lịch sử việt nam
Chút Gió Còn Lại
Phan Thị Trọng Tuyển
Gửi On..
Mặt trời vừa khuất, chân trời hồng rực rỡ, đoàn người tù trở về trại. Những người đàn ông ốm nhom, áo quần tả tơi, mặt mày lem nhem u ám như bóng chiều đang dâng lên hai bên con đường đất đỏ. Những bóng ma lặng lẽ, ngậm ngùi, những tiếng đếm rời rạc, mỏi mệt như lời kinh đệm cho một mộ khúc câm. Một..hai..ba... bốn... Những con người chỉ còn là những thân xác thờ thẫn rã rời, những tiếng thở dài theo con số ra khỏi nhũng buồng phổi tong teo đầy bụi đỏ. ..Bảy... tám chín...
Trời bỗng vụt tối thật nhanh, như đuổi theo số phận mịt mờ của họ. Tiếng đếm còn vang vọng nhưng người tù và tên vệ binh cuối cùng đã khuất. Tôi nấn ná lại trong vườn, giữa những rãnh đất nhỏ ướt mềm. Nước đã rút từ mấy ngày nay, những dây tiêu vàng héo còn sót lại, nhắc nhở trận lụt nhân tạo vừa qua, lại một hậu quả của "dưới làm sai chính sách trên". Mấy chục gốc tiêu chết úng trước khi cho hoa quả. Đất thơm mùi lá cỏ. Muỗi vo ve bên tai. Ve rả rích tự bao giờ. Đàn chim về tổ muộn vừa bay khuất. Ngọn lá sầu riêng, chòm lá chôm chôm đã ngả màu tím đậm. Màn đêm sắp ngự trị.
Tôi thở dài, chậm rãi đi dọc theo bờ rào dâm bụt. Bên ngoài, con đường đất vắng ngắt buồn hiu. Lại một buổi chiều nữa qua đi như bao nhiêu chiều đã qua, đem đi một chút hi vọng, bào mòn một chút đời sống. Ngày mai, tôi lại nghe những tiếng đếm của người tù, lại cố gắng soi mói tìm một nét thân thuộc trên những gương mặt nhẫn nhục quắt queo đó để kiên trì khơi hi vọng, tìm lẽ sống.
Hơn mười năm rồi tôi lặng lẽ ngắm bình minh, tắm hoàng hôn một mình. Hơn mười năm rồi, tôi chờ đợi, trông ngóng. Sự chờ đợi háo hức ban đầu đã nhường chỗ cho một chờ đợi thản nhiên, rồi dần dần ngập tràn tuyệt vọng. Mỗi buổi chiều, dường như khi đoàn tù vừa qua, là mọi cánh cửa đóng lại, lùi xạ Trong tôi là những trận chiến Sơn Tinh, Thủy tinh luân lưu bất phân thắng bại, mà tôi chẳng dính líu gì đến Mỵ Nương, tôi chỉ là chú tiều phu nhỏ, bất lực nhìn vận mệnh mình lên xuống theo mực nước thần thánh vô tình.
Và mãi rồi, trong tôi cũng có hai con người. Một tôi tin tưởng mãnh liệt sẽ gặp lại chàng, một tôi khác, muốn rũ sạch tham sân si cùng dì Sáu lên rừng cất chùa tu cho xong quách một đời. Cho nên, mỗi buổi sáng được khởi đầu bằng tin tưởng, mong ước, đôi mắt tôi đăm đăm nhìn về phía con đường đất đỏ liên tỉnh, trái tim sẵn sàng chào đón. Trái lại, chiều về, rời bỏ cây lá vườn tược, tôi nấn ná thất thểu bên bờ rào, tôi chần chờ nơi bờ giếng, tôi đợi đoàn tù đi qua, ngước nhìn đàn chim về tổ. Cho đến khi không còn nhìn thấy gì nữa, tôi mới chậm chạp quay vào nhà, chân nặng, tim trống rỗng, hết hơi. Và chịu đựng đêm tối cô đơn, mộng mị. Chàng vẫn dặn dò đùng nghĩ đến anh, hãy lo cho con.
Những đứa con đã phân tán, hình ảnh đậm nhạt, lúc rời xa, lúc gần gủi. Việt viết thư, gửi quà về đều đặn , từ những giòng chữ nguệch ngoạc của những bức thư dài thủa ban đầu ở trại tị nạn cho đến bây giờ, lời thư chững chạc, trầm ấm tuy ngắn ngủi. Việt đi với chú trước một tuần, thoát được. Còn chàng, bị chận bắt trước giờ xuống bãi. Tội vượt biên, phản quóc, cộng thêm tội sĩ quan ngụy trốn trình diện cải tạo. Từ đó, đời sống tôi trở nên tạm bợ. Tôi trở lại khu vườn đất đỏ mua cùng cha mẹ chồng trước đó. Mảnh đất hoang khai khẩn dở dang từ cuối mùa chiến tranh. Chỗ này trồng cây, chỗ nọ trồng hoa, chỗ này cho ông nội xây hòn non bộ, chỗ kia cho bà nội chuyển gốc mai... Nhưng những cỏ hoang, cây dại vừa dẹp, các thân cây con chưa kịp đặt vào lòng đất thì trận chiến cuối cùng xảy ra. Chớp nhoáng, bất ngờ. Điều ngỡ ngàng chưa qua, cơn vui hoà bình chưa trọn vẹn thì gia đình tôi bị phân tán. Ngỡ ngàng ử. Mọi sự đã tuàn tự diễn tiến, hợp lí. Hoà bình nào phải trồng cây, nuôi cá, sống an lành với chồng con. Hoà bình nào phải là xây dựng, hàn gắn những vết thương. Hà! Tôi cười mình đàn bà, ngây thơ, vụn vặt. Trong một đất nước do bạo lực thống trị, do một đám anh hùng, kiêu binh, chất ngất quyền uy chính đáng và không chính đáng, lại khát khao báo thù, đòi hỏi những bù trừ thì thử hỏi làm sao có được một kết cục tuy bình thường nhưng cần một trình độ đạo nghĩa vua tôi Lý Trần? Chàng cũng không khá hơn, cứ tưởng hoà bình là viết sách, là dạy học, là "vui với bình rượu quí" cùng bạn bè thản nhiên nhìn lại thời"chinh chiến cũ". Cũng may, bố chàng, nhờ đã kinh qua hoà bình năm xủa năm xưa, ngăn không cho con ra trình diện. Ông nghi ngờ cái lượng khoan hồng hứa hẹn lúc ban đầu. Tự ban cho quyền có lượng khoan hồng không phải là một bằng cớ của sự tự kiêu ngạo mạn đó sao? Nhưng cuộc trốn tránh chỉ kéo dài được gần hai năm. Đòi hỏi chút tình người nơi "thần thánh"? Thứ thần thánh đòi được trả công ơn và đáp lại. Oán thù.
Hai năm sau, bố mẹ chàng lần lượt qua đời. Nam, đứa con út của chúng tôi cũng bỏ nhà ra đi. Hiền, con gái lớn, quả quyết rằng Nam sắp được bảo lãnh từ đảo sang Mỹ với anh, nhưng tôi linh cảm chuyện không hay, dường như các con dấu giếm điều gì... Kiệt sức nhưng tôi cứ sống lây lất. Cho đến lúc Hiền bỏ nhà cô, trở về ở hẳn với tôi. Đứa con gái đã lớn khôn, chín chắn, đôi lúc già dặn hơn so với tuổi. Tôi bàng hoàng nhận ra mình đã thiếu nghị lực, đã bỏ quên mọi thứ khác khi một nửa đời sống bị cướp mất. Hiền trở lại như tiếng chuông thức tỉnh. Hai mẹ con gắng gượng tổ chức lại cuộc sống. Tiếp tục đợi chờ.
■
Chợt có tiếng chân dẫm lên sỏi lạo xạo. Tôi quay lại. Bên ngoài cổng có người đang tiến đến. Bóng người gầy gò, cao và đổ nghiêng về phía trước, mỏng manh như một bóng mạ Cánh đồng phía sau hất lên ánh chiều thoi thóp khiến tôi không nhìn được gương mặt người lạ. Tôi chợt lạnh người. Khách vừa thấy tôi, bước chân như ríu lại, lưng người như còng xuống hơn, đầu tóc ngắn đổ xiêu hơn về phía trước, khách cất tiếng, giọng run run, nhưng ấm áp:
- Má Việt phải không?
Chân tôi khuỵu xuống, tim đập thình thịch, máu nóng chạy rần rật khắp người, tôi lắp bắp không ra một âm thanh nào. Giọng chàng trầm xuống thiết tha:
- Anh đây...
Tôi không ngăn được ngọn sóng êm đềm trào dâng thành những dòng nước mắt nóng ấm, đôi chân mềm nhũn, không cảm giác, tôi quờ quang níu lấy những cành lá xung quanh để gượng dậy và chợt nghe tiếng mình hối hả, hào hển:
- Hiền ơi... Hiền... Hiền... Con ơi... Ba về...
Những âm thanh thều thào. yếu ớt. Dường như Hiền đã chực sẵn gần đấy, tôi nghe tiếng con vui mừng rối rít, tiếng chân chạy, tiếng loảng xoảng của chùm chìa khoá. Hiền chạy ra phía cổng, vừa nói vừa khóc, vừa cười vừa kêu, vấp ngã mấy phen trên đoạn đường ngắn dẫn ra cổng. Hiền loay hoay mãi vãn chưa mở được ống khoá trên sợi xích sắt, tôi gắng gượng định thần lại, đến gần thì vừa vặn lúc cửa được mở tung. Hiền ào ra. Chàng ôm con rồi quàng tay vòng nghiến vai tôi. Những ngón tay thân thương an ủi, vỗ về. Tôi nhắm mắt, ngây ngất, hít mùi thân yêu. Trời ơi, trời ơi... Chim quyên ăn trái nhãn lồng... Hơi thở tôi đây rồi, đời sống tôi đây rồi. Tạ Ơn trời, tạ Ơn Phật, tạ Ơn Chúa. Tạ Ơn kẻ thù. Tạ Ơn người tài xế, tạ Ơn chiếc xe nào đã đưa chàng về đây. Tạ Ơn những bạn bè đã chia sẻ miếng ăn, đã vun trồng hi vọng để chàng còn sống sót trở về. Hay đây chỉ là giấc mộng? Thứ mộng đôi ba lần khiến tôi bẽ bàng tuyệt vọng. Không, xung quanh tôi không có gì biến đi. Tiếng khóc của tôi, của Hiền, có thực; tiếng nói chàng êm ái, rõ ràng, rất thực, như những ngón tay khô nhám đang xoá những giọt nước mắt trên mặt tôi. Bàn tay với những ngón dài bấm lướt trên cây đàn mandoline của thời mới yêu nhau... khoan khoan hò ơi, thuyền về tới bến mơ rồi... khoan khoan hò ơi... Tôi nắm chặt tay chàng, tôi ôm cứng tấm lưng xương xẩu. Tôi như mê đi. Hạnh phúc đang ở vòng tay nhỏ bé của tôi đó ư ? Dễ dàng, tự nhiên mà bất ngờ êm ái như vậy sao?. Vợ chồng chú Út cũng chạy ra đón mừng, thím Út khóc oà lên. Thằng Tâm, con chú, giơ cao cây đèn dầu, nét mặt ngỡ ngàng, sung sướng.
■
Đôi lúc tôi hoảng sợ vì nghe thấy tình trạng lâng lâng sung sướng kéo dài. Cái hạnh phúc quá rõ ràng nào cũng nguy hiểm, như mời gọi những sấm sét hờn ghen. Của người. Của quỉ ma, thần thánh. Nhưng làm sao ngăn chận che giấu? Tôi đang sống lại, chàng đang sống lại. Một đời sống trọn vẹn, mới mẽ. Tôi hối hả, ham hố từng giây phút, tận hưởng. Mười năm bị bôi bác, cắt xén, đè bẹp đến tận cùng. Cám ơn hoài những chủ ngục chợt từ bi, nhưng từ đây, kể từ bây giờ, tất cả là của tôi, một giây, một tích tắc tôi cũng không để vào tay các người. Mười năm, đã quá đủ.
Tôi dựng những vòng rào vô hình và hữu hình xung quanh ngôi vườn nhỏ, xung quanh chàng. Đừng ai hòng len được vào đây. Đừng hòng. Tôi thách thức bạo lực, tôi thách thức quỉ ma, thách thức cả thần thánh đội lốt con người.
Mỗi ngày bắt đầu là một ngày cực kỳ trọn vẹn, cực kỳ êm ái. Anh thấy cây nhãn của em không? Anh có biết hồi Tết cây mai của mẹ ra đầy hoa ngày mồng một? Việt cao lớn, cái mũi giống em nhưng đôi mắt là của bố nó đấy. Ba ơi, hình con gái ba thuở làm thanh niên xung phong đây... Anh ơi... Ba ơi...
Tôi chợt nhận thấy ít lâu nay tôi không còn ngắm chiều về với đoàn tù trở lại trại. Vì mải mê với hạnh phúc hay không muốn gợi lại hình ảnh quá khứ cho chàng?
■
Nhưng dù muốn dù không, tất cả đều nhắc nhở thúc giục. Qúa khứ chàng mới mẻ còn đầy những dính líu với hiện tai. Phải đi trình diện, khai báo. Tôi mừng chảy nươc mắt khi ra cổn g đón chàng về, thấy nét mặt chàng thản nhiên. Ừ, mười năm rồi, thằng bé con công an không giống bọn đồng nghiệp cũ thuở trước. Ngày đó những kẻ bình thường giản dị bỗng khám phá ra mình khổng lồ với một quyền hành quái đản, nắm trong vận mạng kẻ khác, phán quyết chuyện chia ly hay đoàn tụ, định đoạt tương lai trẻ con. Bây giờ đã bắt đầu những đổi thay nhưng là đổi thay nào, và cho dù nhẹ nhàng hay dữ dội, nhức nhối hay nghịch lý, căn bản hay giai đoạn, đổi thay nào cũng nhắc nhở quá khứ.
Qúa khứ nhục nhằn, kỷ niệm đớn đau hay mất mát là những kỷ niệm, quá khứ làm nên đời sống trọn vẹn, muốn đổi thay, tô hồng, bôi đen là..kẻ chiến thắng (không lương thiện) là muốn làm thần thánh. Sống là đi về phía trước nhưng không ngừng ngoái nhìn về phía sau. Sống, không thể là cứ phải kêu oan hay biện bạch.
Mười năm xa cách của chúng tôi, của Hiền trở thành ba mươi năm đầy những tâm tình những sự kiện riêng tư để kể cho nhau, dù với tôi những gì đã qua chỉ có ích ở chỗ giúp cho cuộc sống hiện tại thêm ý nghĩa. Những gì đã qua là bóng tối, phải cất đi sang một bên.
Điều quan trong duy nhất là bây giờ, nơi đây và có nhau.
Những rắc rối, khó khăn dĩ vảng của tôi và Hiền, kể lại, trơn tuột, dễ dàng, nhẹ nhàng như chuyện cổ tích có hậu còn chàng, mỗi khi phải nhắc nhở, giải thích, chàng loay hoay khổ sở. Đôi lúc, tôi có cảm tưởng-rất bất công- chàng là một phạm nhân đã đền xong tội hình, nhưng ra khỏi tù vẫn bị ám ảnh bởi một thứ mặc cảm tội lỗi nào đó. Cho nên, cũng như Hiền, tôi chỉ loanh quanh, lẩn quẩn ở chuyện thành phố, vườn tược. Mười năm ngục tù, rừng núi của chàng chỉ là những chớp mắt ngắn ngủi, những thoáng nhìn rất gián tiếp. Nhưng chàng phải quay lại nhìn vào quá khứ, phân tích, quan sát và chấp nhận nó, phải cầm dao cứa thẳng vào nơi ung độc, phải dí thanh sắt nung đỏ vào, phải rứt bỏ những mảnh thịt da thối rữa. Phải sống. Nhưng tôi cũng biết, vết thương chàng chưa lành, nỗi đau còn sắc cạnh, cho nên tôi khắc khoải lo âu, phập phồng lắng nghe từng hơi thở, theo dõi từng cử chỉ, ánh mắt của người yêu; tôi lo toan, tôi sẵn sàng một mất một còn với kẻ thù vô hình cuối cùng.
■
Thưởng đến như một cơ hội giúp chàng nhìn về những ngày tháng tù tội. Thưởng, một người bạn đồng hành kém tuổi chàng rất quý trọng và thương mến, tìm đến chúng tôi vào một buổi trưa nắng gắt, sau mấy tháng trời lang thang ở Đà Nẵng mà không tìm được dấu vết gia đình.
Phải nhìn chàng cười lớn tiếng mỗi khi Thưởng nhắc đến một giai thoại éo le, khôi hài của thời gian tù tội mới hiểu được niềm hi vọng đang lớn dần trong tôi. Chàng sẽ hồi phục. Chắc chắn chàng sẽ dần dần hồi phục. Những bữa ăn đầy đủ, ấm cúng đã khiến chàng hồng hào đầy đặn. Thì rồi đây, sẽ đến lượt những kỷ niệm đau đớn, những uất hận sẽ lắng xuống sẽ dịu lại, sẽ được đẩy ra xa, gạt sang một bên. Những buổi đập đá, đốn gỗ, chặt nứa. Những đêm nằm trằn trọc vì lạnh, vì đói, vì nhớ thương, vì oán giận. Những buổi học nặng nề mà phi lí, siêu thực, những thày những trò bất đắc dĩ, những khuôn mặt hèn hạ, những tâm hồn nhỏ nhen, vụn vặt, những tấm lòng quảng đại, những con tim bất khuất. Những Long Giao, Suối Máu, Sơn La, Nghĩa Lộ, những Ba Khẹ Tất cả sẽ trở về rõ nét, như những hình ảnh cuối cùng trước khi sang một thế giới khác hứa hẹn sẽ vẹn toàn hơn. Hãy nhắc nữa đi anh, hãy nói về quản giáo, cảnh vệ, về kiểm thảo, thu hoạch, kê khai lý lịch ; hãy kẻ nữa đi anh, về những con dốc trơn, những giòng suối đục, trong, những thứ ti tiện nhất của con người cũng như những hành xử cao thượng nhất. Hãy nhắc hoài đi anh, để có thể cười lớn, để có thể tách rời, để giải trừ oan khiên.
Nhiều khi, tôi có cảm tưởng nếu không có Thưởng, chàng sẽ không bao giờ kể lể ngọn ngành mọi chuyện. Như thể Thưởng giúp chàng thêm can đảm, như thể thiếu chứng nhân thì không ai có thể chấp nhận những lời khai của chàng. Chàng ngỡ chúng tôi không đủ sức tưởng tượng những tàn ác, nghịch lí dường ấy, như thể trên đất nước này chưa bao giờ có những nghịch lý không thể tưởng tượng được. Nhưng thôi, một lần nữa, điều quan trọng là bây giờ, nơi đây... Oán cũ, thù xưa... tôi khoát tay cho bay theo gió!
Dù mỗi lần nhắc nhở là mỗi lần bồi hồi thương cảm, trời ơi, mười năm đau đớn, cô đơn của tôi nào có thấm thía gì. Đàn bà yếu mềm nên bão tố, lụt lội, bạo tàn tràn qua không làm gãy đổ, còn người yêu của tôi, cứng nhắc với danh dự, tự ái với những danh từ dao to búa lớn nên chỉ một trận chiến bại là tả tơi tâm hồn lẫn thể xác. Hãy nhắc nhở không ngừng đi anh, để rồi vài ba năm nữa, trái tim anh sẽ nhẹ, đầu óc sẽ trong sáng, tiếng cười anh sẽ sảng khoái, ánh mắt sẽ cảm thông, tha thứ... Hãy trở về với chính anh của thuở trước, hãy lại là anh của em.
■
Chàng kể:
- Có lần, anh ước được về với em, ăn đủ mười bữa cơm, rồi... chết cũng mãn nguyện.
Tôi mỉm cười vuốt ve những ngón tay chàng để khỏi khóc:
- Thèm ăn gì nào, hãy "kê đơn" cho mẹ con em...
Hiền mở to mắt, phụng phịu:
- Mươi bữa thôi sao ba. Vì "đất nước ta còn nghèo"? Cứ nêu cao nguyện vọng, nhà nước má-và-con sẽ thực hiện. Nói và làm... mạnh. Nói và làm... thiệt!
Thưởng gượng cười:
- Đói là một tình trạng rất... khó chịu, nó khống chế, đè bẹp con người. Không giải quyết được thì không ai có thể nghĩ đến chuyện khác.
Hiền cười gằn:
- Ba có biết là lãnh tụ đã từng đính chánh : nước ta bây giờ không chết đói như thời bị Pháp Nhật... ; dân đen vỗ tay: hay lắm, đúng lắm chỉ có... đói đến chết mà thôi! Nghèo đói thì mới có căm thù giai cấp, mới có đấu (tố) tranh! Nghèo đói mới trong sạch được, một quan niệm thật bệnh hoạn.
Chàng trầm ngâm một lúc rồi gật gù:
- Hôm nào có quà nhà thì đêm đến có đủ chuyện, kẻ sụt sùi, người tủi thân, rồi cãi cọ, đổi chác. Rồi ước ao... Rồi hi vọng, cố nuôi hi vọng để chịu đựng khoảng thời gian mịt mù phía trước.
Đôi khi chàng hoặc Thưởng kết thúc buổi tối bằng tiếng thở dài:
-Thắng X. chắc là khó sống. Ông Ỵ con người khí khái và cương quyết. Thằng quản giáo Z trung hậu, lương thiện...
Một chút tiếc nuối trong câu nói khiến tôi bàng hoàng lo sợ. Chàng và Thưởng, nhất là Thưởng, sống nhờ vào một hi vọng nào đó. Và hi vọng này khác vô cùng với hi vọng đã có. Đó là khát khao hướng thượng của con người hay chỉ là một thứ tham sân si, cũng rất đổi con người?
Tôi phải làm sao?
■
Chàng trở về, lúc ban đầu, bằng bữa trở lại thăm ngôi nhà cũ ở Thủ Đức. Rất hình thức, đứng ngoài ngõ ngó vô. Ngó tới, ngó lui, tìm kiếm, tưởng tượng. Chú Thưởng thấy không, cái sân gạch, góc trái đó chỗ đống củi là hòn non bộ của ông nội bọn nhỏ. Bên cạnh, chỗ những chiếc xe đạp và chiếc xe hongđa cũ, là chỗ trồng hoa của bà nội. Phía sau nhà khoảng sân chơi nhỏ đã chắc thành chuồng heo hay chỗ nuôi gà qué vì những âm thanh và mùi đặc biệt. Hiền nhắc nhở:
- Ngày trước còn kinh hơn nữa, đường phố hoa lệ cũ, "rực rỡ mang tên người", đầy những người rách rưới, nhếch nhác, thất thiểu bồng bế nhau trở về từ những vùng kinh tế mới, từ miền quê xạ Lề đường bẩn thỉu, hôi hám vì nước tiểu, phân. Phân người. Phân heo. Nước rửa chuồng heo tù những ngôi biệt thự đường bệ. Riêng chuyện này thì bây giờ hết rồi. "Thiên hạ" bắt đầu đua nhau sống đời văn minh, đi tắm hơi, tắm hồ bơi, ăn nhà hàng, xem vi đê ô con heo. Còn chuyện nuôi... heo để lại cho bọn tiểu tốt, dân đen. Bây giờ là "tới hồi thới lai", phải hưởng thụ cho bỏ... Bởi vì chết xuống âm phủ, biết có hay không! Bọn tư bản coi vậy mà cũng có những cái hay hay... đáng theo đuôi.
Cảm thấy giông tố sắp tới, tôi cố ngăn, giọng không bằng lòng:
- Hiền ơi, má mong rằng họ giàu thêm nữa, giàu thêm hoài. Nếm hết những sung sướng, xa hoa, nhũng phồn vinh thật hay giả. Để không còn ganh tị, oán thù. Để họ quên chúng ta đi, để yên chúng ta.
Hiền lầm bầm:
- Rồi thì cũng phải để yên, dù muốn dù không: chúng ta có còn gì nữa đâu. Nhà cửa. Của cải. Tương lai. Hi vọng
Chúng ta yên tâm đi vào ngõ cụt. Sống như đã chết!
Tôi lắc đầu:
- Không bất công, bạo lực nào dập tắt vĩnh viễn được đời sống.
Thật vậy miền đất này vẫn dập dìu sự sống. Nơi đất đai khô cằn hay thành phố nắng bụi. Như những mầm cây non tôi vẫn nâng niu mỗi ngày, những nụ xanh nõn, vươn lên, trổ ra, nhũng cuống lá sum suê, chi chít những quả non. Như những giòng người, xe đen đặc, ồn ào. Những Hiền, những Nam đi đứng, dòn dả nói cười, gọi nhau ,ăn kem, uống nước mía. Như những dây người kiên nhẫn xếp hàng trước những cửa hàng, rạp hát. Đời sống náo nhiệt, dập dìu như chưa hề đã có lần bị xáo trộn hay cắt đứt. Rõ ràng chỉ có những cái nhìn dĩ vảng, trong những gian nhà tối om ám khói mới có những băn khoăn xao động.
Chàng không đồng ý:
- Cây non còn tiềm lực của hạt mầm, không có quá khứ và hậu quả của cành lớn gãy đổ, nhưng rồi em xem, người ta có phải là cỏ cây đâu mà em nhổ cây này, bón cây nọ, chọn cành này, hắt hủi nhánh kia?
Anh ngại rằng...
Thế là lại đưa về những đề tài đang ăn mòn hai người đàn ông. Những hứa hẹn cũng như những hy vọng, đều rất trái ngược với thời sự hiện tại và nóng bỏng. Tôi gắng gượng lạc quan, cố lôi kéo mọi người ra khỏi cái không khí nặng nề, đầy đe dọa nhưng càng ngày càng thấy mình bất lực, niềm tin ở một khởi hành mới càng lúc càng lung lay.
Buổi sáng Thưởng hay đi về thành phố nghe ngóng. Chàng ở lại chăm sóc vườn cây với những phút ngẩn ngơ ngưng đọng, đôi mắt vô thần, hai bàn tay run rẩy. Tôi muốn hoà nhập vào chàng để hiểu rõ nỗi băn khoăn, chia xẻ cơn đau. Tôi muốn hôn lên đôi tay kia, ôm lấy chàng, ru ngủ, trấn an, đưa chàng về thực tại. Nhưng đoàn tù vẫn đều đặn đi về, nhắc nhở, chì chiết với những tiếng đếm dõng dạc mà cam phận, vô vọng. Tôi cũng không ngăn được những tờ báo, những tin tức nối liền chúng tôi với thế giới, đời sống bên ngoài. Đời sống nào cho hai người tù cải tạo? Công việc nào ? Một mảnh đất nhỏ, dăm ba cuốc xẻng, vài cây con, gói hạt giống? Mười năm tốt đẹp dường như đã ở sau lưng, đôi bàn tay, khối óc mớ kiến thức còn lại, dường như trở nên vô ích, vô dụng
Hiền đề nghị mở trường dạy học luyện thi, nhưng dự định không được phép của làng xã.
Hiền hằn học:
-Một đất nước anh hùng, những trí tuệ ngất trời, một kỷ nguyên mới? Một thời đại huy hoàng, một tấm gương cho thế giới? Mà đối xử với nhau tàn tệ, phân biệt như thế này? Tự phong làm vua để rồi con cái được quyền nối ngôi, làm cha trăm họ!
Chàng trầm ngâm:
- Như dân Do Thái và dân xứ Palestine.
Thưởng cười cười:
- Khác chứ anh !Làm sao bắt hai giống dân khác nhau, về đạo, về đời, lại cùng muốn một chỗ đất lành, thương yêu và đối xử như cật ruột?
Tôi thở dài:
- Mọi bất công là tại đất nước này quá nghèo. Thiếu phương tiện vật chất để trả công, đền ơn, tự ban thưởng thì các đại tiểu công thần phải tạo khó khăn, khác biệt.
Thưởng lại cười:
- Nghĩa là coi đất nước này và tương lai của nó như một chiến lợi phẩm? Chia chác, khai thác theo các bậc thang công trạng do chính người trong cuộc tự định đoạt, phân xử. Nghĩa là hễ nghèo thì không còn nhân đạo, rộng lượng với nhau?
Hiền vẫn tiếp tục nói theo dòng suy nghĩ riêng:
- Tàn ác nhất là những kẻ bắt trẻ con gánh lấy hậu quả tội lỗi của cha mẹ. Tội lỗi có thật hay tưởng tượng.
Chàng thảng thốt nhìn con, tôi nín thở, nghe như đất trời bỗng tối sầm lại, dông tố tới rồi. Hiền khoát tay:
- Con sẵn lòng gánh hết tội lỗi của ba, nếu có, nhưng con vẫn khinh bỉ bọn người đặt điều kiện nghiệt ngã với trẻ con.
Tôi quay lưng cố nén tiếng khóc, ân hận không cùng. Kẻ chiến thắng đã đặt để điều kiện, đã gian dối để lũ trẻ lăn lưng vào những hy sinh vô ích, để chúng quên đi hay chấp chận nhũng áp đặt ( vô) lý tình (láo khoét). Trong cuộc chiến vừa qua và cả trong mọi chiến tranh làm sao mà chỉ có một bên độc quyền đau khổ và mất mát? Nhưng chính tôi đã bất lực, đã không cứu được con, còn dám trách ai?
Hiền vẫn vô tình cao giọng:
-Những hy sinh, mất mát, mọi công trạng lớn nhỏ sẽ không còn ý nghĩa cao cả khi hành động với hậu ý đòi hỏi những đền bù hoặc chấp nhận đền bù trên mất mát của kẻ khác. Dù là mất mát tự nguyện, nói chi đến mất mát oan ức vì bị sang đoạt, bị đánh cướp. Nếu con là con cháu của họ, con sẽ vô cùng xấu hổ. Đi đến đích bằng đôi chân kẻ khác ư? Bằng tim óc, bằng tài ba, bằng linh hồn của kẻ khác? Trời ơi, xấu hổ một đời dài!
Tôi run rẩy thu xếp những tờ báo, làm sao hoá giải những oán thù uất ức? Làm sao xoa dịu những đớn đau sâu xa ? Càng lúc tôi càng thấy mình quá lạc quan ngây thơ.
Mọi người chợt im lặng. Hiền cặm cụi tô vẽ bài học cho Tâm, chàng cầm tờ báo spunich nhưng mắt nhìn ra phía cửa sổ. Thưởng mân mê chiếc "bùa hộ mạng" đeo trên cổ. Mỗi lần có điều suy nghĩ, Thưởng cầm chiếc túi vải tí hon mặt vàng mặt nâu đã sờn và cáu bẩn. Đó là tất cả gia tài, kỷ niệm để lại của gia đình người chị ruột duy nhất. Bà dì Thưởng, đã ăn chay nằm đất, đọc kinh, gõ mõ và phát nguyện quy y để thỉnh cầu một chuyến đi an lành cho đám con cháu. Có lẽ là chiếc bùa duy nhất linh thiêng nên chỉ có Thưởng trở về. Mỗi lần nhìn Thưởng nắm nghía nó, tôi rùng mình nghĩ đến những người xấu số và tự hỏi Thưởng sẽ có một định mệnh nào?
Bắt gặp tia nhìn tôi, Thưởng bẽn lẽn nói lảng:
- Có lẽ chúng ta chỉ còn một cách duy nhất là nghe lời lãnh tụ, cùng nhau "đổi mới tư duy"
Hiền ngẩng lên, giả giọng nhiệt thành:
- Đổi mới ti vỉ Đổi mới "tủ lạnh"? Nhất trí đồng ý, ít ra là đổi mới đám "tủ lạnh", cũ hư cả rồi, chẳng làm lạnh mà còn phun đầy khí độc, làm thủng cả khí quyển, hỏng cả tương lai... trái đất.
Rồi bỗng đổi giọng gay gắt:
- Chẳng mong! Đổi mới kiểu "xử lý nội bộ", làm kinh tế lỗ lã thì sang y tế, ở hải quan tai tiếng quá thì sang ủy ban khoa học, chỗ nào cũng là đất dụng võ! Đổi mới là những hoán chuyển ồn ào, vô nghĩa, là đổi kiểu chia nhau bánh thật, còn vụn bánh và bánh vẽ thì bố thí cho bọn dân (ngụy) đen ngu ngốc bất tài bất lực, lý lịch tối om không đúng chuẩn.
Thưởng chán nản:
-Nghĩa là những nạn nhân hãy quên rằng mình là nạn nhân, hãy chỉ biết bằng lòng rằng đã sống sót trở về, rằng hãy cùng còng lưng xây dựng đất nước và sống bằng những lời ca ngợi khuyến khích rất tốt đẹp của những bộ Óc siêu việt... Phải rồi, chỉ còn cách quên hết, quên hết...
Có phải bi quan và tuyệt vọng cùng cực khiến người ta có cái nhìn rất phiến diện? Trong xóm của Yên, cô ruột Hiền, ngày hai cô cháu còn ở chung, tôi vẫn thấy ở căn nhà đối diện, người đàn bà nhỏ con, loắt choắt, tóc thưa bới thành một nắm nhỏ như bàn tay trẻ con, gương mặt trầm buồn, xương xẩu, không tuổi. Từ sau 75, chị từ Bắc vào với một người chồng hay mặc cái áo lính cũ, đi khập khiểng, một đám con ba bốn đứa leo nheo lóc nhóc và một bà cụ già ốm tong teo, lưng còng, tóc trắng, răng đen. Mỗi lần tôi chào, chị cười đáp lại, đôi mắt có một chút ngỡ ngàng, rồi cúi xuống cái thùng kính nhỏ với nhũng bao thuóc lá, vài lon nước ngọt. Người chồng vẫn đi về với chiếc xe đạp đen thui mất vè mất thắng. Đứa con gái lớn, tong teo một cọng kẽm, sáng sáng mang thùng đi quanh xóm lấy cơm canh thừa, vỏ khoai, rau cải vụn về cho heo ăn. Những công tử, tiểu thư, quận chúa, hoàng tử diện đẹp đi học trên những chiếc xe honda mới hay xe hơi bóng lộn Liên xô, Mỹ, Pháp tư hay công tuyệt nhiên không thấy ở xóm nhỏ này.
Có phải chỉ cần thay đổi cách suy nghĩ (và lãnh tụ) là mọi bất công, hiềm thù, mọi hậu quả của hơn mười năm kinh hoàng sẽ biến mất như bởi một phép lạ?
Phải làm sao khi nhũng tín hiệu cầu cứu thắp đầy lên ở chung quanh? Khi tôi cũng chỉ là một tiếng kêu không âm thanh, không ánh sáng.
■
Thưởng đi thăm người dì hơn một tuần chưa thấy về. Hiền bồn chồn ra vào trông ngóng.
Ngày thứ mười, chàng và tôi quyết định đi tìm.
Bà sư, cô Thưởng, mếu máo:
- Ở chùa được vài hôm, nó lại đi. Tu không được mà sống đời thường cũng không xong, tội nghiệp, thương quá, nam mô...
Theo lời chỉ của bà, cuói cùng chúng tôi tìm thấy Thưởng trong lăng Ông. Thưởng nằm dài dưới gốc một cây kè tọ rải rác đó đây, trên cỏ, dưới những tàn cây cũng có vài bóng người, nằm ngồi, lặng lẽ, thản nhiên. Thưởng ốm và như xanh hơn vì màu cây ở xung quanh, chiếc áo sơ mi trắng cũ thùng thình không cài nút cổ, mảnh bùa phập phồng mệt mỏi lên xuống theo hơi thở dồn dập. Thưởng chậm chạp chống tay gượng dậy, tựa lưng vào thân cây cổ thụ.
Chàng bối rối lắc nhẹ vai Thưởng:
- Đi về thôi chú! Bỏ tôi một mình làm vườn sao nổi?
Thưởng chớp mắt, nhìn nơi khác:
- Lâu quá không xem báo. Anh chị thấy lãnh tụ xuống chưa? Tư duy thiên hạ đổi chưa?
Tôi nghẹn ngào:
- Về nhà đã chú a... Hiền, Tâm, chú thím Út... ai cũng mong chú về... Nhà vắng chú... buồn hiu...
Chàng cố gắng:
- Hãy thong thả... mọi đổi thay đều cần thời gian...
- Anh muốn nói chúng ta đã mất mười năm, thời gian không còn nghĩa lý gì nữa phải không? Một thế hệ thì ăn nhằm gì, cứ thong thả tàn phá, thong thả thử nghiệm và thong thả hi sinh đến cuối cuộc đời của người... khác?
Buổi chiều về bỗng lặng lờ, những tiếng động ngoài đường như bị chận cả ở bên kia hàng cây rậm, không một gợn gió, những tàu lá im lìm.
Chàng dúi vào túi Thưởng xấp giấy bạc đen cũ, tôi đặt gói giấy xuống cỏ:
- Hiền gửi chú mấy trái chôm chôm đầu mùa, cái cây Hiền trồng hồi cháu mới mười tuổi, chỗ hàng rào ngay sau nhà đó chú...
Đi nhanh theo chàng ra khỏi cổng lăng, tôi nghe mình mệt mỏi vô cùng. Phải chi Hiền cùng đi với chúng tôi.Tại sao Thưởng không cố gắng quên để sống bình thường như mọi người? Mua bán mánh mun, lươn lẹo, chụp giựt... Tại sao muốn đổi thay, muốn đi trước? Cái gì phải tới sẽ tới, cãi làm (sao được) chi cái vận mệnh tối đen nặng nề? Tự tách rời có phải dễ hơn không ? Giấy tờ xin ra ngoại quốc đã xong xuôi, chỉ còn chờ đợi một chấp thuận, một ngày tháng hẹn... Dường như, đối với Thưởng bây giờ, mọi thứ tình trở nên bất lực.
Những ngày sau, tôi như con gà mẹ sợ mất con, tôi bám lấy chàng, níu lấy Hiền, quanh quẩn lồng lộn như một con mồi ngửi thấy mùi thú dữ chờn vờn. Chàng đi mua một tờ báo, Hiền đi chợ, đi thăm một người bạn, tôi trông ngóng, bồn chồn, nhìn bóng nắng, soi mói đồng hồ. Tôi muốn nhốt gió trong gian nhà trống trải, muốn Sơn Tinh và Thủy Tinh hãy quên đi bà Mỵ Nương già cỗi, không biết chọn. hãy quên chuyện năm năm báo oán, đời đời đánh ghen.
Một buổi tối, Hiền bỗng ném tờ báo đang đọc. Ôm mặt khóc lặng lẽ. Mọi người bàng hoàng, ngơ ngác.
Tờ báo nhỏ tám trang chi chít chữ. Trang đầu với những việc cần làm ngay, xung quanh, trên dưới trọn cả trang là công an thành phố đề ra những chuyện cần làm ngay, hưởng ứng những việc cần làm ngay, , thi đua, phát động làm những việc cần làm ngay... Những trang sau là thành tích trong năm, trong tỉnh X., hồi ký của đồng chí Ỵ trong lòng địch, những tường thuật gay cấn về một tổ chức buôn lậu, từ một vụ lường gạt qui mô đến những vụ cướp bóc, từ những "tiêu cực"(của nhà nước ..ta) , những mặt trái của "môt nước dân chủ có tiếng nhất phương tây- Mỹ-": Tổng thống Ri Gân tuyên bố phủ nhận quyết định bỏ tiền ra xây nhà cho (bốn triệu) người cùng khổ.
Cuối cùng, chúng tôi tìm thấy đoạn tin nhỏ ở góc cuối trang chót.
Ngày... tháng... năm... tại chân dốc cầu Sài Gòn về phía... có xảy ra tai nạn giao thông giữa xe ô tô với người đi bộ, làm người đi bộ bị chết, nạn nhân không mang theo giấy tờ tùy thân. Đặc điểm nạn nhân như sau: nam, khoảng bốn mươi tuổi, cao một mét bảy mươi, mặc áo sơ mi cộc tay màu trắng, quần vải màu xanh xám, sóng mũi cao, trong túi có nhiều trái chôm chôm đã khô. Cổ có đeo vòng dây đen bằng vải sợi, ở giữa vòng dây trước ngực là một miếng vải hình vuông, mềm, dầy và hai mặt, mặt trước màu vàng, mặt sau màu nâu. Xin mời thân nhân đến số nhà... đường... để liên hệ giải quyết.
-Ông bà hiểu giùm cho, chú ấy nhào vào xe tôi, xe đang xuống dốc... Mấy mươi năm lái xe đường trường cũng như trong thành phố, tôi chưa hề gây tai nạn. Có khi chú ấy...
Người đàn ông khổ sở, loay hoay tìm một duyên cớ. Mọi người tìm một lời giải thích. Những lý do, những biện bạch, không cần thiết, rơi chìm, tan biến trước khi thành hình.
Như những ước mơ thuở trước:
...
Trời trải lụa cho mùa xuân ấm đất
Cho tôi về rẫy lại cỏ trong sân...
...
Đời thân mật rủ rê tôi trở lại
Sống bình thường như điệu ca dao
...
Này em hỡi góp tay tôi vun xới
Nửa sân này ta ươm cải trồng hoa
Nửa còn lại ta dìu con tập bước
Hạnh phúc nào cần tìm ở đâu xa*
Chàng lặng lờ xa vắng, bỏ cuốc xẻng, thờ thẩn bước vào nhà mỗi lần đám người tù sắp sửa đi ngang. Buổi tối nặng nề qua, không còn tiếng cười nói phê bình, không còn tiếng hát trầm ấm, ngọt ngào You... and the night and the music. Đĩa hát cũ với Frank Sinatra của thời mới yêu nhau.
Hiền âm thầm ra vào, lầm lỳ, chối từ những hỏi han, ân cần.
Hôm nay được thư Việt, tôi vội vàng ra sau vườn tìm Hiền:
- Có thư em gửi về...
-...
- Con đọc thư em đi...
-...
- Hiền ơi, sao con không nghe...
Hiền ngẩng lên, quai hàm đanh lại, cộc lốc:
- Con không muốn đi nữa!
- Coi kìa, giấy tờ sắp xong, đời sống ở nơi này... ; con không muốn gặp lại các em sao?
Hiền quắc mắt, gằn từng tiếng, tàn nhẫn:
- Nam chết rồi, từ lâu lắm rồi. Việt giấu má. Ba giấu má. Bởi vì má không hề muốn biết. Má bịt tai, che mắt. Người ta đã ngưng mọi phỏng vấn, mọi thủ tục cho đến khi có lệnh mới. Mà đi làm gì? Con không đi đâu. Chúng ta không đi đâu hết. Ở lại đất này, cho đến hơi thở cuối cùng, như Nam, như...
Hiền nghẹn ngào ôm mặt khóc, tôi rụng rời tay chân, đầu óc, thân hình bỗng nhẹ hẫng. Chút gió còn lại đã vụt bay đi.
Phan thị Trọng Tuyến
1988
Hết
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử