Nghe Chuyện Quê Nhà
Trần Khải
Một năm cũ sắp qua đi; một năm mới sắp tới... Chuyện quê nhà lúc nào cũng làm xao động lòng người.
Điều bi thảm cuối năm là hoàn cảnh hàng trăm công nhân phải đình công đòi tăng lương. Bản tin nhan đề “Hàng trăm công nhân Panasonic đình công” đăng ngày 28-1-2011 trên báo Dân Việt đã kể:
“...Ngày 27-1, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Panasonic Home Appliance Việt Nam ở Lô B6 Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đình công đòi tăng lương dưới trời rét buốt.
Anh Nguyễn Tiến Bình – công nhân làm tại công ty cho biết: “Khu sản xuất tủ lạnh của đơn vị có khoảng gần 400 người đều bỏ việc đình công từ ngày 22-7, vì quá bức xúc với mức lương mà công ty trả cho công nhân. Mức lương hiện tại của công nhân mới vào làm trung bình chỉ 1,5 triệu đồng/người/tháng...
...Theo đơn kiến nghị của các công nhân Panasonic gửi lên Báo NTNN có yêu cầu 7 nội dung gồm: Tăng lương cơ bản và lương tháng 1; tăng lương theo mức trượt giá của thị trường; thưởng theo thâm niên và theo năng lực làm việc; chuyển phụ cấp cá nhân thành lương cơ bản; bữa ăn giữa ca phải đảm bảo 15.000 đồng/suất….”(hết trích)
Đó là công ty ngoại quốc, đó là Panasonic nổi tiếng toàn cầu, và đó là ngay ở thủ đô Hà Nội... Công nhân đói, gần Tết vẫn phải đình công.
Trong khi đó, tận phía nam, tỉnh Kiên Giang “kêu gọi Việt kiều tham gia xây dựng giao thông nông thôn.” Đó là bản tin ngày Thứ sáu, 28-1-2011 trên báo Nhân Dân Điện Tử:
“Chiều tối ngày 28-1, tại khu đô thị 16 ha, TP. Rạch Giá (Kiên Giang), hơn một nghìn Việt kiều và thân nhân đã có có buổi họp mặt mừng Xuân đầy ý nghĩa. Buổi họp mặt do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang tổ chức....
...Ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang cho biết: Thời gian gần đây, đã có 31 tổ chức, cá nhân và bà con Việt kiều cam kết tài trợ với số tiền trên 58 tỷ đồng để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh.
Theo ông Lê Văn Hồng, Liên hiệp lấy năm 2011 là năm “Đồng khởi giao thông nông thôn” và tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân và bà con Việt kiều đóng góp xây dựng 40 cây cầu, 56km đường giao thông nông thôn mới cho các huyện An Minh, An Biên, Giồng Riềng, Giang Thành….”(hết trích)
Có vẻ như Bộ Giao Thông và Bộ Xây Dựng Cầu Đường sắp giải thể. Hay đã giaỉ thể? Bởi vì chuyện xây cầu đẩy trách nhiệm sang cho Việt Kiểu quả nhiên là độc chiêu “mượn hoa cúng Phật” tuyệt vời.
Tuy nhiên, không phải Việt Kiều nào cũng đóng góp cầu đường. Đối với nhiều vị trí thức, đóng góp lời nói thẳng vẫn là cách thực sự có thể sửa chữa được “lỗi hệ thống,” một căn bệnh tận gốc mà ông Nguyễn Văn An (cựu chủ tịch quốc hội CSVN) đã chỉ ra trong cơ chế nhà nước CSVN.
Nhà văn Tưởng Năng Tiến trong bài viết nhan đề “ Ông Đinh Thế Huynh & Báo Nhân Dân” đã góp lời nói thẳng để chúc xuân quê nhà, trích:
“...Trên trang Dân Luận, đọc được hôm 13 tháng 01 năm 2011, có bài viết (Tuyên Ngôn Của Họ Đinh) xin được trích dẫn vài câu – đọc chơi cho biết:
“Tổng biên tập báo Nhân Dân ông Đinh Thế Huynh, tờ báo cơ quan phát ngôn của Đảng CSVN phát biểu trước thềm đại hội ĐCSVN toàn quốc lần thứ 11 rằng: Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng...”
Tác giả bài viết – Người Buôn Gió – cũng đưa ra một tuyên ngôn khác, nghe có vẻ , mỉa mai :”Gia súc, gia cầm ở Việt Nam không có nhu cầu dùng cám khác ngoài Cám Con Cò!”
Ông Lái Gió – rõ ràng – có vẻ hậm hực về kiểu ăn nói (hàm hồ) của ông Lái Báo. Chuyện ăn cám của đám gia cầm và gia súc hay chuyện kết bè kết cánh, đàn đúm tụ tập (và ăn bẩn) của đám đảng viên của ĐCS Việt Nam ra sao – nói thiệt tình – tôi không bận tâm gì cho lắm. Tôi chỉ hơi băn khoăn về với lời chú thích, ghi bên dưới bức hình chụp ông Đinh Thế Huynh, của anh em Dân Luận thôi: “Tổng biên tập báo Nhân Dân, một tờ báo ít người đọc.”...
...Hồi thế kỷ trước, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan – trong một cuộc phỏng vấn dành cho RFI – cũng đã (buồn rầu) cho biết rằng nhân dân không ai chịu đọc tờ báo này hết trơn hết trọi. Họ chỉ mua vì rẻ, và để dùng vào những việc khác thôi:
- “I was reminded of the time when there was a severe shortage of paper across the country. People literally lined up daily to buy the inexpensive Nhan Dan for household uses”(Robert Templer, Shadows And Wind. Penguin Group. New York: 1988, 165).
Dùng vô chuyện (thổ tả) gì khác thì dù có bị ra tấn – thảm thiết, đến chết thì thôi – ổng cũng nhất định không chịu nói! Người phương Tây thì khác. Họ không có thói quen ăn nói lịch sự, hay “bóng và gió” thế đâu. Tác giả cuốn sách dẫn thượng, Robert Templer – sau ba năm làm đặc phái viên cho A.F.P. tại Việt Nam, từ 1994 đến 1997 – đã thản nhiên tuyên bố :
“Dân Việt dùng báo Nhân Dân để đi cầu, chớ còn tin tức thì họ nghe từ chương trình phát thanh tiếng Việt của đài BBC, RFI và VOA.” (Vietnamese may have found Nhan Dan useful in the bathroom, but for information they turned to their radios and the Vietnamese language services of BBC, RFI and VOA).
Thảo nào, hồi vừa mới nhận chức, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lật đật ban hành chỉ thị (37/2006/CT-TTg): “cấm tuyệt đối không cho phép sự có mặt của báo chí tư nhân.” Ai cũng tưởng là ổng lộ mặt độc tài, muốn bóp (nghẹt) quyền tự do ngôn luận – vốn đã nghẹt từ lâu – cho nó chết luôn. Sau mới vỡ lẽ ra là nguyên do chỉ vì chút tình ... đồng chí.
Ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ muốn giúp ông Đinh Thế Huynh giữ vững cái ghế Tổng Biên Tập, thế thôi. Chớ bị báo tư nhân cạnh tranh thì Nhân Dân chắc chết, chết chắc. Nó sẽ đi từ tình trạng “ít người đọc” đến hết người đọc (luôn) trong một khoảng thời gian rất ngắn. Sau đó, Tổng Biên Tập – tất nhiên – sẽ phải khăn gói về vườn, theo gương Thánh Gióng, vui thú ....điền viên...”(hết trích)
Tuyệt vời, quà xuân gửi về quê nhà cho cán bộ như thế là tuyệt vời. Chưa hết, nhà báo Bùi Tín trên trang blog ở đaì VOA cũng có một bài viết chúc xuân cho một tác giả trên tờ Quân Đội Nhân Dân.
Bài của nhà báo Bùi Tín có nhan đề “Một bài chính luận ngụy biện, nói lấy được!” có trích đoạn như sau:
“Tôi rất mừng khi đọc trên báo Quân đội Nhân dân trong nước số ra ngày chủ nhật 23-1-2011 trong mục “Chính luận” bài của tác giả Xuân Bằng với đầu đề là: “Cái nhìn siêu thực về một hiện tượng sống động”, nhằm tranh luận với bài viết của tôi trên VOA về Đại hội XI của đảng Cộng sản Việt Nam: “Nội dung siêu thực, nhân sự lên gân, đe dọa”.
Tôi vui vì bài báo của tôi đã được chú ý, được phản hồi từ trong nước, và có thể mở ra một cuộc tranh luận công khai bổ ích và lý thú về kết quả của Đại hội XI vừa kết thúc. Bài này là để đáp lễ ông Xuân Bằng.
Tôi cho rằng nội dung của 3 ngày thảo luận các văn kiện dự thảo nhìn chung là xa rời cuộc sống, tránh né những vấn đề lý luận và thực tiễn nóng bỏng nhất, và tôi vẫn cho đó là một nhận định chính xác, phản ánh đúng sự thật.
Tại sao không mở ra cuộc tranh luận sôi nổi lý thú vể vấn đề liệu chủ nghĩa Marx – Lenin còn cần thiết, còn có giá trị hay không? về chủ nghĩa xã hội kiểu Mác-xít còn cần thiết hay không? về chế đô độc đảng có ưu việt hơn chế độ đa đảng hay không? và có nên coi sở hữu quốc doanh là then chốt và chủ đạo trong nền kinh tế hay không?
Đó là những vấn đề nóng bỏng, thiết thực, có nhiều ý kiến khác nhau, trái ngược nhau, sao không nêu lên để thảo luận?
Nhà báo Xuân Bằng có thấy trong cả 27 bản tham luận ở hội trường, đã có đại biểu nào nêu lên vấn đề có nên khai thác bauxite trên vùng Tây Nguyên, có nên làm đường xe lửa cao tốc lúc này, giải quyết quyền sở hữu ruộng đất của nông dân ra sao, hay vấn đề bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ lãnh thổ, hải đảo quốc gia trong cuộc khủng hoảng ở vùng biển Đông ra sao hay không?
Tránh né một loạt vấn đề thực tiễn quan trọng cực lớn như vậy thì không phải là quay lưng lại với cuộc sống thật, không phải là siêu thực hay sao?(...)
...Và kỳ lạ nhất là thêm một ông Trung tướng Công an Trần Đại. Thêm một nhân vật chuyên chính trong Bộ Chính trị, bên cạnh Đại tướng Công an Lê Hồng Anh, để làm gì vậy? Thế không phải là “lên gân, đe dọa”, như tôi nhận định hay sao, thưa ông?
Trong Trung ương vừa bầu, có 1 đại tướng bộ trưởng và 7 thứ trưởng công an, chưa kể 1 tướng công an làm Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Bộ Quốc phòng cũng không có nhiều thứ trưởng là ủy viên Trung ương như thế. Các Bộ Kinh tế Công thương, Lao động, Tài nguyên-Môi trường, Văn hóa, Giáo dục, Khoa học Công nghệ lại càng hiếm, vắng.
Giữa thời kỳ xây dựng hoà bình, thế không phải là lên gân, là đe dọa cả xã hội đang khao khát tự do, dân chủ và nhân quyền, đang thật lòng mong muốn sớm hội nhập với xã hội dân chủ văn minh hay không? Thế mà không siêu thực sao?”(hết trích)
Thế nên, giáo sư Nguyễn Hưng Quốc cũng trên blog ở VOA, qua bài viết “Đại hội xong rồi... thì sao?” đã nhận xét:
“...Nhưng cơ chế không thể thay đổi nếu ý thức hệ không thay đổi. Mà khi cơ chế và ý thức hệ không thay đổi thì những thay đổi về nhân sự chẳng có ý nghĩa gì cả.
Nó chỉ giống việc thay đổi diễn viên trong một màn kịch cũ.
Ở Việt Nam, đó lại là một màn kịch dở ẹc.”(hết trích)
Thế mới biết, xuân mới, năm mới... nhưng mọi chuyện trong nhà nước CSVN vẫn là ít người đọc, nói theo nhà văn Tưởng Năng Tiến; vẫn là “siêu thực, lên gân, đe dọa...” nói theo nhà báo Bùi Tín; và là “màn kịch dở ẹc,” nói theo giáo sư Nguyễn Hưng Quốc.
Và rồi công nhân vẫn phải đình công ngày cận Tết, và Việt Kiều vẫn được mời gọi xây cầu đường cho nhà nước.