CSVN họp gấp hội nghị 15: Nhân sự đảng chóp bu thay đổi phút chót?
HÀ NỘI 9-1 (TH) - Ngày 9 tháng 1, Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN bất ngờ họp gấp trong một ngày mặc dù trước đó đã “nhất trí thông qua danh sách để giới thiệu với đại hội lần thứ XI của đảng” từ ngày 12 đến ngày 22 tháng 12, 2010.
Bản tin của báo điện tử đảng CSVN ngày 9 tháng 1, 2011 nói rằng phiên họp kỳ thứ 15 ngày 9 tháng 1, 2011 chỉ kéo dài trong một ngày “để xem xét lần cuối các công việc chuẩn bị cho Ðại hội XI của đảng”.
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái), chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng (thứ nhì bên trái) và tổng bí thư đảng Cộng Sản Nông Ðức Mạnh (phải) trước lúc khai mạc cuộc họp Quốc Hội hồi tháng 5, 2010. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Ðại hội đảng CSVN tổ chức 5 năm một lần, bắt đầu vào ngày Thứ Tư 12 tháng 1 năm 2011, để bầu bán chiếu lệ theo sự “giới thiệu” mà thật sự là sự áp đặt những người sẽ ngồi vào Bộ Chính Trị, và các chức vụ cao nhất, từ tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch Quốc Hội.
Hành động phải có thêm một cuộc họp nữa để “chốt” thành phần nhân sự dù đã “nhất trí” là dấu hiệu những sự tranh chấp địa vị vẫn còn diễn ra.
Trong bài diễn văn đọc kết thúc cuộc họp kỳ 15 của ban chấp hành trung ương đảng, ông Nông Ðức Mạnh kêu gọi các đảng viên, chỉ còn vài ngày nữa khai mạc, “gác mọi riêng tư, làm hết sức mình cho sự thành công của đại hội”.
Phụ họa lời ông tổng bí thư, báo đảng CSVN có lời ca ngợi “Hội nghị lần thứ 15 ban chấp hành trung ương khóa X thành công tốt đẹp.”
Nhưng liệu cuộc tranh chấp nội bộ đảng đã coi như ngã ngũ chưa? Ông Carl Thayer, chuyên viên các vấn đề Việt Nam thường được báo chí khắp nơi phỏng vấn, từng cho rằng phải đợi đến khi công bố mới biết đích xác.
Hãng thông tấn AFP hôm Chủ Nhật dựa vào một nguồn tin nội bộ đảng CSVN gián tiếp nói rằng cả Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang đều nhắm vào ghế tổng bí thư. Nhưng hai người này vì tranh nhau, không muốn người kia vào ghế đó nên đã dẫn đến sự thỏa hiệp đưa một người khác là Nguyễn Phú Trọng vào ngồi.
Theo sự thỏa hiệp ngầm, tuy Nguyễn Tấn Dũng vẫn ngồi làm thủ tướng còn Trương Tấn Sang làm chủ tịch nước, cả hai chức danh này sẽ có nhiều thực quyền hơn.
Nguyễn Tấn Dũng đã phải đấu tranh kịch liệt trước những đả kích dữ dội về chống tham nhũng thất bại và nhất là sự sụp đổ của “quả đấm thép” Vinashin.
Không bị hất khỏi ghế thủ tướng và Bộ Chính Trị, điều này cho thấy phe cánh của Nguyễn Tấn Dũng còn rất mạnh. Liệu có thể xảy ra một cuộc 'đảo chính' ở Ba Ðình hai ba năm nữa khi đảng họp giữa kỳ?
Một nhân vật theo dõi sát thời sự Hà Nội cho rằng chuyện này có thể xảy đến. Năm nay, cả hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang đều 61 tuổi, và nếu chờ 5 năm nữa, có thể bị ép nghỉ hưu và sẽ không còn cơ hội làm tổng bí thư.
Khi báo Asahi Shimbun tiết lộ hồi giữa tháng 12 năm 2010 (lúc trung ương đảng đang họp) mấy chức danh chóp bu, nhiều người tin rằng sự tiết lộ này có vẻ như một sự cố tình để thăm dò phản ứng dư luận. Người ta không thấy có tin tức gì được tiết lộ từ ngày họp Chủ Nhật 9 tháng 1, 2011.
Cách đây ít ngày, một nguồn tin từ Hà Nội cho nhật báo Người Việt hay, người nhiều phần sẽ lên làm chủ tịch Quốc Hội là Nguyễn Sinh Hùng (hiện là phó thủ tướng thường trực) chứ không phải là Phạm Quang Nghị (hiện đang là bí thư thành ủy Hà Nội) như Asahi Shimbun nhìn thấy trên một bản dự thảo danh sách.
Tuần qua, người ta thấy xuất hiện ở trên một số mạng thông tin điện tử, trong đó có mạng Ðối Thoại, ba lá thư không rõ xuất xứ. Một lá thư ký tên 2 cựu tổng bí thư Ðỗ Mười và Lê Khả Phiêu, cựu Thủ Tướng Phan Văn Khải và 4 đảng viên cao cấp khác giới thiệu Nguyễn Minh Triết vào ghế tổng bí thư. Một bức thư của 5 cựu tướng lãnh đả kích Nông Ðức Mạnh chuyên quyền, tư lợi, chỉ trích việc đưa Nguyễn Phú Trọng lên làm tổng bí thư dù không đủ tỉ lệ phiếu bầu cao. Một bức thư ký tên Lê Khả Phiêu và Nguyễn Ðức Bình tố cáo cựu Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An “đi ngược đường lối chính trị của đảng”.
Ông An qua mấy cuộc phỏng vấn phổ biến trên VietNamNet/Tuần Việt Nam, cho rằng phải đổi mới hệ thống chính trị và phải luật hóa đảng cầm quyền.