lịch sử việt nam

Trang Chính

Bản Tin Blogs:

Biển Cả Và Con Người:

Bưu-Hoa Việt-Nam:

Blog Anh Ba Sàm:

Blog Cầu Nhật-Tân:

Blog Chu-Mộng-Long:

Blog Cu Làng Cát:

Blog Dân Làm Báo:

Blog Dân Oan Bùi-Hằng:

Blog Diễn-Đàn Công-Nhân:

Blog Giang-Nam Lãng-Tử:

Blog Huỳnh-Ngọc-Chênh:

Blog Lê-Hiền-Đức:

Blog Lê-Nguyên-Hồng:

Blog Lê-Quốc-Quân:

Blog Mai-Xuân-Dũng:

Blog Người Buôn Gió:

Blog Phạm-Hoàng-Tùng:

Blog Phạm-Viết-Đào:

Blog Quê Choa VN:

Chết Bởi Trung Cộng:

Diễn-Đàn Thảo-Luận Về Tình-Hình Việt-Nam:

Diễn-Đàn Sửa Đổi Hiến-Pháp 1992:

Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam:

Điện-Toán - Tin-Học:

Ebooks Hồi-Ký - Bút-Ký:

Hịch Tướng Sĩ:

Hình-Ảnh Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa

History Of Viet Nam

Hoàng-Sa Trường-Sa Là Của Việt- Nam:

Hồ-Sơ Chủ-Quyền Quốc-Gia Việt- Nam 

Hội Sử-Học Việt-Nam tại Âu-Châu

Human Rights Vietnam - Human Rights Activist

Lá Thư Úc-Châu

Lịch-Sử Việt-Nam Cận-Đại:  

Lịch-Sử Việt-Nam Ngàn Xưa:

Ngàn Năm Thăng Long (1010 - 2010)

Nghĩa-Trang Quân-Đội Biên-Hòa

Nguyên-Tử Của Việt-Nam Và Quốc- Tế

Người Dân Khiếu-Kiện:

Phụ-Nữ, Gia-Đình, Và Cuộc Sống:

Quốc-Tế:

Sitemap:

Tiền-Tệ Việt-Nam:

Tin Nhắn, Tìm Thân-Nhân Mất-Tích, Mộ Tìm Thân-Nhân:

Tin-Tức Thời-Sự Việt-Nam:

Thư-Tín:

Tưởng-Niệm 50 Năm 1963-2013:

Trang Thơ Văn Mai-Hoài-Thu:

Trang Thơ Văn Minh-Vân:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Chí-Thiện:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Khôi:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Thị-Thanh:

Trang TL Nguyễn-Việt Phúc-Lộc:

Trang Nhật-Hồng Nguyễn-Thanh-Vân:

Trang Thơ Văn Phạm-Ngọc-Thái:

Trang Thơ Văn Phan-Văn-Phước:

Trang Thơ Văn Quê-Hương:

Trang Thơ Văn Thanh-Sơn:

Trang Thơ Văn ThụcQuyên:

Trang Thơ Văn Trí-Lực:

Trang Thơ Văn Vĩnh-Nhất-Tâm:

Truyện Dài Thời Chiến-Tranh Việt-Nam (Ebooks):

Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử - Donate:

Weblinks:

 

 

Thư-Viện Bồ Đề Online

Xiển-Dưong Chánh Tín_Bài Trừ Mê-Tín Dị Đoan 

Quan-Niệm Giá-Trị Việt-Nam Trận Đống-Đa Với Chính-Nghĩa Quốc-Gia 

Nguyễn-đăng-Thục

Hàng năm cứ đến ngày 5 tháng Giêng, sau Tết Nguyên-Đán 5 ngày và trước ngày khai Hạ 2 ngày, nhân-dân Hà-thành kéo nhau lũ-lượt, tốp năm tốp ba " ngựa xe như nước áo quần như nêm ", ra ngoại-ô về phiá Đông đầu ấp Thái-Hà, dưới chân một đồi đất cao, để kỷ-niệm ngày giỗ Đống-Đa hay là ngày giỗ trận. Dân-chúng nói với nhau rằng cái đồi đất ấy chính là đống xương vô-định của quân-sĩ chết trong trận đại-chiến quyết thắng của vua Quang-Trung đánh đuổi giặc ngoại-xâm Tôn-Sĩ-Nghị .

" Quân Thanh đã được Thăng-Long,
Một hai rằng thế là xong việc mình ;
Dùng dằng chẳng chịu tiến binh,
Nhác đường phòng thủ mộng tình đãi hoang ;
Ngụy Tây nghe biết sơ phòng,
Giả điều tạ tội quyết đường cất quân .
Dặm trường nào có ai ngăn,
Thừa hư tiến bước đến gần Thăng-Long ;
Trực khu đến lũy Nam-Đồng,
Quân Thanh dẫu mấy anh hùng mà đang .
Vua Lê khi ấy vội vàng,
Cùng Tôn-Sĩ-Nghị sang đàng Bắc-Kinh ;
Qua sông lại sợ truy binh,
Phù kiều chém đứt, quân mình thác oan ".

_ ( " Đại-Nam Quốc sử Diễn-ca " -- ( 1991 - 2004 ), của Lê-Ngô-Cát và Phạm-Đình-Toái, xuất-bản Sông-Nhị, Hà-Nội )

Trên đây là một đoạn sử tranh-đấu oanh-liệt của Nguyễn-Huệ, mới lên ngôi Hoàng-Đế Quang-Trung ngày 25 tháng Một năm Mậu-Thân 1788, tự mình thống-lĩnh quân thủy, bộ ra đánh Bắc-Hà, đánh đuổi quân xâm-lăng để dành chính-nghĩa quốc-gia bằng một cử-chỉ anh-hùng dân-tộc. Vua Quang-Trung tự thân đốc quân phá vỡ nghĩa-binh của nhà Lê ở sông Giản-Thúy, bắt sống quân Tầu ở Phú-Xuyên, vây, phá đồn giặc ở Hạ-Hồi và Ngọc-Hồi ở Hà-Đông ngày 5 tháng Giêng trong bầu không-khí khai xuân của toàn dân Bắc-Việt. Nhiều tướng-lãnh Mãn-Thanh tử-trận trong số có đại-tướng Sầm-Nghi-Đống ở Đống-Đa gần Nam-Đồng, nay là ngoại-ô Hà-Nội. Nghi-Đống bị vây ở đây phải thắt cổ tự-tử, Lê-Chiêu-Thống theo Tôn-Sĩ-Nghị chạy sang Bắc-Ninh, rồi bị đuổi bạt về Tầu. Trưa ngày mồng 5 tháng Giêng, vua Quang-Trung vào thành Thăng-Long, áo ngự-bào đen thuốc súng ; theo truyền-thuyết trong dân-gian thì khi vua Quang-Trung trẩy quân đến làng Ngọc-Hồi, dân làng làm cỗ-bàn bánh-trái đem ra khao-lạo quân nhà vua và tỏ ý hoan-nghênh cử-chỉ chính-nghĩa của vua đến giải-phóng nước nhà khỏi ách Mãn-Thanh, nên họ có yết lên bốn chữ " Hậu lai kỳ tề " ( nghĩa là vua đến thì dân được sống lại ). Vua Quang-Trung, trước lòng nhiệt-thành ấy của dân làng Ngọc-Hồi, hết sức hoan-hỷ vỗ-về ủy-lạo, nhưng không muốn phiền-nhiễu nhân-dân, trong các thực-phẩm dâng-lên, vua đã ý-nhị chỉ chọn lấy cái bánh-chưng, tiêu-biểu cho dân-tộc-tính nông-nghiệp trong ngày Tết Nguyên-Đán ở Bắc-Hà. Và vua ban cho làng Ngọc-Hồi bốn chữ " Hiếu nghĩa khả gia " ( nghĩa là lòng hiếu-nghĩa khá khen là đẹp ).

…. Cử-chỉ ấy của Quang-Trung quả đã cảm-thông với tâm-hồn dân-tộc, cũng như Nguyễn-Thiệp đã cố công giúp vua Quang-Trung đại phá quân Thanh trong một trận, không phải vì tài độn-số mà là nhờ sự thông-cảm với tâm-hồn dân-tộc qua chiếc bánh-chưng vậy. Theo " Đào-Khê nhàn thoại ", đăng trong số Xuân Trung Bắc năm 1939 thì nguyên khi Tôn-Sĩ-Nghị chiếm-đóng Thăng-Long, có giao cho viên Đề-lĩnh họ Đinh, là người của Lê-Chiêu-Thống cầm đầu một toán quân canh-gác kho khí-giới và lương-thực. Vua Quang-Trung khi kéo quân vào đến Nghệ-An có đến vấn-kế Nguyễn-Thiệp, là người đã ngồi dạy học ở nhà Đề-lĩnh họ Đinh ngoài Bắc. Ngày mồng 3 Tết năm Kỷ-Dậu ( 1789 ), Đinh thấy Nguyễn-Thiệp từ Nghệ-An gửi ra biếu chiếc bánh-chưng, trong nhân bánh có để tờ mật-dụ của vua Quang-Trung, Đinh bèn nghe Nguyễn-Thiệp khuyên-bảo, làm theo lời mật-dụ ấy, đứng làm nội-ứng, ngầm đốt kho khí-giới, lương-thực và súy-phủ ở Thăng-Long vào đêm mồng 4 rạng mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ-Dậu _ ( theo Hoa-Bằng chú dẫn trong " Quang-Trung " -- nhà xuất-bản Bốn-Phương, trang 196 ).

Xem thế đủ thấy, Quang-Trung đã thành-công vì cảm-thông đến tâm-hồn tín-ngưỡng truyền-thống của nông-dân, tức là của dân-tộc. Và sự cảm-thông ấy không phải ở lời nói suông mà là ở cử-chỉ vô-tư đồng-tình, quên mình vào nhân-dân, lấy tâm-hồn nhân-dân làm tâm-hồn mình, từ tín-ngưỡng đến tình-cảm, từ ý-chí đến hiểu-biết. Bởi thế mà vua Quang-Trung cũng như La-Sơn Phu-Tử Nguyễn-Thiệp, đã gợi đến ý-nghĩa tượng-trưng của chiếc bánh-chưng ngày Tết để rung-động vào tiềm-thức xa xăm từ thời Thần-thoại Hồng-Bàng của nhân-dân Việt-Nam. Tuy vua Quang-Trung tự biết có thừa tài thao-lược, thừa sức vũ-lực để đánh đuổi quân Mãn-Thanh cũng như quân Xiêm-La, đã mượn danh-nghĩa nhà Lê, nhà Nguyễn để xâm-lăng, nhưng Ngài cũng tự biết mình là võ-biền, nên đã tôn thờ Nguyễn-thiệp, một bạch-diện thư-sinh làm phu-tử. Và La-Sơn Phu-Tử hẳn thuộc nằm lòng câu nói của Khổng-Phu-Tử : " Dân vô tín bất lập " ( nghĩa là nhân-dân không tín-ngưỡng thì không đứng vững được )_ ( Luận Ngữ ). Cái tín-ngưỡng của dân-tộc là tín-ngưỡng truyền-thống của nông-dân, vì dân-tộc Việt-Nam cho mãi đến nay vẫn còn là một dân nông-nghiệp. Bởi thế mà Nguyễn-Thiệp, một Nho-sĩ lão-thành không khuyên Quang-Trung đem tín-ngưỡng Khổng-giáo cho dân mà lại trở về tín-ngưỡng Tổ-tiên, mà chiếc bánh-chưng là biểu-hiệu, trải qua hàng mấy ngàn năm.

Tại sao Nguyễn-Thiệp đã giúp Quang-Trung những sáng-kiến có hiệu-lực mà không ra nhận một chức gì của vua Quang-Trung, cả đến những tặng-phẩm cũng không dám nhận ? Có lẽ vì ông còn đòi ở Quang-Trung cái chính-nghĩa dân-tộc quang-minh chính-đại, vượt cả lên trên cục-diện Nam-Bắc phân-tranh của chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Cơ-hội ấy đã đến với Quang-Trung. Chúa Nguyễn trong Nam đã mất chính-nghĩa sau khi mời quân Xiêm vào xâm-chiếm, nên bị Quang-Trung, bấy giờ còn là Nguyễn-Huệ đánh cho đại bại ở miền Hậu-Giang. Đến lượt vua Lê-Chiêu-Thống, thừa-hưởng cái chính-nghĩa dân-tộc của nhà Lê đánh đuổi quân Minh, bỗng chốc " vác voi về dầy mồ ", đem quân Thanh vào dầy xéo đất nước, nên cũng mất chính-nghĩa hơn ba trăm năm của một triều-đại " văn hiến chi bang ". Đấy thực là một cơ-hội rất tốt cho người anh-hùng tranh-thủ chính-nghĩa bằng cách giải-phóng dân-tộc khỏi ách ngoại-xâm .

" Nước Việt ngàn năm truyền miệng trẻ :
Oai vũ thần binh trận Đống-Đa !
Nước Việt ngàn năm danh Nguyễn-Huệ .
Chu diệt quân Thanh phá Bắc-Hà ".

_ ( Của Minh-Tuyền do Hoa-Bằng dân trong " Tri-Tân ", trang 2, số 35 ngày 18 - 2 - 1942 )

Và ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ-Dậu ( 1789 ) về sau đối với nhân-dân Bắc-Hà đã tự-động trở nên ngày giỗ trận, đồng-bào kéo nhau đến chùa Đồng-Quang trên đồi La-Sơn, tục gọi là Đống-Đa, để kỷ-niệm ngày thắng trận của vua Quang-Trung, người anh-hùng của dân-tộc .

" Áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công-trình " .

để đối chiếu chính-nghĩa, với ngụy-quyền của vua Lê-Chiều-Thống cầu-viện quân Thanh bảo-vệ dòng họ :

" Tá vấn Thanh lai đắc nhất vương
Giải giao nghịch tặc chuyển vi cường ?
Long Thành thử địa y hà tự,
Thanh sứ tùng lai bỗng nhất trường " .
( Hỏi Tầu lại được việc gì ,
Để cho quân giặc có bề mạnh thêm ?
Long-Thành này hãy chờ xem
Sứ Tầu qua nữa còn thêm não-nùng ! "

_ ( Thăng-Long Thành Hoài Cổ do Nguyễn-Văn-Tố trích dịch " Tri Tân " số 34 )

Như thế tưởng đã minh-bạch chính-nghĩa quốc-gia, lấy quyền-lợi dân-tộc làm tiêu-chuẩn, do nhân-dân đã công-nhận bằng ngày giỗ trận Đống-Đa mồng 5 tháng Giêng. Vậy mà đoạn Sử-ca trên kia, dưới triều nhà Nguyễn còn viết là Ngụy-Tây để gọi chính-quyền Tây-Sơn Quang-Trung, thì đủ biết rằng vấn-đề chính, tà theo Sử-sách của triều-đại thực cũng khó mà phân-biệt .

Sự thật có được tôn-trọng nữa không hay là tôn-giáo, khoa-học, văn-học, sử-học, chính-trị-học v.v….. chỉ coi là những bè-đảng mưu-mô, đua nhau tranh cướp chính-nghĩa, mạnh được yếu thua, được làm vua thua làm giặc?

Nếu thực chính-nghĩa chỉ là quyền-lợi hay mưu-lược xảo-quyệt mà sự thật không được tôn thờ thì sao Nguyễn-Huệ phải lấy danh-nghĩa phù Lê diệt Trịnh để ra đất Bắc-Hà lần thứ nhất. Sau khi quân Trịnh đã dẹp rồi, trong tay có đủ binh-lực để thay thế ông vua già đang nằm bệnh chờ chết ; sao Nguyễn-Huệ lại phải khiêm-tốn trước giường bệnh vua Lê-Hiến-Tông :

" _ Tôi vốn là kẻ áo vải ở Tây-Sơn, nhân thời-thế mà nổi dậy. Bệ-hạ tuy không cho ăn cơm, áo mặc, nhưng tôi ở cõi xa, bấy lâu vẫn kính mến thánh-đức. Bữa nay được nhìn thấy mặt-trời, đủ thỏa được tấm lòng khao-khát. Họ Trịnh vô đạo, hiếp đáp Hoàng-gia nên Trời mượn tay tôi : một trận phá diệt ngay đặng, ấy là nhờ ở oai đức Bệ-hạ cả ! "

" _ Vua Lê ủy-lạo : Ấy là võ-công của Tướng-quân cả chứ quả-nhân có tài đức gì ! "

" _ Nguyễn-Huệ khiêm-tốn : Tôi chỉ cốt tôn phò, đâu dám kể tới công lợi. Việc ngày nay đã xẩy ra như thế thật bởi lòng Trời xui nên hết thảy. Kể tới việc binh thì tôi cắt đặt đặng quân-lính, điều-khiển đặng chiến-chuyền, song le tôi có sức chi khiến được nước lụt phải cạn, gió Đông-Nam phải thổi mạnh ? Thế là Trời có ý xui Bệ-hạ phấn-chấn kiên-cường, thống-nhất bờ-cõi. Từ giờ xấp đi Bệ-hạ cầm cương nẩy mực, khiến cho trong êm ngoài ấm, tôi đây cũng được ơn nhờ ."
_ ( " Quang-Trung ", trang 66, sách đã dẫn trên của Hoa-Bằng )

đây còn tôn-kính ý Trời với Thánh-đức vua Lê, đấy là luận-điệu bề ngoài, tuy trong bụng đã muốn xưng Đế xưng Vương : " Ta mang vài vạn quân ra đây, một trận dẹp yên Bắc-Hà. Vậy thì một thước đất, một người dân bây giờ không phải của ta thì của ai vào đây nữa. Dẫu ta muốn xưng Đế, xưng Vương chi chi ai dám làm gì ta đặng ? "
_ ( trang 88, sách dẫn trên )

Thế thì tại sao Nguyễn-Huệ không dám xưng Đế, xưng Vương theo như ý muốn trong lòng, mà còn phải khách-sáo luận-điệu phù Lê diệt Trịnh ? Là vì nhờ có khẩu-hiệu ấy mới chinh-phục được lòng người, dù là người dân ngu, nhưng " dân ngu nhi thần " ( nghĩa là dân tuy ngu nhưng sức mạnh như thần-lực ). Nguyễn-Huệ còn sợ lòng người cho nên phải mượn lá cờ hiệu " phù Lê diệt Trịnh " làm chính-nghĩa. Cái chính-nghĩa ấy của nhà Lê hơn ba trăm năm chưa mất hẳn, cho nên Nguyễn-Nhạc biết điều hơn khi nói :

" _ Tôi nghe ngày xưa đức Thế-Tổ mở mang ra nước Nam-Việt, công-đức thật là tầy Trời. Tuy tôi ở lánh trong phiá biển Nam, song cũng là đất của Thái-Tổ khai-thác !"

Cái chính-nghĩa của nhà Lê, sở dĩ được lâu bền là nhờ Trời và Người hiệp lực giúp Lê-Lợi đánh đuổi quân Minh, ròng-rã hai mươi năm chiến-đấu để giải-phóng đất nước và dân-tộc khỏi ách nô-lệ ngoại-lai. Bởi thế mà trận Đống-Đa của Nguyễn-Huệ đánh đuổi quân Thanh đã mang lại chính-nghĩa cho vua Quang-Trung, cái chính-nghĩa mà Lê-Chiêu-Thống đã bỏ mất khi rước Tôn-Sĩ-Nghị vào bảo-vệ cho một họ của mình, coi nhẹ ý dân, tức là ý Trời của dân-tộc vẫn tin-tưởng. Chắc vào cái tin-tưởng chính-nghĩa thiêng-liêng ấy mới có Trần-Công-Xán khẳng-khái đáp lại lời hạch-sách của Nguyễn-Huệ bấy giờ là Bắc-Bình-Vương :

" Thuở xưa đức Lê-Thái-Tổ bình-định giặc Ngô, gây-dựng lại nước nhà, công đức như trời biển. Đến vua Thánh-Tông chăm lo việc nước, thiên-hạ thái-bình, điển tắc truyền đến muôn đời, từ cửa Nam-quan vào Nam, từ núi Đại-Lĩnh ra Bắc đều là thần-dân, không nơi nào mà không tôn kính, trung-gian bị giặc Mạc tiếm quyền, nhân-dân trong nước đem lòng oán giận. Lúc ấy Tiên-Chúa nhóm họp được các đồng-chí, sau đó Trịnh-vương ban-hành hiệu-lệnh khắp trong nước cũng chỉ vì lấy danh-nghĩa tôn phù nhà Lê, cho nên người dân hưởng-ứng, tuy mấy đời gần đây có sự hiếp-chế nhưng chính sắc còn đó, lễ nhạc không đổi, thiên-hạ vẫn là thiên-hạ của nhà Lê .

" Đại-vương ngự giá ra Bắc, lần đầu tiên mà thẳng đến được kinh-thành, cũng là do lòng nghĩa-cử, tôn-phù nhà Lê, cho nên người người tin phục, nếu không thế thì vào nước người có phải dễ dàng đâu .

" Đức Tiên-đế mới thấy Đại-vương lần đầu đã đem lòng kính-trọng, trước sách-phong hiệu " Thượng-Công ", kế-tiếp phong tước " Vương ", đó là điển lễ cũ của bản triều, chớ không phải là báo đáp không được thịnh tình, xin chớ cho là lạt lẽo .

" Còn việc đem hết đất đai trao trả lại cho nhà Lê là thuận theo lòng Trời vậy ."
_ ( Hoàng Lê Nhất Thống Chí )

Nói thế biết rằng sẽ bị giết, nhưng một lòng tin-tưởng vào chính-nghĩa, nên trước khi chết còn để lại lời Cách-ngôn cho đời sau :

" Đạt đức hữu tam, túng vị năng chi, nguyên học !
Tiểu tâm vô nhị, hành kỳ ố dã hà vưu ? "
( Đạt đức Nho có ba ( Trí, Nhân, Dũng ) dẫu chưa hay xin học hỏi !
Lòng này chung thủy không hai, thực hành chất phác dám trách ai ? )

Đấy là chính-nghĩa trả bằng cái chết của sứ-thần Trần-Công-Xán cuối thời nhà Lê, khiến cho Nguyễn-Huệ phải chờ đến trận Đống-Đa mới dám xưng là Quang-Trung hoàng-Đế ( 1788 ) .

Đủ biết chính-nghĩa của dân-tộc Việt-Nam đòi hỏi xưa nay không phải chỉ có công đánh đuổi giặc ngoại-xâm mà thôi, lại còn phải thống-nhất được lãnh-thổ, đem giang-sơn về một mối từ Bắc chí Nam. Bởi thế mà trận Đống-Đa mới chỉ là dọn đường cho chính-nghĩa Đại-Nam sau này vậy .

Renan, nhà triết-học Pháp có tiếng, từng tuyên-bố :
" Vivre sans un système sur les choses, ce n'est pas vivre une vie d'homme " .
( Sống không có một hệ-thống về các sự-vật thì không phải là sống một cuộc đời nhân-loại ).

Câu nói thật chí-lý ! Không lúc nào như lúc này, giới trí-thức thanh-niên chúng ta, đứng trước cảnh-tượng biến-đổi mau chóng của xã-hội, đứng trước thời-cục vần-xoay, cuộc đời thực-tế phũ-phàng, không lúc nào như lúc này chúng ta cảm thấy sống ở đời phải cần có một tín-tưởng làm trụ-cột, sự sống cần phải có một ý-nghĩa gì nữa ngoài cơm no, áo ấm. Phú quý, danh vọng, quyền-thế chớp mắt cũng bằng không ; sắc nước hương trời, tài ba son trẻ, ngoảnh đi nhìn lại đã hóa ra cát bụi. Không lúc nào hơn lúc này chúng ta cảm thấy bài-học thấm-thiá về cái :

" Tuồng ảo-hóa đã bày ra đấy
Cảnh phù du trông thấy mà đau
!
_ (Ôn Như )

Nhưng trông thấy mà đau là khi nào chưa tìm thấy ý-nghĩa của sự sống để tin-tưởng, mà sở dĩ chưa thấy ý-nghĩa của sự sống là vì chưa có một hệ-thống ý-thức về sự-vật, chưa có một quan-niệm chắc-chắn về nhân-sinh, cho nên mất tin-tưởng vào sự sống. Trái lại, cũng đứng trước cảnh phù-thế ấy mà nếu ta lại quyết " Ra tay buồm lái trận cuồng phong " để có danh gì với núi sông, thì ta sẽ thấy không những không thấy đau-đớn, mà còn thấy kích-thích và hứng-khởi trước cuộc đời biến-đổi, là vì đã tìm thấy ý-nghĩa cho sự sống, tìm thấy cái hệ-thống ý-thức về sự-vật, hệ-thống bền-vững không biến-đổi .

Cái hệ-thống ý-thức ấy ở kẻ-sĩ nhập-thế của Việt-Nam ngày xưa, là cái trí-thức kinh-luân " Đấng trượng-phu một túi kinh-luân ", hay là " Kinh luân khởi tâm thượng " .

Sự-vật có thứ-tự mạch-lạc, cái nọ quan-hệ với cái kia thành một hệ-thống tương-quan, không rời-rạc lẻ-tẻ, tiến thoái có đường lối trước sau, chứ không hỗn-độn ngẫu-nhiên. Hiểu được định-luật tiến-hóa của sự-vật trong thiên-hạ, trong nhân-quần, ở ngoại-giới cũng như ở nội-giới, ấy là hiểu-biết đạo xử-thế tiếp-vật, ấy là tất cả cái học về " Đạo " của Đông-phương, Đạo Trời và Đạo Người, Đạo Tâm lẫn Nhân-tâm. Hiểu rồi để sẵn-sàng hành-động, đấy là cái học kinh-luân của kẻ-sĩ thủa xưa vậy .

Kinh-luân ở xã-hội Việt-Nam xưa kia chính là cái quan-niệm Nhân-sinh Xử-thế Tiếp-vật, cái Hệ-thống Y-thức về tương-quan giữa người với người và giữa người với vũ-trụ, có giường-mối chặt-chẽ để làm cơ-sở cho tin-tưởng trong hành-động. Đấy là cái hệ-thống về sự-vật như Renan đòi hỏi vậy. Tư-tưởng Đông - Tây đều xác-nhận người ta sống cho ra sống, sống một cuộc đời nhân-loại, thì điều tối thiết-yếu, tối quan-trọng là một ý-thức-hệ chính-xác, một quan-niệm vũ-trụ nhân-sinh vững-chắc, có thể đem lại cho chúng ta một lòng tin-tưởng nhiệt-liệt, thành-thực, một sự quân-bình vững-chãi cho tâm-giới .

Nhưng chúng ta tìm ở đâu để thấy được cái can-bản chính-xác ấy ? Phải chăng tìm ở trong trầm-tư mặc-tưởng, lặn vào thâm sơn cùng cốc để cố siêu-xuất khỏi đời sống thực-tế đau-thương ? Khó lòng mà chốn được sự-thực, tránh được việc đời. Đã mang lấy nghiệp vào thân, thì còn trốn tránh sao được thân-nghiệp. Lão-Tử nói : " Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất " ( Lưới Trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt ) .

Guồng máy thế-gian ghê gớm, quay hoài không ngừng, nghiến nát bao tâm-hồn vô-tình đã vướng phải bánh xe. Chỉ có một cách là nhìn kỹ cơ-cấu của bộ máy, trông thẳng vào sự thật phũ-phàng, rút kinh-nghiệm ở cách-thức chuyển-vần của bộ máy huyền-vi là xã-hội thực-tế, và học những bài-học kinh-nghiệm lịch-sử truyền-thống của đoàn-thể để cố ý-thức lấy một đường-lối mới cho xác-đáng .

Kể từ khi có lịch-sử nhân-loại trên mặt địa-cầu đến nay, thì loài người hiện ra là ở trong xã-hội, mang ở bản-thân nó tính tập-hợp, tinh-thần đoàn-thể. Không có đoàn-thể thì không làm gì có kỹ-thuật, vì kỹ-thuật công-cụ là một sản-phẩm của sự hợp-tác phân-công. Và loài người chỉ hơn được cầm-thú ở chỗ luôn luôn tiến-bộ về kỹ-thuật, cho nên nhà kinh-tế xã-hội-học đã gọi con người là một giống tạo-tác kỹ-thuật ( Homofaber ). Không có đoàn-thể xã-hội thì còn làm gì có chế-độ với pháp-lý. Không có xã-hội thì còn lấy đâu ra văn-hóa với văn-minh. Vì văn-hóa là tất cả những hoạt-động của nhân-loại để điều-hòa thích-ứng với thiên-thời, với địa-lợi, đổi những trở-ngại thành những điều-kiện thuận-tiện cho cuộc sinh-tồn tiến-triển. Bởi vậy mà cổ-lai, phần đông tư-tưởng Đông - Tây đều chủ-trương rằng địa-vị nhân-loại là địa-vị xã-hội. Tuân-Tử tuyên-bố : " Nhân sinh bất năng vô quần " cũng như Aristote tuyên-bố : " Người là một giống vật xã-hội ( Animal social ) " .

Tuy nhiên dù xã-hội-tính của nhân-loại có hiển-nhiên xác-thực mấy đi nữa, thì cổ-lai cũng vẫn còn khuynh-hướng cá-nhân tự-do độc-lập, chủ-trương " con người hoang đảo " cô-lập một mình như truyện Robinson bên Âu-Tây với truyện An-Tiêm bên Việt-Nam. Khuynh-hướng cá-nhân này không ngừng chống lại với khuynh-hướng xã-hội. Rousseau thì tuyên-bố " Người ta bẩm sinh tự-do mà bất cứ ở đâu nó cũng thấy bị trói buộc " và Dương-Chu " Vị ngã " thì nói : " Nhổ một sợi lông mà lợi cho cả thiên-hạ cũng không làm " .

Như thế chúng ta đứng trước hai khuynh-hướng : một khuynh-hướng cá-nhân và một khuynh-hướng xã-hội, vẫn thường xung-đột trong lịch-sử tư-tưởng Đông - Tây. Đối với khuynh-hướng cá-nhân thì quan-niệm xã-hội là một mớ tổng-cộng những phần-tử cá-nhân. Và như thế thì trong mớ tổng-cộng ấy cũng có thể đẻ ra những hiện-tượng tập-thể. Nhưng những hiện-tượng xã-hội này thì hoàn-toàn lệ-thuộc vào tâm-lý cá-nhân. Ngoài tâm-lý cá-nhân phần-tử ra, không làm gì còn có tâm-lý xã-hội đứng biệt-lập bao-trùm. Trái lại, khuynh-hướng xã-hội lại đòi có một xã-hội đứng biệt-lập với tâm-lý cá-nhân, một xã-hội-học lấy đối-tượng khách-quan và tất cả những khu-vực của những biểu-tượng tập-thể ( représentations collectives) không quan-hệ gì đến tâm-lý-học cả. Xã-hội như vậy thì có trước cá-nhân, cá-nhân hoàn-toàn do xã-hội uốn-nắn, hun-đúc và chi-phối như do một thế-lực thần-bí khắc-nghiệt vậy. Tất cả những thái-độ cá-nhân, những tính-tình của con người đều trực-tiếp lệ-thuộc vào những cơ-cấu, những tác- dụng, những qui-chế, những mẫu-mực của xã-hội, của đoán-thể. Cả đến sự liên-lạc giữa cá-nhân với cá-nhân cũng bị lệ-thuộc vào những yếu-tố trên. Nhất-cử, nhất-động của người ta đều bị quy-định như trong một bộ máy .

Hai khuynh-hướng cá-nhân và xã-hội trên đây, từ cổ-lai không ngừng xung-đột, cho nên người ta đã chủ-trương cho lịch-sử là lịch-sử tranh-đấu giữa cá-nhân với đoàn-thể, đoàn-thể đòi cá-nhân phải hy-sinh hết quyền-lợi cho xã-hội, và cá-nhân thì đòi xã-hội trả lại cho cá-nhân quyền tự-do muốn làm chi cũng được, tuyệt-đối độc-tôn .

Vấn-đề sinh-đôi, đặt cá-nhân và xã-hội đối-lập như vậy có vẻ quá giản-tiện và nguy-hiểm, cũng tựa như vấn-đề tâm với vật đối-lập với nhua thì quá trừu-tượng vậy. Cho nên gần đây có nhiều nhà xã-hội-học đã đứng lên chống lại khuynh-hướng muốn cho xã-hội thu-hút tất cả cá-nhân, không cho cá-nhân có một địa-vị bột-nhiên tự-động, một thái-độ riêng-biệt thuộc về tâm-lý-học. Ví dụ Ch. Blondel đã nhận-định : "Ở trong các ý-thức cá-nhân có cái gì thuộc về tập-thể. Xã-hội không phải đứng hoàn-toàn ở ngoài cái mà chúng ta gọi là cá-nhân. Vả lại, những hiện-tượng xã-hội khác với các hiện-tượng vật-lý tự-nhiên ở chỗ những hiện-tượng đó là những hành-vi của những chủ-động và đã được những chủ-động ấy sống qua. Vậy thì hiện-tượng xã-hội ngụ ý một thái-độ, một biểu-hiệu tâm-lý cá-nhân của những chủ-động trong xã-hội ". Đấy là khuynh-hướng của khoa tâm-lý xã-hội-học, hiện nay đã dung-hòa mâu-thuẫn giữa cá-nhân xã-hội đối-lập tương-phản. Khoa tâm-lý xã-hộị-học xác-nhận có một nhịp cầu nối ảnh-hưởng của hoàn-cảnh xã-hội với sự tự-động bồng-bột của tâm-lý cá-nhân. Cá-nhân với xã-hội không phải là hai thế-lực đối-lập tương-tranh, mà còn có một thế-lực thứ ba là ý-thức xã-hội ( conscience sociale ) ý-thức tập-thể ( conscience collective ) làm cho cá-nhân với xã-hội tương-sinh, tương-hóa. Không có thể có xã-hội được, nếu giữa người với người không có một sự hấp-dẫn cảm-thông bản-nhiên với nhau. Sự cảm-thông đồng-loại ấy phải là điều-kiện chứ không có thể là kết-quả của đời sống chung- đụng nhân-quần, bởi vì một sự câu-thúc của đời sống xã-hội không bao giờ có thể đẻ ra được tình-yêu, là sức hấp-dẫn giữa người với người. Xong lấy ý-thức cá-nhân để giải-thích con người đầy đủ cùng những mối quan-hệ xã-hội cũng không được, vì trước khi con người tiến tới trình-độ có ý-thức thì nó đã chịu ảnh-hưởng của xã-hội ở nơi tiềm-thức của nó từ lâu rồi vậy .

Tóm lại, giữa cá-nhân và xã-hội có một quan-hệ hỗ-động tương-sinh mật-thiết như thế cho nên các nhà " tâm-lý xã-hội-học " cũng như các triết-lý nhân-sinh hiện nay đã kết-luận rằng :

" Sự quân-bình trong tinh-thần cá-nhân khó lòng giữa được nếu nó không thích-ứng điều-hòa với đoàn-thể, với xã-hội .

" Nhưng không phải sự quân-bình của tinh-thần cá-nhân chỉ là một chủ-nghĩa xu-thời thụ-động, một sự quân-bình tĩnh. Nó luôn luôn thay-đổi triển-khai mà đồng thời thích-ứng với xã-hội. Quân-bình ở cá-nhân cũng như ở xã-hội là quân-bình động, ví như sự quân-bình của kẻ đi trên dây. Sự quân-bình nội-tại của cá-nhân càng được củng-cố bởi sự phát-triển của tình đoàn-thể. Trái lại, đoàn-thể tan-lìa, xã-hội loạn-lý thường xẩy ra với sự khủng-hoảng của tinh-thần cá-nhân, sự suy-đồi của văn-hóa truyền-thống. Xã-hội với cá-nhân bổ-túc tương-sinh, cho nên ý-nghĩ của đời sống cá-nhân phải tìm ở trong xã-hội, hay nói cho đúng ở trong tâm-lý xã-hội, cũng như quân-bình ở xã-hội kinh-tế, chính-trị, văn-hóa, bắt nguồn ở tiềm-thức cá-nhân, nơi có sự thông-cảm giữa cá-nhân với xã-hội " .

" Hệ-thống ý-thức về sự vật " hay là quan-niệm nhân-sinh làm căn-bản cho tổ-chức đời sống tập-thể của Việt-Nam vốn dựa vào cơ-sở xã-hội-học cố-hữu Á-Đông, không lấy cá-nhân làm bản-vị cho xã-hội, mà lấy một đôi vợ chồng làm bản-vị xã-hội " Quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ" ( Đường thực-hiện con người đầy đủ ( homme total ) người lý-tưởng của xã-hội nông-nghiệp là quân-tử, thì bắt đầu từ tình vợ chồng ) .

Bởi vì con người trước hết yêu mình và chỉ biết có yêu mình. Nhưng vì yêu mình nên muốn tìm cái hình-ảnh của mình phản-chiếu ra người không phải mình, ở cái người thứ hai là đối-tượng-hóa của chính mình để làm đối-tượng cho tình-yêu, để phụng-sự, để hy-sinh chính cái mình nhỏ hẹp, vị-kỷ cho cái mình thứ hai rộng lớn vô-biên là đoán-thể xã-hội. Và bắt đầu từ đấy trở đi là tất cả giường mối quan-hệ của nhân-quần xã-hội. Xã-hội-tính bắt đầu thực-hiện tức là sự cảm-thông giữa người này với người khác .

Mở đầu Bình Ngô Đại-Cáo của Nguyễn-Trãi, chúng ta thấy hai chữ Nhân, Nghĩa. Hai chữ Nhân Nghĩa ấy chính là căn-bản của chủ-nghĩa Nhân-bản ở Khổng-Phu-Tử, đã phổ-cập, thấm-nhuần vào các tầng lớp xã-hội Việt-Nam. Chữ Nhân, gốc ở chữ Nhân là Người và chữ Nhị là Hai, trước hết có ý-nghĩa là cái ý-thức mà người ta đã có về sự không phải sống cô-lập một mình trên thế-gian, mà là sống chung-đụng với một người khác nữa, nó công-nhận là đồng-loại với nó. Đối với người khác ấy, kẻ đồng-loại ấy, không những nó không lãnh-đạm mà còn thấy cảm-tình, có lòng yêu. " Nhân giả ái nhân " ( đức nhân là yêu người ), cũng như thân-dân là thân-yêu dân vậy .

Đã nhận thấy người khác là đồng-loại với mình, người ta sẵn-sàng coi nó như bạn và như anh em. Cái cảm-tình ấy có tính hỗ-tương, do đó mà giữa hai người nẩy-nở một tình huynh-đệ, là đặc-điểm của loài người. Như thế thì đức " Nhân " ấy chính là tình nhân-loại đặc-biệt của người ta, làm cho người ta có khuynh-hướng vồ-vập người đồng-loại và yêu thương lẫn nhau. Cái bản-tính tự-nhiên đã khiến cho người ta có được cái tình nhân-loại ấy, nhưng cái tình nhân-loại mà nó có ấy, ngoài cái định-luật tự-nhiên, còn chịu ở cái định-luật của vũ-trụ, của cái gì thần-bí, vô-lượng, vô-biên gọi là " Trời " hay là " Thiên-mệnh ", khiến cho nó có được cái trí thông-minh để nó tìm hợp-quần với đồng-loại của nó, cùng nhau xây-dựng một cuộc đời đầy hòa-điệu .

Triết-gia thực-tiễn của Á-Đông không quan-niệm con người tuyệt-đối có tính Thiện như Mạnh-Tử đã chủ-trương, hay có tính Ác như Tuân-Tử đã biện-thuyết. Khổng-Tử không từng tuyên-bố :"Nhân chi sơ tính bản thiên" bao giờ hết, mà Ngài chỉ quan-niệm con người tương-đối vừa Thiên, vừa Ác. Tính có thể " kiều " nghĩa là có thể uốn cong thành thẳng, nhờ ở giáo-hóa và hoàn-cảnh .

Với khái-niệm " Nhân " ngụ xã-hội-tính căn-bản của nhân-loại còn kèm theo khái-niệm " Nghĩa " là công-bằng, thích-nghi. Gốc chữ Nghĩa là Ngã, mà các sách chú-thích là : Nghĩa giả nghi dã = nghĩa là cái đáng, nên. Và phạm-vi của Nhân với Nghĩa là : Nhân giả tòng nhân, Nghĩa giả tòng ngã = Nhân, đức ái, là cái gì liên-quan về người khác ; Nghĩa, đáng, nên, là cái gì thuộc về mình. Người và Mình đấy là hai đầu triển-khai tiến-hóa của nhân-tính. Nhìn quanh mình, người ta thấy kẻ đồng-loại và cảm thấy có sự hấp-dẫn với nó. Quay vào mình, người ta ý-thức vào cái mình riêng-biệt và suy-nghĩ về những cái gì liên-can với mình. Nếu lòng vị-tha đẩy nó ra với kẻ khác, và hết lòng với những người đồng-loại với mình, thì lòng vị-ngã lại lôi kéo nó về với nó, và làm cho nó có ý-tưởng về những cái đáng, nên của nó. Hòa-điệu của con người là kết-quả của một sự quân-bình giữa hai khuynh-hướng trái nghịch ấy. Nhân, Nghĩa là tất cả con người. Bề ngoài chúng có vẻ mâu-thuẫn, mà sự thực không phải là hai ý-niệm khác nhau, mà chỉ là một vật có hai phương-diện khác nhau. Bởi vì cái gì làm cho người là người, ấy là Đức Nhân. Nhưng Đức-Nhân là một triển-vọng để thực-hiện, và nó chỉ thực-hiện được bằng cách tự hạn-chế lấy mà thôi. Sự thực-hiện ấy tùy nghi với từng người, ấy là Nghĩa vậy .

Đây là nguyên-lý căn-bản của nền luân-lý truyền-thống ở Á-Đông. Nền luân-lý xã-hội ấy lập-cước trên nền-tảng xã-hội-học vững-vàng, mà Khổng Nho đã hệ-thống-hóa vào tám điều-mục cương-lĩnh như sau :
" Cách, Trí, Thành, Chính, Tu, Tề, Trị, Bình "

Tám cương-lĩnh ấy là tám bậc của một cầu-thang lên xuống liên-tiếp tuần-hoàn, bậc trước làm điều-kiện cho bậc sau và bậc sau tức là kết-quả cho bậc trước .

Cách Trí là trả lời cho trí-thức đòi hiểu-biết đến nơi. Sự hiểu-biết của trí-thức cần phải có lương-tâm của trí-thức. Khoa-học đi đôi với lương-tâm. Khoa-học vô lương-tâm tức là tiêu-diệt mất linh-hồn nhân-loại. Cho nên Thành ý và Chính tâm phải làm điều-kiện cho Cách vật. Trí tri và Cách trí lại cũng lấy Thành ý và Chính tâm làm mục-tiêu " Cách, Trí, Thành, Chính " là phần lý-thuyết, sau phần lý-thuyết đến phần thực-hành .

Đến phần hành-động thì không những người biết phải thực-hành cho mình để tu sửa mà thôi, nó còn phải phụng-sự cho đoàn-thể, trước còn nhỏ hẹp là gia-đình, quốc-gia, sau đến rộng lớn là nhân-loại và thế-giới .
Cụ Phan-Văn-Trường đã bình-luận thiên Đại-Học trên đây bằng mấy lời xác-đáng, Cụ viết ; " Đấy là một chương-trình xã-hội-học toát-yếu vào một số mệnh-đề liên-hệ chặt-chẽ quá-trình tiến-triển của xã-hội bằng cách chứng-minh cá-nhân phải nối-tiếp với nhân-loại qua gia-tộc và quốc-gia như thế nào. Những mệnh-đề ấy bao-hàm những nguyên-lý căn-bản làm nền-móng cho những tổ-chức chính-trị và xã-hội ở Trung-Quốc ( và Việt-Nam ) lấy Khoa-học với Đạo-học làm tiêu-chuẩn vậy ".

Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử

Trúc-Lâm Yên-Tử Trên Mạng Xã Hội:

facebook

pay per click advertising

Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử

free counters

un compteur pour votre site