Cuộc Cách Mạng Bắc Phi-Trung Đông Còn Đang Tiếp Diễn
...
7/ Có hai bạn đọc hồi âm trên báo mạng, khuyên tôi “không nên đặt nặng vấn đề ngôn ngữ giữa hai lực lượng”, ý nói “lực lượng đấu tranh trong nước là chủ yếu, lực lượng đấu tranh ngoài nước chỉ là hỗ trợ”, vì nói như vậy dễ gây ra sự chia rẽ giữa trong – ngoài, làm mất tình đoàn kết. Thực ra, người viết rất coi trọng sự hỗ trợ của các lực lượng đấu tranh cho dân chủ ở ngoài nước; trong nhiều bài viết trước đây, người viết đã đánh giá rất cao sự ủng hộ về vật chất và tinh thần rất to lớn, sự truyền thông từ ngoài về trong nước cũng như sự vận động quốc tế yễm trợ cho cuộc đấu tranh dân chủ của lực lượng trong nước... là vô cùng to lớn. Nhưng đứng về chiến lược mà nói, dẫu sao đi nữa lực lượng trong nước vẫn là chủ yếu và quyết định, vì họ là lực lượng to lớn hơn rất nhiều, lại nằm sát cạnh và phải đối đầu thường xuyên với những đối tượng phải đấu tranh... Còn cái tinh thần đoàn kết thể hiện ở cuộc đấu tranh chung và ở công việc chung thiết thực mà mọi người cùng đóng góp.
Đặc biệt có một người đọc đã không đồng với bài học thứ sáu nói về “lực lượng đấu tranh trong nước là chủ yếu, lực lượng đấu tranh ngoài nước chỉ là hỗ trợ” và phản bác rất mạnh trên báo mạng Dân Luận. Ông ấy nói rằng “Ông Cần đã áp dụng một lối lập luận không lương thiện. Muốn rút ra một bài học về phương pháp tiến hành cách mạng, chúng ta cần khảo sát mọi cuộc cách mạng từ trước đến nay. Khi nghiên cứu khoa học, người ta cũng làm theo cách này. Không thể xây dựng lý thuyết về loài thủy sinh bằng cách chỉ quan sát một con cá. Nhà khoa học phải quan sát hàng trăm lần, xây dựng lí thuyết, rồi tiếp tục quan sát trong nhiều năm trước khi khẳng định hoặc phủ nhận lí thuyết của mình. Đằng này, ông Cần vơ vội vài chi tiết trong chỉ một cuộc cách mạng, rồi khẳng định đã có “minh chứng hùng hồn” cho điều mà ông tin tưởng. Thế còn những cuộc cách mạng khác? Hồ Chí Minh là một người Việt hải ngoại. Lenin là một người Nga hải ngoại. Tôn Dật Tiên là một người Tàu hải ngoại.Giáo hoàng John Paul II là một người Ba Lan hải ngoại... Như vậy đã đủ để chứng minh cho sự ngụy biện chưa?... ” Tôi xin phép dừng lại ở đây, vì trích dẫn tiếp thì dài quá. Ông bắt buộc nhà nghiên cứu phải khảo sát MỌI cuộc cách mạng từ trước đến nay mới có thể rút ra được kết luận, nếu không thì là “không lương thiện”! Đúng là tôi không có điều kiện khảo sát MỌI cuộc cách mạng thật, nhưng tôi đã nghiên cứu và chiêm nghiệm một số cuộc cách mạng lớn trong lịch sử để rút ra kết luận, như thế ông không thể buộc tội tôi là “không lương thiện” được. Những nhân vật mà ông đã nêu tên đúng là những người ở hải ngoại thật, tôi không phủ nhận. Nhưng họ có đóng vai trò “lực lượng đấu tranh chủ yếu” không thì còn là một vấn đề phải phân tích. Tôi chỉ nói đến những nhân vật mà tôi biết rõ.
Ông Hồ Chí Minh về hang Păc Bó, đó là một sự kiện đáng kể, nhưng nên nhớ rằng xét về mặt lịch sử thì từ đầu thập niên 40 thế kỷ trước, Ban Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương đã tồn tại trong nước và lực lượng đấu tranh cách mạng trong nước vẫn là chủ yếu thật. Ông không thể lờ đi sự thật đó!
Ông viết về Lenin theo lòng tin của ông ở cái lối tuyên truyền xuyên tạc của các sử gia xô-viết nói về “cuộc cách mạng tháng mười vĩ đại”, nên ông đưa ra dẫn chứng không hợp với thực tế lịch sử. Nên nhớ rằng trong lúc nhóm lưu vong bolshevich Nga còn đang sống thoải mái (tôi dùng chữ này hơi nhẹ đấy và tôi viết với tinh thần trách nhiệm, vì tôi đã đọc cả một cuốn sách dày ghi lại thư tín của họ hồi sống lưu vong, sách này do Viện Marx-Lenin xuất bản dưới thời xô-viết) ở Thụy Sỹ, thì các đảng dân chủ đã bám sát nước Nga và đã vận động quần chúng trong nước nổi dậy làm cuộc cách mang dân chủ, lật đổ chế độ Nga hoàng hồi tháng hai năm 1917 rồi. Ở Nga lúc bấy giờ có Chính phủ lâm thời Nga. Khi Lenin được tin đó, ông ta và những người bolshevich vội vã chuẩn bị về nước. Nhưng làm sao về nước khi đoàn tàu nhất định phải đi qua nước Đức mới đến Nga được (hồi đó không có những phương tiện giao thông như ngày nay). Thế là người ta tìm cách vận động nước Đức lúc đó đang đánh nhau với nước Nga. Nước Đức biết rằng đảng bolshevich Nga phản đối chủ nghĩa yêu nước Nga (mà họ đảng bolshevich là “bọn vệ quốc”) và chủ trương “làm thất bại cuộc chiến tranh của nước mình”, nên trước khi cho phép đoàn tàu chở những người bolshevich Nga chạy qua nước mình thì giữa đại diện chính phủ Đức và Lenin đã có những thương thảo bí mật, chính phủ Đức chẳng những đồng ý cho những người bolshevich Nga đi qua nước Đức để về Nga mà còn cấp cho Lenin một số tiền lớn để về Nga “hoạt động”. Chính phủ lâm thời Nga hồi đó đang vừa phải tiến hành chiến tranh với Đức, lại vừa phải tiến hành dân chủ hóa nước Nga, họ đã tổ chức được cuộc bầu Quốc hội Lập hiến để thảo ra hiến pháp dân chủ. Họ gặp khó khăn trăm bề, còn Lenin và những người bolshevich Nga thì lợi dụng cơ hội đó để tổ chức cuộc âm mưu lật đổ Chính phủ lâm thời Nga, tức là chính phủ dân chủ đầu tiên ở nước Nga. Chính phủ này đã đề nghị các cơ quan tư pháp truy cứu hình sự Lenin về tội làm tay sai cho nước Đức, hồ sơ đã chuẩn bị đầy đủ để đưa Lenin ra tòa án xử tội, thì ông ta đã kịp chạy trốn đến ẩn núp trong cái lều ở gần Phần Lan. Lợi dụng những khó khăn của chính phủ dân chủ Nga, cuối cùng những người bolshevich đã làm cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ lâm thời mà họ gọi đó là cách mạng tháng mười Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các nhà sử học Nga đã công bố đầy đủ những tài liệu chân thật hồi đó. Tôi kể lại những điều trên đây để thấy rõ sự thật lịch sử là như thế.
Về ông Tôn Dật Tiên và cuộc cách mạng năm Tân Hợi thì tôi không nắm vững, nên xin miễn nói để nói ngay đến Giáo hoàng John Paul II. Giáo hoàng đúng là một người Ba Lan, ngôi của ngài đóng ở hải ngoại thật. Ngài đã giúp cho Công đoàn Solidarnos và phong trào đấu tranh dân chủ ở Ba Lan rất lớn, nhất là về mặt tinh thần. Mấy năm trước, tôi có dịp đến thành phố khai sinh Công đoàn Solidarnos, được nghe nhiều nhà hoạt động của Công đoàn thời đó kể lại thì tôi càng khẳng định cái chủ trương lực lượng đấu tranh trong nước vẫn là chủ yếu dù cho sự hỗ trợ của Giáo hoàng John Paul II rất lớn.
Người phản bác bài học thứ sáu còn đưa ra hai nhân vật trong cao trào quần chúng cách mạng ở Tunisia và Egypt, là anh thanh niên Wael Ghonim, biểu tượng của cuộc cách mạng Egypt, và ông El Baradei, một nhân vật rất nổi tiếng, là những người vốn ở hải ngoại. Đúng là Wael Ghonim có công lớn đã dùng Internet để huy động được một lực lượng lớn ở trong nước xuống đường đấu tranh, nhưng xét cho cùng dẫu sao thì lực lượng đấu tranh trong nước ào ạt xuống đường vẫn là lực lượng chủ yếu và là lực lượng quyết định để đánh đổ bọn độc tài. Còn ông El Baradei là một nhân vật nổi tiếng, đáng kính, khi về nước có một số quần chúng ủng hộ ông, nhưng không phải là số đông, và thực ra, ông cũng chưa làm được gì rõ rệt. Đó là một thực tế không thể bỏ qua. Rồi đây sẽ thế nào tôi chưa rõ, nhưng hiện nay vai trò của ông El Baradei chưa có gì nổi bật cả.
Những người không tán thành chủ trương “lực lượng đấu tranh trong nước là chủ yếu, lực lượng đấu tranh ngoài nước chỉ là hỗ trợ” thường dựa vào lập luận là trong giai đoạn đầu “bộ chỉ huy” của tổ chức cách mạng phải đóng ở ngoài nước, không thể đặt ở trong nước được. Theo tôi, những người phản bác chủ trương “lực lượng đấu tranh trong nước là chủ yếu, lực lượng đấu tranh ngoài nước chỉ là hỗ trợ” đã không phân biệt một chủ trương có tính chiến lược, lâu dài với một chủ trương chỉ có tính kỹ thuật, nhất thời là việc đặt “bộ chỉ huy” ở đâu. Họ đánh đồng một chủ trương có tính chiến lược với một chủ trương chỉ có tính kỹ thuật. Trong một bài do tôi viết hồi năm 2007, tôi đã nói rõ, xin trích lại như sau: “Nhưng việc “bộ chỉ huy” “đóng đô” ở đâu khác hẳn với nhận thức, quan niệm lực lượng đấu tranh trong nước là chủ yếu, lực lượng đấu tranh ngoài nước chỉ là hỗ trợ. Hai điều này không giống nhau, không phải là một, không thể đồng nhất, không thể lẫn lộn. Dù giai đoạn trước hay giai đoạn sau thì chúng ta vẫn phải đặc biệt lo việc xây dựng lực lượng đấu tranh trong nước, coi đó là lực lượng chính, nghĩa là lực lượng đối đầu thường trực với giai cấp cầm quyền, và xét cho cùng, lực lượng này sẽ có tính quyết định để giành thắng lợi cuối cùng khi thời cơ đến. Vì thế chúng ta phải ra sức xây dựng và phát triển lực lượng đấu tranh trong nước. Đây là một nhận thức nghiêm chỉnh, đúng đắn, có tính chiến lược, chứ không phải là “ngôn ngữ giả dối”. Việc đặt cơ quan lãnh đạo phong trào ở đâu chỉ là một việc cụ thể, một quyết định có tính nhất thời, chứ đâu phải là một chủ trương, một đường lối chiến lược lâu dài?”
Bây giờ xin các bạn thử hình dung một cảnh tượng có thể xảy ra: khi phong trào đấu tranh dân chủ trong nước bắt đầu lên cao, thì nhiều lực lượng dân chủ hải ngoại ồ ạt về nước, nếu mà những chiến sĩ dân chủ chân chính thì đã may cho phong trào, nhưng đằng này còn biết bao «lực lượng» khác nữa tự xưng là «lực lượng chủ yếu» của cách mạng dân chủ, đó là những vị anh hùng hảo hán đủ loại, những nhà cách mạng đầu lưỡi, những nhà chống cộng hùng hổ nhất, những «chính phủ lưu vong» với đầy đủ các bộ «ma», những đảng cách mạng «cuội», những chính khách xa lông đủ cỡ... họ vác cờ xí và khẩu hiệu hoàn toàn xa lạ với đại đa số dân chúng trong nước, nhất là giới trẻ nước ta để đi «đấu tranh cách mạng» ... thì lúc đó phong trào đấu tranh dân chủ trong nước sẽ ra sao ? Tôi viết điều này không có hậu ý công kích ai hết, nhưng đó là một điều có thể xảy ra lắm. Đáng để mọi người suy nghĩ.
Dẫu sao thì tôi cũng cám ơn người đã phản biện tôi, giúp tôi có cơ hội để trình bày đầy đủ hơn bài học thứ sáu này mà trong lần viết trước vì sợ bài quá dài nên tôi đã lược bỏ bớt.
Tôi xin tạm dừng ở đây. Cuối cùng, tôi chân thành cảm tạ các bạn đọc trong và ngoài nước đã chịu khó đọc bài của tôi.
Moskva ngày 26.02.2011
Nguyễn Minh Cần