lịch sử việt nam
Lá bài Syria và Ukraina trong tay Nga và Mỹ
Lữ Giang
Trong bài “Một chiến lược đầy tham vọng và nghiệt ngã” chúng tôi đã trình bày một số tài liệu căn bản cho thấy chiến lược của Hoa Kỳ về Trung Đông hiện nay là hình thành một “Trung Đông Mới” có khả năng khống chế và phân hóa các thế lực Hồi Giáo, nắm các cơ sở sản xuất dầu hỏa để các nước này không còn đủ phương tiện gây rối. Hoa Kỳ cũng đang tìm cách loại dần Nga và Trung Quốc ra khỏi Trung Đông, vì hai cường quốc này có thể gây trở ngại cho các chủ trương nói trên của Mỹ.
Có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã âm thầm từ bỏ Trung Đông, đi tìm tài nguyên ở các vùng khác, đồng thời biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc. Hoa Kỳ đã có nhiều hành động chứng tỏ đang “xoay trục” về Á Châu Thái Bình Dương để ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc, nhưng trong thực tế đó chỉ là những kịch bản để trấn an các nước trong vùng. Biển Đông ngày nay không còn thuộc quyền của các nước trong vùng nữa mà trở thành món hàng trao đổi giữa Mỹ và Trung Quốc gióng như miền Nam Việt Nam trước đây.
Trong khi đó, Nga dùng lá bài Syria chống lại một số chủ trương của Mỹ ở Trung Đông, còn Mỹ dùng lá bài Ukraina để đối phó với Nga. Bình luận gia Ronn Torossian cho rằng Putin đang chơi bài tây (cards) và đang nắm những con bài chủ, còn Obama chơi cờ vua (chess). Ai sẽ thắng ai?
NGA DÙNG LÁ BÀI SYRIA
Trong chiến lược Trung Đông, sau khi ổn định Iraq Hoa Kỳ sẽ phải thanh toán Syria vì đây là quốc gia đã từng gây ra nhiều biến loạn ở Trung Đông. Cố Tổng Thống Hafez al-Assad (1970–2000) cũng như Tổng Thống Bashar al-Assad hiện nay đều chủ trương hình thành một quyền lực có thể lãnh đạo khối Hồi Giáo và thường yểm trợ cho Hezbollah và các du kích quân Shiite ở Lebanon chống lại Israel. Hoa Kỳ đã thành lập, huấn luyện và trang bị cho Quân Đội Syria Tự Do để chống lại chính quyền Bashar al-Assad, nhưng tổ chức này chẳng làm nên cơm cháo gì. Cuối cùng, qua Saudi Arabia, Hoa Kỳ đã xử dụng các lực lượng thánh chiến Hồi Giáo để chiếm 1/3 Syria và phía bắc Iraq, và hình thành một vùng mới do giáo phái Sunni lãnh đạo, nhưng điều khốn nạn là lực lượng này lại rơi vào tay Nhà Nước Hồi Giáo, một tổ chức Hồi Giáo quá khích.
Năm ngoái, Hoa Kỳ dự tính mở cuộc tấn công vào Syria “vì tàng trữ võ khí hóa học” để cứu vãn các lực lượng kháng chiến chống Bashar al-Assad, nhưng bị dư luận trong và ngoài nước chống đối. Nga đã can thiệp bằng cách đưa ra đề nghị Syria giao nạp võ khí hóa học. Cả Syria lẫn Hoa Kỳ đã đồng ý. Nga thừa biết đây chỉ là kế hoãn binh. Sau khi võ khí hóa học được giao nạp, Hoa Kỳ sẽ viện lý do khác để đánh chiếm Syria như “bảo vệ người dân” chẳng hạn. Sự tàn bạo của nhóm Nhà Nước Hồi Giáo cũng được coi là một lý do chính đáng để mở cuộc tấn công.
Liệu khi Hoa Kỳ tấn công Syria, Nga có chống lại hay không? Trong quá khứ, Nga đã hai lần phủ quyết nghị quyết tấn công Syria của Hội Đồng Bảo An LHQ, nhưng các nhà phân tích tin rằng khi tình hình gay cấn, Nga không có lợi gì nhiều để bảo vệ Syria. Căn cứ hải quân của Nga tại cảng Tartus được thiết lập từ thời Liên Sô đã được rút đi. Trong nhiều thập kỷ qua, Syria đã mua vũ khí chủ yếu từ Nga, bao gồm các máy bay chiến đấu MiG, trực thắng chiến đấu, xe tăng T-90s, hệ thống tên lửa phòng vệ bờ biển Bastion, hệ thống phòng vệ tên lửa tối tân S-300... Để bù đắp những thiệt thòi khi Nga phải từ bỏ Syria, một nguồn tin nói rằng Saudi Arabia đã “đi đêm” với Nga và đề nghị một hợp đồng vũ khí trị giá tới 15 tỷ USD vào đầu tháng 8 để Nga ngừng ủng hộ chính quyền al-Assad.
Tuy nhiên, theo ông Rusla Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ TsAST của Nga, số vũ khí Nga bán cho Syria chỉ khoảng 5% tổng số lượng vũ khí mà nước này bán ra, thấp hơn rất nhiều so với các đối tác chủ yếu của Nga như Ấn Độ, Indonesia hay Malaysia, nên nó không phải là một cái gì quá quan trọng. Vấn đề là nếu để Mỹ chiếm Syria, Nga cũng sẽ mất vị thế ở Trung Đông giống như Trung Quốc.
Tờ Le Figaro của Pháp nhận định rằng Nga sẽ không có nhiều biện pháp hiệu quả để ngăn cản phương Tây xử dụng hành động quân sự. Thực tế đã cho thấy rằng khi Mỹ và phương Tây quyết đánh thì Nga hay Liên Hợp Quốc cũng không ngăn cản được.
MỸ DÙNG LÁ BÀI UKRAINA
Như chúng ta đã biết, để củng cố và bành trướng chủ nghĩa cộng sản, ngày 30.12.1922 các cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Nga và một số nước Đông Âu đã ký hiệp ước thành lập Liên bang Cộng Hoà Sô Viết, gọi tắt là Liên Sô. Liên Bang này gồm 15 nước là Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Gruzia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Litva, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraina và Uzbekistan
Năm 1949, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization – NATO) được Hoa Kỳ và một số nước ở châu Âu thành lập để ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Ngày 14.5.1955, Liên Sô và các nước cộng sản Trung và Đông Âu đã họp tại Warszawa, thủ đô của Ba Lan và thành lập khối Warszawa để đối phó với khối NATO. Nhưng 40 năm sau, từ tháng 4/1989 đến tháng 9/1991, các chế độ cộng sản Đông Âu và Liên Sô lần lượt sụp đổ. Ngày 20.12.1991, các nước thuộc Liên Sô họp và đưa ra tuyên bố “Liên Sô ngưng tồn tại”. Liên bang Sô Viết kể như tan rã. Khối Warszawa cũng tan rã theo.
Khi Liên Bang Sô Viết sụp đổ, NATO không còn lý do tồn tại nữa, nhưng Mỹ và các quốc gia Tây phương vẫn duy trì NATO để “bảo vệ hòa bình thế giới”. Họ mời các nước thuộc Liên Sô cũ và cả Nga tham gia. Cho đến nay, đã có 8 nước thuộc khối Warszawa lần lượt gia nhập khối NATO, khởi đầu là Ba Lan (1999), Hungary (1999) và Cộng hòa Czech (1999), rồi đến Slovakia (2004). Romania (2004), Slovenia (2004), Croatia (2009) và Albania (2009).
Tuy nhiên, năm 2008, khi Gruzia quyết định gia nhập khối NATO thì Nga ngăn chận, vì 70% biên giới Gruzia nằm tiếp giáp với Nga và là cửa ngõ ra Biển Đen. Khi Nga đưa quân can thiệp, quân Gruzia bỏ chạy. Abkhazia và Nam Ossetia tuyên bố ly khai khỏi Gruzia.
Nhưng Hoa Kỳ vẫn nhất quyết đưa Ukraina vào NATO vì vị thế quan trọng của nước này và là nơi có nhiều kỹ nghệ quốc phòng của Nga. Mỹ đã cho tiến hành một kế hoạch khá đơn giản là hình thành các tổ chức “xã hội dân sự” gồm các thành phần thân Mỹ và Âu Châu, tìm cơ hội cướp chính quyền, rồi tuyên bố xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu, sau đó là NATO. Khi các biến loạn xảy ra, chính ông Victoria Nuland, Phụ Tá Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Thượng Nghị Sĩ John McCain đã đích thân đến thủ đô Kiev để yểm trợ “phe ta”.
Nắm rất vững sách lược của Mỹ, Nga đã chuẩn bị kế hoạch đối phó. Ngày 21.2.2014, khi Thủ Tướng Yanukovych của Ukhraina bỏ chạy và bị Quốc Hội truất phế, Nga điều động phe đa số thân Nga ở bán đảo Crimea tuyên bố tự trị và xin sáp nhập vào Nga. Nhưng thảm họa không dừng ở đây. Sau khi Mỹ và các nước Liên Âu áp dụng các biện pháp chế tài đối với Nga, Nga đã xúi giục và yểm trợ các tỉnh có đông người Nga ở phía đông và phía nam Ukraina hình thành các lực lượng ly khai và đòi tự trị. Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 11.4.2014 tại hai tỉnh Donetsk và Luhansk, một câu hỏi duy nhất đã được đặt ra: “Quý vị có ủng hộ Đạo luật Tự trị của Cộng hòa Nhân dân Donetsk/Luhansk hay không?” Có đến 90% trả lời ủng hộ. Sau đó, một cuộc chiến đã xảy ra giữa quân chính phủ và quân ly khai, nhưng với sự yểm trợ của Nga, quân chính phủ không thể đánh bại quân ly khai được.
Nếu Mỹ và các nước Liên Âu tăng cường thêm các biện pháp chế tài, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
CÁCH NHÌN VỀ VÁN BÀI UKRAINA
Tướng Wesley Clark, cựu tư lệnh của NATO, nói với hãng thông tấn CNN rằng Nga muốn duy trì Ukraine không ổn định để ngăn chận Ukraina gia nhập NATO. Ông nói: "Ông ấy xây dựng năng lực của mình để can thiệp. Ông ấy muốn nó là của Nga.”
Phóng viên Elise Labott của CNN cũng có nhận định tương tự: "Một cách để ngăn chặn từ Ukraine tham gia phương Tây là làm cho nó không ổn định bằng cách giữ cho cuộc nổi dậy này kéo dài."
Nói một cách rõ ràng hơn: Nga quyết định duy trì sự bất ổn ở hai tỉnh Donetsk và Luhansk để nếu Ukraina xin gia nhập NATO, Nga sẽ mở cuộc tấn công giống như ở Gruzia năm 2008, biến hai tỉnh này thành khu tự trị rồi sát nhập vào Nga. Ukraina sẽ bể làm hai.
Trong cuộc họp báo hôm 28.8.2014 tại Washington, Tổng Thống Obama tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không hành động quân sự để giải quyết vấn đề Ukraine. Những gì chúng tôi đang làm là huy động cộng đồng quốc tế gây áp lực lên Nga.”Lời tuyên bố này cũng có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ không hối thúc Ukraina gia nhập NATO lúc này.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với hãng tin Itar-Tass trong một cuộc phỏng vấn rằng NATO “đang tìm kiếm một ý nghĩa mới cho sự tồn tại của mình. Nếu như không có Ukraine, thì tôi đảm bảo với các bạn là họ sẽ lại lợi dụng một khía cạnh nào khác trong chính trị nội bộ hoặc đối ngoại của nước Nga để đồn đoán”.
Ông Lavrov chất vấn: “Nếu không còn Hiệp ước Warsaw và Liên Xô, quân đội cũng đã rút thì NATO còn tồn tại để làm gì?”
RỒI UKRAINA SẼ ĐI VỀ ĐÂU?
Người đứng ra để đối phó với tình hình đất nước Ukraina hiện nay là Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk. Ông sinh năm 1974, là một luật sư, năm nay mới 40 tuổi, nhưng đã giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Bộ Kinh tế (2005-2006), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (2007), lãnh tụ Đảng Đất Cha (Fatherland), một đảng lớn thứ hai ở Ukraina. Ông được chỉ định làm Thủ Tướng kể từ ngày 27.2.2014, đến ngày 24.7.2014 ông xin từ chức, nhưng chưa được Quốc Hội chấp thuận. Qua các cuộc họp báo và nói chuyện của ông, chúng ta thấy ông chưa có nhiều kinh nghiệm về chính trị. Cũng như Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của VNCH, ông không biết đồng minh và địch đang làm gì nên thường phát biểu và hành động theo cảm tính.
Hôm 29.8.2014 ông đã trình lên quốc hội “dự luật bãi bỏ quy chế không liên minh của Ukraine và khôi phục tiến trình trở thành thành viên NATO.”
Hôm 4.9.2014, ông lại đưa ra kế hoạch xây bức tường biên giới giữa Ukraina và Nga. Ông nói: "Đây sẽ là chuyện xây một bức tường thực sự theo nghĩa đen để lập biên giới quốc gia giữa Ukraine với Liên bang Nga,” và "Dự án Bức Tường sẽ được hoàn thành trong vòng 6 tháng.” Xem ra bức tường này có vẽ giống “Phòng tuyến Tuy Hòa” (không tưởng) kéo dài từ Phú Yên đến Tây Minh mà Tổng Thống Thiệu dự định thành lập sau khi rút khỏi Cao Nguyên và miền bắc Trung Phần theo kế hoạch “tái phối trí”!
Tổng Thống Petro Poroshenko không bằng lòng về kế hoạch của ông và ông không còn được đa số trong quốc hội ủng hộ nên ông xin từ chức. Tạp chí Expert của Ukraina viết: “Arseny Yatsenyuk chỉ quyết định nhảy ra khỏi toa tàu trước khi nó đâm xuống, vì thế không ai có thể bắt ông ta chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ.”
Nếu các nhà lãnh đạo Ukraina không biết cách lãnh đạo đất nước như chính phủ Nguyễn Văn Thiệu của VNCH trước 1975, rồi Ukraina cũng sẽ bị biến thành con bài thí và chịu số phận như VNCH.
Ngày 4.9.2014
Lữ Giang
Thư-Viện Bồ Đề Online @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
***
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Châm Biếm - Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện Ngắn
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử