LUẬT SƯ LÊ THỊ CÔNG NHÂN BỊ BẮT GIỮ
2 NGÀY LIÊN TIẾP & “ĐƯỢC XỬ PHẠT”
VI PHẠM QUẢN CHẾ 1,5 TRIỆU ĐỒNG
Luật sư Lê thị Công Nhân đã bị mật vụ cộng sản bắt giữ 2 ngày liên tiếp 29 và 30 tháng 12 năm 2010 và “được” ra quyết định xử phạt 1,5 triệu đồng do lần vi phạm án quản chế. FNA ghi lại sự việc cụ thể như sau:
BỊ BẮT NGÀY 29-12
10.30h tối ngày 29-12-2010 khi luật sư Lê thị Công Nhân cùng anh Ngô Duy Quyền-là anh trai ruột của sinh viên Ngô Quỳnh, đến ga Hà Nội để lên chuyến tàu 11h tối vào Huế thăm linh mục Nguyễn Văn Lý thì bị khoảng 20 công an mặc cảnh phục và mật vụ A42 ập đến bắt ngay khi 2 người vừa bước chân qua cửa soát vé. Công Nhân nhận ra họ do có một số trong đám mật vụ đó cô nhớ mặt thậm chí là quen mặt và một số biết tên như nữ mật vụ Võ, nam mật vụ Hoàng. Công Nhân cho biết những công an này xuất hiện nhanh đến mức “bỗng dưng” như từ dưới đất chui lên, hoàn toàn không xưng tên, chức vụ công việc, một đặc trưng tiêu biểu của kẻ mặc cảm mình làm việc xấu nên phải giấu tên, mặc dù cô đã chuẩn bị tinh thần sẽ bị bắt giữ vì nhiều mật vụ theo dõi canh gác cô chặt chẽ từ mấy ngày qua. Luật sư Công Nhân gọi mật vụ cộng sản là “thế lực bóng tối, bước ra từ bóng tối và trở về với bóng tối, còn đáng ghê sợ hơn Đông Xưởng của Ngụy Trung Hiền thời nhà Minh bên Tàu.” Dù vậy luật sư và người bạn trai của mình vẫn có hy vọng nhỏ nhoi là chính quyền sẽ thay đổi một chút, không hành xử gian ác cách cực kỳ vô lý và tràn đầy mặc cảm như họ vốn vẫn làm như một truyền thống với những người đấu tranh dân chủ. Chỉ cần 2 người dân chủ gặp nhau cách đơn giản thôi cũng đủ làm họ phải lo lắng huy động một lực lượng đông đảo để chặn bắt. Nhưng cuối cùng thì mọi chuyện vẫn vậy, cộng sản hoàn toàn không thay đổi mà còn ngày càng đi đến sự tột cùng của trơ trẽn vô liêm sỉ trong việc thể hiện nỗi sợ hãi run rẩy đến tận tâm can tiếng nói của những người dân chủ.
Nhà ga khi ấy vắng tanh không một bóng người làm Công Nhân rất ngạc nhiên vì còn 30 phút nữa tàu mới chạy và quãng thời gian này luôn là thời gian đông nhất người đến đi tàu và tiễn đưa nhau. Mãi sau cô mới biết là mật vụ và công an ga Hà Nội đã bắt ép hành khách phải vào trong khoang tàu ngồi đợi cho đến giờ tàu chạy còn người thân đưa tiễn thì bị buộc phải ra về hết để công an Đảng thuận tiện trong việc bắt giữ và bưng bít việc bắt giữ này. Cảm giác khi đứng giữa nhà ga hoang vắng trong một đêm mùa đông lạnh lẽo và bị đông đảo mật vụ vây kín, chia cách với người bạn rồi bị bắt đem đi để lại ấn tượng đặc biệt vừa đáng sợ vừa thú vị với cô. Sau đó mật vụ áp giải cô vào văn phòng công an ga Hà Nội và lại tiếp tục tua băng rè sỉ vả cô và lập biên bản vi phạm án quản chế với cô. Công Nhân không ký vào bất kỳ biên bản giấy tờ nào có nội dung quy kết cô vi phạm án quản chế, và chỉ nói đúng một câu duy nhất khi một nam mật vụ “no name” cao lớn mặt không đẹp (nhưng hơi rỗ nên lại thành ra xấu !?) ra rả mạt sát cô là thiếu hiểu biết, là kẻ lệch lạc ngoài lề xã hội, bị bắt bao nhiêu lần vẫn chứng nào tật ấy, rằng “Thế này thì lại được Đảng tặng phiếu bé hư thôi.” Cô nói vậy làm công an ga mặc cảnh phục phải nhịn lắm mới không để cười to.
Băng rè ca ngợi đảng quang vinh và bác Hồ vĩ đại còn chị Công Nhân thì ngu dại tiếp tục được tua đi tua lại bằng những cái loa mồm thông qua những cái đầu đã biến thành cỗ máy và những trái tim đã thành gỗ đá của tầng tầng lớp lớp các mật vụ suốt hơn 1 tiếng đồng hồ sau đó. Trong lúc mật vụ hì hục thay nhau tua băng cách vất vả và với bộ mặt gượng ép đến méo mó khô khan để thuyết phục cô rằng đất nước Việt Nam nhờ ơn Đảng và bác Hồ đã trở nên vô cùng phát triển, giàu đẹp, văn minh dân chủ làm cho bản thân họ rất chi là hạnh phúc và tràn đầy lòng tự hào, còn những người đấu tranh dân chủ chỉ là những kẻ phá đám đi ngược lại dòng chảy tất yếu của xã hội (dòng chảy cộng sản tất yếu dẫn đến suy đồi diệt vong thì có !) thì Công Nhân đem quyển Kinh Thánh Tân Ước ra đọc mà một người bạn của cô là luật sư Lê Quốc Quân đã tặng khi cô vừa mới trở về từ nhà tù nhỏ. Mật vụ Võ và nam mật vụ cao lớn mặt rỗ rất khó chịu về điều này, gằn giọng bảo Công Nhân phải “nghiêm túc làm việc” (làm việc gì hiểu được chết liền !?) và không được đọc Kinh Thánh. Công Nhân cho biết lúc đó nỗi nhớ Thượng tá Ngô Quang Du trỗi dậy mãnh liệt với kỷ niệm chính anh công an nổi này đã rình lấy trộm quyển Kinh Thánh cô để trên bàn đem dấu đi trong lúc cô đi vệ sinh trong một cuộc thẩm vấn ở 87 Trần Hưng Đạo dịp cô bị bắt ở lớp học nhân quyền tháng 2-2006 cho đến khi cô bị bắt đi tù 3-2006. Và sau đó là cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Công Nhân và Ngô Quang Du xem là hành vi của Ngô Quang Du có phải là ăn trộm không. Thật cay đắng cho Đảng và bác Hồ xiết bao khi phần thua đã không thuộc về Công Nhân như họ mong đợi vì 2 yếu tố cơ bản của tội ăn trộm là lấy tài sản của người khác mà không có sự đồng ý của họ và lấy cách lén lút đã làm cho Ngô Quang Du trở thành tên trộm vô cùng ấu trĩ và nực cười đối với cô “Vậy mà mặt hắn cứ vênh lên cứ như vừa làm được việc hay ho khác thường lắm ý, đắc chí đến nỗi không còn gì để cãi nhưng vẫn sĩ diện đến tận khi kết thúc cuộc thẩm vấn và thả tôi ra hắn mới trả tôi quyển Kinh Thánh.”
Khoảng 11.30h tối mật vụ đưa luật sư Công Nhân về công an phường Phương Mai phố Phương Mai để tiếp tục thẩm vấn, lúc này mật vụ mới rút ra một xấp tài liệu in chữ chi chít đánh dấu high light mà theo lời họ đó là những gì Công Nhân đã từng nói, viết trên mạng giờ họ chỉ lấy xuống cho cô đọc và ký xác nhận điều mình đã làm. Mật vụ tập trung cao độ, người này hỗ trợ người kia, anh này thay phiên chị nọ để hỏi cô một câu hỏi nội dung cực hay và có dư âm của danh ngôn nổi tiếng, là “Hãy nghĩ xem mình đã làm gì cho tổ quốc mà lại đi đòi dân chủ?” Cái đoạn “mà lại đi đòi dân chủ?” hiểu được logic người nói thì quả là một thách thức khó tả. Các ngón đòn nhục mạ được mật vụ tung ra hết cỡ, thậm chí khi không còn gì để nói + buồn ngủ quá (người viết đoán thế) nên mật vụ Việt (khoảng 45 tuổi, đầu hói với đôi môi siêu mỏng) có vẻ cao cấp nhất trong hội công an đảng chỉ biết còn đảng còn mình-còn mày còn tao, đã tạm biệt cô bằng câu “Tưởng Lê thị Công Nhân thế nào? Cũng chỉ là một kẻ thiếu hiểu biết, ngu đần, mất dạy!” làm cô cũng đáp lại một câu trả lời tương xứng, rằng “Tưởng Công Nhân cũng giống như mình là cháu ngoan bác Hồ, hóa ra nó chẳng giống mình gì cả!” Mật vụ Việt chửi cô là mất dạy sau khi anh này khuyên Công Nhân là “Hãy nhớ Hồ Chí Minh là người đã mang lại độc lập hòa bình cho đất nước này nếu không đã không có cô được ăn học sống sung sướng như ngày hôm nay và hãy noi theo tấm gương đó”. Phòng thẩm vấn là phòng họp của công an phường trên tầng hai nên có một tượng Hồ Chính Minh bằng thạch cao to tướng theo đúng quy định bắt buộc phải có của bất kỳ phòng họp của cơ quan hành chính nhà nước nào. Khi nghe mật vụ Việt nói vậy cô không chịu nổi sự điên rồ cuồng tín của đám mật vụ nữa, cô đáp “Tôi thà chết chứ không đời nào học hỏi Hồ Chí Minh kẻ đã giả danh người khác để viết sách tự ca ngợi mình là “một người khiêm nhường đến thế” anh vẫn nhớ cái tên Trần Dân Tiên chứ. Đó là không còn là sự giả dối bình thường mà là sự đốn mạt. Hồ Chí Minh với tôi là tên quốc tặc đại lưu manh.” Thế là mật vụ này gào lên chửi cô là mất dạy khi dám chỉ tay về phía tượng thạch cao vô cảm của Hồ Chí Minh mà nói vậy. Cô nói thêm với mật vụ Việt “Xin anh nhớ cho, họ Nguyễn của anh và họ Lê của tôi có từ ngàn đời rồi, và vẫn là người Việt Nam chứ không phải do Hồ Chí Minh đẻ ra tổ tiên ông bà của anh đâu.” Gần 10 mật vụ thay nhau thẩm vấn, dọa nạt, thuyết phục cô về cái đảng cộng sản Việt Nam vô luân và cái xã hội ô nhiễm rối tinh rối mù này là mỹ mãn, là tuyệt đẹp và văn minh, là thế giới phải thừa nhận và ngợi khen, và đặc biệt là họ bắt cô cũng phải cảm thấy hạnh phúc sung sướng và ngập tràn tự hào như họ. Cái đoạn bị bắt phải cảm thấy sung sướng như người khác sướng sung này thì cô chịu, thậm chí còn không hiểu là họ đang nói gì. Công Nhân bảo “Tôi không hiểu nổi các anh chị thế nào nữa ! Tại sao lại cứ nói thay người khác thế và cứ bắt người khác phải cảm thấy như mình ? Bất đồng quan điểm thì thôi không chơi với nhau nữa, tìm đứa khác mà chơi, sao lại phải gia công tốn sức bắt người khác phải có cảm giác như mình? Hay nhỉ ! Oái oăm đến thế là cùng !”
Họ còn hỏi cô “Chị thấy trình độ tính cách các anh bạn chị như anh Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Văn Đài khác nhau như thế nào? Chị đánh giá cao ai?”, Công Nhân đáp “Tôi không trả lời những câu hỏi ly gián thô thiển như vậy?” Họ trưng ra các bài thơ của cô được in trên giấy, và nói thế mà gọi là thơ à, có biết luật làm thơ Đường, thơ lục bát thơ thất ngôn bát cú không. Cô nói lúc đấy cô thấy họ vô duyên tợn vì cô có làm thơ theo lối đó đâu cơ chứ. Cô đáp “Các anh chị không thích thơ của tôi thì tùy thôi, chẳng có vấn đề gì cả.”. Mật vụ say sưa hỏi đi hỏi lại “Chị được bọn phản động nước ngoài trả bao nhiêu tiền cho mỗi bài thơ (Đúng là hoang đường đến kinh dị?), ngày quốc tế nhân quyền vừa rồi trả lời phỏng vấn nhiều như thế chắc được chục nghìn đô nhỉ?” Miệng nói, tay của mật vụ mặt rỗ cao to giơ lên tờ giấy in cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Mặc Lâm RFA và cuống quít hỏi trong sự tò mò quái dị “Bao nhiêu tiền ? Bao nhiêu tiền?” cô đáp “Ôi tội nghiệp tôi không, tội nghiệp cả RFA nữa ! Tôi thề trong danh Chúa chưa bao giờ có ai bảo tôi phải viết cái này nói cái nọ để họ cho tôi tiền. Tất cả những gì tôi làm đều là tự nguyện và chưa hề nhận một đồng nhuận bút nào. Và tôi nghĩ nhuận bút là hoàn toàn chính đáng để tái tạo sức lao động đóng góp cho công cuộc dân chủ hóa đất nước. Không khéo ngày Việt Nam có dân chủ, người ta lại tích góp trả nhuận bút cho tôi một thể, thì cũng được một khoản ấy nhỉ ?”.