Một cuộc chiến cố tình bị lãng quên
Song Chi
32 năm trước, vào sáng sớm ngày 17 tháng 2, 1979 Trung Quốc bất ngờ mở cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới đất liền với Việt Nam thuộc địa phận 6 tỉnh khác nhau từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu).
Và sau một tháng thì Trung Quốc rút lui khi cả hai bên đều thiệt hại nặng nề về người, phía VN còn bị tổn thất nặng về tài sản do bị phá hoại tại những tỉnh, làng mạc, khu vực mà lính Trung Quốc đã chiếm đóng hoặc trên đường lui quân.
Một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt!
Trong suốt bao nhiêu năm qua, cuộc chiến tranh với Trung Quốc năm 1979 và sau đó, năm 1984, đã trở thành một chủ đề nhạy cảm mà đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam hoàn toàn không muốn người dân nhắc đến.
Ngày 17 tháng 2, 2011 vừa qua cũng vậy. Toàn bộ hệ thống báo đài của nhà nước đều “im thin thít.” Báo Thanh Niên có nhắc nhẹ qua bài “Lê Ðình Chinh trong ký ức người mẹ” nói về liệt sĩ Lê Ðình Chinh và báo Sài Gòn Tiếp Thị có bài “Lào Cai ngày 17 tháng 2” càng nhẹ hơn nữa khi viết: “Không có nhiều ký ức về ngày này 32 năm trước tại thành phố Lào Cai. Tôi đi rạc chân quanh thành phố, hỏi thăm khắp lượt, mọi người tôi hỏi đều lắc đầu không biết quanh thành phố Lào Cai có tấm bia kỷ niệm nào về cuộc chiến tàn khốc trong 16 ngày của 32 năm trước... Người ở Lào Cai giờ không để quá nhiều đầu óc vào cuộc chiến năm xưa, đó là thực tế mà tôi cảm nhận được...”
Còn lại báo chí chỉ chạy theo khai thác những tin tức hàng ngày. Trang blog Da Vàng trong bài “Khi chiến tranh biên giới 1979 không địch nổi đám cưới Ðan Lê” có một nhận xét chua chát rằng trong lúc hàng trăm tờ báo chính thống không có một dòng nào về cuộc chiến 1979 thì hàng loạt báo lại đua nhau đưa tin, bài về đám cưới lần hai của người đẹp Ðan Lê!
Cuộc chiến tranh chỉ được nhắc đến qua báo chí nước ngoài, báo chí của người Việt ở hải ngoại, các diễn đàn độc lập, các trang blog cá nhân. Nhiều thông tin, tư liệu về cuộc chiến được công bố. Trang blog của Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện đăng bản dịch bài nói chuyện của Ðặng Tiểu Bình tại một hội nghị nội bộ ngày 16 tháng 3, 1979, đúng ngày Trung Quốc rút khỏi VN. Qua đó, Ðặng giải thích nguyên nhân, lý do của cuộc chiến tranh mà phía Trung Quốc luôn luôn tuyên truyền là “đánh trả tự vệ,” là “một sự trừng phạt có giới hạn” đối với Việt Nam xâm lược, “Cu Ba phương Ðông.” Theo Ðặng, có 3 lý do lớn phải đánh VN. Một là “mặt trận thống nhất chống bá quyền quốc tế đòi hỏi có sự chế tài cần thiết đối với Cu Ba phương Ðông để thúc đẩy mặt trận thống nhất chống bá quyền quốc tế,” hai là Trung Quốc cần có môi trường tương đối ổn định để “xây bốn hiện đại hóa,” thứ ba nữa quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa 30 năm nay không đánh trận, cũng cần phải tập dợt lại một chút.
Về sau này, nhiều nhà nghiên cứu, bình luận chính trị ở VN và quốc tế đã có các bài viết phân tích những toan tính của Ðặng khi quyết định tiến đánh VN lúc đó. Và rõ ràng, Ðặng đã “tính đúng,” dù cũng bị thiệt hại nhân mạng nặng nề nhưng Trung Quốc đã “được” khá nhiều từ cuộc chiến này. Trong đó, cái được lớn nhất là quan hệ với Washington, đánh VN là “món quà tặng dành cho Mỹ” để đổi lấy lòng tin của Mỹ và việc mở cửa cho Trung Quốc với thế giới phương Tây, bắt đầu 3 thập niên làm ăn và phát triển của Trung Quốc.
Bài nói chuyện của Ðặng Tiểu Bình còn có một chi tiết khiến các thế hệ hậu sinh VN bây giờ đọc mà cảm thấy rợn người, đó là “Mười một ngày này trên đường trở về đã quét dọn một số hang, có một số vật tư giấu ở hang này hang nọ, một số thôn trang, cũng quét dọn mấy ngàn người, trên vạn người.” Thế nào là “quét dọn mấy ngàn người, trên vạn người”?
Bài “Kỷ niệm chiến tranh 1979, lính Trung Quốc thừa nhận được lệnh giết dân Việt Nam” đăng trên trang Bauxite VN sẽ giải đáp thắc mắc đó. Một người lính Trung Quốc tên là Vương Chí Quân, khi đó là tiểu đội trưởng đội Dao Nhọn Sư Ðoàn Bộ Binh 163 Quân Giải phóng Trung Quốc đánh chiếm Lạng Sơn đã viết những dòng ký ức như sau: “Về sau cấp trên của Sư Ðoàn 163 ra lệnh: giết người không bị buộc tội (nguyên văn: 'cách sát vô luận'), cứ dùng pháo hỏa tiễn, súng phun lửa, bộc phá và xăng tiêu diệt sạch người Việt Nam hết làng này đến làng khác. Ðêm đến thấy ai đứng thì coi đó là kẻ địch, cứ việc xả súng bắn coi như bắn lợn rừng. Khi đánh chiếm các thị trấn, chiến đấu trên đường phố cũng bất chấp nhà dân, cơ quan bưu điện, cứ dùng mấy trăm tấn thuốc nổ đánh sập và san bằng toàn bộ cầu cống, sân bay... tất cả các kiến trúc công cộng cả thảy hơn 2,900 chỗ ở thị trấn Lạng Sơn.”
Quân Trung Quốc rút về nước qua thị trấn Ðồng Ðăng đã khuân về Trung Quốc “tất cả những thứ gì có thể mang đi được như máy móc, lương thực, thiết bị văn phòng; tháo tất cả các thanh ray đường sắt; cái gì không mang đi được thì nổ tung tất cả.” Và “không từ một thủ đoạn nào để giành chiến thắng”!
Một tài liệu khác cũng được dịch và đăng trên trang Bauxite Vietnam thì cho biết: “Kỷ niệm chiến tranh 1979 Trung Quốc thừa nhận gài 10 triệu quả mìn tại vùng biên giới Việt-Trung trước khi rút quân về nước.”
Tác giả, một người Trung Quốc tên Vương Quốc Hiến viết: “Loại vũ khí này nếu không lặng lẽ mọt rỉ thì sẽ lặng lẽ nổ, gây tai nạn trầm trọng cho người dân trong vùng. Nghe nói một xóm 87 người thì chỉ còn 78 chân, bình quân một người chỉ có 0.9 chân. Mìn còn có thể tác động tới vùng biên giới này trong 20 năm.”
Tính chất dã man của giới lãnh đạo và binh lính Trung Quốc đã bộc lộ rõ ràng trong cuộc chiến dù là ngắn ngủi này. Chưa kể, sau đó, có những vùng đất đã bị mất vĩnh viễn vào tay Trung Quốc.
Thế mà đảng và nhà nước Cộng Sản VN cố tình nhắm mắt bịt tai, cố tình quên. Không cho báo chí nhắc tới, không tổ chức lễ tưởng niệm, giới lãnh đạo cũng không có người nào cất công đi thăm, nhang khói cho các liệt sĩ.
Người dân VN thì không thể quên. Trên rất nhiều diễn đàn độc lập, các trang blog cá nhân, người kể chuyện gia đình, cái chết của người thân, người kể lại chuyến đi thăm và nói chuyện với người mẹ có một người con trai đã hy sinh, người ghi lại những cảm xúc vào thời gian xảy ra cuộc chiến khi hãy còn là một đứa trẻ, người viết những lời nhắn nhủ với con gái-thế hệ hôm nay... mỗi người một cách nhớ về cuộc chiến đã cố tình bị lãng quên.
Và câu hỏi nhức nhối nhất trong tâm khảm người VN suốt bao nhiêu năm nay là vì sao các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng Sản VN lại luôn hèn hạ khiếp nhược đến thế trước Bắc Kinh? Trong cuộc chiến với Pháp với Mỹ trước kia thì thái độ của họ khác hẳn. Trên toàn bộ các phương tiện truyền thông, sách giáo khoa các cấp, nhà bảo tàng... trong suốt thời gian xảy ra chiến tranh và cho đến tận bây giờ, họ công khai nói về những cuộc chiến tranh này, công khai chửi “kẻ thù” bằng mọi cách có thể, hàng năm họ rầm rộ kỷ niệm ngày chiến thắng Ðiện Biên Phủ, ngày 30 tháng 4, 1975...
Còn với Trung Quốc? Ngay tại Bắc Kinh vào chiều ngày 18 tháng 2, 2011, Hoàng Bình Quân, ủy viên Trung Ương Ðảng, trưởng Ban Ðối Ngoại Trung Ương, đặc phái viên của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, đã gặp Hồ Cẩm Ðào để “thông báo về kết quả Ðại Hội XI của Ðảng Cộng Sản Việt Nam” (!) đồng thời hai bên cùng cam kết “đưa quan hệ ‘đối tác hợp tác chiến lược toàn diện’ Trung Quốc-Việt Nam phát triển lên tầm cao mới”!
Hàng ngàn năm sống bên cạnh Trung Quốc đã cho người Việt Nam quá nhiều kinh nghiệm và bài học. Chỉ có đảng Cộng Sản VN từ trước đến nay vì luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của dân tộc nên mới nhận kẻ thù truyền kiếp của dân tộc làm bạn, rồi bây giờ cũng vì quyền lợi riêng, vì không muốn mất chế độ nên cúi đầu cam tâm thần phục Bắc Kinh. Và còn bắt nhân dân phải đớn hèn theo họ!
Niềm an ủi là người Việt Nam chưa bao giờ mất đi lòng tự hào của mình. Ngày 17 tháng 2. nhắc lại cuộc chiến tranh biên giới, như nhiều người Việt cũng dặn lòng và dặn nhau, không có nghĩa là để khơi lại căm thù, nhưng để luôn luôn tỉnh táo và cảnh giác, nhất là ngày nay, khi Trung Quốc lại càng giàu mạnh hơn gấp bội và ngày càng bộc lộ rõ tham vọng bành trướng không che giấu!