lịch sử việt nam

Trang Chính

Bản Tin Blogs:

Biển Cả Và Con Người:

Bưu-Hoa Việt-Nam:

Blog Anh Ba Sàm:

Blog Cầu Nhật-Tân:

Blog Chu-Mộng-Long:

Blog Cu Làng Cát:

Blog Dân Làm Báo:

Blog Dân Oan Bùi-Hằng:

Blog Diễn-Đàn Công-Nhân:

Blog Giang-Nam Lãng-Tử:

Blog Huỳnh-Ngọc-Chênh:

Blog Lê-Hiền-Đức:

Blog Lê-Nguyên-Hồng:

Blog Lê-Quốc-Quân:

Blog Mai-Xuân-Dũng:

Blog Người Buôn Gió:

Blog Phạm-Hoàng-Tùng:

Blog Phạm-Viết-Đào:

Blog Quê Choa VN:

Chết Bởi Trung Cộng:

Diễn-Đàn Thảo-Luận Về Tình-Hình Việt-Nam:

Diễn-Đàn Sửa Đổi Hiến-Pháp 1992:

Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam:

Điện-Toán - Tin-Học:

Ebooks Hồi-Ký - Bút-Ký:

Hịch Tướng Sĩ:

Hình-Ảnh Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa

History Of Viet Nam

Hoàng-Sa Trường-Sa Là Của Việt- Nam:

Hồ-Sơ Chủ-Quyền Quốc-Gia Việt- Nam 

Hội Sử-Học Việt-Nam tại Âu-Châu

Human Rights Vietnam - Human Rights Activist

Lá Thư Úc-Châu

Lịch-Sử Việt-Nam Cận-Đại:  

Lịch-Sử Việt-Nam Ngàn Xưa:

Ngàn Năm Thăng Long (1010 - 2010)

Nghĩa-Trang Quân-Đội Biên-Hòa

Nguyên-Tử Của Việt-Nam Và Quốc- Tế

Người Dân Khiếu-Kiện:

Phụ-Nữ, Gia-Đình, Và Cuộc Sống:

Quốc-Tế:

Sitemap:

Tiền-Tệ Việt-Nam:

Tin Nhắn, Tìm Thân-Nhân Mất-Tích, Mộ Tìm Thân-Nhân:

Tin-Tức Thời-Sự Việt-Nam:

Thư-Tín:

Tưởng-Niệm 50 Năm 1963-2013:

Trang Thơ Văn Mai-Hoài-Thu:

Trang Thơ Văn Minh-Vân:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Chí-Thiện:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Khôi:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Thị-Thanh:

Trang TL Nguyễn-Việt Phúc-Lộc:

Trang Nhật-Hồng Nguyễn-Thanh-Vân:

Trang Thơ Văn Phạm-Ngọc-Thái:

Trang Thơ Văn Phan-Văn-Phước:

Trang Thơ Văn Quê-Hương:

Trang Thơ Văn Thanh-Sơn:

Trang Thơ Văn ThụcQuyên:

Trang Thơ Văn Trí-Lực:

Trang Thơ Văn Vĩnh-Nhất-Tâm:

Truyện Dài Thời Chiến-Tranh Việt-Nam (Ebooks):

Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử - Donate:

Weblinks:

 

 

Thư-Viện Bồ Đề Online_Thư Viện Hoa Sen

nơi hội tụ của những tâm hồn trăn-trở về nhân-sinh quan và vũ-trụ quan

đồng thời xiển-dương Chánh Tín_bài trừ Mê-Tín Dị Đoan 

Vua Trần Nhân Tông 

Những Hư-Cấu Liên Quan Đến Các Vị Vua Đời Nhà Trần (***)

1, 2

Trúc Lâm Lê An Bình biên khảo

Ngày 1 tháng 3, năm Ất Dậu (1285), giặc Nguyên đuổi theo rất gắt hai vua (Thượng hoàng Thánh Tông và Hoàng Đế Nhân Tông) phải bỏ thuyền, xử dụng đường trên bộ đi đến Thủy-Chú (không rõ nơi nào ngày nay), sau đó lấy thuyền ra cửa Nam-Triệu, vượt biển Đại-Bàng (thuộc địa phận xã Đại-Bàng, huyện Nghi-Dương, tỉnh Hải-Dương) đi vào Thanh-Hóa. Như thế ta thấy ở đây quân đội Đại Việt đang rơi vào thế tam đầu thọ địch đúng như kế hoạch của kẻ địch dự trù là các cánh quân của Thoát Hoan từ Thăng Long tiến về phối hợp với các cánh quân của tướng Hữu thừa Khoan Triệt, Vạn Hộ Mông Cổ Đãi và Bột La Hợp Đát Nhi dẫn quân bằng đường bộ và Lý tả thừa Ô Mã Nhi Bạt Đô (sau khi chiếm xong bãi Tha-Mạc) bằng đường thủy; cánh quân của Toa Đô giải quyết xong chiến trường Thanh, Nghệ cũng thẳng đường tiến tới Thiên Trường. Để giải tỏa thế gọng kềm này ta phải giải quyết ra sao?

Từ Thiên Trường một cánh quân của ta rút về các lộ vùng đông bắc (Hải Phòng, Quảng Ninh) để dụ địch rượt theo rồi chờ cho Toa Đô dẫn quân ra khỏi Thanh Hóa thì ta mới vượt biển Đại-Bàng như đã nói ở trên để vào chiếm lại Thanh Hóa làm căn cứ đóng quân. Toa Đô vừa phải vất vả ngược xuôi để rượt đuổi quân ta, rốt cuộc cũng chẳng được gì lại mất đi cứ điểm vừa mới chiếm. Cương Mục Chính Biên quyển VII có đoạn viết: «Lúc ấy quân Nguyên đuổi theo riết, nhà vua phải mời thượng hoàng cùng ngự một chiếc thuyền con, chạy ra nguồn Tam Trĩ, một mặt khác, sai người kéo thuyền của vua vẫn ngự đi ra ngả núi Ngọc Sơn, để đánh lừa quân Nguyên. Tướng Nguyên do thám biết được mưu ấy, mới sai Hữu thừa là Khoan Triệt, Tả thừa là Lý Hằng chia đường đuổi theo. Nhà vua phải đổi đi đường bộ đến xã Thủy-Chú, rồi lại đi thuyền đến sông Nam-Triệu, qua cửa biển Đại-Bàng vào Thanh Hóa».

Ngày 9 tháng 3 năm Ất Dậu (1285), hai vua bị tướng Nguyên là Giảo-Kỳ và Đường-Cổ-Đới đem chu-sư (hải quân) ra biển vây và suýt bắt được các ngài. May thay nhờ tướng Nguyễn Cường tận lực hộ giá mới có thể rút ra được về phía nguồn Tam-Trĩ, đồng thời giả đưa thuyền rồng đi miền Ngọc-Sơn (miền biển Thanh Hóa) để đánh lừa giặc. Quân thù tưởng là thuyền hai vua, chúng chận bắt và tịch thu rất nhiều vàng bạc cũng như nam nữ của ta.

Ở đoạn này ta thấy rằng sau khi quân Đại Việt rút khỏi kinh thành Thăng Long rồi liên tiếp xảy ra các trận đánh Tha Mạc, Bình Than, A Lỗ, Đại Hoàng, Thanh Hóa thì hai vua và quân đội Đại Việt gần như rơi vào thế bị động phải liên tục di chuyển để tránh né sự truy đuổi của quân Nguyên theo Cương Mục ghi «nhà vua phải chạy loạn long đong»; Việt Nam Sử Lược của Lệ Thần Trần Trọng Kim viết: «Nhân Tông kinh hãi, Thượng hoàng đêm ngày lo sợ»; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: «Thế giặc bức bách, hai vua ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Tam Trĩ Nguyên…xa giá nhà vua phiêu bạt». Các vị sử gia vừa kể có những lời như vậy đối với một vị đại anh hùng dân tộc như Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông thì hơi vội vàng và thiếu khách quan.

Hãy xem tình hình quân thù ra sao, theo Nguyên sử 13 tờ 8b8-10 ghi: «Tháng 3 ngày Bính Tý Kinh Hồ Chiêm Thành hành tỉnh xin thêm quân. Lúc bấy giờ Trần Nhật Huyên(*) trốn về hai xứ Thiên Trường và Trường Yên, binh lực lại tập hợp. Hưng Đạo Vương đem hơn ngàn chiến thuyền về nhóm Vạn-Kiếp, còn Nguyễn Lộc thì ở Vĩnh Bình, mà quan quân đi xa lại đánh lâu, treo lơ lửng ở giữa. Quân của Toa Đô và Đường Cổ Đãi lại đến không đúng lúc, nên xin thêm quân. Vua cho đi đưòng thủy là nguy hiểm, ra lệnh cho quân tăng viện đi theo đường bộ» -Toàn Tập Trần Nhân Tông-Lê Mạnh Thát Việt dịch (**).

Như vậy thì quá rõ ràng, theo Nguyên Sử cho biết thì quân Mông-cổ cũng đang rơi vào thế bị động. Thế bị động đó là chúng phải đối phó với nghĩa quân của ta liên tục quấy rối những nơi địch chiếm đóng. Bằng chứng là phản thần Trần-Kiện trên đường về chầu Hốt-Tất-Liệt lại được quân ta cho đi chầu âm phủ; để đối phó với những hoạt động tiêu thổ kháng chiến của quân dân nhà Trần, chúng bắt buộc phải xin thêm quân lính, xây dựng thêm nhiều đồn bót để gia tăng phòng thủ cũng như kiểm soát những vùng đã chiếm được. Ở đây chứng minh một điều, nếu thật sự kẻ thù có khả năng làm cho quân ta lúng túng, bị động thì cần gì Mông-cổ phải xin thêm viện binh như thế? Như là «nhà vua phải chạy loạn long đong»… xa giá nhà vua phiêu bạt» v.v…, làm sao ta có thể chuyển bại thành thủ và từ thủ chuyển sang công khi hóa giải thế gọng kềm mà chúng muốn tạo ra để vây hãm quân ta phải quy phục, thì nay chính đoàn quân xâm lược lại bị rơi vào thế trận mà Đức Hoàng đế Trần và Hưng Đạo Vương đã sắp xếp sau cuộc họp ở Hải-Đông. Đó là rút lui, phòng thủ và phản công chiến lược. Hiện tại ta ở giai đoạn nhì là phòng thủ chiến lược để chuẩn bị bước qua giai đoạn ba là tổng phản công chiến lược.

Chưa hết, tại chiến trường Thanh Hóa quân Mông-cổ đã gặp sức phản kháng rất quyết liệt của người dân địa phương. Ngày 9 tháng 3 năm 1285, tướng Nguyên là Giảo Kỳ kéo quân đến Bố Vệ (thuộc Cần Bố, Thanh Hóa). Người dân trong vùng nổi lên đánh địch, trong đó dân chúng Hương Yên Duyên (xã Quảng Hùng, Quảng Xương, Thanh Hóa) dưới sự chỉ huy của ông Lê Mạnh tước là Đại Toát đã chống cự quyết liệt khiến chúng không biết đường chống đỡ, rút lui cũng không được tiến tới cũng chẳng xong, cuối cùng vì quân ta có có kẻ phản bội nên giặc Nguyên mới thoát được và chúng còn đốt phá nhà cửa của ông. Sự kiện này không thấy ghi trong sử nhưng nhờ công đức xây chùa nên bia chùa Hưng Phúc ghi lại rằng: «Hữu tướng giặc là Toa Đô tiến quân vào hương này. Ông đem người trong hương chận giặc ở bến Cổ Bút. Hai bên đánh nhau giặc cơ hồ không rút chạy được. Nhưng vì có kẻ gian hàng giặc chỉ đường nên nhà cửa của ông bị đốt phá» (Thơ văn Lý Trần, Hà Nội xuất bản 1988 tập II quyển thượng trang 648). Đó cũng là lý do giải thích vì sao đạo quân của Toa Đô và Đường Cổ Đãi đã không đúng hẹn với Thoát Hoan ở Thăng Long trong mưu toan bao vây các lực lượng của quân đội Đại Việt.

Trong lúc này Hưng Đạo Vương được lịnh đem hơn 1000 chiến thuyền về Vạn-Kiếp là nơi trước đây đã rút lui, còn tướng Nguyễn Lộc đóng ở Vĩnh Bình tạo thế gọng kềm đối với quân thù. Vì thế cả ba cánh quân của chúng do Thoát Hoan, Ô Mã Nhi và Toa Đô đều nằm ở giữa vòng vây mà Đức Hoàng đế Trần và Hưng Đạo Vương dầy công sắp xếp kể từ sau trận Nội-Bàng và Chi-Lăng.

Với tài dụng binh như thần của Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông như thế, quân đội Đại Việt đang ở thế bị bao vây cả ba hướng, thế mà quân ta đã lật ngược được thế cờ trong những lúc nguy cấp nhất, khiến kẻ thù rơi vào giữa vòng vây của quân ta, như Nguyên sử nói «quan quân đi xa đánh lâu, lại treo lơ lửng ở giữa». Thế mà không hiểu vì sao, ngoài tác giả một số quyển sử như Cương Mục, Toàn Thư, Việt Nam Sử Lược, có cái nhìn hơi tiêu cực về Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông về giai đoạn này thì có những người khác lại đi xa hơn như trong quyển Histoire du Viet Nam des origines à 1858 do Lê Thành Khôi là tác giả được nhà Sudestasie xuất bản năm 1987 tại Paris. Trong quyển này ông Lê Thành Khôi viết như sau ở trang 186: «Nhân Tông, bord d’un sampan léger, était descendu Hai-dong (Quang-Yên). Il fit mander Hung-dao et l’interrogea, sucieux: «La puissance de l’ennemi semble telle que je crains qu’une guerre prolongée n’entraîre pour le peuple d’immenses destructions. Ne vaut-il pas mieux nous rendre pour l’en sauver ?» Le généralissime répondit: «Ces paroles manifestent les sentiments d’humanité de Votre Majesté, mais les Temples Dynastiques et les Dieux du Sol et des Moissons, que de viendraient-ils alors? Si vous voulez vous rendre, faites d’abord trancher ma tête!». Nghĩa là: «Vua Nhân Tông đi thuyền nhẹ xuống Hải-Đông (Quảng-Yên). Ngài cho vời Hưng-Đạo-Vương đến hỏi: «Thế giặc dữ dội như thế e rằng cuộc chiến sẽ kéo dài gây tàn hại cho dân chúng, thôi thì để trẫm đầu hàng giặc để cho dân chúng bớt khổ». Hưng-Đạo-Vương trả lời: «Đức ngài nói câu đó thật là vị vua có lòng thương dân, nhưng rồi sơn hà xã tắc sẽ ra sao? Nếu bệ hạ muốn hàng giặc thì xin chém đầu thần trước đã».

* Việt Sử Toàn Thư của ông Phạm Văn Sơn biên soạn ở trang 184 có mẩu đối thoại giữa Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Vương khi hội hợp ở Hải-Đông trên một chiếc thuyền nhẹ nội dung như sau: «Vua Nhân Tông được tin Hưng Ðạo Vương lui quân khỏi Lạng Sơn liền xuống chiếc thuyền nhỏ ra Hải Ðông (tức là Hải Dương), triệu Hưng Ðạo Vương đến. Nhân Tông nói: Thế giặc lớn như vậy chống với nó e dân sự sẽ tàn hại hay là hàng chúng nó để cứu lấy dân?». Hưng Đạo Vương khẳng khái trả lời rằng: «Bệ hạ vì lòng thương dân mà nghĩ như vậy nhưng Tôn Miếu và Xã Tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng thì hãy chém đầu tôi đi trước đã!» 

* Quyển Trần Hưng Ðạo của Hoàng Thúc Trâm ở trang 77 có ghi: «Vua Trần-Nhân-Tôn ngự chiến thuyền nhẹ, lánh ra Hải đông (Tục gọi bầu Chi-Lăng. Nay thuộc tổng Chi-lang gần ga Tuần-muội ở châu Ôn, tỉnh Lạng-sơn. An Nam Chí Lược chép Chi-lăng tức là «Lão thử quan» nghĩa là cửa chuột già».

- Hai đoạn văn nêu trên cho thấy sự kiện xảy ra như nhau khi vua Nhân Tông (hay Tôn) gặp Hưng-Đạo-Vương ở Hải Đông. Chỉ có khác một điều là câu nói muốn «đầu hàng» quân Mông-cổ của vua Nhân Tông được ghi trong Việt Sử Toàn Thư vốn không có trong các quyển cổ sử cũng như quyển Trần Hưng Ðạo nói trên.

* Ngày 12/05/2003, bài Khí Phách Của Vị Tướng Tại Mặt Trận do Bán Nguyệt San Ý Dân (Ydannews@aol.com)phổ biến trên diễn đàn công luận(diendancongluan@yahoogroups.com) và diễn đàn chính luận (chinhluan@yahoogroups.com), sau đó được đăng lại trong Bản Tin Quân Nhân, tháng 06/2003 xuất bản tại Pháp, có đoạn viết như sau: «Năm 1284, khi giặc Mông Cổ đem đại quân tràn sang tấn công nước ta lần thứ hai, khiến vua Trần Nhân Tôn phải lui binh về Vạn Kiếp và nảy sinh ý định đầu hàng giặc để tránh nhân dân phải đổ máu. Nguyên soái Trần Hưng Đạo, trong vai trò thống lĩnh toàn quân đã dõng dạc thưa với nhà vua rằng: "Nếu Bệ Hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã". Câu nói bất hủ nầy của Đức Trần Hưng Đạo đã có sức mạnh vạn năng khiến vua Trần Nhân Tôn phải hủy bỏ ý định đầu hàng giặc và ra công chống ngoại xâm, đem lại thắng lợi cho dân Việt». Về bài này tác giả nhầm lẫn ở chỗ người chỉ huy ở Vạn Kiếp là Hưng Đạo Vương.

- «Sự bố trí lực lượng của quân đội Đại Việt được ghi nhận như sau: ở mặt Đông-Bắc quân ta trấn thủ Vĩnh Bình, Động Bàng, Nội Bàng, Vạn Kiếp, Bình Than, chỉ huy mặt trận này là Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo; đối phó với cánh quân Vân Nam ở phía Tây Bắc thì giao cho Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chỉ huy; phía Nam kinh đô ta xây dựng một số địa điểm phòng thủ như Đà Mạc, A Lỗ và Đại Hoàng do Bảo Nghĩa Hầu Trần Bình Trọng chỉ huy.  Trên cùng, vị Tổng chỉ huy chiến trường là Đức Hoàng Đế Trần Nhân Tông… Do vì các cứ điểm miền Bắc thất thủ trước sức tấn công vũ bảo của giặc Nguyên, Hưng Đạo Vương đã cùng với binh lính cấp tốc rút khỏi Vạn Kiếp để bảo toàn lực lượng, khi nghe tin quân ta bị thiệt hại nặng như vậy, nên Đức Hoàng đế Trần đã vội đi thuyền nhẹ ra Hải Đông (chỉ chung vùng Hải Dương cũ nay thuộc tỉnh Hải Hưng và Hải Phòng hiện nay) để họp bàn các công việc cấp bách đồng thời tái tổ chức lại lực lượng quân đội nhà Trần. Sau cuộc họp thu gọn này quân dân nhà Trần đã có một chiến lược thích hợp với tình hình trước mặt (***)». Do đó người lui binh từ Vạn Kiếp về là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chứ không phải Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông như bài viết Khí Phách Của Vị Tướng Tại Mặt Trận của Bán Nguyệt San Ý Dân đã trình bày, hơn nữa «ý định đầu hàng giặc» của Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông lại càng không có cơ sở để hiện hữu.

* Việt Sử Khảo Luận tập 2, của tác giả Hoàng Cơ Thụy do Hội Văn Hóa Hải Ngoại xuất bản 1988 dầy 410 trang. Ở trang 325 ghi như sau: «Vua Thánh Tông đi thuyền nhỏ xuống Hải-Đông (Hải Dương bấy giờ), cho vời Hưng Đạo Vương đến hỏi: Thế giặc to như vậy, mà chống chọi với nó thì dân bị tàn hại, hay là trẫm chịu hàng để cứu muôn dân ?» Hưng Đạo tâu: «Bệ hạ nói câu ấy thật là nhân đức, nhưng mà tôn miếu xã tắc thì sao. Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng». Ở đây tác giả Hoàng Cơ Thụy đã chép nhầm một số sự kiện sau đây: 1/ Vua Trần Thánh Tông trị vì từ 24/2/1258 đến 22/10/1278, trong suốt 20 năm này quân Mông-cổ không có đem quân sang đánh Đại Việt, chỉ có căng thẳng ngoại giao giữa ta và nước Tàu; 2/ Địa điểm Hải Đông mà tác giả Hoàng Cơ Thụy ghi rằng vua Thánh Tông gặp Hưng Đạo Vương, nó đã  xảy ra vào cuộc kháng Nguyên lần thứ nhì năm 1285, người làm vua cũng như chỉ huy quân đội Đại Việt lúc đó là vua Nhân Tông (vua Thánh Tông lúc này là Thượng hoàng). Đây là sự lầm lẫn từ nhân vật (vua Thánh Tông); câu nói (hay là trẫm chịu hàng để cứu muôn dân… Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng);cho đến địa điểm Hải-Đông, địa điểm này đã diễn ra cuộc gặp giữa vua Nhân Tông và Hưng Đạo Vương trong cuộc kháng Nguyên lần thứ nhì 1285.

- Theo Toàn Thư Bản in Nội Các Quan Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697) do các soạn giả Lê Văn Hưu, Phan Văn Tiên, Ngô Sĩ Liên v.v…đồng biên soạn (chuyển sang ấn bản điện tử do Lê Bắc, Công Đệ, Ngọc Thủy, Tuyết Mai, Hồng Ty, Nguyễn Quang Trung 2001) ở trang 173 ghi: «Thế giặc rất mạnh, [vua] lại phải lui giữ sông Thiên Mạc (theo Cương Mục là khúc sông Hồng chảy qua vùng bãi Mạn Trù, nay thuộc xã Tân Châu, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng). Phụ Trần theo vua bàn những việc cơ mật, rất ít người biết được điều đó. Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền thái úy Nhật Hiệu hỏi kế sách (chống giặc). Nhật Hiệu đương dựa mạn thuyền, cứ ngồi không đứng dậy nổi, chỉ lấy ngón tay chấm nước viết hai chữ «nhập tống» (nghĩa là bỏ chạy vào đất Tống) lên mạn thuyền…Vua lập tức dời thuyền đến hỏi thái sư Trần Thủ Độ, Thủ Độ trả lời: «Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác». Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục được Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn 1856-1881do viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam phiên dịch (chuyển sang ấn bản điện tử do Lê Bắc, Công Đệ, Ngọc Thủy, Tuyết Mai, Hồng Ty, Nguyễn Quang Trung 2001) ở trang 209 cũng ghi như thế. [Vua] ở đây tức là vua Thái Tông (hay Tôn tức là phụ hoàng của vua Thánh Tông và là ông nội của vua Nhân Tông). Đây là hai quyển cổ sử đã ghi tới sự kiện Vua Thái Tông vấn kế thái sư Trần Thủ Độ giữa lúc thế giặc đang ở lúc hung hăng nhất. Và Trần Thủ Độ đã cương quyết trả lời: «Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác». Ngoài ra hai quyển này không có ghi một lời nào về sự kiện Hoàng đế Trần Nhân Tông «muốn hàng» quân Mông-cổ.

* Quyển Tiêu Sơn Tráng Sĩ của tác giả Khái Hưng do Văn Nghệ xuất bản năm 1968, tại Sài Gòn, ở trang 263 ghi:  «Vua Nhân-Tôn nhà Trần nghe tin Hưng-Đạo-Vương bại trận chạy về Vạn-Kiếp, liền ngồi thuyền xuống Hải-Đông, rồi vời Vương đến bàn rằng: «Thế giặc to, mà mình chống với nó thì dân bị tàn hại, hay là trẫm ra hàng để cứu muôn dân?». Hưng-Đạo quỳ xuống kiếm dâng vua Nhân-Tôn rồi vươn cổ mà nói rằng: «Bệ-hạ nói câu ấy thật nhân đức, nhưng còn đất nước thì sao? Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hết chém đầu tôi đã, rồi hãy hàng».

- Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn 1856-1881do viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam phiên dịch (chuyển sang ấn bản điện tử do Lê Bắc, Công Đệ, Ngọc Thủy, Tuyết Mai, Hồng Ty, Nguyễn Quang Trung 2001) ở trang 226-227 có ghi: «Quân Nguyên kéo tới Lộc Châu, lại sai Bả tổng là A Lý sang nói rõ về lý do cất quân là cốt sang đánh Chiêm Thành chứ không có ý gì khác. Quân ta ngăn cản ở núi Kheo Cấp, quân Nguyên không tiến sang được. Chúng liền tiến theo cửa ải Khả Ly, quan quân ta chống cự lại không được; chúng bèn vào cửa ải Chi Lăng, quan quân ta lui về giữ bến Vạn Kiếp. Nhà vua ngự chiếc thuyền nhỏ sang Hải Đông, lúc ấy trời đã chiều mà chưa ăn cơm sáng, có tiểu tốt là Trần Lai đem cơm gạo hẩm dâng lên, nhà vua khen là người trung nghĩa, cho chức Thượng phẩm…Nhà vua sang Hải Đông hạ lịnh cho Quốc Tuấn điều khiển dân quân các lộ Van Trà, Ba Điểm, chọn người khỏe mạnh cho làm tiền phong…». Vua Nhân-Tông gặp Hưng-Ðạo-Vương ở Hải-Ðông để bàn kế chống giặc cũng như hạ lịnh cho Hưng-Ðạo-Vương tấn công giặc Nguyên, chứ không phải có ý đầu hàng như tác giả Tiêu Sơn Tráng Sĩ đã nêu ra. Không rõ tác giả trích đoạn này từ đâu ra, có phải là sự lẫn lộn giữa vua Thái Tông và vua Nhân Tông hay chăng?.

* Đại Cương Lịch Sử Việt Nam tập 1, Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh đồng biên soạn, xuất bản 1998 tại Hà Nội ghi ở trang 226 như sau về sự kiện này: «Thuyền chủ tướng Trần Quốc Tuấn xuôi sông Lục Nam về Vạn Kiếp. Nghe tin quân ta rút lui, vua Thánh Tông vội vã đi thuyền ra gặp Quốc Công tiết chế. Trời chiều, nhà vua vẫn chưa ăn sáng, người lính cận vệ nắn phần gạo xấu của mình dâng lên. Thánh Tông vờ hỏi Thống soái «Thế giặc như thế ta phải hàng thôi». Trần Quốc Tuấn nghiêm chỉnh trả lời: «Bệ hạ chém đầu tôi rồi hãy hàng». (đây ghi là trích từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tập II trang 51, trang 81).

- Vua Thánh Tông trị vì từ 24/2/1258 đến 22/10/1278, suốt thời gian này đã không có một trận chiến nào với quân Mông-cổ (do đích thân ngài chỉ huy); về việc dâng phần gạo xấu là xảy ra với vua Nhân Tông (tức là thái tử của vua Thánh Tông trong cuộc kháng Nguyên lần thứ nhì 1258). Chúng tôi đã xem lại trong Toàn Thư, Cương Mục phần Thánh Tông Hoàng Đế thì không thấy có đoạn nào tương tự như trên.

* Việt Sử Mông Học của Ngô Đức Dung Việt Sử Mông Học- Từ Hồng Bàng đến 1945, nhà xuất bản văn học Hà Nội xuất bản năm 1998, Việt Nam ghi ở trang 149: «Đến đời Hốt-Tất-Liệt, Thế Tổ của nhà Nguyên diệt nhà Tống. Năm Nguyên Phong đời Trần Thái Tôn quân Nguyên sang xâm lược, đóng quân ở bờ tả ngạn sông Thao. Thái Tôn tự làm tướng đánh giặc. Quân Nguyên phải rút. Đến năm đầu Thiệu Bảo đời Nhân Tôn lại sai sứ đòi hỏi 6 việc năm trước. Vua muốn hàng hỏi Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Tuấn tâu: «Nếu Bệ hạ muốn hàng trước hết hãy chém đầu tôi» vua mới quyết chí chống giặc…». Ngoài ra ở các trang 147-157, tác giả Ngô Đức Dung đã trình bày lẫn lộn giữa vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông; đồng thời các cuộc kháng Nguyên lần thứ I, II, III.

* Đại Việt Sử Ký Tiền Biên được khắc in năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8(1800), biên soạn bởi các sử gia Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên (đời Trần), Lê Tung, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thời Sĩ và được Ngô Thời Nhậm tu đính, ở trang 364 chép sự kiện vua Trần Nhân Tông ngự thuyền nhẹ sang lộ Hải Đông để gặp Hưng Đạo Vương, nhưng ở đây không có ghi dòng nào Đức vua Trần Nhân Tông ngỏ ý muốn «đầu hàng» quân Mông-cổ với Hưng Đạo Vương.

Đồng thời các quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư do các sử thần Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên soạn năm 1697; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục được soạn bởi Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (1856-1881); An-Nam Chí-Lược của Lê Tắc soạn năm 1335 được Viện Đại Học Huế dịch và xuất bản năm 1961 đều không có ghi sự kiện Hoàng đế Trần Nhân-Tông muốn «đầu hàng» quân Mông-cổ khi hội họp với Hưng-Đạo-Vương ở Hải-Đông; và không hiểu vì nguyên cớ gì các tác giả Phạm Văn Sơn quyển Việt Sử Toàn Thư, Lê Thành Khôi quyển Histoire du Viet Nam des origines à 1858, tác giả Ý Dân với bài Khí Phách Của Vị Tướng Tại Mặt Trận do Bán Nguyệt San Ý Dân xuất bản, Khái Hưng quyển Tiêu Sơn Tráng Sĩ, Việt Sử Mông Học của Ngô Đức Dung lại gán cho Ðức Hoàng đế Trần Nhân-Tông là người muốn đầu hàng quân giặc, đây là một sự kiện không bao giờ có  trong lịch sử, và đó là hư cấu! Riêng tác giả Hoàng Cơ Thụy quyển Việt Sử Khảo Luận tập 2, các tác giả Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh đồng biên soạn Đại Cương Lịch Sử Việt Nam tập 1, thì lại nhầm lẫn tên người, địa điểm cũng như sự kiện. Vì sự học hỏi của mọi tầng lớp người, chúng tôi mạn phép ghi ra đây để chúng ta có thể rút được một vài kinh nghiệm nhỏ (nhưng rất quan trọng) trong việc biên soạn cũng như nghiên cứu lịch sử nước nhà.

Rất mong các bậc cao minh vui lòng chỉ giáo. Đa tạ.

(*) Trần Nhật Huyên tức Hoàng đế Trần Nhân Tông. Khi trao đổi văn thư ngoại giao với kẻ thù (Mông-cổ), Đức Hoàng đế Trần đã đổi tên của mình để giữ gìn thể thống quốc gia. Hầu hết các vị vua thời nhà Trần đều áp dụng chính sách này cả.

 (**) Tham khảo Toàn Tập Trần Nhân Tông, giáo sư tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Học Viện Phật Học Việt Nam xuất bản năm 2000 tại Việt Nam. (www.thuvienhoasen.org/u-nhantong-00.html)

(***) Trích Đức vua Trần nhân Tông do Trúc Lâm Nguyễn Việt Phúc Lộc biên khảo (chưa xuất bản).

Trúc Lâm Lê An Bình

_________________________________________________________

Góp ý của người đọc:
 
Lichsuvietnam@yahoogroups.com :
23/11/2003
"qttt" <qttt@yahoo.com>
Cám ơn anh Trúc Lâm! 
bài viết rất hay! hy vọng sẽ được đọc nhiều bài khác của anh. 
QTTT 
Hoasen-1@yahoogroups.com :

1/11/2003

vuong van <vuongvanvan@yahoo.ca>

Thưa D/H .

Bài viết của D/H chứng tỏ đã bỏ công nhiều, có vài nhận xét có giá trị Ddọc lịch sử VN thật "mệt" vì nhiều tác giả mới sau này trừ g/s LMThát viết mà không chịu ghi chú tài liệu tham khảo để người đọc có thể tra cứu. Hơn nưã nhiều chi tiết viết không đồng nhất, ngày tháng, tên tuổi địa phương khác biệt...v.v. Chiến tranh kháng Mông (1285) diễn ra hết sức phức tạp mà sách sử rất hiếm vẻ ra 1 bản đồ chỉ dẫn.  

Tôi hoàn toàn đồng ý với D/H rằng chuyện vua TNT có ý "đầu hàng" sau khi bị thua trận Nội Bàng là một xuyên tạc lịch sử.  

a) Cũng như D/H trình bày những bộ sử có giá trị viết từ 2, 3 thế kỷ trước như Việt Sử Tân Biên (1775 - Ngô thời Sỹ); Khâm Ddịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục (1856-1881 - Soản Giả: Quốc sử qúan triều Nguyễn ) ; Đại Việt Sử Ký Toàn thư ( 1697 của Lê v Hưu, Phan thu Tiên & Ngô sĩ Liên ). - Chi tiết vua TNT có "ý định đầu hàng" chỉ có trong bộ sử viết cách đây không lâu như:  Việt Sử Toàn Thư của  Phạm Kim Sơn viết cho kiều bào Việt ở Nhật, VN sử lược của Trần trọng Kim (trong khoảng1930-1950) . Tôi không biết hai sử gia này dựa vào đâu để viết chi tiết quan trọng đó ... đúng thật là nhức đầu :)). Còn ông Khái Hưng không cần phải bàn vì ông ta không phải là sử gia hơn nữa cuốn Tiêu Sơn Tráng Sĩ chỉ là tiểu thuyết. Mấy tạp chí sau có lẽ dựa vào cuốn VNSL của TTK.

b) Theo sự phân tích của tôi: Vua tôi nhà Trần chuẫn bị cuộc chiến chông quân Nguyên khá chu đáo về mặt chính trị (Hội Nghi Diên Hồng) cũng như quân sự (Hội nghị Bình Than). Hội nghị quân sự Bình Than (1282) đã quyết định chiến lược chống Nguyên rõ ràng. Sau khi phòng tuyến cự địch ở Lạng Sơn thất thủ - và trận Nội Bài bị tổn thất nặng THDdạo phải rút về Vạn Kiếp - Ddích thân vua TNT phải vôi vả dùng thuyền nhẹ quên ăn ra Hải Ddông họp gấp với THDdạo - Chính cuộc họp này 2 người đã thay đổi chiến lược 1 cách cấp tốc - từ thế đối địch qua thế tránh địch để bảo toàn lực lươ.ng. Việc thay đổi chiến lược không thể không gây hoang mang. Ddể giử vững tinh thần chiến sĩ vua đề thơ ở thuyền rằng "

 Cối Kê cựu sự quân tu ký - Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh". - Cối Kê việc cũ ông nên nhớ Hoan Ái vẫn còn 10 vạn quân ( Ref Việt Sử Tân Biên ) để chuẩn bị tinh thần cho việc rút lui chiến lược đưa gần 20 vạn quân vào Thanh Hoá khoảng 6 tháng sau . Như vậy rõ ràng vua ở thế chủ chiến và có chiếc lược cụ thể, chứ không phải chủ hoà mà có "ý định đầu hàng. Tôi cho chuyện vua có ý định đầu hàng là một sai lầm nếu không muốn nói là xuyên tạc lịch sử.

Kính

VVVV. 

Trả lời 01/11/2003

Thưa đạo hữu Vuong Van,

Đạo hữu nhận xét rất chính xác. Khởi đầu Vua Trần Nhân Tông cùng Hưng Đạo Vương chủ trương phòng thủ như thời Lý Thường Kiệt phá Tống. Tuy nhiên chủ trương này bị thất bại nặng nề trước đạo quân kỵ mã chuyên nghiệp của Mông-cổ. Đó là lý do đưa tới việc thất trận ở tuyến Nội Bàng, và cuộc họp ở Hải Đông giữa hai ngài đưa tới sự kiện thay đổi chiến lược một cách toàn diện. Sự thay đổi đó có thể tóm tắt 3 điểm: Rút lui, phòng thủ và phản công chiến lược. Nhờ sự thay đổi một cách kịp thời như thếquân đội nhà Trần dưới sự lãnh đạo của vua Trần Nhân Tông đã dần dần chuyển từ bại sang thủ và từ thủ sang công. Cuối cùng dẫn đến chiến thắng sau cùng.

Tôi có gởi lên diễn đàn hoasen-1 bài viết Hoàng Đế Kim Phật và Chiến Thắng Sông Bạch Đằng để làm sáng tỏ thêm về chiến thắng sông ở sông Bạch Đằng. Nhân đây tôi gởi thêm một lần nữa để đạo hữu tường lãm.

Kính

Trúc Lâm Lê An Bình

--------------------------------------

Góp ý của người đọc:

 

http://www.viethoc.com:

09-15-03 11:42

 

Author: Lê Bắc (---.dsl.sntc01.pacbell.net)

 

Trong các sách sử xưa cũng có nói đấy chứ, như:

 

* Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Ngô Sĩ Liên, v.v... 1697,): (Bản Kỷ, Quyển VI, tờ 11a)

... Thánh Tông vờ bảo Quốc Tuấn rằng: "Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi". Quốc Tuấn trả lời: "[Bệ hạ] chém đầu tôi trước rồi hãy hàng".

 

* Việt Sử Tiêu Án (Ngô Thì Sĩ, 1775)

Lúc bấy giờ quân Nguyên có thế rất mạnh, vua Thánh Tôn hỏi thử Quốc Tuấn: "hay là ta hãy đầu hàng đi ?", ông tâu: "Trước hết chém đầu thần đã, rồi hãy đầu hàng".

 

* Đại Việt Sử Ký Tiền Biên (Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm .. 1800): (Bản Kỷ, Quyển VI, tờ 11a)

Trước đây, vào cuối năm Thiên Bảo, quân Nguyên sang xâm lược, thế giặc rất hung hãn, vua Thánh Tông thử hỏi để xem ý của Quốc Tuấn "Thế giặc như vậy ta nên đầu hàng". Quốc Tuấn trả lời: "Trước hết hãy đem chém đầu thần rồi sau sẽ đầu hàng".

 

* Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Quốc sử quán triều Nguyễn, 1856-1881): (Chính Biên, Quyển VIII, 33)

Vào khoảng đầu niên hiệu Thiệu Bảo, quân Nguyên rầm rộ kéo sang, khí thế rất hung hãn. Vua Thái Tông bảo rằng: "Lực lượng của giặc mạnh như thế, có lẽ ta hãy tạm xin hàng". Quốc Tuấn nói: "Trước hết hãy chặt đầu tôi đã, rồi sẽ hàng".

Trông vào gương nhà Lý mất ngôi vì không lo xa, cho nên nhà Trần có tục cha nhường ngôi cho con để làm thượng hoàng, và cùng con trông coi việc nước, cả hai đều được gọi là vua (và dùng tên để biết vua nào) 

Ngô Thời Sĩ có bàn trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Bản Kỷ, Quyển V, tờ 24a):

 

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Từ sau khi Hạ Vũ truyền ngôi cho con thì cha chết con nối, anh chết em thay, đã thành phép thường mãi mãi.

Gia pháp họ Trần lại khác thế: con đã lớn thì cho nối ngôi chính, còn cha lui ở cung Thánh Từ, xưng là Thượng Hoàng, cùng trông coi chính sự. Thực ra truyền ngôi chỉ để yên việc sau, phòng lúc vội vàng, chứ mọi việc đều do Thượng hoàng quyết định. Vua kế vị không khác gì hoàng thái tử cả. ....

09-15-03 13:27

Author: lê đông giang (---.dip0.t-ipconnect.de)

Tôi đọc bài nhưng không hiểu được ý của bạn An Bình về hành động đầu hàng của vua Trần Nhân tôn hoặc Thánh tôn (tùy theo tài liệu). Hình như ý bạn cho rằng vua Trần Nhân tôn (tức Đức Điều Ngự Giác Hoàng) sẽ không bao giờ hành động như vậy mà là người sẽ kiên quyết chiến đấu chống giặc Mông đến cùng.

Theo tôi nghĩ nếu vua Trần Nhân tôn có nói với Hưng Đạo vương câu nói :«Thế giặc lớn như vậy chống với nó e dân sự sẽ tàn hại hay là hàng chúng nó để cứu lấy dân?» cũng không đi xa lắm về bản tính của Ngàị Từ bé ngài đã thấm nhuần Phật pháp thì cảnh máu đổ thịt rơi, dân chúng cơ cực chắc chắn là tác động mãnh liệt hơn là chiếc ngai vàng. Vã lại hành động "HÀNG" sau khi đã phát động chiến tranh chống Mông Cổ không phải là hành động có lợi cho một vị vua, huống chi Mông Cổ còn mang theo Trần Di Ái chuẩn bị cho việc chiếm nước ta .

Nghĩ cho kỹ, câu nói trên có hai tác động .

1. Hàng có nghĩa là chấp nhận thân phận tù đày, hành hạ của kẻ địch để cứu lấy muôn dân .Hành động này so với hành động "Chiến" chắc chắn là khó hơn trăm lần .Cho dù là Thánh tông hay Nhân tông nói câu này thì "hàng" đều dẫn đến kết quả là cả vua Thánh tông và Nhân tông đều phải mang thân phận tù đày biệt xứ, Chiến thì kết quả chưa biết như thế nào, nhưng nếu có chết thì cũng chết dân, chết lính .Hành động "hàng" này không mang tính chất hèn nhát mà mang tính chất của cái "dũng" và cái "nhân" của một bậc Thánh .

2. Đức Hưng Đạo vương là cha vợ của vua Nhân tông, chắc chắn cả hai vua đều biết tấm lòng son của ngài đối với đất nước .Dễ gì ngài để rễ và con gái phải mang thân phận lưu đày biệt xứ và ngài còn phải mang tiếng "hàng thần lơ láo" .Đâu phải lần thứ nhất ngài đụng quân Mông .30 năm trước thời Nguyên Phong ngài đã từng đánh thắng địch mà, huống chi chúng ta đã có hơn 30 năm chuẩn bị cho trận chiến này thì hai vua cũng thừa biết câu trả lời của ngài .Vì thế câu hỏi mang tính chất tâm lý nhằm mục đích kích thích lòng quân sĩ nhiều hơn là muốn hàng thật .

Đối với 1, thì câu nói có thể xuất phát từ Nhân tôn, bởi vì cuộc đời của ngài, quả thật ngoài tấm lòng thương yêu bá tánh vô bờ bến chẳng có chút gì luyến ái danh vọng, quyền lực ..


Đối với 2, thì câu nói có thể xuất phát từ Thánh tôn .

Cho dù xuất phát từ ai đi nữa thì chử "HÀNG" này quả thật không giống như chử đầu hàng bình thường mà ta thường gặp .

Chút thiển ý .

 

09-17-03 10:15

Author: Lê Bắc (---.dsl.sntc01.pacbell.net)

 Tôi chỉ trích dẫn từ sách ra để chỉ cho người viết thấy là đã chưa đọc kỹ các sách cổ sử:

* >>Chúng tôi đã xem lại trong Toàn Thư, Cương Mục phần Thánh Tông Hoàng Đế thì không thấy có đoạn nào tương tự như trên.

Sự kiện Vua Thánh Tông hỏi ý Trần Quốc Tuấn không có chép trong phần vua Thánh Tông hay vua Nhân Tông, cho nên tìm không ra là phải, vì sự kiện này chép vào phần viết về Trần Quốc Tuấn khi ông mất (1300) thuộc kỷ của vua Anh Tông.

* >>Ở đây tác giả Hoàng Cơ Thụy đã chép nhầm một số sự kiện sau đây: 1/ Vua Trần Thánh Tông trị vì từ 24/2/1258 đến 22/10/1278

Người viết cho rằng phải là Nhân Tông mới đúng, vì thời điểm đó là triều đại của vua Nhân Tông, cho nên Hoàng Cơ Thụy đã chép lầm là vua Thánh Tông.

Hoàng Cơ Thụy, Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh không có lẫn lộn về nhân vật, vì triều Trần cả vua và thượng hoàng đều coi việc nước, vì thế sách dùng chữ "vua Thánh Tông" là nói về Thánh Tông, chứ không phải Nhân Tông, đã hỏi ý Trần Quốc Tuấn. Hơn nữa, đoạn sách nói về sự kiện ấy thuộc về kỷ Anh Tông, nên khi nói về các vua trước, phải nói rõ hiệu vua nào. (Nếu sách chỉ dùng chữ "vua" không thôi thì ta có thể hiểu là đang nói về vua của kỷ đó)

Đồng ý là các sách sử của ta lẫn lộn khá nhiều, nhưng trong trường hợp này thì các sách sử xưa nhất như ĐVSKTT, VSTA, ĐVSKTB chép rất rõ là Thánh Tông đã hỏi ý Trần Quốc Tuấn. Riêng bộ sử KĐVSTGCM chép là "Thái Tông" thì rõ ràng là sai, vì Thái Tông Trần Cảnh đã mất từ năm 1277, cũng lưu ý là cũng có thể bản dịch sai, nên cần phải xem lại bản chữ Hán dùng chữ "Thái" hay "Thánh".

Sai lầm về thời gian cũng có, quân Nguyên kéo sang vào cuối năm Thiệu Bảo, sách ĐVSKTB thì chép là "cuối năm Thiên Bảo", rõ ràng sai vì không có năm "Thiên Bảo", cũng có thể do lỗi người dịch, nên cần phải xem lại bản chữ Hán. Sách KĐVSTGCM chép là "đầu niên hiệu Thiệu Bảo", nhưng lúc đó (1279) thì quân Nguyên chưa kéo sang. 

09-17-03 14:41

Author: Nguỵ-yến (207.243.197.---)
Date:   
Trong trường-hợp Thái/Thánh và Thiệu/Thiên lẫn lộn chúng tôi nghi rằng đây là vì thợ xếp chữ Quốc-ngữ xếp sai. Nếu là chữ Nho thì khó lầm vì tự-dạng Thái/Thánh và Thiệu/Thiên khác nhau nhiều trong khi chữ Quốc-ngữ thì trường-hợp u/n lẫn lộn thì cũng dễ hiểu. Vài lời lạm-bàn.

----------------------------------

Bài viết được đăng tải ở các trang nhà:

nsvietnam.com (Không còn hoạt động)

perso.wanadoo.fr (Không còn hoạt động)

http://hon-viet.co.uk/

thuvienvietnam.com (Đã bị xóa)

Vua Trần-nhân-Tông @ Thư Viện Bồ Đề Trúc-Lâm Yên-Tử 

pay per click advertising

Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử

free counters

un compteur pour votre site