Một Phi Vụ ‘Tấn Kích’ Ngày 30 Tháng 4-1975
Nguồn : Vietbao.com
Song Lộc
- Lời tác giả: Đoạn ký sự này viết phỏng theo Hồi ký của sư huynh tôi, ẩn sĩ T.T.H gửi sang từ Úc để tưởng niệm ngày đau buồn của dân tộc, 30/4/75.
Năm lên 8 tuổi. T. theo ông nội di cư vào Nam, còn cha T. vốn là một nhà giáo yêu nước cấp tiến. Tuy đã chán nản cộng sản nhưng lại dùng dằng không muốn rời xa nơi phần mộ tổ tiên và quê hương yêu dấu. Một vài người bạn thân đang có thế lực tại địa phương tìm đến ông và khuyên ông nên theo gia đình vào Nam. Ông thuộc thành phần Trí, Phú, Địa, Hào yêu nước, ở lại rất nguy hiểm.
Ông giật mình, vội vã tìm cách đào thoát xuống Hải Phòng để vô Nam. Nhưng đã quá trễ vì tất cả các nẻo đường đều bị cộng sản phong tỏa chặt chẽ.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông bị thải hồi, phải về quê cày sâu cuốc bẫm, sinh sống qua ngày. Tưởng như thế là được yên thân, nhưng ông không thể ngờ là mình nằm trong "chỉ tiêu phải tiêu diệt" của "Đoàn Cải Cách Ruộng Đất" của cộng sản Bắc Việt vào 3, 4 năm sau đó.
Tại sân đình làng, ông bị lăng mạ, sỉ nhục, vu cáo, hành hạ và ném đá cho đến khi bị gục chết. Tin buồn sét đánh này đã được một người cùng quê vượt biên vào Nam may nắm thoát hiểm, báo cho gia đình biết vào đúng ngày T. nhập học lớp đệ Thất.
Bảy năm sau, trong bữa tiệc mừng chàng thi đậu Tú Tài 2 và thi đậu khóa dự bị Y khoa, ông nội chàng đã kê cho chàng nghe câu chuyện đau buồn của cha chàng.
Lúc còn nhỏ được cha mẹ thương yêu săn sóc, nuông chiều cả chục năm nay chàng vẫn mong được gặp lại cha mẹ mình. Nghe tin đó, chàng rụng rời tay chân và quyết tâm phải trả thù nhà.
Chàng ghi tên gia nhập Không quân Quân lực VNCH. Ông nội chàng tuy thương cháu nhưng trước quyết tâm của T. cụ ngậm ngùi lại bàn thờ con lâm râm khấn vái, rồi gạt lệ tiễn cháu vào quân trường rèn luyện, nuôi chí phục thù rửa hận cho người cha yêu quý và những người dân vô tội đã bị bọn vô luân sát hại, cũng như góp phần bảo vệ miền Nam tự do.
Sau gần một năm rèn luyện, chàng đậu thủ khoa và được gửi đi tu nghiệp phi hành tại ngoại quốc. Khi trở về, chàng trở thành một trong những phi công đầu tiên điều khiển loại chiến đấu cơ tối tân A37 mới được trang bị cho Quân lực VNCH.
Và chỉ vài năm sau, chàng đã là một phi đội trưởng xuất sắc, hoàn thành các phi vụ khó khăn nhất, gây kinh hồn thất đảm cho các đơn vị công quân tại các vùng chiến khu D, U Minh và Rừng Sát….
Tết Mậu Thân năm 1968, Việt cộng vi phạm lệnh "ngưng bắn", xua quân bí mật thâm nhập và tấn chiếm các thành thị ở miền Nam, gây đau thương tang tóc cho bao người dân vô tội trong những ngày Tết thiêng liêng cổ truyền của dân tộc.Tội ác của chúng đã bị quân dân miền Nam trừng phạt đích đáng, 2/3 quân số bị tiêu diệt, chúng phải tháo chạy vào rừng sâu để ẩn núp.
Tin tình báo của ta khá mau lẹ và từng phi tuần được tung ra đánh vào các mật khu và các điểm tập trung của chúng. Trong nhiệm vụ "truy diệt", phi đội do T. chỉ huy đã làm cho các đơn vị cộng quân và căn cứ, địa đạo của chúng tan ra từng mảnh, mất hẳn khả năng chiếu đấu như chúng đã thú nhận sau này.
Trong phi vụ chót, đánh vào "R" Trung ương Cục của tụi giải phóng miền Nam, căn cứ của giặc như nổ tung dưới làn bom đạn của các chiến sĩ Không quân Quân Lực VNCH.
Chúng ỷ vào hầm sâu kiên cố chống trả bằng đủ loại hỏa lực và trong đợt vòng lại để tiêu diệt ổ kháng cự lớn nhất của địch, tung quả bom trúng đích nhưng máy bay của T. cũng bị trúng một trái SA7.
Trúng hỏa tiễn phi cơ rung mạnh, lửa phà vào phòng lái, khắp mình mẩy bị thương. T. chỉ kịp ấn nút thoát hiểm, xa xa còn nghe tiếng nổ kinh hồn của kho quân lương vũ khí của giặc, rồi thiếp đi không biết gì nữa….
Quân giặc đã bị đánh tan. Tình trạng miền Nam trở lại bình thường. Vào khoảng trung tuần tháng 2-1968, tôi đang ngồi làm việc tại văn phòng thì ngoài cổng gác báo tin có một cụ già đến thăm.
Khách là một ông cụ cao niên, có lẽ phải gần 80 tuổi, râu tóc bạc phơ nhưng còn hồng hào, khỏe mạnh. Ông cụ cho biết là ông nội của Du T..người mà tôi gặp tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan Sư đoàn 21 vào năm 1967 trong khi tôi cùng phái đoàn Bộ TTM đi thanh tra tại các đơn vị và các tiểu khu thuộc vùng IV.
Trong khi uống cà phê sáng,chúng tôi gặp nhau, rồi có lẽ vì cơ duyên hay vì "méo mó nghề nghiệp", tôi đã bấm tử vi và coi qua "tướng diện" cho T.
Tôi chỉ nói một câu là, sang năm (Mậu Thân) T.sẽ vượt qua một đại nạn một cách hi hữu, nhờ âm đức gia đình, nhưng phải chú tâm làm phúc, sắp xếp lại nơi cư trú cũng như các vật dụng bài trí trong nhà như bếp núc, bàn thờ, giường nằm…và chăm sóc các mộ phần trong gia đình.
Khi về Sài Gòn T. đã kể lại chuyện này cho cụ nghe. Nay T. bị mất tích trong phi vụ hồi đầu tuần nên cụ đến kiếm tôi, coi như "chết đuối vớt lấy bọt" mong tôi giúp giải đoán xem số mạng của T. ra sao? Có hy vọng gì khôg?
Tôi bấm quẻ, suy nghĩ và nói: Thưa cụ, theo số tử vi và theo quẻ ứng thì D T. có gặp nguy hiểm nhưng sẽ đươc bình an và trong 7 ngày sẽ có tin lành. Xin cụ yên tâm nhưng nhớ khấn nguyện Ơn trên che chở và luôn nhớ tạo phúc lành.
Trong lúc đó, trong khu rừng đầy lan nở và hương thơm của "nhãn", nghe tiếng chim hót líu lo. T. giật mình thức giấc. Chàng thấy mình đang nằm trên giường, trong một căn phòng sáng sủa và xinh xắn, thiết trí như một phòng trong bệnh viện: Hai chân, hai tay và mặt đều bị băng kín, cử động khá khó khăn. Vừa lúc đó, cửa phòng hé mở và có tiếng nói của một cô gái: "Ồ! Ong đã tỉnh lại. Xin đừng cử động mạnh, để tôi mời bác sĩ".T đoán chừng đã được đơn vị bạn cứu đưa về Quân Y Viện.
Vừa nghĩ đến đó thì bác sĩ vô đến. Ong coi mạch, xem xét các vết thương và nói: "Ông bị ngất đi khoảng 24 tiếng. Tỉnh lại là thoát hiểm rồi. Uống thuốc và săn sóc đều đặn thì chỉ 2 ngày sau là ông có thể về lại gia đình". Cô y tá xinh đẹp đến chế thuốc và giúp chàng uống thuốc ngay sau đó.
Chàng ngạc nhiên vì thuốc đều là bột mịn hoặc nước có mùi hoa, cỏ rất thơm. Chàng hỏi thăm: "Thưa cô đây là đâu, bệnh viện nào?" thì cô y tá chỉ mỉm cười và nói: "Xin ông cứ yên tâm tỉnh dưỡng. Đây không phải là thành phố nhưng rất an toàn và bảo đảm có thể giúp ông phục hồi như cũ".
Nghe tiếng chim hót, suối reo và ngửi mùi thơm của nhãn và lan.T. nghĩ chả lẽ mình vẫn ở trong rừng.
Hai ngày sau, chàng được tháo băng, cung cấp y phục và được trả lại các vật dụng đầy đủ kể cả súng ống, bản đồ và địa bàn…
Ra khỏi phòng chàng không khỏi băn khoăn vì lối chữa trị thần kỳ ở đây, chàng còn ngạc nhiên hơn nữa vì chung quanh là một khu nhà xây dựng trên các cây đại thụ, thân lớn cả chục người ôm mới xuể, nằm giữa rừng hoa lan.
Thật là "sơn kỷ, thủy tú" như đã được diễn tả trong các truyện liêu trai mà chàng thích đọc khi còn đi học. T. Cám ơn bác sĩ và xin gọi điện thoại để đơn vị đến đón. Bác sĩ mỉm cười và nói: "Đây tiện đường xe đò. Để cô Lan đưa ông một quãng ra tỉnh lộ. Rồi ông có thể đáp xe "Lô" hoặc xe nhà binh về tỉnh. Chúc ông mạnh khỏe."
Từ giã bác sĩ, T. và cô y tá băng qua một cánh rừng nhãn. Mùa này mà lại có "nhãn trái mùa" rất thơm ngon. Cô y tá hái một chùm tặng chàng, nói là để làm quà cho gia đình. Qua rừng nhãn chỉ độ 5 phút là đã tới tỉnh lộ, xe cộ qua lại đông đảo. Chàng lên xe mà vẫn còn lưu luyến cảnh vật và cô y tá diễm kiều tên Lan.
Chàng nghĩ: sẽ thưa với ông nột và Đại Tá phi đoàn trưởng sắp xếp thời giờ và thuốc men mang đến tạ ơn Y Viện đã cứu sống chàng. Chàng ngạc nhiên tự hỏi: Không biết máy bay của chàng rớt thế nào mà đến nay chàng ở lại gần đường Tỉnh lộ này.
Khi nhận được điện của Tiểu khu báo. Bộ Tư lệnh không quân đã phái một sĩ quan cao cấp đem trực thăng đến đón T. Tại BTL không quân. T. được đặc cách thăng cấp thiếu tá kèm Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu, vì chiến quả chàng đã được trong chiến dịch phản công địch vừa qua.
Ngày hôm sau . T và ông nội của anh lên thăm và cám ơn tôi. Họ có ý mang các y cụ và dược phẩm lên tặng Y Viện đã cứu sống T…
Vốn tính cần thận, trên đường đi, T. ghé qua trung tâm hành quân tiểu khu để xem lại an ninh lộ trình và địa điểm sẽ đến. Phòng 2 tiểu khu cho biết, sau trận Mậu Thân, giặc đã kiệt quệ không dám quấy nhiễu xe cộ qua đường nữa.
Tuy nhiên, họ ngạc nhiên khi T. nói đến Y Viện ở khu vực này. Du, trưởng phòng 2 tiểu khu hỏi lại: "Thiếu tá có chắc là có Y Viện này không? Thôi, để tôi cho một toán thám báo đến đó trước cho chắc ăn." T. cám ơn và đi cùng với toán thám báo/ phòng 2 tiểu khu.
Đến nơi, chàng xem lại kỹ các dấu đánh trên thân cây, cùng bản đồ mang theo và chắc chắn là không thể sai lầm được. Nhưng chàng vô cùng ngạc nhiên, vì toán thám báo đã vào sâu trong rừng, trở ra cho biết là không hề thấy rừng lan, rừng nhãn cũng như Y Viện, nhà cửa nào cả.
Sợ họ lầm, đi lối khác, T. lại cùng họ đi vô lần nữa nhưng chàng đã thất vọng, vì sự tình đúng y như thế. T. xin lỗi, cám ơn họ và thầm nghĩ: "Chả lẽ mình gặp Tiên".
Chàng thẫn thờ ra về mà lòng vẫn còn mang nặng dấu ấn của tai nạn và sự ân điển vừa qua, nhất là hình bóng "Liêu Trai" của cô gái y tá tên Lan. Chàng hy vọng, lời cô gái nói sẽ thành sự thực: "ông cứ yên tâm. Có duyên ông sẽ còn gặp lại chúng tôi."
Từ đó, sau mỗi phi vụ, T. lại đảo khắp vùng để tìm khu rừng nhãn và Y Viện huyền bí đó. Bẵng đi 4 năm, gần Tết năm Nhâm Tí 1972, T. về Sài Gòn và ra chợ Hoa Nguyễn Huệ mua đào và mai về để ông nội chưng Tết.
Đang ngắm hoa, chàng chợt thấy mùi hương năm nào, mùi hương lạ lùng của lan rừng và mùi thơm nhãn chín. Chàng đưa mắt tìm loại hoa đó thì lại thấy một cô gái mặc áo dài "trắng hoa lan rừng" đang đứng xem hoa, cách đó không xa. Chàng đến gần, thì đúng là cô y tá tên Lan.
Nhìn chàng, cô mỉm cười nói: "Chào ông, chắc ông ngạc nhiên khi gặp lại tôi. Đúng là "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ". Ơ đây, không tiện nói chuyện, mời ông lại nhà hàng "Thanh Thế" tốt hơn."
T. hồi hộp đi theo nàng và thầm nói: "Hôm nay, cô không thể biến đi được." Đến nơi, nàng gọi hai ly "cà phê sữa". Hai người vừa uống cà phê vừa nói chuyện Tết nhất năm nào, một Mậu Thân đầy kinh hoàng máu lửa, thật khó quên. Thấy nàng vui chuyện, T. vội nêu lên thắc mắc mà chàng ấp ủ mấy năm qua.
Nàng nói: "Thưa ông. Năm ấy (Mậu Thân) chúng tôi biết ông có trở lại nhưng vì không có cơ duyên nên không thể gặp được. Tôi nói thật, xin ông đừng ngạc nhiên. Thật ra, chúng tôi là một lớp người khác biệt, tuy vẫn sống trong vũ trụ nhưng theo một chiều không gian khác biệt vượt ra ngoài vòng sinh tử và không gian, thời gian như loài người vẫn sống. Chúng tôi có một ân điển huyền diệu mà sau này ông sẽ biết. Có điều thực tế, xin ông đừng buồn là 3 năm nữa miền Nam Việt Nam sẽ gặp một kiếp nạn, khổ đau kéo dài ¼ thế kỷ.
Ông có cơ duyên với chúng tôi, nên khi nào cây nhãn ông đã trồng trổ bông, ông sẽ nhận được thông điệp qua cánh bướm vàng thơm mùi "nhãn lan". Đó là lúc ông có thể đến với chúng tôi. Hai mươi lăm năm sau đó, ông có thể trở về để nhìn lại quê hương dần sạch bóng quỷ ma và, nòi giống Tiên Rồng…sẽ vang danh bốn biển. Xin tạm biệt."
T. đang ngẩn ngơ thì cô đã đứng dậy và biến mất trong đám đông người đi chợ tết. Mùi hương lạ tan dần, T. thẩn thờ đứng dậy ra về, quên trả tiền hai ly cà phê sữa.
Khi nghe T. kể lại chuyện này, tôi bán tín bán nghi và tự nghĩ: "Chả lẽ chuyện Từ Thức nhập thiên thai" là có thực hay hiểu biết của loài người còn giới hạn?
Thực tế, năm 1972, qua màn "ngoại giao bóng bàn" mở đường cho cuộc công du Trung Quốc của Tổng Thống Nixon, thế cờ chiến lược của Hoa Lỳ đã chuyển đổi và sự hiện diện tốn kém của Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam không còn cần thiết nữa. Ván bài "Việt Nam hóa chiến tranh", "Hòa đàm Ba Lê" và "Hiệp Định Ba Lê" năm 1973 là động cơ làm tiêu ma khí lực và danh dự của VNCH và Hoa Kỳ. Bọn người lãnh đạo vô tài bất tướng, vô quyền lực đã vô hiệu hóa làm suy yếu sức chiến đấu anh dũng vì tự do của Quân lực VNCH, tiếp tay cho các đơn vị tân lập "hẩu lốn" của Cộng quân, vừa đi vừa chạy đến tiếp thu các vùng bị bỏ trống của miền Nam, đưa cả miền Nam vào tay bọn Cộng Sản tham tàn, bất nhân và ác đức.Thật là cay đắng. Oán hận thật "ngút trời xanh".
Sáng ngày 30-4-1975 tức là ngày 20 tháng 3 năm Ất Mão, vừa trở về sau một phi tuần "chặn diệt" một đại đơn vị cộng quân đang lăm le tiến xuống vùng IV, Trung tá T. được mời đến họp tại trung tâm hành quân quân đoàn IV.
Theo báo cáo tổng kết thì sáng nay, không hỏa lục của ta đã tiêu diệt trọn Bộ Chỉ huy đầu não và các đơn vị được coi là tinh nhuệ nhất của Công trường "sao đỏ" (?) công trường này đã bị xóa tên gần như trọn vẹn. Các đại đơn vị cộng quân miệt Long Khánh cũng bị hai quả CBU xơi tái cách đây ít ngày. Hiện nay, thực lực của cộng quân không có gì đáng ngại.
Tan buổi họp, nhìn đồng hồ đã 9 giờ, T.trở về văn phòng duyệt các công việc hành chánh. Vừa ngồi xuống ghế, đột nhiên T. thấy có mùi "Hương lạ kỳ thưở nọ và một con bướm vàng chập chờn nơi cửa sổ."
Chàng buồn bã trở về phòng riêng. Với tay mở chiếc radio ở trên bàn ngủ. Tiếng nhạc vừa dứt, tiếng cô xướng ngôn viên yêu cầu đón nghe thông điệp quan trọng của chính phủ. Đó là bản văn soạn sẵn lời tuyên bố bàn giao chính quyền cho Cộng sản, kẻ giặc thù.
T. bực tức tắt radio, vói tay lấy đồ trang bị và tự lái xe ra sân bay. Máy bay đã được trang bị đầy đủ, sẵn sàng tác chiến. Chàng nổ máy, vút lên trời cao, bay về hướng Sài Gòn.
Trên quốc lộ 1, xe tăng cộng quân, lần lượt bò ra tập trung để kéo về Saigon biểu dương lực lượng. T.cho máy bay lướt xuống thả hết hai giàn bom lên đầu giặc. Từng tiếng nổ rung trời và từng chiếc T.54 bị bốc khỏi mặt đường tan xác. T. lượn một vòng, rồi lướt theo cánh bướm vàng vào vùng "Thất sơn huyền bí" mất dạng.
Người ta không thấy T. trong trại tù cải tạo, trong các trại của Phục quốc quân, cũng như trên các Hàng không mẫu hạm của Hạm đội 7 của Mỹ. Có lẽ chàng đã đi vào "tiên cảnh" và ¼ thế kỷ sau, chàng sẽ trở về như lới tiết lộ của cô y tá tên Lan, thần bí.
Lời bàn: Những năm gần đây, tiến trình "tự do dân chủ cho Việt Nam đã có những đột khởi quan trọng, phải chăng T.và đồng đội đã trở về đất tổ đúng hạn kỳ và đang cùng toàn dân làm thay đổi "thế nước". Thật đáng tôn vinh.
Song Lộc.