lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Bắc Triều Tiên Tạo Cớ Cho Mỹ Lập Lá Chắn Chống Tên Lửa Ở Á Châu
Đơn vị tên lửa PAC-3, tại Miyakojima, phía nam đảo Miyako, Nhật Bản, 12/04/2012
REUTERS/Kyodo
Hoa Kỳ có thể tranh thủ khai thác vụ Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo hôm thứ Sáu, 13/04 vừa qua, để thúc đẩy ý tưởng lập hệ thống lá chắn chống tên lửa tại châu Á.
Bắc Triều Tiên đã mất mặt trong vụ phóng tên lửa, mà Bình Nhưỡng nói là để đưa vệ tinh quan sát lên quỹ đạo. Thế nhưng, sự kiện này cũng làm cho Washington phần nào cảm thấy không thoải mái, bởi vì, từ nhiều tháng qua, chính quyền Obama áp dụng chính sách chìa bàn tay ra cho Bình Nhưỡng.
Hồi tháng Hai, Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên ký được thỏa thuận, theo đó, Mỹ sẽ viện trợ lương thực, nếu Bắc Triều Tiên ngừng các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa đạn đạo. Vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên đã làm tiêu tan mọi hy vọng. Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, Mitt Romney, chỉ trích tổng thống đương nhiệm Barack Obama là « ngây thơ », « bất lực ».
Thế nhưng, « trong cái rủi có cái may » : Chính hành động khiêu khích này của Bình Nhưỡng, có thể tạo cơ hội cho Washington thúc đẩy chiến lược chuyển hướng chú ý sang châu Á, được triển khai mạnh mẽ từ 18 tháng nay. Trong khuôn khổ chính sách đối ngoại này, Washington đưa ra một loạt sáng kiến ngoại giao, quân sự, kinh tế nhằm tái khẳng định ưu thế của Mỹ trong khu vực và ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc.
Từ hai thập niên qua, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc về kinh tế cũng như về quân sự, thái độ quyết đoán của Bắc Kinh trong các tranh chấp về chủ quyền trên biển với các nước trong khu vực, đã gây ra nhiều lo ngại. Sự nghi ngại này lại càng tăng do mối quan hệ mật thiết của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng, được hun đúc từ thời kỳ chiến tranh Triều Tiên, cách nay 60 năm.
Giới chuyên gia nhận định, cách nay nhiều năm, khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il ốm đau, bệnh tật, Bắc Kinh đã quyết định là phải duy trì triều đại họ Kim, ngăn chặn nguy cơ thống nhất trên bán đảo Triều Tiên kéo theo sự hiện diện của Mỹ sát biên giới với Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh đã phải cắn môi, nuốt giận, khi Bắc Triều Tiên bắn chìm tàu chiến của Hàn Quốc, nã pháo vào một đảo của miền nam, làm cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng. Rồi trong những ngày qua, Trung Quốc phải tìm cách trấn an cộng đồng quốc tế về vụ phóng tên lửa đạn đạo. Sắp tới, không loại trừ khả năng Bắc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân.
Cách hành xử, thái độ khiêu khích của Bắc Triều Tiên không có lợi cho các tính toán của Trung Quốc, đặc biệt là làm trỗi dậy ý tưởng lập hệ thống lá chắn chống tên lửa tại châu Á.
Theo Financial Times, hai tuần trước khi Bắc Triều Tiên phóng hỏa tiễn tầm xa, bà Madelyn Creedon, một quan chức cao cấp ở bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng Hoa Kỳ muốn hợp tác với một số đồng minh thân thiết tại châu Á-Thái Bình Dương, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, để phát triển một loại lá chắn chống tên lửa trong vùng, kiểu như dự án ở châu Âu.
Đây không phải là điều mới mẻ, nhưng vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên tạo thêm động lực cho ý tưởng này. Từ hơn một thập niên qua, kể từ khi Bắc Triều Tiên tiến hành vụ bắn thử hỏa tiễn tầm xa đầu tiên, Nhật Bản đã xây dựng hệ thống lá chắn riêng cho nước này. Nhiều tàu chiến của Nhật Bản được trang bị hệ thống Aegis, với các công nghệ do Mỹ cung cấp.
Hàn Quốc thì ngần ngại và thông báo có kế hoạch lập lá chắn chống được tên lửa tầm trung. Cho đến nay, Hàn Quốc vẫn còn phụ thuộc vào Mỹ trong việc cung cấp thông tin liên quan đến hành trình của tên lửa đối phương.
Ngay lập tức, Trung Quốc đã có phản ứng gay gắt về ý tưởng lập lá chắn chống tên lửa của Mỹ. Hoàn Cầu Thời báo, vốn nổi tiếng có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, chi nhánh của Nhân Dân nhật báo, vào tuần trước, đã cảnh báo là « một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm có thể xẩy ra tại châu Á ».
Theo giới quan sát, Bắc Kinh thừa biết là Hoa Kỳ và các đồng minh chỉ để ý một mắt tới Bắc Triều Tiên mà thôi, còn mắt kia thì dõi nhìn Trung Quốc và các khả năng chế tạo tên lửa của nước này, đặc biệt là hỏa tiễn chống tàu chiến DF-21d. Giới chuyên gia quân sự đánh giá là loại tên lửa này có thể tấn công hàng được không mẫu hạm, phương tiện quân sự chủ chốt trong chiến luợc triển khai sức mạnh của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương.
Tháng trước, đố đốc Jonathan Greenert, chỉ huy hoạt động tác chiến của hải quân Hoa Kỳ, nói rằng nếu muốn bắn chặn hỏa tiễn của Trung Quốc thì Mỹ chỉ cần huy động các tuần dương hạm được trang bị hệ thống Aegis hiện diện trong khu vực để theo dõi Bắc Triều Tiên. Về lâu dài, hải quân Hoa Kỳ mong muốn được trang bị hệ thống laser để bắn hạ tên lửa và các thiết bị gây nhiễu, đánh lạc hướng tên lửa đối phương.
Cho dù vẫn tồn tại các nghi ngờ về hiệu quả thực sự của hệ thống lá chắn chống tên lửa, nhưng ý tưởng về dự án này thúc đẩy quan hệ giữa Hoa Kỳ và các đồng minh châu Á. Mới lên cầm quyền có bốn tháng, Kim Jong-Un đã lạnh nhạt với tổng thống Mỹ, nhưng tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã tạo cơ hội cho ông Obama tái khẳng định vị trí của Hoa Kỳ ở châu Á.
Weblinks :
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...