2.000 đại gia thế giới sắp lộ diện trên WikiLeaks
1, 2
...
Nhiều tỷ phú điêu đứng vì WikiLeak
Không chỉ có các nhà lãnh đạo phải lo lắng mà một số người giàu có trên thế giới, thậm chí là các tỷ phú trong danh sách của Forbes cũng đang gặp không ít rắc rối vì WikiLeaks.
Những tiết lộ của WikiLeaks về bí mật ngoại giao của các đại sứ quán Mỹ đã làm chính phủ nhiều nước nổi giận. Việc này gây lo ngại cho các tổng thống và hoàng gia trên thế giới khi các cuộc đàm phán theo đường “cửa sau” của họ bị phơi bày. Chính phủ Mỹ cũng đang cân nhắc tiến hành các biện pháp pháp lý chống lại nhà sáng lập WikiLeaks - Julian Assenge - người vẫn đang tiếp tục công bố các tài liệu mật. Ông đã nói với Andy Greenberg của Forbes rằng “đợt công bố lớn” tiếp theo của ông sẽ là về các ngân hàng ở Mỹ.
Và trong khi WikiLeaks vẫn đang dần dần tiết lộ 251.287 công văn mật qua 5 cơ quan thông tấn được Assenge lựa chọn, thì không chỉ có các nhà lãnh đạo phải lo lắng rằng bí mật của họ bị bại lộ, mà một số người giàu có trên thế giới, thậm chí là các tỷ phú trong danh sách của Forbes cũng đang gặp không ít rắc rối vì WikiLeaks.
Timur Kulibayev một trong “4 người gác cổng quyền lực nhất” xung quanh tổng thống Nazarbayev. Ảnh: Rferl
Trong một bức công điện hồi tháng 1 của Đại sứ quán Mỹ tại Astana có tiêu đề “Kazakhstan: Tiền bạc và quyền lực”, một nhà ngoại giao giấu tên đã mô tả cuộc họp giữa tỷ phú Timur Kulibayev (con rể của tổng thống và cũng là một trong số những người giàu nhất nước), với một quan chức cao cấp tại KazMunaiGaz - một công ty lớn của nhà nước về sản xuất khí gas và dầu mỏ. Kulibayev được Forbes định giá 1,1 tỷ USD, là chủ tịch của KazMunaiGaz, đồng thời là một trong “4 người gác cổng quyền lực nhất” xung quanh tổng thống Nazarbayev.
Trong bức mật thư, Kulibayev được gọi bằng biệt danh “ the hyphen” (dấu gạch nối) để ám chỉ vai trò của ông như một trung gian giữa tổng thống và thủ tướng nước này, và đồng thời là cánh cửa phải bước qua đối với bất kỳ ai muốn kinh doanh tại Kazakhstan. Vị quan chức của KazMunaiGaz được miêu tả là đang có một cuộc tranh cãi với “con rể cưng của tổng thống”, người mà ông ta gọi là “ kẻ kiểm soát tối cao 90% nền kinh tế Kazakhstan. Nhà ngoại giao trên đã viết trong mật thư rằng: “Cả hai bọn họ đều vờ như bỏ qua vấn đề cốt lõi: Đó là việc Kulibayev đã nhận rất nhiều của hối lộ”.
Theo đó, vị quan chức trên đã khẩn thiết yêu cầu Kulibayev cải thiện hình ảnh của mình và của cả Kazakhstan, vốn đang bị dịch tham nhũng hoành hành tràn lan. Tuy nhiên, vị tỉ phú lại hoàn toàn không nhiệt tình với đề nghị này, giống như “một đức phật đứng trước cửa hiệu làm móng tại Paris” vậy. Và cũng theo như vị quan chức đó, thì “trò chơi vẫn đang tiếp tục”, vì Kulibayev vẫn “hám các khoản lợi nhuận kếch xù”.
Vị chủ nhà tồi Alexander Machkevich. Ảnh: Forbes
Trong số các tỷ phú bị dính đòn của WikiLeaks còn có cả Elena Baturina - một tài phiệt trong ngành xây dựng có tài sản ước tính khoảng 2,9 tỷ USD, theo danh sách mới nhất của Forbes. Cũng giống như Kulibayev, Baturina không chỉ giàu mà còn có quyền lực rất lớn nhờ kết hôn với Yuri Luzhkov - khi ấy vẫn là thị trưởng Moscow. Trong bức công điện hồi tháng 2 gửi từ đại sứ quán Moscow với tiêu đề: “Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Luzhkov”, đại sứ Mỹ John Beyrle đã viết về “các hành vi tham nhũng” của vị cựu thị trưởng này, theo một nguồn tin liên lạc bí mật, như sau: “Luzhkov có rất nhiều kẻ thù vì vợ ông ta làm ăn rất phát đạt tại Moscow và rất nhiều người nghĩ rằng ông ta ‘ăn’ được quá nhiều tiền”.
Kể từ lúc bức điện này được viết ra, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã bãi nhiệm chức thị trưởng của Luzhkov, Tatiana Serafin của Forbes tin rằng việc này sẽ ảnh hưởng tới Bartina. Tuy nhiên, cả Luzkkov và vợ ông ta đều phủ nhận mọi cáo buộc cho rằng họ lạm dụng chức vụ của mình.
Nhà tỷ phú thứ ba được nêu tên trong các tiết lộ của WikiLeaks không bị cáo buộc tham nhũng, mà bị gán cho danh hiệu là một chủ nhà tồi. Tài phiệt khai mỏ mang hai dòng máu Israel - Kazakhstan - Alexander Machkevich được Forbes định giá tài sản là 3,3 tỷ USD. Theo một bức công điện hồi tháng 4/2008, ông đã mời một quan chức của đại sứ quán Mỹ tới nhà mình ở Almaty ăn tối 4 lần.
Trong một công văn có phần mỉa mai, nhà ngoại giao Mỹ tiết lộ rằng ông chẳng có ấn tượng gì với các bữa tiệc của Machkevich: “Thật chẳng hiểu ông ta dùng hàng tỷ USD vào việc gì, nhưng chắc chắn không phải để thuê các đầu bếp giỏi. Cả 4 lần vị đại sứ ăn tối ở nhà ông ta, thực đơn đều y như nhau với món beshparmak (thịt luộc và mì) và chim choi choi là chủ yếu. Nhân viên phục vụ thì dường như là tốt nghiệp từ trường đào tạo của Soviet. Nhưng ít nhất thì rượu của ông ta cũng là rượu nho Pháp được mở sẵn cho khách. Căn nhà ở Astana có những tấm thẻ gỗ đặt trên cửa, nhưng nó hợp với các căn lều đi săn của vùng Wyoming hơn là các căn nhà của giới thượng lưu tại Kazakhstan”.
WikiLeaks vẫn đều đặn hàng ngày công bố các công điện mật mà họ có. Và những tiết lộ trên đây được lấy từ 505 bức điện đã được tiết lộ tính đến thời điểm này. Với hơn 250.000 bức điện còn lại, chắc chắn sẽ còn nhiều tỷ phú nữa bị “dính đòn” bởi những bí mật chết người như thế này.
1, 2