Nổi dậy ở Trung Đông : ngược dòng lịch sử
Nguyễn Hoài Vân
Trong khi sự sụp đổ của chính quyền Khadafi chỉ còn là vấn đề thời gian, và làn sóng đấu tranh đang tiếp tục xô ngã các thể chế độc tài ở Trung Đông (*), chúng ta có thể nhìn về quá khứ với vài nhận xét như sau :
1) "Chính sách thực dụng" (realpolitik) được áp dụng với các chính thể độc tài đã đặt nhiều chính quyền Tây phương trong tư thế khó khăn. Tổng thống Sarkozy đã viếng thăm Tunisia gần đây, đã ca ngợi Ben Ali, Khadafi vừa được tiếp rước như thượng khách ở Paris cách đây hai năm, không ngừng mua máy bay và súng đạn từ Tây phương, có liên hệ bạn bè thân thiết với thủ tướng Ý Berlusconi, được để cho nắm đa số cổ phần nhiều công ty Ý, kể cả đội bóng đá Juventus ... Moubarak cũng luôn được coi như một lãnh tụ đầy thiện chí, giúp ngăn chặn phong trào Hồi Giáo cực đoan, cản trở việc tiếp tế súng đạn cho Palestine, áp lực trên Palestin khi có hòa đàm với Do Thái ... Rồi khi Bouteflika xóa bỏ một cuộc bầu cử vì đảng Hồi Giáo thắng phiếu, để áp đặt tình trạng thiết quân luật trên Algeria trong suốt hơn hai thập niên, Tây Phương cũng đã vỗ tay tán thưởng, coi như không thể làm khác. Saudi Arabia, Koweit, Barhein, Jordan, Maroc, Yemen ... đều là những bạn tốt hay những đồng minh chiến lược của Tây phương, bất chấp tính chất độc tài của chính quyền tại các nước này. Ngày nay, người ta nhìn thấy giới hạn của nền chính trị thực dụng ấy.
2) Cuộc chiến Irak có thực sự cần thiết hay không ? Cuộc chiến này đã làm chết từ 665 ngàn (Lancet - 2006) đến 1 triệu người (Opinion Research Business - 2007), gây thương tật cho 250 ngàn người và bắt 2 triệu rưỡi người phải lên đường tỵ nạn. Khi nhìn làn sóng đấu tranh đòi dân chủ hiện tại, người ta có thể tự hỏi Sadam Hussein có thể có được một tương lai nào khác hơn anh đồng nghiệp dữ tợn Khadafi hay không ? Nếu Hoa Kỳ và Tây phương tích cực trợ giúp các phong trào dân chủ ở Irak thay vì chiếm đóng nước này thì tương quan với thế giới Ả Rập có khá hơn không ?
3) Người ta thường nhắc đến ảnh hưởng của vị Giáo Hoàng người Ba Lan trong sự sụp đổ của khối Đông Âu, bắt đầu bằng các cuộc đấu tranh của thợ thuyền Ba Lan. Trong trường hợp Trung Đông, có thể tự hỏi đâu là ảnh hưởng của vị tổng thống gốc Hồi Giáo Obama trong các cuộc nổi dậy hiện nay ? Bài diễn văn của ông ở Cairo tháng 6 năm 2009 đã gây nhiều chú ý trong khắp thế giới Ả Rập. Thêm vào đó, sự kiện chính Obama, một người da đen, gốc Hồi Giáo, có thể được bầu lên địa vị tối cao của một nước mang trách nhiệm lãnh đạo thế giới, cho thấy sức mạnh cực kỳ to lớn của dân chủ. Nó có khả năng gợi ý cho những khát vọng dân chủ tại các nước độc tài Trung Đông.
4) Những cơn khủng hoảng về giá dầu trong quá khứ đã nhiều lần khuynh đảo nền kinh tế thế giới. Người ta đã nghĩ phải hòa hoãn với những chính thể độc tài xuất cảng dầu, để luôn tìm một thỏa hiệp cho sự an toàn nguyên liệu và ổn định kinh tế. Thật ra, trong bản chất, các thỏa hiệp ấy phục vụ quyền lợi của giới tài phiệt dầu hỏa, và nhất là những chính thể độc tài xuất cảng dầu. Phú hữu tập trung trong tay những nhà độc tài và phe nhóm của họ cũng hướng một khối tiền khổng lồ vào đầu cơ tài chính, từng góp phần gây nên những biến động tài chính với nhiều tai hại. Người ta cho rằng những nhân nhượng về đạo đức là cái giá phải trả cho sự ổn định kinh tế. Thật ra, ổn định không tạo ra phú hữu bằng những xáo trộn đến từ một sáng tạo quan trọng, trong lãnh vực khoa học kỹ thuật, như cuộc cách mạng tin học, hay trong lãnh vực tổ chức xã hội, như sự chuyển đổi từ độc tài toàn trị sang dân chủ, như ở Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Đông Âu ... Nếu tiền bạc, thay vì tập trung trong tay vài gia đình có quyền lực, được phân phối ra xã hội, thì biết bao cơ hội đầu tư sẽ xuất hiện, bao sáng kiến sẽ nảy sinh, chưa kể sự tăng vọt của nhu cầu tiêu thụ, sẽ kích thích mạnh mẽ nền kinh tế toàn cầu. Những nhân nhượng với độc tài, như thế, là không hiệu quả, kể cả trên phương diện kinh tế.
5) Một số những chính thể độc tài hiện đang lung lay xuất phát từ các cuộc đấu tranh chống thực dân, hay chống một chế độ độc tài khác. Các nước Tây phương, đặc biệt là các nước thực dân cũ, thường ngại ngùng trước những quá khứ gợi lên những trang sử tội lỗi của họ, và không mấy hăng hái trong sự can thiệp giúp giải thể các chế độ đã từng là đối thủ của họ trong quá khứ. Tuy nhiên, người ta phải nhìn thấy rằng các chính thể độc tài kia đã tự tặng cho mình cái quyền bắt bánh xe lịch sử phải ngừng lăn, quyền đứng bên lề dòng tiến hóa của nhân loại, với lý do là họ kế thừa một truyền thống đấu tranh đã giải phóng dân tộc họ. Bài học này cho thấy không có cuộc cách mạng nào không có giai đoạn thoái trào của nó, và dù cho nó đã từng có một hiệu lực khai phóng ở một thời điểm nào đó, cũng không khỏi trở thành một yếu tố trì trệ, suy thoái, ở một thời điểm khác.
Nguyễn Hoài Vân
28 tháng 2- 2011
(*) Dân chúng Oman đã nhập cuộc từ hai ngày nay, Tunisie lại lật đổ một thủ tướng thứ hai, Bahrein, Irak, Yemen vẫn tiếp tục đấu tranh ...