Việt Nam Phản Hồi Báo Cáo Của HRW
Kết quả khảo sát thường niên lần 21 của Human Rights Watch về tình trạng thực thi nhân quyền toàn cầu cho rằng, Việt Nam không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người Khmer Krom.
Các nhà sư Khmer Krom biểu tình trước Cung điện Hoàng gia Campuchia đòi Chính phủ VN tôn trọng nhân quyền Khmer Krom hôm 20/04/2007. Photo by Quốc Việt
Phát ngôn viên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, ông Lê Minh Ngọc, khẳng định rằng, những thông tin tổ chức HRW thu thập được là từ những cá nhân chống đối Chính phủ.
Không có cơ sở?
Ông Lê Minh Ngọc cho Đài Á Châu tự do biết vào hôm thứ tư, ngày 26 tháng giêng, tức là chỉ vài ngày sau khi tổ chức HRW công bố phúc trình báo cáo nhân quyền liên quan Việt Nam đàn áp tín ngưỡng tôn giáo người Khmer Krom rằng, tất cả những thông tin nói Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tín ngưỡng tôn giáo là những thông tin không cơ sở. Còn riêng đối với người Khmer Krom thì Việt Nam tôn trọng quyền tự do và tín ngưỡng như những các dân tộc khác.
Ông Lê Minh Ngọc cho biết như vừa nêu, sau khi có phúc trình của tổ chức Human Rights Watch cho rằng, chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến, thẳng tay áp chế các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, và lập hội. Tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam cũng không mấy sáng sủa hơn, vì công an liên tiếp sách nhiễu thành viên của các nhóm tôn giáo độc lập. Đối tượng của chính quyền có Phật giáo Khmer Krom, nói rõ hơn có một trụ trì Phật giáo Khmer Krom Thạch Sophon đang bị quản chế tại nhà.
Tuy nhiên, ông Lê Minh Ngọc phản hồi rằng, Việt Nam cũng như phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đã nói Việt Nam tôn trọng tất cả các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam như nhau, và mọi người đều có quyền bình đẳng đối xử trước pháp luật. Theo cá nhân ông, phúc trình của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch chưa khách quan và chính xác liên quan vấn đề người Khmer Krom ở Việt Nam. Ông Ngọc đưa ra nhận định:
Những thông tin mà tổ chức Human Rights Watch nhận được có thể từ những cá nhân có ý thức chống đối chính quyền, thông tin bịa đặt để chống chính phủ hay nhà nước Việt Nam.
“Những thông tin mà tổ chức Human Rights Watch nhận được có thể từ những cá nhân có ý thức chống đối chính quyền, có nhiều thông tin được kiểm chứng và nhiều thông tin cá nhân cung cấp cho tổ chức nước ngoài là những thông tin bịa đặt để chống chính phủ hay nhà nước Việt Nam.”
Một người Khmer Krom theo đuổi tình hình nhân quyền và tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam bày tỏ rằng, phúc trình tổ chức Human Rights Warch nêu vấn đề cựu nhà sư Thạch Sophon ở tỉnh Trà Vinh đã thể hiện cho thấy chính phủ Việt Nam đàn áp tinh thần các dân tộc thiểu số và tín ngưỡng tôn giáo của người Khmer Krom.
Ông nói rằng, cựu nhà sư Thạch Sophon bị bắt giữ từ tháng 4 năm 2010 vì lý do giam giữ người trái phép trong nhà Chùa, nhưng Tòa án Nhân dân TP. Trà Vinh xét xử vào hôm 27 tháng 9 năm 2010 và tuyên án 9 tháng tù treo. Vì lý do này, ông cho rằng Chính quyền Việt Nam không buông tay kiềm chế người Khmer Krom trong lúc cộng đồng này thường xuyên tổ chức khiếu kiện đất đai và biểu tình đòi tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo một cách ôn hòa.
Quyền tự do tín ngưỡng
Một người Khmer Krom có nhận định thêm, “người dân tộc Khmer sống ở các tỉnh phía Nam của Việt Nam, nhưng họ không được tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. Người dân tộc Khmer 99% theo đạo Phật, nhưng Việt Nam luôn đàn áp, bịa đặt chuyện này chuyện nọ, bắt họ giam giữ vô chứng cứ.
Lực lượng chính quyền Phnom Penh đàn áp nhà sư Khmer Krom khiếu nại trước Tòa đại sứ quán VN tại PP hôm 17/12/2007. Photo by Quốc Việt
Có nghĩa là bị bắt không xem xét được minh bạch xem họ phạm vào tội gì. Như nhà sư Thạch Sophon, họ bắt gần một năm trời mới thả, nhưng vẫn bị án treo. Thực tế, chúng tôi không thấy nhà sư Thạch Sophon làm sai luật pháp gì của nhà cầm quyền Việt Nam. Do đó, chúng tôi ngẫm nghĩ rằng, Việt Nam không có tự do tín ngưỡng tôn giáo cho dân tộc Khmer.”
Liên quan vấn đề cáo buộc này, ông Lê Minh Ngọc nói rằng hầu hết ở Việt Nam đều thi hành theo pháp luật. Các vụ án được xét xử đều làm đúng theo trình độ pháp luật và cũng không có vấn đề phân biệt đối xử. Ông Ngọc nói, “những thông tin cho rằng Việt Nam phân biệt đối xử những người Khmer Krom từ xưa đến nay đều là những thông tin mang tính chất chống phá Việt Nam và chống phá quan hệ Việt Nam với các nước liên quan, đặc biệt là Campuchia.”
Nhưng các tổ chức Khmer Krom thường cho rằng, họ không chống chính quyền Việt Nam, ngược lại họ bị chụp mũ mang dấu ấn Khmer đỏ. Ông Sơn Chum Chuôn, điều phối viên tổ chức Nhân quyền và phát triển Khmer Krom ở Campuchia cho biết, “họ đấu tranh đòi Chính phủ Việt Nam tôn trọng Công ước quốc tế về Nhân quyền. Còn trường hợp nói người Khmer Krom chống chính phủ thì tôi nghĩ rằng Khmer Krom bị chụp mũ, trong khi quyền tự do tiếp cận thông tin, tự do tín ngưỡng tôn giáo của người Khmer Krom đang bị Chính phủ Việt Nam tước đoạt”.
Nếu nói người Khmer Krom chống chính phủ thì tôi nghĩ rằng Khmer Krom bị chụp mũ, trong khi quyền tự do tiếp cận thông tin, tự do tín ngưỡng tôn giáo của người Khmer Krom đang bị Chính phủ Việt Nam tước đoạt.
Ông Sơn Chum Chuôn
Phúc trình của tổ chức Human Rights Watch cũng chỉ trích Chính phủ Phnom Penh không tôn trọng và tạo điều kiện cho các nhà đấu tranh Khmer Krom sang Campuchia để xin tị nạn. Mặc dù Chính phủ hứa hẹn người Khmer Krom sang Campuchia, họ trở thành công dân nước này hợp pháp và có quyền cư trú, tuy nhiên trong tháng 2 năm 2010, chính quyền yêu cầu nhóm người tị nạn Khmer Krom cung cấp tài liệu cần thiết để thuê nhà ở, có việc làm, và tiếp cận y tế, giáo dục, và các dịch vụ khác.
Ông Our Virak, Giám đốc Trung tâm Nhân quyền Campuchia thừa nhận Chính phủ hoàng gia Campuchia cũng cảnh giác rất cao, đặc biệt liên quan các hoạt động đòi quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, nhân quyền của người Khmer Krom. Ông thừa nhận có nhiều trường hợp người Khmer Krom bị bắt giữ, nếu như họ bày tỏ liên quan quyền lợi. Ông còn cho rằng, nhóm người Khmer Krom ở Campuchia cũng dễ dàng bị đàn áp trong lúc Chính quyền Phnom Penh có mối quan hệ mật thiết với Việt Nam.