lịch sử việt nam
Xin mời Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử trên Facebook
Là Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa,
Điều 1: Tôi nguyện chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để chiến đấu bảo vệ cho sự sống còn của Tổ Quốc, của gia đình và của chính bản thân tôi.
Điều 2: Tôi tuyệt đối chấp hành các mệnh lệnh của cấp chỉ huy, đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu tuyên truyền chia rẽ của giặc cộng.
Điều 3: Tôi luôn kính già, thương trẻ, đứng đắn với phụ nữ và giúp đỡ đồng bào.
Điều 4: Tôi luôn tâm niệm hành động làm mất lòng dân là xua dân về phía giặc cộng, là tự sát.
Điều 5: Tôi luôn đối xử tử tế với tù hàng binh địch (VC), không ngược đãi đánh đập họ, không đụng đến của riêng họ, để thêm bạn bớt thù.
Điều 6: Thực hiện các điều trên là tôi tích cực xây dựng tự do cho đất nước, đem lại hạnh phúc cho toàn dân, tôi sẽ được đền bù bằng sự cảm mến và biết ơn của Đồng Bào.
---------------
Quân Sử Sư Đoàn 22 Bộ Binh Việt-Nam Cộng-Hòa
Kể từ đầu tháng 07-1952, sau khi thành lập các quân khu, các sư đoàn bộ binh đầu tiên xuất hiện và được gọi là các sư đoàn Việt-Nam (la division Vietnamienne).
Lúc đó có kế hoạch thành lập tám sư đoàn Việt-Nam: riêng năm 1952, thành lập năm, có thể thêm hai...
Cuối năm 1952, sáu sư đoàn Việt-Nam thành hình. Đây là những sư đoàn được ghép bằng các BVN (Tiểu đoàn bộ binh Việt-Nam_bataillon du Vietnam) cũng mới được hình thành do sự chuyển giao từ quân đội Liên Hiệp Pháp.
...
Các sư đoàn Việt Nam đã từ từ cải biến và không có một văn kiện nào liên quan đến sự giải tán của các sư đoàn này để lại.
Sau ngày đình chiến, Bộ Tổng Tham Mưu đã nghĩ ra việc thành lập một binh đoàn chủ lực gồm có chín sư đoàn bộ binh và một sư đoàn nhảy dù.
01-08-1955, đã có bốn sư đoàn bộ binh được thành lập, đó là các sư đoàn 21, 31, 32 và 6 Nùng.
Các sư đoàn khinh chiến từ 1 đến 6 được thành lập theo ND 162 QP/NĐ ngày 08-08-1955.
Tới cuối năm 1958, QLVNCH đã có 10 sư đoàn bộ binh (hay dã chiến); mười sư đoàn này được rút xuống còn bảy sư đoàn bộ binh.
Trong việc cải tổ này, sư đoàn 3 dã chiến đổi tên thành sư đoàn 5 bộ binh; Sư đoàn 4 dã chiến thành sđ 7 BB; Sư đoàn 1 và 2 dã chiến vẫn giữ nguyên số hiệu; Các sư đoàn khinh chiến 12, 13, 16 bị giải tán; Các sư đoàn khinh chiến 11, 14, 15 được thâu nhận quân số các sư đoàn bị giải tán; Sư đoàn 11 khinh chiến đổi thành sư đoàn 21 bộ binh; Sư đoàn 14 khinh chiến thành sư đoàn 22 bộ binh; Và sư đoàn 15 khinh chiến thành sư đoàn 23 bộ binh. (1)
Các đơn vị chính yếu của Sư đoàn gồm các Trung đoàn 40, 41, 42, 47, Tiểu đoàn 220 Pháo binh, tiểu đoàn 14 KB.
Các vị Tư lịnh Sư đoàn:
Đại tá Nguyễn Xuân Thịnh 1965
Đại tá Nguyễn Văn Hiếu 1966
Thiếu tướng Lê Ngọc Triển 1969
Đại tá Lê Đức Đạt 3/1972
Chuẩn tướng Phan Đình Niệm 1973
Bộ Tư lệnh đóng tại Pleiku, chịu trách nhiệm Tiểu khu Bình Định-Kontum-Pleiku, các tỉnh phía bắc Quân Khu 2 (Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn, Kontum và Pleiku). Sau khi tan hàng ở Tân Cảnh, Kontum tháng 4/1972, tái thành lập. Di chuyển từ Pleiku về Kontum (1974), rút về lập phòng tuyến tại Qui Nhơn (4/1975), sau khi tan hàng di tản về Vũng Tàu tái bổ sung tăng cường phòng tuyến Phan Rang. Khi Phan Rang thất thủ, về Long An tái phối trí, chiến đấu với lực lượng Địa Phương Quân tại đây cho tới trưa ngày 30 tháng 4/1975.
Tháng 4/1972, phòng tuyến Dakto 2 của Trung đoàn 47 Bộ Binh tan vỡ, tuyến phòng ngự của Trung đoàn 42 Bộ Binh tại căn cứ Tân Cảnh bị Cộng quân tràn ngập. Cùng lúc, các căn cứ và vị trí trọng yếu của hai Trung đoàn 40 và 41 Bộ Binh tại 3 quận phía bắc Bình Định cũng bị bỏ ngỏ. Đại tá Lê Đức Đạt, Tư lệnh Sư đoàn, tử trận. Quân số tại hàng của Sư đoàn gom lại chưa đến 2000 người, chỉ đủ để tái tổ chức một trung đoàn. Về pháo binh và thiết giáp, mức tổn thất hơn 2/3.
Ba tháng sau thảm bại mùa Hè 1972, ngay khi Sư đoàn 22 Bộ Binh được tái bổ sung, Đại tá Phan Đình Niệm, tân Tư lệnh Sư đoàn, bắt đầu kế hoạch tái chiếm những phần đất rơi vào tay Cộng quân. Giữa tháng 7/1972, Sư đoàn 22 BB khởi động cuộc hành quân Bắc Bình Vương 22-8 để tái chiếm ba quận Hoài Ân, Hoài Nhơn, Tam Quan ở phía bắc tỉnh Bình Định. Ngày 28 tháng 7/1972, Trung đoàn 47 BB với sự yểm trợ hỏa lực của một chi đoàn chiến xa thuộc Thiết đoàn 14 Kỵ Binh đã phản công tái chiếm quận lỵ Hoài Ân, một quận lỵ nhỏ bé và heo hút nằm giữa khu vực thung lũng sông Kim. Dù địch quân đã tổ chức hệ thống công sự kiên cố với các cụm giao thông hào liên hoàn quanh quận lỵ, nhưng các đơn vị Bộ Binh và Thiết Giáp VNCH với lối đánh tốc chiến đã chọc thủng tuyến phòng ngự của Cộng quân, dọn sạch các trung tâm kháng cự và cuối cùng một đại đội tiền phong của TRD 47 BB đã tiến quân vào doanh trại chi khu, dựng cờ VNCH.
Trong hai tuần đầu của tháng 8/1972, các Trung đoàn 40, 41, 42 Bộ Binh đã nỗ lực tiến quân đánh bật Cộng quân ra khỏi các vị trí trọng yếu tại ba quận phía bắc Bình Định. Tại Bồng Sơn và Tam Quan, trận chiến đã diễn ra quyết liệt gần Quốc lộ 1, Cộng quân lập nhiều địa đạo quanh hai thị trấn này và sử dụng đủ các loại súng cộng đồng bắn xối xả vào các cánh quân của Sư đoàn 22 BB. Với chiến thuật linh động kết hợp giữa chiến thuật cá nhân và vận động chiến, từng đại đội của Sư đoàn 22 BB đã khai triển đội hình tấn công nghi binh để triệt hạ các cụm hỏa lực trung tâm của đối phương. Đúng 4 tháng sau kể từ ngày Tân Cảnh thất thủ, Sư đoàn 22 BB đã tái chiếm tất cả các căn cứ trọng điểm tại ba quận phía bắc Bình Định, tái lập lưu thông trên Quốc lộ 1 về hướng Bắc từ Bồng Sơn đến Quảng Ngãi.
Về phía Cộng quân, sau khi bị đánh bật khỏi 3 quận Hoài Ân, Hoài Nhơn và Tam Quan, Sư đoàn 3 Sao Vàng CSBV đã lui quân về trấn giữ các cao điểm ở khu vực núi phía tây Bình Định, và đóng các cụm chốt quanh ba thị trấn quận lỵ này. Riêng tại quận lỵ quận Hoài Ân, do địa thế hiểm trở, vòng đai thị trấn là thung lũng bị bao bọc bởi các rặng núi cao ngất như Lại Khánh, Đầu Trường, Hố Da, Hòn Giang, Cộng quân đã tổ chức các cụm điểm chốt chận ở các ngõ ra vào như Lại Khánh, Mỹ Đức, sông An Lão, Núi Bụt, Dư Tự với mưu toan cô lập hoàn toàn quận lỵ này.
Ngày 21 tháng 8/1972, một đơn vị của Trung đoàn 47 BB hợp với Chi đoàn 1/14 Kỵ Binh đã tấn công vào Mỹ Đức, đánh bật hai tiểu đoàn Cộng quân đang bám giữ khu vực này, chọc thủng vòng đai của địch quân ở bắc Hoài Ân.
Sau khi Hiệp định Paris ký kết vào ngày 27 tháng 3/1973, Cộng quân gia tăng áp lực tại Cao nguyên. Do tình hình đòi hỏi, Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 2 đã điều động Trung đoàn 40 BB lên bắc Kontum phối hợp với lực lượng Biệt Ðộng Quân Quân Khu 2 ngăn chận sư đoàn F10 CSBV vừa ở Bắc vào. Tháng 6/1973, Sư đoàn Cộng quân này đã bất thần tấn công vào làng Trung Nghĩa có đông dân cư, cách thị xã Kontum về hướng tây gần 13 km. Trung đoàn 40 BB đã cùng với 2 Liên đoàn BDQ phản công đẩy địch ra khỏi khu vực này. Cuộc phản công kéo dài đến tháng 9/1973, cuối cùng lực lượng Bộ Binh và Biệt Ðộng Quân đã chiếm lại được làng này.
Vào đầu năm 1974 tại Quân Khu 2, CSBV bắt đầu đắp đường hai chiều chạy từ trục đường xâm nhập theo hướng nam-bắc chĩa về hướng đông. Một đường chạy nằm ở phía bắc Kontum và đường kia ở phía Nam Pleiku. Khi hoàn tất, hai con đường này sẽ ăn thông với Quốc lộ 19 nằm về hướng đông thị xã Pleiku. Hệ thống đường này được thiết lập để hỗ trợ cho mưu toan của Cộng quân là muốn phân cách Kontum và Pleiku cũng như Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 2 đóng ngay tại thị xã Pleiku. Để không gặp trở ngại trong tiến trình thực hiện cụm giao thông chiến lược này, Cộng quân đã tấn công vào căn cứ Pleime (tài liệu của Đại tướng Cao Văn Viên ghi là căn cứ 711), Mặt trận B3 (Bộ Tư lệnh Cộng quân tại Cao nguyên) đã huy động hai trung đoàn của Sư đoàn 320 CSBV tấn công căn cứ nói trên. Lực lượng bộ chiến của Sư đoàn 22 BB với Trung đoàn 42 BB là nỗ lực chính, tăng cường bởi 1 Liên đoàn BDQ, được điều động khẩn cấp để đánh bật đối phương ra khỏi căn cứ và khu vực vòng đai.
Các trận đánh đã diễn ra ở mức độ ác liệt, cuối cùng đến tháng 5/1974, lực lượng Sư đoàn 22 BB và Biệt động quân đã đẩy lùi được địch ra khỏi khu vực và chận đứng không cho địch xây dựng tiếp hai con đường này. Bị thất bại trong kế hoạch xây dựng con đường hai chiều, Cộng quân đã chuyển áp lực về khu vực duyên hải Quân Khu 2. Vào giữa năm 1974, Sư đoàn 3 Sao Vàng CSBV, đang hoạt động tại phía tây tỉnh Bình Định, đã tung quân lập các cụm điểm chốt chận cắt ngang Quốc lộ 1 chạy ngang qua ba quận của tỉnh này và đe dọa căn cứ Phù Cát. Trước tình hình mới, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 22 BB đã điều động lực lượng bộ chiến từ Pleiku khẩn cấp di chuyển về Bình Định để phối hợp với 2 Liên đoàn BDQ đang có mặt tại tỉnh này, khởi động cuộc hành quân quy mô giải tỏa áp lực địch, Quốc lộ 1 được khai thông. Đến cuối năm 1974, Sư đoàn 3 Sao Vàng CSBV đã bị Sư đoàn 22 BB đánh tan tành, buộc phải rút về mật khu ở trong thung lũng An Lão.
Sau trận chiến đầy bi tráng vào hạ tuần tháng 4/1972 tại Dakto-Tân Cảnh, bắc Bình Định, liên tiếp trong hai năm 1973, 1974 và ba tháng đầu năm 1975, những người lính Sư đoàn 22 Bộ binh “Trấn Sơn Bình Hải” đã liên tục đánh những trận đầy hào khí, và đã trả cái hận cũ trong cuộc chiến mùa Hè 1972.
Nguồn:
1/ Sơ Lược Sự Hình Thành Các Sư Đoàn Bộ Việt Nam Cộng Hòa (trích - Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa Trong Giai Đoạn Hình Thành 1946-1955 do Phòng 5 Bộ Tổng-Tham-Mưu QLVNCH biên soạn và ấn hành năm 1972. Trưởng khối Quân Sử Phòng 5 BTTM là cố Đại tá Phạm-Văn-Sơn và ông đã chết trong trại tù cộng-sản Việt-Nam). Từ trang 337 đến 343.
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử