Thằng Đói Vòi Cơm
Linh Tiến Khải
Ngày 23 tháng 11 vừa qua quân đội Bắc Hàn đã nã trọng pháo vào đảo Yeongpyeong của Nam Hàn, khiến cho 70 nhà của thường dân bị cháy, 2 binh sĩ Nam Hàn thiệt mạng, 16 người bị thương trong đó có 14 binh sĩ và có 3 người bị thương rất nặng. Dân chúng đã được di tản vào các hầm trú ẩn để tránh bom đạn. Binh sĩ Nam Hàn đã bắn trả và một phi đội không quân đã được phái tới để yểm trợ pháo binh. Vụ tấn công của Bắc Hàn đã xảy ra mươi hôm sau khi một khoa học gia Hoa Kỳ khám phá ra sự hiện diện của một trung tâm nguyên tử của Bắc Hàn tại Yongbyon.
Trong một cuộc họp khẩn cấp, tổng thống Lee Myung Bak của Nam Hàn đã tuyên bố rằng cần phải trả đũa để ngăn chặn các khiêu khích khác của chính quyền cộng sản Pyongyang. Ông đã ra lệnh cho quân lực Nam Hàn bỏ bom căn cứ hỏa tiễn của Bắc Hàn, nếu có các dấu hiệu khiêu khích mới.
Ông Ban Ki Moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, đã mạnh mẽ lên án cuộc tấn công nói trên và kêu gọi chính quyền hai miền Nam Bắc Hàn có thái độ hòa hoãn. Chính quyền Hoa Kỳ cũng mạnh mẽ lên án vụ tấn công và tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bầy tỏ phẫn nộ đối với vụ tấn công này. Ông tố cáo Bắc Hàn không tôn trọng các bổn phận đã cam kết đối với cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc là nước có liên hệ chặt chẽ với Bắc Hàn thì bầy tỏ ”lo ngại” đối với tình hình xảy ra giữa hai miền Bắc và Nam Hàn. Trong khi Thủ tướng Nhật Bản, ông Naoto Kan, đã ra lệnh cho các Bộ trưởng thu thập tin tức chính xác, và sẵn sàng đối phó với mọi bất ngờ có thể xảy ra.
Chính quyền Matscơva cũng đã cảnh cáo Nhà Nước Bằc Hàn đừng leo thang quân sự, vì tình trạng tồi tệ trong vùng là một nguy hiểm cần phải tránh né bằng mọi cách. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố: ”Điều đã xảy ra thật đáng trách, và ai đã khởi sự cuộc tấn công Nam Hàn phải lãnh các trách nhiệm nặng nề. Cần phải chặn đứng các tấn kích và khuyến khích tình hình lắng dịu”.
Với thái độ gian dối điêu ngoa cố hữu Nhà Nước cộng sản Bằc Hàn chối phắt, và ra thông cáo nói rằng đã chỉ bắn trả quân đội Nam Hàn. Từ hơn 50 năm qua chính quyền Pyongyang và chính quyền Seoul đều dành quyền kiểm soát hòn đảo này, và Bắc Hàn đã không bao giờ công nhận ranh giới được vạch ra sau khi cuộc chiến Triều Tiên kết thúc năm 1953. Trong các năm qua đã xảy ra ít nhất ba vụ đung độ giữa hải quân của hai bên, và lần cuối cùng là vào năm ngoái 2009.
Thật ra, các quan sát viên quốc tế cho rằng cuộc khiêu khích quân sự của Bằc Hàn là một thách đố nhắm tới Hoa Kỳ chứ không phải chỉ là việc khiêu khích Nam Hàn mà thôi. Đây là cuộc thánh thức nguyên tử đã kèo dài từ gần 20 năm qua và liên lụy tới ba tổng thống Mỹ Bill Clinton, George Bush và Barack Obama. Và đã không có vị nào thành công trong việc ngăn chặn nó qua các sáng kiến ngoại giao cũng như các cấm vận đối với Bằc Hàn. Thách đố do chính quyền cộng sản Bắc Hàn đưa ra giờ đây chỉ có tính cách quy ước: nã trọng pháo vào một hòn đảo nhỏ. Nhưng nó có thể bất chợt leo thang và vuột khỏi tầm kiểm soát của mọi phía. Nước cờ quân sự của Bắc Hàn là một hòn đá thăm dò, xem bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ đối với các đồng minh á châu có thật sự đáng tin cậy hay không. Việc Hoa Kỳ gửi chiến hạm tới vùng biển Nam Hàn là một câu trả lời biểu tượng, nhưng cũng là điều bắt buộc từ phía chính quyền Washington. Nó bắt buộc Nam Hàn phải nhanh chóng phản ứng, đồng thời nó cũng thử xem tương quan giữa chính quyền Bắc Kinh với chính quyền Hoa Kỳ chặt chẽ tới mức nào.
Á châu là vùng quan trọng đối với nền an ninh quốc tế, trong nghĩa nó bao gồm các yếu tố có thể gây ra các vụ đụng độ giữa các quốc gia. Phẩm trật cường quốc cũ đang gặp khủng hoảng. Nhật Bản đang suy yếu, trong khi Trung Quốc đang lên, và ảnh hưởng của Trung Quốc trải rộng trên nhiều lãnh vực quân sự cũng như kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh năng động kinh tế đó là sự giòn mỏng chính trị, vì khuynh hướng ái quốc gia tăng trong vùng. Các xung khắc bị đông lạnh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Nhưng vấn đề an ninh trong vùng Đông Á sẽ khó tìm ra giải pháp, nếu không có một thỏa hiệp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, một thỏa hiệp mà cuộc khủng hoảng của Đại Hàn khiến trở thành khó khăn hơn sau khi xảy ra cuộc khủng hoàng kinh tế tài chánh vẫn còn đang kéo dài khắp nơi trên thế giới hiện nay. Trong thời điểm khó khăn này không nước nào muốn thấy cảnh chiến tranh hay leo thang quân sự.
Tuy nhiên, đối với nhiều chuyên viên theo dõi tình hình Bắc Hàn, vụ tấn công vừa qua của Nhà Nước cộng sản Pyongyang chẳng qua chỉ là kịch bản chiến thuật, mà cha con họ Kim đã đóng đi đóng lại nhuần nhuyễn trong hàng chục năm qua, để được nhận thêm viện trợ kinh tế. Thật thế, kể từ khi có nạn đói kéo dài 4 năm, từ 1994-1998, khiến cho 3 triệu dân Bắc Hàn phải chết, chính quyền cộng sản Pyongyang tiếp tục đốt hàng tỷ đô la, dốc đổ ngân qũy quốc gia vào việc chế tạo vũ khí hạt nhân và sống nhờ viện trợ của cộng đồng quốc tế và Nam Hàn, mà không biết xấu hổ. Và cứ mỗi khi cần thêm viện trợ kinh tế, là nhà nước cộng sản Bắc Hàn lại dở trò đem khí giới hạt nhân ra dọa dẫm cộng đồng quốc tế, dương đông kích tây và đóng kịch thằng đói vòi cơm. Được viện trợ rồi, thì lại im tiếng súng, nằm chờ cơn đói sắp tới. Thương thay cho người dân Bắc Hàn phải sống dưới ách thống trị của hàng lãnh đạo diên khùng như thế!
Linh Tiến Khải