TC: Một Tương Phản Kỳ Dị
Vi Anh
Hai mươi năm trước đây, trong thời Chiến tranh Lạnh, giữa khi phong trào dân chủ phát triễn làm sụp đổ tất cả các chế độ CS ở Đông Âu và Liên xô, thì TC dùng quân đội tàn sát phong trào này ở Thiên An môn. TC thoát khỏi cuộc khủng hoảng tử vong của CS, rồi sau đó mở cửa kinh tế và khoá chặt chánh trị theo mô thức kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hai mươi năm sau, trong thời đại kinh tế tư do toàn cầu, TC trở thành siêu cường kinh tế hạng nhì trên thế giới, vượt qua Nhựt trong lúc Tây Phương nghiêng ngửa với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. TC không những là một tương phản kỳ dị trong Thế Giới Tự do và Cộng sản mà còn kỳ dị trong xã hội Trung Quốc nữa.
Một, Đảng Nhà Nước CS giàu mạnh, người dân thì nghèo khổ. Hàng hoá của TC xuất cảng tràn ngập thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ, giả rất rẻ, bán như cho như hàng hoá Nhựt trước Thế Chiến 2. Ngoại tệ sỡ hữu của TC tích lũy nhiều nhứt thế giới. Nhiều siêu cường thiếu nợ TC, trong đó có Mỹ đệ nhứt siêu cường thế giới, nợ TC như Chúa Chổm.
Chế độ quá tương phản với người dân. 700 triệu người dân, gần phân nửa dân số, làm việc cật lực mà nghèo rớt mồng tơi, bữa cơm bữa cháo, ở nhà ổ chuột. Nhứt là đối với số nông dân từ nông thôn ra thành thị kiếm ăn vì TC phát triễn kỹ nghệ chánh yếu ở thành phố.
Công nhân TC chỉ $117 USD/tháng, chỉ hơn VN gần $49 USD/tháng, và Miên $47.36 USD/tháng. Nhưng thua các nước nhỏ xung quanh, Thái Lan 156 USD/tháng, Philippines 167, Malaysia 336, Đài Loan 540 USD/tháng, Hàn Quốc 830, Singapore 1,146 và Nhật 1.810.
Lúc nào cũng có hàng triệu dân oan bị Đảng Nhà Nước cướp nhà, cướp đất dưới chiêu bài qui hoạch, bồi thường rẻ mạt (thường thường chỉ bằng 1/10 thực giá). Những dân oan này vác đơn đi thưa kiện từ làng, huyện, tỉnh, lên trung ương, năm này qua tháng nọ mà chẳng được gì; chỉ có 0,2% đạt kết quả.
Hố sâu ngăn cách nghèo giàu và thành thị nông thôn ở TC, ngày càng sâu rộng vì TC chủ trương kỹ nghệ hoá ở thành thị và sản xuất để xuất cảng.
Báo chí Tây Phương có khi gọi TC là một người khổng lồ với đôi chân làm bằng đất sét hay là một mô hình đang kiệt sức.
Cuộc cách mạng xã hội lúc nào cũng có thế bùng nổ. CS Bắc Kinh phải dùng một kinh phí 55 tỷ euro, tương đương ngân sách quốc phòng, để ổn định xã hội bằng nhiều hình thức trấn áp. Trấn áp ngoài Đảng lẫn trong Đảng vì tự do, dân chủ, nhân quyền, dân quyền là quyền lực mềm nhưng hai mặt giáp công. Giá trị nhân bản và đạo lý này tác động tuy êm nhưng rất thấm, rất đau đối với độc tài chánh trị. Từ ngoại quốc vào TC. Từ người dân vào Đảng CS, một đảng phái chánh trị và một chủ nghĩa bị cả thế giới coi là thất bại. Điều mà nhà cầm quyền CS sợ nhứt là tự do, dân chủ, quyền lực mềm đó tác động vào nội bộ đảng.
Vì hiện tình cho thấy vũ khí tuyên truyền dối gạt và dùng khủng bố để củng cố tuyên truyền của CS đã vô hiệu rồi. Qui luật cách mạng cho thấy cách mạng thường xảy ra khi người dân cảm thấy khấm khá hơn muốn cái gì tốt dẹp hơn, chớ không phải lúc người dân cùng khổ. Người dân đã hết sợ, cái gì cũng biểu tình, nông dân, công nhân, dân oan, dân bị đảng viên CS cường hào ác bá lâu nay áp bức bóc lột đều biểu tình. Tiến bộ khoa học kỹ thuật thời đại Tin học giải thoát Con Người, đứng về phía nhân dân, giúp người dân kết nối lại chống sự kềm kẹp của CS độc tài đảng trị toàn diện.
Hai, TC mạnh ngoài yếu trong trên phương diện tương quan quân sự. Nhiều người nói thế kỷ 21 là thế kỷ của Á châu, nổi bật là Trung Quốc. Nhưng hiện tại thí khác với tiên đoán. Hầu hết các chiến lược gia đánh giá phải nhiểu năm nữa TC mới có thể so nổi với Mỹ. Về không quân, báo Washington Post nhận định TC chưa có thể chế tạo được động cơ máy bay quân sự. Kỹ nghệ quốc phòng của TC chưa có thể “tự lực” được trong nhiều năm nữa, còn phải phụ thuộc rất nhiều vào Nga. Ông Ruslan Pukhov, giám đốc Trung tâm Phân tích Công nghệ Chiến lược, đồng thời là cố vấn của bộ Quốc phòng Nga nói, «Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc vào chúng tôi và sẽ tiếp tục phụ thuộc như vậy trong thời gian tới ».
Về Hải Quân, vì bị Nga từ chối, Bắc Kinh phải tự chế tạo tàu ngầm, đã có một tàu ngầm, lớp Tấn, chạy bằng nguyên tử, có hoả tiễn và trong tương lai sẽ thêm năm chiếc loại này nữa. Nhưng theo cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ - ONI - nhận định, tàu ngầm lớp Tấn cho phép Trung Quốc có đủ khả năng đánh trả một cuộc tấn công hạt nhân với tên lửa đạn đạo tầm xa 4000 dặm. Thế nhưng nó gây tiếng ồn còn hơn cả tàu ngầm do Liên Xô chế tạo cách nay 30 năm. Do vậy, nó có thể bị phát hiện sớm, ngay sau khi rời cảng.
Ba và sau cùng, hình ảnh tương phản kỳ dị của TC không khác gì của VNCS. Trong xứ VNCS, 0,4% dân số là đảng viên, cán bộ và những người ăn theo CS thời mở cửa chiếm 70% tài lợi quốc gia, trong khi 99.6% chỉ có 30% còn lại. Nông dân có làm mà vẫn không có ăn. Công nhân lương chết đói. Biểu tình, lãng công không có kết quả vì “công đoàn” là cánh tay của CS kềm kẹp công nhân. Dân oan đi khiếu kiện nhà cầm quyền triền miên, nhưng “con ong cái kiến kêu gì được oan”.
Nhiều nhà nghiên cứu khuyên VNCS không theo mô hình TC quá nhiều tương phản kỳ dị. Ông Michael Porter, giáo sư Đại Học Harvard, trong cuộc hội thảo “Cạnh tranh và Chiến lược công ty ngày nay” ngày 29 tháng 11, 2010 khuyến cáo VNCS: “Bắt chước Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa giá rẻ là điều Việt Nam hoàn toàn không nên làm”.
Thêm vào đó Anh Cả Đỏ Ba Tàu xâm thực giang sơn gấm vóc VN mà CS Hà nội ở thế kẹt không có hành động thiết thực bảo vệ, chống quân xâm lăng, nhưng lại đi hành hạ những người dân Việt yêu nước thương nòi đi biểu tình, lên tiếng chống lại quân Tàu.
Cũng như TC, nhà cầm quyền CS Hà nội thẳng tay, mạnh tay trấn áp, tù đày những người đòi tự do tôn giáo, tự do, dân chủ, nhân quyên cho VN.
Những nghịch lý này CS dùng võ lực khủng bố, trấn áp, bắt bớ, tù đày để bắt người dân phải chấp nhận. Sức ép càng nhiều sức bật càng cao. Liệu người dân Trung Hoa đông nhứt hoàn cầu, người dân Việt từng đánh bại quân Nguyên Mông khét tiếng hoàn cầu còn cam tâm chịu khổ nhục vì CS bao lâu nữa./.
VI ANH