lịch sử việt nam
Bài Học Trần-hưng-Đạo
( Bút Hiệu : Thượng-Chi )
" Nếu Bệ-hạ muốn hàng xin hãy chém đầu thần đi đã "
Gần 700 năm qua, mà lời tâu khẳng-khái ấy vẫn còn văng-vẳng trong mọi tâm-hồn dân Việt .
Lời tâu khẳng-khái ấy là lời quyết-định cho việc đại thắng quân Nguyên của quân dân Việt-Nam dưới quyền thống-lĩnh của Đức Trần-Hưng-Đạo .
Với sức mạnh của Hội-Nghị Diên-Hồng, với sức mạnh của tinh-thần " phụ tử chi binh " cộng với sức mạnh của toàn dân cùng hy-sinh cho một chí-hướng, lịch-sử Việt-Nam dưới thời nhà Trần đã được ghi chép bằng những giòng vàng son chói lọi.
Chính sức mạnh của khối Đại Đoàn-Kết ấy đã tạo nên những chiến-thắng vang-lừng cho nòi-giống : Chương-Dương ; Hàm-Tử ; Tây-Kết ; Vạn- Kiếp ; Vân-Đồn ; Bạch-Đằng .
Và người đã tạo ra sức mạnh ấy chính là : Thái-sư ; Thượng-phụ ; Thượng-quốc-công, Bình Bắc Đại Nguyên-Soái, Hưng-Đạo Đại-Vương Trần-Quốc-Tuấn.
Nhắc tới Đức Trần-Hưng-Đạo là nhắc tới vị Tướng-lãnh tài-ba, văn võ kiêm toàn, là nhắc tới vị Công-thần trung-kiên, tiết-liệt và cũng nhắc tới Một Người với tất ý-nghĩa đẹp lành và cao cả .
Với Ngài, lời dặn báo-thù của cha tuy chí-thiết, nhưng quyền-lợi Tổ-quốc còn trọng đại hơn .
Với Ngài, nỗi hiềm-khích cùng Tướng Trần-Quang-Khải đã tiêu-tan trong nghĩa cả, để cùng nhau cứu dân, cứu nước.
Ngoài ra, đối với thuộc-hạ, hơn ai hết, Ngài là người biết tiến-cử, dung nạp, tin cậy tài đức, biết nghe sáng-kiến và lời nói thẳng. Ngoài Đức Trần-Hưng-Đạo, hởi có ai đã nhìn qua gã đan mây ngang-tàng ngoài lộ, người bán than lem-luốc, để thấy những bậc hổ-tướng mà lịch-sử gọi là Phạm-Ngũ-Lão, Trần-Khánh-Dư ?
Đối với nhân-dân, Ngài đã áp-dụng chính-sách : quân phân quyền lợi và bổn-phận để làm sống dậy sức mạnh tiềm-tàng của mọi người, làm sôi-sục bầu máu nóng ái-quốc của những trang thanh-niên mà thường ngày chỉ biết yên vui cùng đồng ruộng.
Với bài " Hịch Tướng Sĩ ", Ngài đã khiến ba-quân thuộc-hạ, nghìn người như một, vạn người như một, đồng lòng hy-sinh và hăng say giết giặc. Và " Binh thư yếu lược " của Ngài vẫn còn giữ mãi được giá-trị cổ-truyền của nó.
Vì thế Đức Trần-Hưng-Đạo đã trở thành Vị Tướng tài ba và nhà Chính-trị lỗi-lạc của lịch-sử Việt-Nam bất diệt .
Chính Ngài đã dùng chính-trị để thâu gồm tất cả mọi người vào trong một lập-trường : Lập-trường Dân-Tộc ; và trong một sức mạnh : sức mạnh Đoàn-Kết Đấu-tranh.
Ngài đã thắng, toàn dân Việt-Nam đã thắng .
Và những bài học lịch-sử mà Đức Trần-Hưng-Đạo để lại muôn đời được hậu-thế noi theo.
VỚI CUỘC CHIẾN-THẮNG MÔNG - CỔ CỦA ĐỨC THÁNH TRẦN
( LTS. _ Sau đây là Tài-liệu Thuyết-trình của GS. Nguyễn-Đăng-Thục, trình-bày trong dịp kỷ-niệm Đức Trần-Hưng-Đạo, tại Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân, ngày 10-10-1968.
Chúng tôi hoan-hỷ được đăng lại hầu độc-giả tài-liệu quý giá này ( gồm 2 phần ) của một
vị Giáo-sư đã dày công nghiên-cứu Văn-học, đặc-biệt về các danh-nhân Việt-Nam )
Đông-Nam-Á gồm bán-đảo Đông-Dương và Nam-Dương quần-đảo. Đây là chỗ giao-lưu của các chủng-tộc và văn-hóa giữa hai khối Ấn-Độ và Trung-Hoa. Với di-tích văn-hóa Đông-Sơn và Lạch-Trường mà đặc-trưng là Trống Đồng và Mổ Cổ, chúng ta biết rằng từ trước kỷ-nguyên Tây-lịch, ảnh-hưởng Ấn-Độ vào tận trung-châu Bắc-Việt để rồi lùi dần ra biển và xuống miền Nam trước sự lan-tràn của ảnh-hưởng lục-đại Trung-Hoa. Vào thế-kỷ XII - XIII, trên bờ biển bán-đảo Đông-Dương có nước Chiêm-Thành thuộc ảnh-hưởng văn-hóa Ấn-Độ, luôn luôn thường xung-đột với nước Đại-Việt, phía Bắc thuộc ảnh-hưởng Trung-Hoa. Đại-Việt sau khi tự giải-phóng khỏi sự đô-hộ của phương Bắc, đánh đuổi Đại-Lịch phía Tây, đánh dẹp quân Mán ở các khe động, đến thời Lê, Lý bắt đầu đánh xuống miền Nam, tức là Chiêm-thành vậy. Lý-Thánh-Tông có chí lập nên một Đế-quốc, có mệnh Thiên-tử như Đế-quốc Tầu, đổi quốc-hiệu làm Đại-việt ( 1054 ) coi các nước phương Nam Giao-Chỉ như chư-hầu của mình. Không muốn họ vào triều-cống Tầu. Cho nên đến Vua Lý-Thánh-Tông ( 1057 - 1071 ), Lý-Nhân-Tông ( 1072 - 1127 ) đánh phá Chiêm-Thành đến tận biên-giới Chân-Lạp. Nước Chiêm bỏ kinh-đô Indrapura ( phía Bắc Huế ) để đi xuống Vijaya ( Phật-Thệ, Bình-Định ). Dân Chiêm phải quật-cường về phía Tây, đánh cướp Angkor của Cam-Bốt ( 1177 ).
Đế-quốc Cam-Bốt thế-kỷ XII đang là một thế-lực rộng lớn, dưới triều Vua Phật Jayavarman VII ngự-trị từ Viên-Chan phía Bắc đến bán-đảo Mã-Lai phía Nam, bờ biển Đông-Dương phía Đông đến biên-giới Miến-Điện phía Tây.
Nước Miến-Điện vào thế-kỷ XII cũng được thịnh với triều-đại Pagan dựng lên từ 1044. Năm 1190 Miến-Điện tiếp-thụ ảnh-hưởng Phật-giáo cải-cách của Tích-Lan (Ceylan) thuộc về Tiểu-thừa, còn Cam-Bốt vẫn chịu ảnh-hưởng Ấn-Độ-giáo và Phật-giáo Đại-thừa.
Ở ngoài Hải-đảo thế-kỷ XII có Đế-quốc Tam-Phật-Tề (Mahàràja) ở Sumatra, chi-phối mặt biển trên đường giao-thông giữa Ần-Độ và Trung-Hoa qua các eo-biển.
Xa nữa là đảo Java (Qua-Oa) với Đế-quốc Kediri, từng cầm-cự với thủy-quân Mông-Cổ để trở nên triều-đại thế-lực bá-chủ Nam-Dương, thế-kỷ XIV là triều-đại Majapahit.
Đấy là tình-trạng các dân-tộc miền Đông-Nam-Á, trong ấy truyền-thống văn-hóa Ấn-Độ với truyền-thống văn-hóa Trung-Hoa đang giao-tranh ảnh-hưởng và thế-lực, trước cuộc xâm-lăng và bành-trướng của đại-thế-lực Đế-quốc Mông-Cổ, sau khi đã khống-chế khắp lục-địa Á-Châu, Âu-Châu, sắp tràn xuống các bán-đảo và hải-đảo Đông-Nam-Á.
Truyền-thống văn-hóa Ấn-Độ đề-cao tâm-linh cá-nhân tự-do cho nên có màu sắc siêu-nhiên Thần-bí, còn truyền-thống văn-hóa Trung-Hoa có khuynh-hướng nhân-văn xã-hội, có tinh-thần luân-lý thực-tiễn. Hai khuynh-hướng ý-thức-hệ vĩ-đại ấy quyết-định vận-mệnh các dân-tộc Đông-Nam-Á bằng cách đồng-hóa với nhau hay tiêu-diệt nhau một mất một còn, đấy là ý-nghĩa lịch-sử anh-dũng chiến-thắng quân Mông-Cổ của thời nhà Trần ở Việt-Nam, và làm thay đổi chiều-hướng tiến-hóa của Đông-Nam-Á sau này vậy.
Nhà học-giả Nhật Okakura trong tác-phẩm trứ-danh thế-giới " Les Idéaux de l'Orient " ( Những Ý-niệm Đông-Phương ) mở đầu rằng :
" Á-Châu là nhất-phiến : núi Hy-Mã chỉ phân ra để đánh-dấu hai nền văn-hóa vĩ-đại : Văn-hóa Công-Cộng Trung-Hoa của Khổng-Phu-Tử và Văn-hóa Tư-do Cá-nhân của Ấn-Độ Vệ-Đà, nhưng những bức-thành tuyết-sơn ấy không một lúc nào làm gián-đoạn sự phát-triển lòng khao-khát Tuyệt-đối và Đại-đồng, vốn là gia-bảo tinh-thần chung của dân-tộc Á-Châu đã khiến chúng sáng-tạo ra các tôn-giáo lớn của thế-giới, và do đấy đã phân-biệt chúng với các dân-tộc trên hải-đảo Địa-Trung-Hải và Ban-Tích, ưa-chuộng giới-hạn vào mặt đặc-thù và cầu tìm những phương-tiện cho sự sống hơn là cứu-cánh của sự sống ".
Cái miếng đất bắc cầu giữa hai nền văn-hóa vĩ-đại trên đây chính là khu-vực giao-lưu Đông-Nam-Á mà bán-đảo Ấn-Độ - Chi-Na ( Indo-Chine ) như tên gọi đã là " ngã tư dân-tộc và văn-hóa " ( carrefour de peoples et de civilisations, _ Ovlov Jansé. E.F.E.O. ) kể từ lâu, trước kỷ-nguyên Dương-lịch như di-tích khảo-cổ-học chứng-minh vậy.
Kể từ thời Lý, lịch-sử Đại-Việt đã ghi-nhận sự tiến-cống của các nước Chiêm-Thành, Chân-Lạp, Ngưu-Hồng, Ai-Lao, Tiêm-La, Qua-Oa nước Kim, tuy cũng có khi Chiêm-Thành, Chân-Lạp, Ai-Lao vào đánh biên-giới phía Nam, khiến cho các Vua Đại-Việt thường phải đi chinh-phục. Đấy là một bằng-chứng cụ-thể biểu-lộ cái tinh-thần tranh-hùng giữa Việt-Nam với các dân-tộc trên bán-đảo Đông-Dương, còn ghi ở bài Bia khắc vào núi của Trần-Minh-Tông sai Nguyễn-Trung-Ngạn làm vào năm 1335.
" Hoàng Việt triều Trần, Vua trị-vì thứ VI là Chương Nghiêu Văn Triết Thái Thượng Hoàng Đế, được Trời yêu cho thống-trị đất đai rộng lớn, các nơi xa gần đâu cũng phải thần-phục. Thế mà Ai-Lao, một nước nhỏ-mọn dám ngang-ngạnh giáo-hóa triều-đình. Năm Ất-Hợi, tháng quí thu ( tháng 9 Âm-lịch ) Hoàng-Đế thân đem 6 vạn quân đi tuần-thú đến biên-thùy mặt Tây, Thế-tử Chiêm-Thành và nước Chân-Lạp, nước Tiêm-La, đạo tù-trưởng Mán, Quì, Cầm, Xa, Lặc, những bộ-lạc mới phụ-thuộc thì tù-đạo Mán Bôi Bồn và Thanh Xa đều tranh nhau đến triều-yết, dâng nộp phẩm-vật địa-phương. Chỉ một mình nghịch-tặc Bổng cố giữ thói u-mê, sợ bị tội không đến triều-yết. Tháng quí đông ( tháng 12 Âm-lịch ) Hoàng-Đế đóng ngự-doanh ở cánh đồng Cự Đồn thuộc Mật Châu, hạ lệnh cho các tướng cùng binh-lính Man Di kéo vào nước ấy, tên nghịch Bổng nghe tiếng chạy trốn. Bèn hạ chiếu đem quân về .
" Ngày tháng 12 nhuận, mùa đông năm Ất-Hợi, niên-hiệu khai-hựu thứ VII ".
Nay bài Bia đục núi khắc lúc bấy giờ ở thôn Trầm-Hương, huyện Trương-Dương, tỉnh Nghệ-An, nét chữ to bằng bàn tay, tạc vào đá sâu hơn một tấc.
Bài Bia trên đây thực là cả một tờ di-chúc của Đại-Việt thời Lý, Trần cho dân-tộc Việt-Nam sau này, sau khi đã bại Tống, bại Nguyên, nhất-định xưng Đế phương Nam, làm một nước Thiên-Tử bảo-vệ tự-do cho cả Đông-Nam-Á.
Thực vậy, trong khi quân Mông-Cổ bị chặn đánh ở Việt-Nam ( 1257 - 1284 - 1287 ) thì Đế-quốc Đại-Lịch của Thái-tộc ở Vân-Nam bị sát-nhập vào Mông-Cổ 1253, quân Mông-Cổ đánh xuống Miến-Điện ; (1277 - 1283 - 1284), kinh-đô Pagan (Bồ Cam) bị làm cỏ 1287 và Đế-quốc Miến bị giải-tán.
Mặt khác, Mông-Cổ định dầy xéo qua Việt-Nam để chinh-phục suốt bờ biển Đông-Dương mà thẳng tới Java chinh-phục tất cả Đông-Nam-Á. Theo René Grousset viết trong " Lịch-sử Á-Đông " :
" Đông-Dương bấy giờ chia làm bốn nước Việt-Nam, Chiêm-Thành, Cao-Mên và Miến-Điện. Năm 1280 Chiêm-Thành bị sứ-thần của Hốt-Tất-Liệt (Kubilai) thừa-nhận quyền bảo-hộ của Mông-Cổ. Các Ủy-viên triều Nguyên đến nhậm-chức, nhưng có sự nổi loạn của nhân-dân đánh đuổi vào năm 1281 - 1282. Tướng Mông-Cổ Toa-Đô (Sõgãtu) đem hạm-đội nhỏ từ Quảng-Đông đổ-bộ lên Chiêm-Thành, chiếm kinh-đô Chiêm là Chà-Bàn gần Bình-Định năm 1283, nhưng rồi không giữ được với sự chống-cự của nhân-dân, và bệnh dịch làm hao mòn quân-sĩ nên phải rút lui.
" Sự thất-bại ấy một phần nhờ sự từ-chối của dân Việt không cho quân Mông-Cổ mượn đường bộ đi qua. Một lần nữa, năm 1285 Hốt-Tất-Liệt lại phái một đội-quân do Thoát-Hoan chỉ-huy đi đường bộ từ Vân-Nam đổ xuống Bắc-Việt, Thoát-Hoan ( Togon ) chiếm đóng Hà-Nội, còn Toa-Đô đổ-bộ lên bờ biển Chiêm-Thành với một hạm-đội, đánh ngược từ Nghệ-An và Thanh-Hóa vào sau lưng quân Việt-Nam ở mặt Nam. Nhưng mùa hè nóng-nực buộc Thoát-Hoan phải về Vân-Nam. Toa-Đô cô-lập, bị đánh bất ngờ ở Tây-Kết và bị giết với tất cả quân-sĩ. Năm 1287 Hốt-Tất-Liệt lại sai Thoát-Hoan đánh xuống Bắc-Việt với một đội quân hùng mạnh hơn nữa. Thoát-Hoan lại chiếm đóng Hà-Nội, nhưng cũng bị quân Việt đánh bại phải chạy vội về Tầu.
" Ở Miến-Điện, quân Mông-Cổ năm 1287 chiếm Bhamo thẳng đường xuống lưu-vực Irrawaddy. Năm 1287, chúng xuôi theo giòng sông ấy xuống kinh-đô Pagan ( Bồ Cam ) cướp phá. Năm 1297 Vua Pagan xin làm chư-hầu Hốt-Tất-Liệt. Năm 1300 Mông-Cổ lại vào Miến-Điện, đặt Vua chư-hầu Thái Shan thay triều-đại Pagan. Đế-quốc Mông-Cổ bành-trướng đến Cao-Miên. Năm 1294 hai nước Xiêm và Thái : Xiêng Mai và Sukhotai đều nhận làm chư-hầu Mông-Cổ.
" Năm ( 1292 - 1293 ) Hốt-Tất-Liệt phái một đạo thủy quân từ Quảng-Đông thẳng xuống Java ( Qua-Oa ) Vua Java bấy giờ là Kediri bị quân Mông-Cổ đánh bại ở Majapahit, nhờ có nội ứng đồng-minh là Chúa Java khác Vijaya và chiếm lấy được kinh-đô Kediri. Nhưng rồi Vijaya quay lại chống quân Mông-Cổ cô-lập và đánh đuổi chúng ra khơi ".
_ ( René Grousset : " Histoire de l'Extrême-Orient ". Paris 1929, _ p. 453 - 55 ed. Paul Genthner )
Từ đây trên bán-đảo Đông-Dương (Ấn-Độ - Chi-Na ) chỉ còn hai thế-lực dân-tộc với hai tinh-thần văn-hóa khác nhau đang thi-đua trên đường Nam-Tiến, ấy là Việt-Tộc theo dọc phía Đông dãy núi Trường-Sơn, và Thái-Tộc bên phía Tây Trường-Sơn, cả hai dân-tộc sau thế-kỷ XIII đều đi xuống phương Nam, Thái-Tộc lập ra Miến-Điện, Thái-Lan và Lào, Việt-Tộc thay vào đất Chiêm-Thành, Chân-Lạp đến vịnh Xiêm-La. Một đằng chịu ảnh-hưởng nặng của truyền-thống Trung-Hoa, một đằng chịu ảnh-hưởng sâu về văn-hóa Ấn-Độ.
" Vào thế-kỷ XIV, văn-hóa tiếng Phạn ( Sanscrit ) thấy suy-sụp, Bia khắc Phạn-ngữ cuối cùng vào năm 1253 ở Chiêm-Thành, năm 1330 ở Cao-Miên, năm 1378 ở Sumatra. Trong lưu-vực sông Mékong và Ménam, di-tích Ấn-Độ-giáo và Phật-giáo Đại-thừa còn lại vào thế-kỷ XIII - XIV, nhượng chỗ cho Phật-giáo Tích-Lan cải-cách do người Môn Miến-Điện đem vào từ thế-kỷ XII và được người Thái về sau truyền-bá. Ở hải-đảo Sumatra, Hồi-giáo bắt đầu xuất-hiện từ năm 1281, mà Marco-Polo đã chứng-kiến sự hiện-diện của nó. Ở Java ( Qua-Oa ) chỉ từ thế-kỷ XV người Hồi-giáo mới đủ mạnh để dồn Ấn-độ-giáo tránh lên cao-nguyên trước khi đi xuống đảo Bali lần chót ".
_ ( G. Coedes. " Une Période Critique Dans L'Asie du Sud-Est ). Bul. Etudes Indochinoises _ t. XXXIII, n°.4 -- Saigon 1958 )
Đây là hai đại-lược cục-diện Đông-Nam-Á về văn-hóa và chính-trị trước cuộc Nam-tiến của dân-tộc Việt-Nam vào thế-kỷ XV ( 1471 ) đến thế-kỷ XVIII ( 1756 ) sau khi chiến-thắng quân Mông-Cổ, đánh đuổi quân Minh về phương Bắc.
Việc chiến-thắng quân Mông-Cổ của nhân-dân Việt-Nam thời Trần trên đất Bắc-Việt đã có ảnh-hưởng quyết-định chiều-hướng cuộc-diện tiến-hóa chính-trị và văn-hóa của Đông-Nam-Á, như sử-gia Pháp về Á-Đông là René Grousset đã sớm công-nhận. Nhưng theo sử Việt thì việc chặn đứng trọng lực quân Mông-Cổ ngay tại cửa ngõ đi xuống Đông-Nam-Á không phải là một việc dễ dàng. Đấy là cả một kỳ-tích huyền-diệu của cả một dân-tộc vào một thời-đại, nhất là của vai-trò lãnh-đạo với thiên-tài có một không hai như Đức Trần-Hưng-Đạo Vương vậy.
Lần đầu tiên quân Mông-Cổ từ Vân-Nam đánh xuống ( 1257 ). Thái-sư Mông-Cổ là Ô-Lan Cáp-Đạt tức Ngột-Lương-Hợp-Thái lấy được kinh-đô Đại-Lý của dân Thái liền kéo xuống sông Thao, sai hai sứ-giả đi dụ Vua Trần-Thái-Tông. Không thấy sứ-giả trở về, y bèn cho quân đánh xuống Thăng-Long. Bên ta, nhà Vua xuống chiếu đem cả bộ-binh chống giữ. Trần-Quốc-Tuấn cầm quyền Tiết-chế, tự Vua làm tướng đi tiên-phong, xông-pha mũi tên, hòn đạn ; quan quân cứ thấy dần dần rút lui, nhà Vua ngoảnh lại trông hai bên chỉ thấy có Lê-Phụ-Trần một mình một ngựa ra vào trong trận giặc, nhan sắc bình-tĩnh. Bấy giờ thế giặc mạnh lắm, kéo quân thẳng xuống bến Đông sông hồng-Hà là Đông-Bộ-Đầu mới đóng lại. Nhà Vua phải lui xuống giữ sông Thiên-Mạc tỉnh Hưng-Yên bây giờ. Giặc vào kinh-thành tìm thấy ba người sứ-giả của chúng bị trói, khi cởi ra thì một đã chết. Giặc tức giận làm cỏ cả đô-thành Thăng-Long.
Sau khi đóng quân được 9 ngày ở Thăng-Long lại sai sứ-giả chiêu hàng, Vua Thái-Tông lại sai trói lại đem gửi trả. Xem quân giặc không chịu nổi khí-hậu nóng-bức, Vua Thái-Tông với Thái-Tử tiến lên phản-công đại thắng quân Mông-Cổ ở Đông-Bộ-Đầu, quân giặc rút-lui về đến Phú-Thọ, Hưng-Hóa, bị chủ-trại Qui-Hóa đánh úp tan tành.
Lần thứ hai ( 1283 - 1285 ). Thái-Tử nhà Nguyên là Thoát-Hoan, Trần-Nam-Vương cùng Tả-thừa Lý-Hằng, Bình-chương A-Lý-Hải-Nha đem 500 ngàn quân lấy cớ đi đánh Chiêm-Thành, mượn đường qua Việt-Nam ( Bắc Việt ).
Ngày 21 tháng 12 năm 1284 quân Thoát-Hoan chia làm hai đạo kéo vào nước ta. Tây đạo do bọn Vạn-Hộ-Lý La-Hợp Đáp-Nhĩ, Chiêu-Thảo A- Thâm do đường Lạng-Sơn (Ôn-Khâu ) đánh xuống.
Đông đạo của bọn Khiếp-Tiết Tản-Lược-Nhi, Vạn-Hộ Lý-Bằng-Hiến theo Khưu-Cấp ( Kỳ-Lừa ) đánh vào.
Đại binh Thoát-Hoan hộ-vệ.
Bên ta, Vua Trần-Nhân-Tông thân xuất Vương-Hầu, điều động thủy và bộ. Hưng-Đạo-Vương thống-lãnh hết cả quân thủy và bộ toàn quốc chia đóng các nơi hiểm-yếu treo bảng yết-thị :
" Phàm các quận, huyện trong nước, hễ có giặc ngoài đến, thì ta phải liều chết cố đánh ; nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, chứ không được đầu hàng " .
_ ( A-Nam Chí-Lược, Q. 4 - tờ 1 . b. )
Giặc đánh vào cửa ải Vĩnh-Châu, Nội-Bàng, Thiết-Lược, Chi-Lăng. Kinh-đô Thăng-Long bỏ ngỏ.
Mồng 6 tháng 1 năm 1285, Tướng Ô-Mã-Nhi chiếm Vạn-Kiếp, núi Phả- Lại. Quân ta vỡ rút-lui.
Hưng-Đạo bày trận thế Tắm nước " dục thủy trận " ở gần Vạn-Kiếp. Thoát-Hoan đánh đến Gia-Lâm thấy ở cánh tay quân nhà Trần có thích hai chữ " Sát Thát ", cả giận giết hại rất nhiều. Trần-Bình-Trọng bị giặc bắt ở bãi Tha-Mạc, Hưng-Yên, bèn tuẫn tiết. Quân Mông-Cổ còn phái Đại-Vương Giản-Kỳ, Hữu-thừa Toa-Đô, Tả-thừa Đường-Cổ-Đối, Chính-Hắc-Đích đi thẳng xuống bờ biển Chiêm-Thành ( Quảng-Bình ) để đánh ngược lên đàng sau quân ta, Trần-Quang-Khải đóng quân ở Nghệ-An chặn địch .
Từ tháng chạp ( 12 ) năm 1284 đến tháng 3 năm 1285, quân ta bị thua luôn, phải bỏ kinh-đô Thăng-Long và các trọng trấn, bọn Trần-Kiện, Lê-Tắc hàng giặc, tướng Đinh-Á và Nguyễn-Tất-Dũng tử-trận ở Thanh-Hóa, Văn-Nghĩa-Hầu Trần-Tú-Viên và Văn-Chiêu-Hầu Trần-Văn-Lông đem cả nhà hàng giặc.
Mồng 6 tháng 2 năm 1285 Trần-Quang-Khải bị tướng giặc Giảo-Kỳ phá ở Thanh-Hóa, quân ta 1000 bị chém đầu. Vua Trần-Nhân-Tông tìm kế giả hòa, dâng Công-chúa An-Tư cho Thoát-Hoan.
Mồng 1 tháng 3 năm Ất-Dậu 1285 hai cha con Vua Trần phải chạy vào Thanh-Hóa, suýt bị giặc bắt được. Ngày 15 tháng 3 năm ấy, bọn Chiêu-Quốc-Vương Trần-Ích-Tắc, Phạm-Cư-Địa, Lê-Diễm và Trịnh-Long đều đem gia-quyến hàng giặc.
Cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm Ất-Dậu ( 1285 ), Thượng tướng Trần-Quang-Khải, Trần-Quốc-Toản, Trần-Thông, Nguyễn-Khả-Lạp và Nguyễn-Truyền đem dân quân đánh lại giặc ở Thăng-Long và Chương-Dương ( Hà-Đông ).
Ngày 20 tháng 5 năm 1285, hai cha con Vua nhà Trần tiến đóng bến Đại-Mang, đánh bại giặc ở Tây-Kết, chém đầu nguyên-súy giặc là Toa-Đô. Ô-Mã-Nhi trốn thoát về Tầu.
Thoát-Hoan mới quyết chí bỏ Thăng-Long rút về Vạn-Kiếp, liền bị quân mai-phục của Hưng-Đạo-Vương nổi dậy, phá vỡ, giặc chết đuối rất nhiều, tướng Lý-Hằng hộ-vệ Thoát-Hoan bị tên thuốc độc chết trong trận, bên ta mất một tướng Trần-Thiện. Lý-Quán lại hộ-vệ Thoát-Hoan chạy, bị quân của Hưng-Vũ-Vương-Hiến đuổi theo bắn chết Lý-Quán, giặc tan vỡ, liều chết mới phò được Thoát-Hoan chạy về Tầu.
Mồng 6 tháng 6 năm 1285 hai cha con Vua Trần mới trở về kinh-đô Thăng-Long, Thượng tướng Trần-Quang-Khải đọc ca khải-hoàn :
" Cướp giáo Bến Chương-Dương
Bắt giặc Cửa Hàm-Tử
Thái-bình ta hết sức
Muôn thủa với nước non " .
Lần thứ ba ( 1287 - 1288 ) quân Mông-Cổ nhất-định lại trả thù với một lực-lượng hùng-hậu hơn nữa. Áo-Lỗ-Xích đem quân Mông, quân Hán và Vân-Nam binh ba tỉnh Giang-Nam, Giang-Tây, Hồ-Quảng với các quân tuyển ở các dân Mán, các Đông Châu : Nhai, Quỳnh, Nam, Vạn thuộc Quảng-Đông tất cả 30 vạn quân, Trương-Văn-Hổ vận lương, Thoát-Hoan Tiết-chế. Quân Mông chia ra nhiêu đạo đánh vào. Ngày 3 tháng 5 năm Đinh-Hợi ( 1287 ), bộ binh giặc đến Lộc-Châu. Hữu-thừa Trình-Bằng-Phi và Tham-chính Xác-La-Đạp-Nhi do ải Chi-Lăng đánh xuống.
Thoát-Hoan do ải Khả-Hợi tràn vào, Hữu-thừa A-Bát-Xích tiên-phong.
Hữu-thừa Ái-Lỗ từ Văn-Nam tiến xuống, đánh nhau với Trần-Nhật-Duật hai tướng ta bị bắt là Hà-Ưởng và Lê-Thạch .
Trận Cửa Đại-Bàng bắt 300 thuyền giặc. Ngày 30 tháng 12 quân giặc cả thủy lẫn bộ cùng tiến do Thoát-Hoan, Trịnh-Bằng-Phi, A-Lý đánh vào Vạn-Kiếp. Quân ta chống không lại. Ngày 4 tháng 1 năm Mậu-Tý ( 1288 ) Thoát-Hoan quay về Bắc-Giang và Bắc-Ninh. Ô-Mã-Nhi đánh phá Long-Hưng ( Hưng-Yên ) khai quật mộ Vua Trần-Thái-Tông, rồi do đường biển đi đón thuyền lương của Trương-Văn-Hổ.
Mồng 8 tháng 1 năm ấy quân ta đánh Cửa Đại-Bàng bắt được thuyền giặc, giặc chết đuối nhiều.
Trần-Khánh-Dư đánh nhau với Ô-Mã-Nhi không thắng lợi, quay ra đón thuyền lương của Văn-Hổ đánh được toàn thắng, bắt được lương-thực, khí-giới rất nhiều, Văn-Hổ trốn chạy về Quỳnh-Châu tỉnh Quảng-Đông. Khánh-Dư báo tin thắng trận, Thượng-hoàng tha cho tội thua trận trước và nói :
" Giặc chỉ trông vào lương-thực, khí-giới, nay đã bị ta bắt được cả rồi, nếu chúng chưa biết tin ấy, hoặc giả còn lăng xăng nhảy nhót chăng ? " Bèn sai thả những tù-binh bắt được cho về dinh trại của giặc .
Tổng phản công, Thoát-Hoan thấy quân mình bị thiếu ăn, luôn luôn bị đột-kích ban đêm, nói với quân-sĩ : " Đất nóng nực, nước thì ẩm-thấp, lương thì thiếu, quân thì mệt ! " Bèn ra lệnh rút quân. Mồng 3 tháng 3 năm 1288 quân ta vây Trịnh-Bằng-Phi hộ-vệ Thoát-Hoan ở ải Nội-Bàng ( Lạng-Sơn ) : xác chết ngổn-ngang chồng gối lên nhau từ ải Nữ-Nhi đến núi Khưu-Cấp. Thoát-Hoan chạy về đến Lộc-Châu rồi về Tư-Minh. Áo-Lỗ-Xích thu-thập tàn quân kéo về Trung-Quốc.
Trận Bạch-Đằng bắt sống Ô-Mã-Nhi.
Mồng 8 tháng 3 năm Mậu-Tý ( 1288 ) Ô-Mã-Nhi đến sông Bạch-Đằng, bị quân Hưng-Đạo-Vương phục-kích, tướng quân Nguyễn-Khoái của ta thúc quân nghĩa dũng cả phá được giặc. Hai Vua Trần đem đại binh đánh rất kịch-liệt, Ô-Mã-Nhi bỏ chạy trốn, bị tướng ta là Đỗ-Hành bắt sống với Tích-Lệ-Cơ-Ngọc.
Ngày 17 tháng 3 năm ấy, quân ta đem tướng bắt được là Ô-Mã-Nhi, Tích-Lệ-Ngọc, Phàn-Tiệp, Sầm-Đoạn, Điền-Nguyên-Súy và Vạn-Hộ, Thiên-Hộ đến dâng trước Mộ Chiêu Lăng Vua Thái-Tông để làm lễ hiến-tiệp. Tướng Ô-Mã-Nhi sẽ bị dìm chết, còn Phàn-Tiếp bị bệnh chết. Chính Ô-Mã-Nhi đã nói trước với Vua Nhân-Tông : " Ngươi lên trời thì ta cũng lên trời, ngươi xuống đất ta cũng xuống đất, ngươi trốn xuống nước ta cũng lội xuống nước, ngươi trốn lên núi ta cũng trèo lên núi ! " Vì thế mà Trần-Nhân-Tông đã cho dìm chết tù-binh Ô-Mã-Nhi, theo kế Trần-Hưng-Đạo.
Đến đây mới kết-thúc hai trận giặc vĩ-đại, cho nên Vua Nhân-Tông mới thốt ra hai câu thơ lịch-sử :
" Xã tắc lưỡng hội lao thạch mã,
Sơn hà kim cổ điện kim âu ! "
( Hồn nước hai phen sờn ngựa đá,
Núi sông ngàn kiếp vững ngôi vàng ! )
" Kỳ thực suốt hơn ba mươi năm từ 1257 đến 1289 vạn mã thiên binh, liền năm giặc loạn, lòng lang bồng bột, những muốn san bằng cả nước ta. Tướng Mông như Thoát-Hoan, Toa-Đô, Ô-Mã-Nhi v.v… đều là danh-tướng một thời, cuối cùng không thỏa được ý muốn, càng đánh càng thua, đến nỗi phải chết. Từ sau trận thua ở sông Bạch-Đằng quân Mông không dám bén mảng đến nước Việt-Nam ta nữa, có thể nói được là vũ công triều Trần oanh-liệt ".
_ ( Sở cuồng " Trần Triều Bình Nguyên Vũ công " -- Nam-Phong số 96 phần Hán-văn )
Vũ-công ấy là công lớn của Đức Trần-Hưng-Đạo-Vương, có thiên-tài văn võ kiêm toàn, có tinh-thần chí-công vô-tư mà quốc-dân Việt đã phụng thờ như vị Thân-linh của Quốc-giáo là dòng Nội-Đạo, tức là Thần-Đạo Việt-Nam vậy.
TRẦN-HƯNG-ĐẠO VỚI TƯ-TƯỞNG NỘI - ĐẠO
Trở lên chúng ta đã thấy cái công đệ-nhất cứu quốc của Hưng-Đạo, được phong làm Hưng-Đạo Đại-Vương, Vua Thánh-Tông coi là Thượng-phụ, làm bài văn Bia ở Sinh-Từ, khi lâm bệnh Vua đến hỏi thăm tận nhà riêng tại Vạn-Kiếp, khi sắp mất có dặn con phải hỏa-táng. Nhưng chúng ta còn thấy cái nhân-cách đặc-biệt Cái-thế Anh-hùng, có tinh-thần Kinh-bang Tế-thế, văn võ toàn tài, có uy-linh làm cho sứ-giả ngạo-mạn như Sài-Xuân phải kính sợ, không dám nằm khểnh như đối với Thượng tướng Trần-Quang-Khải .
Sử-gia Ngô-Thời-Sĩ đã viết : " Thông luận bàn rằng : Hưng-Đạo cũng như Phần Đường ( Quách-Tử-Nghi ) mà cảnh-ngộ lại khó hơn. Là người họ nhà Vua, giữ binh quyền, bị tiếng nghi-ngờ, có tài văn võ mà không dám cậy tài. Anh-hùng lừng danh hai nước, mà không dám khoe công. Thế-lực có thể lật núi lấp sông mà lúc nào cũng kính-cẩn như có Vua ở trước mặt. Xem đến việc làm của ông thì theo đại-nghĩa chứ không theo lời cha, chỉ biết có nước chứ không biết đến nhà, bỏ cái sắt nhọn đầu gậy để đi hộ-giá, rút gươm mà kể tôi con, sự trung-thành ấy tỏ như mặt-trời, ví với Phần-Đường lại còn cao hơn một bậc " . _ ( Việt-Sử Tiêu-Án )
Đây là nhìn Hưng-Đạo theo quan-điểm trí-thức Nho-giáo. Nhưng ở quan-điểm nhân-dân Việt-Nam thì Hưng-Đạo là một Thần-linh, một Thánh-linh, tức là một quyền-năng siêu-việt để cho đại-chúng tín-đồ sùng-bái, kêu cầu. Bởi thế mà sau khi Hưng-Đạo mất rồi, ở Việt-Bắc đã nẩy sinh một tôn-giáo mới là dòng Nội-Đạo, lấy Kiếp-Bạc làm đất Thánh, hàng năm cứ đến tháng 8 từ 12 đến 18 thiện-nam tín-nữ chen vai nhau ở trước cửa Đền, đầy cả ngoài sân ra đến đường cái.
" Chính đền cũng không to lớn gì ; nhờ có cảnh-trí chung-quanh mà mắt tôi nhìn ra như có cái vẻ hùng-tráng. Cũng nhờ thế mà nơi ấy thành một nơi trẩy lễ có tiếng nhất Bắc-Kỳ.
" Thật thế, dẫy núi đến đây thành một cái khủy có ba ngọn vùng-quanh mà Đền thì ở giữa như hình một cái ngai. Đền tựa lưng vào cái núi giữa, trông mặt ra ngoài sông, giữa sông có một cái bãi gọi là " bi kiếm ". Trên núi, bên hữu là Đền Nam-Tào ( chủ sự sinh ), bên tả là Đền Bắc-Đẩu ( chủ sự chết ). Ở đàng xa về bên hữu có một cái lăng nhỏ hình bát-giác, tức là chỗ chôn Ngài Trần-Quốc-Tuấn, mà Đền này chính là để thờ Ngài. Đất Vạn-Kiếp này tựa hồ như đặt riêng ra để làm chỗ chôn Ông danh-tướng nhà Trần. Cây cỏ trên sường núi xem ra cũng tốt tươi hơn mọi nơi, hình như phủ một tấm thảm xanh trên sườn núi " . _ (Đặng-Đình-Phúc " Các Nơi Danh Thắng Tỉnh Hải-Dương -- Đền Kiếp-Bạc ", Nam-Phong số 73 ) .
Rồi tác-giả trên đây kết-luận :
" Đối với người nhà-quê và đàn-bà thời Ngài là Ông Thần-thiêng, trừ được yêu tà ; đối với người thuộc Quốc-sử thời Ngài là người anh-hùng đã cứu được nước nhà khỏi quân xâm-chiếm " . _ ( dẫn trên )
Bởi cái tâm-lý tín-ngưỡng ấy của nhân-dân Việt-Nam, nên Hưng-Đạo đã trở nên đối-tượng của một dòng tôn-giáo nông-dân đất Bắc-việt là dòng Nội-Đạo với cá-tính riêng-biệt Việt-Nam sùng-bái Anh-hùng Dân-tộc kết-hợp với quyền-năng Thần-thông siêu-nhiên vũ-trụ. Nhà bác-học Trường Viễn-Đông Bác-Cổ ( E.F.E.O. ) ông Maurice Durand trong bài giảng cho sĩ-quan Việt-Nam năm 1952 về " Vũ-trụ-quan Việt-Nam " (L'Univers Moral des Vietnamiens) có đoạn :
" Trước hết là Nội-Đạo. " Nội " có nghĩa là " bên trong ", " bản xứ ", " dân-tộc " đối-chiếu với " ngoại " là " bên ngoài ", " ngoại lai ". Cái tôn-giáo này hình như đã nẩy-sinh trong khoảng thế-kỷ XIII sau những cuộc chiến-tranh độc-lập chống quân Mông-Cổ mà Trần-Hưng-Đạo đã hiển-hách. Sự thành-lập dòng này giúp ta dễ hiểu những động-cơ tâm-lý của các tôn-giáo mới xuất-hiện gần đây như Cao-Đài chẳng hạn. Thần-linh của Nội-Đạo là một Anh-hùng hiển-linh-hóa Trần-Hưng-Đạo. Trở nên Thần-linh, Ngài có chức-vụ trừ ma-quái, đúng như khi Ngài sống đã diệt-trừ ma quái Mông-Cổ. Thầy cúng của tôn-giáo này là Đồng-cốt mà Miếu chư vị Thần-linh gồm có Trần-Hưng-Đạo với toàn gia-đình hiển Thánh. Tôn-giáo Nội-Đạo cũng như tất cả các tôn-giáo thế-giới lập-cước trên một nền luân-lý như đức-nhân, tinh-khiết, trung-thực. Những hình-thức lễ-nghi có liên-hệ với tục-lệ của Đạo-giáo Nội-Đạo thịnh-hành ở Bắc-Việt và có một số tín-đồ. Nó phát-triển nhất ở Kiếp-Bạc trong tỉnh Hải-Dương, nơi Thánh-địa của Anh-hùng " . _ ( Việt-Sử Tiêu-Án. -- " L'Univers Moral des Vietnamiens ", Maurice Durand. Bul. De la Société des Etudes Indochinoises. N° 4 -- 1952 )
Nội-Đạo như thế là thuộc về truyền-thống Thần-đạo cố-hữu của dân-tộc, lấy " Tứ bất tử " làm đối-tượng cho sự sùng-bái của tín-đồ : Chử-Đồng-Tử hay là Chử-Đạo-Tổ, Đổng-Thiên-Vương, Thánh-Tản-Viên và Liễu-Hạnh. Thần-đạo thuộc về tôn-giáo Tự-nhiên, ma-thuật ( magique ) nhân-cách-hóa quyền-năng thiên-nhiên biểu-hiện ra thiên-hình vạn-tượng, chung-qui chỉ có một nguồn linh-khí biến-hóa :
" Thiên Địa hữu chính khí, tạp nhiên phú lưu hình, hạ tắc vi hà nhạc, thượng tắc vi nhật tinh, ư nhân viết hạo nhiên, bái hồ tắc thương minh " . _ ( Văn Thiên Tường -- Chính Khí Ca )
( Trong Trời Đất có chính khí, tan hòa vào các hình-thể trạng-thái, ở dưới là sông núi, ở trên là mặt trời trăng sao, ở người khí-phách, tràn-ngập cả trời xanh mù-mịt ) .
Lý-Tế-Xuyên, tác-giả " Việt Điện U Linh " ở thời Trần cũng viết tựa rằng :
" Cổ thánh nhân viết : Thông minh chính trực túc dĩ xưng thần, phi dâm thần tà sủng, yêu ma võng quỉ lạm đắc xưng yên. Ngã Hoàng Việt ngụ nội, miếu thực chư thần, cổ lai da hỹ. Năng chướng vĩ tích, âm tướng sinh linh giả, hữu cơ tai ! Nhiêu kỳ tòng lai, phẩm loại bất đẳng, hoặc sơn xuyên tinh túy, hoặc nhân vật kiệt linh, đằng khí thế ư đương thời, đĩnh anh linh ư lai diệp …" _ ( Lý-Tế-Xuyên -- Việt Điện U Linh Tập-lục -tự )
( Thánh-nhân xưa nói : Thông-minh chính-trực đủ để xưng là Thần-linh, không phải dâm-thần tà-quái, yêu ma, võng quỉ được lạm xưng vậy. Trong lãnh-vực Hoàng Việt ta, các vị Thần xưa nay có Miếu thờ nhiều lắm. Nhưng có khả-năng sáng-tỏ được thành-tích lớn, phù giúp ngầm cho chúng-sinh thì ít lắm. Tuy nhiên xét về lai-lịch, thì phẩm-loại không đều, có vị là tinh-túy của núi sông, có vị uy-linh lớn của nhân-vật đương thời thì khí thế lừng-lẫy, đời sau thì anh-linh chói-lọi … )
Xem thế thì thấy rằng thời Trần, khuynh-hướng tín-ngưỡng của dân-tộc không mãn-nguyện với dòng Thảo-Đường của thời Lý có khuynh-hướng từ-bi, nặng về Phật-giáo Thần-thông, mà muốn hợp vào Thần-đạo làm Quốc-giáo có mầu sắc dân-tộc tích-cực hơn gọi là Nội-Đạo, lấy Hưng-Đạo làm đối-tượng, tức Thánh Trần, sùng-bái Đức Thánh như là hiện thân của Chính Khí để diệt trừ Tà-khí cho nên Ngoại-Truyện mới viết về sự-tích Trần-Hưng-Đạo rằng :
" Thời ấy có người tên là Nguyễn-Sĩ-Thành chết rồi lại sống lại, tự nói ra việc trên Thiên-đình rằng Đông-Triều có người con gái là vợ tên khách buôn Phúc-Kiến, nằm mộng giao-cấu với con long-tinh đẻ ra con làm loạn-tặc nước Nam. Thượng-Đế nghe thấy lập-tức sai thanh-y đồng-tử xuống trần để trị giắc đó. Bấy giờ bà phu-nhân Trần-Liễu nằm mộng thấy đừa bé áo xanh chạy vào trong bọc mà bà sinh ra Quốc-Tuấn. Đến khi quân Nguyên sang xâm-lấn nước Nam, có tên Nguyễn-Bá-Linh làm tướng là con người con gái Đông-Triều, quả nhiên bị Quốc-Tuấn bắt được ở An-Bang, rồi giết đi. Tên ấy chết rồi làm yêu-quái, đàn-bà con gái tiếp-xúc với nó là bị bệnh, gọi là Phạm-Nhan, phù chú không trị nổi nó, chỉ xin được cái chiếu ở Đền thờ Hưng-Đạo đem về nằm thì nó phải chạy xa, không dám phạm đến. Hiện nay ở Vạn-Kiếp có Đền thờ Hưng-Đạo, ở sông Nam-Sách có Đền thờ Phạm-Nhan " . _ ( Việt-Sử Tiêu-Án )
Thần-tích trên đây có tính-cách huyền-thoại để Thần-hóa tượng-trưng cho cái Chính-khí của Trần-Hưng-Đạo, theo quan-điểm nông-dân Việt đã đánh đuổi giặc Nguyên là Tà-khí như Phan-Nhan. Tà-khí dù mạnh cũng không thắng nổi Chính-khí, khác nào quân Nguyên hung-tợn đã bị quân Việt đánh tan. Và cái Chính-khí ấy còn có hiệu-lực mạnh hơn cả pháp-thuật phù-chú mà Đạo-sĩ Tầu mới du-nhập vào Việt-Nam thời bấy giờ. Sử chép:
" Nhâm-Dần, năm 10 ( 1302 ) nhà Vua cho phép người Đạo-sĩ Trung-Quốc là Hứa-Tông-Đạo đến phường An-Hòa. Tông-Đạo từ Trung-Quốc theo thuyền buôn đến nước ta, nhà Vua cho phép cư-trú ở phường An-Hòa. Các khoa cúng về phù-thủy và làm chay, làm tiếu thịnh-hành ở nước ta bắt đầu từ đấy " .
Bởi thế mà hình-thức lễ-nghi trong dòng Nội-Đạo có liên-hệ với tục-lệ của Lão-giáo, nhưng tuy Nội-Đạo có thâu-nhận ảnh-hưởng pháp-thuật của khoa phù-thủy do Tông-Đạo từ Tầu đem sang nhưng vẫn đề-cao tín-ngưỡng vào Chính-khí của Đức Thánh coi là Chính-Đạo .
Thời bấy giờ có nhiều hiện-tượng kỳ-tích Thần-bí được ghi chép vào chính sử :
" Văn táng khí tuyệt " nghe báo tang mà hồn lìa. Con gái Vua Trần-Thái danh-hiệu là Thiều-Dương đang nằm cữ. Vua đã từ mấy tuần khó ở, Công-Chúa thường sai người hỏi tin-tức sức-khỏe của Vua cha. Người hầu nói dối là Vua đã bình-phục .
" Đến hôm Vua mất, Công-Chúa chợt nghe tiếng chuông liên-hồi báo tang, hỏi chẳng hay có phải tin dữ đó không. Quân hầu lại nói dối, Công-Chúa không tin, òa khóc kêu gào thảm-thiết đến đứt hơi rồi nhắm mắt lịm hẳn " . _ ( Lê Chừng, " Nam Ông Mộng Lục " )
" Thượng-Hoàng ( Vua Nhân-Tông ), năm Hưng-Long 16 ( 1308 ) mùa đông, mất ở Am Ngọc-Vân. Chị gái là Thiên-Thụy đau nặng, vừa đi xuống thăm và nói, nếu chị ở cõi âm, xin hãy đợi em. Rồi Vua trở về núi ngồi lặng-yên mà hóa. Quả nhiên mất cùng ngày với bà Thiên-Thụy. Pháp-Loa rước Vua lên hỏa-đàn, cháy còn lại 1000 hột xá-lỵ rước về kinh-đô. Vua Anh-Tông lấy làm ngờ, quần-thần xin bắt tội Pháp-Loa. Thái-Tử Chiêu 9 tuổi hầu ở bên, hốt nhiên trong bọc có vài hột xá-lỵ đua ra xem, kiểm lại trong hộp thiếu số ấy. Vua cảm-động khóc, không có ý-nghĩ gì nữa " . _ ( Việt-Sử Tiêu-Án )
Việc trên đây trong " Nam Ông Mộng Lục " của Lê-Chừng kể dưới nhan-đề " Tổ linh định mệnh " như sau :
" Vua Nhân-Tông lúc mất, con là Anh-Tông, chưa có con trai đích-tự, chỉ có con thứ, ý muốn chờ có con đích sau mới định ngôi thừa-tự. Đến khi hỏa-thiêu Vua Nhân-Tông rồi, lúc phong liệm xá-lỵ lại, con cháu đứng quanh lễ. Xá-lỵ bay nhập vào tay áo của cháu thứ mà phóng ánh-sáng, nhặt lấy lại bay vào. Vua Anh-Tông vái mà rằng : Dám xin vâng mệnh. Rồi lượm thu lấy mới thôi. Rồi sau lấy con trai thứ làm Thế-tử. Lâu rồi, Đính-Mậu mới sinh con trai, không nuôi được , con thứ kết cục ở ngôi kế-vị là Minh-Tông vậy " .
" Nhập mộng liêu bệnh ".
" Chùa Đông-Sơn có nhà Sư tên là Quán-Viên giữ giới trong-sạch, trí-tuệ hoàn-toàn, hơn mười năm tu ở trên núi không xuống. Gặp khi Trần-Anh-Tông đau mắt nặng, hơn một tháng thuốc-thang không khỏi, đêm ngày đau nhức. Chợt mộng thấy một nhà Sư lấy tay xoa mắt, Vua hỏi từ đâu đến, tên tuổi là gì ? Sư thưa, tôi là Quán-Viên, đến chữa mắt cho Vua. Tỉnh dậy Vua thấy hết nhức mắt, mấy hôm sau khỏi hẳn. Vua hỏi trong các Tăng-đồ, quả thực có nhà Sư Quán-Viên ở Đông-Sơn. Vua cho người mời đến, thì rõ-ràng giống hệt nhà Sư Vua thấy trong mộng " . _ ( Nam Ông Mộng Lục )
" Ni Sư đức hạnh "
" Sư Bà Thanh-Lương tên tục họ Phạm, dòng-dõi thế-gia đất Giao-Chỉ. Khi là con gái xuất-gia, trụ-trì ở Am Thanh-Lương, chịu giữ giới khổ-hạnh rất tinh cần, trí-tuệ thông suốt. Thường tập Thiền-định, hình-dung giống hệt như vị La-Hán. Xa gần Tăng tục ai nấy đều kính mộ, gọi là Đại-Sư Tuệ-Thông. Về già di-cư vọng núi Đông-Sơn. Một hôm chợt gọi đệ-tử bảo : “ Ta muốn đem cái thân-thể ảo sắc này bố-thí cho hổ lang một bữa !” Bèn vào trong núi sâu nhịn ăn, ngồi kiết-già ba-bẩy ngày. Hổ lang đi vòng-quanh, không con nào dám lại gần. Đệ-tử van nài xin Sư trở về Am. Về Am Sư đóng cửa vào nhập-định cả mùa hạ. Rồi họp đại-chúng thuyết-pháp, ngồi yên-lặng mà hóa. Thọ hơn 80 tuổi, sau khi hỏa-táng xá-lỵ rất nhiều, người ta xây Tháp ở núi ấy để thờ. Trước đấy Sư có bảo đệ-tử rằng sau khi ta tịch rồi, nên giữa xương của ta mài tắm cho người bệnh-tật. Đến khi liệm hài-cốt, đệ-tử không nhẫn lưu lại cái xương nào, đem thu liệm cả lại vào áo-quan. Qua đêm chợt có một cái xương tay ở trong áo-quan hiện ra ở trên mặt áo-quan. Ai nấy đều lạ về sự linh-nghiệm. Về sau có người bị bệnh đến cầu đảo, đệ-tử mài cái xương kia vào nước cho tắm thì tức khắc khỏi bệnh ngay. Đấy lời nguyện sâu rộng đến như thế đấy " . _ ( Nam Ông Mộng Lục )
Đấy là đại khái tín-ngưỡng tâm-linh thời nhà Trần, trong ấy đã xuất-hiện dòng Nội-Đạo, tín-ngưỡng chung cho cả giới trí-thức lãnh-đạo lẫn quần-chúng nông-dân. Quần-chúng thì sùng-bái như một Than-linh cứu-thế, giới lãnh-đạo từ Vua cho đến các sĩ-phu kính ngưỡng như một Đại Anh-linh, một kết-tinh vĩ-đại của Địa-linh Nhân-kiệt của non sông và nòi-giống Việt. Cho nên Vua Thánh-Tông, ngay sinh-thời Ngài đã tự làm văn Bia để ở Sinh-Từ, thờ sống Ngài ở Kiếp-Bạc sánh với Thái-Công Thượng phu nhà Chu bên Tầu, và khi Ngài mất, Vua Anh-Tông sai lập Đền thờ Ngài ở Thiên-Trường, sắc phong :
" Thái-Sư, Thượng-Phụ, Thượng-Quốc-Công, Bình Bắc Đại Nguyên-Súy, lòng công, thịnh đức, vĩ liệt, hồng huân, Nhân Vũ Hưng-Đại Đại Vương !"
Và Vua Anh-Tông thống-thiết gào khóc :
" Thượng-phu vị ngã quốc-gia bị kiên chấp duệ thảo thanh Hồ trần khắc phục thần kinh, phủ an vạn tinh kim nãi khí trẫm, trẫm an đắc ưu quân ái quốc như Thượng-phu giả hồ ! "
( Cha lớn vì nước mà mặc áo-giáp, cầm mũi nhọn, quét sạch bụi Hồ, lấy lại kinh-đô, vỗ yên vạn dân muôn họ, nay bỏ trẫm mà đi, trẫm tìm đâu được người trung-quân ái-quốc như Thượng-phu ? ) _ ( Thực Lục )
" Rồi Vua sai kén gỗ bạch-đàn-hương khắc tượng truyền-thần để thờ ngày đêm, hễ trong nước có việc lớn tất đến cầu đảo, các vương-công tướng-tá có lệnh đi đánh giặc, thì trước hết đến bái-yết rồi sau mới cầm quân lên đường. Các sự cầu đảo đều linh-nghiệm cả. Nay Đền thờ hai xã Vạn-An và Lạc-Sơn cùng trông-nom. Trải qua các triều-đại, hễ có giặc đến, sai quan đến Đền thờ cầu đảo, thấy tiếng kiếm kêu trong hộp thì biết thắng trận. Các châu, huyện xa gần gặp thiên-tai hạn-hán hay là tật dịch, người ta đến cầu đảo rất đông, có thể tránh khỏi tai-họa, v.v… " _ ( Thực-Lục )
Đấy là từ trên xuống dưới trong nước ra cả ngoài biên-giới phía Bắc, nhân-dân sùng-bái tín-ngưỡng uy-linh vô-hạn của Chính-khí Đức Thánh Trần như một Thần-lực Tối-cao, một Đức Cha siêu-việt ( Thượng-phụ ) của Nội-Đạo, coi như Quốc-giáo có khuynh-hướng dân-tộc hơn là Thiền-tông Thảo-Đường thời nhà Lý vậy .
DANH - NHÂN ĐỜI TRẦN
Nhớ về nhà Trần, chúng ta không thể không nhắc đến Trần-Thủ-Độ, người đã cùng với Đức Trần-Hưng-Đạo -- Thánh-Tổ Hải-Quân -- chiến-thắng quân Nguyên .
Đa số các nhà viết sử đều đã hết lời phê-trách vị Thái-Sư có công gây-dựng nhà Trần, nhưng ở vài phương-diện, ông đã được xem là vị tướng tài-ba, nhiều mưu-lược, giúp cho nước ta thời ấy trở nên cường-thịnh .
Dựa theo sử-liệu và khách-quan mà xét, chúng ta nhận thấy rằng :
Trần-Thủ-Độ con người Tàn-ác và ngang-ngược .
Tất cả hành-động của Trần-Thủ-Độ có thể bao-gồm trong một chủ-đích : gây-dựng cơ-nghiệp nhà Trần thật bền-vững, cho dù phải làm những việc tàn-bạo ngang-ngược. Đến việc phạm luân-thường, đạo-lý ông cũng không từ .
Đối với nhà Lý, ông đã :
_ Bức-bách Lý-Huệ-Tông khiến ông Vua xấu số này phải tự-tử .
_ Lập mưu chôn sống gần bẩy, tám mươi người tôn-thất nhà Lý .
_ Bắt những người họ Lý đổi ra họ Nguyễn…
Đối với nội-tình nhà Trần, Trần-Thủ-Độ đã làm một việc phản nhân-luân mà đời sau ai cũng nguyền-rủa :
Nguyên Chiêu-Thánh Hoàng-Hậu lấy Trần-Thái-Tông đã được 12 năm mà vẫn chưa có con. Thủ-Độ bắt ép Thái-Tông bỏ vợ và giáng bà này xuống làm Công-Chúa, rồi đem người chị bà là vợ của Trần-Liễu ( anh ruột Thái-Tông, thân-phụ Trần-Hưng-Đạo ) vào làm Hoàng-Hậu, vì bà này đã có thai được 3 tháng .
Trần-Thủ-Độ, Đại Công-Thần của nhà Trần .
Ai cũng nhận rằng : Trần-Thủ-Độ là người trụ-cột gây-dựng cho nhà Trần. Một tay ông đã cáng-đáng bao nhiêu việc trọng-đại, giúp Thái-Tông bình-phục được giặc-giã và chỉnh-đốn được mọi việc trong nước. Nhờ đó tinh-thần đấu-tranh của mọi tầng lớp dân-chúng được bồi-dưỡng rất nhiều để sau đó đủ sức chiến-thắng quân Mông-Cổ .
Chính Trần-Thủ-Độ đã có công lớn trong việc :
_ Đánh dẹp giặc-giã, quan-trọng nhất là giặc Đoàn-Thộn và Nguyễn-Nộn .
_ Tu-chỉnh võ-bị, sửa đổi việc thi-cử .
_ Đắp đê ( như đê Quai-Sanh hai bên bờ sông Cái ) ….
Trần-Thủ-Độ vói việc chiến-thắng quân Mông-Cổ hay là một lời nói quyết-định .
Năm 1257, nước ta bị quân Mông-Cổ sang đánh phá. Tuy đã ngoài 60 tuổi, Trần-Thủ-Độ vẫn hăng-hái ngày đêm bày mưu, lập kế chống giặc. Tự biết mình đã giá yếu, ông liền tiến-cử Trần-Quốc-Tuấn, một nhân viên tài kiêm văn võ, lên thay mình thống-lĩnh ba-quân .
Bấy giờ thế giặc đang mạnh, theo dọc sông Phú-Lương tràn xuống như thác-lũ, quân ta không tài nào ngăn chặn nổi. Vua Thái-Tông thân ra đốc-chiến, nhưng binh Việt vẫn phải lùi mãi. Kinh thành Thăng-Long mất. Tình-thế thật nguy-ngập. Ngự trên một chiếc thuyền con, Vua liền tìm đến thuyền Thái Úy Nhật Hiệu để hỏi mưu kế. Nhật-Hiệu là em ruột của Vua, tước phong Khẩm Tiên Đại Vương, đương ngồi tựa mạn thuyền, nét mặt bối-rối, lo sợ. Nghe Vua hỏi, Nhật-Hiệu lấy ngón tay trỏ nhúng nước đoạn viết vào bánh lái thuyền hai chữ " nhập Tống " nghĩa là khuyên Vua nên chạy sang bên Tống .
Vua hỏi : _ Thế đạo-quan tinh-cương của Vương-quân đâu ?
Nhật-Hiệu tâu : Thần cho gọi nhưng chúng nó không chịu đến .
Vua buồn rầu quá, quay thuyền đến hỏi Thái-Sư Trần-Thủ-Độ. Thủ-Độ tuy biết tình-thế Quốc-gia quả thật nguy-ngập, nhưng ông tin ở quân-đội của mình chưa tan-vỡ, tin ở Vua Tôi trên dưới một lòng quyết thắng giặc, và tin ở mưu-lược của ông cùng với Trần-Quốc-Tuấn, ông bèn tâu Vua :
_ Đầu thần chưa rơi xuống đất thì xin Bệ-hạ đừng lo ngại gì cả .
Nghe lời nói khẳng-khái ấy, Vua Thái-Tông mới yên lòng .
Quả nhiên, chẳng bao lâu, quân ta, sau khi chỉnh-đốn lại hàng-ngũ, kéo lên phá giặc và cả thắng quân Nguyên tại Bến Đông-Bộ-Đầu, thừa thế tiến lên chiếm lại Thăng-Long .
Trần-Quốc-Tuấn thống-suất các đạo-quân, gấp rút đuổi theo quân giặc và chỉ trong mấy ngày, quân Nguyên đành phải ôm hận rút lui về nước .
Chiến-thắng này tuy không lớn lao bằng hai lần chiến-thắng sau, nhưng đã mang một ý-nghĩa hết sức quan-trọng : ý-nghĩa quyết-định cho tinh-thần tranh-đấu của toàn dân ta thời ấy .
Và chúng ta giật mình thử hỏi : số-phận đất nước ta sẽ thế nào nếu Trần-Thủ-Độ cũng rối trí như Nhật-Hiệu, cũng bàn kế nhập Tống như Nhật-Hiệu ; Do đó lời nói của Trần-Thủ-Độ thật là lời quyết-định chiến-thắng, lời vàng ngọc của lịch-sử Việt-Nam.
Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử
Trúc-Lâm Yên-Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử