THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 8.11.2010
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ gửi thư đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phản kháng việc đàn áp Thương phế binh không cho nhận quà tại Quảng Trị - Bản tường trình sự việc
PARIS, ngày 8.11.2010 (PTTPGQT) - Cuối tháng 10 vừa qua, Hòa thượng Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện – Xã hội, Viện Hóa Đạo, đến chùa Phước Huệ, tỉnh Quảng Trị để phát quà cho các Thương phế binh Việt Nam Cộng hòa cũ. Thế nhưng hàng chục Công an và Dân phòng đã tấn công chùa Phước Huệ ngăn cản việc phát quà, câu lưu Đại đức Thích Từ Giáo, trú trì chùa Phước Huệ.
Sau đây là thư Phản kháng của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, gửi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và bài tường thuật của Huynh trưởng Lê Công Cầu về cuộc đàn áp ở Quảng Trị :
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO
Thanh Minh Thiền Viện, 90 Trần Huy Liệu, P. 15, Q. Phú Nhuận, TP. Sài gòn
-------------------------------------------------------------------------
Phật lịch 2554
Số: 13/VHĐ/VT
Thư Phản kháng về việc Công An đàn áp Thương Phế Binh không cho nhận quà
Kính gửi :
Ông Nguyễn Tấn Dũng,
Thủ tướng nước CHXHCNVN
Phật Lịch 2554 - Sài gòn, ngày 01.11.2010
Thưa Thủ tướng,
Việt Nam bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp ý thức hệ quốc tế làm cho đất nước bị chia đôi. Đảng Cộng sản miền Bắc vì theo đuổi chủ thuyết Mác-Lênin, muốn nhuộm đỏ Miền Nam bằng bạo lực, gây ra cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, làm cho dân tộc Việt Nam phải hứng chịu bao đau thương tang tóc.
Vào thế kỷ 19, Hoa Kỳ đã có một cuộc nội chiến. Ngay sau khi chiến thắng, các sĩ quan và binh sĩ miền Bắc, được lệnh không có bất cứ hành động nào vô lễ với sĩ quan và binh sĩ miền Nam bại trận. Vì nhân dân và chính giới Hoa Kỳ hiểu rằng, khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay Mỹ miền Bắc, người Mỹ nói chung đang bị sỉ nhục. Nên trong cuộc nội chiến tại Hoa Kỳ được thua thì cũng vẫn là nước Mỹ và người Mỹ. Khi chiến tranh chấm dứt, không có tù binh, không có trại tập trung cải tạo, ai về nhà nấy, cùng nhau xây dựng lại quê hương.
Hơn một thế kỷ sau, tại Việt nam, với chủ thuyết vô thần, vô gia đình, vô tổ quốc, với lòng hận thù đấu tranh giai cấp, Nhà cầm quyền Cộng sản miền Bắc, sau ngày chiến thắng, không noi theo gương sáng của Hoa Kỳ, đã bắt hàng trăm ngàn sĩ quan, binh sĩ bại trận miền Nam bỏ vào nhà tù dưới mỹ từ “trại học tập cải tạo” để trả thù, đày đoạ cho đến chết. Ai còn may mắn, sống sót, đều đau ốm, tật nguyền, sống lê lết qua ngày bên lề xã hội, chẳng ai thương xót, đoái hoài.
Vừa qua, Hoà thượng Thích Không Tánh, Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Từ Thiện Xã Hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) ra chùa Phước Huệ, tỉnh Quảng Trị, thay mặt cho những người có tấm lòng vàng, gửi quà cho anh em Thương Phế Binh Việt Nam Cộng hòa, món quà tình thương cao quí của những người dân Việt ly hương, thương về những mảnh đời đau khổ nơi quê nhà.
Từ sáng tinh mơ, có người lê đôi nạng gỗ từ Cam Lộ về đến Đông Hà, có người gồng mình với chiếc xe lăn từ Gio Linh đến Chùa Phước Huệ, nơi hội ngộ của tình thương, hy vọng nhận được món quà mọn sưởi ấm gia đình. Thế nhưng niềm hy vọng nhỏ nhoi đã tan thành mây khói khi hàng chục công an, dân phòng tấn công chùa Phước Huệ, xua đuổi, giải tán những con người tàn tật, làm náo loạn chốn thiền môn.
Xuyên suốt lịch sử bi thương nhưng hào hùng của dân tộc Việt, từng chịu đựng bao lần ngoại xâm, bao phen nội chiến, nhưng chưa có một triều đại nào nuôi dưỡng lòng hận thù dân tộc lâu như chế độ hiện nay. Chiến tranh đã chấm dứt hơn 35 năm mà lòng thù hận vẫn chưa nguôi, nhẫn tâm tước đoạt cả hạnh phúc nhỏ nhoi của người phế binh bên lề cuộc sống, dẫu trong quá khứ họ là đối phương nhưng nay đã là những người tàn phế.
Để giữ gìn truyền thống văn hoá khoan hoà, thương yêu, nâng đỡ, đùm bọc lẫn nhau, tôi yêu cầu Thủ tướng hãy cho ngưng ngay những hành động thiếu văn hoá, thiếu đạo đức của Công An đối với những anh em Thương Phế Binh thuộc Việt Nam Cộng hòa cũ.
Trong hoàn cảnh đất nước đang bị ngoại xâm, cần đoàn kết dân tộc trong thể chế đa nguyên, khoan hoà, tiến đến tự do, dân chủ, nhân quyền cho toàn dân mới hy vọng tạo được sức mạnh để cứu nguy tổ quốc.
Trân trọng.
Thanh Minh Thiền Viện, Sai gòn
Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống
kiêm Viện trưởng Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ
-----------------------------------
BÀI VIẾT TỪ HUẾ CỦA HUYNH TRƯỞNG LÊ CÔNG CẦU
NIỀM BI HẬN GỞI ĐẾN ĐỒNG BÀO
Nhân chuyến phát quà cho anh em Thương Phế Binh Quảng Trị
*********
Kính dâng Đại Lão Hòa Thượng Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo và Hội Đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).
Kính trình Thượng Tọa Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo GHPGVNTN
(kính thay bản tường trình và kính chuyển Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để xin phổ biến)
Xin gởi đến Lãnh Đạo Đảng Cọng Sản, Quốc Hội, Nhà Nước và Chính Phủ CHXHCN Việt Nam .
*********
Từ khi cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam, Đảng Cọng Sản đã thiết lập một xã hội mới trên nền tảng đấu tranh hận thù và giai cấp bởi chủ thuyết Max Lénin.
Vì chủ thuyết đấu tranh và hận thù nầy mà hàng vạn quân dân cán chính của chế độ Việt Nam Cọng Hòa đã bị tập trung vào các nhà tù lao động khổ sai dưới mỹ từ “học tập cải tạo”, có người không chịu đựng được khổ nhục, cơ hàn đã vĩnh viễn nằm xuống nơi rừng thiêng nước độc, có người thân tàn ma dại khi mãn hạn tù đày. Nhưng đa số thành phần nầy sau một thời gian đau đớn, tủi nhục trong lao lý, đã được may mắn bù đắp bởi chính sách nhân đạo của Hoa Kỳ, họ ra đi và định cư trên một đất nước tự do và no ấm.
Trong khi đó, đa phần người lính Miền Nam kém may mắn, phải cùng 80 triệu đồng bào “ở lại” quê hương, phải đành cam tâm làm nô lệ : nô lệ cho một chính quyền độc tài đảng trị, hà khắc, tham lam và tàn bạo, phải chấp nhận số phận hẩm hiu. Nhưng cho dù thân phận có hẩm hiu chăng nữa thì tay vẫn có thể làm, hàm có thể nhai, thể hiện bản chất cần cù, nhẫn nại của dân tộc Việt.
Nhưng đau đớn thay, trong cộng đồng hẩm hiu ấy, có một thành phần hẩm hiu hơn hết, đã bị lịch sử lãng quên, đó là thân phận anh thương binh Việt Nam Cọng Hòa, những người tàn phế mà chế độ phi nhân đã cố tình xem như tàn dư của xã hội.
Kể từ sau ngày Cọng Sản hò reo “giải phóng” thì những người thương phế binh Việt Nam Cọng Hòa được “giải phóng” trước tiên, họ bị vất ngay ra ngoài lề xã hội. Không một chính sách nhân đạo, không một chế độ tình thương. 35 năm qua họ kéo lê cuộc sống cơ hàn nhờ sự đùm bọc của người thân nghèo khó, họa hoằn lắm mới gặp được kẻ hảo tâm.
Cảm thương những thân phận đọa đày, Đại Đức Thích Từ Giáo - Chánh Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Tinh Quảng Trị tha thiết muốn có một cuộc hội ngộ anh em Thương Phế Binh, cùng nhau chia xẻ một bữa cơm thân mật, một chút quà mọn an ủi người tàn phế. Đáp ứng nguyện vọng ấy, thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN, Hòa Thượng Thích Không Tánh - Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Từ Thiện Xã Hội đã vội vã lên đường. Vượt qua ngàn cây số trong mưa mùa bão lụt Miền Trung, Hòa Thượng đã đến vùng địa đầu giới tuyến sáng hôm nay (28.10.2010). Nhưng niềm vui hội ngộ chưa thành mà nước mắt người khổ đau lại thêm một lần đổ xuống :
Từ sáng tinh mơ, có người lê đôi nạng gổ từ Cam Lộ về đến Đông Hà, có người gồng mình với chiếc xe lăn từ Gio Linh đến Chùa Phước Huệ, nơi hội ngộ của tình thương. Sau một hành trình mệt nhoc, họ chỉ có một niềm mơ ước nhỏ nhoi là có một bữa cơm no lòng và một chút quà nhỏ mọn sưởi ấm gia đình. Thế nhưng niềm hy vọng nhỏ nhoi đã tan thành mây khói khi hàng chục công an, dân phòng tấn công chùa Phước Huệ, xua đuổi, giải tán những con người tàn tật làm náo loạn cả chốn thiền môn.
Vì an nguy của Hòa Thượng Không Tánh nên lúc nầy Đại Đức Thích Từ Giáo phải đích thân đi đón phái đoàn tận địa giới Quảng Trị. Lợi dụng lúc chủ nhà vắng mặt, bọn người hung hãn với dùi cui, ma trắc, vây chặt chùa Phước Huệ, ngăn cản, xua đuổi những người thương phế binh đến chậm, đồng thời leo rào, xô cửa xông vào đàn áp kẻ thế cô.
Gần 30 thương phế binh đã cùng với chúng điệu trong chùa cố thủ, nhưng dưới sức mạnh của bạo tàn, cổng chùa bung ra, công an, dân phòng tràn vào thẳng tay khống chế những con người bất hạnh, xô họ ra khỏi chùa và buộc họ giải tán. Buồn cười hơn là chúng tung ra chiêu bài kêu gọi các thương phế binh nầy muốn nhận quà thì hãy về trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Phường mà nhận. Nhưng anh em thương phế binh biết rõ đây là độc chiêu của Cọng Sản, nếu ai nghe dụ dỗ mà về, chắc chắn sẽ bị bắt giữ, bị thẩm vấn, nên họ đã ngậm ngùi lặng lẽ rời chùa. Một số thương phế binh gan lỳ ở lại, đã trốn vào phòng ngủ, xó bếp, đều bị xốc nách kéo ra như kéo một tên tội pham không chút nương tay.
Trong khi đó, những chị em Phật Tử cảm thương người bất hạnh nên tự động cùng nhau đến chùa, đi chợ nấu ăn, mong ước những con người khốn khổ nầy có một bữa cơm ngon đầy tình đầy nghĩa, nhưng than ôi niềm vui đã thành niềm bi hận, họ cũng bị khống chế, hăm dọa, xua đuổi không tiếc lời. Công an bắt buộc họ ngừng ngay công việc và phải rời chùa tức khắc, mặc cho cơm đang sôi, canh đang nấu nửa chừng…
Những Phật Tử liên lạc bằng điện thoại với phái đoàn đều nghẹn ngào trong nước mắt, các em yêu cầu Thầy Không Tánh đừng về chùa nữa vì sợ Thầy bị bắt, hơn nữa chùa chẳng còn ai, ngoài một bà già gần 80 tuổi, mẹ của Thầy Từ Giáo, đang một mình chống đỡ với hơn 30 công an, cán bộ và dân phòng. Một cảnh bi thương chỉ có ở thiên đường xã hội chủ nghĩa.
Thưa đồng bào.
Xuyên suốt lịch sử bi thương nhưng hào hùng của dân tộc Việt, từ thời Hùng Vương dựng nước, đến thời tự chủ dân tộc, qua thời phục hưng tổ quốc, trải 4000 năm phong kiến, dẫu có lúc thịnh lúc suy, cũng chịu đựng bao lần ngoại xâm, bao phen nội chiến, nhưng chưa có một triều đại nào nuôi dưỡng hận thù dân tộc như chế độ Cọng Sản đương thời. Chiến tranh đã qua đi hơn 1/3 thế kỷ mà lòng thù hận nguôi, nhẫn tâm tước đoạt cả một chút hạnh phúc nhỏ nhoi của người phế binh bên lề cuộc sống, dẫu trong quá khứ họ là đối phương nhưng nay là những người tàn phế.
Phải chăng đây là đạo đức Cách Mạng, đạo đức của Chủ Tịch Hồ Chí Minh được rao giảng suốt 35 năm qua dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa
Bởi vậy :
Niềm bi hận hôm nay, xin được dâng lên Đại Lão Hòa Thượng Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo và Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN với nguyện ước phát huy cao độ tinh thần Bồ Tát Đạo, đem tình thượng đến tận cùng những số phận hẩm hiu đã bị loại ra khỏi thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa, như hoàn cảnh Thương Phế Binh Việt Nam Cọng Hòa thể hiện sáng hôm nay, cho dù Giáo Hội đang chìm trong Pháp Nạn. Chúng con nguyện chấp nhận khó khăn thừa hành Giáo lệnh để đến với những kẻ khốn cùng.
Niềm bi hận hôm nay xin gởi đến Lãnh Đạo Đảng Cọng Sản Việt Nam với chỉ một ước nguyện duy nhất dù có muộn màng là : XIN HÃY HỌC BÀI HỌC LỊCH SỬ CUỘC NỘI CHIẾN HOA KỲ (tôi xin đính kèm dưới đây (1)) để biết xấu hổ với nhân dân, với cộng đồng thế giới mà chấm dứt ngay lòng hận thù dân tộc, chấm dứt ngay chính sách phân biệt đối xử và chấm dứt ngay những cuộc trả thù nhỏ mọn như sáng sớm hôm nay tại chùa Phước Huệ.
Phật Lịch 2554
Cố Đô Huế, ngày 28 tháng 10 năm 2010
LÊ CÔNG CẦU
Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam
GHI CHÚ QUAN TRỌNG :
Trong khi chúng tôi chuẩn bị gởi văn bản nầy thì được tin chính thức từ Quảng Trị :
- Tối thứ năm 28 tháng 10, sau khi Hòa Thượng Không Tánh rời Quảng Trị, chính quyền đã cho một chiếc xe ben đến áng ngữ suốt đêm trước cổng chùa Phước Huệ, không biết với ý định gì, làm cho tăng chúng rất hoang mang.
- Chiều nay (29.10.2010) lúc 14g30 Đại Đức Thích Từ Giáo đến làm lễ Tiểu Tường cho tư gia đạo hữu Nguyễn Tư tại số nhà 15 đường Nguyễn Du, khu phố 7, phường 5, thành phố Đồng Hà, trong lúc Đại Đức và hai đệ tử đang hành lễ thì bất ngờ đông đảo công an sắc phục có, thường phục có, cùng với dân phòng ập đến bao vây ngôi nhà nói trên.
- Sau khi xong lễ, hai đệ tử của Đại Đức ra về thì bị công an rượt bắt nên phải chạy lui. Sau đó công an ập vào nhà bắt Đại Đức Từ Giáo ra làm việc, sau một hồi tranh cãi, công an buộc Đại Đức phải ký vào biên bản do họ làm sẵn nhưng Đại Đức cương quyết không ký và bỏ vào phòng nằm.
- đến 16g30, Ông Hùng phụ trách phường 5 đã đem khóa đến khóa nhà anh Nguyễn Tư lại, không những nhốt Đại Đức Thích Từ Giáo mà nhốt luôn cả nhà anh Tư, nội bất xuất ngoại bất nhâp.
- Theo lời Đại Đức, có lẽ chính quyền biết cuộc trao quà cho Thương Phế Binh bất thành vì bị khủng bố, nên Hòa Thượng Không Tánh đã trao 26 bì thư (mỗi bì 500.000) cho 26 thương binh đã có danh sách, để Đại Đức đưa đến tận nhà các đối tượng (số phát sinh khoảng 15 người sẽ gởi đến sau). Vì vậy nên chính quyền quyết khống chế để Thầy Không Tánh không thể trao quà đến tận tay thương binh và cũng có thể chính quyền sẽ tìm cách tịch thu số tiền nầy./.
---------------------------------------------------------
(1) BÀI HỌC LỊCH SỬ TỪ CUỘC NỘI CHIẾN HOA KỲ :
Vị tư lệnh miền Bắc ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với ông tướng tư lệnh miền Nam bại trận.
Trưa ngày lịch sử 9 tháng 4-1865, tướng Lee và một đại tá tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến nơi hẹn ước. Hình ảnh ghi lại hai người đi qua đoàn quân nhạc của lính miền Bắc thổi kèn chào đón. Các sĩ quan miền Bắc đưa vị tư lệnh miền Nam vào phòng họp. Nửa giờ sau tướng Grant và luật chiến tranh thời đó, quân miền Nam phải giải giới, tước bỏ khí giới và quân dụng. Tự do trở về quê cũ như các dân thường. Tướng Lee đồng ý nhưng chỉ đòi hỏi một điều sau cùng là yêu cầu cho binh sĩ của ông được giữ lại lừa ngựa, vì lính miền Nam đem ngựa từ các nông trại của họ đi đoàn tùy tùng miền Bắc đến.
Cả hai vị tư lệnh đã biết nhau trong cuộc chiến tranh với Mễ Tây Cơ. Họ đã nhắc lại một thời bên nhau trong quá khứ. Tướng Grant sau này thú nhận là ông rất ngần ngại và thực sự hổ thẹn khi phải hỏi tướng Lee nói về quyết định đầu hàng.
Theo quy chiến đấu. Không phải ngựa của chính phủ như lính miền Bắc.
Tướng Grant thỏa hiệp là sẽ không sửa chữa chính thức trên văn bản nhưng thực tế sẽ cho lệnh để lính miền Nam đem lừa ngựa về nhà mà xây dựng lại nông trại.
Sau này khi viết về văn bản đầu hàng, lịch sử ghi rằng đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen’s Agreement). Trên các bảo tàng viện và đặc biệt là bảo tàng viện ở Appomattox Virginia có tranh sơn dầu hình tướng Lee hiên ngang quắc thước trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện hình ảnh người Mỹ anh hùng không bị khuất phục dù thua trận. Toàn thể nước Mỹ hiểu rằng khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay Mỹ miền Bắc cũng là một người Mỹ bị sỉ nhục.
Thực vậy, 140 năm sau, chúng tôi đi thăm viện bảo tàng đầu hàng, cô Mary quản thủ cơ sở đã nói rằng dù hình ảnh của miền Nam hay miền Bắc, lịch sử không muốn ghi lại các hình ảnh xấu xa của bất cứ phe nào.
Ở đây là nơi lưu giữ hình ảnh của các anh hùng miền Nam lẫn miền Bắc. Ðặc biệt là hình ảnh của phe bại trận lại được lưu ý hơn cả phe chiến thắng. Lá cờ rách của miền Nam thua trận treo tại thủ đô Richmond bây giờ lại là bảo vật hào hùng của bảo tàng viện đầu hàng.
Và hình tướng Lee cưỡi ngựa đi đến nơi họp mặt với đoàn quân nhạc miền Bắc chào đón. Hình tướng Lee ký tên xong ra đi được sĩ quan và binh sĩ miền Bắc tiễn đưa và vẫy tay chào.
Bây giờ hình tượng của tướng Lee tràn ngập ở miền Nam Virginia. Câu lạc bộ Lee, bảo tàng viện Lee, Fort Lee và các đồn trại của quân đội liên bang mang tên vị tướng thua trận như là một biểu tượng anh hùng. Bởi vì người Mỹ đã thấm nhuần bài học rất Hoa Kỳ. Bài học của người lính dũng cảm cả hai phe trong chiến tranh và người quân tử của thời hậu chiến.
Trong cuộc nội chiến tại nước Mỹ vào thế kỷ 18, sau cùng được thua thì cũng vẫn là nước Mỹ và người Mỹ.
Lịch sử của Hoa Kỳ quá ngắn ngủi và đạo lý của người dân tứ chiếng như Hiệp Chủng Quốc thì vốn không thể nào sánh với lịch sử và truyền thống đặc biệt của người Việt Nam. Nhưng sao mà di sản tinh thần của cuộc nội chiến Việt Nam để lại không đẹp đẽ chút nào. Những chiến binh anh hùng và đẹp đẽ nhất của miền Nam phải tập trung vào các trại khổ sai. Vợ con bị xua đuổi lên rừng làm kinh tế mới. Cả miền Nam bị làm nhục.
Ðã vậy, câu chuyện vẫn chưa xong. Qua bài học thứ hai, chúng tôi xin kể thêm về vấn đề nghĩa trang và mộ phần của các liệt sĩ phe chiến bại tại Hoa Kỳ.
Tại nước Mỹ có một nghĩa trang quốc gia nổi tiếng khắp thế giới. Ðó là nghĩa trang Arlington. Ðây là nghĩa trang chính thức của liên bang Hoa Kỳ, của người miền Bắc trong trận chiến Bắc Nam.
Sau cuộc nội chiến, các tiểu bang miền Nam có hàng ngàn nghĩa trang lớn nhỏ chôn cất tử sĩ của phe bại trận và trên đó luôn luôn có lá cờ gạch chéo đã một thời tung hoành trên chiến trường.
Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, hoàn toàn không có tù binh, không có cải tạo tập trung, ai về nhà đó, cùng xây dựng lại quê hương.
Nghĩa trang bên nào bên đó tự lo lấy, xấu đẹp tùy sức. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ngay tại nghĩa trang quốc gia của phe miền Bắc ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn có một khu chôn cất tử sĩ miền Nam với tượng đài gọi là Confederate Memorial.
(trích từ bài viết của Giao Chỉ, San Jose 2005)