lịch sử việt nam
Bản tin ngắn số 5 Kết thúc Khóa Tu Học Phật Pháp Âu châu Kỳ thứ 24
tại Birmingham - Anh quốc
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Ni.
Kính thưa Toàn thể Nam Nữ Phật tử xa gần,
Như qúy vị đã biết Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu Kỳ 24 tại Birmingham Anh quốc đã bế giảng vào ngày 04/08/2012, tính đến nay, gần 2 tuần lễ, mới có Bản tin ngắn số 5, tổng kết, kể cũng đã quá muộn. Nhưng xin thưa : Sau ngày bế giảng, bản thân chúng tôi phải đi dự Đại Hội Khoáng Đại Kỳ một cuả Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ cuối tuần vừa qua vào những ngày 11 và 12/08/2012 tại Chùa Cổ Lâm, thành phố Seattle miền Tây Bắc nước Mỹ. Do vậy mà Bản tin ngắn số 5 giờ này mới xuất hiện, dù chỉ là một bản tin... ngắn. Kính mong chư Tôn Đức và bà con Phật tử xa gần thương tình mà hoan hỉ cho.
Đi vào vấn đề mà qúy vị đang mong đợi muốn biết Khóa Tu Học năm nay diễn tiến thế nào ? Có thành công hay không ? Có trục trặc gì không ? Học viên nhiều hay ít hơn ? Tài chánh thu vào có đủ trang trải hay là thâm thủng ? nhất là ở Anh quốc, nghe nói vật giá cao lắm cái gì cũng đắt đỏ v.v... và v.v....
Xin thưa : Trục trặc thì quý vị và bà con đã biết qua các bản tin trước rồi : nào là visa nhập cảnh khó khăn, nào là vé máy bay giờ chót tăng cao vì có Olympic mùa hè ở Luân Đôn thủ đô Anh quốc cũng diễn ra cùng một ngày Khai Giảng Khóa Tu Học (27/7). Cho nên, về phương diện này, coi như chúng ta trúng số "độc đắc" cặp đôi luôn !
Nhưng bên cạnh những lo lắng trục trặc như trên đã nói, lại bù đắp được bằng những kết quả không ngờ, không dự liệu trước. Hay có dự liệu cũng chỉ có chừng mực thôi chứ không dám mơ tưởng quá đáng. Con ếch làm sao mà dám mơ trở thành con bò cho được.
Trong một Bản tin ngắn trước đây, nếu quý vị và bà con còn nhớ, chúng ta đã dự tính về học viên từ lục địa Âu châu đi máy bay sang, với tình hình này, nhiều nhất khoảng chừng 400. Còn học viên tại Anh quốc ra sức vận động tối đa khoảng chừng 200. Vị chi từ 600 đến 700 là lý tưởng nhất rồi, đâu dám mơ ước cao xa hơn nữa. Nhưng trên thực tế lại khác. Con số học viên được tổng kết vào 3 ngày trước khi bế giảng là 881. Trong 24 Khóa, chưa được xếp vào bậc nhất, thì cũng thuộc loại nhì ba chứ không đến nỗi áp chót, cầm đèn đỏ như một số bi quan lúc ban đầu.
A Di Đà Phật, tai qua nạn khỏi. Đó là nhờ sự thành tâm cầu nguyện của Chư Tôn Đức và bà con Phật tử xa gần mới được kết quả như vậy. Xin phép đi vào chi tiết để thấy con số từng nước "chí tu học vững bền" tới cở nào. Theo thứ tự ABC : Ái Nhĩ Lan (3), Anh quốc (313), Áo quốc (5), Bỉ quốc (17), Đan Mạch (40), Đức quốc (114), Hoa Kỳ (3), Hòa Lan (67), Na Uy (52), Phần Lan (9), Pháp quốc (148), Thụy Điển (23), Thụy Sĩ (14), Úc Đại Lợi (4), Việt Nam (1), Ý Đại Lợi (1). Tổng số học viên cư sĩ 814, chia ra Nam : 248 và Nữ : 566. Học viên nhỏ nhất là bé gái 4 tuổi, sống tại Anh,
Bà cụ cao niên nhất 91 tuổi cũng ở Anh.
Về phần chư Tăng Ni, năm nay ít hơn. Tổng số gồm có 67 vị, chia ra : Tăng : 38 và Ni : 29.
Qua con số Tổng kết trên đây cho ta rút ra một vài nhận xét : Số học viên từ lục địa Âu châu đến, dự tính 400, đã tăng lên tới 568. Và con số học viên Anh quốc dự liệu là 200 mà sự thực đã thành 313. Thường lệ, tổ chức Khóa Tu Học tại nước nào thì học viên ở nước đó tăng cao. Một là vì lý do tổ chức tại chỗ, dễ dàng đi lại, có thể ghi tên cho cả gia đình. Hai là vì lý do địa phương tổ chức, phải dấn thân công quả, phục vụ Khóa Tu Học, nên ghi tên "dự thính" phân nửa thời gian vào lớp học, phân nửa thời gian chạy lo công việc bên ngoài. Hoặc là ban ngày đến học, ban đêm về nhà (dành chỗ cho học viên ở xa đến). Bởi vậy mà con số ở địa phương bao giờ cũng tăng lên. Nhưng trong trường hợp ở nước Anh vào thời điểm năm nay, quả là một trường hợp ngoại lệ.
Với con số "thực" vượt qua con số "dự liệu" đó là điều đáng mừng. Nhưng lại là một nỗi lo lớn cho Ban Tổ Chức địa phương, nhất là Ban Trai Soạn và Phòng ốc, tức là các ban lo về ăn và ở. Thế mà vẫn ổn định từ đầu đến cuối thật phải nói là một điểm son lớn cho Ban Tổ Chức địa phương.
Về mặt Trần thiết, Khóa 24 Kỳ này có một sắc thái khác hẳn. Với Thượng Tọa Thích Nguyên Lộc trong những khóa trước đây, có một phong cách khác. Kỳ này với Đại Đức Thích Tâm Hiền lại có một phong cách khác. Mỗi người một vẻ đặc biệt không chê vào đâu được. Nhưng tất cả giống nhau một điểm chung : là biến hội trường thể thao thành một ngôi Chánh Điện thờ phụng trang nghiêm, một đạo tràng uy nghi thành kính ! Điều đáng ghi nhận là công phu vô vàn. Tốn kém về vật liệu không nhiều, nhưng thì giờ và nhân lực "đầu tư" vào không biết phải tính bao nhiêu cho đủ.
Chương trình sinh hoạt 10 ngày cũng như mọi năm không khác mấy. Mỗi ngày có 3 buổi học, 2 khóa tu, một công phu sáng, một cầu an chiều. Buổi trưa quá đường kinh hành. Cuối Khóa có một ngày Niệm Phật, một kỳ thi "tốt nghiệp" và một Đêm Văn nghệ chia tay. Đặc biệt năm nay có thêm một lễ Dâng Y Ca-Thi-Na theo "truyền thống" để Kỷ niệm 10 năm Kiến thiết Chùa Từ Đàm tại địa điểm hiện tại. Lễ này thực hiện vào ngày chủ nhựt đầu tiên của Khóa Tu Học tức ngày 29/7/2012.
Nếu một học viên chưa từng dự một lễ Dâng Y nào từ trước đến nay thì phải nói hết sức ngạc nhiên thích thú về màu sắc và âm thanh đặc biệt của buổi lễ này. Nhất là trong buổi lễ kỳ này, có một số thí chủ đã phát nguyện dâng cúng 15 bộ Đại Y gọi nôm na là "Hồng Y Hiệp Chưởng" trong rất uy nghiêm rực rỡ.
Rất tiếc chỉ có 5 vị Trưởng lão hiện diện nhận lãnh tại chỗ. Còn 10 vị khác sẽ được gởi đến dâng cúng để cầu phước cho đạo tràng Từ Đàm Anh quốc được hưng thịnh trường tồn. Ngoài những bộ Đại Y đặc biệt, đạo tràng còn dâng cúng phổ đồng 100 bộ Y cho chư Tăng Ni hiện diện.
Chương trình học năm nay vẫn diễn tiến như thường lệ theo 2 trình độ : phổ thông và chuyên khoa : tức là lớp 1 và lớp 2. Lớp 1 phổ thông chia làm 2 : 1A cho lớp trẻ và 1B cho người lớn hay người mới đến Khóa tu học lần đầu. Trong lớp 1A, với ê-kíp Giáo thọ trẻ năm nay lại chia làm 2 nữa theo tuổi nhỏ và tuổi lớn gọi là lớp 1A và 1AA. Lớp trẻ này năm nay được thí nghiệm giảng dạy bằng 2 ngôn ngữ : tiếng Việt và tiếng Anh. Các trẻ yếu tiếng Việt có thể hiểu rõ thêm qua tiếng Anh và ngược lại các trẻ yếu tiếng Anh có thể hiểu bổ túc thêm bằng tiếng Việt. Kết quả cho thấy có phần khởi sắc. Do đó từ nay trở đi, các năm về sau sẽ theo đà này củng cố lại, bổ sung thêm để làm sao lớp 1A thu hút được nhiều giới trẻ đến với Khóa Tu Học. Đó mới là mục tiêu Hoằng pháp hướng tới của Giáo Hội trong tương lai.
Về phần người lớn, có vị đã dự trên 10 Khóa hay 15 khóa rồi mà vẫn cố gắng theo đuổi, mặc dầu bây giờ tuổi tác đã lên đến bậc "Cổ lai hy". Tuy được liệt vào danh sách "miễn chấp tác" "miễn thi" nhưng vẫn vui vẻ đều đặn lên lớp nghe giảng vẫn đắp Y Bồ Tát xếp hàng đi tụng niệm kinh hành, thật là những hình ảnh quý báu thân thương khích lệ cho lớp người còn trẻ hơn.
Năm nay, chương trình học cho người lớn (lớp 1B và lớp 2), chú trọng về Bồ Tát tại gia : Thọ Bồ Tát Giới, hành Bồ Tát hạnh. Qua bao nhiêu Khóa Tu Học ở Âu châu, Bồ Tát tại gia đã sản sanh rất nhanh và rất nhiều. Nhưng học Bồ Tát giới và hành Bồ Tát hạnh thì vẫn còn ở vào tình trạng khan hiếm. Ngay cả căn bản là lễ Bố Tát, có một số vị chưa từng thực hiện vì ở vào những địa phương xa xuôi cách trở. Bởi vậy, chư Hòa Thượng giảng sư kỳ này đi trở lại từ bước căn bản như Tổ chức một buổi Lễ Bố Tát phải như thế nào. Đây mới là kỳ đầu, còn phải trãi qua nhiều kỳ nữa mới được thấm thấm nhiều hơn. Tuy nhiên mới kỳ đầu này mà đã có nhiều người cảm thấy an tâm hơn, hăng hái hơn, mạnh dạn hơn. Trường đồ tri mã lực, chưa biết về lâu về dài rồi sẽ ra sao.
Nhưng trước mắt, cụ thể, chưa có lần nào như lần này ở Anh quốc, Giới Đàn thọ Bồ Tát Giới tại gia, có trên 80 giới tử ghi tên. Một kết quả không ngờ và cũng là một gánh nặng phải lo nữa.
Về cấp 3 tức lớp Tăng Ni, năm nay tuy ít nhưng vẫn học hành đều đặn. Có một điều nghịch lý thú vị của năm nay là sĩ số ghi danh chư Tăng cao hơn chư Ni (38 và 29). Nhưng khi đến lớp thì ngược lại hẳn lại. Âu cũng là một thông lệ kiên cố chưa đủ nhân duyên hoán cải được.
Tuy nhiên với quyết định sửa đổi, theo phiên họp thường niên của Giáo Hội Âu châu trong Khóa Tu Học Kỳ này, thì bắt đầu từ Khóa sau (25) trở đi Khóa Tu Học Âu Châu 10 ngày mỗi năm sẽ trở thành Khóa An Cư 10 ngày cho Tăng Ni Âu châu. Nghiã là có thêm phần tác pháp An Cư sau lễ Khai giảng cũng như có lễ Tự Tứ trước lễ Bế giảng. Chương trình học của Tăng Ni cũng sẽ tổ chức thành 2 cấp : Cấp cơ bản : Học về Luật và nghi lễ Thiền môn : cấp Hoằng pháp : hướng dẫn về hành chánh, tổ chức và diễn giảng.
Trước đây, trong các Khóa Tu Học cũng đã có ý sinh hoạt an cư cho Tăng Ni như trên, nhưng chưa thực thi nghiêm túc và có chương trình cụ thể. Kỳ này muốn củng cố lại, bước thêm một bước nữa để Khóa Tu Học Âu Châu của chúng ta được hoàn chỉnh hơn cả Tu lẫn Học, cả chư Tăng Ni lẫn Cư sĩ đều được có phần lợi ích.
Còn một lớp cao cấp nữa không thể bỏ quên được. Đó là Đại Học Oanh Vũ "nỗi tiếng" khắp thế giới. Năm nay không đông cả trăm như năm ngoái mà chỉ vào khoảng 5, 6 mươi. Nhưng vẫn học hành sinh hoạt ca hát vui vẻ dưới sự hướng dẫn của các Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam Âu châu tự nguyện làm việc như các năm vừa qua.
Ngoài ra, còn một lễ đặc biệt nữa, bắt đầu từ Khóa Tu học năm nay. Đó là lễ Hiệp Kỵ 4 đời Tăng Thống và Bồ Tát Thích Quảng Đức. Một buổi lễ tưởng niệm có hàm ý tỏ lòng biết ơn chư vị tiền bối Lịch Đại Tổ Sư và Chư Thánh Tử Đạo. Nếu không có công lao xây dựng và hy sinh cho Đạo Pháp và Dân Tộc của Qúy Ngài thì sinh mệnh của Phật Pháp đã bị tiêu vong lâu đời rồi, đâu còn đến ngày nay cho chúng ta chiêm ngưỡng.
Nói chung, về nội dung, Khóa Tu Học 24 này, đã đạt được mục tiêu phổ thông là làm cho ánh sáng đạo pháp được lưu truyền khắp nơi, kể cả những vùng khó khăn, rắc rối. Nhưng cũng trong Khóa này đã đặt lại những bước cơ bản cho lớp trẻ, lớp Bồ Tát tại gia cũng như lớp Tăng Ni trong Giáo Hội Âu châu. Mặc dù Chư Tăng Ni về làm việc cho Khóa Tu Học Kỳ này rất ít, so với các khóa trước, nhưng đã phân công gánh vác nhiều công việc để được trôi chảy thông suốt không bị ngưng động. Đó là một điểm nổi bật cần được ghi nhận và tán thán.
Còn bao nhiêu công việc khác, đều do Ban Tổ Chức địa phương lo liệu. Các Ban Trần Thiết, Trai Soạn, Y Tế, Tiếp Tân đưa đón... năm nay, phải nói là làm việc hết mình và hết sức hoan hỉ. Chỉ có Ban Truyền Thông Báo Chí hơi "yếu" vì lý do Olympic mùa hè đã hút hết bao nhiêu dư luận và nhãn quan quần chúng chú mục vào mỗi ngày. Cho nên ban Truyền Thông của chúng ta vẫn liên lạc đưa tin đều đặn nhưng báo chí và truyền thông địa phương không mấy chú ý chỉ vì yếu tố trùng hợp kể trên.
Một điểm cuối cùng không thể không nhắc đến đó là sự dễ dãi và hỗ trợ nhiệt tình của ngôi trường Hillcrest School ở Birmingham mà chúng ta đã thuê trong 10 ngày cho Khóa Tu Học Kỳ 24 này. Giá cả có phần ưu đãi đã dành nhưng các nhu cầu bất thường cho Khóa Tu Học đều được đáp ứng một cách vui vẻ, thật là hiếm có. Phải nói nhờ ban liên lạc với nhà trường, khéo léo xả giao mới được kết quả độc đáo như thế. Xin chân thành cảm tạ. Cầu nguyện cho mọi người đều được an vui, nhẹ nhàng và thấm nhuần phước báo.
Còn một tiết mục mà Chư Tôn Đức và bà con Phật tử xa gần trông đợi đến phút chót. Đó là tài chánh đủ hay thiếu ? Xin thưa : Không đủ không thiếu mà là dư. Nhưng không dư nhiều. Vậy là Phật độ rồi, chắc chắn quý vị sẽ "phê" một câu chắc nịnh như vậy. Đúng thế. Chư Phật lúc nào cũng độ chúng sanh. Chư Tổ, Chư Bồ Tát, Long Thiên Thánh Chúng bao giờ cũng cứu độ chúng sanh. Nhưng còn Chư Tôn Đức và bà con Phật tử xa gần có "độ" cho Khóa Tu Học Kỳ này không ? Nếu các Ngài và bà con không "độ" bằng các bao gạo thì làm sao vượt qua nổi "con trăng Anh quốc"kỳ này. Với giá sinh hoạt đắt đỏ như ở Anh quốc mà Khóa Tu Học đã vượt qua được và còn dư chút đỉnh thì đủ biết sức yễm trợ của Chư Tôn Đức và bà con ta có thần công lực tới cở nào. Chưa có Khóa nào như khóa này chi tiêu lên cao : 120.200 Anh Kim tức khoảng 180.300 Mỹ Kim.
Thế mà còn dư chút đỉnh. Chưa có Khóa nào mà số bao gạo ủng hộ được nhiều đến con số : 1.247 bao x 30€ = 37.410€ tức khoảng 44.892 Mỹ Kim.
Để có con số cụ thể chi tiết, xin mời Chư Tôn Đức và bà con xa gần xem qua Bản báo cáo tài chánh trọn Khóa, do Thượng Tọa Thích Phước Huệ, Trưởng Ban Tổ Chức địa phương đọc trong lễ Bế giảng chiều ngày 04/08/2012 :
Chi Thu
Thuê Trường 30 000£ Học Phí 64 187€
Thuê Nhà tắm 12 000£ Cúng dường Trai Phạn 10 000€
Thuê Lều 3 500£ Cúng dường Trai Tăng 6 922
Mua Giường + mền 17 000£ Cúng dường Khóa Tu Học 10 772€
Mua đồ từ Việt Nam 4 000£ Cúng dường Gạo (1.247 bao) 37 410€
Xe Car 4 700£ Tổng Thu 129 291€
Trai Tăng 25 000£ (tức 30,000€) Đổi ra Anh Kim 107 743£
Ứng trước Trai Soan 10 000£ Thầy Phước Huệ thu 12 160£
Trang hoàng Trần thiết 3 500£ Cắt tóc cúng dường 568£
Trai Soạn bổ túc + linh tinh 10 500£ Nhiếp ảnh cúng dường 1 508£
Tổng Chi 120 200£ Tổng thu Anh Kim 121 979£
Trừ phần chi 120 200£
Còn dư cho vào Khóa tu học 25 : 1 779£
Kính thưa Qúy vị và bà con xa gần,
Còn một số gây qũy cúng dường Khóa Tu Học chưa kịp nhập vào cũng như một số chi tiêu cuối cùng chưa được tổng kết. Tuy nhiên với Bản báo cáo tài chánh này giá trị khoảng 95% tổng số thu chi của Khóa Tu Học 24, có thể tin cậy được.
Đến đây qúy vị và bà con xa gần có thể thở phào nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng ngàn cân. Nhưng vừa mới lấy được hơi thở bình thường, liền nghe có một câu hỏi nhẹ nhàng : Vậy chứ còn Khóa tới, Khóa thứ 25 sẽ được tổ chức nơi đâu.
Xin trả lời : qua phiên họp thường niên của Giáo Hội Âu châu năm nay (trong Khóa Tu Học Kỳ 24 tại Anh quốc) có bàn thảo nhiều về sinh hoạt các Khóa Tu Học hàng năm từ trước đến giờ cũng như đặt lại những đường hướng làm tiêu chuẩn cho các Khóa Tu Học sắp tới. Cũng trong chiều hướng đó, Giáo Hội mới lấy quyết định cho Khóa Tu Học Kỳ 25 (2013) là địa phương Phần Lan.
Có người hỏi nước Phần Lan (Finland) nằm ở đâu ? Phiá đông giáp nước Nga, phiá tây giáp nước Thụy Điển, Phần Lan là một nước thuộc vùng Bắc Âu có một đời sống văn hóa và kinh tế khá vững vàng. Theo lịch sử trong quá khứ, Phần Lan còn là một nước phải gồng mình vươn lên giữ vững độc lập giữa các gọng kềm xâm lược của các đế quốc tả hữu là Nga và Thụy Điển.
Sau biến cố 75, thuyền nhân Việt Nam được nhận vào Phần Lan với một số lượng nhỏ. Qúy Thầy trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu lúc đó đã có liên lạc đến nơi tổ chức các ngày lễ Phật và chính thức thành lập Hội Phật tử Việt Nam Tỵ nạn tại Phần Lan. Rồi, lễ ra mắt Hội này trong dịp Vu Lan 1987 tại thủ đô Helsinki. Từ đó đến nay qua bao nhiêu cuộc biến đổi thăng trầm, nhưng Hội Phật tử Việt Nam vẫn còn đó. Năm nào cũng có các học viên đi tham dự Khóa Tu Học Phật Pháp Âu châu, tuy không nhiều. Hiện tại Phần Lan có 2 ngôi chùa Việt Nam và số người Việt sinh sống ở đây đông hơn ngày xưa rất nhiều, đa số là Phật tử.
Bởi vậy kỳ này Giáo Hội Âu châu quyết định tổ chức Khóa Tu Học Phật Pháp Âu châu Kỳ 25 tại Phần Lan với hy vọng tạo cho Phật tử Việt Nam ở đây có một cơ hội học hỏi giáo lý để vươn lên sinh hoạt đồng bộ với các Cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Âu châu.
Có người e ngại bảo rằng : Tổ chức Khóa Tu Học ở Phần Lan năm tới (2013) là một vấn đề hết sức khó khăn. Vâng, đúng vậy. Nếu Khóa 23 ở Áo, tổ chức gặp nhiều khó khăn và Khóa 24 ở Anh vừa qua, có nhiều trục trặc rắc rối bao nhiêu thì Khóa 25 nếu tổ chức ở Phần Lan sẽ bao gồm cả 2 thứ khó khăn, rắc rối của 2 Khóa trên đây cộng chung lại mới đúng.
Nhưng không phải vì những khó khăn trở ngại chướng duyên đầy dẫy mà không thể tổ chức một Khóa Tu Học, Có lý nào đã hơn 25 năm sinh hoạt Phật sự mà không thể tổ chức được một Khóa Tu Học Phật Pháp ? Chúng ta hãy chí thành cầu nguyện Tam Bảo chứng minh, Bồ Tát Long Thiên Thánh Chúng hộ trì cho Hào quang của Đức Phật được tỏ rạng khắp nơi đem hòa bình an lạc đến cho muôn loài. Kính mong chư Tăng Ni và Phật tử Việt Nam ở Phần Lan thấu hiểu các thứ chướng duyên mà ủng hộ mạnh mẽ cho việc Tổ chức Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu Kỳ 25 sắp tới gặp nhiều thuận lợi để hoàn thành sứ mệnh. Công đức thật vô lượng vô biên.
Kết thúc Bản tin ngắn số 5 này là lời cầu nguyện an lành cho tất cả. Trên Chư Tôn Đức Tăng Ni pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ. Và toàn thể Phật tử tâm bồ đề bền chắc chí tu học vững bền, cùng pháp giới chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.
Về Khóa Tu Học Kỳ 25 ở Phần Lan thì từ đây đến cuối năm 2012 sẽ được thông báo đầy đủ về địa điểm và thời gian để Chư Tôn Đức và bà con Phật tử xa gần tiện bề liệu định.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Bagneux ngày 20/08/2012
Trưởng Ban Điều Hành Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu
Hòa Thượng Thích Minh Tâm
14 Av Henri Barbusse. 92220 Bagneux (FRANCE). Tél : 01.46.55.84.44. Fax : 01.47.35.59.08. E-mail : khanhanh@free.fr
Một vài hình ảnh tiêu biểu:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử