lịch sử việt nam
Ngày Phụ Nữ Quốc Tế Và Quốc Tổ Hùng Vương
1, 2
Mây Cao Nguyên
Đối với tôi, tháng 3 có hai ngày rất quan trọng: Ngày Phụ Nữ Quốc Tế 8-3 và Ngày Quốc Tổ Hùng Vương 10-3.
Ngày 8 tháng 3 là ngày nhắc nhở cho các đấng mày râu biết rằng: Phụ nữ không phải là một sinh vật nhỏ bé được Thượng Đế sinh ra để phục vụ cánh đàn ông như lời trong Thánh Kinh, sau khi bà Ê-Và dụ dỗ ông A-Dong ăn trái cấm, bị Chúa trừng phạt. Mà phụ nữ là một người như mình có những suy nghĩ, những tâm tư tình cảm riêng, có công việc độc lập cần được tôn trọng, cũng như cần được chia sẻ. Triết gia Paplo Casals nói: “Chừng nào con người có thể thán phục và yêu thương, như vậy họ sẽ trẻ mãi”. Và: “Nhìn vào khuôn mặt của người vợ sẽ biết ngay tư cách của người chồng”.
Từ cái thời ông A-Dong và bà Ê-Và, người đàn bà chỉ giữ vai trò phụ thuộc bên cạnh người đàn ông. Vào thế kỷ 20, một số ít đàn bà mới thực hiện được một chút nam nữ bình quyền về bầu cử, ứng cử, quyền làm chủ các bất-động-sản và một phần bình đẳng trong công ăn việc làm.
The Isle of Man là nơi đầu tiên cho phép phụ nữ bầu cử, vào năm 1880, nhưng đảo quốc này là một phần của Liên Hiệp Anh và không phải là một xứ riêng biệt. Cho mãi đến năm 1920 chỉ có những quốc gia Âu Châu cho phép phụ nữ đi bầu cử là Sweden (1919) và Czechoslovakia (1920). Tại Hoa Kỳ phụ nữ được phép đi bầu vào năm 1920, mặc dầu có một vài tiểu bang cho phép phụ nữ đi bầu sớm hơn. Phụ nữ không được phép đi bầu cử tại Pháp hoặc Ý-Đại-Lợi cho mãi đến năm 1945, tại Switzerland (1971) hoặc tại Liechtenstein (1984). Phụ nữ được cho phép đi bầu tại Kuwait lần đầu tiên vào năm 2005, nhưng họ không được phép đi bầu ở Brunei, Saudi Arabia và The United Arab Emirates. Quốc gia đầu tiên cho phụ nữ được quyền đi bầu là New Zealand vào năm 1893. Úc Châu (1902) mặc dầu phụ nữ đã xử dụng lá phiếu ở Nam Úc vào năm 1894 và miền Tây Úc vào năm 1898 trước khi các tiểu bang riêng rẻ được kết hợp thành Liên Bang vào năm 1901. Phần Lan (Finland) cho phụ nữ đi bầu vào năm 1906, Norway (Na-Uy) chỉ cho một số phụ nữ đi bầu vào năm 1907. Cho mãi đến năm 1913 tất cả phụ nữ trên 25 tuổi được quyền đi bầu. Denmark (Đan Mạch) và Iceland (Băng Đảo) cho phép phụ nữ đi bầu vào năm 1915. Netherlands và Liên Bang Sô Viết (USSR) cả hai xứ này cho phụ nữ đi bầu vào năm 1917. Austria (Áo), Canada, Germany, Poland, Great Britain và Ireland cho phụ nữ đi bầu vào năm 1918 (Ở Ireland, một phần đất của Liên-Hiệp-Anh mãi đến năm 1921, chỉ có những phụ nữ trên 30 tuổi được quyền đi bầu vào năm 1918. Đến năm 1928, số tuổi được hạ xuống còn 21 tuổi).
Ngay bây giờ, chúng ta đang sống qua hơn một thập niên của thế kỷ 21, mặc dầu đàn bà họ đã chiếm đạt được những quyền lợi đáng kể bên cạnh nam giới, nhưng những bất ổn cố hữu vẫn còn ngự trị trong cấu trúc tình cảm của họ. Ngoài ra, vai trò làm mẹ đã tạo ra cho họ nhiều vấn đề nhiêu khê. Bản năng của người phụ nữ cảm thấy nhu cầu cần thiết phải có một cục cưng nam giới đẹp trai, khỏe mạnh, to con (như tôi), biết lo lắng cho gia đình..v.v…thì họ mới an tâm.
Để mở đầu bài biên khảo này, cho phép tôi vinh danh: Hội Phụ Nữ Việt Nam Vùng Greater Vancouver, B.C. (Canada), những con cháu Bà Trưng, Bà Triệu đang đếm nỗi buồn trên những phố phường xa lạ, đang mang trong lòng nỗi sầu vong quốc, tâm hồn đang bị móng vuốt sắt thép của sự phiền muộn, đau đớn và tuyệt vọng nghiền nát…kể từ biến cố đau thương của dân tộc vào mùa xuân Ất Mão 1975 cho đến nay. Một thi hào lãng mạn Pháp: Alfred de Musset đã viết trong một bài thơ: “Phải chăng con người ta được sinh ra, riêng cho một mảnh đất mà cho dù đi đến đâu cũng muốn trở về xây tổ ấm và sống ở đó”.
Có một công thức bất di bất dịch để làm chủ mọi buồn phiền và chán nản, là biến cải những thất vọng tình cảm đó thành một kế hoạch làm việc kiên quyết. Nó là một công thức không có gì thay thế hay so sánh được. Những người phụ nữ Việt Nam đã thấu đạt được triết ly’ cao siêu này, cho nên, mỗi năm các chị em đã không quản ngại đường sá xa xôi, thì giờ eo hẹp, nặng gánh gia đình….đã cùng nhau ngồi lại, phân chia công tác, tập dượt, nấu nướng và đặc biệt, mỗi năm các chị em lần giở những trang sử xưa để dàn dựng thành kịch bản một trong những vị anh hùng, anh thư vĩ đại của dân tộc Việt Nam kể từ ngày lập quốc, để nhắc nhở cho tất cả chúng ta đừng quên cội, quên nguồn và đừng nên cúi mặt trước quân thù.
Thương quá, tôi chợt nhớ bài thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh sau đây:
“Cô gái Việt Nam ơi! Từ thuở sơ sinh lận đận rồi, Tôi biết tình cô u uất lắm, Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi.
Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa, Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha. Khi cô vui thú, là khi đã, Bồng bế con thơ, đón tuổi già!.
Cô gái Việt Nam ơi! Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi, Thế hệ huy hoàng không đủ xóa, Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi.
Tôi đến đây tìm lại bóng cô, Trở về đường cũ, hái mơ xưa. Rau sam vẫn mọc chân rào trước, Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ. Dãi lúa cô trồng nay đã tươi, Gió xuân y’ nhị vít bông cười…Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa, Trong một làng con, đã héo rồi! Cô gái Việt Nam ơi! Nếu chữ hy sinh có ở đời, Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực, Cho lòng cô gái Việt Nam tươi”.
Sau khi xem vỡ kịch: “Nữ Tướng Bùi thị Xuân”, nó như một trận gió lớn thổi bùng ngọn lửa nhỏ đang cháy ầm ỉ trong tiềm thức mà tôi những tưởng đã tắt ngấm tự bao giờ qua dòng thời gian trên ba mươi năm lưu lạc nơi xứ người. Tôi xin: “Giở lần trang sách xưa-Nhớ thời áp bức-Giang sơn ơi! Lòng Ngươi nguội đau chưa?- Mộng đợi ngươi đã thức- Cõi trần ai đêm nay ta bơ vơ- Giật mình cảm xúc…Hận muốn toát ra thơ- Tình tan vào uất ức- Hồn đau run mờ tưởng bóng cờ- Ghi dấu những ngày quốc nhục- Bừng sáng mau lên Xuân- Cho vinh quang quét sạch hết phong trần- Cho non nước sáng tươi ngày trẻ mãi – Và Giang sơn…Giang sơn, thiên-vạn-đại- Trước khi tàn ta muốn thấy Ngươi vui- Hỡi vô cùng yêu dấu nước ta ơi!”.
Nữ Tướng Bùi Thị Xuân: Tôi xin mời bạn thả hết trí tưởng tượng để theo dõi trận đánh khốc liệt của anh hùng áo vải đất Tây Sơn, tức Quang Trung Hoàng Đế Nguyễn Huệ, trong cuộc đại phá quân Mãn Thanh và những anh hùng, anh thư lẫy lừng của dân tộc Việt Nam. Nói đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, phải nói đến làng Tây Sơn trên cao nguyên An Khê, căn cứ địa đầu tiên của ba anh em áo vải: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, đã chiêu binh mãi mã, và được đồng bào Thượng tham gia và tiếp vận lương thực rất nhiều. Năm 1771, nhà Tây Sơn khởi nghĩa. Năm 1773, Nguyễn Nhạc đắp thêm thành Đồ Bàn, đặt tên là Hoàng Đế Thành. Tỉnh Bình Định, đất Qui Nhơn đã sản sinh một vị đại anh hùng của dân tộc, đó là Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, người đã đánh đuổi giặc nhà Thanh ra khỏi bờ cõi vào mùa Xuân Kỹ Dậu (1789), với chiến thắng Đống Đa lịch sử. Vua anh hùng có tướng anh hùng. Quận Bình Khê, làng Xuân Hòa, quê anh thư Bùi thị Xuân, vị nữ tướng can trường đã cùng với các tướng đầu tiên vào giải phóng thành Thăng Long. Đến đời vua Cảnh Thịnh Nguyễn quang Toản yếu thế bị Nguyễn Ánh đem quân đánh lần thứ ba phá được thành, chiếm Qui Nhơn và đổi tên là thành Bình Định năm 1799. Năm 1800, thành này bị tướng Tây Sơn là anh hùng Trần Quang Diệu và anh hùng Võ văn Dũng vây đánh ráo riết, trong lúc đó quân Nguyễn Ánh dồn tiến ra Quãng Nam và Phú Xuân (Huế). Hai tướng giữ thành là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đều tuẫn tiết. Sau đó Nguyễn Ánh lấy được Phú Xuân trở về chiếm lại Qui Nhơn, mới đặt tên là Bình Định. Sau khi Gia Long lên ngôi, dinh Bình Định trở thành trấn. Năm 1832, đời Minh Mạng, trấn Bình Định trở thành tỉnh.
Trên đường kéo quân ra Bắc, Nguyễn Huệ giải phóng Phú Xuân năm 1786, lấy đất này làm bàn đạp tiến quân ra Bắc. Dừng quân ở Nghệ An để mộ thêm quân. Dân chúng Nghệ An ngưỡng mộ anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ như một đấng minh quân vì dân vì nước. Dân như được sống lại. Chỉ trong nửa tháng, mười vạn dân quân Nghệ An cùng với vạn người từ các vùng khác đã theo chân anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ tiến quân như thác lũ ra miền Bắc.
Năm 1789, quân Mãn Thanh tràn qua cướp nước, Tôn-Sĩ-Nghị đóng quân tại Thăng Long và bố trí một cánh quân tiếp ứng ở Sơn Tây, ông Ngô Thì Nhậm đã khuyên các tướng Tây Sơn rút về đèo Tam Điệp cố thủ để nuôi chí kiêu căng của giặc và để toàn dân nhìn ra bộ mặt phản quốc của Lê-chiêu-Thống mà đồng tâm chống giặc. Đầu năm 1789, Quang Trung Hoàng Đế kéo quân ra Bắc theo ba mũi tấn công. Dân quân vùng biển Hải Dương theo cánh thủy quân do Đô Đốc Lộc và Đô Đốc Tuyết tiến vào sông Lục Đầu vừa thủ vừa công mặt Đông. Đô Đốc Tuyết chặn giặc ở vùng Hải Dương. Đô Đốc Lộc vượt lên Lạng Sơn chận đường rút lui của quân Thanh. Dưới sự điều binh khiển tướng tuyệt vời của anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ, gần ba chục vạn quân Thanh bị đánh tan tành không còn manh giáp. Lệnh truyền xuống chia quốc năm đạo làm ba hướng tấn công. Riêng mặt Hà Đông, hai vị tướng anh hùng là Đô Đốc Bảo và Đô Đốc Mưu giáp công hai mũi, giải phóng các huyện Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Trì. Đêm trừ tịch Tết Kỹ Dậu quân ta tiến nhanh như vũ bão. Cánh quân của QuangTrung đuổi hết bọn giặc Thanh và đám tay sai của Lê Chiêu Thống tại huyện Phú Xuyên, làm chúng không thể báo tin về Thăng Long được. Ngày 25 tháng 1 năm 1789 (tức 30 tháng Chạp năm Mậu Thân), Quang Trung Hoàng Đế xuất binh từ Nghệ An tiến ra Bắc, cưỡi voi điều khiển quân chủ lực đi đầu đạo tiền phong đánh thẳng vào mặt Nam thành Thăng Long, nơi Tôn Sĩ Nghị phòng vệ kiên cố nhất. Nửa đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu, quân ta vây kín đồn giặc ở làng Hà Hồi (Huyện Thường Tín); giặc đang say men Xuân bị đánh bất ngờ không còn hồn vía phải mở cửa xin hàng. Sáng mồng 5 Tết, đạo quân chủ lực hợp với cánh quân của Đô Đốc Bảo tiến đánh thành giặc ở làng Ngọc Hồi (Phía Nam Văn Điển, huyện Thanh Trì), rồi phá bung thành Đống Đa. Cánh quân Điền Châu chết chật đường đi, tướng giặc Sầm Nghi Đống treo cổ chết. Thành Ngọc Hồi xây khá cao, rất kiên cố, giặc Thanh bắn súng ra như mưa. Nhưng ta vẫn thắng. Vua Quang Trung cho lính ghép ván bện rơm tẩm nước, cứ ba người khiêng một tấm, giắt dao ngắn xông lên đỡ đạn cho hai mươi quân lính mang khí giới theo sau, đến sát mặt thành thì ngả ván tràn vào. Giặc đạp, xô đẩy nhau chết rất nhiều ở đầm Mực. Nữ danh tướng Bùi-thị-Xuân là người đi tiên phong trong đoàn đại quân của Quang Trung Hoàng Đế phá bung thành Đống Đa. Trong tiếng reo hò phá vỡ thành Thăng Long, Bình Nam Đại Tướng Quân Tôn-Sĩ-Nghị chạy trốn về Tàu quên cả ấn tín, mật chỉ…mà chưa tin là còn sống. Trong tiếng quân reo hò phá vỡ thành Thăng Long, người dân Hà Nội luôn luôn nhìn thấy các danh tướng anh hùng Võ văn Dũng, Ngô văn Sở, Phan văn Lâu, Đặng văn Châu, Trần quang Diệu, nữ danh tướng Bùi-thị-Xuân…đi tiên phong một cách oai phong, lẫm liệt.
Mùng 5 Tết, Quang Trung vào Thăng Long cho ba quân làm lễ khai hạ. Sau đó cho đắp thành Hà Nội gọi là Bắc Thành.
Ngọc Hân Công Chúa:
Vua Quang Trung băng hà vào năm Nhâm Ty’ (1792), Ngọc Hân Công Chúa là con út của vua Lê Hiển Tôn. Năm Bính Ngọ (1786) kết duyên cùng Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ và được phong làm Bắc Cung Hoàng Hậu (1788) tục gọi là Chúa Tiên.
Bà sống với chồng được 7 năm, sinh hạ một trai và một gái. Nhà Tây Sơn đổ, bà đem con vào ẩn tại Quãng Nam, bị điềm chỉ, bà và hai con bị Chúa Nguyễn bắt đem giết. Bà làm rất nhiều thơ quốc âm nhưng đều bị thất lạc, chỉ còn lại hai bài: Văn tế Vua Quang Trung và khóc Vua Quang Trung.
Khóc vua Quang Trung: “Buồn theo nhẽ sương rơi, gió lọt! Cảnh đìu hiu, thánh thót châu sa. Tưởng lời di ngữ thiết tha, Khóc nào nên tiếng, thức mà cũng mê. Buồn thay nhẽ xuân về, hoa ở! Mối sầu này, ai gỡ cho xong? Quyết liều mong vẹn chữ tòng, Trên lương nào ngại, giữa dòng nào e? Còn trứng nước, thương vì đôi trẻ, Chữ thâm tình, không nhẽ bỏ đi. Vậy nên nấn ná ngày trì, Hình dường như ở, hồn thì đã theo. Năm canh luống chiêm bao lẩn quất, Mơ tưởng còn phảng phất thiên nhan. Tiếng say trên gối, trước màn, Khi mê dường thấy, khi tàn lại không. Nhà ngọc vũ tiếng đồng văng vẳng, Khúc quân thiều sao vắng âm hao? Mơ màng luống những khát khao, Ngọc kinh chốn ấy, ngày nào tới nơi? Tưởng thôi, lại bồi hồi trong dạ, Nguyện đồng sinh, sao đã kíp phai? Xưa sao sớm hỏi, khuya vời, Nặng lời vàng đá, cạn lời tóc tơ? Bây giờ bỗng thờ ơ lặng lẽ, Tình cô đơn, ai kẻ biết đâu! Xưa sao gang tấc gần chầu, Trước sân phong nguyệt, trên lầu sinh ca? Bây giờ bỗng cách xa đôi cõi, Tin hàng huyên khôn hỏi thăm lênh! Nửa cung gẫy phím cầm lành, Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ! Nghĩ nông nổi ngẩn ngơ đôi lúc, Tiếng tử qui thêm giục lòng thương. Não người thay, cảnh tiêu lương! Dạ thường quằn quại, mắt thường ngóng trông. Trông mé đông, lá buồm xuôi ngược, Thấy mênh mông những nước cùng mây. Đông rồi, thôi lại trông tây, Thấy non chất ngất, thấy cây rườm rà. Trông nam, thấy nhạn sa lác đác, Trông bắc thời ngàn bạc màu sương. Khắp trông trời đất bốn phương, Cõi tiên khơi thẳm, biết đường nào đi.
Nữ danh tướng Bùi thị Xuân: Bùi thị Xuân (không rõ-1802) quê ở làng Xuân Hòa, xã Bình Phú, huyện Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Chưa rõ tên cha mẹ, chỉ biết bà là cháu thái sư Bùi đắc Tuyên. Bà là người phụ nữ xinh đẹp, nhờ sớm học võ với đô thống Ngô Mạnh nên bà rất giỏi võ nghệ, nhất là môn song kiếm. Chuyện kể rằng, trên đường đến Tây Sơn tụ nghĩa. Trần quang Diệu đã đánh nhau với một con hổ lớn, hung dữ. Nhân đi qua đây, bà Xuân đã rút kiếm xông vào cứu trợ. Quang Diệu bị hổ vồ trọng thương nên phải theo bà về nhà chữa trị. Sau hai người thành gia thất rồi cùng nhau về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến khu Phú Lạc. Nhờ vào tài nghệ về chiến thuật, binh bị cộng với lòng dũng cảm, vợ chồng bà nhanh chóng trở thành những tướng lãnh trụ cột, góp công lớn trong công cuộc đánh đuổi quân Mãn Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789) và so tranh quyết liệt với quân Nguyễn Ánh hơn 10 năm.
Vua Quang Trung đột ngột băng hà vào ngày 29 tháng 7 năm 1792. Bà Xuân và chồng, con, bị quân Nguyễn Ánh bắt được ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Khi nghe bà bị bắt, Nguyễn Ánh sai người đem đến trước mặt hỏi giọng đắc chí: “Ta và Nguyễn Huệ ai hơn?”. Bà trả lời: “Chúa công ta; tay kiếm tay cờ mà làm nên sự nghiệp. Trong khi nhà ngươi đi cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Tàu làm tan nát cả sơn hà, cùng đều bị chúa công ta đánh cho không còn manh giáp. Đem so với chúa công ta, nhà ngươi chẳng qua là ao trời nước vũng”. Ánh gằn giọng: “Ngươi có tài sao không giữ nổi ngai vàng cho Cảnh Thịnh?”. Bà đáp: “Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh. Nhà ngươi khó mà đặt chân được tới đất Bắc Hà”.
Ngày 6 tháng 11 năm Nhâm Tuất (20-11-1802), vua tôi nhà Tây Sơn trong đó có Bùi thị Xuân cùng chồng con bị đưa ra pháp trường tại Phú Xuân. Chồng bà bị xử tội lột da, còn bà cùng con gái độc nhứt 15 tuổi tên Trần Bích Xuân bị xử voi đày (bãi chém An Hòa, ngoại ô Huế, ở đó khoảng 200 tướng lãnh của nhà Tây Sơn đã hiên ngang ra pháp trường).
Theo tư liệu của một giáo sĩ phương Tây De la Bissachère viết năm 1807-người có dịp chứng kiến cuộc hành hình-đã miêu tả tóm lược như sau:
“Đứa con gái trẻ của bà Bùi thị Xuân bị lột hết y phục. Một thớt voi từ từ tiến đến. Cô gái biến sắc rồi mặt trắng bệt như tờ giấy. Nàng ngoảnh mặt nhìn mẹ, kêu thất thanh. Bà Xuân nghiêm mặt trách: “Con phải chết anh dũng để xứng đáng là con của ta”. Đến lượt bà, nhờ lớp vải ở bên trong quấn kín thân thể, nên tránh khỏi sự lõa lồ. Và bà rất bình thản bước lại trước đầu voi hét một tiếng thật lớn khiến voi giật mình lui lại. Bọn lính phải vội vàng bắn hỏa pháo, đâm cây nhọn sau đít con vật để nó trở nên hung tợn, chạy bổ tới, giơ vòi quấn lấy bà tung lên trời…Nhưng trái với lệ thường, nó không chà đạp phạm nhân như mọi bận mà bỏ chạy vòng quanh pháp trường, rống lên những tiếng đầy sợ hãi khiến hàng vạn người xem hoảng hốt theo”.
Nước Việt Nam hình cong như chữ S, các tỉnh cực Bắc như: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Kay, Lai Châu, Lạng Sơn, Thái Nguyên giáp các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và một phần tỉnh Quảng Đông của Trung Hoa. Nay, một số đã mất vào tay bọn Rợ Hán. Đồng bào ở các vùng này đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh ngoại xâm khốc liệt trong mấy ngàn năm lịch sử, từ giặc Ân, Hán, Nguyên, Minh, Thanh….đến thực dân Pháp. Thời nào có giặc dân ta đều thể hiện tinh thần yêu nước rất mãnh liệt.
Khi đề cập đến các anh thư nước Việt, người ta phải nghĩ ngay đến hai vị anh thư lừng lẫy: Trưng Trắc và Trưng Nhị. Hai Bà sinh trưởng tại làng Hạ Lôi thuộc huyện Yên Lãng chiêu quân mãi mã khởi nghĩa đánh quân Đông Hán và đã được đồng bào khắp nơi hưởng ứng rất đông. Việc cứu nước không của riêng ai và người phụ nữ chân yếu tay mềm đã cầm gươm ra trận: Làng Bích Uyển, huyện Kinh Môn có anh thư Thánh Thiên Công Chúa. Làng An Biên, huyện Đông Triều có anh thư Lê Chân. Hai vị anh thư đều là tướng giỏi, có công rất lớn trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi bọn xâm lược Đông Hán ra khỏi nước. Ngoài ra còn có các anh hùng, anh thư khác như: Thượng Cát, Bạch Hoa Công Chúa, Đào Khang, Hoàng Đạo, Đỗ năng Tế, Giám Sát Đại Vương, Ả Tú, A Huyền, Nhất trung Á, Mai thi Trang, chàng Năm, nàng Năm, Thủy Hải Công Chúa, danh tướng Đô Dương, thị nội tướng quân Phùng thị Chính, Đông Cung Tướng Quân Hoàng Thiếu Hoa, Bát Nàn Công Chúa, Lạc tướng Trương Quản, danh tướng Tam Giang, Trinh Thục Công Chúa, Vĩnh Gia Công Chúa, Vĩnh Hoa Công Chúa, Đinh Bạch Nương….đã làm cho những tên thổ phỉ Tô Định và Mã Viện sợ đến mửa mật chạy về Tàu. Đến thời Pháp thuộc chúng ta cũng đã có những vị anh thư lỗi lạc như: Đặng thị Nhu (vợ nhà cách mạng Hoàng hoa Thám), bà hàng cơm Nguyễn thị Ba, anh thư Đỗ thị Tâm, Nguyễn thị Giang (người phủ Lạng Thương) và người chị là anh thư Nguyễn thị Bắc (trên đường vào làng Thổ Tang –Vĩnh Yên, có một cây đa cổ thụ, anh thư Nguyễn thị Giang đã dùng súng tự vẫn tại gốc cây đa này ngày 18-6-1930. Sau khi chứng kiến cảnh thực dân Pháp hành quyết hôn phu là anh hùng Nguyễn thái Học cùng với 12 chiến hữu khác ở Yên Báy), anh thư Lê thị Đàn, anh thư Thái thị Huyện tức cụ bà Phan Bội Châu, anh thư Võ thị Quyền (vợ anh hùng Trần cao Vân)..v.v..và ..v.v…Tất cả các vị anh thư kể trên đã biểu lộ lòng yêu nước nồng nàn, chỉ muốn: “Cỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng kình ở Biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối”.
Hai Bà Trưng đã quyết chiến đấu đến cùng, và hy sinh tánh mạng trên chiến trường vì nền độc lập của dân tộc chúng ta.
Hai Bà Trưng là trường hợp người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử thế giới nổi lên sớm nhất chống lại quân ngoại xâm giành lại nền độc lập cho dân tộc. Đó là một sự hy sinh vĩ đại của một bậc nữ lưu mà cổ kim Đông Tây không thấy có, và đời đời dân tộc Việt tưởng nhớ ghi ơn.
Khi đọc đoạn sử về Hai Bà Trưng, Vua Tự Đức đã ngự phê: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm dư!”.
Ngày nay, dưới sự cai trị tàn bạo của tập đoàn bán nước tại Hà Nội, cam tâm làm nô lệ cho bọn thổ phỉ Tàu cộng; Chúng ta cũng đang có rất nhiều anh hùng, anh thư như: Hồ thị Bích Khương, Huỳnh thục Vy, Trịnh kim Tiến, Vũ phương Anh, Trần khải thanh Thủy, Lê thị Công Nhân, Trần huỳnh Duy Thức, Nguyễn tiến Trung, Vi Đức Hồi, Nguyễn hoàng Quốc Hùng, Đoàn huy Chương, Thích quảng Độ, Nguyễn xuân Nghĩa, Nguyễn công Chính, Cù huy Hà Vũ, Đỗ thị Minh Hạnh, Tạ phong Tần, Linh mục Nguyễn văn Ly’, Bùi thị minh Hằng, Mẹ Nấm, Nguyễn văn Hải, Nguyễn việt Chiến, ca nhạc sĩ Việt Khang, kỹ sư Đỗ nam Hải..v.v…và ..v.v…
Tại hải ngoại, con em của chúng ta (thuộc thế hệ thứ hai) đã thành công vượt bực trên mọi lãnh vực. Đặc biệt trên lãnh vực quân sự, chúng ta có những vị đại tá (sẽ lên tướng trong một thời gian rất gần) đang giữ những chức vụ quan trọng trong quân lực Hoa Kỳ: Các đại tá: Nguyễn mạnh Hùng, Lương xuân Việt, Huỳnh Trần Mylene, Paul Đoàn, Trần ngọc Nhung, Phan Phan,, Thu Phan Getka, Hà văn Thịnh, Châu hành Hữu, ….Các trung tá: Lê Bá Hùng, Dương hữu Ngân, Đặng văn Chín, Hoàng ngọc Tuấn, Thomas Nguyễn, Thomas Trần, ….Các thiếu tá: Elizabeth Pham, Phan thành Chinh, Christopher Phan…
Trước khi bạn đọc tiếp, tôi xin gửi hầu bạn những điều sau đây mong rằng bạn đọc đi, đọc lại để suy ngẫm, và để ý thức trách nhiệm đối với bản thân:
*Một tháng ngồi trách móc sao bằng một giờ hoạt động. Giờ ấy làm cho lòng ta nhẹ và túi ta nặng.
*Mười lần thì có chín lần thành công nhờ sự tin và sự tận tâm làm việc.
*Nền không chắc mà tường cao, thì sự sụp đổ nằm sẵn nơi đó rồi.
*Lòng ham muốn không nên quá tự do, vui thú không nên quá cực độ.
*Trong thiên hạ có 3 cái nguy: Đức ít mà được ưng ủng nhiều-Tài kém mà ở địa vị cao- Thân không lập được công to mà bổng lộc nhiều.
*Tôi đã tạo hạnh phúc cho tôi bằng cách hạn chế sự ham muốn hơn là làm thỏa mãn nó.
*Thiếu phương pháp thì người tài cũng lỗi. Có phương pháp thì người tầm thường cũng làm được việc phi thường.
*Sự thành công ở trên đời do tay những người năng dậy sớm.
*Quân tử đối với người trên không nịnh. Đối với người dưới thì không khinh.
*Ngày nào tôi không làm việc, tôi có cảm tưởng như đã phạm tội ăn cắp.
*Đánh thắng một vạn quân, không bằng tự thắng lòng mình.
*Hành động là phát triển nghị lực của ta.
*Chiến đấu mà không gian nan thì chiến thắng không vinh hiển.
*Tướng giỏi sau khi thắng trận không cần ai khen, và cũng không cần ai biết đến công lao.
*Đừng đợi cơ hội thuận tiện, phải biết tạo ra nó.
*Biết y’ chí của toàn dân, đoàn kết trên dưới một lòng thế là thắng lợi.
*Than khóc, van xin đều hèn nhát. Anh hãy anh dũng chu toàn nhiệm vụ khó nhọc lâu dài.
*Ta không nên sợ kẻ thù công kích ta mà nên sợ người bạn nịnh ta.
Bà Triệu: Ngày nay, ở Thanh Hóa vẫn còn lăng Bà Triệu với hội thờ vào ngày 21-2 (Âm Lịch), tương truyền là ngày mất của người nữ anh hùng Bà Triệu, hay nàng Trinh (Triệu trinh Nương, Triệu thị Trinh) của truyền thuyết dân gian người miền núi Quân Yên, quận Cửu Chân.
Quân Yên, trái núi đó vẫn giữ tên gọi ấy cho đến tận ngày nay, đứng sừng sửng bên bờ sông Mã gần ngã ba Bông, thuộc địa phận Hợp Tác Xã Định Công của tỉnh Thanh Hóa.
Thôn Cẩm Trướng thuộc xã Định Công có truyền thuyết “đá biết nói” như sau: Vùng núi này có con voi trắng một ngà rất dữ tợn hay về phá hoại mùa màng, mọi người đều sợ. Để trừ hại cho dân, Bà Triệu cùng chúng bạn đi vây bắt voi, lùa voi xuống đầm lầy (vùng sông Cầu Chầy ngày xưa còn lầy lội) rồi dũng cảm nhảy lên cưỡi đầu voi và cuối cùng đã khuất phục được con voi hung dữ. Chú voi trắng này sau trở thành người bạn chiến đấu trung thành của Bà Triệu. Nghĩa quân Bà Triệu, những ngày đầu tụ nghĩa, đã đục núi Quân Yên, bí mật cho người ngồi trong hốc đá, đọc bài đồng dao: “Có Bà Triệu tướng-Vâng lệnh trời ta-Trị voi một ngà- Dựng cờ mở nước- Lệnh truyền sau trước- Theo gót Bà Vương”.
1, 2
Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử
Trúc-Lâm Yên-Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử