BÀI HỌC TỔNG NỔI DẬY Ở MIẾN ĐIỆN
Cuộc nổi dậy của toàn dân Miến Điện và sư sãi năm 1988 và năm 2007 đã bị chính quyền quân phiệt đàn áp thô bạo đẫm máu làm cho thế giới quan tâm và lên án.
Cuộc nổi dậy năm 1988 đã bị đàn áp quá tàn bạo : 3,000 sinh viên và dân vô tội bị tàn sát. Thế mà năm 2007 dân Miến lại tiếp tục xuống đường dưới họng súng chờ sẵn của tập đoàn quân phiệt độc tài đang cầm quyền..
Lý do nào đã thúc đẩy dân Miến có được sự can đảm cao độ như vậy?
Trước hết chúng ta thử tìm hiểu về nước Miến Điện.
Nước Miến Điện có danh xưng là Burma ( tên do người Anh đặt ) và sau này giới quân phiệt Miến Điện đổi tên lại là Myanmar.
Miến Điện có diện tích là 678.034 Km2 tức là 261,789 square miles.Phía Đông giáp Thailan và Lào. Phía Bắc và Đông Bắc giáp Tây Tạng. Phía Tây Bắc giáp Ấn Độ. Phía Tây giáp Bangladesh và vịnh Bengal. Phía Tây Nam và Nam giáp vịnh Martaban và biển Andaman.
Về dân số, Miền Điện có 50 triệu dân với hơn 100 thổ ngữ. Tiếng Miến Điện là ngôn ngữ được thông dụng.
Về kinh tế, nông nghiệp là yếu tố quan trọng nhất của Miến Điện với các loại gạo, bông gòn, mía, đậu phụng, mè, cao su. Gạo được xuất cảng nhưng quản trị kinh doanh yếu kém. Về tài nguyên Miến Điện thì dồi dào khoáng sản: như bạc, chì, kẽm, tungsten, dầu khí và than đá.
Về tôn giáo, đạo Phật là quốc giáo. Vì gần Ấn Độ nên Miến Điện chịu ảnh hưởng sâu đậm của đạo Phật từ Ấn Độ truyền sang. Dân chúng sùng đạo nên tiếng nói của các vị sư sãi rất được kính trọng. Đó là yếu tố quan trọng cho việc nổi dậy chống chế độ quân phiệt.
Về lãnh thổ, Miến Điện trước kia có 5 vùng tự trị : Shan, Kachin, Karen, Kayah và Chin. Năm 1852 Miến Điện bị Nước Anh đô hộ và bị sát nhập vào Ấn Độ. Năm 1931 nông dân Miến nổi dậy chiến đấu chống thực dân Anh trong hai năm ròng rã dưới sự lãnh đạo của nhóm trẻ Thaking. Năm 1936 hai nhà lãnh đạo sinh viên là Aung San và U Nu theo nhóm Thaking. Năm 1937 Anh quốc tách rời Miến Điện ra khỏi Ấn Độ.
Khi Đệ nhị thế chiến bùng nổ, Nhật bản xâm chiếm Miến Điện. Aung San trốn qua Trung quốc. Nhật hứa hẹn sẽ trao trả độc lập cho Miến Điện nên Aung San trở về nước và thành lập quân đội độc lập Miến Điện. Nhưng Nhật bản không giữ lời hứa. Aung San thất vọng nên đã liên lạc với Lord Mounbatten, chỉ huy lực lượng đồng minh ở Đông Nam Á để chống lại quân Nhật. Sau khi chiến tranh kết thúc, toàn quyền Anh ở Miến Điện định bắt Aung San bỏ tù nhưng bị dân Miến nổi dậy chống đối mãnh liệt. Chính phủ Anh khôn ngoan để tránh bạo động đã thay thế vị toàn quyền khác và mời Aung San tham dự nội các. Tháng 7 năm1947 Aung San bị phe đối lập ám sát. U Nu được đưa lên thay thế.
Ngày 4 tháng 1 năm 1948 Miến Điện được trao trả độc lập.
Tháng 3 năm 1962 tướng Ne Win đảo chánh lập ra Hội Đồng Cách Mạng và thành lập thêm hai vùng tự trị nữa. Như vậy có tất cả 7 vùng tự trị thay vì 5 vùng như trước kia. Hai vùng mới là Arakanese và Mons. Mons xưa kia là một vương quốc trải rộng đến sông Cửu Long. Do đó người Kmers có nguồn gốc như người Mons. Tướng Ne Win biến Miến Điện thành nước xã hội chủ nghĩa và bắt giam ông U Nu. Ne Win đã đưa đất nước đến cùng khổ. Người dân bị đàn áp tàn bạo. Năm 1988 giới trí thức đã đứng lên đấu tranh. Vì thiếu yếu tố quần chúng nên không lôi kéo đông đảo người tham gia. Vì thiếu yếu tố truyền thông nên quốc tế không hay biết đã có 3,000 người Miến đã bị tàn sát. Mãi đến một năm sau thế giới mới hay biết. Năm 1989 Hội Đồng Tướng lãnh đổi danh xưng Burma thành Myanmar. HK không công nhận chính quyền độc tài quân phiệt Miến và danh xưng mới.
Cuộc tổng nổi dậy ở Miến Điện !
Lợi dụng tình hình kinh tế và chính trị tại Miến Điện không ổn định và rút kinh nghiệm cuộc nổi dậy đau thương và đầy nước mắt năm 1988, lần này cuộc nổi dậy được tính toán kỹ lưỡng. Đại Đức Giam Be Ya, người sáng lập Liên Minh Tu Sĩ Phật Giáo Miến Điện, đồng thời cũng là một trong năm tăng sư đang điều khiển cuộc đấu tranh đòi dân chủ và nhân quyền tuyên bố: " Chúng tôi phải mất 20 năm mới dựng lại được không khí của ngày biểu tình hôm nay vì trong hai thập kỷ qua chúng tôi bị kềm kẹp đến độ người dân sống trong sợ hải. Nhưng cuối cùng người dân Miến Điện chúng tôi không thể chịu đựng được nữa và bắt buộc phải lên tiếng đòi quyền sống cho chính mình."
Ngày 5-9-2007 tăng sĩ xuống đường biểu tình ở Pakokku. Lực lượng an ninh nổ súng. Ngay sau đó làn sóng biểu tình bùng phát mạnh mẽ và gia tăng về số lượng và cường độ tại 25 tĩnh thành. Ngày 18-9-2007 số người biểu tình gia tăng lên đến hàng trăm ngàn người trong đó 1/3 là tăng ni. Ngày 25-9-2007 các nhà sư dẫn đầu 100 ngàn người tuần hành ôn hòa trên đường phố Rangoon. Họ tiến đến Tòa thị chính và kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Cùng ngày tại khu vực Mandalay, trên mười ngàn tu sĩ từ nhiều tu viện khác nhau xuống đường biểu tình. Tại thành phố Moulmein, xuất phát từ ngôi chợ Zay Gyi hàng trăm tu sĩ dẫn đầu hàng ngàn người kể cả sinh viên xuống đường biểu tình. Tại Kyaukpadaung hàng ngàn tu sĩ và 10 ngàn người biểu tình. Tại mỗi tĩnh Moenyin, Bamaw Township và Shwebo hàng trăm người tham gia biểu tình. Đây là cuộc biểu tình quy mô nhất và đông đảo người tham gia nhất.
Chính quyền quân phiệt im lặng quan sát. Chỉ dùng truyền đơn, báo chí và truyền thanh để cảnh cáo và đe dọa tu sĩ và dân chúng.
Cuộc đàn áp đẫm máu !
Ngày thứ tư 26-9-2007 cuộc đàn áp bắt đầu. Lực lượng an ninh dùng đùi cui, lựu đạn cay và đạn thật đàn áp biểu tình. 3 nhà sư và một thường dân thiệt mạng. Theo phóng viên báo Times cho biết cuộc đàn áp đã khiến cho một số người ngã quỵ, đầu đầy máu. Hãng CBS phổ biến bài báo cho biết nhà cầm quyền đã xử dụng hàng trăm tội phạm băng đảng trà trộn vào hàng ngũ biểu tình để phá rối và hành hung. Ngày 27-9-07 lực lượng an ninh đột nhập vào nhiều tu viện Phật giáo và bắt giữ hàng trăm nhà sư lãnh đạo phong trào nổi dậy biểu tình. Theo tin cho biết có 200 người bị giết và 6,000 người bị bắt. 700 người được trả tự do sau đó. Ban ngày lực lượng quân đội tuần tra trên đường vắng tanh. Đêm đến quân đội và lực lượng an ninh ồn ào xét nhà và bắt người, tạo không khí rùng rợn chết chóc để cho dân chúng khiếp sợ. Các nhà ngoại giao HK cho biết họ đã đến 15 tu viện và không thấy bóng người. Có thể tất cả đã bị bắt đi hết. Các tu viện khác thì bị lính canh gác với hàng rào kẽm gai bao bọc phong tỏa. Ông Ibrahim Gambari, đặc phái viên của LHQ đã đến kịp thời để ngăn chặn cuộc tẩm máu dân lành như năm 1988.
Tổng thống HK George W. Bush đã lên án nặng nề vụ đàn áp này và ra lệnh phong tỏa các chương mục tại ngân hàng HK của các tướng lãnh Miến Điện. Thủ tướng Anh Gordon Brown thúc giục các nước Liên minh Âu châu ủng hộ cuộc biểu tình của dân Miến bằng cách phong tỏa mạnh mẽ chế độ quân phiệt Miến. Ông Brown cũng đề nghị LHQ nhanh chóng phản ứng về vụ này. Liên Hiệp Âu châu đồng ý mở rộng các biện pháp trừng phạt chế độ quân phiệt Miến Điện như không cấp visa cho thành viên Hội Đồng quân nhân, cấm đầu tư, cấm buôn bán kim loại, gỗ và đá quý. Bà Shan Villarosa, quyền Đại sứ HK đã gặp ông Maung Myint, Thứ trưởng ngoại giao Miến và chỉ trích mạnh mễ cuộc đàn áp đẫm máu dân biểu tình. Các nguyên thủ trong khối Asean kêu gọi quân đội Miến hãy áp dụng giải pháp dân chủ. Ngoại trưởng Úc Alexander Downer kêu gọi Trung quốc và Ấn độ cùng khối Asean ngăn chặn cuộc đàn áp của nhà cầm quyền Miến Điện. Ngày 02-9-2007 Ông Ibrahim Gambari gặp tướng Than Shwe, lãnh đạo chính quyền quân phiệt. Tướng Than Shwe ngỏ ý muốn đối thoại với bà Aung San Suu Kyi với điều kiện bà phải ngưng kêu gọi thế giới trừng phạt Miến Điện đang bị khó khăn. Giáo sư Josef Silverstein chuyên gia về Miến Điện tỏ ý không tin thiện chí của phe quân phiệt. Bà Monique Skidmore, chuyên gia về Miến Điện của đại học quốc gia Úc phát biểu :” Bà Suu Kyi không những là biểu tượng của người dân Miến đang chịu đau khổ mà bà là người lãnh đạo tinh thần và chính trị hợp pháp và chính đáng của Miến Điện.”. Ông David Steinberg, chuyên gia về Miến Điện của đại học Georgetown tại Washington cho biết :” Bà Suu Kyi không những là người đối lập với phe quân phiệt mà là mối đe dọa to lớn cho họ... Bà là thần tượng.” Bà Aung San Suu Kyi là con gái của tướng Aung San được dân chúng Miến ngưỡng mộ. Đúng là hổ phụ sinh hổ tử. Năm 1990 Liên Minh quốc gia vì dân chủ do bà Suu Kyi lãnh đạo đã thắng cử nhưng chính quyền quân phiệt không chấp nhận kết quả bầu cử và không chịu trao quyền. Họ đã quản chế bà tại gia hai lần, vào 1989 đến 1995 và 2000 đến 2010. Năm 1991 bà được trao giải thưởng Nobel về hòa bình.
Vấn đề đặt ra là cuộc nổi dậy lần này đã được tính kỹ càng và rùt tỉa kinh nghiệm của cuộc nổi dậy 1988 lại được thế giới lên tiếng ủng hộ. Nhưng tại sao lại thất bại?
Theo tôi nghĩ cuộc nổi dậy này có lợi điểm và cũng có thiếu sót cần rút kinh nghiệm.
A.- Lợi điểm của cuộc tổng nổi dậy ở Miến Điện :
1/ Lợi điểm thứ nhất : Ban tổ chức kêu gọi được đông đảo quần chúng nổi dạy :
Dân Miến đã chán ghét và căm thù chế độ quân phiệt bạo tàn. Vì vậy họ đã can đảm tiến lên trước mũi súng của tử thần. Hận thù đã che lắp sự sợ hải của họ.