Hỏa tiễn Trung Quốc có thể tiêu diệt căn cứ Mỹ ở Á Châu
WASHINGTON (NV) - Trung Quốc có khả năng loại khỏi vòng chiến năm trong sáu căn cứ Hoa Kỳ trong vùng Á Châu với hàng loạt các đợt tấn công bằng hỏa tiễn trong trường hợp có cuộc đối đầu quân sự, theo một báo cáo của Quốc Hội Hoa Kỳ.
Hỏa tiễn CM-802 AKG do Trung Quốc chế tạo được trưng bày tại Triển Lãm Hàng Không và Vũ Trụ Quốc Tế lần thứ 8 tại tỉnh Quảng Ðông hôm Thứ Ba, 16 tháng 11. (Hình: AP Photo/Kin Cheung)
Nguồn tin của tờ Washington Times, dựa trên một bản thảo mới nhất của ủy ban mang tên “US-China Economic and Security Review Commission” cho biết rằng ảnh hưởng rõ rệt nhất của việc Trung Quốc tăng cường khả năng không quân và hỏa tiễn là khả năng ngăn trở hoạt động của quân đội Mỹ trong vùng Á Châu.
Hoa Kỳ cũng có thể phải đối đầu với hỏa tiễn Trung Quốc đặt trên căn cứ trong đất liền cũng như trên các chiến hạm trong trường hợp có cuộc đụng độ để bảo vệ Ðài Loan.
Ngoài hỏa tiễn, quân đội Trung Quốc trong thời gian qua cũng gia tăng việc triển khai và canh tân các chiếc đấu cơ với tầm hoạt động xa hơn, võ khí tối tân hơn, cũng như hệ thống Phòng Không cải thiện hơn trước rất nhiều.
Bản báo cáo cho biết trong trường hợp có chiến tranh, chỉ riêng hỏa tiễn của Trung Quốc cũng đủ để tấn công và tiêu diệt năm trong số sáu căn cứ chính của Mỹ ở Á Châu. Ðảo Guam là nơi duy nhất không gặp sự đe dọa này vì cách các giàn hỏa tiễn của Trung Quốc khoảng 1,800 dặm (chừng 2,880 km).
Tuy nhiên, nay Trung Quốc cũng đang gia tăng con số các oanh tạc cơ tầm xa của mình và điều này có nghĩa là “đội oanh tạc cơ của Trung Quốc có thể tấn công Guam, là nơi đặt căn cứ Không Quân thứ sáu của Hoa Kỳ trong vùng Á Châu,” theo bản báo cáo.
Guam hiện là nơi Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đang xây cất thêm các căn cứ quân sự để đưa bớt lực lượng trấn đóng trên đảo Okinawa về nơi này cũng như thêm các tàu ngầm, oanh tạc cơ và phi cơ do thám.
Các căn cứ Mỹ bị đe dọa của hỏa tiễn Trung Quốc bao gồm hai căn cứ Không Quân Osan và Kunsan ở Nam Hàn, theo bản báo cáo. Mỗi căn cứ có thể bị loại ra khỏi vòng chiến bởi các cuộc tấn công của 480 hỏa tiễn đạn đạo (ballistic missile) tầm ngắn và tầm trung cùng 350 hỏa tiễn bình phi (cruise missile). Các căn cứ này nằm cách Trung Quốc từ 240 dặm đến 400 dặm (384 km-640 km).
Mối đe dọa của Trung Quốc nhắm vào căn cứ quân sự Mỹ ở Nam Hàn trong thời gian gần đây được xem xét kỹ hơn vì khả năng có sự sụp đổ chính trị ở Bắc Hàn. Trung Quốc cho hay họ sẽ tiến vào Bắc Hàn để kiểm soát an ninh, duy trì sự ổn định. Nhưng Nam Hàn cho rằng chính họ phải tiến lên phía Bắc trong trường hợp điều này xảy ra.
Tại Nhật, các căn cứ Mỹ ở Kadena, Misawa và Yokota có thể bị tiêu diệt với khoảng 80 hỏa tiễn đạn đạo tầm trung và tầm ngắn, cùng 350 hỏa tiễn bình phi, theo bản báo cáo. Các căn cứ này chỉ cách Trung Quốc từ 525 dặm đến 680 dặm (840 km đến 1088 km).
Trong 20 năm qua, lực lượng Hải Quân và hỏa tiễn của Trung Quốc được canh tân từ tình trạng cổ lỗ để trở thành “lực lượng có các phi cơ chiến đấu và hệ thống phòng không tối tân, cùng là một số lượng lớn hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn bình phi,” theo bản báo cáo.
Một thí dụ điển hình là từ năm 2000, lực lượng hỏa tiễn tầm trung của Trung Quốc gia tăng từ lữ đoàn với 36 giàn phóng lên đến 252 giàn phóng ngày hôm nay, bản báo cáo cho biết.
Cạnh đó, Trung Quốc hiện có tới 500 hỏa tiễn bình phi DH-10 với tầm bắn xa 932 dặm (khoảng 1490 km). Một loại hỏa tiễn thứ nhì, mang tên YJ-63, cũng đang được triển khai với tầm bắn xa hơn 125 dặm (200 km).
Trung Quốc được ước tính là hiện có khoảng 1,150 hỏa tiễn tầm ngắn và 115 hỏa tiễn tầm trung với tầm hoạt động từ 1,600 km đến 2,880 km, theo bản báo cáo.
Ông Richard D. Fisher Jr., một chuyên gia về tình hình quân sự Trung Quốc tại Viện International Assessment and Strategy Center, nói rằng bản báo cáo của ủy ban quan trọng trong việc trình bày “sự thật” cho Quốc Hội và công chúng về việc tăng cường khả năng quân sự của Trung Quốc. (V.Giang)