Nhìn Về 2012
Vũ Linh
...dân Mỹ thường bầu lại đương kim tổng thống...
Bước qua năm mới, kẻ viết này muốn gieo thử một quẻ cho hai năm tới, xem tương lai chính trị của TT Obama như thế nào. Dĩ nhiên là chỉ đoán mò cho vui chứ nếu biết trước những gì sẽ xẩy ra cả hai năm sau thì… chơi cổ phiếu chắc chắn có lợi hơn viết báo nhiều.
Chính trị ở Mỹ không giống với chính trị ở các nước “dân làm chủ, đảng lãnh đạo”, chuyện gì cũng biết trước được… cả chục năm trước, với các lãnh tụ muôn năm và chính sách vĩnh cửu, dù trời mưa hay nắng. Chính trị ở cái xứ Mỹ này là dân làm chủ cả nước, kể cả làm chủ cái đảng lãnh đạo luôn. Bằng chứng là dân vừa lên tiếng rất mạnh trong kỳ bầu cử vừa qua, khiến đảng lãnh đạo phải điều chỉnh chính sách một cách quy mô.
Dân làm chủ cũng có nghĩa là gió thổi ngược thổi xuôi, chẳng ai đoán được sẽ thổi theo chiều nào, lúc nào. Hai năm trước, ông Barack Obama được coi như Đấng Tiên Tri giáng trần, một tháng trước đây, ông bị coi như tổng thống bết bát có nhiều hy vọng về vườn sớm trong thất vọng của cả nước, của cả thế giới không chừng. Bây giờ thì ông lại đang được truyền thông thổi lên như một tổng thống xuất sắc, biết thích nghi với ý dân, và bảo đảm sẽ ngồi trong Tòa Bạch Ốc sáu năm nữa. Thành ra bây giờ mà đoán chuyện hai năm nữa thì có mà Thánh mới biết chính xác được. Dù vậy, cũng chẳng thiệt hại hay mất mát ghê gớm gì nếu ta cứ bàn tới.
****
Cuối năm 2012, nước Mỹ sẽ đi bầu tổng thống lại, cũng như bầu lại phần lớn cấp lãnh đạo trong quốc hội và ở cấp tiểu bang.
Về phía Dân Chủ, theo truyền thống chính trị Mỹ, có nhiều hy vọng sẽ không có chính khách Dân Chủ nào ra tranh chức với đương kim tổng thống Obama. Hiện nay, ta không thấy khuôn mặt sáng giá nào hết, trừ bà Hillary Clinton thì bà lại nói trước là sẽ không ứng cử gì cả....
Trong cuộc tranh cử năm 2008, thượng nghị sĩ Barack Obama phải chạy đua với một số ứng viên nặng ký khác của đảng Dân Chủ. Nhưng sau khi đắc cử, ông đã mau mắn hoá giải hay khoá tay các đối thủ quan trọng nhất. Thượng nghị sĩ Joe Biden được mời làm phó tổng thống, thượng nghị sĩ Hillary Clinton được mời làm Ngoại Trưởng. Dĩ nhiên sẽ không thể có chuyện hai người này nhẩy ra tranh cử với tổng thống đương nhiệm. Ai dám nói TT Obama không có thủ đoạn chính trị?
Ngoài hai vị này ra, chẳng có ai thấy có chút hy vọng nào. Các tên tuổi lớn của Dân Chủ như Ted Kennedy, Robert Byrd đều vừa qua đời. Một lô nghị sĩ, dân biểu, thống đốc tên tuổi cũng vừa được dân Mỹ mời về vườn đi câu cá. Lãnh tụ khối Dân Chủ, nghị sĩ Harry Reid, vừa thoát chết, lận đận thắng một bà vô danh trong đường tơ kẽ tóc, làm sao dám ôm mộng tranh chức tổng thống với Obama? Cựu PTT Al Gore đã chẳng còn bao nhiêu uy tín, nhất là hai năm qua là hai năm nước Mỹ bị bão tuyết liên miên, khiến thuyết hâm nóng địa cầu của Gore trở thành trò cười cho thiên hạ.
Một yếu tố nữa là chuyện ra tranh cử chống lại tổng thống đương nhiệm của phe mình cũng là một hành động chính trị phiêu lưu cực kỳ nguy hiểm. Nếu thất bại thì sẽ thân bại danh liệt vì mang tiếng là “phản đảng”, chưa kể sẽ bị tổng thống trả thù. Trong tình trạng hiện hữu, người ta không thấy trong đảng Dân Chủ có người có ý định ra thách đấu với TT Obama.
Sau cùng là vấn đề lý tưởng. Người ta chỉ có thể ra tranh cử chống tổng thống đương nhiệm nếu thấy vị này dường như là đã có hành động “phản đảng”, phản lại lý tưởng của đảng. Như TT Bush cha bị chính khách bảo thủ Pat Buchanan ra thách đấu vì TT Bush tăng thuế, trái với đường hướng và lời hứa của ông khi tranh cử. Cho đến nay, TT Obama đi đúng theo đường hướng cấp tiến của đảng Dân Chủ, không ai nghĩ ông sẽ bị một đảng viên Dân Chủ nào thách đấu, ngoại trừ trường hợp hai năm tới TT Obama sẽ biến thành bảo thủ và sẽ tự ông hủy bỏ luật cải tổ y tế chẳng hạn, một điều khó ai tin có thể xẩy ra.
Chuyện TT Obama sẽ ra tranh cử, đại diện cho đảng Dân Chủ coi như là chuyện đương nhiên.
Về phiá đối lập Cộng Hòa thì tình hình dường như còn xấu hơn hồi năm 2008. Năm đó, dù sao, Cộng Hòa còn đưa ra được một ứng viên nặng ký, TNS John McCain, một vị dân cử có uy tín lớn, cũng là một “người hùng”. Vậy mà cũng vẫn thua.
Bây giờ, truyền thông liên tục đưa ra những tên tuổi có thể đại diện cho Cộng Hòa, nhưng nhìn kỹ thì chẳng thấy ai có hy vọng gì đối với TT Obama. Các khuôn mặt được đưa ra đều đã thua McCain, và tệ hơn nữa, chẳng có sáng kiến, tư tưởng mới lạ gì. Những cựu thống đốc Huckabee, Romney,… chẳng có một sức thu hút kiểu Obama, Clinton, hay Kennedy gì hết. Cũng chẳng phải là những chính khách uy tín lớn như Reagan, Bush cha, hay McCain. Ông Huckabee là một “ông cố đạo”, còn có tính “truyền giáo” hơn xa cựu TT Carter ngày xưa, khó đắc cử trong cái thời đại cởi mở hiện nay. Ông Romney thì có khuynh hướng cấp tiến, ít hy vọng thành công trong một đảng bảo thủ.
Còn một người được nhắc nhở nhiều là Newt Gingrich, cựu Chủ Tịch Hạ Viện. Nhưng ông này trước đây, gây xì-căng-đan, bỏ vợ đi lấy bà thư ký, phải từ chức về nhà… viết sách viết báo. Khó ai có thể mường tượng ông sẽ là một ứng viên có hy vọng thành công trong cái đảng coi trọng những giá trị gia đình.
Nhân vật sáng giá nhất hiện nay là bà Sarah Palin, cựu thống đốc Alaska, cũng là cựu ứng viên phó tổng thống cùng liên danh với McCain. Bà là người hiện đang nổi đình nổi đám, được coi như lãnh tụ bán chính thức của Phong Trào bảo thủ Tea Party. Nhưng Palin có ba điểm yếu, khó có thể vượt qua được, ít nhất là trong hai năm tới.
Thứ nhất, bà là người thiếu kinh nghiệm chính trị cấp liên bang, và nhất là trong các vấn đề quốc phòng và đối ngoại, là những trách nhiệm trụ cột của tổng thống. Thứ nhì, bà thuộc thành phần bảo thủ cực đoan trong khi dân Mỹ nói chung không tín nhiệm chính khách cực đoan trong các vai trò lãnh đạo quan trọng. Thứ ba, bà là người được truyền thông cấp tiến tuyển chọn làm đối tượng lý tưởng, đã từng xúm lại đánh không nương tay, đủ kiểu, đủ cách, tạo ra một ấn tượng không mấy tốt đẹp về bà trong quần chúng Mỹ và thế giới.
Người ta nhìn bà Palin như có thể là một lãnh tụ lớn của khối bảo thủ, nhưng khó có thể nhìn bà như lãnh tụ của cả nước Mỹ, bao gồm cả bảo thủ lẫn cấp tiến và ôn hoà.
Truyền thông cũng đã đưa tên một số chính khách Cộng Hòa khác, nhưng không có người nào có được hậu thuẫn của trên 5% dân Mỹ.
***
Cuộc bầu tổng thống trên nguyên tắc sẽ là cuộc bầu giữa đại diện hai chính đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, có thể có thêm một tá ứng viên vớ vẩn khác. Trên thực tế, đây sẽ là cuộc trưng cầu dân ý về TT Obama. Dân Mỹ mà ủng hộ thì ông sẽ tái đắc cử, không thì ông sẽ về vườn. Hoàn toàn tùy thuộc vào nhận định của dân Mỹ đối với ông chứ không phải tùy vào ứng viên mạnh hay yếu nào của đảng Cộng Hoà. Cũng như cuộc bầu năm 2008, tất cả là một cuộc biểu quyết ủng hộ hay chống cựu TT Bush (cho dù ông không ra tranh cử được), chứ không tùy thuộc vào ứng viên mạnh hay yếu nào của đảng Dân Chủ. Kết quả, dân Mỹ quá chán với TT Bush nên bầu đại một ông chính khách vô danh, vô quá khứ, vô kinh nghiệm là Obama.
Cuộc bầu cử tháng Mười Một vừa qua khó có thể được coi như là một chỉ dấu cho hai năm tới. Trong các cuộc bầu cử giữa mùa dưới thời hai tổng thống Carter và Bush 41 (cha), cả hai ông tổng thống đều được coi như thành công củng cố được thế chính trị của mình, nhưng hai năm sau, cả hai ông đều thất bại khi tái tranh cử, trở thành hai ông tổng thống một nhiệm kỳ. Dưới thời TT Clinton, cuộc bầu cử giữa mùa năm 1994 là một thảm bại vĩ đại, nhưng hai năm sau, ông được bầu lại. Bây giờ TT Obama cũng thảm bại. Chuyện ông đi theo Carter hay Clinton là điều chưa biết được.
Điều ta biết được bây giờ là ông Obama đã hết sức mau mắn bẻ lái, thỏa thuận và nhượng bộ phe bảo thủ Cộng Hòa ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, mà không cần chờ đến ngày khai mạc quốc hội khoá tới, trong khi làm ngơ để cho phe đồng minh cấp tiến thất bại không thông qua được mấy dự luật.
Sự thay đổi nhanh chóng này là một ngạc nhiên lớn cho tất cả mọi người, từ đồng minh đến kẻ thù. Nhưng dù sao, cũng vẫn còn quá sớm để biết được đây là thay đổi chiến thuật, cuốn theo chiều gió nhất thời, hay là thay đổi đường hướng lâu dài. Trong hai năm tới, TT Obama sẽ phải trực diện với một số vấn đề lớn như đã bàn đến trong bài viết tuần trước (như giải quyết thất nghiệp, cân bằng ngân sách, giảm nợ quốc gia, cải tổ y tế…). Đều là vấn đề gay cấn ở chỗ không thể có quyết định “màu xám” ở giữa được, mà nhất định là phải “mèo trắng hay mèo đen” rõ ràng.
Kết quả cuộc bầu tháng Mười Một vừa qua cho thấy tất cả đều sẽ tùy thuộc vào thái độ và hành động của TT Obama trong hai năm tới, chứ không phải trong hai năm qua. Nếu dựa vào thành quả của hai năm qua, hiển nhiên là TT Obama khó có hy vọng tái đắc cử, như cuộc bầu tháng Mười Một vừa qua đã xác nhận.
Bài toán của TT Obama có vẻ hiển nhiên: ông nhượng bộ Cộng Hòa chẳng qua chỉ vì lý do chiến thuật ngắn hạn, để rồi trở về với những chương trình cấp tiến cực đoan, tốn kém và phiêu lưu, thì có nhiều hy vọng sẽ đi theo con đường của Carter, làm tổng thống một nhiệm kỳ. Trái lại, nếu ông thực tâm đi vào con đường ôn hòa hợp tác lưỡng đảng theo mô thức Clinton thì hy vọng tái đắc cử của ông sẽ cao hơn nhiều. Cái trớ trêu trong bài toán trên là nếu ông theo con đường của cử tri cấp tiến của ông muốn, thì ông sẽ thất bại, trong khi ngược lại nếu ông theo con đường của đối lập bảo thủ muốn thì ông sẽ lại thành công.
Nói cách khác, cử tri cấp tiến của ông đòi hỏi ông làm theo ý họ thì họ sẽ mất ông tổng thống, trong khi khối bảo thủ Cộng Hòa đòi hỏi ông làm theo ý họ thì sẽ bị kẹt với ông tổng thống này thêm bốn năm nữa.
Tóm lại, mọi sự sẽ phần lớn tùy thuộc vào các quyết định của TT Obama trong hai năm tới. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý dân Mỹ thường có truyền thống bầu lại đương kim tổng thống, trừ phi ông này quá xá xệ như TT Carter chẳng hạn. Tâm lý bình thường của cử tri, họ không muốn đổi ý vì như vậy là rõ ràng tự nhìn nhận mình đã sai lầm từ đầu rồi. Đồng thời dân Mỹ cũng có tính độ lượng, có ý thức chính trị cao, hiểu được chuyện làm tổng thống không phải dễ, nên có khuynh hướng chấp nhận cho tổng thống có thời giờ, có thêm cơ hội.
Trong trường hợp của TT Obama, lại còn yếu tố rất quan trọng là dân Mỹ sẽ đắn đo rất nhiều và sẽ khó lấy quyết định bác bỏ ông tổng thống da màu đầu tiên một cách dễ dàng vì vẫn sợ mang tiếng kỳ thị. Cái tính sợ mang tiếng kỳ thị này đã là một trong những yếu tố quan trọng khiến Obama đắc cử lần đầu, và cũng sẽ là yếu tố quan trọng khiến ông tái đắc cử. Không có cơ quan truyền thông hay thăm dò dư luận nào dám bàn đến chuyện ấy, nhưng ai cũng nhìn thấy cái bóng ma khổng lồ này. (2-01-11)
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng mỗi Thứ Ba trên Việt Báo.
VŨ LINH