Vở phường chèo vừa hạ màn thứ nhất!
Âu Dương Thệ (gửi Danlambao)
* Vì đâu Nguyễn Phú Trọng lại có tật giật mình?
* Tại sao được Hồ Cầm Đào ưu ái đặc biệt?
* Tăng cường âm binh và cai tư tưởng, báo chí nuôi ý đồ gì?
Mặc dầu đã công phu tính toán chọn ngày “tứ quí” (11.1.2011) làm ngày mở hội, nhưng cũng đúng vào dịp này Hà Nội đã rơi vào cái cực lạnh ít có, nhiều ngày lại có sương mù bao phủ dầy đặc không còn thấy lối đi! Cái lạnh của bên ngoài lại tiếp thêm sự nguội lạnh và vô cảm của những người chủ chốt khiến cho không khí các buổi họp của Đại hội lại càng trở nên lạnh lẽo, hời hợt. Cả tới thiên nhiên cũng còn biết chống lại. Điều này nói lên tín hiệu gì?
Sau 9 ngày trình diễn ngày 19.1 Nguyễn Phú Trọng, người đạo diễn đồng thời cũng đóng vai chính, đã tuyên bố bế mạc màn thứ nhất và sau đó đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên trong tư cách tân Tổng bí thư. Mở đầu cuộc họp báo ông Trọng nói là “hồi hộp tới phút chót” và ông phân bua với các nhà báo là „lần đầu nghe được gọi là Tổng bí thư hãy còn ngượng…“Chẳng những thế Nguyễn Phú Trọng còn phân bua là ông làm”không nghĩ mục đích tạo dấu ấn, không phải để đánh bóng”.
Những người quan sát thời cuộc VN, đặc biệt về các nhân vật đang có quyền lực, thì lại khám phá một hiện tượng trái ngược trong giới này, nói theo cách dân dã thì đó là thái độ nói vậy nhưng không phải là vậy. Chẳng hạn khi hoạt náo viên Nguyễn Tấn Dũng được bầu làm Thủ tướng, trong cuộc nói chuyện trực tuyến (online) đầu tiên (9.2.07), khi được hỏi “ông yêu điều gì nhất và ghét cái gì nhất?”thì Nguyễn Tấn dũng đã hả hê trả lời ngay là “Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực và tôi cũng ghét nhất, giận nhất là sự giả dối.”
Nhưng suốt từ 2006 tới nay người ta lại thấy hoàn toàn ngược lại, Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng thích nổ và dối trá nhất từ trước tới nay, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn trong mọi lãnh vực: Đối với báo chí thì ông bảo là VN đang có chế độ tự do báo chí nhất. Nhưng ông lại ra lệnh báo chí “phải đi lề phải” và ra quyết định không cho các chuyên viên, nhân sĩ được quyền phản biện công khai! Trong vụ tập đoàn Vinashin dưới quyền lãnh đạo của ông, nhưng đã gây ra món nợ khủng khiếp cho ngân sách quốc gia trên 86.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD), ra trước Quốc hội ông nhận trách nhiệm, nhưng vẫn không chịu từ chức mà trái lại nay lại vẫn ngồi chỗm chệ trong Bộ chính trị và có thể bám cái ghế Thủ tướng tiếp.
Nguyễn Phú Trọng không muốn tự “đánh bóng”?
Trở về trường hợp người đứng đầu mới của chế độ độc tài toàn trị, Nguyễn Phú Trọng tuyên bố, ông không muốn tự “đánh bóng” mình. Nhưng tại sao ngay trong cuộc họp báo đầu tiên trong tư cách là Tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng đã phải tự phân bua như vậy? Có tật giật mình hay sao? Nghĩa là nhiều giới đã thấy ông Trọng là con người nói vậy mà không là vậy, nói một đằng làm một nẻo, người đeo nhiều bộ mặt? Những người ranh mãnh thì thường có những câu nói ngọt sớt, nhưng ngọt lọt tới xương, như tục ngữ của VN đã cảnh báo!
Thông thường nếu một chính khách làm tốt có lợi ích cho nhân dân và đất nước thì được người dân kỉnh nể, dư luận ca ngợi, họ không cần phải tự đánh bóng. Trái lại, những người có tâm địa đen tối lại hay nói ngọt ngào, làm những cử chỉ và hành động có vẻ như rất dân chủ, đạo đức… Tất cả chỉ nhằm mục đích “đánh bóng”, tức là tìm cách che lấp tâm địa đen tối của mình.
Nếu theo dõi sát các hoạt động của Nguyễn Phú Trọng trong thập niên vừa qua thì nổi bật lên các điểm: 1. Ông là nhân vật có tư tưởng cực kì bảo thủ. Ngay từ giữa thập niên 90 khi còn làm Tổng biên tập Tạp chí CS ông Trọng đã về phe với cánh bảo thủ trong Bộ chính trị buộc tội Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ấy là “Phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ là phủ nhận Đảng từ bản chất; xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ là phá hoại sức mạnh của Đảng từ gốc”. Vì trong thư 22 trang ngày 9.8.1995 gởi Bộ chính trị ông Kiệt đã phê bình và tố cáo nhiều việc, trong đó tệ hại nhất là tệ trạng mất dân chủ và vô trách nhiệm ngay trong cấp cao nhất và đòi phải từ bỏ nguyên tắc lãnh đạo tập trung dân chủ. Cho tới nay ông Trọng vẫn giữ nguyên lập trường cực kì bảo thủ và phản động này. Bằng chứng mới đây nhất và tập trung nhất là Bản cương lĩnh 2011 do chính Nguyễn Phú Trọng là tác giả vừa được Đại hội 11 thông qua. Trước đó ngay cả nhiều cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu trong cuộc “Hội thảo khoa học” 7.10.2010 đã phải gọi các tư tưởng trong Bản cương lĩnh này là “lỗi thời”, “ảo tưởng”, “phản động“, “giả dối”, “tự lừa dối”(2). Nguyễn Phú Trọng cũng là người thần phục Bắc Kinh. Trong những năm đứng đầu ngành tư tưởng ông Trọng là người khai trương cho các cuộc Hội thảo định kì giữa hai ĐCS VN và Trung quốc để Hà nội dựa vào Bắc kinh và học cách cai trị của Bắc kinh. Gần dây nhất ông còn ngăn cản đòi hỏi đưa ra Quốc hội thảo luận về tình hình căng thẳng ở biển Đông do việc Bắc kinh gia tăng các hành động gây hấn và xâm lấn. Câu nổi tiếng của ông Trọng chống lại đòi hỏi này là về tình hình biển Đông “không có gì mới”.
Ông Trọng biết rõ đây là những dấu ấn chính trị nguy hiểm và rất bất lợi cho uy tín của mình ở trong Đảng và ngoài xã hội, nhất là trong các tầng lớp trí thức, chuyên viên, văn nghệ sĩ và thanh niên.
Chính vì thế để tìm cách xoa dịu dư luận trong xã hội và làm yên lòng các đảng viên, Nguyễn Phú Trọng đã dùng chức Chủ tịch Quốc hội để tự đánh bóng mình về mặt đối ngoại cũng như đối nội. Trong suốt hơn bốn năm làm Chủ tịch Quốc hội ông Trọng đã đi thăm nhiều nước và mời nhiều lãnh tụ các nước khác thăm. Hoạt động ngoại giao ồn ào của Quốc hội thời ông Trọng chưa từng có trước đây. Đầu năm 2010 ông còn thân hành thăm Ấn và Nam Dương, hai nước Á châu có tiếng không có thiện cảm với Bắc kinh. Chọn lựa tính toán này cốt để “đánh bóng” tiếng xấu người thần phục Bắc kinh!
Ngoài ra, Nguyễn Phú Trọng còn chủ ý biến các cuộc chất vấn trong Quốc hội vừa để đánh bóng mình trước dư luận, vừa để dằn mặt đối thủ chính trị ngay trong Bộ chính trị. Trong các cuộc chất vấn này không chỉ một số bộ trưởng mà cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phải ra tường trình như trong hai vụ nổi tiếng bác “Dự án đường xe lửa cao tốc” trong kì họp thứ 7 và “Tập đoàn Vinashin” trong kì họp thứ 8 vừa qua. Các buổi đấu khẩu trước Quốc hội này đã làm một phần dư luận lạc quan tin rằng, Quốc hội đang có thực quyền. Nhưng nếu theo dõi kĩ hơn thì thấy đây chỉ là những trò múa rối giữa đạo diễn và vài hoạt náo viên. Bởi vì “Dự án đường xe lửa cao tốc” tuy đã bị Quốc hội bác, nhưng nay lại vẫn được tiến hành. Đấy là chưa kể nay đang có các nguồn tin là ông Trọng đã hoãn dự án này với Nhật để dọn đường cho dự án với Bắc kinh. Còn trong vụ Vinashin, chính Nguyễn Phú Trọng đã bác không cho Quốc hội lập Ủy ban điều tra và tuy Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố nhận trách nhiệm, nhưng nay lại vẫn ngồi trong Bộ chính trị mới, như đã trình bày ở phần trên.
Nguyễn Phú Trọng là chính khách dân chủ?
Cũng trong cuộc họp báo đầu tiên tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn hả hê tự khen các cuộc bầu bán các chức vụ trong ba cơ quan cao nhất của Đảng là Bộ chính trị, Ban bí thư và Trung ương đảng rằng:
“Đây là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị, thảo luận, lắng nghe rất kỹ lưỡng, nghiêm túc. Sự thành công của Đại hội tạo ra niềm tin mới, khí thế mới, một sự thống nhất, đoàn kết, dân chủ thực sự chứ không phải là dân chủ hình thức”
Ở đây không hiểu vì sao ông Trọng cũng phải lập lại “dân chủ thực sự chứ không phải dân chủ hình thức“, phải chăng vẫn bị bệnh tâm lí có tật giật mình, nói không đánh bóng nhưng thực ra lại cố tình đánh bóng như trên, nói “dân chủ thực”,nhưng lại chính là dân chủ cuội! Đâu là sự thực?
Trong sinh hoạt chính trị ở các nước dân chủ đa nguyên, như ở Đức chẳng hạn, các đảng bộ địa phương của các chính đảng lớn Dân chủ Xã hội (SPD) hay Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) được độc lập trong việc hoạch định nhân sự, các chương trình và kế hoạch liên quan tới địa phương; các việc ứng cử, đề cử và bầu các cơ quan của đảng bộ là thuộc toàn quyền của đảng viên ở địa phương; việc chọn các đại biểu đi dự đại hội đảng toàn quốc là quyền độc lập của đảng bộ địa phương. Chủ tịch đảng hay các nhân vật ở trung ương của đảng tham dự các đại hội đảng ở địa phương chỉ tới với tư cách là khách được mời, chứ không được chủ trì hay giữ vai chỉ đạo trong các cuộc họp của đảng bộ địa phương. Với nguyên tắc làm việc và sinh hoạt dân chủ thực sự này luôn luôn tạo nên một sinh khí sinh động, tranh đua dân chủ, các đảng viên có uy tín và khả năng thực sự thường trúng cử với số phiếu phù hợp với tỉ lệ tín nhiệm, còn các nhân vật tai tiếng đều bị phê bình nghiêm khắc và phải rút lui hay bị bất tín nhiệm của đảng viên hay cử tri. Chính sự sinh hoạt dân chủ và công khai trong các chính đảng ở các xã hội dân chủ đa nguyên là sự khuyến khích những đảng viên có năng lực và đạo đức thực sự, đồng thời là phương pháp kiểm soát hữu hiệu nhất để loại trừ những phần tử xôi thịt và lạm quyền.