Bộ chính trị trước nước cờ chiếu tướng hiểm hóc
Bùi Tín
«Ủy viên Bộ chính trị, ông là ai?» là một bài viết trên blog Anh Ba Sàm rất được cư dân blog chú ý, loan truyền rộng và bình luận. Bài viết đặt vấn đề ai giao cho 15 người trong Bộ chính trị quyền hạn to lớn, không giới hạn đến thế? Tâm và tầm mỗi ông ra sao?
Sau đó, lại một loạt bài của các đảng viên Cộng sản kỳ cựu bàn sâu về nhân sự của lãnh đạo đảng sắp đến tại Đại hội XI, được loan truyền rộng, nhận xét từng người trong 15 người trong Bộ chính trị hiện tại, và kết luận rằng không một vị nào trong 15 vị ấy xứng đáng nhận chức vụ tổng bí thư, cần tìm cho ra người xứng đáng khác ở ngoài 15 vị ấy, nếu không thì bế tắc hoàn toàn về lãnh đạo. Cả việc chọn 15 vị ủy viên Bộ chính trị mới cho khóa XI cũng hoàn toàn bế tắc. Ai chọn? làm thế nào để lựa chọn nhân tài? Những người xuất sắc nhất? Hoặc chỉ làng nhàng bậc trung, kém cả khoá này!
Gần đây, một số đảng viên lên tiếng, người thì tỏ ra bênh vực ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Phạm Quang Nghị, chê trách nặng nề các ông Nông Đức Mạnh, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Minh Triết; kẻ thì kết tội ông Dũng nặng nề về vụ Vinashin, mất lập trường đảng viên mất cảnh giác giai cấp, khi thông gia với sỹ quan cao cấp của chế độ cũ hiện là triệu phú ở Hoa kỳ, đồng thời kể lể tội của ông Trương Tấn Sang trong vụ Tân Trường Sanh và cả ông Hồ Đức Việt trong việc rượu chè be bét và buông thả về đạo đức.
Một loạt thư của cán bộ ngành văn hóa tố cáo ông Phạm Quang Nghị khi làm bộ trưởng Văn hóa đã «chấm mút hàng trăm ngàn Euro » từ 6 triệu Euro chính phủ Pháp giúp cho việc nâng cấp Nhà hát lớn Hà Nội. Thành ra trong những ứng viên chức tổng bí thư thay ông Mạnh không có một ai có tâm và có tài xứng đáng cả. Để xem cuộc họp Ban chấp hành trung ương kỳ thứ 13 sẽ giải quyết nhân sự cấp cao nhất một lần cuối ra sao?
Có một điều nguy khốn hơn nhiều cho đảng Cộng sản là rất đông đảo trí thức, và cả một số đảng viên kỳ cựu, đặt thẳng vấn đề về chức năng của Bộ chính trị trong cơ chế cầm quyền của chế độ hiện hành, chiếu theo Hiến pháp. «Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của chế độ» vậy sao Quốc hội lại phải chấp hành nghị quyết của đảng, và mọi chủ trương lớn lại cứ phải chờ quyết định của Thường vụ Bộ chính trị hiện có 5 người?»
«Cao nhất» rồi lại còn có cấp cao hơn, thì «nhất» còn có nghĩa lý gì nữa?
Ai cho quyền một tổng bí thư đảng CS Việt Nam ký thông cáo chung với một tổng bí thư đảng CS khác cam kết hợp tác về khai thác bauxite ở Tây nguyên, trong khi chính phủ và Quốc hội đều chưa bàn gì đến vấn đề này? Sao lại lộn xộn, vô nguyên tắc đến thế?
Lại có trí thức đảng viên hỏi rằng, Trung ương đảng là do nội bộ đảng bầu, Bộ chính trị là chức vụ trong nội bộ đảng, có do nhân dân, do công dân, do cử tri bầu đâu mà lại có quyền lực cai trị của quốc gia? Thế là cướp quyền, tiếm quyền của nhân dân, là hoàn toàn bất hợp pháp, bất hợp hiến, phạm pháp và vi hiến quả tang, không có thể chối cãi.
Nghị quyết của đảng là để cho đảng viên chấp hành, chứ sao lại bắt nhân dân, quân đội và Quốc hội chấp hành, thật là cực kỳ vô lý.
Trong Báo cáo chính trị của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tại Đại hội VII (1991) ghi rõ: đảng không bao biện làm thay chính quyền, từ nay đảng chỉ lãnh đạo bằng cách đề nghị, kiến nghị với chính quyền và đảng viên làm gương, nêu gương trong thực hiện. Báo cáo chính trị được đại hội thông qua, nhưng ngay sau đó Bộ chính trị vẫn chứng nào tật ấy, bao biện, lấn quyền còn tệ hơn xưa. Tệ hơn rõ rệt, khi cấm phản biện, cấm ra báo tư nhân, cấm tự do ngôn luận, như hiện nay.
Lại một nước cờ chiếu tướng khác nữa hướng vào 15 vị ủy viên Bộ chính trị, rằng từ nay cần tách biệt rạch ròi các khái niệm Nhân dân, Dân tộc, Quốc gia, Tổ quốc. Mỗi khái niệm có một nội dung ý nghĩa, một nội hàm riêng biệt trong từ điển, trong Bách khoa toàn thư, Không thể trộn lẫn, lộn sòng, để đồng nhất nhân dân với đảng, đảng với dân tộc, đảng với tổ quốc. Đó là kiểu dân ta quen gọi là xập xí xập ngầu, gian trá!
Chỉ cần một thí dụ nóng bỏng. Bà Aung San Syu Ki là chiến sỹ kiên cường, sát cánh với nhân dân Miến Điện để đòi độc lập, dân chủ, tự do cho đất nước, vừa được trả tự do sau 7 năm dài tù đày quản thúc, cả thế giới vui mừng, các tổng thống, thủ tướng trên thế giới gửỉ điện chúc mừng, riêng Việt Nam và Trung Quốc im re; báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân lờ tịt, trong khi trí thức nước ta, tuổi trẻ nước ta, phụ nữ nước ta, binh sỹ bộ đội ta hân hoan truyền tin cho nhau.
Vậy tổng biên tập tờ báo mang tên Nhân Dân, ban biên tập báo mang tên Quân Đội Nhân Dân có thấy hổ thẹn hay không? Họ có thật là tiếng nói của nhân dân, của bộ đội nhân dân hay chỉ là cái loa rè của một nhúm 15 người trong Bộ chính trị đã không còn liên hệ gì đến nhân dân? Sao không dám công khai thẳng thắn trả lại tên gọi của tờ báo cho nhân dân và lấy tên là Cộng sản? Tự vỗ ngực ta đây là đảng của Dân tộc mà không dám bảo vệ độc lập tự do của Dân tộc, lãnh thổ thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc trước họa bành trướng thì còn gì là tính chính đáng để tiếp tục cầm quyền, để hàm hồ nhận vơ đảng với nhân dân với dân tộc là một.
Chính vì các lý lẽ vững chắc, hùng hồn, khoa học trên đây mà cuộc họp hơn 20 nhà khoa học mũi nhọn - đảng viên cộng sản cao cấp đầu tháng 10 vừa qua ở Hà Nội nhất loạt bác bỏ hoàn toàn nội dung Cương lĩnh do Bộ chính trị duyệt và đưa ra mời toàn dân góp ý.
Cuộc hội luận nhất trí cao yêu cầu phải viết hẳn lại một Cương lĩnh mới, vì bản dự thảo hiện nay chứa quá nhiều sai lầm nguy hiểm, xa rời thực tế, xa rời cuộc sống, quá nhiều điều lừa dối nhân dân, nếu thực hiện chỉ mang tai họa mọi mặt cho đồng bào và đất nước. Cuộc hội thảo nhất trí cho rằng vấn đề hệ trọng, cấp bách nhất là đổi mới cơ cấu chính trị, hệ thống cầm quyền, điều mà Cương lĩnh dự thảo né tránh.
Bộ chính trị, 15 vị tự cho mình quyền lực tối cao mà không được ai ủy nhiệm, đang như ngồi trên lò than hồng. Họ như đang bị chiếu tướng ở ngay hậu cung mà không có lối thoát. Để nguyên bản Báo cáo Chính trị, bản Cương lĩnh và bản Chiến lược đã bị bác bỏ triệt để để đọc tại Đại hội XI sắp tới thì kẹt quá và dại quá. Mà sửa thì sửa ra sao, vá víu lại càng khó. Nát cả 15 bộ óc, mà là những bộ óc tỏ ra thuộc loại xoàng, nếu so với hơn 20 bộ óc của cuộc hội luận trên đây thì lại càng xoàng hơn.
Chẳng lẽ cho người lẻn sang hỏi cao kiến của ông Gia Cát Lượng tân thời ở Bắc Kinh chăng? Cũng chỉ là tối kiến, vì Bộ chính trị Bắc Kinh cũng đang bị hãm vào một cuộc chiếu tướng cực kỳ gay go.