lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Gọng Kềm về Đất Hiếm Của Bắc Kinh Sắp Bị Phá Vỡ?
Trọng Nghĩa (RFI)
Phải chăng tình trạng gần như độc quyền của Trung Quốc về đất hiếm sắp không còn nữa ? Câu hỏi này đang được giới quan sát đặt ra sau khi một tập đoàn Úc vừa được chính quyền Kuala Lumpur cấp phép cho mở một nhà máy sản xuất đất hiếm tại Malaysia, bất chấp phản đối của giới bảo vệ môi trường.
Hôm thứ Tư 01/02/2012 vừa qua, tập đoàn quặng mở Úc Lynas đã được giấy phép để bắt đầu xử lý đất hiếm nhập khẩu từ Úc tại nhà máy của họ – mà công việc xây dựng gần như đã hoàn thành – mang tên Nhà máy Vật liệu Tiên tiến Lynas (LAMP) đặt tại bang Pahang, miền đông Malaysia.
Theo các nhà phân tích được hãng tin Pháp AFP hôm nay trích dẫn, nhà máy này sẽ đi đầu trong việc thúc đẩy nguồn cung cấp đất hiếm trên thế giới tăng vọt. Hệ quả tất yếu sẽ là phá vỡ thế độc quyền mặc nhiên hiện nay của Trung Quốc đối với những nguyên liệu tối quan trọng cho các ngành công nghệ hiện đại, từ máy nghe nhạc iPod cho đến tên lửa.
Chính nhờ thế độc quyền đó mà trong thời gian qua, Bắc Kinh đã làm mưa làm gió trên thị trường đất hiếm, dễ dàng hạ thấp mức cung để đẩy giá đất hiếm lên cao, hay dùng đất hiếm để gây sức ép trên những nước dám đối đầu với họ như Nhật Bản cách nay không lâu.
Thật vậy, sau khi đi vào hoạt động từ nay đến giữa năm, thoạt đầu nhà máy của tập đoàn Úc tại Malaysia có khả năng sản xuất khoảng 11.000 tấn đất hiếm mỗi năm, tương đương với 1/3 nhu cầu của cả thế giới, không tính Trung Quốc. Sau đó, khi vận hành một cách toàn diện, công suất thường niên của nhà máy này sẽ được nhân đôi thành 22.000 tấn.
Theo ông Dudley Kingsnorth, một chuyên gia Úc về đất hiếm, sản lượng của nhà máy ở Malaysia, cộng thêm với xu thế hiện nay là ngày càng có thêm nhiều nước quan tâm đến việc sản xuất đất hiếm, trong lúc các nhà sản xuất hiện thời nỗ lực gia tăng sản lượng, vào năm 2016, sản lượng đất hiếm làm ra ở bên ngoài Trung Quốc có thể lên đến 60.000 tấn mỗi năm.
Kết quả, theo ông Kingsnorth, là thế giới sẽ lâm vào tình trạng dư thừa đất hiếm vào năm 2016, vì lẽ nhu cầu về loại vật liệu đó ở bên ngoài Trung Quốc chỉ khoảng 55.000 tấn mà thôi. Đối với chuyên gia này – xin trích : « Một đà tăng lên gấp 10 lần về sản lượng đất hiếm trong vỏn vẹn 5 năm là một điều vô cùng lớn ».
Theo ghi nhận của giới quan sát, nhà máy của tập đoàn Lynas tại Malaysia là cơ sở xử lý đất hiếm quy mô đầu tiên được xây dựng ngoài Trung Quốc từ một phần tư thế kỷ nay. Sở dĩ tình trạng này tồn tại, đó là vì việc sản xuất đất hiếm rất nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe con người, vì vậy đã khiến cho các nước dần dần lơ là hẳn việc tự làm ra loại nguyên liệu này, để cho Trung Quốc một mình gánh vác.
Với nguồn dự trữ rất dồi dào, lại sẵn sàng dẹp bỏ mọi phản ứng của công luận trước các nguy cơ phá hoại môi trường, trong thời gian qua, Trung Quốc đã mặc nhiên trở thành nước thống trị lĩnh vực khai thác đất hiếm và cung cấp nguyên liệu cho 95% nhu cầu của thế giới.
Thế nhưng, Trung Quốc gần đây như đã có những quyết định quá đáng, lợi dụng thế độc quyền của mình để áp đặt quotas xuất khẩu mặt hàng này, làm cho giá đất hiếm tăng vọt trên thị trường quốc tế.
Không chỉ thế, Bắc Kinh còn đề ra những hạn chế sản xuất khác nhằm thắt chặt quyền kiểm soát của họ trên các nguồn tài nguyên quý giá này, dùng đất hiếm làm võ khí chính trị và ngoại giao.
Chính các điều này đã khiến các nước khác thức tỉnh và chuyển hướng tìm nguồn cung cấp khác.
Weblinks :
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks