lịch sử việt nam
Truyện Ba Con Cáo
Bình Nguyên Lộc
Nói về truyện ngắn--và cả luôn văn chương Việt Nam--Bình Nguyên Lộc là một tác giả không thể không nhắc đến. Theo nhiều tài liệu khác nhau, ông viết từ 300 cho đến 400 truyện ngắn và hơn ba mươi truyện dài. Thêm vào đó là hai khảo cứu về ngôn ngữ học.
Bình Nguyên Lộc là kể truyện hơn là viết truyện: truyện của ông là kinh nghiệm đời, chuyện thấy được qua kinh nghiệm sống.
Tên thật là Tô Văn Tuấn, sanh năm 1914 Tân Uyên, Biên Hoà, sau khi đậu tú tài phần 1, ông ra làm công chức và bắt đầu viết văn từ năm 1943. Năm 1950 ông cho ra đời truyện dài Nhốt Gió. Từ đó ông là một trong những nhà văn được mến chuộng nhất trong giới cầm bút.
Truyện ngắn Bình Nguyên Lộc nói về phong tục địa phương và sự giao cảm của người dân và mảnh đất họ đang cư ngụ. Trong một truyện ngắn có tên là "Những Ngôi Mả Tổ," ông viết về một ngôi làng thật nghèo ở miền đông Nam Phần. Nhưng ngôi làng nằm trên một vùng đất có một sự cấu trúc địa dư chất đặc biệt: dưới mảnh đất khô cằn đó là một lớp sỏi quý, loại sỏi mà các chủ nhân biệt thự dùng để trải sân. Khi một tay thầu khoán biết được chuyện đó, ông ta đến thương lượng với dân làng, xin trả một khoản tiền thật lớn để mua nguyên cái làng và khai thác sỏi-- nhưng ông ta không nói cho dân làng biết lý do tại sao ông muốn mua mảnh đất khô cằn đó. Sau vài ngày nghị luận, dân làng trả lời là họ không muốn bán đi vùng đất mà tổ tiên của họ khai khẩn. Tiếc của, người thầu khoán đi đến một quyết định táo bạo hơn: ông mướn người nửa đêm đốt sạch khu làng đó. Với hy vọng khi làng đã cháy rụi, dân làng sẽ bán mảnh đất và dọn đi nơi khác ...
Vài ngày sau người thầu khoán trở lại, một lần nữa ông đề nghị mua mảnh đất. Trong khung cảnh trơ trụi của một ngôi làng bị đốt cháy, những người dân làng trả lời người thầu khoán là họ không thể bán đất của họ đi được vì trên vùng đất khô cằn đó có những ngôi mả tổ tiên của họ.
Trong giai đoạn về sau của sự nghiệp viết văn của Bình Nguyên Lộc, ông trở qua khảo cứu về ngôn ngữ học-- mặc dù không thành công lắm. Ông có hai tác phẩm về ngôn ngữ-nhân chủng học là: Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam; Lột Trần Việt Ngữ.
Các sáng tác tiêu biểu khác: Tân Liêu Trai; Ký Thác; Nửa Đêm Trảng Sụp; Bí Mật Của Nàng; Quán Tai Heo; Tình Đất; Nụ Cười Nước Mắt Học Trò; Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố. ...
Bình Nguyên Lộc đến Hoa Kỳ tị nạn vào năm 1985 và mất tại California vào tháng 3, 1987.
Truyện Ba Con Cáo mà chúng tôi trích đăng dưới dây được đăng trên nguyệt san Bách Khoa vào năm 1962. Trong truyện này hình như BNL nói về ba nhân vật: Một cô gái điếm, một tên trộm cắp trốn quân dịch, và một con cáo. Cả ba cần nhau khi họ còn cơ hội và điều kiện; họ phản nhau khi bản năng sinh tồn bắt họ phản nhau. Một bộ mặt rất thật của cuộc đời trong truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc.
Nguyễn Kỳ Phong
oooOooo
Mặc dầu là tay "bán trời không mời thiên lôi", Sáu Sửu vẫn nghe rờn rợn khi nhìn ra ngoài.
Thánh giá trắng đứng mơ hồ trong ánh sáng lờ mờ của nghĩa địa, sắp thành hàng ngũ đông đúc, nhánh ngang của thánh giá trông mường tượng như những cánh tay người giăng ra để đón bắt ai.
Xa xa, một trụ vôi có dáng một người đàn bà đội khăn tang trắng, đứng nhìn đám mồ trước mặt bà ta.
Gió đêm, cùng với dế, trùng, họp nhau mà than vãn bên hàng nghìn mồ hoang mả lạnh, và thỉnh thoảng, anh Sáu vẳng nghe như có tiếng người rên rỉ đâu đây.
Từ một ngôi mả cũ đằng xa, một ánh lửa lóe lên, nhỏ bằng ngón tay, từ từ bay lên cao rồi đi bơ vơ qua các hàng thánh giá. Lửa ma trơi hay là đèn của một người đi soi ếch nào đó?
Mưa dầm tháng tám rơi trên nước ao tù khiến anh Sáu có cảm giác rằng mình đang ngủ trên một chiếc thuyền, giữa dòng nước.
Lạnh quá, lạnh ngoài da, mà lạnh cả đến trong lòng.
Người sống, một khi xâm nhập vào địa hạt của người chết, mới nhận được rằng cuộc đời bên ngoài dầu đau khổ bao nhiêu cũng còn ấm chán.
Tại phố Phát Diệm, khúc phía trên này, họ Cầu Kho có một đất thánh mà từ vài năm nay nhà thờ không cho chôn trong đó nữa.
Dân số nghĩa địa cứ mỗi ngày một tăng lên, mà không có một ai chết lần thứ nhì cả để cho số sanh và số tử bù trừ nhau hầu đất đai trống bớt chỗ.
Ngoài thành phố, người ta đẻ con, nhưng người ta lại chôn ông, nhà cửa thành thử không chật thêm được. Ở đây mồ mả sanh ra rồi già cỗi dưới rêu xanh của sương gió, nhưng vẫn nằm lì đó đến muôn thu.
Vì vậy nghĩa địa phải chịu nạn nhơn mãn. Nhà thờ không cho chôn xác thêm vào đó, rồi cũng chểnh mảng việc trông nom đất thánh nên người sống đang thiếu đất, bèn ùa đến mà lấn người chết.
Nghĩa địa không có vách thành. Ban đầu vài người mạo hiểm cất nhà ngay trên ranh đất thánh. Thấy không ai nói gì, một số người khác lách qua khỏi mấy cái nhà vừa cất lên, để vô trong mà xây cất.
Họ cất vây tứ phía ngôi đất thánh và vòng vây cứ càng ngày càng siết chặt lại, người chết không còn lối nào để thoát ra được nữa cả.
Khi vòng vây siết đến lằn mức chót, nghĩa là những ngôi mộ ở bìa, thì cuộc xô lấn bắt đầu diễn ra một cách đau thương.
Người sống cũng biết đau lòng khi phải dẫm lên những gò mả còn mới rành rành (nhiều mô. bia, thánh giá, đề năm chôn là 1951) nhưng họ, ác thay, lại cũng biết lạnh. Cho nên họ cứ cất nhà trên những nấm đất ấy, xin người chết thứ lỗi, miễn là có chỗ núp mưa thì thôi.
Không bao giờ kẻ sống và người chết lại sát cánh nhau đến thế. Ông đã chết rồi, ông choán đất làm chi cho nhiều, trong khi tôi không có lấy một vuông nhỏ để mà cắm cây cột gỗ; vậy ông thứ lỗi nhé! Rồi ngày sau tôi cũng hoàn lại đất như ông vậy mà; trần gian nầy chỉ là cõi tạm thôi, tranh nhau làm gì!
Cuộc xâm lăng lặng lẽ để tranh sống với người chết, gây ra một tai hại lạ kỳ.
Vùng đất ấy ngày xưa tuy cũng thấp mà vẫn khô ráo, nhờ con rạch Bần tháo nước ra sông Ông Lãnh. Nhưng từ khi đô thành cho đắp đại lộ Trần Hưng Đạo, cách đây mấy mươi năm, thì ngọn rạch Bần bị lấp, và nước mưa trên nầy bị bỏ tù lại đến chung thân khổ sai, vì khu ấy đất trũng mà!
Đất thánh không phải ở giữa rún đất nên không đọng nước. Nhưng vòng vây tai hại kia lại biến thành con đê ngăn nước đất thánh đỗ xuống chỗ trũng hơn.
Thành thử phần nhiều ngôi mộ đã biến thành cù lao, có cù lao rời rạc, có mớ họp thành quần đảo, không còn làm sao ra đó được nữa. Nước tù mang một màu khó tả và một mùi cũng khôn tả. Đáy ao biến thành bùn non, đi thì lún đến ống quyển.
Lau, sậy, đế tha hồ mà mọc như ở bưng miền xa.
Giữa đất thánh còn sót lại một ngôi mộ cổ kiến trúc theo bên lương mà có lẽ nhà thờ không nỡ phá đi lúc lập ra đất thánh cho giáo dân nầy.
Ngôi mộ ấy đồ sộ nhứt nghĩa địa, xây bằng vôi và ô đước, xanh đặc những rêu phủ. Lối kiến trúc rất rắc rối như một lâu đài, đầy rẫy ngăn nắp với nào là đường vào lối ra quanh co và hóc hiểm.
Hôm ấy những người của vòng vây đều ngạc nhiên mà thấy một mái nhà lá dựng ngay trên ngôi mộ cổ ấy.
Nhà dựng đâu từ sớm mai đến trưa là xong cả. Họ cứ tự hỏi, và hỏi nhau làm thế nào mà chủ nếp nhà ấy lội sình để ra ngoài đó được. Đi tay không đã không được rồi, mà làm sao hắn ta lại mang cả gỗ, tre và lá ra đó để cất nhà?
Hỏi nhau không ai đáp được, mà cũng chẳng mong phỏng vấn thằng cha dị hợm kia, họ đành thôi. Thét rồi mắt họ quen đi, nếp nhà ăn vào chân trời quen thuộc của họ, họ nhận cho nó ở đó mà không bàn tới bàn lui gì nữa cả.
Sáu Sửu ngày trước có ở xóm Phát Diệm. Năm ấy có người treo cổ trong nhà mồ ở bìa đất thánh. Anh đã vào đó với nhiều kẻ hiếu kỳ khác để xem kẻ chết treo, nên được dịp biết rõ nghĩa địa.
Hôm tháng rồi anh bị truy nã ráo riết nên cố tìm một chỗ ẩn nấp thật kín. Nhớ lại xóm cũ với cái nghĩa địa kia, anh về qua đó và rất hài lòng mà gặp hòn đảo nầy.
Không một viên cảnh sát nào đủ can đảm lội sình nhứt là dầm chơn trong một thứ nước nhơn nhớt để ra ngoài đảo Lỗ Bình Sơn của anh.
Nếu có cuộc bố ráp đại qui mô như hồi còn Tây thì bất quá họ cũng đứng ngoài mà nhìn vào, hú bậy vài tiếng như hú đò bên kia sông, rồi đò không qua thì thôi. Họ nghĩ sót một con cá cũng chưa chết ai, mà biết đâu cá đó lại không phải cá hiền, một tên ăn mày nào đó chớ gì.
Từ vòng vây ở ngoài, leo lét vài ngọn đèn dầu của những kẻ lấn đất người chết. Xa thật xa ngoài kia, ánh sáng đô thành làm nổi bật lên, đen thui, những ngôi nhà lầu, những ngọn cây cao. Các thứ nầy giống hệt những hình bằng giấy đen, người ta cắt rồi dán lên nền trời.
Bỗng anh Sáu nghe rục rịch dưới sàn ván. Hôm cất nhà xong, anh lót ván lên mộ, vừa để làm nền nhà, vừa để làm giường ngủ. Dưới ván rầm ấy, lau sậy bị đè đầu xuống, và sẽ chết lần mòn vì thiếu ánh sáng.
Anh Sáu quên, một thứ khác, cũng giống như lau sậy, mà biết cục cựa nữa kia. Vì thế đêm nay trời có trăng, anh ngồi ngó một ra đám rừng thánh giá trắng thì anh phải một phen hết hồn trước sự hiện ra của một chú chồn to bằng con chó ta.
Chồn khua lau sậy sột soạt, rồi chui ra khỏi mộ, ngoái cổ lại dòm cái nhà mà đêm hôm qua đây chưa có. Suốt ngày hôm ấy nó nằm trong hang, không dám ló ra nên không biết ngoài này loài người làm gì mà lục đục mãi.
Đôi mắt nó lóng lánh dưới ánh trăng, ngạc nhiên giây lát rồi bỏ đi. Nó đã quen với con người rồi nên không có vẻ gì sợ sệt cả.
Nhưng anh Sáu lại sợ. Anh có đọc truyện Phong Thần nói chuyện mả Huỳnh Đế có một bầy hồ ly mà một con đã nổi danh trong lịch sử, là cái con đã biến thành nàng Tô Đắc Kỷ; đến nay thấy chồn trong mộ chui ra, anh liên tưởng ngay đến tích cũ rồi rợn người lên.
Nhưng anh trấn tĩnh lại được. Trong dân chúng người ta tin chắc như đinh đóng cột rằng tóc người chết hóa thành con lươn, rồi con lươn hóa thành con chồn. Con chồn mà anh thấy, có lẽ chỉ là thối thân của tóc người nằm dưới nhà mồ, chớ không phải yêu quái gì đâu.
Độ nửa tiếng đồng hồ sau, anh Sáu thấy chồn về, mõm ngậm một con vịt.
- A ha, đồng đạo đây mà! Anh Sáu cười mà nói thầm như vậy rồi cảm tình ngày với con thú nầy.
Cái đạo mà anh nói đó là đạo ... chích; trước kia, trước khi lường gạt và cướp giựt, anh cũng đã đi ăn cắp gà như chú chồn nầy vậy.
Ngày nay anh thôi ăn cắp, nhưng lại biến thành con cáo già chuyên môn gạt gẫm thiên hạ.
- Mầy cáo thì tao đây cũng cáo, vậy thì là bồ rồi.
Từ đó, hai con cáo chung đụng với nhau mà không xích mích bao giờ cả.
Nghe động dưới sàn, anh Sáu mỉm cười lẩm bẩm:
- Đồng nghiệp xuất quân đó đa!
Anh Sáu nhờ cậy con chồn nầy lắm. Có nó ở dưới ấy thì không còn lo rắn rít nữa. Anh mong có dịp trả ơn nó, nhưng nó có đói bao giờ đâu để anh ra tay hào phóng mua cho nó một con gà. Xóm lao động vây quanh nghĩa địa, người ta nuôi gà vịt cả bầy, nó ăn đến già cũng chưa hết.
Bỗng anh Sáu nghe có tiếng chó sủa vang dậy lên. Tiếng sủa to lắm và oai vệ lắm, có lẽ đó là tiếng chó bẹc-giê.
Rồi lại nghe nước khua lũm chũm, với tiếng chó càng lúc càng đến gần anh. Anh Sáu bước ra dòm thì thấy bạn của anh đang chạy bán sống bán chết trước một con chó to thấy mà bắt ớn.
Anh Sáu thò tay vào trong rút cây chĩa ba ra, cây chĩa anh sắm để chĩa ếch dưới nước, rồi lẹ như chớp, anh chìa mũi chĩa đón đầu chó cho chồn đủ ngày giờ chui vào mả.
Chó bẹc-giê chạy quá đà, bị mũi chĩa đâm vào mõm đau điếng, rống lên vài tiếng rồi trở bước, vừa đi vừa day lại, sủa om như chửi thề.
Anh Sáu cười ha hả rồi cúi xuống sàn mà nói:
- Đêm nay tổ trác rồi đó phải không em! Anh đây cũng bị rượt thường lắm, nhưng đều thoát khỏi cả. Bây giờ thì đố ai mà dám theo anh vào chốn nầy.
Chỗ ở tụi mình kín số dách.
Sáng hôm ấy, anh Sáu đi uống cà-phê, về tới nhà thì ngạc nhiên hết sức. Trên một ngôi mô. cận mộ anh, một chòi lá đã dựng lên rồi.
Ngộ quá, nhà cửa sao mà mọc mau lẹ như nấm mối. Uống xong tách cà-phê, đọc xong trang nhứt một tờ nhựt báo là một túp lều cũng vừa dựng xong. Phải mà, chỉ có bốn cây cột thôi thì chậm sao được!
Anh Sáu ngạc nhiên mà thấy có một người thứ nhì lại biết con đường bí mật đưa vào đó! Anh lại tức vì túp lều ấy chặn ngay đầu đường bí mật của anh.
Số là anh Sáu biết lợi dụng mấy ngôi mộ chung quanh nên mới vào đây được. Anh phải đi quanh co nhiều nơi, nhảy từ ngôi mộ nầy qua ngôi mộ khác, ra cửa nhà thì đi hướng đông, nhưng ra khỏi nghĩa địa lại ra hướng tây, nghĩa là anh phải đánh một cái vòng rất lớn và rất cong quẹo.
Túp lều tranh ấy cất ngay trên ngôi mộ anh dùng làm đầu cầu cuối cùng để nhảy vào nhà anh, thì anh còn làm sao mà về nhà được, nếu hắn không cho anh nhảy ngang qua nhà hắn?
Anh tức giận lắm toan vào lều mần thằng cha nầy một mách cho nó phải giải tỏa hiểm đạo của anh, anh mới nghe cho.
Anh Sáu vỗ đùi nhảy một cái như bay đi và rơi xuống phiến mộ bia đặt nằm theo lối Châu Âu, trên có khắc mấy giòng chữ như sau:
Ci-git:
Alphonse Thomas Nguyễn-Văn-Nở
décédé en sa 78è année
Priez pour lui (1)
Phiến đá lớn bằng bộ ván hai, và thằng cha chủ nhà nầy dùng phiến đá ấy để làm bộ ván luôn, nên không thấy nó lót gì trên ấy cả mà lại để lên đó nào là va-ly, dép ... à ... mà sao lại dép đàn bà?
Túp lều che có phân nửa tấm bia thôi; cửa lều là một bức màn bằng vải bông cũ. Anh Sáu bước tới vén màn lên thì ô nầy lạ, chủ nhơn bà (chớ không phải chủ nhơn ông) là một thiếu phụ tóc quăn.
Chủ nhơn bà bình tĩnh chào anh Sáu bằng một mỉm cười yên lặng.
Có lẽ chồng chị ta đi làm rồi chăng? Nhưng vẫn lạ là chị không có vẻ lao động chút xíu nào hết. Móng tay chị đỏ choét và nhọn hoắt, nước da mặt của chị bị phấn ăn, chỗ thì mét chằng, chỗ thì thâm đen sì, mắt chị mệt đừ và sâu hóm như mắt cô đào hát bội.
Y phục của chị cũng không phải y phục của những kẻ đầu tắt mặt tối: lai quần gắn ren, áo cổ bà lai thêu rằn rịt xanh đỏ, tóc thì kẹp thành đuôi ngựa, cột bằng ruy-băng màu.
Chị ngồi trên chiếc rương thiếc nhỏ, món đồ từ khí độc nhứt trong chòi, mỉm cười rồi giây lát hất hàm hỏi anh:
- Có tiền mãi lộ không? Nếu không, mỗ không cho đi ngang qua đây. Mỗ đóng đồn ở đây rồi, ai bước qua phải đóng thuế.
Anh Sáu thọc tay vào túi quần tây cũ của anh đứng thẳng lên coi oai vệ như một tướng cướp trong xi-nê-ma, cười gằn rồi ngạo nghễ đáp:
- Hỡi cô nữ tướng mã thượng giang hồ, nữ tướng không có lâu la thì đòi tiền mã lộ ai được. Nữ tướng có giỏi thì bước ra ngoài đánh với ta vài mươi hiệp cho rõ tài cao thấp.
Nữ tướng cười xòa vì nghe giọng điệu thì biết đã gặp tay đồng điệu. Tuy bắt nạt hắn không được nhưng bắt bồ với hắn có thể có lợi.
Anh Sáu xem qua thì biết nữ tướng thuộc vào hạng người nào trong xã hội rồi. Đây cũng là một kẻ trốn chui như anh, như con cáo dưới giường anh.
Cả ba đều là chồn, nhưng con chồn cái này đã tu luyện nhiều năm nên mang được hình người. Đây là một thứ hồ ly không hớp hồn nho sĩ mà chỉ hốt bạc cắc của mấy anh lao động thôi.
Đầu anh Sáu đụng nóc chòi, anh khó chịu quá nên ngồi xuống:
- Ở đây không sợ mang tội à? Anh hỏi đùa.
- Chớ còn anh?
- Tôi thì khác. Ngôi mả của tôi cũ lắm rồi.
Đó là một cái nhà của một người chết đã đi đầu thai kiếp khác rồi.
Con chồn cái bỗng bỏ cái cười, buồn nét mặt lại rồi chỉ ra ngôi giáo đường trước nghĩa địa.
Tiểu giáo đường tuy chỉ để làm lễ mỗi khi đám xác nào tới đây thôi, nhưng cũng đồ sộ bằng một nhà thờ ở thôn quê. Tuy ngói đã bị tốc nhiều nơi, gạch, đá trên tường nhiều viên đã rã và rớt xuống, cửa sổ gỗ đã bung hết, cửa kính màu đã bể nát, nhưng toàn thể công trình kiến trúc gô-tích ấy vẫn còn mang cái phong độ vĩ đại của thời Trung Cổ Châu Âu.
- Anh thấy không? Chị ta nói. Nếu mình dám vào trong đó mà ở thì đâu có phạm tội như vầy.
Anh Sáu thở dài rồi không thèm chào hỏi gì cả vỗ đùi nhảy bay qua nhà anh.
Từ đó bộ ba chịu đựng nhau để sống chung nhau.
Họ khác nhau ý tứ, phong tục, thói quen, lối sống, nhưng cả ba con cáo đều có một nỗi băn khoăn chung là cả ba đều sợ: Con cáo chánh hiệu con ... cáo thì sợ chó bẹc-giê, con cáo già sợ Công An, còn con hồ ly cáo cái thì sợ lính kiểm tục.
Trong cảnh khổ giống nhau, tuy họ không tương đắc với nhau được và vẫn phải tương thân để bảo vệ nhau, khi cần. Mà nhứt là để an ủi lẫn nhau.
Anh Sáu không thích đờn bà lắm. Hay nói cho đúng ra, anh đã chán chê đờn bà, nhứt là chán những hạng đờn bà như con hồ ly không bao giờ chịu xưng tên nầy.
Nhưng mà những đêm mưa dầm buồn quá, nằm giữa cánh đồng ma mà được có người để trò chuyện với nó thì ấm biết bao!
Những đêm mưa như vậy, con hồ ly không đi kiếm ăn được, mà cũng không đủ sức mạnh để nhảy qua nhà anh Sáu vì hòn đảo của anh ở xa mãi ngoài giữa dòng nước, nên hồ ly ta thắp lên một ngọn nến rồi ngồi bó gối mà ca trật lất bản nhạc "Đêm đông".
"Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng".
Gió đâm sầm vào tiểu giáo đường đằng trước kia, tung hoàng giữa gian phòng trống mênh mông rồi vừa hú vừa chui ra khỏi các cửa sổ nghe bắt lạnh mình.
Mấy cây thùy liễu hiếm hoi đã kháng cự được với lau sậy để sống sót, đứng cúi đầu khóc sướt mướt dưới trận mưa dầm, trong ánh trăng mờ.
Mộ hàng hàng như bầy cừu nằm nghỉ, gặm cỏ héo hon và vô vị, hút đắng cay trên miếng đất mồ côi (2).
Đây là chốn mà mộng đời bị cắt đứt nửa chừng, kẻ chết yên nghỉ thiên thu, mà người sống cũng khó mong trở về với xã hội loài người.
Anh Sáu nhảy bay qua nhà hồ ly, như một tay kiếm khách phi dạ hành, rồi hai kẻ ở ngoài vòng pháp luật ấy mới cùng nhau tâm sự.
Không phải kể chuyện cho khách nghe, hồ ly khỏi phải thi vị hóa buổi thiếu thời của mình, không cần lòe ai, con cáo già cũng khỏi anh hùng hóa bước giang hồ của hắn. Họ đánh bài, mà hạ bài cho nhau thấy. Bao nhiêu thúi tha nhơ nhớp trong đời họ, họ phơi cả ra như sau đêm mưa, họ phơi gối trên mồ cho nó bớt âm ẩm khó chịu.
Trời mưa cuối mùa cứ dai dẳng từ ngày nầy qua ngày khác. Con hồ ly ban đầu ăn xôi, ăn bánh mì chả lụa trừ cơm. Mãi rồi nó cũng không còn tiền để mua xôi nữa. Đất Sài Gòn, những ngày cuối tháng mà mưa dầm, thì tiền bạc nó cũng sợ lạnh, không hề dám ló ra ngoài. Nó có ló ra, con hồ ly mới ăn nem nướng được, còn nó mà trùm chăn thì chồn cái cũng đành trùm mền mà nhịn đói.
Anh Sáu cũng chẳng thấy đi uống cà-phê sáng cho ấm bụng. Cũng chẳng thấy khói thuốc bay ra khỏi mái lều của anh như mọi ngày, và lâu lâu cũng không còn nghe mẩu thuốc vứt xuống ao, tắt kêu xèo một cái.
Cả hai, vì tự ái hão, đều giả đau để nằm nhà. Anh Sáu yên thân hơn, còn dám ngồi dậy lết ra lết vô. Còn con hồ ly thì sợ anh Sáu đi ngang qua đó biết mình giả đò chăng, nên cứ trùm chiếu mãi từ sáng đến chiều.
Khó chịu quá, ngộp quá, mà anh Sáu không đi ngang qua lần nào để thấy là nàng ta đang đau ốm thì có tức hay không chớ?
Hết mưa rồi nắng. Anh Sáu ra đi. Ngang qua nhà hồ ly, anh lấy chơn lật chiếu ra thì thấy hồ ly nằm xụi lơ. Nàng đau ốm thật đó, đau một chứng bịnh cổ điển của loài người, là bịnh ... đói.
Anh Sáu mau bước nhảy như con khỉ từ ngôi mộ nầy đến ngôi mộ khác và rốt cuộc ra tới đầu ngõ hẻm trổ ra phố.
Thiên hạ cứ mỗi ngày một khôn ra, cho nên, mặc dầu là cáo già, anh Sáu không còn gạt gẫm ai được nữa.
Anh buồn hiu trở lại đào viên mà ba người bạn đã mặc lặng kết nghĩa với nhau hôm mấy tháng trước.
- Chị đỡ bớt hay chưa? Anh hỏi bậy cho có chuyện.
- Có uống mẹ gì đâu mà đỡ bớt.
- Chị nghe trong mình làm sao?
- Không biết. Nhưng nếu ăn được một chén cháo thì khỏe.
Anh Sáu hiểu ngay. Anh lại thở ra, ngồi bó gối bên cạnh một người mà anh sẽ chịu đồng cảnh vài ngày nữa đây. Sở dĩ anh còn đi đứng được là nhờ anh mạnh sức, lây lất nổi thêm vài ngày.
Chiều xuống sớm và mây kéo đen nghịt trời. Ngoài kia vịt vào chuồng kêu cạp cạp. Nghe tiếng vịt kêu, anh Sáu nhớ lại người bạn thứ ba.
- Hừ, nó coi vậy mà nó đó.
Bỗng một ý nghĩ nảy ra. Anh vừa mừng thì lại nghe như ai xát ớt trong ruột anh.
Nhưng biết làm sao: Đi ăn trộm vịt, không đáng gì cả, mà rủi ro thì khổ. Trong lúc mình đang trốn mà dại gì làm những chuyện xằng nho nhỏ.
Anh Sáu đứng lên nhảy bay qua nhà anh, rồi ngồi nhìn mưa bắt đầu rơi lũm chũm trên mặt ao tù.
Một con nhái hay con gì không rõ, nhảy xuống nước lội róc rách đi về đâu không biết. Gió hú trong tiểu giáo đường, gió than vãn ở các nhà mồ. Xa xa tiếng động cơ xe nổ lên, nhắc nhở rằng cuộc sống ở bãi tha ma nầy thầm lặng quá!
Anh Sáu rút cây chĩa ba, lết ra tới trước mả mà ngồi. Anh cúi mặt xuống miếng đất đọng nước, mắt lom lom rình.
Bỗng có tiếng sột soạt do con chồn khua lau sậy, nay đã chết khô rồi. Anh Sáu hồi hộp nghe tim anh đập thình thình trong lồng ngực anh. Lạ! Anh đã giết người, mà nhớ ra là anh đã không nghe mảy may sợ hãi. Cớ sao đêm nay ...
Kìa một cục đen đen thò ra khỏi sàn ván. Anh Sáu cầm chĩa ba mà nhắm rồi sực một cái, mũi chĩa đâm chúi xuống trúng ngay cổ con chồn. Chồn thét lên một tiếng kêu đau, kinh sợ, rồi thôi. Trong bãi tha ma hoang vắng, không một tiếng vang lặp lại tiếng kêu thương của con vật vừa bị bạn phản bội nầy.
Dân lưu manh vẫn thế. Họ cũng biết xúc cảm, nhưng chỉ xúc cảm vậy vậy thôi. Họ nhỏ trên máu con chồn vài giọt nước mắt rồi thịt nó liền mà không nghe nhờm răng.
Thế là đêm đó hai con chồn đói xơi một con chồn no.
Họ chỉ ân hận một vài giây thôi, vì dầu sao, người bạn xấu số ấy cũng chỉ là một con chồn. Ai dư nước mắt mà khóc thú vật cho lâu!
Trời cứ mưa, mưa như cầm chĩnh mà đổ, mưa như một oanh tạc cơ định về căn cứ, đổ rốc hết bao nhiêu bom còn sót lại trên tàu, mưa cho hết ráo nước để rồi khô hạn được trong sáu tháng dài, mưa đêm chưa phỉ lại mưa ngày, mưa cho đến xương kẻ dưới mồ chắc cũng lạnh thấu tủy khô.
Ăn được bữa cháo chồn, hồ ly nghe khỏe như chị đã đoán. Sáng hôm ấy chị ra đi, căn dặn anh Sáu ở nhà, chị sẽ có tiền, một món tiền khá to, đâu như năm trăm, do một anh tình nhơn hứa biếu và hẹn hôm ấy trao cho vì hôm trước là ngày lương.
Anh Sáu thích quá, muốn ôm lấy hồ ly mà hôn một cái. Nhưng hồ ly dơ thấy mà bắt nôn, nên anh thôi.
Độ lối chín giờ sáng, anh Sáu đang nằm ca sáu câu mùi mẫn:
Cảnh vị nhân sầu, xơ xác ngọn vi lau, nước triều mênh mông chảy ... thì bỗng nghe tiếng tu hít thổi hoen hoét ở cùng tứ phía, quanh nghĩa địa rồi giây lát sau hồ ly nhảy như khỉ qua các nấm mồ, theo sau chị là hai người đàn ông còn trẻ.
- Trời ơi, anh Sáu kêu, mình đã dại, kể cho nó nghe duyên cớ trốn tránh của mình; nó bán mình mà ăn đây! Chồn ơi, hồn mi có thiêng chăng, về mà xem kẻ phản bội mi sắp bị trừng phạt đây.
Anh Sáu bó tay không chống cự. Anh nhìn hồ ly, không oán giận mà chỉ tội nghiệp thôi. Hồ ly trốn cái nhìn của anh, ngồi day mặt vô vách lá mà đếm tiền.
Đêm nay, gió sao mà hú ghê rợn hơn đêm nào cả. Hồ ly giật nẩy mình, dáo dác nghe ngóng. Gì mà như anh Sáu ho bên ấy! Chị đánh diêm lên để thắp nến. Trời ơi, mới hôm qua đây, anh Sáu còn nằm bên đèn kể lại những bước phiêu lưu của anh! Hơi thở của anh, chị còn nghe như văng vẳng. Cái mặt xương của anh đậm nét lên dưới ánh đèn, như là còn ẩn hiện mơ hồ trên tấm mộ bia!
Trời ơi! Kéo cuộc đời nhơ nhớp nầy biết đến bao giờ mới thôi? Đã nhơ nhớp lại đê hèn, bước từ phản bội này qua phản bội khác cho đến một khi kia thì mình chỉ còn phản bội được chính mình.
Hồ ly rùn mình một cái, không phải vì lạnh, cũng không phải vì sợ ma, mà vì chị bỗng sợ hãi chính mình, sợ hãi con người đã vơi cạn hết chất người.
Chị ôm mặt khóc òa, rồi lẩm bẩm van vái lầm thầm:
- Trời Phật ơi, Chúa ơi, tha tội cho tôi, ngày mai tôi sẽ ra khỏi chốn nầy và ra khỏi vực đen của đời tôi nữa!
Chú Thích của BNL:
(1) Nơi đây yên nghỉ: Ông An-Phông Tô Ma Nguyễn Văn Nở, thất lộc năm 78 tuổi. Hãy cầu nguyện cho ông.
(2) Ý nầy của P.S. và X.V.
Thư Viện Bồ Đề Online @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử