KHỐI 8406
Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam 2006
Web: http://khoi8406vn.blogspot.com/
Email: vanphong8406@gmail.comThư Kêu Gọi Của Khối 8406
Về việc: Ủng hộ kiến nghị của Nhóm IDS và Nhóm BVN yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam ngừng ngay các dự án khai thác bauxite đang triển khai ở Tây Nguyên.
Kính gửi:
- Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
- Các thành viên Khối 8406 trong và ngoài nước.
Ngày 5 tháng 10 năm 2010 tại Hungary đã xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ chứa phế thải từ việc sản xuất alumina cho luyện nhôm của Nhà máy Ajka Timfoldgyar tại vùng Ajka, cách thủ đô Budapest 160 km về phía Tây Nam.
Ngày 9 tháng 10 năm 2010 tại Hà Nội, Nhóm IDS và Nhóm BVN đã phát đi một bản kiến nghị, yêu cầu Nhà nước Việt Nam ngừng ngay các dự án khai thác bauxite đang triển khai ở Tân Rai và Nhân Cơ – Tây Nguyên. Đồng thời, Nhóm kêu gọi đồng bào Việt Nam hãy cùng ký tên tham gia để ủng hộ cho Bản kiến nghị này. (xin xem chi tiết ở phần phụ lục).
Hưởng ứng lời kêu gọi trên, chỉ 5 ngày sau, từ 13 thành viên ban đầu, con số này đã phát triển thành 475. Họ bao gồm mọi giai tầng trong xã hội, từ tầng lớp trí thức đến các nhà hoạt động xã hội, chính trị, ngoại giao, tôn giáo, văn nghệ sỹ và các tầng lớp nhân dân ở cả trong và ngoài nước. Điều này cho thấy đây là một lời kêu gọi hết sức kịp thời, đúng đắn và hợp lòng người nên đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân.
Chính vì lý do trên, Ban đại diện lâm thời Khối 8406 chúng tôi xin được gửi Thư kêu gọi này đến tất cả các thành viên của Khối 8406, đến toàn thể đồng bào Việt Nam hiện đang sinh sống ở Việt Nam và ở nước ngoài hãy vì vận mệnh của đất nước để cùng ký tên tham gia hưởng ứng kế hoạch này. Quý vị có thể gửi thư riêng hoặc gửi chung một bản danh sách cho những người khởi xướng, theo địa chỉ e-mail: bauxitevn@gmail.com cùng theo mẫu dưới đây. Ví dụ:
1) Đỗ Nam Hải – kỹ sư kinh tế ngân hàng – Sài Gòn – Khối 8406.
2) Nguyễn Văn Lý – linh mục – Huế - Khối 8406.
3) Phan Văn Lợi – linh mục – Huế - Khối 8406.
4) Nguyễn Chính Kết – giáo sư – Boston, Hoa Kỳ - Khối 8406.
5) Ngô Đắc Lũy – Mục Sư - Phnom Penh, Cambodia – Khối 8406.
6) Trần Văn B – giáo viên – Cà Mau – Khối 8406.
7) Đặng Thị C – buôn bán – Melbourne, Australia - Khối 8406.
8) Hồ Quang D – nhà văn – Toronto, Canada – Khối 8406.
9) Mai Thị E – tiến sỹ vật lý – Paris, Pháp – Khối 8406.
10) V.v…
Làm tại Việt Nam ngày 18 tháng 10 năm 2010.
Ban Đại diện lâm thời Khối 8406:
1. Kỹ sư Đỗ Nam Hải - 441 Nguyễn Kiệm, P. 9, Q. Phú Nhuận, Sài Gòn, Việt Nam.
2. Linh mục Phan Văn Lợi - 16/46 Trần Phú, Thành phố Huế, Việt Nam.
3. Linh mục Nguyễn Văn Lý - đang bị quản thúc tại 64 Phan Đình Phùng (Nhà Chung Tòa Tổng Giám mục), Tp Huế.
4. Giáo sư Nguyễn Chính Kết - đang vận động dân chủ tại hải ngoại.
Trong sự hiệp thông với cựu quân nhân Trần Anh Kim, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và nhiều tù nhân chính trị, tôn giáo khác đang ở trong lao tù cộng sản.
Phụ lục:
Ngày 14/10/2010
THÔNG BÁO VỀ VIỆC GHI TÊN VÀO DANH SÁCH KIẾN NGHỊ
1. Việc ký Kiến nghị là minh bạch, phù hợp với pháp luật, nên xin anh/chị cho biết đầy đủ thông tin (viết có dấu): tên họ, nghề nghiệp, chức vụ (nếu có), địa chỉ cư trú, địa chỉ e-mail, số điện thoại. Khi công bố trên mạng, ba thông tin cuối sẽ được lược bỏ. E-mail gửi về địa chỉ bauxitevn@gmail.com.
2. Nhiều anh/chị thay vì cung cấp đầy đủ thông tin như trên, lại chỉ cho biết mình đã ký kiến nghị lần trước. Do cơ sở dữ liệu của trang mạng cũ http://bauxitevietnam.info/ bị cưỡng chiếm, rất khó truy tìm thông tin trước đây của các anh/chị. Vì thế, xin các anh/chị cứ cho BVN đầy đủ thông tin như đã quy định.
Bauxite Việt Nam
Thưa quý Anh Chị,
Thảm họa hồ bùn đỏ ở Hungary vừa xảy ra làm chấn động mọi người Việt chúng ta, khiến không ai còn có thể yên lòng với việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Một số anh chị em chúng tôi, trong đó có những thành viên cũ của Nhóm IDS và những thành viên của Nhóm BVN, vẫn cứ tha thiết và kiên định về vấn đề bauxite Tây Nguyên, đã phối hợp khởi thảo một Kiến nghị mới yêu cầu ngừng ngay các dự án khai thác bauxite đang triển khai ở Tân Rai và Nhân Cơ để tránh cho đất nước mọi hậu họa cầm chắc sẽ xảy tới.
Cũng như các lần viết kiến nghị trước, lần này chúng tôi cũng xin gửi đến một danh sách chọn lọc những nhà trí thức đã ký vào đợt đầu bản Kiến nghị tháng Tư năm 2009. Nếu quý Anh Chị tán thành kiến nghị của chúng tôi thì xin gửi phản hồi ngay đến địa chỉ "Bauxite Vietnam" <bauxitevn@gmail.com>, sẽ có những anh chị em lên danh sách và công bố trên trang mạng Bauxite Việt Nam song song với việc gửi đến các cơ quan quyền lực của Nhà nước.
Xin chúc quý Anh Chị dồi dào sức khỏe.
Thay mặt Nhóm khởi thảo: Nguyễn Huệ Chi
Ngày 05-10-2010 đã xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ chứa phế thải từ việc sản xuất alumina cho luyện nhôm của Nhà máy Ajka Timfoldgyar tại vùng Ajka, cách thủ đô Budapest 160 km về phía Tây Nam. Khoảng 1,1 triệu m3 nước thải bùn đỏ từ hồ bị vỡ này đổ xuống các vùng thấp chung quanh rộng gần 40 km2 và một số con sông, trong đó có sông Danube. Trong vùng xảy ra tai nạn có thị trấn Kolontar hoàn toàn bị ngập trong màu đỏ chết người. Tai nạn này cuốn trôi khoảng 270 căn nhà, phá hủy nhiều cầu đường, làm bị thương (dưới dạng bị bỏng hóa chất) 150 người do các hóa chất độc hại có chất ăn mòn cao trong bùn gây ra, 7 người chết và làm hư hại nhiều xe cộ, tài sản khác. Số người thương vong còn có thể tăng lên do tác động của bùn đỏ chứa hóa chất tiếp tục ngấm vào cơ thể những người đã tiếp xúc với chất thải này khi hồ vỡ.
Chính phủ Hungary coi đây là thảm họa hóa chất thảm khốc nhất trong lịch sử quốc gia này. Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định thảm họa này có nhiều khả năng do lỗi của con người gây ra, vì xảy ra trong lúc tình hình thời tiết hoàn toàn bình thường, không có mưa và chưa đến mùa tuyết rơi; trước khi xảy ra tai nạn hai tuần, một phái đoàn thanh tra chính phủ đã có chuyến đi kiểm tra hồ và không thấy có dấu hiệu gì khác thường; trong khi đó nhà máy vẫn thường xuyên nhắc lại cam kết với nhà nước hồ bùn đỏ này không nguy hiểm... Thủ tướng Viktor Orban đánh giá thảm họa này lớn gấp nhiều lần so thảm họa tương tự đã xảy ra ở vùng Baia Mare tại Romania năm 2000. Trước tình hình như vậy Thủ tướng Viktor Orban đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vùng nơi xảy ra thảm họa. Bùn đỏ đang chảy vào sông Danube và sông Raab.
Theo nhận định của người phát ngôn thuộc Cơ quan Quản lý thảm họa của Hungary, ông Tibor Dobson, thảm họa này sẽ có thể ảnh hưởng đến 6 nước hạ lưu là Croatia, Serbia, Bulgaria, Moldova, Ukraina và Romania, và có nguy cơ trở thành thảm họa sinh thái châu Âu. Tại một số nơi nhiều thủy sản cây cối, hoa màu và gia súc đã chết. Nhìn chung chưa đánh giá được toàn diện thiệt hại. Quốc vụ khanh Illes nói các đội cứu hộ của Hungary đang làm việc một cách tuyệt vọng, phải mất ít nhất một năm và hàng chục triệu đô-la mới xử lý được; Hungary kêu gọi sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu.
Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với vấn đề hồ bùn đỏ chứa chất thải trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên. Lường trước nguy cơ không thể kiểm soát nổi vấn đề bùn đỏ độc hại trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên, chúng tôi, những người Việt Nam gắn bó với vận mệnh tồn vong của đất nước ký tên trong bản kiến nghị này, khẩn thiết yêu cầu
- Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
- Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
(1) Quyết định cho ngừng ngay việc xây dựng Nhà máy Tân Rai ở Lâm Đồng để nghiên cứu tiếp cách xử lý;
(2) Tạm hủy dự án đang đàm phán tiếp với đối tác nước ngoài về Nhà máy Nhân Cơ ở Đắc Nông;
(3) Tạm thời đình chỉ việc triển khai toàn bộ tổng dự án hiện thời về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc và khoa học;
(4) Lập nhóm nghiên cứu độc lập (nhóm đặc nhiệm) gồm những cá nhân có uy tín và có tâm huyết với đất nước trong giới các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và những người hoạt động xã hội độc lập, để tiến hành nghiên cứu lại toàn bộ vấn đề bauxite Tây Nguyên.
(5) Những kết quả nghiên cứu lại một cách tổng thể vấn đề bauxite Tây Nguyên của nhóm đặc nhiệm này sẽ được trình bày trước Quốc hội, đồng thời được đem ra trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước về đề tài kinh tế - xã hội vô cùng nhạy cảm này để quyết định.
5 yêu cầu nêu trên của chúng tôi dựa vào các lý do sau đây:
Một là: Hầu hết các phản biện trong nhiều cuộc hội thảo được tiến hành năm 2008 và năm 2009 đã chứng minh có sức thuyết phục là việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên để sản xuất alumina như đang triển khai là phi kinh tế, hủy hoại môi trường, để lại nhiều hệ quả khó lường về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, uy hiếp nghiêm trọng an ninh quốc phòng của quốc gia.
Hai là: Chưa nói đến những khoản đầu tư là rất lớn, rất đắt, nhưng khả năng sinh lời trong khai thác bauxite Tây Nguyên lại không hiện thực, thậm chí hầu như chắc chắn là lỗ, việc khai thác bauxite Tây Nguyên để sản xuất quặng sơ chế alumina rất khó cân đối được đầu vào về nguồn nhiên liệu và nguồn nước vốn rất khan hiếm ở Tây Nguyên; việc từ quặng sơ chế alumina để sản xuất ra nhôm hoàn toàn bị loại trừ vì không có đủ nguồn điện. Các phản biện của các cuộc hội thảo năm 2008 và năm 2009 đã chứng minh không thể phản bác được những nhận định này. Việc sản xuất ra alumina với khối lượng một vài triệu tấn/năm là quá nhỏ so với thị trường bauxite/nhôm trên thế giới và trong thực tế chỉ có thể bán được cho một thị trường duy nhất là Trung Quốc, vì cước phí vận tải biển rất cao; tình hình này sẽ tạo ra nguy cơ phụ thuộc kinh tế và chính trị rất bất lợi cho đất nước. Nếu định nâng sản xuất alumina lên 5 – 6 triệu tấn/năm vào năm 2020 như dự kiến, thì đấy vẫn chỉ là một thị phần rất nhỏ trong thị trường bauxite/nhôm thế giới và cũng vẫn chỉ có thể bán cho một người mua duy nhất là Trung Quốc, vì xu thế chung trên thế giới hiện nay là sản xuất nhôm ngay tại chỗ khai thác bauxite để giảm chi phí vận tải. Cứ sản xuất 1 tấn alumina sẽ tạo ra 3 tấn bùn thải có chứa hóa chất độc hại; càng sản xuất nhiều đòi hỏi phải có hồ chứa bùn đỏ càng lớn, nguy cơ thảm họa môi trường càng lớn. Không thể hình dung nổi nguy cơ thảm họa môi trường của một hồ chứa bùn đỏ hàng triệu hay hàng chục triệu m3 treo lơ lửng trên đầu đồng bằng sông Đồng Nai và miền Bắc Nam Bộ, miền Nam Trung bộ, nơi có hàng chục triệu dân cư sinh sống. Tây Nguyên là vùng đầu nguồn của những con sông huyết mạch và có tầm ảnh hưởng quan trọng tới các vùng kinh tế trọng yếu của đất nước. Trong khi đó, do tác động biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ở miền Trung và ở Tây Nguyên xảy ra với tần số và cường độ ngày càng lớn; chưa kể đến tình hình khí hậu và kiến tạo địa hình nơi khai thác bauxite ở Tây Nguyên khắc nghiệt hơn rất nhiều (mưa cường độ lớn và tập trung trong mùa mưa, địa hình đất đai có độ dốc cao…) so với vùng Ajka ở Hungary. Ajka là vùng tương đối thấp, trong khi các vùng dự định khai thác bauxite ở Tây Nguyên đều ở trên cao, thuộc vùng Nam Trường Sơn với sườn phía Đông dốc đứng. Các hồ chứa bùn đỏ ở đây sẽ là những quả bom độc treo trên đầu hàng nhiều chục triệu người với tai họa khôn lường. Ngoài ra khả năng quản lý, thực thi pháp luật, lực lượng vật chất kỹ thuật phòng hộ chống thiên tai… của ta hiện nay chưa thể so sánh với Hungary.
Ba là: Các khảo sát nghiêm túc của nhiều nhà khoa học và kinh tế đã được trình bày trong các hội thảo năm 2008 và năm 2009 và đã được nêu lên trong nhiều kiến nghị gửi đến Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ cho thấy: Hiện tại và trong một vài năm tới hoặc lâu hơn vấn đề vận tải (dù là phương án đường bộ hay đường sắt) và cảng cho việc sản xuất và xuất khẩu alumina hoàn toàn bế tắc. Các tuyến đường bộ và cảng được dự kiến trong các dự án của Tập đoàn Than & Khoáng sản (TKV) nếu định thực hiện cũng phải mất một vài năm và phải chi thêm những khoản đầu tư rất lớn, vì những tuyến đường bộ hiện có định đưa vào sử dụng đều hẹp, nhiều cua gấp tay áo và có nhiều đèo dốc cao, không thể sử dụng cho xe vận tải lớn với trọng tải và lưu lượng lớn; nếu thực hiện phương án vận tải đường sắt thì còn phải chi thêm nhiều tỷ đô-la và cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa. Điều này cũng có nghĩa nhà máy sản xuất alumina Tân Rai nếu làm xong, cũng có thể có nguy cơ phải nằm đắp chiếu để đấy một thời gian.
Bốn là: Giả thiết rằng các tuyến đường vận tải và cảng đã sẵn sàng, một giả thiết hoàn toàn không tưởng, chi phí cho vận tải chở các nguyên liệu và than lên núi cho sản xuất và chở alumina xuống núi cho xuất cảng rất lớn, vì đoạn đường quá dài (khoảng gần 200 km hoặc hơn nữa, tùy phương án lựa chọn), sẽ đội giá thành lên rất cao. Điều này có nghĩa chỉ riêng vấn đề chi phí vận tải trên bộ để xuất cảng theo giá FOB đã gây ra nguy cơ thua lỗ lớn. Luận chứng này cũng đã được chứng minh trong nhiều tham luận khoa học có liên quan trong suốt năm 2008 và năm 2009.
Năm là: Những vấn đề về văn hóa xã hội, từ đó dẫn đến những vấn đề về dân tộc ở Tây Nguyên vừa qua đã khá phức tạp, hoàn toàn chưa thể coi là ổn định; nay thêm dự án bauxite với nhiều tác hại đã chỉ ra, chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống mọi mặt của các dân tộc tại chỗ, càng làm suy thoái văn hóa các tộc người Tây Nguyên, làm rắc rối thêm các vấn đề xã hội, sẽ khiến tình hình trầm trọng hơn, cả về an ninh và quốc phòng ở vùng chiến lược này.
Sáu là: Với 5 lý do trình bày trên, chúng tôi thấy việc thực hiện 5 yêu cầu nêu trong kiến nghị này là phương án an toàn nhất, có thể giúp đất nước có đủ thời gian tìm ra những phương án tối ưu trong việc xem xét vấn đề bauxite Tây Nguyên nói riêng và cho vấn đề phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói chung. Nhìn lâu dài về tổng thể, 5 yêu cầu nêu trong kiến nghị này còn là phương án tốt nhất, kinh tế nhất và toàn diện nhất, với nghĩa các tổn thất do phải tạm hủy ngay hoặc thậm chí có khi phải đi tới kết luận sẽ phải hủy hoàn toàn việc khai thác bauxite Tây Nguyên, dù sao sẽ vẫn còn “rẻ” hơn cái giá phải trả không thể lường hết được và thậm chí không thể cứu vãn được cho những hệ quả và thảm họa có thể xảy ra.
Thưa các vị lãnh đạo nhà nước,
Chúng tôi hiểu thực hiện lời thỉnh cầu khẩn thiết này có nghĩa là phải thực hiện một quyết định rất đau đớn chưa hề có trong lịch sử kinh tế nước ta và sẽ là một tổn thất lớn mà nền kinh tế nước ta phải chịu đựng – nhất là Nhà máy chế biến alumina Tân Rai đã hoàn thành được một phần lớn và đã làm được nhiều việc quan trọng trong triển khai dự án Nhà máy Nhân Cơ. Chỉ có lòng dũng cảm và ý thức trách nhiệm tuyệt đối đối với vận mệnh quốc gia của các vị cùng với sự thông cảm của đồng bào cả nước mới đủ sức đi tới thực hiện quyết định khó khăn này. Song thà chịu như vậy còn hơn để lại hậu họa khôn lường cho mai sau, kính mong Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ xem xét và chấp nhận.
Chúng tôi đồng thời kêu gọi đồng bào trong cả nước và sống ở nước ngoài đồng thanh lên tiếng ủng hộ 5 đề nghị cụ thể nêu trên và ký tên vào kiến nghị này, có ghi rõ nghề nghiệp hay chức vụ (nếu có). Thư từ xin gửi về theo địa chỉ bauxitevn@gmail.com, có kèm theo địa chỉ cư trú, địa chỉ e-mail, và số điện thoại của quý vị; để bảo đảm bí mật về sự riêng tư, khi đưa danh sách lên trang BVN, các thông tin này sẽ được lược bỏ.
Làm tại Hà Nội, ngày 9 tháng 10 năm 2010
Ký tên
GS Hoàng Tụy,
Trần Việt Phương,
Nhà văn Nguyên Ngọc,
Trần Đức Nguyên,
TS Lê Đăng Doanh,
GSTS Chu Hảo,
Phạm Chi Lan,
Nguyễn Trung,
TS Nguyễn Quang A,
GS Tương Lai,
GS Nguyễn Huệ Chi,
Nhà giáo Phạm Toàn,
GSTS Nguyễn Thế Hùng.
DANH SÁCH KÝ KIẾN NGHỊ VỀ DỰ ÁN KHAI THÁC BAUXITE Ở TÂY NGUYÊN
Số TT Họ và Tên Nghề nghiệp Địa chỉ
1. GS Hoàng Tụy Thành viên cũ nhóm IDS
2. Trần Việt Phương Thành viên cũ nhóm IDS
3. Nhà văn Nguyên Ngọc Thành viên cũ nhóm IDS
4. Trần Đức Nguyên Thành viên cũ nhóm IDS
5. TS Lê Đăng Doanh Thành viên cũ nhóm IDS
6. GS TS Chu Hảo Thành viên cũ nhóm IDS
7. Phạm Chi Lan Thành viên cũ nhóm IDS
8. Nguyễn Trung Thành viên cũ nhóm IDS
9. TS Nguyễn Quang A Thành viên cũ nhóm IDS
10. GS Tương Lai Thành viên cũ nhóm IDS
11. GS Nguyễn Huệ Chi BVN
12. Nhà giáo Phạm Toàn BVN
13. GS TS Nguyễn Thế Hùng BVN
14. GS TS Ngô Vĩnh Long Khoa Sử, Đại học Maine Hoa Kỳ
15. TS Vũ Quang Việt Cựu chuyên viên thống kê kinh tế Liên Hợp Quốc, Cựu Vụ trưởng Vụ Tài Khoản Quốc gia Hoa Kỳ
16. GS TS Trần Hữu Dũng Khoa Kinh tế, Đại học Wright State Hoa Kỳ
17. Nhà thơ Nguyễn Duy TP. HCM
18. Mục Sư Ngô Đắc Lũy, Phnom Penh Cambodia
BÀ NGUYỄN THỊ BÌNH KÝ KIẾN NGHỊ NGỪNG KHAI THÁC BAUXITE TÂY NGUYÊN
Bà Nguyễn Thị Bình, cựu phó chủ tịch nước, trở thành một trong những người ký tên vào bản kiến nghị yêu cầu ngưng khai thác bô xít ở Tây nguyên, theo tin từ trang web boxitvn.net.
Chữ ký bà Nguyễn Thị Bình xuất hiện lần đầu tiên trên danh sách công bố trên trang mạng boxitvn.net “tính đến ngày 16 tháng 10, 2010.” Chữ ký bà Bình nằm ở vị trí số 854 theo thứ tự thời gian lúc ký tên.
Trang mạng này cho biết: “Trong hai ngày 15 và 16 (tháng 10), nhiều nhân vật nổi tiếng tham gia ký tên vào bản Kiến nghị: Nguyên Phó Chủ Tịch nước Nguyễn Thị Bình, Giáo Sư Viện Sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Thiếu Tướng Lê Văn Cương, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị,...”
Bản kiến nghị này, được gởi đến Bộ Chính Trị đảng CSVN, Quốc Hội và chính phủ Việt Nam, là một bản kiến nghị mới, được soạn thảo sau tai họa “bùn đỏ” ở Hungary khi chất thải từ một nhà máy luyện nhôm hủy hoại một vùng rộng lớn của nước này. Bauxite là quặng nhôm.
Bản kiến nghị kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam “ngừng ngay” việc khai thác bauxite ở hai tỉnh Lâm Ðồng và Ðắc Nông.
Bà Nguyễn Thị Bình giữ chức phó chủ tịch nước từ năm 1992 tới 2002. Trong chiến tranh, bà là ủy viên Trung Ương Mặt Trận Giải Phóng và trong vai trò bộ trưởng Ngoại Giao của Mặt Trận, đứng đầu phái đoàn của phe này tại hòa đàm Paris. Bà là một trong bốn người đại diện bốn bên ký vào Hiệp Ðịnh Paris. Bà Bình từng làm ủy viên Trung Ương Ðảng Cộng Sản trong nhiệm kỳ 1982-1986.
Bản kiến nghị mà bà Bình ký vào, lên tiếng cảnh cáo về một thảm họa giống thảm họa bùn đỏ ở Hungary. Bản kiến nghị viết: “Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với vấn đề hồ bùn đỏ chứa chất thải trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên.”
Trên cơ sở đó, bản kiến nghị có 5 yêu cầu, như sau:
(1) Quyết định cho ngừng ngay việc xây dựng nhà máy Tân Rai ở Lâm Ðồng để nghiên cứu tiếp cách xử lý;
(2) Tạm hủy dự án đang đàm phán tiếp với đối tác nước ngoài về nhà máy Nhân Cơ ở Ðắc Nông;
(3) Tạm thời đình chỉ việc triển khai toàn bộ tổng dự án hiện thời về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc và khoa học;
(4) Lập nhóm nghiên cứu độc lập (nhóm đặc nhiệm) gồm những cá nhân có uy tín và có tâm huyết với đất nước trong giới các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và những người hoạt động xã hội độc lập, để tiến hành nghiên cứu lại toàn bộ vấn đề bauxite Tây Nguyên.
(5) Những kết quả nghiên cứu lại một cách tổng thể vấn đề bauxite Tây Nguyên của nhóm đặc nhiệm này sẽ được trình bày trước Quốc Hội, đồng thời được đem ra trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước về đề tài kinh tế-xã hội vô cùng nhạy cảm này để quyết định.
Ngoài bà Nguyễn Thị Bình, các nhân vật khác được nhắc đến trong phần giới thiệu của trang web boxitvn.net còn có Giáo Sư Viện Sĩ Nguyễn Văn Hiệu Ðại Học Quốc gia Hà Nội; Thiếu Tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Chiến Lược Bộ Công An; và ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh An Giang.
Trong danh sách ký vào kiến nghị này cũng có Giáo Sư Tiến Sĩ Ngô Bảo Châu, người đoạt giải thưởng Fields Medal được xem là một dạng Nobel của Toán học.
Trang web boxitvn.net, do thỉnh thoảng bị tin tặc phá, nên còn có bản sao tại các địa chỉ boxitvn.blogspot.com và boxitvn.wordpress.com.