lịch sử việt nam

Trang Chính

Bản Tin Blogs:

Biển Cả Và Con Người:

Bưu-Hoa Việt-Nam:

Blog Anh Ba Sàm:

Blog Cầu Nhật-Tân:

Blog Chu-Mộng-Long:

Blog Cu Làng Cát:

Blog Dân Làm Báo:

Blog Dân Oan Bùi-Hằng:

Blog Diễn-Đàn Công-Nhân:

Blog Giang-Nam Lãng-Tử:

Blog Huỳnh-Ngọc-Chênh:

Blog Lê-Hiền-Đức:

Blog Lê-Nguyên-Hồng:

Blog Lê-Quốc-Quân:

Blog Mai-Xuân-Dũng:

Blog Người Buôn Gió:

Blog Phạm-Hoàng-Tùng:

Blog Phạm-Viết-Đào:

Blog Quê Choa VN:

Chết Bởi Trung Cộng:

Diễn-Đàn Thảo-Luận Về Tình-Hình Việt-Nam:

Diễn-Đàn Sửa Đổi Hiến-Pháp 1992:

Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam:

Điện-Toán - Tin-Học:

Ebooks Hồi-Ký - Bút-Ký:

Hịch Tướng Sĩ:

Hình-Ảnh Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa

History Of Viet Nam

Hoàng-Sa Trường-Sa Là Của Việt- Nam:

Hồ-Sơ Chủ-Quyền Quốc-Gia Việt- Nam 

Hội Sử-Học Việt-Nam tại Âu-Châu

Human Rights Vietnam - Human Rights Activist

Lá Thư Úc-Châu

Lịch-Sử Việt-Nam Cận-Đại:  

Lịch-Sử Việt-Nam Ngàn Xưa:

Ngàn Năm Thăng Long (1010 - 2010)

Nghĩa-Trang Quân-Đội Biên-Hòa

Nguyên-Tử Của Việt-Nam Và Quốc- Tế

Người Dân Khiếu-Kiện:

Phụ-Nữ, Gia-Đình, Và Cuộc Sống:

Quốc-Tế:

Sitemap:

Tiền-Tệ Việt-Nam:

Tin Nhắn, Tìm Thân-Nhân Mất-Tích, Mộ Tìm Thân-Nhân:

Tin-Tức Thời-Sự Việt-Nam:

Thư-Tín:

Tưởng-Niệm 50 Năm 1963-2013:

Trang Thơ Văn Mai-Hoài-Thu:

Trang Thơ Văn Minh-Vân:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Chí-Thiện:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Khôi:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Thị-Thanh:

Trang TL Nguyễn-Việt Phúc-Lộc:

Trang Nhật-Hồng Nguyễn-Thanh-Vân:

Trang Thơ Văn Phạm-Ngọc-Thái:

Trang Thơ Văn Phan-Văn-Phước:

Trang Thơ Văn Quê-Hương:

Trang Thơ Văn Thanh-Sơn:

Trang Thơ Văn ThụcQuyên:

Trang Thơ Văn Trí-Lực:

Trang Thơ Văn Vĩnh-Nhất-Tâm:

Truyện Dài Thời Chiến-Tranh Việt-Nam (Ebooks):

Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử - Donate:

Weblinks:

 

 

Thư-Viện Bồ Đề Online_Thư Viện Hoa Sen

nơi hội tụ của những tâm hồn trăn-trở về nhân-sinh quan và vũ-trụ quan

đồng thời xiển-dương Chánh Tín_bài trừ Mê-Tín Dị Đoan 

Nghiên-Cứu Biên-Giới Việt-Trung 

Ði tìm ngọn núi Khấu-Mai (Khấu-Mai Sơn, Khấu-Mai Ðỉnh hay Khấu-Mai Lĩnh)

hay là tìm thủ-phạm vụ «bán đất, nhượng biển».

I/ Chi-tiết từ tài-liệu «mật» của đảng CSVN :

    Một bài bút-ký được ký tên  Nguyễn Chí Trung - theo tác-giả thì được viết xong vào  đêm 21 tháng 7 năm 2002 - đã được « Câu-Lạc-Bộ Dân-Chủ » công-bố ngày 25 tháng 11 năm 2003 dưới tựa-đề «Tài-Liệu Mật Của Ðảng CSVN »[1]. Theo nội-dung tài-liệu, ta biết Nguyễn Chí Trung nguyên là thư-ký riêng của Lê Khả Phiêu và Phiêu nguyên là Tổng-Bí-Thư đảng CSVN từ tháng 12 năm 1997 đến đầu năm 2001. Hình-thức bài tài-liệu như để tìm hiểu các vấn-đề gọi là «thực-chất từ đại-hội đảng IX trở về trước »[2], nhưng mục-đích chính có lẽ nhằm biện-hộ những việc làm của Lê Khả Phiêu trong thời-gian ông này tại chức, tức trước đại-hội IX. Nguyễn Chí Trung cho rằng Phiêu là nạn-nhân của những âm-mưu đánh-phá của 3 vị cố-vấn là các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt. Theo tài-liệu, nhân-dịp đại-hội đảng toàn quân, từ ngày 3-1 đến 11-1-2001, Lê Ðức Anh tố Lê Khả Phiêu 10 tội, xin trích nguyên-văn 2 «tội» quan-hệ:

1.- Bán đất, bán biển cho Trung Quốc.
2.- Lộ bí mật ý đồ chiến lược với Giang Trạch Dân.

    Những vấn-đề khác, gồm 8 điều, thuộc nội-bộ đảng CSVN, kể cả việc vì sao hoãn việc ký-kết hiệp-ước kinh-tế với Hoa-Kỳ, thì không thuộc phạm-vi bài viết nầy nên không tiện trích ra.

    Nguyễn Chí Trung phản-biện hai điều buộc tội trên nguyên-văn như sau :

     « LĐ Anh nêu vụ Phiêu đi thăm TQ đối thoại với Giang Trạch Dân là phạm tội bán đất , bán biển, là lộ bí mật chiến lược của đảng, là độc đoán. Đi về không báo cáo với Bộ chính trị, không cho Nguyễn Mạnh Cầm cùng dự họp là biểu hiện sự thậm thụt sao đó...

Sự thật vụ việc này là: Xuất phát từ phía TQ, GT Dân mời Phiêu sang thăm. Ta thăm dò ý của họ chỉ TBT gặp TBT? Họ trả lời mỗi bên 4 người: TBT, thư ký TBT, trưởng ban đối ngoại TW, chánh văn phòng TW. Ta cũng muốn nhân dịp này thăm dò thái độ của TQ đối với Mỹ, đối với CNXH. Kế hoạch đi thăm do ban đối ngoại TW làm, Mạnh Cầm thông qua… Khi vào phòng họp do sơ xuất Cầm bước vào phòng bị ngăn lại ngay vì không dúng thành phần quy định.

Nội dung bàn ta thoả hiệp chữa lại cột mốc biên giới ở vĩ tuyến… do TQ yêu cầu. Họ lập luận trước kia do công nhân đưa cột mốc không tới đỉnh núi đành bỏ lại sườn núi, bây giờ đưa cột mốc lên đỉnh núi.

Về biển : Hai bên đấu tranh cuối cùng đã đi đến thoả thuận xác định 3 vùng biển, ở ngoài khi Vịnh Bắc Bộ là vùng đánh cá chung của cả 2 bên. »[3]

Ta nhận thấy rất có thể Nguyễn Chí Trung là một trong 4 người đã tham-dự buổi họp mật với phe Trung-Quốc gồm có Giang Trạch Dân, vì Trung là thư-ký của Phiêu. Nếu vậy Nguyễn Chí Trung sẽ là một nhân-chứng lịch-sử cho vụ thương-thuyết mật giữa những chóp-bu trong hai đảng CS về vấn-đề lãnh-thổ và lãnh-hải.

Nội dung buổi họp liên-quan đến việc thay đổi biên-giới ta thấy có nhiều điểm không rõ-ràng. Trên đất liền thì nói đến việc «chữa lại mốc biên-giới ở vĩ-tuyến… do TQ yêu-cầu».

Câu nầy thiếu ý, người ta nói tọa-độ của cột mốc, tức gồm kinh-độ và vĩ-độ cột mốc… chứ không thể nói «cột mốc ở vĩ-tuyến…». Cột mốc ở đây phải là cột mốc biên-giới cắm theo các Công-Ước Pháp-Thanh 1887 và 1895. Ðiều đáng chú ý là toàn-bộ những cột mốc biên-giới cắm theo Công-Ước 1887 và 1895 thì chỉ có một số mốc được xác-định theo tọa-độ phương-vị từ (azimuth magnetique). Những cột mộc nầy ở trên đường biên-giới giữa tỉnh Quảng-Ðông, nay thuộc Quảng-Tây, với tỉnh Quảng-Ninh của Việt-Nam. Không có cột mốc nào được xác-định theo tọa-độ  kinh-độ và vĩ-độ. Tất-cả những cột mốc còn lại được xác-định qua việc mô-tả vị trí tương-đối của nó. Việc nầy cho thấy Nguyễn Chí Trung đã không viết hết, hay đã viết nhưng lúc phổ-biến thì xóa đi những chi-tiết về cột mốc. Yếu-tố đáng chú-ý được tiết-lộ là vị-trí của cột mốc : trên sườn một trái núi. Phe Trung-Quốc cho rằng « trước kia công-nhân đưa cột mốc không tới đỉnh núi đành bỏ lại sườn núi ». Hai vị Tổng Bí-Thư  hai nước « thỏa-hiệp chữa lại» để « đưa cột-mốc lên đỉnh núi ».

Cột mốc nầy là cột mốc nào, có tầm quan-trọng ra sao mà khiến Giang Trạch Dân, nguyên Tổng Bí-Thư đảng CS Trung-Hoa, người quan-trọng bậc nhất Trung-Quốc thời đó, với biết bao chuyện quan-trọng hơn gấp trăm ngàn lần phải lo về kinh-tế, chính-trị, xã-hội… cho một tỉ 300 triệu người Hoa ; phải đích thân can-thiệp, yêu-cầu sửa đổi ?

Chắc-chắn cột mốc nầy phải có cái lai-lịch rất đặc-sắc, rất quan-trọng nên mới được những nhân-vật chóp-bu của hai quốc-gia chiếu-cố như thế. Cột mốc nầy ở đâu ? Mang số mấy ? Cột mốc ở sườn núi có phải là do công-nhân không đưa lên núi, như ý-kiến của Giang Trạch Dân, hay tại vì vị-trí của nó được xác-định theo công-ước là như thế ?

Tìm hiểu lịch-sử đường biên-giới Việt-Trung ta thấy có nhiều vùng biên-giới có diện-tích quan-trọng đã bị thay-đổi chủ-quyền do ảnh-hưởng của các Công-Ước Pháp-Thanh, nhưng không thấy ai đề-cập tới hay đề-nghị sửa-chữa.

Nhận thấy cột mốc lạ lùng nầy đã được sự quan-tâm đặc-biệt của Giang Trạch Dân, người viết bài nầy vì thế cố-gắng tập-họp một số tài-liệu biên-giới Việt-Trung, trình-bày ra đây, hy-vọng làm sáng-tỏ được những bí-mật chung-quanh cột mốc nầy.

Riêng những gì liên-quan đến phần lãnh-hải, sự trình-bày của Nguyễn Chí Trung cũng không rõ-ràng lắm. Nhưng tựu-trung lại, chính Lê Khả Phiêu đã « thỏa-thuận » với Giang Trạch Dân để ký lại 2 hiệp-ước về lãnh-thổ và lãnh-hải cũng như một kết-ước khác xác-định vùng đánh cá trong Vịnh. Những thiệt-hại cho Việt-Nam do sự phân-định lại Vịnh Bắc-Việt đã được tác-giả trình-bày trong bài viết trước đây « Từ Công-Ước Bắc-Kinh 1887 đến Hiệp-Ước Phân-Ðịnh Vịnh Bắc-Bộ 2000 : Non Nước Ngậm-Ngùi ». Ðộc-giả có thể tìm đọc lại và thẩm-định.

II/ Khảo-sát các cột mốc theo Công-Ước Bắc-Kinh 1887 và 1895.

1/ Tóm-lược công-trình phân-định và phân-giới (tức công-trình cắm mốc):

Việc phân-định và phân-giới (cắm mốc) biên-giới hai xứ Việt-Trung bắt đầu ngày 12 tháng 1 năm 1886, là ngày họp khai-mạc giữa các đại-diện của các ủy viên phân-giới Pháp-Trung tại Ðồng-Ðăng (Lạng-Sơn). Theo bản tường-trình của dân-biểu M. Dureau de Vaulcompte thuộc  Ủy-Ban khảo-sát công-ước biên-giới Pháp-Thanh, phái-đoàn Pháp được thành lập vào tháng 8 năm  1885, gồm có các vị sau: Bourcier de Saint Chaffray, chủ-tịch; Scherzer, Ðại-Tá Tisseyre, Thiếu-Tá Bouinais, Bác-Sĩ  Néïs, M Haitce là phụ-tá. Phía bên Tàu đề-cử hai phái-đoàn độc-lập. Một phái-đoàn do Ủy-Viên Hoàng-Gia Tchéou-To-Joun thành-lập từ tháng 11, phụ trách biên-giới Vân-Nam. Một phái-đoàn khác do Teng-Tcheng-Sieou làm chủ-tịch, Tuần-Phủ Quảng-Tây là Li-Ping-Heng làm phụ-tá, phụ-trách biên-giới Lưỡng-Quảng. Trong bức hình của tờ báo La République Illustrée (2-10-1886) sau đây, ta thấy trên thực-địa có một vài thay đổi về nhân-sự. Ở giữa là M. B. Saint Chaffray, Công-Sứ Toàn Quyền (Ministre plénipotentiare), phía trái (theo Tàu, chỗ phía trái là chỗ danh-dự) ông nầy là Teng Tcheng-Seou, thuộc Tổng-Lý Nha-Môn (Tsong-Ly Ya-men, có thẩm-quyền như bộ Ngoại-Giao) và Li-Ping-Heng, Tuần-Phủ Quảng-Tây. Phía tay phải ông Chaffray là ông Wang-Tche-Tchouen, Taotai de Grains vùng Canton và ông Li-Hing-Jouei, cựu giám-đốc xưởng đóng tàu Thượng-Hải. Hàng thứ hai, tính từ phía bên phải là bác-sĩ Néis, nhà thám-hiểm vùng Bắc Thái, Lào và Ấn-Trung. Ông Bouinais, Ðại-Úy Thủy Quân Lục Chiến, đại-diện bộ Hải-Quân. Ông Haitce, phó lãnh-sự, nhà Hán-học. Mr Hart, anh (em) của ngài Robert Hart, Quan-Thuế Hoàng-Gia, tham-mưu cho phái-đoàn Tàu. Li-Chéou-Tien, thông dịch viên. Trung-Tá Tisseyre, bộ tham-mưu, đại-diện bộ Chiến-Tranh. Cuối cùng là ông Delenda, chưởng-ấn, thư-ký cho phái-đoàn Pháp. Tổng-cộng nhân-sự hiện-diện trong tấm-hình (xem hình) chụp tại Ðồng-Ðăng tại  buổi họp khai-mạc cho công-trình phân-định biên-giới Việt-Trung là 12 người.

Sau 2 năm phân-định (1885-1887) và mười năm phân giới (1887-1897), đã có một số biên-bản được ký-kết, trong đó biên-bản bế-mạc công-trình phân-định biên-giới, sau nầy gọi là « Công-Ước Bắc-Kinh 1887 » cùng với 308 cột mốc được cắm. Ðường biên-giới thuộc lãnh-phận Quảng-Ðông, từ Ðông sang Tây, có 33 cột mốc được cắm. Các cột mốc cắm vùng nầy là cột mốc kép (phía Việt-Nam cắm một cột số n thì phía bên Trung-Hoa cũng cắm một cột mốc có cùng số n). Riêng các cột mốc có số thứ-tự 17-18-19-20-21-22 là các cột chung. Ðường biên-giới vùng tỉnh Quảng-Tây được chia làm hai đoạn. Ðoạn 1 từ Bình-Nhi (điểm tính từ sông Kì-Cùng) cho đến điểm giao-giới hai tỉnh Quảng-Tây và Quảng-Ðông có 67 cột mốc, cắm từ Tây sang Ðông. Ðoạn thứ 2 từ Bình-Nhi đến giáp-giới tỉnh Vân-Nam có 140 cột mốc, cắm từ Ðông sang Tây.  Ðường biên-giới vùng Vân-Nam thì được phân chia ra làm năm đoạn.  Phía hữu ngạn sông Hồng là đoạn thứ 5, được phân-định lại theo công-ước Gérard năm 1895. Trong đoạn nầy thì từ sông Hồng đến sông Ðà (Rivière Noire) thì không cắm mốc. Từ sông Ðà đến biên-giới Lào có 4 cột mốc được cắm theo thứ  tự  từ Ðông sang Tây. Cột thứ 1 ở « miệng núi Phúc-Ngỏa », cột thứ 2 ở « miệng núi Chỉ-Sưởng», cột thứ 3 «giáp Mường Sa và Mường-Bun», cột thứ 4 ở «cửa trại Sông Mặc-Ô». Những chữ ghi trong ngoặc kép là ghi từ nguyên-văn tiếng Việt của biên-bản cắm mốc. Chiếu theo nguyên bản tiếng Pháp thì «miệng núi» dịch từ chữ «col», tức là «đèo». Vùng tả-ngạn sông Hồng, theo biên-bản phân-định thì đường biên-giới được chia làm bốn tiểu đoạn. Nhưng bước qua việc phân-giới thì 4 tiểu đoạn chia theo biên-bản phân-định không được tôn-trọng vì các ủy-ban phân-định đã bỏ sót một đoạn biên-giới. Tuy-nhiên, các ủy-ban phân-giới đã phân-định lại đoạn biên-giới bỏ sót và cũng chia vùng biên-giới nầy thành 4 tiểu đoạn. Ðoạn thứ nhứt, đường biên-giới từ hợp-lưu của sông Hồng với sông Lũng-Pô, xuôi theo đường trung-tuyến sông Hồng, bắt qua sông Nậm-Thi. Biên-giới đoạn nầy là dòng sông thì không cắm mốc. Ðoạn 2 đến từ sông Nậm-Thi đến sông Kosso (Tiểu Ðổ Chú Hà) thì có 21 cột mốc. Ðoạn ba từ Tiểu Ðổ-Chú hà đến Cao-Mã-Bạch có 19 cột mốc được cắm. Ðoạn 4 từ Cao-Mã-Bạch đến điểm giao-giới Vân-Nam và Quảng-Tây gồm có 24 cột mốc được cắm. Như thế tổng-cộng gồm có : Từ sông Hồng đến biển có 304 cột mốc. Từ sông Hồng đến biên-giới Lào có 4 cột mốc. Tức là có 308 cột mốc tất cả.

Ðể tìm hiểu cột mốc lạ-lùng «ở trên sườn núi» là cột mốc nào, hợp-lý  thì ta phải khảo sát tất cả các cột mốc cắm trên núi, trên sườn núi, dưới chân núi  trong danh-sách gồm 308 cột mốc ghi trong các biên-bản phân-giới.

Các cột mốc được cắm trên đèo thì có rất nhiều, viết hết ra đây thì sẽ rườm-rà, nhưng không viết ra thì sợ thiếu chính-xác. Ðèo, được người xưa dịch là « miệng núi », là đường xuyên qua núi. Tìm hiểu quá-trình cắm mốc 1887-1897, ta thấy những vùng biên-giới có nhiều tranh-cãi, đôi khi dẫn đến bế-tắt, là vùng biên-giới Quảng-Ðông và Quảng-Tây. Vùng biên-giới Vân-Nam do Ðại-Tá Pennequin phân-giới (1895-1897) thì cũng có tranh-chấp nhưng những tranh-chấp này không quan-trọng. Những cột mốc vùng biên-giới Vân-Nam được hai ủy-ban thỏa-thuận cắm tại những điểm có nhiều người qua lại. Nhưng đây là vùng núi non, nên đa-số cột được cắm trên đèo, là đường qua núi, thông-thương giữa các làng, xã, chợ búa ở hai nước VN và Trung-Hoa. Dân địa-phương qua lại đều thấy, không ai lạ-lùng gì trước những cột mốc như vậy. Hơn nữa, vùng biên-giới Vân-Nam không quan-trọng cho Trung-Hoa về mặt chiến-lược. Vân-Nam, như tên gọi là «mây phương Nam», là một vùng cao-nguyên, đất cao ngang mây, núi non hiểm-trở. Trong vùng giáp-giới với VN không có ngọn núi nào có thể đe-dọa một thành-phố hay một vùng trù-phú ở Vân-Nam. Ngược lại, vùng biên-giới Quảng-Tây thì khác. Ðịa-hình vùng biên-giới Quảng-Tây và VN là «núi liền núi, sông liền sông», nhưng núi hầu hết thì ở phía Việt-Nam. Phía Trung-Hoa có một số vùng là đồng-bằng. Những đồng-bằng quan-trọng, dân-cư trù-phú là các vùng Long-Châu, Bằng-Tường, Ninh-Minh, Thái-Bình… Những cửa ngõ thông-thương chánh giữa VN và Trung-Hoa là những đường qua Nam-Quan, Bình-Nhi Quan, Thủy-Khẩu Quan… dẫn đến các địa-danh trên. Lịch-sử quan-hệ hai nước cho thấy, VN và Trung-Hoa có nhiều lần chạm trán với nhau. Quân Trung-Hoa đi vào VN qua các cửa ải vùng Quảng-Tây. Phe VN thắng được TH, hay ngăn được bước tiến quân của Trung-Hoa, một phần là nhờ vào địa-hình tại đây hiểm-trở.

Cột mốc trên sườn núi mà Giang Trạch Dân đích thân can-thiệp để đưa lên đỉnh núi, chắc-chắn phải rất quan-trọng về chiến-lược cho Trung-Hoa HIỆN NAY và tương-lai. Tầm quan-trọng mỗi thước đất tại núi nầy tương-tự như từng mét vuông biển trong Vịnh Bắc-Việt. Có như thế Giang Trạch Dân mới đích thân can-thiệp và xem việc thương-thuyết nầy là một trong những điều-kiện trọng-yếu để Trung-Hoa và VN thiết-lập bang-giao bình-thường. Vì vậy việc trình-bày tỉ-mỉ từng cột mốc cắm trên núi, nhất là vùng Quảng-Tây, sẽ là một việc rườm-rà cần-thiết. Vùng biên-giới Vân-Nam đã kiểm-điểm, từ các biên-bản cắm mốc đến các nhật-ký ghi lại việc cắm mốc, nhận thấy không có gì quan-trọng, không có chi-tiết nào liên-quan đến vấn-đề, nên không nhắc.

2/ Các cột mốc cắm trên núi :

2.1 Ðoạn từ biển đến Bắc-Cương Ải : Có 4 cột mốc, một cột không số (mốc chung)  là tảng đá lớn ở trên đỉnh núi Khanh-Hoài Lãnh ; cột 2 là cột mang số 20, ở trên đỉnh ngọn núi phân-chia thượng nguồn của hai con sông Tiểu Khanh Vi và sông Ma-Song ; cột 3 mang số 22, cắm trên ngọn Thanh-Long Lãnh, cao độ 843m ; cột 4 là cột số 33, cắm trên một ngọn đèo tọa-lạc ở giữa hai núi có độ cao 746m và 750m, cách thung-lũng Bắc-Cương 340m về phía Nam[4].

2.2 Ðoạn từ Bắc-Cương Ải đến Chí-Mã Ải : Chiếu theo biên-bản (bản chánh) ngày 21 tháng 4 năm 1891, ký tên Frandin (Ðại-Tá), Chủ-Tịch Ủy-Ban Pháp. Biên-bản nầy chưa được Tổng-Lý Nha-Môn cũng như Công-Sứ Pháp tại Bắc-Kinh thông-qua nhưng nó có hiệu-lực nhờ vào biên-bản ký ngày 19 tháng 6 năm 1894 giữa Ðại-Tá Galliéni và ông TaoTai Long-Châu. Thời-kỳ đại-tá Galliéni phụ-trách phân-giới thì hai ủy-ban Pháp và Trung-Hoa có thẩm-quyền quyết-định và ký-kết, không phải đưa về Bắc-Kinh như trước. Biên-bản nầy công-nhận hiệu-lực những công-trình phân-giới do ông Frandin đảm-trách. Biên-bản 21 tháng 4 năm 1891 có ghi chi-tiết về vị-trí cột mốc trong khi biên-bản chính-thức, phần chép lại các cột mốc được cắm từ công-trình Frandin, thì không ghi chép chi-tiết về vị-trí.

Cột thứ 2 (tương-ứng số 66 theo biên-bản chính-thức 19-6-1894) cắm trên đỉnh Bắc-Cương Sơn ; cột thứ 4 (số 63) cắm trên đỉnh Qui Tong Son; cột thứ 11 (số 57) cắm trên đỉnh Ðông-Môn Sơn ; cột thứ 20 (số 49) cắm trên ngọn Ngoc Hao Son. [5]

2.3 Ðoạn từ Chí-Mã Ải đến Trấn-Nam Quan : Trích cùng biên-bản như đoạn 2.2 ghi trên :

Cột thứ 2 (số 41), trên đỉnh thứ nhứt, ở phía Tây-Bắc cột thứ 1 (cột thứ nhứt trên đường từ Phai-Sam đến Chí-Mã) ; cột thứ 5 cắm trên Lo Nung Son; cột số 7 cắm trên ngọn Na-Lộc Sơn ; cột thứ 10 (số 34) cắm trên ngọn Kim-Cương ; cột thứ 11 (số 33) cắm trên ngọn Mỹ-Mục Sơn ; cột thứ 15 (số 29) cắm trên ngọn Tam-Tị Sơn ; cột thứ 20 (số 24) cắm trên ngọn Phái-Bình Sơn ; cột thứ 24 (số 21) cắm trên ngọn đồi, phía trước một công-sự Trung-Hoa (Khôn-Long)[6].

2.4 Ðoạn từ Trấn-Nam Quan đến Bình-Nhi Quan : Trích cùng tài-liệu như đoạn 2.2 :

Cột thứ 16 (số 3) cắm trên ngọn đồi, cách cao điểm (cote 294) 250m về phía Ðông-Bắc ; cột thứ 18 (số 1) cắm trên một ngọn đồi nhìn xuống sông Kì-Cùng, cách sông 150m.[7]

2.5 Ðoạn từ Bình-Nhi Quan đến điểm giao-giới Quảng-Tây và Vân-Nam, viết theo biên-bản « Procès-verbal résumant les opérations de l’abornements de la province du Kwang-Si » ngày 16 tháng 6 năm 1894 :

Cột mốc số 2, tên Khuoi Lan Son, trên sườn ngọn đồi ở phía Bắc Khuoi-Lam ; cắm ở kế con đường mòn. Cột mốc số 3, tên Pou-Kinh-Linh, trên ngọn đồi ở phía Ðông Na-Lương và cắm trên con đường Ti-Ngai (Tu-Ai). Cột số 6, Pou Mou Son, trên đồi phía Tây Ban-Khio. Cột số 7, Pou Men Linh, trên đồi ở phía Tây-Nam Khuoi Thuong (Khuoi Son). Cột số 14, Tou Na Kha, cắm bên hữu ngạn của con suối chảy dưới chân, phía Ðông của ngọn Khấu-Mai (Cao May). Cột số 15, Khấu Mai Lĩnh (Khau-Moué), cắm trên sườn phía Ðông của núi Khấu-Mai. Cột số 16, Khấu-Mai Lĩnh, cắm dưới chân, phía Tây-Bắc của núi Khấu-Mai. Cột số 28, Na Ho, trên ngọn đồi, phía Bắc của đập nước (mé tả ngạn của dòng sông). Cột số 33, Pha Duc, trên đỉnh đèo nhìn xuống thung-lũng nhỏ tên Lung Noi. Cột số 35, Lung Loc, trên ngọn đèo phân cách hai thung-lũng Lung Loc và Lung Han. Cột số 36, Canh Thong, trên đèo, 10m phía trước một hàng rào lớn bằng đá. Cột số 39, Canh Sat, trên đỉnh đèo, cách làng Ban Sat khoảng 300m. Cột số 40, Canh Song, trên ngọn đèo. Cột số 43, trên đỉnh đèo, cách làng Ban Bay khoảng 500m.Cột số 44, Khou Sen, trên đỉnh đèo phân-cách hai thung-lũng Lung Ki và Coc Mang. Cột số 45, Nam Tan, trên đỉnh đèo phân-cách hai thung-lũng Lung Phang và Lung Thang. Cột số 59, trên cao ngọn đèo, tại điểm mà con đường thâu hẹp lại do những tảng đá. Cột số 60, Lung Nam, Trên đèo và ở kế con đường. Cột số 61, Lung Hoa, trên đèo và ở kế con đường. Cột số 68, Co Gia, trên đỉnh đèo, bên lề đường đi Lung Anh. Cột số 69, Lung Anh, cắm gần đỉnh đèo và ở dưới chân bức tường đá. Cột số 70, Canh Khan, trên đỉnh đèo. Cột số 75, Co Chi, trên đỉnh đèo, phía Nam và gần rào cản mé dưới Lung Man. Cột số 84, Lung Na, trên đỉnh đèo, cách rào cản 12 bước. Cột số 91, Tu Khau, trên đèo và ở gần con đường. Cột số 101, Lung Hoai, trên đường từ Lung Hoai đến Lung Xen, tại một cái đèo do một bức tường đá tạo thành. Cột số 102, Lung Hoai, trên đường từ Lung Hoai đến Lung Po, tại một cái đèo nhìn xuống đồng-bằng Lung Po và đèo nầy được tạo thành do một bức tường đá. Cột số 103, Na Lung, trên đường từ Ta Lung (Tàu) đến Kha-Yan (VN) tại nơi mà đường nầy vượt qua đèo. Cột số 106, Lung Tai, bên lề phía Bắc của con đường từ Lung Tai đến Nam Son, tại một cái đèo. Cột số 110, Pin Tian, trên đồi phía Nam của con đường mòn đi từ Tin Tiau đến Tonkin, tại điểm mà con đường nầy ra khỏi thung-lũng của con suối Pin Thian. Cột số 111, Lung Kem, trên đèo, ở giữa hai thung-lũng Lung Kem (Tàu) và Loc Son (VN), phía sau một ngôi nhà hoang trên lãnh-thổ VN. Cột số 115, Pau Ly, trên một trong nhiều đỉnh đồi tạo-thành đường phân-thủy của hai phụ-lưu sông Bằng-Giang, gần một con đường đi Soc Lung. Cột số 116, Koué La, trên một đỉnh đồi tạo thành đường phân-thủy ghi trên. Cột số 117, Koué La, cũng trên một đỉnh đồi, cách khoảng 600m cột trước, tại nơi mà đường phân-thủy bẻ quẹo thành gốc vuông để đi về phía Nam. Cột số 118, Lung Mou, trên một đỉnh có rất nhiều cây cối, ở phía Ðông của làng Lung Mou (Tàu) . Cột số 120, Tum Tieu Kha, trên một ngọn đồi, ở phía Tây và cách cột mốc trước khoảng 1km, bên đường từ Lung Tao đến Bo Gai. Cột số 123, Si Ma, trên đỉnh một trái núi cao có đường từ Nam Tien đi qua. Cột số 124, Hia Siu Xa, tại một cái đèo đi vào rất khó-khăn, tại đó có con đường từ Po Deo (Tàu) đi ngang qua, theo hướng Bắc-Nam. Cột số 125, Sau Siu Xa, cũng ở tại một cái đèo hiểm-trở mà tại đó có con đường từ Pech Deo đi ngang qua, theo hướng Ðông-Tây. Cột số 126, Mai Cam Sau, trên đỉnh đèo hiểm-trở, có con đường từ Naon  Lien đi ngang qua. Cột số 137, Cu Shon, tại một cái đèo nhiều đá lởm-chởm, có con đường từ Con Chon đi ngang qua VN. Cột số 138, tại một cái đèo  nhiều đá lởm-chởm, có con đường từ Hia Tio (Tàu) đến Lung Lang đi ngang qua. Cột số 139, Lung Bo, tại cái đèo đá lởm-chởm, có con đường từ Lung Bo (Tàu) đến Lung Lang (VN) đi ngang qua. [8]

3/ Vị-trí cột mốc trên núi Khấu-Mai (Pháp viết Khao-Moué, Cao-May):

Xem lại tất-cả biên-bản cắm mốc và nhật-ký của các viên quan phụ-trách việc cắm mốc, ta thấy mỗi cột mốc được cắm, ngoài công-nhân cắm mốc, còn có sự chứng-kiến của hai sĩ-quan, một của Pháp và một của Tàu. Xem nhật-ký tường-thuật lại công-trình phân-giới Quảng-Tây ghi lại dưới đây ta sẽ kiểm-chứng việc nầy. Mỗi cột mốc cắm xong đều có lập biên-bản và có chữ ký của đại-diện hai bên.

Việc mà Giang Trạch Dân cho rằng cột mốc ở trên sườn núi là do công-nhân không đem lên đỉnh đành bỏ lại sườn núi, là việc không thể xãy ra.

Không thể có vấn-đề công-nhân không đem lên đỉnh, phải bỏ cột mốc nửa đường như vậy. Hai viên sĩ-quan, một của Pháp, một của Tàu, không lẽ cùng đồng-thuận với nhau để công-nhân bỏ cột mốc giữa chừng vậy sao ? Xem lại hồ-sơ phân-giới ta thấy hai nên Pháp-Hoa tranh với nhau từng rẻo đất. Nếu hai vị sĩ-quan nầy cùng đem sức-lực của mình ra khiêng mốc lên núi để cắm mốc thì ta có thể đặt giả-thuyết, vì leo núi mệt-mõi nên bỏ giữa chừng. Ðọc lại những tài-liệu mô-tả việc tốn kém cho nhân-sự cắm mốc ta thấy đây quả thật là một gánh nặng cho Pháp thời đó. Vì thế mà đến khoảng thời-gian ông Galliéni đảm-trách phân-giới, ông này được lệnh phải «chấm dứt bằng mọi giá» việc cắm mốc, kể cả việc nhượng-bộ. Ta thấy công-nhân, phía Việt cũng như Tàu, không hề thiếu. Mỗi đoàn phân-giới có đến vài trăm người. Trong đó phu-phen đến hết 90% nhân-số.

Tóm lại, chỉ còn hai giả thuyết : Cột mốc nầy bị dời từ trên đỉnh xuống hoặc đã được cắm ở đó theo công-ước.

Theo một tài-liệu, còn xếp vào loại mật, số 23132/0, ngày 16 Octobre 1948, của một nhân-viên của Sở Ðịa-Dư Ðông-Dương (Service Géographique), có nhiều cột mốc trong tỉnh Lạng-Sơn bị dời đi. Cột mốc Khấu-Mai có bị dời đi không ?

Chiếu theo danh-sách những cột mốc được cắm trên núi ghi trên (ngoại-trừ vùng Vân-Nam), ta thấy có một số cột mốc được cắm trên sườn đồi và sườn núi. Ðó là : Cột mốc số 2, tên Khuoi Lan Son, trên sườn ngọn đồi ở phía Bắc Khuoi-Lam. Cột số 14, Tou Na Kha, cắm bên hữu ngạn của con suối chảy dưới chân, phía Ðông của ngọn Khấu-Mai (Cao May). Cột số 15, Khấu Mai Lĩnh, cắm trên sườn phía Ðông của núi Khấu-Mai. Cột số 16, Khấu-Mai Lĩnh, cắm dưới chân, phía Tây-Bắc của núi Khấu-Mai. Các cột mốc nầy ở trên biên-giới giữa Lạng-Sơn và Quảng-Tây, thuộc huyện Thất-Khê, phủ Tràng-Ðịnh tỉnh Lạng-Sơn.

Giả-thuyết cột mốc dời xuống sẽ không ổn, vì không ai dời mốc mà đem phần thiệt-hại về cho mình hết cả. Bởi vì tất-cả hồ-sơ tố-cáo việc dời mốc cho thấy tác-giả các vụ dời mốc là phía người Hoa. Không người Hoa nào ra công lên núi bưng cột mốc chạy về phía mình hết cả.

Vì thế, cột mốc trên sườn núi mà Giang Trạch Dân đề-cập sẽ là một trong những cột mốc cắm trên sườn núi. Ðó là cột mốc số 2 hay cột số 15.  Hai cột mốc nầy cùng nằm trong đoạn biên-giới từ Bình-Nhi Quan cho đến Thủy-Khẩu Quan. Cột số 2 không có tầm quan-trọng chiến-lược, nhưng cột số 15 có tầm quan-trọng cực-kỳ. Ta sẽ kiểm-chứng yếu-tố nầy ở vài hàng dưới đây.

Ta thấy có đến 3 cột mốc được cắm chung-quanh ngọn Khấu-Mai : Cột 14 dưới chân phía Ðông, cột 15 cắm trên sườn phía Ðông, cột 16 dưới chân phía Tây-Bắc. Hiếm thấy việc tỉ-mỉ nầy trên biên-giới Việt-Trung. Chưa hết, ngày 2 tháng 3 năm 1936, lúc 15 giờ, biên-bản cắm cột mốc số 14 bis được ký-kết giữa các ông : Ðại-Úy Chubilleau, Ủy-Viên Hành-Chánh Thất-Khê ; Ðinh Văn Trân, Tri-Phủ Tràng-Ðịnh với quí ông : Ha Cho Ly, Ủy-Viên Cảnh-Sát Thủy-Khẩu ; Ho Tchau Wan, Thư-Ký Cảnh-Sát Biên-Giới Thủy-Khẩu. Cột 14 bis có ghi : Frontière Sino-annamite ; Borne 14-bis ; 580 mètres Sud-ouest de la borne 14 ; Est, Sud-Est de la borne 15. Cột 14 bis cách cột 14 là 580m về phía Tây-Nam ; cột ở phía Ðông Ðông-Nam cột số 15.

Việc nầy cho thấy chung-quanh cột 15 đã có những tranh-chấp sau này.

Nhưng cột 15 được cắm trên sườn núi thì nó cách đỉnh là bao nhiêu ? Biên-bản cắm mốc không ghi chi-tiết nầy.

Nhưng nhật-ký của Ủy-Ban Phân-Giới[9] do Ðại-Tá Servière, sau đó là Đại-Tá Galliéni cầm đầu có ghi lại tỉ-mỉ : Đất của tổng Ðèo-Lương đã đem đổi lấy đỉnh ngọn núi Khấu-Mai (Khau-Moué, Cao-May hay Khao-Moué). 

Những đoạn quan-trọng liên-quan đến ngọn Khấu-Mai trích ra như sau:

Ngày 30 tháng 11. Các ủy-viên Tàu cắm cột mốc số 15 tại núi Khau-Moué, thuộc đất An-Nam, bất-chấp sự phản-đối của ủy-viên Pháp. Việc trục-trặc nầy được báo-cáo cho Ðại-Tá qua một công-hàm.

….

Ngày 2 tháng 12. Ông Dumat trở về Long-Châu.

Ngày 4 tháng 12. Ông Dumat đến nha-môn Tổng Lý Ðại Thần với thông-dịch-viên Tchang-Chai-Yin, để phản-đối việc cắm cột mốc trên núi Khau-Muoé. Ông quan Tổng-Lý Ðại-Thần (tức ông Tao-Tai Long-Châu, Tri-Phủ Long-Châu, có tên là Tsai Hai Pin, ghi-chú tg) dường như công-nhận nguyên-tắc việc khiếu-nại của chúng ta nhưng nói rằng việc nầy sẽ bàn-luận sau với Ðại-Tá (tức đại-tá Servière, ghi-chú tg).

....

Họp giữa quan Tổng-Lý Ðại-Thần và Lãnh-Sự Pháp. Trong buổi họp viên quan nầy nói chắc-chắn rằng những thương-thảo của Ủy-Ban (1892) đã cho Tàu phân nửa núi Khau-Moué. Ông ta hứa với Ðại-Tá Servière phía Tàu sẽ không xây thành-lủy trên núi nầy. TLÐT cũng nói rằng sẵn-sàng thương-lượng việc nầy với Ủy-Ban Pháp, nhưng chỉ trên những điểm căn-bản. (Ông này nói thế nhưng không có văn-thư gì, ghi-chú tg)

 ….  

18 tháng 12. Ông Dumat trở về Long-Châu sau khi cắm được 13 cột mốc, từ 7 tháng 12 đến 13 tháng 12. Hầu hết các cột mốc nầy đều lấn sang An-Nam. (Ba cột mốc được dời đi sau nầy)

…..

Ngày 27 và 28 tháng 12. Lãnh-Sự Pháp tại Long-Châu đến Lạng-Sơn để gặp ông Ðại-Tá Galliéni để bàn công-việc vì ông nầy vừa nhận chức chỉ-huy trưởng Vùng II Quân-Sự và kiêm-nhiệm luôn trọng-trách phân-giới. Ðại-Tá Galliéni tỏ ý muốn nhượng-bộ trên vấn-đề Ðèo-Lương nhưng với điều-kiện phải được đền-bồi tương-xứng để có được một đường biên-giới thiên-nhiên thật tốt

….

24 tháng 5. Trung-Úy Quérette viết rằng hai cột mốc 26 và 27 đã bị Tàu làm bể, và cắm lại phạm sâu vào lãnh-thổ An-Nam nhiều cây-số. Cdt Famin khiếu-nại tức thì với Taotai, yêu-cầu ông nầy gởi đến lập-tức Thủy-Khẩu một ủy-viên để cắm lại các cột mốc, chung với Trung-Úy Quérette. Cùng lúc, ông nêu lên vấn-đề tại Khau-Moué-Ling, tại đây hai cột mốc cắm sai vị-trí, bất-kể những lời bình-nghị của các sĩ-quan ủy-viên Pháp. Ông Taotai trả lời rằng các cột mốc 26 và 27 đã được cắm đúng chỗ của chúng lần đầu tiên, tuy vậy, chừng nào mà ủy-viên đã cắm chúng cùng với ông Quérette hiện thời không có mặt tại Long-Châu trở về lại, vị ủy-viên nầy sẽ được gởi đến gặp ông Quérette để nghiên cứu vấn-đề. Về phần Khau-Moué, nguyên-nhân rắc rối,  ông Taotai sẵn lòng  dời các cột mốc chút ít và ủy-viên đi kèm với ông Dumat, sau khi kết-thúc công việc ở các cột mốc 26 và 27 sẽ đến Khau-Moué. Vậy hiển-nhiên đây là một cách từ-chối khéo. Ông Taotai muốn kéo dài công việc, bởi vì ông Khao, ủy-viên đi kèm với ông Dumat thì hiện-diện tại Long-Châu.

….

29 tháng 5. Thư của ông Détrie nói rằng các viên quan đòi phân nửa núi Khau-Moué. Không thể dời cột mốc số 15 trong tình-trạng nầy. Mặc khác, cột mốc số 16 cũng cắm không đúng chỗ.

30 tháng 5. Ông Khao trở về Long-Châu; ông đã thay cột mốc số 26, nhưng không muốn thay cột mốc số 27, vì ông cho rằng cột nầy đã ở đúng vị-trí của nó. Sau một hồi lâu thảo-luận giữa các ông Tchang, Tcheou, và Khao, mọi người đồng-ý rằng cột số 27 sẽ được cắm lại. Còn về Khau-Moué, dường như không làm gì được, ông Taotai trả lời bất-chấp mọi bình-nghị, kể cả những lời khuyên của các viên quan: Tôi không hiểu bản-đồ, nhưng Khau-Moué phải thuộc về Tàu.

….

2 tháng 6. Ðến Ha-Dong, nơi đây mọi người gặp Trung-Úy Détrie. Sau vài phút bàn thảo, mọi việc đều được dàn-xếp. Hai bên trao đổi những câu văn sẽ được khắc lên các cột mốc, qua đó phía người Pháp cam-kết không xây thành-lũy trên ngọn Khau-Moué, đổi lại, phía Tàu cho phép lưu-thông trên các con đường qua Tàu, ở dưới chân ngọn Khau-Moué. Commandant Famin nhấn mạnh với Taotai rằng: “Mọi việc dàn xếp ổn-thỏa, ông không còn làm khó được nữa và ông biết rằng các cột mốc không thể dời xa hơn 1 lý!” Ông Taotai trả lời: “Không còn những khó-khăn có thể nữa; quí ông có thể cắm mốc dưới chân Khau-Moué!”

….

7 tháng 6. Tướng Su (Sử Kinh Báo, ghi-chú của tg) đến nơi. Công việc thỏa-thuận ngay tức-khắc, hầu như không tranh-luận rằng cột mốc số 15 ở trên đỉnh sẽ được dời xuống cắm ở triền núi; cột số 14 thì không thay đổi; cột số 16 thì sẽ dời xuống triền của đỉnh Cao-Danh. Phía bên Pháp cam-kết sẽ không xây trên đỉnh Khau-Moué, ngược lại,  họ được phép đi lại tự-do trên các con đường bên Tàu, đi qua dưới chân phía Tây của núi Khau-Moué. Tướng Su chỉ định một viên quan thuộc nha-môn của ông là ông Léang để đi kèm với Trung-Úy Détrie đến Khau-Moué.

….

Tướng Su yêu-cầu rằng người ta sẽ khắc lên cột mốc tại đĩnh Khau-Moué rằng núi nầy xem như là vùng trung-lập. Nhưng Commandant từ-chối quyết-liệt và nói thêm rằng ông không muốn làm việc với viên quan tên Khao, vì ông nầy chỉ tạo chuyện khó-khăn, không cần phải gởi ông ta lên Khau-Moué và ra lệnh cho ông Détrie trở về liền nếu ông Khao phụ-trách công việc.

….

9 tháng 6. Trung-Úy Détrie và một viên quan Trung-Hoa lên đường đi Khau-Moué.

11 tháng 6. Ủy-viên của tướng Su trở về Long-Châu. Ông nầy cho rằng chúng ta hữu-lý nhưng giải-thích rằng cột mốc trên đỉnh phải dời đi rất xa so với vị-trí hiện-tại. Tướng Su, vì không muốn phần lỗi về phía ông Taotai, muốn chia phần sai biệt ra làm hai. Cdt Famin tuyên-bố rằng ông ta không thể chấp-nhận đề-nghị nầy. Dầu vậy, trong một cuộc nói chuyện vào buổi xế với tướng Su, Cdt đồng-ý đưa vấn-đề nầy lên Ðại-Tá Galliéni, chỉ rõ vị-trí mới là chỉ nhượng cho phía Pháp có 200 thước tính từ đỉnh Khau-Moué (Tất-cả những cao-điểm khác đều thuộc về chúng ta). Ðại-Tá Galliéni vì muốn dứt-điểm bằng mọi giá, nên trả lời: Ðồng ý. Câu trả lời nầy chuyển đến tướng Su tức thì. Ủy-viên của tướng Su lên đường trong đêm đó để đến Khau-Moué, mang theo những dặn-dò của Cdt Famin đến với Trung-Úy Détrie.

….

13 tháng 6. Trung-Úy Détrie trở về Long-Châu. Ðúng như những gì đã thỏa-thuận, cột mốc số 14 chuyển đi, cột 15 dời xuống khoảng 200 mét ở về triền phía Ðông của đỉnh Khau-Moué. Cột số 16 dời xuống triền phía Ðông của đỉnh Cao-Danh.

….

18 tháng 6. Colonel gởi văn thư cho Taotai để cam-kết rằng người Pháp sẽ không xây trên đỉnh Khau-Moué một công-sự lớn lao nào, ngoài một lô-cốt nhỏ khoảng 30 người. Ông Taotai gởi văn thư cho Ðại-Tá qua đó công-nhận quyền lưu-thông tự-do của người Pháp trên những con đường thuộc Tàu, đi qua chân núi phía Ðông Khau-Moué.

Ðọc lại một phần tài-liệu nầy ta thấy việc cắm mốc tại Khấu-Mai khó biết bao nhiêu. Viên sĩ-quan Pháp cắm mốc tại Khấu-Mai là Trung-Úy Détrie. Tiên khởi thì những ủy-viên người Hoa đã cắm mốc trên đỉnh núi nầy vào ngày 30 tháng 11 năm 1893, bất-chấp sự phản-đối của ủy-viên Pháp. Ngày 13 tháng 6 năm 1894, cột mốc này bị nhổ lên và đem xuống cắm tại sườn núi. Ông tướng Sử Kinh Báo năn-nỉ, lấy lý-do đem mốc xuống nặng-nề khó-nhọc, viện thêm lý-do giữ thể-diện cho ông Tao-Tai, đề-nghị chia khỏang-cách ra làm hai, cột mốc vì vậy được cắm trên sườn, cách đỉnh 200m. Ông tướng này cũng xin-xỏ «trung-lập hóa» đỉnh núi nầy, nhưng chỉ thành-công một nửa. Người Pháp cam-kết không đặt công-sự lớn, nhưng đặt một lô-cốt 30 người trên đỉnh. Vị-trí chính-thức cột mốc 15 là : trên triền phía Ðông núi Khấu-Mai và cách đỉnh 200m.

Ðây là một trái núi có tầm chiến-lược quan-trọng vì nó nhìn xuống Long-Châu, Bằng-Tường, tức kiểm-soát cả những vùng nầy. Chính vì thế mà viên Tổng-Lý Ðại Thần là Tri-phủ Long-Châu nhứt-định dành núi nầy : « ôi không hiểu bản-đồ nhưng Khau-Moué phải thuộc về Tàu». Tướng Sử Kinh Báo, một nhà quân-sự, yêu-cầu trung-lập hóa Khấu-Mai. Trong khi Ðại-Tá Galliéni đã nhượng đất thuộc tổng Ðèo-Lương để «có một đường biên-giới thiên-nhiên thật tốt». Trái núi nầy là cây đinh trong mắt người Hoa. Nó còn của Việt-Nam thì không dễ gì quân Tàu tiến quân sang VN qua lối Quảng-Tây. Cũng vì việc nhượng đất Ðèo-Lương mà thác Bản-Giốc hiện nay có tranh-chấp chủ-quyền. Ðèo-Lương là phần đất ở Ðông-Bắc tỉnh Cao-Bằng, có lẽ trước thuộc phủ Trùng-Khánh. Phía Tây-Bắc đất Ðèo-Lương là thác Bản-Giốc. Nếu không mất Đèo-Lương sẽ không có tranh-chấp Bản-Giốc, thác nầy sẽ nằm sâu trong lãnh-thổ Việt-Nam 2km. 

III/ Kết-Luận : So với Hiệp-Ước Biên-Giới  ký tháng 12 năm 1999, ta thấy núi Khấu-Mai ở khoảng giữa hai «giới-điểm» 41 và 46, tương-ứng với Thủy-Khẩu Quan và Bình-Nhi Quan. Từ giới-điểm 42 đến giới điểm 44, có 3 đoạn biên-giới bị thay đổi. Ðó là các đoạn biên-giới «theo đường đỏ». Núi Khấu-Mai phải ở một trong các «đường đỏ» nầy. Nhưng hiện nay ta không thể kiểm-chứng vì không có bản-đồ đính kèm hiệp-ước.

Theo bản-đồ của sở Ðịa-Dư Ðông-Dương thì Trung-Hoa chỉ được một góc nhỏ của núi Khấu-Mai (bản-đồ đính kèm).

Bấy nhiêu bằng-chứng cho thấy người Hoa, xưa nay, bằng mọi giá muốn «nuốt» ngọn Khấu-Mai. Người viết dám quả-quyết rằng cột mốc mà Giang Trạch Dân, nguyên Tổng Bí-Thư đảng CS Trung-Hoa, đề-cập phải là cột mốc trên sườn phía Đông của núi Khấu-Mai.

Trung-Hoa đã nuốt hay chưa, còn lại cho Việt-Nam bao nhiêu, những nhân-viên phân-giới hiện nay ở Việt-Nam ắt phải biết. Ông Nguyễn Chí Trung chắc cũng biết. Nhưng dễ gì họ mở miệng. Họ chỉ mở miệng để «choảng» nhau, để thanh-toán nhau, hay để tranh-dành quyền-lực với nhau. Những chuyện «bán nước, buôn dân» chuyện là bí-mật quốc-gia, phải ngậm miệng mới ăn tiền.

Tóm lại, ít nhất 2 trong 10 điều Lê Ðức Anh tố-cáo Lê Khả Phiêu có dựa trên sự thật.

Ông Nguyễn Chí Trung thấy sao ?

Pháp-Quốc, những ngày cuối năm,

Trương Nhân Tuấn

 

[1] Xem : www.ykien.net , điện thư số 11, tháng 11 năm 2003.

[2] Nguyên-văn phần nhập-đề :

 HỎI: Thực chất từ đại hội đảng IX trở về trước (từ thập kỷ 90 TK20) là vấn đề gì?
-Vấn đề cá nhân hay chính trị ?
-Quan điểm đường lối hay nhận thức
-Tác phong, phương pháp hay thủ đoạn lật đổ??? Và bắt nguồn từ đâu???
-ĐÁP: (Đọc để tự hiểu tu thân, không bàn, phê phán hay phổ biến ). 

[3] Nguyễn Chí Trung tố lại Lê Ðức Anh như sau : «LĐ Anh lộng quyền muốn thống lĩnh quân đội , biến quân đội theo ý đồ riêng của mình, xích gần với Mỹ (bởi vì lịch sử chính trị của Anh còn mờ ám, không phải là đảng viên. ». Cũng từ tài liệu nầy chúng ta thấy Lê Khả Phiêu và nhóm ủy-viên trung-ương  miền Trung  «đấu» Võ Văn Kiệt, Nguyễn Mạnh Cầm, Vũ Oanh, Trần Bạch Ðằng (đứng sau lưng Võ Văn Kiệt)… là những người  chủ-trương bỏ XHCN (26-6 đến 1 tháng 7 năm 1996). Nguyễn Chí Trung cũng khen-ngợi Lê Khả Phiêu : «1.- Kiên định con đường tiến lên CNXH, giữ vững định hướng XHCN. 2.- Đối ngoại giữ vững độc lập tự chủ trong quan hệ quốc tế (hoà nhập chứ không hoà tan). 3.- Đối nội đề ra cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn đảng…».

Tuy-nhiên, trong hồi-ký của Trần Quang Cơ, nguyên Thứ-Trưởng bộ Ngoại-Giao, viết lại thì vào ngày 5 tháng 9 năm 1990, sau cuộc họp giữa các cán-bộ chóp-bu hai nước VN và Trung-Hoa tại Thành-Ðô (thủ-phủ  Tứ-Xuyên) thì Lê Ðức Anh có nói như sau : “ Mỹ và phương Tây muốn cơ hội này để xoá cộng sản. Nó đang xoá ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xoá cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc.” Việc nầy cho ta thấy lập-trường Lê Ðức Anh về Trung-Hoa và Hoa-Kỳ chưa rõ-rệt. Vì  thế, lời « tố-cáo » của Nguyễn Chí Trung cho rằng Lê Ðức Anh muốn theo Hoa-Kỳ thì không rõ-ràng, không có gì chứng-minh.

Hiện nay, trong nước cũng như hải-ngoại, xôn-xao vụ tướng Nguyễn Nam Khánh «đập» Lê Đức Anh và đàn em là Nguyễn Chí Vịnh. Nghe nói có Đại-Tướng Võ Nguyên Giáp đứng sau Nguyễn Nam Khánh. Nhưng liệu đứng sau Võ Nguyên Giáp có Lê Khả Phiêu hay không ? Vì theo tài-liệu của Nguyễn Chí Trung, Ông Giáp đứng sau ủng-hộ Lê Khả Phiêu trong nhiều chuyện. Việc không ký hiệp-ước thương-mãi với Hoa-Kỳ là một. Lê Khả Phiêu hận Lê Đức Anh lắm, mười điều ông Anh tố ông Phiêu làm ông này «phiêu» luôn chức tổng bí-thư. Có phải đây là thời-điểm Lê Khả Phiêu rửa hận hay không ?

[4] Nguyên-văn tiếng Pháp trích từ biên-bản phân-giới ký ngày 29 tháng 12 năm 1893:

BORNE NON NUMEROTEE.

est représentée par un rocher très visible au sommet du Khanh hoaï Lanh et sur lequel les inscriptions communes aux deux puissances sont gravées.

BORNE COMMUNE n° 20

au sommet de la montagne qui sépare le cours supérieur de la rivière de Tieu Khanh Vi et celui de la rivière de Ma-Song.

Repérage (azimuths magnétiques)

sommet du Khanh hoaï

Lanh                                                                                                         101°

sommet du Tieu Khanh Lanh                                                                                                         145°

BORNE COMMUNE n°  22

au sommet du (en annamite Thanh Long Lanh, en chinois Te’ing Loung Lin) côté 843.

Repérage (azimuths magnétiques)

Sommet du (en annamite Loc Dang Lanh, en chinois Lou Teng Ling)  149°

Sommet de (en annamite Truong Nhi, en chinois Tchang Eurl)                             204°

BORNE COMMUNE n° 33

au col situé entre les côtes 746 et 750 ; à 340 métres au S ; de la vallée de Bac Cuong Aï.

[5]    Nguyên-văn tiếng Pháp trích từ biên-bản 21 tháng 4 năm 1881 :

2e borne : sur le sommet de Pac-Cong-Son

4e borne : sur le sommet de Qui-Long-Son

11e borne : sur le sommet de Long-Mong-Son (có thể viết lộn Long, thay vì Tong, chiếu theo nguyên bản chữ Hán đọc là Ðông).

20e borne : au sommet de Ngoc-Hao-Son

[6] Nguyên văn tiếp Pháp như sau :

2e borne : sur le premier sommet au N-O et à 800m de la 1e borne

5e borne : sur le sommet de Lo-Nung-Son

7e borne : au sommet de Na-Loc-Son (côté 409)

10e borne : au sommet de Kim-Kam (côté 402)

11e borne : au sommet de Mey-Moc-Son

15e borne : au sommet de Sam-Sie-Son

20e borne : sur le sommet de Paï-Binh-Son

24e borne : sur le sommet placé face du fort chinois de Kouei-Tao

[7] Nguyên-bản tiếng Pháp :

16e borne : sur le mamelon situé à 250m au N.E. du point coté 294

18e borne : sur un mamelon dominant le Song Ki-Cung à 150m de la rivière

[8]    Nguyên văn tiếng Pháp như sau :

N° 2, Khuôi Lan Sơn, sur la pente du mamelon au côté Nord de Khuoi Lam. A côté du chemin.

N° 3, Pou Kinh Linh, sur le mamelon à l’Est de Ka-Luong et sur le chemin de Ti-Ngai (Tu-Ai).

N° 6, Fou Mou Son, sur le mamelon à l’Ouest de Ban-Khio.

N° 7, Pou Men Linh, sur le mamelon au S-E de Khuoi Thuong (Khuoi Son).

N° 14, Tu Na Kha, sur le rive droite de l’arroyo au pied et à l’Est du Cao-May.

N° 15, Khau Moy Linh, sur le versant Est du Khau-Moy.

N° 16, Khau Moy Po, au pied et au N.O. du Khau Moy.

N° 28, Na Ho, sur le mamelon au N. du barrage (rive droite de la rivière).

N° 33, Pha Duc, Au haut du col qui domine le petit cirque de Lung Noi

N° 35, Lung Loc, Au haut du col qui sépare les cirques de Long Loc et de Lung Han

N° 36,Canh Tong, Au haut du col à 10 m en avant d’une grande barricade en pièrres sèches

N° 39, Canh Sat, Au haut du col et à environ 300m du village de Ban Sat

N° 40, Canh Song, Au haut du col

N° 43, Canh Khou, Au haut du col à environ 500m du village de Ban Bay

N° 44, Khou Sen, Au haut du col qui sépare les cirques de Lung Ki et de Coc Mang

N° 45, Nam Tan, Au haut du col qui sépare les cirques de Lung Phan et de Lung Thang

N° 59, Da Giao Kha, En haut du col à l’endroit où les rochers rétrécissent le passage

N° 60, Lung Nam, En haut du col au bord du chemin

N° 61, Lung Hoa, En haut du col au bord du chemin

N° 68, Co Gia, En haut du col, au bord du chemin de Lung-Anh

N° 69, Lung Anh, Presque en haut du col au pied d’une muraille rocheuse

N° 70, Canh Khan, En haut du col

N° 75, Co Chi, En haut du col, au S et près de la barricade au dessus de Lung-Man

N° 84, Lung Na, En haut du col rocheux à 12 pas au SE de la barricade

N° 91, Tu Khau, Dans le col et près du chemin

N° 101, Lung Hoai, Sur la route de Lung-Hoai à Lung-Xen à un col formé par un mur en pièrres sèches

N° 102, Lung Hoai, Sur la route de Lung-Hoai à Lung-Po à un col fermé par un mur en pierres sèches qui domine la plaine de Lung-Po

N° 103, Na Lung, Sur la route allant de Ta-Lung (Chine) à Kha-Yan (Ton-Kin) au point où elle traverse un col

N° 106, Lung Tai, Sur la bordure N du chemin allant à Lung-Tai à Nam-Son (Tonkin) à un col traversé par ce chemin

N° 110, Pin Tian, Sur un mamelon au S d’un sentier allant de Pin-Tiau au Tonkin à l’endroit où ce sentier sort de la vallée de l’arroyo de Pin-Thian

N° 111, Lung Kem, A un col entre les cirques de Lung-Kem (Chine) à Loc-Son (Tonkin) derrière une maison isolée qui appartient à l’Annam

N° 115, Pau-Ly, Sur un des mamelons qui forment la ligne de partage des eaux des deux affluents du Sung-Bang-Giang près d’un chemin allant à Soc-Lung

N° 116, Koué La, Sur un mamelon de la même ligne de partage des eaux

N° 117, Koué La, A l’environ 600m de la précédente, sur un sommet, à l’endroit où la ligne des mamelons tourne à l’angle droit pour prendre la direction du S

N° 118, Lung Mou, Sur un sommet très boisé à l’Est du village de Lung-Moù (Chine)

N° 120, Tum Tieu Kha, Sur un mamelon à l’Ouest et à environ 1Km de la précédente sur un chemin de Lung-Tao à Bo-Gai

N° 123, Si Ma, En haut d’une montagne élevée où passe un chemin venant de Nam-Tien

N° 124, Hia Siu Xa, A un col d’accès difficile traversé par un chemin venant de Po-Dèo (Chine) et dont la direction est à peu près N.S.

N° 125, Sau Siu XaA un col d’accès difficile traversé par un chemin venant de Pech-Dèo (Chine) et dont la direction est à peu près Est-Ouest.

N° 126, Mai Cam Sau, En haut d’un col d’accès difficile traversé par un chemin venant de Naon-Lien

N° 137, Cu Shon, Au col rocheux traversé par un chemin venant de Còn Chon et passant en Annam

N° 138, Hia Thio, Au col rocheux traversé par le chemin de Hia-Tio (Chine) à Lung-Lang (Tonkin)

N° 139, Lung Bo, Au col rocheux traversé par le chemin de Lung-Bô (Chine) à Lung-Lang (Ton-Kin)

Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử

Trúc-Lâm Yên-Tử Trên Mạng Xã Hội:

facebook

pay per click advertising

Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử

free counters

un compteur pour votre site