Việt học: Hội Thảo Tiếng Việt, Văn Hóa VN Thời Toàn Cầu Hóa, Sôi nổi với 2 diễn giả từ Úc tới: Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc
Hai diễn giả đứng trình bày, từ trái: Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc.
WESTMINSTER (VB) -- Cuộc hội thảo tại Viện Việt Học chiều Chủ Nhật 5-12-2010 đã thu hút nhiều người quan tâm về văn hóa Việt, và đã diễn ra sôi nổi với hai diễn giả từ Úc mới sang: Giáó sư Nguyễn Hưng Quốc và nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn.
Chủ đề hội thảo có tên là “Tiếng Việt và văn hóa VN thời toàn cầu hóa” được 2 diễn giả trình bày theo thứ tự -- nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn và rồi Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc -- kế tiếp là phần thảo luận vấn đáp.
Cũng theo chương trình, kế tiếp là chương trình âm nhạc Tặng Vật Cho Người của Hoàng Ngọc Tuấn, gồm những ca khúc về thiên nhiên, tình yêu và cuộc sống, cùng những nhạc phẩm độc tấu tây ban cầm do chính tác giả trình bày.
Sau khi ông Nguyễn Minh Lân, thay mặt Viện Việt Học gửi lời chào khách từ phương xa, và đã mời nhà văn nữ Trịnh Thanh Thủy lên giới thiệu về 2 vị diễn giả.
Từ trái: GS Lê Chính Long, nhà văn nữ Trịnh Thanh Thủy.
Nhà văn Trịnh Thanh Thủy nói rằng gần như mọi người quan tâm về văn học đều biết tới GS Nguyễn Hưng Quốc, không chỉ về các bài viết mà còn vì ít nhất 2 lần, Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc bị cấm nhập cảnh vào VN. Khi bị ngăn lần đầu, ông đang hướng dẫn một đoàn sinh viên đi nghiên cứu văn hóa Việt Nam, với sự cộng tác của đại học trong nước. Lần thứ hai là được mời về thuyết trình trong một hội nghị do một đại học công lập tổ chức. Và gần đây ông bị cộng sản đánh phá, tin tặc. Ông hiện đang là chủ nhiệm Ban Việt ngữ và Việt học tại trường Victoria University (Úc), chuyên dạy ngôn ngữ, văn học, văn hoá và chiến tranh Việt Nam và chuyên trách việc đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt tại tiểu bang Victoria, nơi mỗi năm có trên 10,000 học sinh học tiếng Việt các cấp. Ông là chủ bút tạp chí Việt (1998-2001), đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org), và là tác giả của 12 cuốn sách về văn học Việt Nam. Từ giữa năm 2009, ông là một blogger trên trang mạng của Ban Việt ngữ đài VOA tại Mỹ.
Nhà văn Trịnh Thanh Thủy cũng nói về diễn giả Hoàng Ngọc Tuấn, sơ lược với ý: “Hoàng Ngọc-Tuấn là một nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và sáng tác trong lĩnh vực âm nhạc và văn chương; đồng thời là nghệ sĩ trình tấu guitar, diễn viên sân khấu, kịch tác gia và dịch giả. Nguyên chủ bút tạp chí Tập Họp (1987-1989). Nguyên phụ tá chủ bút tạp chí Việt (1998-2001); đồng chủ bút tạp chí liên mạng Tiền Vệ (2002). Từ năm 2004 cho đến nay, ông là thành viên của Uỷ Ban Văn Chương và Lịch Sử, thuộc Hội Đồng Cố Vấn Nghệ Thuật, Bộ Nghệ Thuật New South Wales, Australia...”
Đặc biệt, nhà văn Trịnh Thanh Thủy còn nhắc một cơ duyên: chị từng bút chiến với GS Nguyễn Hưng Quốc trên mạng Talawas nhiều năm trước về chủ đề “nam/nữ.”
Và chị nhận xét rằng Hoàng Ngọc Tuấn là một sáng tác gia “tràn bờ lãng mạn,” chủ trương làm mới và khám phá của anh là một “cánh cung bắn đi những cái đẹp... mở cá những cánh cửa mới, chân trời mới.”
Hội trường Viện Việt Học chật khắp. Trong các nhân sĩ tham dự có nhiều vị đã nổi tiếng từ lâu như Võ Thắng Tiết (NXB Văn Nghệ), Phạm Phú Minh (Tạp Chí Thế Kỷ 21), nhà phê bình Đặng phú Phong, GS Lê Chính Long, Bùi Đường, Nguyễn Minh...
Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn phát biểu trước tiên. Ông nói diễn trình toàn cầu hóa nhiều ngàn năm trước là nhờ đôi chân, rồi tới chiếc thuyền... nên đã đưa khoai lang, giống gà đá từ Đông Nam Á đi lên Trung Quốc, Nga rồi một vòng thế giới, rồi về tới Tân Tây Lan. Bây giờ thì khác hẳn, không chỉ là ảnh hưởûng kinh tế và chính trị như thời xưa, như thời Mông Cổ và Trung Quốc bành trướng muốn xóa sổ các bản địa, và cũng không giống kiểu toàn cầu hóa để thế giới đại đồng như Karl Marx...
Toàn cầu hóa bây giờ là gìn giữ đa văn hóa, thời của hậu hiện đại, thế giới vẫn là bức tranh mosaic, khảm đa sắc, mỗi nước có chuyện riêng của mình.
Hoàng Ngọc tuấn nói, từ lúc VN mở cửa là đã bắt đầu toàn cầu hóa rồi. Đó là diễn trình tự nhiên. Và các dân tộc, các nền văn hóa muốn tồn tại cần thích nghi.
Hoàng Ngọc Tuấn lấy một thí dụ về gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, ông đã gìn giữ dân ca qua cách mới: về phương tiện, thay vì dạy trẻ em mỗi cuối tuần, nhạc dân tộc đưa lên YouTube; Hình thức mới là Việt hóa guitar, với ký âm hiện đại để gìn giữ hồn âm ca. Ông nói, điển hình như Liên Khúc “Hội Trăng Rằm.”
Về phương diện soạn kịch, ông và các bạn nghệ sĩ bên Úc đã mượn sân Chùa Phước Huệ để làm 10 sân khấu kịch, với 10 cảnh khác nhau, với 10 thứ tự kịch khác nhau, do 57 diễn viên cùng lúc diễn kịch, với 10 vị sư tụng Kinh Bát Nhã; kịch này, ông giải thích là dựa theo Mười Bức Tranh Chăn Trâu của Thiền Tông. Lúc đó, 10 cảnh xoay vòng nhau, và khán giả ở các sân kịch sẽ lần lượt nhìn 10 cảnh, nhưng thứ tự khác nhau... một thế giới kịch rất là tân kỳ.
Tiếp theo, GS Nguyễn Hưng Quốc trình bày về tiếng Việt và toàn cầu hóa. Ông nói, các nước đang mở dần biên giới, và Việt Nam cũng không ra ngoài làn sóng này.
Việt Nam thời kỳ sau đổi mới đã chịu nhận ảnh hưởng phần nào về toàn cầu hóa kinh tế, khi mở cửa đón đầu tư và thay đổi phương thức kinh doanh; về giáo dục, cho du học sinh ra ngoaì, và đón các đại học quốc tế vào; về mặt xã hội, dân chúng được gặp du khách, xem phim và nghe âm nhạc quốc tế.
Tuy nhiên, GS Nguyễn Hưng Quốc nói VN vẫn còn là nền “văn hóa làng của thời kỳ tiền hiện đại.”
Ông nói, VN bắt đầu tiếp cận với chủ nghĩa hiện đại từ 1930, nhưng rồi chiến trang và rồi độc tài đã làm ngăn trở, không cho VN hoàn tất hiện đaị hóa xã hội. Ông nói, VN vẫn chưa thực sự quốc gia hóa, và vẫn còn chia cắt nhiều mảnh. Ông kể, năm 1978, khi còn là sinh viên, đi lao động ở Long An, và các SV được dân địa phương đón vào nhà ở trong thời gian công tác.
Tuy nhiên, lúc đó, dân nơi đây không chịu đón dân Miền Bắc vào nhà, với lý do, “Tôi là người Việt, tôi chỉ cho người việt ở thôi.”
Theo GS Nguyễn Hưng Quốc, ảnh hưởng chia cắt là từ Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi thời Pháp thuộc, rồi Quốc-Cộng chia cắt.
Ông nói, ngay cả văn học cũng chưa thống nhất. Nhìn các sách viết ở Hà Nội thì thấy: thời xưa thì chỉ nói văn học kháng chiến chống Pháp, bỏ qua văn học thành thị; văn học Nam/Bắc; văn học VN/hải ngoại...
Ông nhắc về truyện của Sơn Nam, trong đó một người dân Cà Mau được một nhà báo tới thăm dự tính đòi tiền mua báo, 2 người cùng nói về Quốc Văn Giáo Khao thư. Ông cũng nhắc trường hợp Đông Hồ, rèn luyện văn học bằng cáh đọc Nam Phong Tạp Chí. Nhưng ông nói cả 2 trườøng hợp đều cho thấy ảnh hưởng 1 chiều, vì văn học từ Hà Nội tác động vào, mà không có chiều ngược lại.
Ông nhắc về tác phẩm Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan, trong gần 50 nhà văn được khảo cứu chỉ có 3 nhà văn là từ Miền Nam. Thậm chí, theo ông, nhiều nhà văn Miền Bắc còn tin là Miền Nam không có văn học. Gần đây mới phát hiện muộn màng.
GS Nguyễn Hưng Quốc cũng kể về hiện tượng cả nước hầu như đua nhau học Anh văn. Và với tình hình VN vẫn còn văn hóa làng xã, thì toàn cầu hóa đối với VN “là khủng hoảng nhiều hơn phát triển... là chấn thương nhiều hơn khởi sắc.”
Ông nói, tiếng Việt được học nhiều và được tài trợ nhiều như dường chỉ có tại Úc, vì chính phủ Úc có chính sách tài trợ đa văn hóa, trả lương giáo viên, và Đại Học Úc cũng có chương trình dạy Việt văn tới cả 3 năm.
GS Nguyễn Hưng Quốc cũng kể về tác động ảnh hưởng ngoại ngữ vào tiếng Việt. Một thời là mượn tiếng Pháp, như “moi, toi,” và sau này là mượn tiếng Anh, như “you, me” Lý do, là vì tiếng Việt phức tạp, khi phải nói rạch ròi thứ bậc trong làng xã “ba, mẹ, chú, bác, cô dì, anh, chị, bạn, tôi, mày, tao...” thì xưng hô kiểu Pháp/Mỹ là tiện nhất.
Ông cũng nói về những từ mới phát sinh trong nước, như “oải quá, chảnh, hoành tráng, đẹp chới với, buôn dưa lê...”
Ông cũng nói về cách dùng chữ biến nghĩa, như các chữ “vô tư... được/bị.”
Không phải người trong nước không biết là sai, nhưng vẫn cố tình nói, thường phương ngữ mới thịnh hành ở Miền Bắc, mà ít thấy ở Miền Nam.
Ông nói, có vẻ như vì bất mãn ở Miền Bắc sâu sắc hơn, nên chỉ có cách phá cách ở ngôn ngữ. Thậm chí, chuyện tiếu lâm chống cộng lại xuất phát ở Miền Bắc nhiều hơn.
GS Nguyễn Hưng Quốc từng thăm nhà thơ Chế Lan Viên, nghe nhà thơ kể rằng, Cù Huy Cận cho biết công an được Bộ Chính Trị đi sưu tầm chuyện tiếu lâm chống đảng để xem vùng nào chế giễu đảng CSVN nhiều nhất. Các công an lên xe lửa Nam-Bắc ngồi ngày đêm để gạ chuyện nghe. kết quả: xe lửa từ Hà Nội vào Sài Gòn kể nhiều chuyện tiếu lâm chống cộng hơn, còn xe lửa từ Sài Gòn ra Hà Nội có khi chẳng ai buồn nói.
Như thế, có vẻ dân Miền Bắc bực dọc với CS hơn. Bây giờ cũng thế, các trang blog có ngôn ngữ gay gắt nhất với CSVN lại là của các vị trí thức Miền Bắc...
Trong phần hội luận, có giaó sư Lê Chính Long và một số vị lên đặt câu hỏi và nói chuyện.
Buổi hội thảo kế tiếp sẽ có chủ đề:
"Thực trạng và xu hướng của văn học Việt Nam hiện nay" Diễn giả: Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn và Phùng Nguyễn.
Và ngay sau đó là: Chương trình âm nhạc HÁT THƠ TÌNH CỜ gồm những ca khúc của Hoàng Ngọc-Tuấn phổ từ lời thơ của Rabindranath Tagore, Federico Garcia Lorca, Osip Mandelstam, Herman Hesse, Rainer Maria Rilke, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tuệ Sỹ và Phạm Công Thiện.
Do chính tác giả trình bày.
Tại hội trường Việt Báo, Thứ Bảy 11/12/2010. Từ 13 giờ chiều. (14841 Moran St., Westminster, CA 92683). Vào cửa tự do. Xin tới sớm để có chỗ tốt vì số ghế có giới hạn.