoát ngay chính tâm hồn của mỗi người.
Tuy nhiên trước khi hai nền văn hóa Ấn Hoa truyền vào thì Việt Nam đã có sẳn một nền văn hóa lâu đời. Nền văn hóa hay văn minh đó là Đông Sơn và Lạch Trường. Tựu trung hai nền văn minh Việt Nam này thể hiện qua việc thờ cúng tổ tiên, các vị anh hùng vị quốc vong thân; tôn kính các hiện tượng thiên nhiên như mưa, gió, sấm sét, vì dân ta cho rằng mỗi hiện tượng như vậy đều có một vị thần chủ trì; các loại truyện cổ tích đều có những ý nghĩa sâu xa v.v…Tất cả những điểm vừa nêu đã góp phần tạo nên nền văn hóa, văn minh và cao hơn là Tư Tưởng riêng biệt của nước Việt Nam chúng ta thời bấy giờ.
Khi tiếp nhận các nền văn hóa Ấn Hoa thì dân tộc ta đã dung hóa nó trở thành nền văn hóa dân tộc thật sự. Sự dung hóa của 3 nền văn hóa Việt-Ấn-Hoa đã tạo cho nước Việt một phong thái khác hẳn đối với các nước chung quanh, chính sự tổng hợp đó ta gọi là Tâm Thức Việt. Nhờ un đúc Tâm Thức này mà tổ tiên chúng ta đã có những hành xử giữa người và người mang tình tự dân tộc trong công cuộc cứu nước và dựng nước:
a/ Về sự tương quan giữa người và người:
Năm 40 sau Tây lịch, nước ta vẫn còn ở chế độ Lạc hầu Lạc tướng. Chưa có hình thức của một quốc gia với chế độ được tổ chức từ trung ương đến địa phương, và hơn hết còn theo chế độ mẫu hệ (tức người phụ nữ làm chủ gia đình). Một trong những Lạc tướng thời đó là ông Thi Sách vốn là phu quân của bà Trưng Trắc, ông bị thái thú Tô Định là người đang cai trị nước ta lúc bấy giờ sát hại. Để trả thù nhà, đáp nợ nước, Bà Trưng Trắc cùng người em là Trưng Nhị hô hào dân chúng các nơi đứng lên khởi nghĩa lấy lại chủ quyền xứ sở từ tay quân chiếm đóng Trung Hoa. Lập tức Hai Bà Trưng đã được nghĩa quân các nơi tôn làm thủ lãnh và tiếp đó đoạt được 65 thành trì về tay trong thời gian ngắn, đồng thời Tô Định cũng bị giết chết trong các trận giao tranh. Sau đó Hai Bà xưng Vương và đóng đô ở Mê Linh. Sự kiện nghĩa quân các nơi đã hưởng ứng một các nồng nhiệt lời kêu gọi khởi nghĩa, đồng thời họ tôn Hai Bà Trưng làm thủ lãnh, sau đó là Vương, hành động này thể hiện tinh thần – Nam Nữ Bình Quyền -, đây cũng là điểm tinh yếu, được thể hiện qua câu – Bình Đẳng Phật Tánh – của Phật giáo lần đầu tiên cách đây gần 2000 năm về trước, khi mà đại đa số nhân loại còn chìm đắm trong thời trung cỗ man dã. Khuynh hướng các nước Á châu thời bấy giờ là trọng nam khinh nữ; qua sự kiện vừa nêu cho ta thấy là người nam có thể làm Tướng, làm Vương, thì người nữ cũng có thể cáng đáng nổi. Miễn sao là có thực tài và đức độ. Hai Bà Trưng là biểu hiện rõ nét của hai đức tính vừa nêu, nên đã thành công trong việc huy động quần chúng đánh đuổi quân chiếm đóng Trung Hoa.
So sánh với nước ta, thì nước Pháp lúc đó còn chưa có triều đại vua chúa nào cả, triều đại đầu tiên được ghi nhận là vua Clovis của nước này được ghi nhận vào năm 481 sau Tây lịch. Và mãi đến những thập niên 50, 60 bình đẳng nam nữ mới được đề cập tới; còn quyền ứng cử các trách vụ công quyền thì mãi đến năm 2000 mới được ban hành.
Là vị Tổ thứ hai mươi tám của Thiền tông Phật giáo, ngài Bồ Đề Đạt Ma đã trở thành vị Tổ đầu tiên của Thiền tông Trung hoa khi đến nước này truyền bá Phật giáo. Áo cà sa và bình bát được truyền tới đời thứ 5 là ngài Hoằng Nhẫn, thì ở phương Nam có cư sĩ Huệ Năng tới cầu học Pháp. Lúc đó vào khoảng thế kỷ thứ 6 nước ta còn nằm trong vòng đô hộ của Trung Hoa, nên với cái nhìn của người phương Bắc, dù ngài Hoằng Nhẫn là người xuất gia đắc đạo, đã nói với cư sĩ Huệ Năng rằng: "Ngươi là mọi phương Nam làm sao cầu thành Phật được?" Ngài Huệ Năng là người sinh trưởng ở phương Nam thấm thía cảnh quốc gia bị nô lệ, đồng thời là người có cái nhìn sâu sắc về Phật giáo, mặc dù ngài chưa được học gì cả. Hơn nữa ngài muốn khẳng định sự bình đẳng giữa người và người, đặc biệt giữa người phương Bắc (Trung Hoa) đang cai trị người phương Nam (Việt Nam), ngài nói: «Người thì có Bắc có Nam, tôi và hoà thượng tuy hình thể bất đồng nhưng Phật tánh vốn không có phân biệt Bắc Nam». Phật tánh đây ý nói tâm linh giác ngộ của mỗi con người, nếu được phát triễn ra bên ngoài nó sẽ trở nên những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại, còn nếu phát triễn ngược lại vào bên trong thì trở nên người thẫm thấu lẽ huyền dịu của tâm linh, với Ngài Huệ Năng là một thí dụ điển hình. Ở hoàn cảnh và vị thế đó mà ngài Huệ Năng vẫn dõng dạc đưa ra quan niệm – Bình Đẳng Giữa Người và Người – xa hơn nữa là – Bình Đẳng Phật Tánh - của mình khiến cho chúng ta là những thế hệ sau rất cần phải suy gẫm cũng như tìm hiểu về bối cảnh xuất hiện của ngài.
Ngài Huệ Năng sau khi đắc pháp và được ngũ tổ Hoằng Nhẫn truyền trao áo cà sa và bình bát đã trở thành vị Tổ thứ sáu. Ngài có để lại quyển Pháp Bảo Đàn Kinh, trong lời tựa tự xưng mình là người phương Nam, là người Lĩnh Nam, tức là người Việt Nam. Từ lâu giới trí thức Trung Hoa gượng ép và nói rằng Ngài là người Trung Hoa, khiến cho nhiều người trong chúng ta lầm tưởng là thế nhưng thực tế không phải là vậy. Điểm này rất quan trọng vì người viết muốn đề cập tới yếu tố chủng tộc để xác định xuất xứ của tác giả về quan niệm – Bình Đẳng Giữa Người Và Người – mà Ngài Huệ Năng đã phát biểu cách đây 14 thế kỷ về trước. (Hơn nữa trong khoảng thế kỷ thứ 5 và 6 có sự xuất hiện 6 lá thư của Lý Miễu Giao Châu gởi cho pháp sư Đạo Cao và Pháp Minh, nội dung đặt vấn đề Phật giáo thần quyền có thật hay không. Bối cảnh xuất hiện của 6 lá thư đó là lúc nước ta tuy nằm trong sự đô hộ của người Tàu, nhưng thực tế lại được cai trị bởi vị vua người Việt).
Ở Pháp khoảng 12 thế kỷ sau, đêm 4 tháng 8 năm 1789, trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền được công bố sau khi cuộc phá ngục Bastille thành công ngày 14 tháng 7 đã làm lung lay vương triều của vua Louis 16, thì sự – Bình Đẳng Giữa Người Và Người – mới được công nhận.
Và phải đợi đến ngày 10 tháng 12 năm 1948, quan niệm này mới trở thành phổ quát trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được Liên Hiệp Quốc công bố, nghĩa là sau ngài Huệ Năng đến 14 thế kỷ. Đó là chưa đề cập đến Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ được công bố vào ngày 4 tháng 7 năm 1776 bởi George Washington, cũng đưa lên ý niệm bình đẳng này làm châm ngôn lập quốc.
Vào năm 1939, thế kỷ 20, người dân VN, đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã chứng kiến sự hình thành của một tôn giáo hoàn toàn do người VN sáng lập. Đó là Phật giáo Hòa Hảo. Bậc sáng lập là Đức Huỳnh Phú Sổ.
Khai sinh trong bối cảnh nhiễu nhương của đất nước thời thực dân Pháp cai trị, PGHH đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của đại đa số nông dân cùng đồng bằng sông Cửu Long. Phật giáo Hòa Hảo chủ trương lấy giáo lý Tứ Ân làm nền tảng tu hành, do nền tảng đó PGHH đã trở thành một tôn giáo mang màu sắc cách mạng dân tộc. Để rao truyền giáo lý, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dùng sự trị bịnh làm phương tiện tiếp xúc với quần chúng, sau khi người dân hết bịnh Ngài mới nói giáo lý. Giáo lý của ngài là những bài thơ vần dễ đọc dễ nhớ đối với mọi người.
Như đã nói ở trên vào thập niên 30 hay nói chung những năm tháng dân ta bị thực dân Pháp cai trị, đặc biệt là những nông dân chân lấm tay bùn đã bị đối xử vô cùng tệ bạc không cách nào ngóc đầu lên được. Để nói lên ý nghĩa giữa người và người đều bình đẳng, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chủ trương Quý Tiện Đồng Nghinh, nghĩa là đối với người nghèo kẻ giàu cũng đều được tiếp đón một cách bình đẳng không có sự phân biệt nào cả và bốn chữ này đã được để phía trước nhà nơi ngài đản sanh. Quan điểm này được đưa ra từ một nơi ruộng đồng, thiếu vắng phương tiện thông tin, và từ một người ít học về mặt thế gian nhưng đã giác ngộ lẽ nhiệm màu của đạo lý xuất thế. Nói đến đây ta thấy được sự tương đồng giữa Ngài Huệ Năng và Đức Huỳnh Giáo Chủ, quan niệm bình đẳng này được đưa ra từ 2 vị vốn xuất thân là ít họ (theo quan niệm thông thường) được những gì của thế gian nhưng đã thẫm thấu được lẽ huyền dịu của xuất thế gian, và sau đó một vị trở thành vị Tổ thiền tông thứ 6, còn vị khác là giáo chủ của một tôn giáo.
b/ Về sự tương quan trong xã hội, giữa chính quyền và nhân dân cũng như đối với người ngoài:
Thời nhà Lý là một trong những triều đại hưng thịnh nhất của nước ta trong hơn 4000 năm dựng nước. Khi chưa lên ngôi vua, Lý Công Uẩn là người được thiền sư Vạn Hạnh nuôi dưỡng trong giáo lý của nhà Phật. Chính sự hấp thụ tinh thần Cứu Khổ Ban Vui của Phật giáo, cũng như để gây phước vận lâu dài cho triều đại, vua Lý Thái Tổ đã ra lệnh phóng thích các loại chim muông cầm thú được trở về với đời sống thiên nhiên của chúng khi vừa mới lên ngôi trị vì thiên hạ. Ngoài ra, các thời Lê Ngọa Triều, Lê Long Đĩnh trước khi nhà Lý dựng nghiệp thì đời sống dân chúng đã quá cơ cực lầm than, nên nhà vua muốn được thấy tận mắt, nghe tận tai những oán thán của dân chúng, ngài đã ra chiếu cho phép người dân muốn khiếu nại hoặc kiện tụng gì thì đến tận hoàng cung và đích thân vua ngồi xử. Cử chỉ này của vua Lý Thái Tổ đã mang một một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Nó đã tượng trưng cho tinh thần dân chủ tuyệt đối trong một chế độ gọi là phong kiến đương thời. Cái tinh thần dân chủ đó đã đi ra ngoài khuôn khổ sự liên hệ giữa một vị vua đứng đầu triều đại với những người dân trong xã hội, sự tương quan này có thể ví như giữa người chủ trong gia đình cùng với những thành viên liên hệ.
Thông thường ta thấy một số vị vua mới lên ngôi, cũng như những chính phủ mới lên cầm quyền hay chứng tỏ uy quyền của mình bằng những hành động bắt bớ, chém giết những người thuộc phe bại trận thậm chí ngay cả người thân tín, ruột thịt của mình, như ở Trung Hoa nhà Hán mới thành lập đã xử chết Hàn Tín tướng quân (một vị dũng tướng có công đầu trong việc đánh bại Hạng Võ giành ngôi vua cho Lưu Bang tức Hán cao tổ); Lý Thế Dân lên ngôi vua làm Đường Thái Tông đã giết Lý Kiến Thành (anh ruột đã khởi binh làm loạn); vua Nguyễn Gia Long hành quyết dã man (cho voi dày lên người của nữ tướng Bùi Thị Xuân) những trung thần thời vua Quang Trung ; trong thời hiện đại khi hoàn thành việc tấn chiếm miền Nam Việt Nam, cộng sản đã bắt bớ, giam cầm, lưu đày, thủ tiêu những thành phần Dân, Quân, Cán, Chính Việt Nam Cộng Hòa v.v… và v.v…
Riêng vua Lý Thái Tổ đã lấy đức Hiếu Sanh của trời đất làm cung cách mở mang triều đại của mình cùng định quốc an dân. Cùng trong mục đích này, nhà vua đã quyết định dời đô từ thành Hoa Lư là kinh đô cũ của các triều vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành về thành Đại La, với thành này là trung tâm giao tiếp thuận tiện cho việc phát triễn cũng như ổn định lâu dài cho cuộc sống người dân. Thành này được đổi tên là Thăng Long khi ngài thấy điềm rồng bay lên khi ngự thuyền trên sông Hồng. Trong bài Thiên Đô Chiếu có câu nói về thành Đại La (thành Thăng Long) như sau: «đắc long bàn hổ cứ chi thế» nghĩa là nơi có rồng cọp ẩn mình hay là nơi đất tốt ẩn chứa nhiều anh tài.
Sau khi dời đô về Thăng Long được một năm, vào năm 1011 với phương pháp cai trị là An Ủy Dân Chúng để Ổn Định Chính Trị vua Lý Thái Tổ đã ban lịnh đại xá toàn quốc; ngài còn ra lịnh triều đình và các quan địa phương cấp phát quần áo thuốc men và cho phép những người mới được đại xá về quê làm ăn sinh sống. Tiếp theo lịnh đại xá là ngài đã xóa nợ thuế cho cả nước, năm 1014 lại ban chiếu miễn thuế ruộng trong 3 năm cho toàn quốc.
Cũng trong năm này ngài đã ra lịnh tha tội cho những người bị lưu đày biệt xứ đồng thời tha phân nửa thuế cho cả nước. Năm 1017 tha thuế ruộng cho nông dân, năm 1018 tha phân nửa thuế ruộng cho cả nước. Dưới thời vua Lê Ngọa Triều đời sống người dân quá lầm than cơ cực, nhân phẩm con người bị chà đạp cùng cực, hơn nửa xã hội VN là nông nghiệp nên nông dân chiếm đại đa số. Vì xã hội loạn lạc, sưu cao thuế nặng, nên nông dân không đủ khả năng trả thuế do đó đã bị bắt bớ lưu đày rất nhiều tạo nên một hình ảnh vô cùng đen tối của xã hội VN vào lúc bấy giờ. Hai nỗ lực tha người tù đày và tha thuế cho nông dân đã góp phần rất lớn vào việc ổn định xã hội do đó mà đời sống tinh thần và vật chất của người dân mới được cải thiện. Chính đây là quan niệm Lấy Dân Làm Gốc và Nhà Cầm Quyền Là Phương Tiện Phục Vụ. Đây là yếu tố không thể bỏ qua nếu muốn xây dựng chế độ được bền vững.
Năm 1042, vua Lý Thái Tông đã ban hành bộ Hình Luật đầu tiên (về vấn đề này người viết chưa thấy có quyển sách hoặc tài liệu nào đề cập vào thời vua Lý Thái Tổ có ban hành bộ Hình Luật, nên tạm gọi đây là văn bản đầu tiên của triều Lý liên quan đến cách xét xử cũng như kiện tụng);đặc biệt trong bộ Luật này cách thức hỏi cung «người có tội» được điều chỉnh ở góc độ rất có tình người. Vua Lý Thái Tông quan niệm rằng những người này có thể họ chưa được xét xử rõ ràng và trong tình trạng khả nghi, nên vua ra lịnh phải đối xử tử tế với người phạm tội. Quan niệm về những người bị quan phủ bắt về chưa phải là có tội, đồng thời phải đối xử tử tế với người đó nó đã mang một ý nghĩa rốt ráo trên mặt hình thức và có tình người trên mặt tinh thần.
Triều Lý lập nghiệp vào năm 1010 cuối thời Lê Ngọa Triều nhiễu nhương, rối loạn cùng cực. Thay vì dùng sức mạnh võ lực để dẹp loạn thì ngài đã xử dụng cách đại xá người có tội và giảm thuế cho dân. Đến đời vua Lý Thái Tông năm 1042 chỉ trong vòng có 32 năm, không thể nói rằng những nỗ lực của vua Lý Thái Tổ đã thành công hoàn toàn được, vì thời gian quá ngắn, cho nên Thái Tông đã tiếp nối nỗ lực này bằng văn kiện cụ thể hơn về kiện tụng xử án. Việc làm này đã gia tăng thêm hiệu năng trong việc giải quyết các mầm loạn lạc, cũng như đau khổ của dân chúng còn tiềm tàng ở đâu đó.
Quan điểm xem người bị quan phủ bắt chưa hẳn là có tội đã là hiếm thấy vào thời bấy giờ, vì ngài (vua Lý Thái Tông) cho rằng họ còn trong tình trạng khả nghi hoặc chưa phán quyết rõ ràng. Nó tượng trưng cho tinh thần tôn trọng phẩm cách con người một cách tuyệt đối mà vào thời phong kiến, ở những nơi khác, hễ ai mà bị quan phủ bắt – tự nhiên đã mang tội -. Tiến xa hơn ở lãnh vực này ngài còn ra lịnh phải đối xử tử tế với tù nhân. Tức nhiên là không được đánh đập, tra khảo, hành hạ tù nhân trong lúc hỏi cung cũng như là ép cung. Đây là phương pháp hay nhất để diệt tận gốc mầm móng loạn lạc trong dân gian. Nếu nhà nước có cái nhìn thiện cảm với nhân dân, thì nhân dân sẽ có thiện cảm với nhà nước đó mà tích cực cộng tác trong nhiều lãnh vực khác nhau liên quan đến công cuộc bảo vệ và xây dựng xứ sở. Kết quả cho ta thấy nhà Lý đã xây dựng và duy trì triều đại của mình được hơn 200 năm.
Nếu nhà nước xem nhân dân như là kẻ thù thì nhân dân có phản ứng chống lại bằng nhiều hình thức khác nhau. Thí dụ như ở Trung hoa, sau khi Tần Thủy Hoàng chết đi, Dinh Hồ Hợi nối ngôi và làm nhiều điều tàn ác khiến dân chúng lầm than khổ cực và họ đã nổi lên khắp nơi để chống lại dữ dội, trong đó có Hạng Võ và Lưu Bang, rốt cuộc Lưu Bang đã thành công trong việc lật đỗ nhà Tần và thắng luôn Sở Bá Vương nhờ mưu mô xảo quyệt, vì vậy «Nước có thể chở thuyền đi và cũng có thể làm lật thuyền» là ở chỗ đó. Cung cách hành xử của vua Lý Thái Tông đối với tù nhân còn mang một ý nghĩa tâm lý đặc biệt. Ngài đã lấy tình thương và trí tuệ để khuyến khích người phạm tội trở về đường ngay nẻo chánh; tình thương đó được biểu lộ một bên như người đứng đầu trong gia tộc với các thành viên trong gia đình, sự phân biệt giữa nhà vua với thần dân đã không còn hiện diện ở đây; trí tuệ là thay vì bịt đường bí lối bằng những biện pháp trừng trị nặng nề thì ngài lại mở rộng lối thoát, tạo cho họ có cơ hội ăn năn thực sự bằng quan niệm «không xem họ là người có tội…đối xử tử tế không đánh đập…». Quan niệm và hành động này đã là tác động tâm lý đặc biệt vào thời bấy giờ đối với xã hội VN. Chưa hết đối với các trường hợp đã phạm tội ngài còn hạ lịnh nghiên cứu gia giảm cho các trường hợp khác nhau; như đối với những người chưa trưởng thành từ 15 tuổi trở xuống và người có tuổi từ 70 trở lên được đặc biệt khoan hồng, kể cả người bịnh tật đau yếu hoặc mang tang trong người từ một năm trở lại, có cả trường hợp được cho lấy tiền để chuộc tội. Chúng ta thấy rằng trong các chế độ mệnh danh là phong kiến thời bấy giờ, hễ người nào phạm tội là lập tức gia đình bị liên hệ ngay, nhẹ thì lưu đày biệt xứ, nặng thì chém đầu cả 3 đời dòng họ. Thái độ hành xử quá nặng nề với người có tội của nhiều chế độ phong kiến khác đã tạo nên nhiều thảm kịch gia đình và xã hội thương tâm vô ích. Đấy chính là mầm móng của loạn lạc và chống đối. Thái độ hành xử của vua Lý Thái Tông có khác biệt với các lân bang và có giá trị ở hai mặt về con người thì tôn trọng và giữ gìn phẩm giá của họ; về mặt xã hội và gia đình tránh được cảnh chia lìa ly tán không cần thiết.
Trên phương diện ngoại giao, để chứng tỏ sự bình đẳng giữa hai dân tộc Việt Hoa cũng như khẳng định sự độc lập tự chủ của đất nước mình, vào năm 1054 vua Lý Thái Tông đã đổi danh xưng nước ta là Đại Việt. Người Trung Hoa lúc nào cũng tự hào họ là người ở vùng đất giữa nơi tập trung những gì tốt nhất về tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật cũng như nhân tài, nên họ đã xem thường và cho các dân tộc các nước chung quanh là «tiểu quốc man di», các triều vua Trung Hoa đều xưng là Đại như Đại Đường, Đại Tống, Đại Hán v.v…thời Lý Thái Tông tương đương với bên Tàu là nhà Tống. Sự kiện nước ta mang danh xưng Đại Việt chứng tỏ một điều mà Lý Thái Tông muốn nhắn gởi đến nhà cầm quyền Trung Hoa là giữa người và người đều có giá trị ngang nhau, không ai lớn hơn ai, không ai được quyền ỷ mạnh hiếp yếu; danh hiệu Đại Việt còn có ý nghĩa cao quý về mặt tinh thần là nước ta có một nền học thuật, không lệ thuộc vào ai cả, kể cả đế quốc hùng mạnh vào thời đó là nước Trung Hoa ở phương Bắc.
Với 215 năm trị vì, nhà Lý đã xây dựng nên một nước Đại Việt hùng mạnh về mọi mặt. Và đến cuối triều, Lý chiêu Hoàng lên nối ngôi, vì không đủ sức cai trị đất nước nên đã nhường ngôi lại cho phò mã là Trần Cảnh. Đây là một trong những cuộc chuyển giao quyền lực được xem là ôn hòa nhất, có tình người nhất trong lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng. Cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra từ một người vợ, một người công chúa của triều trước sang cho người chồng một người đời nhà Trần trong khung cảnh lễ giáo cũng như không có cảnh tương tàn tương sát. Sau đó Trần Cảnh lên ngai vua lấy hiệu là Trần Thái Tông, vì ngài còn nhỏ tuổi nên việc trong triều đã giao hết cho Trần Thủ Độ, là một người chú trông coi. Để giữ vững thế lực nhà Trần buổi ban đầu đầu, Trần Thủ Độ đã thực hiện nhiều việc làm không hợp với đạo đức đương thời. Một trong những việc đó là bắt nàng Lý thị là vợ của Trần Liễu đang có mang để gã cho vua Thái Tông. Vua Trần Thái Tông bất mãn hành động này nên ngài đã bỏ ngai vua để lên núi Yên Tử cầu học đạo với quốc sư Trúc Lâm. Trần thủ Độ cùng triều đình lặn lội lên núi thỉnh ngài về làm vua, nhưng ngài dứt khoát không chấp nhận. Trần Thủ Độ nói là vua ở đâu thì triều đình phải ở đó, nên liền sai người chuẩn bị xây dựng cung điện cho vua ngự trị. Một phần vì sợ làm mất trang nghiêm chốn thiền môn một phần khác bối rối không biết giải quyết ra sao nên ngài đã hỏi ý kiến của quốc sư Trúc Lâm, và được trả lời như sau : «Trong núi vốn không có Phật, phàm là đấng nhân chủ, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm tâm của mình», ngài đã nghe theo lời hướng dẫn của quốc sư mà quay về triều đình để tiếp tục làm vua. Cuối đời nhà Lý giặc giả nổi lên khắp nơi như ở Quốc Oai có giặc Mường quấy phá, Hồng Châu có Đoàn Thượng, Bắc Giang có Nguyễn Nộn, đều bị nhà Trần dẹp yên. Vua Trần Thái Tông rất quan tâm đến đời sống dân chúng các nơi, vào năm 1244 vua đã cho đắp đê Đỉnh Nhĩ ở hai bờ sông Hồng để ngăn ngừa lũ lụt cũng như tạo điều kiện tốt cho người dân cày cấy sinh sống. Khi Trần Liễu vì tức giận Trần Thủ Độ ngang ngược đã khởi binh làm phản, nhưng vì sức yếu nên đã thất bại. Ông nhảy lên thuyền của Trần Thái Tông và xin tha tội. Vua Trần Thái Tông đã nhân đức tha tội cho ông và còn ban đất phong ông là An Sinh Vương. Vua Trần Dụ Tông về sau đã làm bài thơ ca ngợi đức độ của vua Trần Thái Tông so với Lý Thái Dân đời Đường, bài thơ như sau :
Đường Việt khai cơ lưỡng Thái Tông
Đường xưng Trinh Quán ngã Nguyên Phong
Kiến Thành chu tử An Sinh tại
Miếu hiệu tuy đồng đức bất đồng
Đại ý nói Nước Đường và Việt đều có vua Thái Tông cả, Đường là Trinh Quán Việt hiệu Nguyên Phong, Lý Kiến Thành (anh ruột Lý thái Dân) làm loạn thì bị giết còn An Sinh Vương Trần Liễu thì được tha, tên hiệu thì giống nhau nhưng đức độ thì lại không đồng.
Vua Trần Thái Tông vào năm 1251 (năm tân Hợi) chính tay viết bài minh dạy cho các vị hoàng tử các điều Trung, Hiếu, Hòa và Tốn. Nghĩa là tận Trung với nước, Hiếu thảo với cha mẹ dòng họ, ôn Hòa chung sống với nhau và khiêm Tốn đối với mọi người. Cho nên trong thời Trần những nạn tranh giành ngôi vị hầu như không có xảy ra giữa các vương tộc, đồng thời các vương thân quốc thích nhà Trần cư xử cũng như chung sống với nhau rất hòa đồng và tương kính. Trong ba lần đại phá quân Mông Cổ, các binh sĩ Đại Việt đều khắc lên vai hai chữ «Thát Đát» nghĩa là quyết tâm tiêu diệt quân xâm lăng Mông Cổ. Và trong lúc bôn đào vua Trần Nhân Tông đã được Trần Lai chia xẻ miếng cơm hẩm khi chạy giặc ra Hải Đông. Đây tượng trưng cho sự trên dưới đồng lòng chống giặc là cũng do đầu thời Trần đã lấy Nhân Nghĩa làm căn bản dựng nước, với dân chúng thì thương yêu không hà hiếp bóc lột, với quân thân quốc thích thì hòa kính tương nhượng, tuy là chế độ tập quyền phong kiến nhưng không chủ trương chuyên chế, nên đã tạo được sự đồng thuận của mọi người khi hữu sự. Khi quân Mông-cổ xâm lăng nước ta lần thứ nhất năm 1278, đích thân vua Trần Thái Tông thống lãnh quân đội chiến đấu ngăn chận quân thù và ngày 29 tháng 1 năm 1258 quân dân Đại Việt đã toàn thắng đẩy lui quân thù ở Đông Bộ Đầu. Cũng vào mùa xuân năm ấy (1258) vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho con là Trần Thánh Tông để xuất gia cầu đạo và được triều đình tôn là thái thượng hoàng. Vua Trần Thái Tông khi quốc gia hữu sự đã tay kiếm yên ngựa để chiến đấu chống giặc Nguyên xâm lăng, khi thái bình Ngài tay chuỗi quyển kinh để khai phá lẽ mầu nhiệm của đạo Phật, tác phẩm để lại cho đời là quyển Khóa Hư Lục. Đặc biệt trong thời ngài cai trị, Lão giáo và Khổng giáo cũng được đặc biệt nâng đỡ như đắp tượng Chu-công, Khổng tử, Mạnh tử cũng như vẽ 72 người hiền để thờ đồng thời bắt học trò vào Viện Quốc tử để giảng Tứ thư Ngũ kinh. Khiến một nhà nho như Ngô Thời Sĩ cũng phải hết lời ca ngợi. Hội nghị Diên Hồng, hội nghị Bình Thang nhóm họp để lấy ý dân trong việc chống quân Mông-cổ khi chúng xâm lăng nước ta lần thứ 2. Các hội nghị này có một ý nghĩa rất quan trọng, đó là triều đại nhà Trần đã lấy «Dân làm gốc, Dân là quý», vì vậy chúng ta mới chiến thắng được quân Mông-cổ một cách vẻ vang và nâng địa vị nước ta trở nên một cường quốc đương thời về mọi mặt. Vua Trần Nhân Tông đã cùng quân dân Đại Việt chiến thắng quân xâm lăng quân Mông-cổ, ngài còn là tác giả tập Trần Triều Thượng Sĩ Ngữ Lục, đã là những bài kệ có tác dụng rất mạnh trong việc nghiên cứu và học Phật.
Hưng Đạo Đại Vương là con của An Sinh Vương Trần Liễu, ông này vì hận Trần Thủ Độ cướp vợ là Lý thị cho vua Trần Thái Tông nên lúc nào cũng căn dặn Vương phải nhớ thù mà báo. Riêng ông đã nổi loạn chống lại triều đình nhà Trần nhưng vì sức cô thế yếu nên bị thua phải nhảy vào thuyền của vua Trần thái Tông mà xin tha tội. Trần Liễu đến lúc lâm chung cũng còn nhắc ngài phải báo thù thay cha nếu không ông sẽ không nhắm mắt được. Đức Trần Hưng Đạo vì nghĩa lớn đã không làm theo lời cha dặn lúc lâm chung khi có giặc Mông-cổ xâm lược, Ngài đã không lợi dụng tình thế rối ren mà thủ lợi cho chính mình, mà vì đại nghĩa dân tộc, hết lòng cùng vua quan nhà Trần chiến đấu chống thù chung. Đức Hưng Đạo có đem lời cha trăn trối trước giờ nhắm mắt hỏi hai vị cận tướng là Yết Kiêu và Dã Tượng, các vị này can gián rằng «Tính làm việc ấy dẫu được giàu sang một thời đấy thật, nhưng tiếng xấu để mãi nghìn thu. Đại vương bây giờ há chẳng giàu sang rồi ư ? Chúng tôi thề rằng thà chết già làm gia-nô còn hơn làm quan vô trung hiếu…» Ngài đã rất cảm động khi nghe những lời khuyên chí tình này. Do đó, khi gần các vua Trần, Hưng Đạo Đại Vương đã rất thận trọng giữ gìn từng hành vi một để tránh tai tiếng đối với bên ngoài như khi phò thượng hoàng Trần Thánh Tông và nhà vua Trần Nhân Tông lúc đi ra Hải Đông khi lại vào Thanh Hóa. Đối với bề trên đã như vậy, mà đến các người trong thân quyến thái độ Ngài cũng không khác. Như đối với Chiêu minh Vương Trần quang Khải là vai anh em con chú bác (vì Trần quang Khải là con thứ ba của vua Trần Thái Tông), Ngài đã bỏ qua mọi hiềm khích trước đây để cùng chung vai diệt giặc Nguyên xâm lược. Như một lần đóng quân ở vạn Kiếp, đích thân Hưng Đạo Đại Vương đã pha nước trầm hương mà tắm gội cho Trần Quang Khải, một việc không phải người tầm thường có thể làm được, dù sao ngài cũng đường đường là đại tướng của quân đội Đại Việt, thế mà Ngài đã không nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ đến người khác. Đặc biệt khi giặc Nguyên xâm lược, Ngài bảo với binh sĩ rằng «Đến bữa, ta từng quên ăn; ban đêm, ta thường dựa gối, trào nước mắt, lòng đau như rần, giận không được ăn thịt bằm da…của quân địch!» chỉ qua mấy lời nói ngắn ngủi đã biểu lộ trọn vẹn cho tấm lòng yêu nước thương dân vô hạn của ngài. Đức Hưng Đạo Đại Vương là người biết trọng kẻ có tài như Phạm ngũ Lão, Trương Hán Siêu, đức độ ngài còn tỏa sang cả loài vật. Trong lúc tiến quân vượt qua sông Bạch Đằng để truy đánh Ô-mã-Nhi, con voi trắng mà ngài cỡi bị sa lầy, và càng lúc lún càng sâu, không thể nào kéo lên được, vì việc quân cấp bách ngài phải đau lòng mà rời voi đi bộ. Thấy ngài rời đi, voi ứa nước mắt. Khi chống giặc thành công trở lại bờ sông thì voi đã chết từ lâu, nên Ngài đã cho dựng tượng voi để kỷ niệm. Đến ngày nay tượng voi gạch đó vẫn còn, và chỗ ấy gọi là «bến Voi». Trước khi Vương mất, vua Trần Anh Tông đến thăm hỏi phương thức chống giặc và giữ nước, ngài đáp: «…Trước đây Ô-mã-Nhi, bốn mặt bao vây. Phía ta vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận, cả nước cùng họp sức, chúng mới bị bắt: đó là lòng Trời xui nên…phải tùy từng lúc mà liệu chiều, cốt có hạng quân sĩ thân tín như tình cha con thì mới dùng được. Và phải nới lỏng sức dân để làm cái chước rễ sâu gốc vững. Đó là phương sách giữ nước hay hơn cả.» Đến cả lúc trước khi chết lúc nào ngài cũng chỉ nghĩ đến dân và nước mà thôi. Thật tiếng thơm lưu mãi muôn đời.
Ở thời nhà Trần, người phụ nữ đã được đối xử một cách đặc biệt hơn so với những triều đại phong kiến đương thời. Như những người con gái bị tuyển vào cung làm cung nữ, ngay cả bị lập làm thứ phi rồi cũng có thể xin được trở về nhà của mình hoặc lấy chồng khác, không bị gò bó ép mình suốt đời trong cung cấm. Ngoài ra ngoài dân giả, có người phụ nữ nào lỡ bị phạm tội ngoại tình thì không bị xử «đóng bè trôi sông hay voi dày voi xé» mà chỉ bị xử về làm tớ gái cho chồng cũ và người chồng có thể đem bán hay đem đi ở đợ. Cung cách hành xử này đã là khá đặc biệt, một phần nào đã nói lên sự tôn trọng quyền làm người của phụ nữ thời bấy giờ.
Trong bức thư kêu gọi csvn lấy ngày 30/04 làm ngày Sám Hối và Chúc Sinh Toàn Quốc, Hòa thượng Thích Huyền Quang mong rằng những người cầm đầu csvn hãy lưu tâm đến những người đã chết trong các cuộc chiến tranh từ mấy mươi năm qua trên đất nước của cả hai bên; những người tàn tật, gia đình cô nhi quả phụ tử sĩ, đặc biệt là những người thuộc chế độ miền Nam cũ chưa bao giờ được xem là người trong một nước. Đó là chưa kể tới những người bị chết oan ức trong thời cải cách ruộng đất, tết Mậu Thân 1968 ở Huế; ngoài ra hơn 100.000 người bị thủ tiêu ở các trại tù mệnh danh cải tạo, khoảng 1 triệu người khác bị chết trên đường vượt biên vượt biển tìm tự do.
Bức thư còn đề cập tới trong 25 năm qua thái độ sống của ngưới Việt Nam chỉ có 2 cách, một là vào tù, hai là vào đảng cs. Vào tù thì được tự do ở riêng nhưng chẳng ai biết ai hay, làm một loại người không lợi ích cho xã hội; còn vào đảng cs thì phải chấp nhận làm nô lệ linh hồn cho chủ nghĩa ngoại lai đồng thời mất đi bản tính tự nhiên của con người, không được nói và nghĩ theo tiếng lòng của mình, HT viết: «Tự do theo kiểu này, khi nhân phẩm đã bị giản thể, có khác chi thứ tự do của loài trùn quằn quại trong lòng đất?» Bản thân Ngài là một Tăng sĩ năm nay đã 83 tuổi đời mà không được quyền sống cũng như đi rao truyền giáo lý của Đức Phật Thích Ca cho đồng bào trong nước; hơn nữa Giáo Hội truyền thống dân lập từ 20 thế kỷ nay lại bị áp bức không được tự do sinh hoạt mà thay vào đó là giáo hội tân lập do nhà nước dựng lên nên và điều khiển. Sự quan tâm mà HT Huyền Quang nêu ra không phải cho bản thân mà là cho nền Văn Hiến có truyền thống hơn 4000 năm hiện diện. Nền Văn Hiến này đang bị mai một dần vì sự cai trị độc đoán phản dân chủ của chế độ csvn hiện tại.
Hòa thượng Huyền Quang nêu lên những thủ đoạn đàn áp các thành phần dân tộc khác nhau của csvn từ những năm 50 để chiếm độc quyền lãnh đạo, đặc biệt là đối với Phật giáo Việt Nam. Ngài còn đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt của GHPGVNTN đồng thời trả tự do cho những tù nhân tôn giáo. Đặc biệt là bãi bỏ nghị quyết 31/CP là lịnh bắt giam người vô tội vạ dưới những tội danh phản động, phá hoại an ninh tổ quốc. Cuối cùng Ngài đề nghị csvn thực hiện 3 nghĩa cử văn minh như: chấm dứt gây chiến thực sự giữa người Việt Nam với nhau trong cũng như ngoài nước, ngay cả trong tư tưởng cũng cần phải tiêu diệt; Điểm thứ hai là lấy ngày 30.04 làm Ngày Sám Hối và Chúc Sinh Toàn Quốc để trả Linh Quyền Cho Người Chết bằng cách làm lễ sám hối và cầu siêu cho những oan hồn uổng tử bị bức hại từ mấy mươi năm qua; phục hồi Nhân Quyền Cho Người Sống bằng cách bảo đảm cũng như thực thi các quyền tự do căn bản của con người bằng pháp luật rõ ràng. Và điểm sau cùng là ban hành sắc luật chính thức tìm kiếm thi hài tử trận của binh sĩ cả hai miền Nam Bắc, đồng thời phục hồi danh dự những người chết oan, cấp dưỡng xứng đáng cho người tàn tật vì chiến tranh không phân biệt chính kiến.
Sự kiện giáo dân ở làng Nguyệt Biều dưới sự hướng dẫn của linh mục Nguyễn Văn Lý qua Lời Kêu Gọi số 1 đã đứng lên đòi hỏi Tự Do Tôn Giáo có một ý nghĩa rất đặc biệt vì ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12/2000 là ngày cuối cùng của thế kỷ 20; Thứ hai là một vị linh mục đứng đầu giáo xứ đã công khai lên tiếng chống lại thế lực vô thần cs, Linh mục Lý đã nói lên tiếng nói uất nghẹn của dân tộc đang bị đọa đày khiến cho chúng ta chợt nhớ lại hình ảnh bi tráng của Đức Chúa Giésu cách đây 2000 năm về trước khi Ngài chịu tội thế cho nhân loại khi bị đóng đinh đến chết trên thập tự giá; Thứ ba Linh mục Nguyễn Văn Lý cùng giáo dân Nguyệt Biều đã không sợ hãi trước bạo lực vô thần cs khi công khai đòi Tự Do Tôn Giáo Thật Sự, chứng tỏ Niềm Tin Hữu Thần của các vị đó thật là vô biên không gì lay chuyển nỗi. Những thời gian kế tiếp các Lời Kêu Gọi từ số 2 đến số 7 đã lần lượt được phổ biến các nơi, đây là những bước đấu tranh chiến lược từ thấp lên đến cao, từ thụ động lên đến năng động để chuẩn bị cho bước đòi hỏi cao hơn. Và đã thể hiện cụ thể qua Lời Kêu Gọi Giải Thể Đảng Cộng Sản Để Cứu Nguy Tổ Quốc Việt Nam của Linh mục Nguyễn Văn Lý vào ngày 13/02/2001 ngay tại giáo xứ An Truyền Huế.
Bản Tuyên Bố Chung về Chính Sách Tôn Giáo của Cộng sản tại Việt Nam của các tôn giáo ngày 28/12/2000, có ý nghĩa đòi hỏi csvn phải tuyệt đối tôn trọng quyền Tự Do Tôn Giáo Thực Sự của các tôn giáo, hoàn trả lại tài sản của các giáo hội đã bị trưng thu trái phép, chấm dứt mọi âm mưu thủ đoạn nhằm bóp nghẹt và bóp chết tôn giáo, trả tự do không điều kiện những tín đồ cũng như chức sắc của các giáo hội, phải tôn trọng các điều khoản quy định trong Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền ngày 24/09/ 1982 mà csvn là một thành viên đã ký vào bản Công Ước nầy.
Hòa thượng Thích Thiện Hạnh là Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tham gia đại hội bất thường tổ chức tại Tu viện Nguyên Thiều - Bình Định vào các ngày 16-19 tháng 9 năm 2003. Sau đại hội, csvn đã dùng những hành vi côn đồ bắt bớ đàn áp các vị lãnh đạo cao cấp của PG như Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Thượng tọa Thích Viên Định … Với một lý do duy nhất đó là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã không chấp nhận sự thống thuộc dưới quyền của cộng sản Hà Nội. Riêng trường hợp của HT Thích Thiện Hạnh, công an cộng sản đã quản chế bằng khẩu lệnh, không được ra khỏi chùa Báo Quốc-Huế, với những lý do mơ hồ, phi luật pháp, vào 6h45 phút, ngày 15 tháng 10 năm 2003.
Hòa thượng Thiện Hạnh đã phát nguyện tuyệt thực vô hạn định kể từ ngày 19 tháng 10 năm 2003. Tuy nhiên vì sự khẩn khoản của trong các đệ tử yêu cầu ngài tạm ngưng tuyệt thực, đồng thời vì Phật sự còn rất nhiều cộng với Giáo chỉ của Đức Tăng thống Huyền Quang gởi đến, nên HT Thiện Hạnh quyết định tạm ngưng tuyệt thực vào 17 giờ chiều ngày 28/10/2003. Trong thông bạch tạm ngưng tuyệt thực, HT Thiện Hạnh kêu gọi mọi người hãy mạnh dạn chấp hai tay bất bạo động, im lặng sấm sét cùng nhau đấu tranh cho sự sống còn của dân tộc và Phật giáo Việt Nam.
V/ Lời Kết :
Cung cách hành xử giữa Người và Người mang tình tự dân tộc vốn đã và đang hiện diện trên dãy đất Đại Việt từ 4883 năm nay. Hay nói một cách khác Nhân Quyền Việt Nam vốn đã được un đúc, cũng như phát triễn từ lý thuyết cho đến thực tế ngay trong lòng dân tộc đã từ lâu lắm rồi, đây là điều không thể nào phủ nhận được đồng thời đã được chúng tôi trình bày một phần nào trong bài viết. Nhưng từ khi hai họ Trịnh Nguyễn lấy sông Gianh làm ranh giới phân tranh nên tình tự Nhân Quyền của dân tộc đã bị lu mờ, chỉ có chói sáng trong khoảng thời gian ngắn khi Quang Trung Hoàng Đế đại thắng 20 vạn quân nhà Thanh, và sau đó đã vì loạn lạc và sự xâm nhập của các chủ thuyết ngoại lai phi dân tộc, phản dân tộc, mà hậu quả là đất nước chúng ta đã rơi vào tận cùng đáy vực của sự thống khổ.
Dân tộc Việt Nam đã liên tục đấu tranh đòi hỏi Quyền Làm Người của mình trong hàng mấy mươi năm nay, đây là hành động đấu tranh vô cùng chính đáng, là đòi hỏi «Hợp Lòng Dân, Thuận Ý Trời».
Sự Im Lặng Sấm Sét mà HT Thiện Hạnh đề cập, biểu lộ cho thái độ phản kháng cao độ của đấu tranh bất bạo động, bất hợp tác. Do đó, mọi người Việt Nam hãy tập trung toàn bộ sức mạnh của tâm (tâm lực) để phá vỡ (đặc biệt phá vỡ sự sợ hãi), đối kháng lại sự đàn áp thô bạo và dã man của lực lượng ngoại nhập cộng sản đã và đang đè nặng lên đất nước và dân tộc Việt từ mấy mươi năm nay. Đây là một hình thức đấu tranh ít đổ máu nhất và có khả năng thành công rất cao. Với sự tâm lực tập trung đó, mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước đã và sẽ tạo nên sức mạnh vô biên đi tới tháo bỏ vòng cương tỏa của cộng sản Việt Nam.
(Kỷ niệm Quốc Tổ Hùng Vương lần thứ 4880 năm.
Phật lịch 2544, Dương lịch 2001, hiệu đính lần thứ ba, 10 tháng 12 năm 2003)
Trúc Lâm Lê An Bình; Trúc Lâm Nguyễn Việt Phúc Lộc hiệu đính
________________________________
Sách vở, tài liệu tham khảo:
1. Văn Minh Việt Nam, tác giả cố Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, xuất bản 1964, Sài Gòn Việt Nam.
2. Thiền Học Trần Thái Tông, tác giả cố Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Viện đại học Vạn Hạnh xb 1971, chùa Khánh Anh tái bản lần thứ hai 1988 tại Paris Pháp quốc.
3. Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tác giả Lê Mạnh Thát, nxb Thuận Hóa 1999, Việt Nam.
4. Đạo Phật Và Dòng Sử Việt, tác giả Đức Nhuận, nxb Phật Học Viện Quốc Tế tái bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, 1995-1996.
5. Phật Giáo Hòa Hảo Trong Lòng Dân Tộc, tác giả Nguyễn Long Thành Nam, nhà xuất bản Đuốc Từ Bi 1991, Hoa Kỳ.
6. Quid 2000, nxb Sélection Reader’s Digest 2000, Pháp quốc.
7. Dictionnaire Encyclopédique Ilustré, nxb Hachette 1996, Pháp quốc.
8. La Révolution Francaise – Au jour Le Jour -, nxb Hatier 1985, Pháp quốc.
9. Trần Hưng Đạo, tác giả Hoàng Thúc Trâm, nxb Vĩnh Bảo 1950, Sài Gòn Việt Nam .
10. Lời Kêu Gọi « Sám Hối Và Chúc Sinh» 30/04/2000, Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, 21/04/2000, tỉnh Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam.
11. Lời Kêu Gọi Số 1, Linh mục Nguyễn Văn Lý, 3/12/2000, Nguyệt Biều, Huế, Việt Nam.
12. Bản Tuyên Bố Chung về Chính Sách Tôn Giáo của Cộng sản tại Việt Nam của các tôn giáo ngày 28/12/2000, Việt Nam.
13. Lời Kêu Gọi Giải Thể Đảng Cộng Sản Để Cứu Nguy Tổ Quốc Việt Nam, Linh mục Nguyễn Văn Lý, 13/02/2001, An Truyền Huế.
14. Lời Kêu Gọi số 9, Linh mục Nguyễn Văn Lý, 20/02/2001, An Truyền Huế.
15. Lời Kêu Gọi Cho Dân Chủ Việt Nam của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, 21/02/2001, Thanh Minh Thiền Viện, Sài Gòn Việt Nam.
Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử