Sự chuyển hướng phải có sau cùng đã đến!
Tại Diễn Đàn Khu Vực ASEAN khai mạc tại Hà Nội ngày 23-7 vừa qua, ngay sau hội nghị các ngoại trưởng ASEAN, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ký thỏa ước Hữu Nghị và Hợp Tác với ASEAN, điều kiện cần để từ nay Mỹ có thể tham dự các Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á. Một tương quan lực lượng tại Châu Á bắt đầu. Trước đó, khi dừng chân tại Bangkok, bà Clinton đã dõng dạc tuyên bố: "Hoa Kỳ đã trở lại Đông Nam Á".
Trở lại Đông Nam Á? Người Mỹ không có nhu cầu này, vì họ chưa hề ra đi và còn đang hiện diện rất mạnh. Năm nước Đông Nam Á quan trọng –Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Singapore- đều là những đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ. "Trở lại Đông Nam Á" như vậy phải được hiểu là Mỹ sẽ tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam và sẽ không để cho Trung Quốc lộng hành trong vùng. Và quả như thế, một hội nghị giữa Hoa Kỳ và bốn nước thuộc hạ lưu sông Mê Kông –Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan- sắp được triệu tập, sau đó là một hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ vào tháng 10 sắp tới. Tất cả như báo hiệu một liên kết giữa các nước ASEAN dựa vào Mỹ để đương đầu với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Clinton đã rất minh bạch. Tại Hà Nội, ngay trước mặt ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, bà đã bày tỏ quan tâm sâu xa của Mỹ về tình hình an ninh trên Biển Đông, kể cả những tranh chấp trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và tuyên bố Hoa Kỳ sẽ ủng hộ các nước muốn giải quyết những tranh chấp bằng thương thuyết thay vì sức mạnh. Lời tuyên bố này vừa có nghĩa là Hoa Kỳ không nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Hoàng Sa và Trường Sa, vừa nhắc nhở Trung Quốc chớ nên dùng bạo lực. Không có gì là ngạc nhiên khi Trung Quốc phản ứng một cách giận dữ, tố giác Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á để chống Trung Quốc và âm mưu gây "diễn biến hòa bình". Nhưng dầu vậy Trung Quốc đã phải xuống giọng. Ngược lại các nước ASEAN, nhất là Việt Nam, không thể hài lòng hơn. Họ, đặc biệt Việt Nam, đã làm những cố gắng quan trọng để tranh thủ hậu thuẫn của Hoa Kỳ; một thí dụ là, theo ông Phạm Gia Khiêm, Hà Nội đã chấp nhận coi tình trạng nhân quyền tại Việt Nam như là một vấn đề để thảo luận.
Không thể khác, ASEAN và Việt Nam cần Mỹ để đương đầu với chủ nghĩa bá quyền quá lộ liễu của Trung Quốc: bắn giết ngư dân Việt Nam, đơn phương coi phần lớn Biển Đông là vùng lợi ích kinh tế của mình v.v. Trong tình huống đó đề nghị giải quyết các tranh chấp bằng thảo luận tay đôi giữa Trung Quốc và từng nước liên hệ chỉ là cách để dùng sức mạnh trấn áp từng nước một và đề nghị tạm gác các tranh chấp để cùng khai thác Biển Đông chỉ là để cho phép Trung Quốc thực hiện tuyên bố chủ quyền đơn phương của họ.
Sự "trở lại" của Hoa Kỳ chắc chắn rất có lợi cho Việt Nam, kể cả để có thể chung sống bình yên với Trung Quốc. Điều này mọi người đều đã biết từ lâu. Vấn đề là một quan hệ hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ mâu thuẫn với sự duy trì chế độ độc tài đảng trị và vì thế ban lãnh đạo đảng CSVN đã ngoan cố chống lại. Họ đã bị bắt buộc phải thay đổi chính sách khi không còn chọn lựa nào khác do áp lực của nhân dân Việt Nam và của chính đa số đảng viên cộng sản. Sự chuyển hướng này tuy đến quá trễ nhưng cũng vẫn là điều đáng mừng. Càng đáng mừng vì nó không thể đảo ngược được.
&n Ban biên tập Báo Tổ Quốc