lịch sử việt nam
Bàn về cái chết của tướng Nguyễn-văn-Hiếu
Câu viết nghiêng in đậm là nhận xét của ông Nguyễn-văn-Tín
Trúc Lâm Yên Tử (11-03-2015)
***
Tháng Ba 10, 2015 vào lúc 12:06 chiều
Bàn về lời BÀN VỀ CÁI CHẾT CỦA TƯỚNG NGUYỄN VĂN HIẾU của Bùi Anh Trinh
Ông Trinh tự cho mình là “người điều tra”. Người điều tra gì mới được chứ?
Ông Trinh mắc phạm lỗi hiểu sai các ý nghĩ và lời nói của ông Tín để rồi đưa ra những nhận xét sai của ông.
1. “700 ông tướng và Đại Tá đang làm gì trên toàn đất nược VN vào giờ đó”. Chỉ muốn ám chỉ đến chừng một chục ông tướng tá có quyền hành trong tay quanh vùng Thủ Đô thôi chứ.
2. Tướng Hiếu đâu có “lang thang đâu đó trên Gò Dầu Hạ” hay “chạy rông vào giờ đó”. Tướng Hiếu họp với Tướng Trần Quang Khôi đang nắm Lực Lượng Thiết Kỵ Xung Kích Quân Đoàn III. Vì lực lượng thiết giáp hữu hiệu cho việc đảo chánh, nên mới có thể khiến Tổng Thống Thiệu sinh lòng nghi.
3. “Nhưng Tướng Hiếu không phải là người mà CIA thu dụng”. Nhưng vì vào thời buổi đó, Tướng Hiếu thân cận với giới chức Mỹ của Tòa Tổng Lãnh Sự Biên Hoà, nên Tổng Thống Thiệu sinh lòng nghi.
4. ‘’Theo bài viết đầu tiên của ông Tín vào năm 1998 thì ông không biết ngày tướng Hiếu bị chết là ngày nào. Và trong bài viết cuối cùng này thì ông Tín cũng không cho biết ngày tướng Hiếu bị chết.” Ông Tín viết là không biết “giờ” – trưa hay chiều – chết chứ có khi nào viết là không biết “ngày” – 8/4/1975 – chết đâu cơ chứ?
5. “Nhưng ngày 31-12-2011 Đại tá Trương Như Phùng viết cho báo KBC Hải Ngoại rằng tướng Hiếu chết ngày 12-4-1975.” Sao lại đi tin tin này?
6. “Cuộc thả bom là vào 8 giờ sáng ngày 8-4-1975, ngay sau đó đã rõ không phải là đảo chánh, thì ngày 12-4-1975 ông Thiệu ra lệnh giết Tướng Hiếu đâu phải vì tình nghi có đảo chánh trong ngày thả bom? Cáo buộc của ông Tín trở nên vô lý.” No comment.
7. “Nếu đã tính chuyện ám sát Tướng Hiếu thì Tướng Tường cần gì phải thay toán quân cảnh bằng toán lính ? Và không lẽ nguyên toán lính là toán ám sát ? Điều này vô lý bởi vì muốn ám sát một ông tướng thì chỉ dùng 1 hay 2 sát thủ mà thôi, nếu nhiều thì dễ lộ và khó bưng bít.” Thay toán quân cảnh của Trung Tá Quyến, với toán lính của mình để gỡ đi một chướng ngại vật, chứ đâu phải dùng toán lính này để ám sát đâu. Vẫn nói là chỉ có 1 tên sát thủ đấy thôi.
8. “Một cuộc ám sát mà tới hằng tá người thực hiện”. Chỉ nêu ra có 4 người thôi: Toàn, Tường, Dưỡng, Đàm.
9. “Còn Đại tá Đàm lại là Đại tá cảnh sát, tại sao lại sử dụng sát thủ cảnh sát để hoạt động trong khuôn viên BTL của quân đội ?” Việc ám sát thường dùng tới cảnh sát chứ ít khi dùng tới lính thường. Hơn nữa dễ sai một tên thuộc QĐII hơn là QĐIII.
10. “Thông thường cấp trên ( Hiếu ) rủ cùng đi ăn mà cấp dưới ( Tường ) mắc đi tắm thì cấp trên cứ việc đi chứ không chờ bởi vì như vậy là trái với thông lệ nhà binh.” Tướng Hiếu rất bình dân không kiểu cách nhiều khi còn phải chờ tùy viên chứ chả cần câu nệ với Tướng Tường.
***
Bùi Anh Trinh
BÀN VỀ CÁI CHẾT CỦA TƯỚNG NGUYỄN VĂN HIẾU
Tháng Ba 9, 2015 nhóm Văn Tuyển 5 phản hồi
Sau hơn 6 năm nỗ lực tìm hiểu sự thật về cái chết của Tướng Nguyễn Văn Hiếu, ông Nguyễn Văn Tín, em ruột của Tướng Hiếu cho công bố “Bản tường trình kết thúc về cái chết của Tướng Nguyễn Văn Hiếu”. Đây là tài liệu sau cùng và đầy đủ nhất về cái chết của Tướng Nguyễn Văn Hiếu. Trong đó ông Tín đưa ra nhiều cáo buộc :
Cáo buộc thứ nhất : Ông Tín cho rằng kẻ chủ mưu giết Tướng Hiếu là ông Thiệu, ông Thiệu giết Tướng Hiếu vì nghi Tướng Hiếu làm đảo chánh trong ngày Nguyễn Thành Trung bỏ bom dinh độc lập. Sở dĩ nghi vì trong lúc máy bay thả bom thì Tướng Hiếu không có mặt tại BTL Quân đoàn mà lại đi lang thang đâu đó trên Gò Dầu Hạ :
“Vào lúc 8 giờ sáng ngày 8 tháng 4 năm 1975, Dinh Độc Lập bị dội bom. Tổng Thống Thiệu hoảng hốt lo sợ một cuộc đảo chánh khởi phát. Ông ra lệnh xác định vị trí của các tướng tá trên khắp bốn quân khu thì được cơ quan tình báo của Tướng Quang cho biết ai nấy đều ở vị trí bình thường, chỉ duy có Tướng Hiếu là đang có mặt ở Gò Dầu Hạ họp bàn gì với Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, Tư Lệnh Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III. Tổng Thống Thiệu nghi ngay Tướng Hiếu âm mưu đảo chánh”.
Nhận xét của người điều tra :
(1). Vào thời điểm 8-4-1975 Quân lực VNCH có gần 100 ông tướng và 600 ông Đại Tá. Cơ quan của Tướng Quang là cơ quan gì mà có thể biết ngay là 700 ông tướng và Đại tá đang làm gì trên toàn đất nước VN vào giờ đó ? Ngay cả Phòng tình báo bộ TTM cũng không thể biết được. Và cả CIA cũng không thể biết được. Nên nhớ là thời đó chưa có Smart phone, hay máy định vị , hay máy vi tính.
(2). Người làm đảo chánh không nhất thiết phải là người đang chạy rông vào giờ đó như Tướng Hiếu, nếu là người đảo chánh thì giờ đó hắn ta đang ngồi tại một trung tâm hành quân nào đó với những người cọng tác ở xung quanh. Tại sao tướng Quang không chú ý tới một nhóm tướng tá đang ngồi tại các trung tâm hành quân mà chỉ chú ý tới một ông tướng lẻ loi trên Gò Dầu Hạ ?
(3). Thiệu thừa biết người duy nhất có thể đảo chánh ông ta là Hoa Kỳ chứ không phải là một nhân vật bá vơ trong số 700 ông tướng và Đại tá. Thiệu thừa biết nếu đảo chánh được đi nữa mà HK không nháy đèn thì cũng trớt quớt. Cho nên vào giờ đó nếu Thiệu có nghi ai đảo chánh thì phải nghĩ ngay đến những ông tướng đang làm việc cho CIA. Nhưng Tướng Hiếu không phải là người mà CIA thu dụng.
Tài liệu của CIA được đưa ra công chúng năm 2009 cho thấy ngày 12-4-1975 Tòa đại sứ HK và chi nhánh CIA đang chuẩn bị vắt giò lên cổ thì còn lòng dạ đâu mà nghĩ tới chuyện tổ chức đảo chánh ?
(4). Và nếu HK có muốn lật Thiệu đi nữa thì những người bạn của Thiệu đang làm việc ăn lương của CIA là Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang, Nguyễn Khắc Bình, Lê Nguyên Khang ắt phải xa gần báo động cho Thiệu biết. Còn tướng Hiếu thì Thiệu thừa biết không phải là người của CIA. Cho nên Thiệu không cần phải nghi Tướng Hiếu.
(5). Nếu lúc đó dinh Độc Lập nghi là phi cơ của phe đảo chánh thì việc họ phải làm trước tiên là xem Bộ tư lệnh Không quân đang làm gì và tướng Kỳ đang ở đâu, chứ không thể nào ngồi tưởng tượng một ông tướng duy nhất không có mặt tại văn phòng của mình đang làm gì ?
(6). Sau cuộc thả bom dinh Độc Lập thì đài kiểm báo Không quân cho biết máy bay xuất phát tại Biên Hòa và sau khi thả bom thì đáp xuống phi trường Phước Long, vậy đây là máy bay của những người trở cờ theo VC chứ không phải là của phe đảo chánh.
Theo bài viết đầu tiên của ông Tín vào năm 1998 thì ông không biết ngày tướng Hiếu bị chết là ngày nào. Và trong bài viết cuối cùng này thì ông Tín cũng không cho biết ngày tướng Hiếu bị chết. Nhưng ngày 31-12-2011 Đại tá Trương Như Phùng viết cho báo KBC Hải Ngoại rằng tướng Hiếu chết ngày 12-4-1975.
Cuộc thả bom là vào 8 giờ sáng ngày 8-4-1975, ngay sau đó đã rõ không phải là đảo chánh, thì ngày 12-4-1975 ông Thiệu ra lệnh giết Tướng Hiếu đâu phải vì tình nghi có đảo chánh trong ngày thả bom? Cáo buộc của ông Tín trở nên vô lý.
Cáo buộc thứ hai : Ông Tín cho rằng ông Thiệu là người ra lệnh giết và Tướng Lê Trung Tường là người thi hành :
Chuẩn Tướng Tường được giao phó phận vụ đưa một toán lính đến thay thế đội Quân Cảnh canh gác Bộ Tư Lệnh và lập kế dụ Tướng Hiếu trở về văn phòng. Bác Sĩ Dưỡng coi văn thư nhật trình thì thấy ghi có một buổi họp về Nhân Dân Tự Vệ dưới sự chủ tọa của Tướng Hiếu và với sự tham dự của Thiếu Tướng Đào Duy Ân, Đại Tá Khuyến và Đại Tá Lưu Yểm, Tỉnh Trưởng Biên Hòa, vào lúc 5 giờ chiều. Ông thấy đây là cơ hội thuận tiện vì ước đoán buổi họp sẽ tan vào lúc 6 giờ chiều và như thường lệ Tướng Hiếu sẽ rủ Chuẩn Tướng Tường đi ăn cơm và các nhân viên làm việc tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III đều ra về hầu hết.
Nhận xét của người điều tra :
(7). Nếu đã tính chuyện ám sát Tướng Hiếu thì Tướng Tường cần gì phải thay toán quân cảnh bằng toán lính ? Và không lẽ nguyên toán lính là toán ám sát ? Điều này vô lý bởi vì muốn ám sát một ông tướng thì chỉ dùng 1 hay 2 sát thủ mà thôi, nếu nhiều thì dễ lộ và khó bưng bít.
(8). Tướng Lê TrungTường đã lập kế gì để dụ Hiếu trở lại văn phòng? Ai cho biết chuyện này? Một cuộc ám sát mà tới hằng tá người thực hiện thì đâu còn là ám sát, mà là công khai giết người !
(9). Tên sát nhân lẽn vào phòng tướng Hiếu, vậy thì tùy phái và cận vệ của tướng Toàn, tướng Hiếu và tướng Tường ở đâu? Cả một văn phòng bộ tư lệnh mà không có ai canh gác cả sao? Bộ tư lệnh Quân đoàn mà được bảo mật xoàng như vậy sao ?
(10). Còn nếu có canh gác thì tên sát nhân làm sao lẻn vào được? Đặt giả thuyết tay đó tài giỏi qua mặt được lính canh và tùy phái của ba ông tướng thì cần gì tướng Tường, Trung tá Dưỡng phải ra tay giúp đỡ hắn.
(11). Bằng chứng nào nói rằng tên sát nhân là người của đại tá Đàm? Nếu tên đó là một cận vệ trong hằng chục cận vệ của tướng Toàn và tướng Tường thì có phải an toàn và dễ thực hiện hơn không? Tên đó sẽ ngang nhiên đi vào văn phòng của BTL với tư cách là một vệ sĩ của tướng Toàn, tướng Tường. Còn Đại tá Đàm lại là Đại tá cảnh sát, tại sao lại sử dụng sát thủ cảnh sát để hoạt động trong khuôn viên BTL của quân đội ?
Cáo buộc thứ ba : Ông Tín cho rằng ông tướng Tường dàn cảnh và đích thân dụ Tướng Hiếu ở lại văn phòng để cho sát thủ của tướng Tường ra tay :
“Khoảng 6 giờ chiều các tướng tá họp ra về, Chuẩn Tướng Tường lấy cớ phải đi tắm để buộc Tướng Hiếu trở về văn phòng ngồi chờ. Vào lúc đó, Tướng Toàn và Bác Sĩ Dưỡng bước ra khỏi văn phòng để cùng đi về tư dinh Tướng Toàn”.
Nhận xét của người điều tra
(12). Ở trên nói rằng tướng Tường đoán sau khi họp thì tướng Hiếu sẽ rủ Tường cùng đi ăn cơm. Ở dưới lại nói tướng Tường chưa chịu đi ăn cơm mà lại đi tắm để bắt tướng Hiếu phải chờ, trong khi tướng Hiếu là đàn anh của tướng Tường.
(13). Thông thường cấp trên ( Hiếu ) rủ cùng đi ăn mà cấp dưới ( Tường ) mắc đi tắm thì cấp trên cứ việc đi chứ không chờ bởi vì như vậy là trái với thông lệ nhà binh. Còn đàn em ( Tường ) thấy đàn anh ( Hiếu ) chờ thì dầu có ở dơ cũng phải đi ăn cơm về mới tắm.
Cáo buộc thứ tư : Báo chí thời đó loan tin vịt là đích thân tướng Toàn giết tướng Hiếu nhưng ông Tín xác nhận tướng Toàn ngoại phạm :
Khi mới nghe tin Tướng Hiếu chết, ai cũng cho là Tướng Toàn bắn Tướng Hiếu trong một cuộc cãi vả kịch liệt vì bất đồng về chiến thuật. Điều này có thể xảy ra trong trường hợp Tướng Toàn hành động không suy nghĩ vì quá nóng giận. Nhưng Đại Úy Đỗ Đức xác nhận là không thể như vậy vì anh luôn phục dịch sát bên Tướng Toàn trọn ngày hôm đó, và khi Tướng Hiếu chết thì Tướng Toàn đã về tư dinh
Nhận xét của người điều tra
(14). Đã có bằng chứng rõ ràng tướng Toàn không phải là người đích thân bắn tướng Hiếu ( Xác nhận của Tướng Lý Tòng Bá ). Nhưng sau đó báo chí, nhất là báo chí Hoa Kỳ, loan tin chính tướng Toàn bắn Tướng Hiếu.
Vậy thì kẻ sắp đặt âm mưu giết tướng Hiếu chính là kẻ đã đưa tin cho báo chí rằng tướng Toàn bắn tướng Hiếu. Một khi đã biết chắc là tướng Toàn bị người ta vu oan thì phải loại tướng Toàn ra khỏi danh sách những kẻ tình nghi.
(15). Đã xác nhận được tướng Toàn chỉ là nạn nhân của một âm mưu thì chỉ cần tìm xem ai là kẻ âm mưu vu oan giá họa cho tướng Toàn thì có thể truy ra thủ phạm.
(16). Trong trường hợp tìm ra kẻ loan tin là những người chỉ biết chạy theo tin nóng hổi ( giới báo chí ) thì chỉ còn có cách quay trở lại tin vào nhận xét của người bị vu oan. Tức là hãy tin vào nhận xét của tướng Toàn.
(18). 30 năm sau, trên đất Hoa Kỳ, tướng Toàn đã tuyên bố với báo chí rằng ông biết ai là người giết Tướng Hiếu nhưng lâu nay ông không muốn nói ra và ông cũng không thèm trả lời phỏng vấn của báo chí. Giờ đây nếu người hỏi ông là em của tướng Hiếu thì ông sẽ trả lời cho riêng em của tướng Hiếu.
KẾT LUẬN
Sau khi tiếp xúc với tướng Toàn, năm 2004 ông Nguyễn Văn Tín là em của tướng Hiếu đã viết bài tường trình cuối cùng về cái chết của tướng Hiếu, mà trong đó ông ghi lại lời của tướng Toàn : “tôi thấy anh ấy đã chết bởi một viên đạn súng lục trổ từ mắt lên đầu và chết ngay nơi bàn giấy”.
Tướng Toàn suy đoán tướng Hiếu chùi súng xong, quay đầu súng lại, một con mắt nhắm lại, còn con mắt kia dòm ngó vào nòng xem có sạch hết bụi chưa, đang lúc ngắm như vậy thì đạn nổ. Trường hợp này thường xảy ra trong các tai nạn chùi súng bị cướp cò. Lời chứng của tướng Tường, Đại tá Lương cũng cho thấy vết đạn xuyên từ trán lên đỉnh đầu ( Có thể máu tràn ra làm nhòa vết đạn ở vùng trán gần mắt nên các lời mô tả hơi khác nhau ).
Vết đạn nổ cho thấy đường đạn đi rất gần ( vết rất nhỏ), đi từ phía dưới mặt đi lên hướng trên sau ót chứng tỏ người bắn phải kê súng sát trước mặt tướng Hiếu mà bắn từ dưới bắn lên. Điều này không thể có được bởi vì tướng Hiếu sẽ trông thấy ngoại trừ tướng Hiếu đang say ngủ. Cho nên nếu có sắp đặt sẵn thì không ai nghĩ ra việc sẽ chờ tướng Hiếu ngủ say một mình trên ghế trong phòng vắng để ám sát.
Nếu không tin Tướng Hiếu bị tai nạn như nhận xét của Tướng Toàn, thì phải quay sang giả thuyết kẻ sát nhân phải là người đã tung tin tướng Toàn giết tướng Hiếu. Mà người này phải là tay chuyên môn hoạt động đưa tin trong gới báo chí, kể cả đưa tin thất thiệt, tin hỏa mù hoặc tin mật đàm rỉ tai.
Tin báo chí HK : “Phó Tư Lệnh Quân Đoàn 3, vùng bao quanh Saigon, tướng hai sao Nguyễn Văn Hiếu đã chết. Tin đồn ông tự vận tại văn phòng ở Biên Hòa sau một cuộc cãi vã với thượng cấp là tướng ba sao Nguyễn Văn Toàn, liên quan đến việc bảo vệ Thủ Đô”. ( Alan Dawson, 55 days-The Fall of South Vietnam 1975)
Nếu cho rằng tướng Hiếu bị thanh toán thì phải tìm hiểu xem tình hình nguy ngập của đất nước lúc đó có hiện tượng nào quan trọng đến nỗi người ta muốn tướng Hiếu phải chết? Chắc chắn không phải là tướng Toàn bởi vì nếu là ông ta thì ông ta có nhiều cách sắp đặt ảo diệu hơn nhiều, không đến đổi để cho người ta dễ dàng nghi ngay chính ông ta là thủ phạm.
Không phải vì âm mưu đảo chánh, cũng không phải vì chuyện tham nhũng bởi vì đây là thời điểm tình hình đất nước rất nuy ngập, không ai còn lòng dạ đâu mà nghĩ tới quyền lực hay quyền lợi cá nhân. Nên nhớ chỉ còn 18 ngày nữa là mất nước. Cho nên xét theo tâm lý và vai trò của tướng Hiếu vào lúc đó thì chỉ có quan điểm vì quốc gia đại sự mới đủ khiến ông ra mặt chống lại, và cũng vì sự chống lại này ông mới bị giết.
Có thể tin nhất là tai nạn, nếu không là tai nạn thì chỉ vì quốc gia đại sự. Nếu quả thực ông bị giết vì quốc gia đại sự thì các tin đồn vì “tình nghi đảo chánh” hay “chống tham nhũng” chỉ là hỏa mù nhằm đánh lạc hướng truy tìm thủ phạm.
BÙI ANH TRINH
Thư-Viện Bồ Đề Online @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
***
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Châm Biếm - Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện Ngắn
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử