Bước Đi Lạng Quạng Của Bắc Kinh ...
Một Chân Bước Về Phía Trước, Một Chân Lùi Về Phía Sau
Lý thái hòa (theo AFP)
Chiếc máy vi tính chạy nhanh nhất thế giới được Trung tâm quốc gia siêu vi tính tọa lạc ở đông-bắc tỉnh Thiên Tân (Tianjin) chế tạo, đó là chiếc Thiên hà-1 (Tianhe-1) có khả năng tính toán mỗi giây 2.507 pétaflops (1 petaflop = một ngàn ngàn tỷ phép tính mỗi giây) tương đương với 2.507 tỷ lần phép tính.
TOP500 công bố cứ mỗi ba tháng 1 lần về các máy vi tính nhanh nhất thế giới. Nếu kỷ lục này được xác nhận thì Thiên hà-1 (Tianhe-1) sẽ là máy tính chạy nhanh nhất thế giới, đồng thời sẽ qua mặt máy Cray XT5 Jaguar đứng đầu bảng do bộ Năng Lượng Hoa Kỳ ở Oak Ridge (Tennessee) là chủ nhân. Máy tính Cray XT5 Jaguar được TOP500 công bố vào tháng 6/2010 với vận tốc tính toán là 1,75 pétaflops một giây.
Những chiếc máy siêu vi tính được dùng trong những công tác rất phức tạp như theo dõi sự chuyển động của thời tiết, thử nghiệm bom nguyên tử hay chế tạo các phi cơ chở hành khách.
Bắc Kinh đang có khuynh hướng phát triển rất nhanh các loại máy siêu vi tính trong những năm gần đây. Được biết trong bảng xếp hạng của TOP500 hồi tháng 6 vừa rồi, máy siêu vi tính Nebulae ở Thẩm Quyến xếp thứ 2 trên thế giới. Hệ thống này là sự phối hợp giữa các bộ CPU của công ty Intel và GPU của công ty chế tạo thẻ hình Nvidia.
Đây là chân bước về phía trước...
Tin AFP cho hay, hôm nay thứ sáu 29/10/2010 các nhà hoạt động nhân quyền đã đòi hỏi nhà cầm quyền Bắc Kinh phải trả tự do cho những người ủng hộ ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) đang bị quản chế tại gia, trong khi đó Trung quốc vừa tung ra phản ứng giận dữ khác chống lại Ủy ban Nobel, 3 tuần sau khi giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà đối lập này.
Hình ngày 15/10/2010 cho thấy một cảnh sát chìm Bắc Kinh cấm chụp hình trước nhà của bà Lưu Hiểu Ba (đang bị quản thúc tại gia), nằm phía sau hàng rào. AFP/Peter Parks.
Với con số hàng chục, có khi lên cả hàng trăm người hoạt động nhân quyền cũng như các nhà trí thức ở Trung quốc đã bị bắt giữ, quản thúc tại gia hay bị kiểm soát chặt chẻ kể từ khi giải Nobel Hòa bình được công bố vào ngày 08/10 vừa qua. Có thể nói đây sự phản ứng giận dữ nhất của Bắc Kinh đối với giải thưởng nêu trên.
Ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), 54 tuổi bị kết án 11 năm tù vào tháng 12 vừa rồi (2009) với tội danh lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa qua việc biên soạn cũng như phổ biến Hiến chương 08 đòi hỏi cải cách dân chủ và được sự ủng hộ của hàng trăm người Trung hoa cùng ký tên.
Trung tâm bảo vệ nhân quyền Trung hoa (CHRD - Chinese Human Rights Defenders) cho biết "chính phủ Bắc Kinh đã tăng cường việc khủng bố chống lại những người bảo vệ nhân quyền, các học giả độc lập cũng như những người đã ký tên vào Hiến chương 08"
Một chiến dịch giải độc rầm rộ đã được nhà cầm quyền Bắc Kinh tung ra sau khi giải Nobel Hòa bình được công bố ngày 08/10/2010, cách thức giải độc dư luận này, theo CHRD cho biết thêm:
"Trong 20 ngày qua, các nhà hoạt động nhân quyền cũng như trí thức đã bị quản thúc tại gia, cưỡng bức hồi hương, thậm chí bị thủ tiêu. Tình trạng này đã và đang bao trùm khắp nước Trung hoa cộng sản".
Trong số này có bà Lưu Hà vợ ông Lưu Hiểu Ba (giải Nobel Hòa bình 2010), và Đinh Tử Lâm (Ding Zilin), lãnh đạo "những bà mẹ Thiên An Môn", một tập hợp thân nhân của các nạn nhân phong trào dân chủ mùa xuân năm 1989.
Các nhà văn Hu Shigen và Yu Jie, tác giả quyển sách liên quan đến thủ tướng Ôn Gia Bảo, cũng như Lưu Di (Liu Di), nhà bất đồng chính kiến bị cầm tù vì những tuyên bố trên internet trong quá khứ, đó là những gương mặt tiêu biểu trong chiến dịch tổng đàn áp kỳ này.
Trung tâm bảo vệ nhân quyền Trung hoa (CHRD) kêu gọi nhà cầm quyền Bắc Kinh ngưng ngay các chiến dịch đàn áp những nhà bất đồng chính kiến, những người bảo vệ quyền của xã hội công dân, cũng như các học giả độc lập, đồng thời tôn trọng tất cả quyền căn bản của những người đó.
Bà Sharon Hom, giám đốc của Tổ chức nhân quyền này đánh giá :" Sự đàn áp này là một minh chứng hùng hồn cho sự vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng tại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".
Sau khi giải Nobel Hòa bình được công bố ngày 8/10/2010 cho giáo sư Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), nhà cầm quyền Bắc Kinh đã gọi ông là "tội phạm"; Trong tuần này để tiếp tục chống giải Nobel Hòa bình 2010, họ xử dụng những phương tiện truyền thông đại chúng để bôi bác nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba là người do lòng tham sai khiến cũng như là tay sai nước ngoài.
"Tôi không giống như anh. Tôi không hề thiếu thốn tiền bạc. Những người nước ngoài đã trả tiền cho tôi mỗi năm ngay cả khi tôi ngồi tù", đây là lập luận mà Tân Hoa Xã đã tung ra vào những ngày gần đây.
Hội Phóng Viên Không Biên Giới đã đánh giá đây là lối lập luận giống như thời cách mạng văn hóa được phát động vào thập niên 60 khi Mao trạch Đông còn sống để lấy lại quyền hành và uy tín từ tay Lưu Thiếu Kỳ.
Một tuần lễ sau khi trao giải Nobel Hòa bình cho giáo sư Lưu Hiểu Ba, trên tờ Nữu Ước Thời báo, ông Thorbjoern Jagland, Chủ tịch Ủy ban Nobel của Na Uy đã giải thích lý do tại sao Ủy ban đã chọn vị giáo sư vừa nêu trên để trao giải Nobel là hoàn toàn phù hợp với các luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền đối với các quốc gia, và đương nhiên cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ phải bảo vệ.
Nhưng giá trị nhân quyền cao quý này đã bị Tân Hoa Xã phản biện vào ngày thứ sáu 29/10/2010 cho là đã vi phạm chủ quyền của nước Trung Hoa với ý thức hệ của thời chiến tranh lạnh.
Tân Hoa Xã nói tiếp : "Từ khi ông Jagland nhận chức Chủ tịch Ủy ban Nobel vào năm 2009, họ đã chọn hai ứng cử viên gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng quốc tế. Năm 2009, Ủy ban đã trao giải Nobel cho tổng thống Mỹ Barack Obama, nhân vật này là một thể hiện cho chính sách Bush mà không Bush trong chiến tranh ở Ba Tư và A Phú Hãn".
Đây là chân lùi về phía sau của nhà cầm quyền Bắc Kinh...
Nếu có người, một chân tiến về phía trước, một chân lùi về phía sau, kết quả sẽ như thế nào, ắt hẳn độc giả cũng mường tượng được !
Lý thái hòa (29/10/2010)