Khen quá lố, không nên!
Bùi Tín / Người Việt
Thursday, March 25, 2010
Ðầu năm nay, báo Quân Ðội Nhân Dân ở trong nước đăng một số bài báo ca ngợi Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp “nhân dịp đại tướng bước vào tuổi 100,” trong đó nổi bật nhất là bài của Tiến Sĩ Hồ Ngọc Sơn, nhan đề “thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp.”
Ðể giới thiệu bài viết này, ban biên tập báo Quân Ðội Nhân Dân đưa lại tin, “năm 1992, Hội Ðồng Khoa Học Hoàng Gia Anh vinh danh 10 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất mọi thời đại, trong đó có 2 vị tướng kiệt xuất của Việt Nam: Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn và Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp. Ðiều đặc biệt trong số những người được vinh danh, duy nhất Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp còn sống.”
Tin trên đây đã được báo Quân Ðội đưa ra từ năm 1993, không nói rõ nguồn tin ấy lấy từ đâu, sau đó không được một cơ quan truyền thông quốc tế nào xác nhận, nhưng thỉnh thoảng lại được nhắc lại ở trong nước, nghiễm nhiên được một bộ phận độc giả trong nước coi là sự thật. Ðến nay, tin ấy lại xuất hiện và tác giả Hồ Ngọc Sơn cũng truyền bá tin này và dựa vào tin này để ca ngợi Tớng Giáp bằng những thậm từ tuyệt đối.
Tôi luôn theo quan điểm tôn trọng sự thật đúng như nó có. Không thêm không bớt. Không tô hồng, cũng không bôi đen. Không đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại. Không vì ghét ai, giận ai thì tô vẽ họ xấu hơn thực tế dù chỉ một chút, cũng không thân với ai, ưa ai thì tả người ấy tốt hơn thực tế, che giấu bớt mặt xấu một chút. Làm như thế là thiếu công tâm, thiếu khách quan, thiếu lương thiện
Quả thật đánh giá đúng, thật đúng một con người không dễ chút nào. Mỗi người đều vừa là tác nhân, là chứng nhân của lịch sử, vừa có thể là nạn nhân của lịch sử. Một việc làm có thể đúng về mặt này, trong phạm vi này, lại sai trái về mặt khác, trong phạm vi khác. Lại còn tùy theo điều kiện khách quan, tùy theo chỗ đứng và góc nhìn, lại còn tùy theo lập trường và nhãn quan chính trị.
Tôi có một quá trình quan hệ khá đặc biệt với Tướng Giáp để hiểu khá rõ, không dám nói là sâu, là đúng về ông. Tôi gặp ông từ hồi 1948 khi ông còn đi xe đạp từ Việt Bắc về Quân Khu IV ở gần Vinh, rồi sau đó ở Tuyên Quang để nghe ông phổ biến nghị quyết về chuẩn bị Tổng Phản Công. Rồi những cuộc họp tổng kết những chiến dịch lớn ở Việt Bắc và ở Hà Nội. Những lần ông đến thăm báo Quân Ðội Nhân Dân. Ðầu tháng 5, 1975 ông vào Sài Gòn, yêu cầu tôi trực tiếp tổ chức rồi trực tiếp hướng dẫn cuộc đi xem xét tình hình: thăm cơ sở đặc công (ông Ba Mủ, Tư Chu...), cơ sở chính trị (ông Ba Thực), gia đình mẹ chiến sĩ (Má Tư cầu Muối), thăm qua các phố xá Chợ Lớn. Sau đó ông cũng yêu cầu tôi đi cùng xuống Cần Thơ thăm Quân Khu IX, gặp cả nhóm “đường mòn trên biển.” Suốt 2 năm 1977 và 78 tôi đi cùng ông và đoàn đại biểu quân sự sang Trung Quốc, Liên Xô, CHDC Ðức, Ba Lan, Hungari, rồi đi nghỉ ở Sochi bên bờ Hắc Hải. Tôi làm nhiệm vụ trợ lý báo chí cho bộ trưởng, giúp ông trả lời các cuộc phỏng vấn, và mỗi buổi sáng là người đầu tiên làm việc, cùng ăn sáng với ông để báo cáo những tin tức quốc tế mới nhất tôi nghe, ghi được qua máy thu thanh và báo chí. Ở Hà Nội, tôi thường ghé nhà ông trao đổi tình hình, đặt bài ông viết cho báo Nhân Dân Chủ Nhật. Ông rất muốn biết tình hình xã hội. Ông có lần thốt lên: như cậu Tín, làm nhà báo sướng thật, muốn vào Chợ Lớn, đi chợ trời, uống sinh tố vỉa hè, ăn sầu riêng Lái Thiêu, tha hồ tự do, mình thì họ cấm!” (vì bảo vệ, an ninh ngăn cản).
Tôi kể lể như trên để bạn đọc hiểu tôi có điều kiện quan sát rất gần, về nhiều mặt, khá cụ thể, sinh động về nhân vật này, huống gì tôi là nhà báo, tò mò, gặp dịp hiếm, cố gặng hỏi ông một số điều ít ai biết, để có điều kiện được nhận xét về ông, và sẽ viết về ông. Tôi đã có một số bài ngắn, mong góp phần nhỏ nhận xét về một nhân vật gắn bó với thời cuộc nước ta, nhưng vài bạn ngăn lại, “lúc này có bao nhiêu chuyện cần kíp khác.” Tôi gác lại, để dịp khác.
Qua bài này tôi chỉ góp ý với báo Quân Ðội Nhân Dân và tác giả Hồ Xuân Sơn về bài báo nói trên.
Năm 1994 và 1996 tôi sang Luân Ðôn theo lời mời của nhà xuất bản HURST. Bà Judie Stowe trưởng ban Việt ngữ hãng BBC đưa tôi đến thăm Viện Nghiên Cứu Viễn Ðông và Thư Viện Hoàng Gia. Tôi cố tìm xem có một tin nào về Hội Ðồng Khoa Học Hoàng Gia Anh “bàn và bầu ra 10 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất mọi thời đại” hay không, thì đều được trả lời là không! Tôi mở máy computơ tại chỗ, tra cứu, đều không thấy gì. Vậy thì đó chỉ là chuyện tưởng tượng, phao tin, bịa đặt, kẻ tung người hứng trên đất ta.
Tôi sang Mỹ nhiều lần, thường ghé qua Thư Viện Quốc Hội Mỹ - Library of Congress - kho lưu trữ sách báo đồ sộ nhất thế giới, tại đó có thể tìm đọc những báo Nam Phong, Thanh Nghị, Cứu Quốc, Nhân Dân... từng trang được lưu cẩn thận trên phim, muốn có phiên bản trang nào là có thể có ngay. Tại đó tôi thử tìm tin về 10 hay 100 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất mọi thời đại đều không thấy.
Bởi vì năm 1993, báo Quân Ðội Nhân Dân cùng báo Lao Ðộng và Thanh Niên còn đưa tin là tháng 2, 1984 cũng Hội Ðồng Hoàng Gia Anh đã chọn trong một danh sách 98 viên danh tướng từ cổ chí kim, bỏ phiếu bầu ra 10 vị kiệt xuất nhất để đúc tượng vàng (!)sẽ được đặt tại Viện Bảo Tàng Luân Ðôn (!).Ðể cho đáng tin, người bịa tin này kể ra tên 3 viên tướng thời Cổ đại là Alexandre Ðại đế, Hannibal và César, thời Trung đại là Hưng Ðạo Ðại Vương, thời dân chủ tư sản là Cromwell và Fredéric Ðại đế (nước Phổ), thời Cận đại là Napoléon đệ Nhất và Kutuzov(Nga), thời cận đại là Zukov và Võ Nguyên Giáp.
Ðể thêm giấm ớt cho tin bịa đặt giật gân trên đây, bản tin còn ghi thêm là Frédéric Ðại đế chỉ được 71% số phiếu bầu, Kutuzov được 72% số phiếu trong khi Napoléon, Zukov và Võ Nguyên Giáp đều được 100% số phiếu.
Tôi đã hỏi nhà báo Ðỗ Văn, nguyên trưởng ban Việt ngữ hãng BBC Luân Ðôn, anh trả lời, “Tôi xác định không hề có việc vinh danh như vậy; đó là một tin hoàn toàn vô căn cứ.” Anh cho biết thêm: năm 1992, Tiến Sĩ John Lewis Pimlott viết cuốn sách “Vietnam-the Decisive Battles” - Việt Nam, những trận đánh quyết định - lúc ấy tác giả là giáo sư tại Học Viện Quân Sự Hoàng Gia Anh - Royal Military Academy - trong cuốn sách ấy tác giả ca ngợi trận Ðiện Biên Phủ và Tướng Giáp, không hề nói gì đến các tướng của nước khác.
Thế là mọi sự đều rõ. Tôi để công tra cứu trên mạng Google và mạng Wikipedia - bách khoa toàn thư mở cho toàn thế giới - cũng không có chuyện bình chọn quốc tế này.
Tôi muốn nhắn ban biên tập báo Quân Ðội Nhân Dân kiểm tra kỹ những bài đăng trên báo, tôn trọng người đọc, bảo đảm tính chân thật, tin quan trọng cần có bằng chứng cụ thể. Tôi cũng nhắn tác giả Hồ ngọc Sơn có dũng khí cải chính trên báo, xin lỗi bạn đọc và xin lỗi Tướng Võ nguyên Giáp. Vì nói sai về người khác, dù cho bôi xấu hay khen quá lố đều là không nên. Con người có nhân cách tự trọng không bao giờ muốn người khác khen quá lời về bản thân mình.
Nhân đây tôi cũng đính chính những bài báo nước ngoài kể rằng Bùi Tín là người nhận đầu hàng của Tướng Minh. Tôi không bao giờ nhận vơ điều ấy. Tôi luôn nói tôi chỉ là nhà báo, đến dinh Ðộc lập trưa 30 tháng 4, được chứng kiến sự kiện lịch sử này. Các Trung Tá Bùi Văn Tùng, chính ủy lữ đoàn thiết giáp và Trung Tá Nguyễn Văn Hân, trưởng ban bảo vệ quân đoàn 2, đều yêu cầu tôi vào gặp lại nội các Dương Văn Minh, vì chưa có vị tướng nào đến, tôi là cán bộ cao cấp duy nhất có mặt (mang quân hàm thượng tá). Trong quân đội, cấp trung tá là sĩ quan trung cấp, cấp thượng tá là sĩ quan cao cấp. Mà từ trung cấp lên cao cấp là một khoảng cách lớn, ăn bếp tiểu táo, lớp học riêng, học viện riêng, cửa hàng riêng. Các Trung Tá Tùng và Hân đều muốn tôi vào gặp để cho danh chính ngôn thuận.
Tôi chỉ nhận vào gặp khi đã viết xong bài báo, đó là bài báo duy nhất gửi ra Hà Nội được vì bưu điện đóng cửa từ trưa 29, máy điện thoại, fax đều tê liệt. Tôi phải vào trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất để tổ thông tin Ban Liên Hiệp Quân Sự chuyển bằng tín hiệu morse ra Hà Nội.
Sau khi Trung Tá Hân giới thiệu, “một sĩ quan cao cấp QÐND gặp các ông,” Tướng Minh nói, “Chúng tôi chờ quý ông từ sáng đặng chuyển giao chính quyền.” Tôi trả lời, “Không thể có chuyện chuyển giao khi trong tay các ông không còn gì”; thấy họ buồn, tôi nói thêm, “mọi người Việt Nam đều có thể vui mừng vì chiến tranh đã kết thúc.” Họ vui hẳn lên...
Chuyện tôi rút súng buộc mọi người giơ tay là chuyện bịa đặt dựng đứng. Chuyện gán 2 câu trên cho Trung Tá Bùi Văn Tùng cũng là khiên cưỡng. Có nhà báo quân đội đi cùng tôi là Trung Tá Nguyễn Trần Thiết làm chứng. Trung Tá Thiết đã lần lượt ghi tên 37 người có mặt cùng Tướng Minh. Trung Tá Thiết cũng lấy được tờ thực đơn trưa 30 tháng 4 của tổng thống làm tài liệu viết báo.
Xin lỗi bạn đọc tôi đã dông dài nói về mình. Chỉ để thấy rằng những sự kiện lịch sử thường bị méo mó, lệch lạc với thời gian và những động cơ không lành mạnh.
Rồi đây, nhân Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp trăm tuổi - theo nghĩa đen cũng như theo nghĩa bóng - mong rằng sẽ có những bài viết chân tình, khách quan, đúng mức, được đông đảo bạn đọc tiếp nhận một cách tự nhiên, thảnh thơi.
Hai kiểu phủ định sạch trơn, dùng thóa mạ để giải cơn thù hận hay ca ngợi tâng bốc quá đáng, quá lố như bịa chuyện Hội Ðồng Khoa Học Hoàng Gia Anh hay Viện Hàn Lâm Hoàng Gia Anh bình chọn những nhân tài quân sự lỗi lạc qua mọi thời đại đều là những thái quá không hay và có hại.
Xin để ngỏ để các bạn tìm hiểu chuyện “bịa đặt hoành tráng” này xuất hiện từ đâu?
Bùi Tín
Paris 10 tháng 3, 2010