Nhật Ký Hai Ngày Đại Lễ Ngàn Năm Thăng Long
Đang chuẩn bị ra máy bay thì RFI gọi điện thoại xin phỏng vấn cảm nghĩ về “Đại lễ 1000 năm”. Bảo 1 giờ nữa mới bay ra, nhưng bạn vẫn muốn mình nói vì chắc mình đã theo dõi và suy nghĩ từ lâu. Chỗ bạn bè thân tình lâu nay, khó từ chối. Chỉ nhấn mạnh một ý: Nghe nói tiêu đến hơn 5 tỷ đô (?) mà phần lớn dành cho các trò trình diễn hoành tráng thì quá hình thức, trong khi bao nhiêu điều cấp thiết không làm. Chỉ cần xem văn hóa giáo dục ở thủ đô xuống cấp quá trời, sao không nhân dịp này làm gì cho nó? Thí dụ tập trung vào lối sống của người Hà Nội, nhếch nhác tạp nham quá, toàn bị chê cười, làm sao để tự hào là người thủ đô như xưa? Hay giáo dục suy thoái, nhà nước chẳng làm được gì để cải tạo tận gốc, trong khi một nhóm cá nhân mới đây làm ra bộ sách giáo khoa với tinh thần cách mạng giáo dục, đó mới xứng đáng là công trình “nghìn năm Thăng Long”!
Kẹt đường là dấu ấn đầu tiên của “Đại lễ”. Đầu tiên là kẹt đường bay! Hoãn từ 16 giờ đến 18 giờ! Rồi đến kẹt đường bộ! Đến Nội Bài gần 20 giờ mà gần 22 giờ mới về đến trung tâm Hà Nội. Thế là dự tính xem “lễ hội áo dài” Hồ Gươm đi tong. Mấy ngày tới hứa hẹn còn kẹt đến thế nào? (Hôm sau xem tin trên mạng, biết rằng người chen đặc Bờ Hồ, ai đứng đâu đứng đấy, chẳng thể di chuyển để đến các địa điểm trình diễn. Nghĩa là cũng giống như Sài Gòn hồi lễ “300 năm”.)
Dọc đường, thấy có cái có thể cho là đẹp là hệ thống đèn hoa các kiểu (sen, cúc…) treo dài dài trên các cột điện, thanh nhã, có nét riêng.
Ngày Thứ bảy, 02 tháng 10
Mượn một chiếc xe gắn máy của người bà con để chở bà xã đi lòng vòng xem phố xá ngày “Đại lễ” kết hợp thăm họ hàng. Đi qua Tràng Thi, Tràng Tiền, quanh Bờ Hồ, khu vực trọng điểm của lễ hội. Nhận xét: 1/Quá nhiều biểu ngữ, mật độ quá dày đặc (tốn bộn tiền!), quá đỏ – vàng. (Nhớ năm trước ông Thủ tướng Đức sang thăm, trả lời nhà báo ấn tượng đầu tiên về Hà Nội, ông cũng bảo: “Nhiều màu đỏ quá!”. Ngày thường mà còn thế nữa là Đại lễ 1000 năm một thuở!). 2/ Chỗ nào cũng lâu lâu lại nghe tiếng loa chào mừng rồi hát “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây…”. Cẩn thận quá mức, ai quên được mà cứ phải nhắc nhở suốt thế nhỉ? Đến ngày sinh nhật một nghìn mấy chục thì lỗ tai người Thăng Long – Hà Nội mới thoát được kiểu tra tấn âm thanh của hệ thống loa phường quê mùa quá đát này? 3/ Đường sạch đột xuất so với ngày thường. Để rồi hết đại lễ sẽ… dơ bẩn kinh khủng để bù lại nỗi kìm nén xả rác trong suốt 10 ngày? 4/ Chỉ thấy người, xe nườm nượp, không biết đi đâu? Cái thú đi lòng vòng xem nhau để hưởng “không khí hội hè” chắc là một đặc điểm của “bản sắc dân tộc”, trong đó có chính mình? 5/Ghi nhận một trong số công trình dân dụng được gắn biển “Nghìn năm”: Chợ Hàng Da. Kỷ niệm thời trai trẻ ập về. Những ngày xếp hàng mua mấy bìa đậu phụ, mấy lạng mỡ theo bìa phân phối hàng tháng. Có lần thấy ông bác sĩ quen đang nịnh chị “mậu dịch” để được mua miếng đậu ngon hơn người khác, ông gọi “chị” xưng “em” ngọt xớt. Có lần xếp hàng mua gạo gặp anh Đặng Đình Hưng mới đến nhìn hàng người rồng rắn mà le lưỡi, bèn mua hộ anh luôn, anh mừng muốn chết! Cái chợ mới xây trông cũng sạch sẽ, nhưng kiểu dáng nhạt nhẽo vô hồn, nhiều bạn trong ngành kiến trúc vẫn phản đối.
Trong khi đi lòng vòng, bỗng reo lên: Di tích Hỏa Lò mở cửa cho khách vào xem! Bao nhiêu lần ra Hà Nội, lần đầu tiên có cơ hội này! Mơ ước thầm suốt mấy chục năm: được xem lại cái nơi đã giam giữ mình 6 tháng trời (năm 1982) tự nhiên thành sự thật. Cảm ơn Đại lễ! Cái phòng giam duy nhất được giữ lại làm di tích của La Maison Centrale khét tiếng tình cờ lại chính là Phòng số 18 giam “cán bộ công nhân viên phạm pháp lần đầu” (nghĩa là có ưu ái) hồi những năm 1980. Tất nhiên không phải vì đó là di tích nơi ông Hoàng Hưng bị giam, mà là nơi Tây giam các lãnh tụ cộng sản, sau đó là nơi Cộng sản giam phi công Mỹ (Hanoi Hilton). Vội vàng vào chụp một lô ảnh kỷ niệm. Nhân đấy mới biết: Phòng giam tái tạo cảnh thời Tây, hóa ra Tây cho tù nhân nằm trên sạp đàng hoàng, và số lượng tù trong buồng rất ít (khoảng 30?), trong khi Cộng sản giam tù Mỹ thì cho nằm thẳng trên bệ xi măng, số lượng là 60 người (khi mình bị giam, vẫn còn các vạch kẻ ngăn từng ô). Còn đến lũ tù nhân cán bộ – công nhân viên người Việt mình, thì số lượng trên 200, phải nằm úp thìa, mùa nóng thì ôi thôi!
Nhân đây xin mời các bạn ngự thưởng hai bài thơ của bản bút miêu tả cảnh Hỏa Lò và buồng giam này hồi đó:
Hỏi tòa nhà đá
Nuốt bao nhiêu tiếng khóc tiếng rên la
Sao mày lặng câm thế?
Hút bao nhiêu hơi thở hổn hển
Sao mày lạnh lẽo thế?
Giam hãm biết bao nhiêu cuộc đời
Sao mày cứng rắn thế?
Ủ bao nhiêu hy vọng
Sao mày u tối thế?
Con nhân sư thế kỷ hai mươi
Không bao giờ trả lời
Đêm trắng
Đứa giết người mắt trắng dã
Ca một khúc vọng cổ não nề
Lão làm thuốc tây giả
Run run nhặt từng hạt cơm thiu
Thằng nhóc “cắt bom” (1) ga Hàng Cỏ
Sằng sặc bóp cổ tên hiếp trẻ con
Ba thằng buôn cơm đen
Ngồi nhìn ông cựu bí thư nhảy múa
Vào mà xem
Trong nhà “mét” (2)
Đám cưới thằng khoèo lấy thằng thọt.
Lại mà xem
Hai thằng kẻ cướp
Bắt chấy cho nhau
Đêm hãi hùng
Ta ở đâu đây
Đêm không chợp mắt chờ sáng
Sàn xi măng vảy ghẻ rụng đầy
(1) tiếng lóng, chỉ động tác cắt hàng hoá buộc sau xe đạp
(2) tiếng lóng của dân tù, chỉ nhà xí
Tối nay theo chương trình có Hội Rồng ở Sân Vận động Mỹ Đình. Tám giờ bắt đầu nhưng mọi người khuyên phải đi từ 5 giờ không thì kẹt xe. Từ Hồ Tây bị kẹt cứng ở đường Thanh Niên (Cổ Ngư cũ), taxi tìm đường vòng vèo, đến đâu cũng kẹt, vừa tìm đường anh ta vừa chửi thề ầm ĩ. Loanh quanh mất hai tiếng, gần 400.000 đồng tiền cước!
Đến nơi, thấy bà con đứng đầy bên ngoài tường rào, bên trong là các hàng ghế chưa có ai, chỉ mấy anh trong đội trình diễn người Tây Ban Nha đang thử dàn âm thanh. Một hàng cảnh sát cơ động nai nịt chắn ngoài tường, trả lời dân: “Đây là chương rình của các Đại sứ quán nước ngoài tổ chức cho khách của họ, không vào được đâu, đứng ngoài mà xem thôi”. Có người thanh niên vặn hỏi: “Sao hôm qua trên tivi ông Phó chủ tịch TP nói cho vào tự do?” Anh cảnh sát lắc đầu không biết. Một số gia đình thì đã mang theo vải mưa, đồ ăn thức uống chiếm chỗ ngoài lề đường. Vì nghe nói có xiếc, múa rồng và pháo hoa.
Mình chả đủ sức mà đợi xem kiểu này! Bỏ đi tìm chỗ ăn chiều cái đã. May cách đó 500m có nhà hàng tương đối rộng rãi, sạch sẽ. Ăn xong bước ra đường đã thấy xa xa tua tủa các cột sáng đèn chiếu đan nhau, và… pháo hoa bắt đầu bắn lên. Người chen chân hối hả đổ về phía Sân vận động. Không chen nổi, đành đứng từ xa mà ngắm. Nhận xét: pháo hoa ở đây bắn có kinh nghiệm, không dồn dập trong 10 phút rồi hết, mà rải ra lâu lâu lại bắn một đợt, như thế ai đến muộn vẫn xem được chút ít, đỡ tủi!
Lại bắt xe chạy ngay ra Bờ Hồ, chậm chân chắc lại kẹt cứng. Chạy đến góc Hai Bà Trưng – Quang Trung thì anh tài nhất định không đi nữa. “Bác có cho thêm 200 ngàn nữa cháu cũng chịu. Chạy suốt cả ngày, chân đạp phanh đau nhức hết rồi. Mà vào nữa kẹt không ra được. Cháu quay ra thôi”. May quá, đi bộ cũng chỉ 500m. Thấy hàng nước chè chén có điếu cày (bây giờ ngay ở Hà Nội cái món “đặc sản” này cũng bắt đầu hiếm), bèn sà vào tự thưởng một hơi. Từ hôm qua đến giờ, đây là lúc thấy sảng khoái nhất, vì “phê” thuốc, vì cái không khí hồn hậu vui vẻ của vỉa hè dân dã Hà thành. Đó có lẽ là nét “bản sắc” đáng yêu loại nhất của Thăng Long – Hà Nội!
Phố Hàng Khay, Tràng Tiền chăng đèn hoa rực rỡ (sắp sánh bằng Sài Gòn những đêm hội). Chỉ có thể đứng xem trình diễn qua màn hình lớn ở góc hàng Trống – Hàng Khay, sức đâu mà chen ra trước sân khấu Vườn hoa Lý Thái Tổ (vả lại trong những ngày này cũng không muốn nhìn mặt cái ông được trẻ con gọi là “Tần Thuỷ Hoàng” ấy). Nhớ trước đây ở sân Khai Trí Tiến Đức, có tượng vua Lê trên đầu cột đá, có phần khiêm tốn quá, nhưng khiêm tốn mà nhìn còn thấy có gì là Việt, còn hơn “hoành tráng” như tượng cụ Lý kia, về anatomy rõ là người Bắc Á. Lại nghĩ đến những pho tượng vua, quan, sư sãi trong các chùa Bắc Bộ, trông rõ ra người Việt. Liên tưởng thêm đến các tượng danh nhân mình thấy khắp nơi trên xứ Ấn vĩ đại, cũng đều nho nhỏ, trong rất gần gụi, rất Ấn!
Đến 11 giờ đêm không làm sao bắt được taxi. Xuất hiện ngay mấy tay “cò”, cứ trông thấy cái taxi nào chạy gần tới là xông ngay đến chặn xe áp tải đến “con khách” đã ăn giá cao (một cây số khoảng 50.000 đồng). Mấy chiếc xích lô du lịch cũng theo giá đó mà hét. Mấy người có xe gắn máy cũng tranh thủ làm ăn theo giá đó. “Đại lễ mà!” đó là câu trả lời cho những thắc mắc về giá.
Ngày Chủ nhật 3 tháng 10
Dành buổi sáng đi thăm Di tích Hoàng Thành.
Đường vào gặp trước nhất là mấy chồng gạch xếp thật cao, phải có người thuyết minh mới biết đâu là gạch đời Đại La, gạch đời Lê, Lý, Trần, Nguyễn… (Sao không có bảng thuyết minh?). Và các mảnh đá vỡ đủ loại: chân cột, thành giếng, cối đá… Cảm giác lộn xộn, vô hồn quen thuộc ở những chỗ được sắp xếp làm di tích tham quan! (Ôi, không dám nhớ đến khu phế tích cổ La Mã đầy cảm xúc!)
Muốn vào tiếp khu vực hố khảo cổ, bắt buộc phải qua một phòng trưng bày. Thấy người chen vào cửa hẹp, vội can ngăn bà xã đừng vào, vì chắc sẽ ngộp thở, nhưng không hiểu sao người trong ban tổ chức cứ bắt vào! Phòng có bày một số “hiện vật” khá đẹp: đầu rồng, phượng bằng đất nung. Bà xã rút máy ảnh trong túi xách ra chụp lia lịa, mình cảnh giác kêu: “Thôi đừng chụp nữa, toàn đồ giả đấy mà, đồ thật người ta cất kỹ rồi!”. Bà vừa nghe lời, đút máy vào túi thì la lên: “Mất ví rồi”. Ngơ ngác không kịp phản ứng. Thế là đi tong hết tiền nong, các loại thẻ, nhưng nguy nhất là mất chứng minh nhân dân, làm sao tối nay bay về Sài Gòn?
Thế là buổi thăm Hoàng Thành kết thúc ngang xương, từ lúc này chỉ lo làm sao bay về? Gọi điện thoại cho người quen ở sân bay Tân Sơn Nhất, anh góp ý phải đi chụp hình rồi ra đồn công an trình mất giấy tờ, may ra an ninh sân bay giải quyết cho bay! Cả buổi chiều dành cho những việc này. Chụp ảnh thì thời đại kỹ thuật số, chỉ mất 30 phút. Nhưng đồn công an 14 giờ mới làm việc. Anh trung úy trực làm ngay cho, nhưng phải chờ thủ trưởng từ 14 giờ đến… 16 giờ mới lấy được chữ ký.
21 giờ 15 mới bay, nhưng phải có mặt từ 19 giờ để lo năn nỉ an ninh. May mà anh an ninh hôm nay dễ tính, vặn hỏi vài câu rồi “lần này tôi linh động đấy”. Bù vào đó, máy bay lại hoãn đến 22 giờ mới bay!
Ngồi vào ghế, đập vào mắt trang nhất tờ báo Tuổi Trẻ hôm nay đưa tin về lốc xoáy, lũ miền Trung. Thế là 7 ngày tiếp của “Đại lễ” sẽ trùng với “đại nạn” của hàng vạn dân lành. Lại không thể không nghĩ đến con số trên 5 tỷ đô tiêu hoang phí cho những trò trình diễn lấy “le”. 1/10 số ấy (hoen 500 triệu đô) có làm gì được cho miền Trung? Những người tổ chức Đại lễ có hề nghĩ đến mùa này bao giờ cũng là mùa mưa bão triền miên? Rồi sẽ có cảnh: “Cửa son rượu thịt ôi/ Ngoài đường xương chết buốt”? 1000 năm Thăng Long phỏng có thể vui?
Nguồn: Hoàng Hưng, bauxitevn