Bà Suu Kyi kêu gọi thực hiện “cách mạng hòa bình”
Sen Lam
Nguồn Aung San Suu Kyi calls for peaceful revolution in Burma
Chưa đầy hai ngày sau khi được trả tự do, bà Aung San Suu Kyi đã lên tiếng kêu gọi tiến hành cuộc “cách mạng hòa bình” ở Myanmar. Tuy nhiên, liệu điều này có triển vọng trở thành hiện thực hay không?
Hình ảnh bà Suu Kyi bên ngoài văn phòng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ tại Rangoon vào ngày chủ nhật 13/11/2010 (Reuters)
Bà Suu Kyi phát biểu: “Thay đổi lớn có nghĩa là cách mạng, trong đó có thể có hoặc không có vũ lực. Và chúng tôi mong muốn một cuộc cách mạng không vũ lực và hòa bình. Tôi không biết từ “cách mạng” sẽ được hiểu như thế nào. Với tôi, “cách mạng” đơn giản có nghĩa là thay đổi mang tính căn bản.”
Aung Zaw, một nhà báo Myanmar lưu vong, hiện đang làm biên tập viên viên Tạp chí Irrawady tại Thái Lan, cho biết hiện đang có nhiều lo ngại và băn khoăn vì không biết điều gì sẽ xảy ra. Lý do là vì hiện nay chính phủ không tìm cách ngăn cản dân chúng như trước đây họ từng làm. Nay người dân được tự do đi lại và bà Suu Kyi được quyền phát biểu trước công chúng.
Trong khi đó có nhiều lời đồn đại là chính quyền ở Naypyidaw đang cảm thấy rất khó khăn về việc báo cáo về diễn biến tình hình liên quan đến việc bà Suu Kyi được thả cho Tướng Than Shwe vì tất cả những bức ảnh chụp trong vài ngày qua đều cho thấy những đám đông lớn phấn khởi lắng nghe và hoan nghênh những lời phát biểu của bà Suu Kyi. Và có thể trước đây chính quyền đã sai lầm khi cho rằng bà Suu Kyi không có khả năng ảnh hưởng nữa.
Theo phóng viên Aung Zaw, có thể chính quyền quân sự sẽ không lắng nghe lời kêu gọi của bà Suu Kyi và sẽ không đối thoại với bà, vì vậy, đây sẽ là một tình huống khó khăn và nhiều thách thức.
Trong 7 năm qua đã có nhiều thay đổi tại Myanmar nhưng hiến pháp vấn được giữ nguyên và trở thành đường ranh giới phân chia giữa chính quyền và các hoạt động đấu tranh đối lập. Theo đó một bên gồm quốc hội, tân chính phủ, một số đảng và một số chính trị gia được bầu lên trong cuộc bầu cử hôm 7/11. Bên kia là Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ và các nhóm đấu tranh đối lập. Bà Suu Kyi không phải là thành viên quốc hội và hoạt đông của bà sẽ ở tầm cơ sở, vận động và kết nối với dân chúng. Bà có thể sẽ trở thành một mối đe dọa lớn cho chính phủ mới thành lập.
Theo phóng viên Aung Zaw, giờ đây sau khi bà Suu Kyi đã được thả, tình hình ở Myanmar rất có thể sẽ trở nên căng thẳng hơn. Người dân đã cảm thấy rất bực bội với tình hình chính trị và kinh tế ở Myanmar và với cuộc bầu cử thiếu tự do và công bằng. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến họ vui mừng chào đón việc bà Suu Kyi được trả tự do. Trong thời gian sắp tới sẽ có hai khả năng diễn biến. Nếu chính quyền hiện tại thể hiện thiện chí và đồng ý đối thoại với bà Suu Kyi, bà sẽ có cơ hội để tham gia vào hoạt động chính trị. Nếu không, sẽ xảy ra nhiều hoạt động mang tính đối đầu, ví dụ như người dân biều tình phản đối trên đường phố, bà Suu Kyi gặp gỡ và vận động dân chúng ở những vùng nông thôn. Và nếu tình hình diễn biến theo chiều hướng này rất có thể sẽ có đổ máu.
Trong khi đó ông David Tharckapaw cho rằng bà Suu Kyi nên thay đổi chiến thuật và rời khỏi Myanmar để hoạt động như lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma hay Ramos Horta của Đông Timor từng làm. Ông Tharckapaw là Pó Chủ tịch Liên hiệp Quốc gia Karen KNU, một nhóm dân tốc thiểu số chiếm 7% dân số Myanmar. Ông cho rằng trong suốt hai thâp kỷ vừa qua, với việc tình hình hầu như không biến chuyển tại Myanmar, có lẽ việc bà Suu Kyi ra nước ngoài vận động với cộng đồng quốc tế sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn.
Ông Tharckapaw hoan nghênh việc bà Suu Kyi được trả tự do và cho rằng bà có thể dễ dàng tập hợp được các nhóm dân tộc thiểu số bởi phần lớn các nhóm hoạt động này đều ủng hộ bà và coi bà là lãnh đạo quốc gia. Ông nhấn mạnh Liên hiệp Quốc gia Karen KNU ủng hộ dân chủ và nhân quyền nhưng ưu tiên của Liên hiệp là chiến đấu cho quyền của người thiểu số Karen. Ông cho hay KNU sẽ không buông vũ khí cho dù chính bà Suu Kyi ra lệnh đi chăng nữa.