Mẹ Nấm - Văn hóa ngàn năm
Nguồn: blog Mẹ Nấm
02.09.2010
Nếu bạn gõ vào ô tìm kiếm của Google cụm từ "văn hóa ngàn năm" hay "ngàn năm Thăng Long", bạn sẽ nhận được khoảng từ 670.000 - 9.500.000 kết quả trong 0.22 giây, một con số không phải nhỏ.
Không chỉ riêng Hà Nội, mà hình như khắp cả nước đang nở rộ phong trào treo khẩu hiệu thi đua lập thành tích - chào mừng ngàn năm Thăng Long.
Có rất nhiều lý do để người ta cảm thấy vui vẻ, phấn khởi và cả tự hào vì một Hà Nội tròn 1.000 tuổi.
Có rất nhiều kế hoạch, nhiều công trình và chương trình được phác thảo, xây dựng, dàn dựng, để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ngàn năm thật hoành tráng, nhưng hình như, giá trị văn hóa chính yếu nhất là yếu tố con người thường bị lãng quên?
Có rất nhiều bài báo, bài văn, và cả hình ảnh mô tả một Hà Nội thật nên thơ, thật thi vị, dễ tạo ấn tượng tốt đẹp về một "Thủ đô phẩm giá của con người", một "Thành phố vì hòa bình" lấp lánh trong các tác phẩm.
Người ta tự hào với khu phố cổ - nơi lưu giữ dấu ấn của một "Hà Nội - 36 phố phường" (*) thưở xưa, để quên đi cái thực tại xô bồ, nhếch nhác và xuống cấp của Hàng Bông, Hàng Bài, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Chuối.... hiện tại.
Tự hào với Thành cổ Thăng Long vừa mới phát lộ trong cuộc khai quật khảo cổ có quy mô lớn nhất Đông Nam Á - được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (lúc 20 giờ 30 ngày 31/7/2010 theo giờ địa phương, tức 6 giờ 30 ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam) - nhưng lại không có trách nhiệm bảo quản và bảo vệ nguyên trạng đối với khu di tích.
"Để gấp rút hoàn thành đường Văn Cao - Tây Hồ cho kịp tiến độ “kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội”, đoạn thành duy nhất còn sót lại của Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ đã bị xúc đổ. Sau khi các phương tiện truyền thông và các nhà khoa học lên tiếng kêu cứu, đơn vị thi công đã tạm dừng. Nhưng chỉ được vài ngày, UBND TP Hà Nội lại vừa cho tiếp tục thực hiện đoạn đường nằm trên đoạn Hoàng thành Thăng Long này." (**)
Tự hào với trường đại học lâu đời nhất Việt Nam - Văn Miếu Quốc Tử Giám - mà quên đi trách nhiệm phải giữ gìn và tu bổ chốn linh thiêng này, để ngày nay khi đặt chân vào Văn Miếu, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh tiền giấy rải khắp nơi như lạc vào chốn buôn thần bán thánh.
"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài..."
Tôi đã được đọc rất nhiều về sự thanh lịch của người Hà Nội xưa.
"Tính cách thanh lịch của người Hà Nội thể hiện ở cách ứng xử văn hoá mà cụ thể ở trong cách nói năng, ăn mặc, giao tiếp... Tiếng nói Hà Nội trước hết là ở chỗ phát âm đúng, từ ngữ chuẩn xác, có thể làm mẫu mực cho cả nước. Người Hà Nội còn biết sử dụng tiếng nói lưu loát, nhã nhặn, lịch sự. Ấy là vì ngoài tiếng nói của địa phương mình, người Hà Nội còn biết tiếp thu có sàng lọc tiếng nói của mọi miền đất nước, giữ lại những gì tinh tú nhất. Lời nói của người Hà Nội thường ý nhị, tôn trọng người đối thoại. Họ không ưa nói cách nói cộc lốc, thô lỗ."
"Người Hà Nội ăn uống có ý tứ; khi ăn uống thường mời chào nhau, nhường người khác gắp trước, tiếp cho khách miếng ngon. Những hiện tượng ăn tục, uống phàm, xô bồ ầm ĩ, xa lạ với phong cách ở đây." (***)
Không phải gắn kết các giá trị xưa để ra quy ước người Hà Nội phải thế này, hoặc thế kia như một model cứng ngắc, nhưng cũng thể nào chấp nhận văn hóa chửi thề (quy ước của các em trai xinh - gái đẹp mang phong cách Hà Nội hiện đại) , không thể nào thấm nổi văn hóa ẩm thực quát - mắng (lại được xem như một nét đặc trưng của Hà Nội nay).
Cũ và cổ không có nghĩa là tồi tàn, nhếch nhác. Lại càng không có nghĩa là làm mới một cách vội vàng và kệch cỡm.
Cũ và cổ - là sự nâng niu, tôn trọng và thành kính với quá khứ, bởi không có quá khứ hẳn sẽ không có hiện tại và tương lai
Tôi đã đọc ở đâu đó ý này: "Người ta thường hay vay muợn hai chữ tự hào - để che giấu sự tự ty của bản thân".
Điều này có lẽ đúng, khi hàng ngày mỗi người phải đối diện với quá nhiều "nỗi tự hào" không tên để tự an ủi, tự xoa dịu chính bản thân mình.
Văn hóa ngàn năm - giá trị phi vật thể lớn nhất chính là con người, chứ không phải ở các chương trình lễ hội.
Vì vậy, kỷ niệm ngàn năm Thăng Long Hà Nội - nếu bỏ qua các yếu tố và giá trị căn bản về đạo đức con người và chuẩn mực xã hội thì sẽ chỉ còn là một dịp hội hè rỗng tuếch và lãng phí tiền của.
___________________
(*) Tựa sách của nhà văn Vũ Bằng.
(**) thanhnien.com, thanhnien.com, nhandan.com.vn
(***) dulichvietnam.com