Nhân quyền Việt Nam qua phúc trình của HRW
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-01-27
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW hôm thứ ba vừa đưa ra bản phúc trình thường niên về nhân quyền, trong đó có tình hình Việt Nam.
Phóng viên Quỳnh Chi của đài RFA có cuộc phỏng vấn với ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights. Từ Thái Lan, ông Phil Robertson trao đổi về vấn đề này. Xin mời quý vị nghe một số nội dung chính của cuộc trao đổi.
Photo courtesy of ĐiếuCày's Facebook - Blogger Điếu Cày lúc bị bắt hôm 23/12/2007.
Đàn áp nghiêm trọng
Quỳnh Chi: Chào ông Phil Robertson theo bản phúc trình về nhân quyền mới phổ biến thì Việt Nam tiếp tục đàn áp các nhà bất đồng chính kiến cũng như các cộng đồng tôn giáo. Tuy nhiên, phía chính phủ Việt Nam luôn cho rằng nhân quyền luôn được bảo đảm nơi đây. Liệu bản phúc trình có phản ánh chính xác tình trạng nhân quyền ở Việt Nam không thưa ông?
Chúng tôi rất quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt Nam và tôi rất lấy làm tiếc phải nói rằng trong năm qua, nhân quyền ở đây còn tệ hại hơn.
Phil Robertson
Phil Robertson: “Tôi rất ngạc nhiên khi phía chính phủ Việt Nam nói như vậy. Và thực ra chúng tôi nghĩ là họ dựng chuyện để nói mà thôi. Họ đang cố gắng che lấp tình trạng nhân quyền bằng cách đưa ra những tiến triển về kinh tế và cho rằng đây là biểu hiện sự thành công của mô hình Việt Nam. Tuy nhiên, song song đó, họ tiếp tục đàn áp quyền công dân và quyền chính trị một cách nghiêm trọng biểu hiện các đợt đàn áp từ trước Đại hội Đảng11.”
Quỳnh Chi: Vậy thì trong năm qua ông thấy tình hình nhân quyền tại Việt Nam tiến triển như thế nào ạ?
Blogger Anh Ba Sài gòn – Luật sư Phan Thanh Hải. Photo courtesy of Kami.
Phil Robertson: “Chúng tôi rất quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt Nam và tôi rất lấy làm tiếc phải nói rằng trong năm qua, nhân quyền ở đây còn tệ hại hơn.”
Quỳnh Chi: Ông vừa nói tệ hại hơn xin ông cho biết chi tiết một điều gì đấy cụ thể hơn và làm ông quan tâm nhất ạ?
Phil Robertson: “Chúng tôi quan ngại tình trạng chính quyền đàn áp mạnh tay đối với tôn giáo. Và tôi phải nói rằng sự đàn áp này không chỉ nhắm vào một tôn giáo nào cụ thể mà chính quyền sẵn sàng đàn áp tất cả những cá nhân hay cộng đồng tôn giáo không nằm dưới sự hiểm soát của họ.
Ví dụ như những người Khmer đạo Phật ở Đồng bằng sông Cửu Long, một nhánh thánh thất Cao Đài hay Hội thánh “Chuồng bò” đã bị đàn áp. Ngoài ra, chúng tôi còn thấy chính quyền kiểm soát và bắt bớ những blogger sử dụng Internet để bày tỏ quan điểm của mình. Điển hình gần đây nhất blogger Phan Thanh Hải (Anhbasg) vừa bị bắt và blogger Điếu Cày vẫn chưa được thả ra. Thêm vào đó còn có sự việc 3 thanh niên hoạt động công đoàn cũng bị bắt giam. Nói chung, đó là những điểm chính làm chúng tôi quan ngại.”
Cần áp lực Việt Nam
Quỳnh Chi: Thưa ông, trong bản phúc trình thì ông cũng kêu gọi Hoa Kỳ nên đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần được quan tâm đặc biệt về tôn giáo. Ông có thể nói cho khán thính giả RFA biết là nếu Việt Nam bị đưa trở lại vào danh sách CPC thì sẽ có lợi gì cho người Việt Nam ạ?
Trước hết chính phủ Việt Nam cần thả ngay những tù nhân thuộc các nhóm tôn giáo nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ; hay những nhà bất đồng chính kiến bày tỏ quan điểm ôn hòa.
Phil Robertson
Phil Robertson: “Chúng tôi tin rằng việc đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC sẽ tạo một áp lực lên chính phủ Việt Nam để họ nới lỏng những giới hạn mà họ đang gây ra cho tôn giáo. Nói một cách khác, việc này sẽ làm chính quyền Việt Nam phải giảm bớt các cuộc trấn áp và tạo ra một không gian tự do hơn cho các cộng đồng tôn giáo không thuộc sự quản lý của nhà nước.”
Quỳnh Chi: Nhưng mà thưa ông, đã có nhiều người kêu gọi mang Việt Nam trở lại danh sách CPC, bao gồm cả các vị dân biểu ở California nữa, nhưng mà vẫn chưa có kết quả nào. Liệu rằng lời kêu gọi này của Human Rights Watch sẽ mang lại kết quả như ông mong đợi không?
Phil Robertson: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy những việc chúng tôi đang làm. Chúng tôi tin rằng nếu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kiểm chứng thực tiễn thì sẽ thấy đề xuất của chúng tôi là hoàn toàn dựa trên thực tế. Chúng tôi cũng hoàn toàn dựa trên những qui định về CPC để đưa ra đề nghị đó. Cụ thể, luật này qui định quốc gia nào vi phạm quyền tự do tôn giáo sẽ bị đặt vào danh sách CPC. Và tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều dân biểu tham gia lên tiếng cũng như tạo áp lực cho Tòa Bạch Ốc chuẩn thuận việc này.”
Quỳnh Chi: Vâng cám ơn ông, vậy ông có thể nêu lên một vài điều cần làm để nhân quyền ở Việt Nam tiến triển hơn không ạ?
Phil Robertson: “Có nhiều việc cần làm nhưng cụ thể và trước hết, chính phủ Việt Nam thả ngay những tù nhân thuộc các nhóm tôn giáo nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ; hay những nhà bất đồng chính kiến bày tỏ quan điểm ôn hòa. Thứ hai, nhà nước phải xử tội và phạt tù những cảnh sát lạm quyền.”
Quỳnh Chi: Xin cám ơn ông rất nhiều về những ý vừa rồi.