Phong trào dân chủ hải ngoại
và việc dân chủ hoá Việt Nam
1, 2
Người Sài Gòn
Đã có một số bài viết bàn về Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại. Lạc quan cũng có nhưng đa số có vẻ bi quan về Phong Trào này. Những lí do để bi quan như: văn hoá gia tộc chỉ biết lo cho gia đình mình, ai chết mặc ai; văn hoá tìm minh chúa để phục vụ của các trí thức, không cần biết minh chúa ấy là loại người nào miễn là minh chúa ấy mạnh và có được sự ổn vững để có thể đem đến lợi lộc cho riêng mình và gia đình mình; văn hoá hành xử theo cảm tính thích trình diễn “sô” để được nổi tiếng, chỉ thấy cái lợi trước mắt, không cần để ý tới cái hại về sau hoặc cao hơn là không có văn hoá tổ chức.
Tất cả những lí do ấy đều đúng. Những người tranh đấu cho dân chủ ở hải ngoại đều nhìn thấy những điều này nhưng tại sao Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại vẫn không phát triển lớn mạnh mặc dầu đã có biết bao nhiêu cố gắng của nhiều người? Đó là câu hỏi cần có câu trả lời mà những người tranh đấu cho dân chủ ở hải ngoại phải cố tìm ra để có thể có được một Phong Trảo Dân Chủ Hải Ngoại đúng hướng và hữu ích cho việc dân chủ hoá Việt nam.
Tôi, một người hưu trí, đứng ngoài Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại, đã có nhiều năm kinh nghiệm với công việc tổ chức của Đảng Cộng Sản Việt Nam, thỉnh thoảng lại có dịp được sống ở hải ngoại một thời gian và có để ý tới cơ chế tổ chức của người Việt hải ngoại cũng như của các tổ chức ở xã hội phương Tây, mong muốn góp vài ý về tình hình của Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại với hi vọng giúp soi sáng vấn đề bế tắc này cho những người Việt hải ngoại yêu nước. Những nhận xét và góp ý của tôi - một người bên ngoài Phong Trào nên dễ nhìn thấy cái khó khăn hơn - có thể sẽ rất phũ phàng và gây bực dọc cho quý vị.
Trước hết tôi sẽ bàn về hai điểm: một là Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại đang đứng ở đâu và hai là những khả thể đem đến dân chủ cho Việt Nam. Sau đó trong mục 3, tôi sẽ nêu lên một số nhận xét và đề nghị giúp quý vị có thêm dữ kiện để tìm được hướng đi khả thi và hữu ích cho việc dân chủ hoá Việt Nam.
1. Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại đang đứng ở đâu?
Để trả lời câu hỏi này chúng ta phải tìm hiểu những mong ước và dự tính trong tương lai của các thành viên Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại khi Việt Nam đã được dân chủ hoá. Nếu mỗi thành viên của Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại tự hỏi hoặc chúng ta thử hỏi các thành viên này câu hỏi: Bạn sẽ ở đâu và làm gì khi đất nước Việt Nam có được dân chủ? Chúng ta sẽ có câu trả lời của đa số là: Tôi sẽ sinh sống tiếp tục ở tại quốc gia mà tôi đang sống; tôi không về Việt Nam để có chức này chức nọ. Những lí do để khẳng định cho câu trả lời này là con cái, công ăn việc làm, quen với nếp sống ở đây, vân vân và vân vân. Nếu hỏi tiếp: Vậy tại sao bạn lại tham gia Phong Trào Dân Chủ? Chúng ta sẽ được nghe những câu trả lời như: Vì lí tưởng dân chủ; vì dân chủ đem đến lợi ích bảo đảm hoà bình cho mọi người trên toàn thế giới trong đó có tôi; vì sự liên đới với các người cùng tổ tiên; vì tính thích sinh hoạt cộng đồng, vân vân và vân vân. Và nếu hỏi thêm: Như vậy bạn sẽ được lợi gì khi tham gia Phong Trào Dân Chủ? Câu trả lời sẽ là: Chẳng có lợi gì về mặt vật chất mà còn mất thời giờ và tiền bạc; tuy nhiên được cái lợi về tinh thần là đã sống đúng với lí tưởng của mình, vân vân và vân vân.
Những câu trả lời trên đây của các thành viên Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại cho thấy là – phải tàn nhẫn mà nói – Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại chỉ có thể đứng ở vị thế mở đường, thúc đẩy và yểm trợ cho việc dân chủ hoá Việt Nam. Với tâm trạng của các thành viên như vậy, Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại không thể trở thành tổ chức đối trọng với Đảng Cộng Sản Việt Nam và nắm quyền lực chính trị ở trong nước khi đất nước được dân chủ hoá. Trừ khi Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại có sự liên kết với các thành viên của Phong Trào Dân Chủ trong nước. Nhưng dù vậy thì các thành viên trong nước vẫn là chủ đạo nắm quyền lực chính trị khi bắt đầu dân chủ hoá Việt Nam.
Tại sao tôi dám nói, với tình hình hiện nay, Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại lại chỉ có thể ở vị thế mở đường, thúc đẩy và yểm trợ việc dân chủ hoá Việt Nam? Bởi vì một tổ chức mạnh - đúng nghĩa như truyền thống tổ chức của các tổ chức chính trị - có thể đủ sức đương dầu với Đảng Cộng Sản Việt Nam phải hội đủ hai điều kiện:
- Một là phải có các thành viên thật gắn bó với tổ chức, chỉ có một chọn lựa để sống và không có đường rút lui, dành toàn sức lực và thời giờ cho tổ chức chứ không phải như tình trạng của các thành viên Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại hiện nay chỉ làm khi có giờ rảnh, hứng thì làm như kiểu một thứ thú vui giải trí (hobby), nếu không làm hoặc rút lui khỏi Phong Trào cũng không sao, không ai dám chế tài ai vì sợ bị mất người và bị chống đối khi họ rời Phong Trào, một hình thức làm việc kiểu van xin năn nỉ hoặc khá hơn là kiểu tự giác. Như vậy làm sao Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại có thể là một tổ chức đúng nghĩa như mọi người mong muốn? Có người sẽ phản bác cho rằng nhận định này không hoàn toàn chính xác vì ngay cả các hãng xưởng có lương mà khi không thích người ta cũng bỏ để đi.
Tôi đồng ý vì trong Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại có những người thật thiện chí bỏ hết sức lực thời giờ và tiền bạc cho Phong Trào nhưng thử hỏi được bao nhiêu người như vậy? Với số người có thiện chí và ít như vậy thì làm sao Phong trào Dân Chủ Hải Ngoại có thể được coi là tổ chức mạnh đúng nghĩa? Những người có thể bỏ toàn thời cho Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại chỉ có thể là những người thực sự đủ sống, không phải lo miếng ăn hoặc đã về hưu. Những người thực sự đủ sống để hoạt động cho Phong Trào Dân Chủ Hải ngoại có được bao nhiêu? Còn những người về hưu thì có bao nhiêu vị còn hứng thú tham gia Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại? Nếu chỉ có những người ở tuổi hưu hoặc gần về hưu trong Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại thì Phong Trào làm sao trẻ trung hoá và đáp ứng được nguyện vọng của tuổi trẻ?
- Hai là muốn Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại lớn mạnh phải có một cơ chế tổ chức và một hệ thống chế tài nói nôm na là hệ thống trấn áp như kiểu Đảng Cộng Sản Việt Nam đang làm mà người viết này có nhiều kinh nghiệm, hoặc như Hồi Giáo. Khi đã vào Đảng hay nhập Đạo thì không thể tháo lui vì nếu từ bỏ Đảng hoặc Đạo sẽ bị mọi áp lực từ nhiều phía chèn ép khiến khó sống kể cả bị thanh toán, hù doạ và làm hại gia đình. Vào Đảng hay nhập Đạo với cơ chế tổ chức và trấn áp như vậy sẽ bị điều kiện hoá dần dần và trở thành quán tính nên sau đó không thể bỏ đảng hoặc đạo được. Thí dụ như các trí thức kinh tế của Đảng, biết sai, dám phản biện mà vẫn không thể bỏ Đảng. Vì vậy thử hỏi Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại mệnh danh là Dân Chủ có thể và có dám làm như thế không? Xin thưa là không. Như vậy phải tổ chức Phong Trào Dân Chủ Hải Ngoại như thế nào để phù hợp với dân chủ và với tình hình thực tiễn hiện nay ở hải ngoại? Tôi sẽ trở lại câu hỏi này trong mục 3 khi bàn về “Hướng đi nào của Phong Trào là khả thi và hữu ích cho việc dân chủ hoá Việt Nam?”.
1, 2